Phần 102

Giải mật mối liên hệ Vatican-Maifia 60 năm qua

Nguyễn Văn Lục

Nước Vatican vỏn vẹn có 44 mẫu vuông- một nước có thể không thể nhỏ hơn. Nhưng lại có một thẩm quyền tinh thần và đạo đức hầu như được toàn thể thế giới nhìn nhận. 173 Quốc gia có quan hệ ngoại giao vào năm 2002. Với tất cả các tổ chức Quốc tế đủ loại. Vai trò của Vatican là làm thế nào cân bằng các thế lực chính trị để luôn luôn chứng tỏ tính cách trung lập, đứng trên và đứng ngoài các tranh chấp.

Mà mưu cầu chính yếu là truyền giáo và tập họp được hầu như toàn thể cộng đồng giáo dân trên thế giới thành một khối.

Điều đó hẳn là không dễ và gặp nhiều trở ngại từ mỗi quốc gia lên hệ. Nhất là các quốc gia theo cộng sản. Mikhaii Gorbachev ngay từ khi nắm chủ quyền đã nhìn thấy mối nguy hiểm giữa trục Rome và Pologne. Sự tiên đoán của Gorbachev sau này quả không sai. Vì Giáo hoàng gốc người BaLan đã vẽ lại bản dồ chiến lược cuộc chiến tranh lạnh. Và làm sao người ta có thể đánh giá cho đủ sự liên hệ mật thiết, kín đáo-một liên minh tiền định- giữa TT.Reagan và vị Giáo hoàng người Ba lan đã là cái cớ thúc đẩy mau chóng xô đẩy bức tường cộng sản một cách toàn diện tại Đông Âu?

Giáo Hội đã từng có những lúc khải hoàn ca với: Christus vinci, Christus regnat, Christus imperat.(Chúa đã chiến thắng, Chúa đã ngự trị, Chúa đã dẫn dắt.) Nhưng cũng biết bao lần lãnh nhận tủi nhục?

Đã thế, trong vòng nhiều thế kỷ nay, đã có những dòng họ như Orsini hay Colonna ở Ý sẵn sàng cung cấp cho Vatican những vị Giáo Hoàng hết triều đại này sang triều đại khác. Hầu như không thể có Giáo Hoàng nào không sống ở Rome!!

Và đã có 263 triều đại Giáo Hoàng trải qua 2000 năm Giáo Hội.

Có những triều đại cao cả mà cũng có những triều đại tầm thường, có triều đại làm nên việc lớn, vĩ đại, can đảm mà cũng có triều đại hèn nhát để lại nhiều vết nhơ trong lịch sử giáo hội. Bởi vì một lẽ đơn giản, tất cả không trừ, họ- các vị giáo hoàng ấy- không đến từ Trời mà nổi lên từ trên mặt đất này.

Trong đó có những vị nổi bật một cách khác thường. Có những khuôn mặt khắc khổ, nghiêm nghị như Pio XII, bình dân và giản dị-một ông già to béo cục mịch, vóc dáng trẻ thơ như Giáo Hoàng Jean XXIII. Nét mặt đau khổ như Phao Lồ Đệ VI.

Lại có những trường hợp như Giáo Hoàng Phao Lồ đệ II mà sự có mặt của ông trong một thời gian ở ngôi vị Giáo hoàng đã có thể thay đổi cục diện thế giới. Đó là một Giáo Hoàng mang khuôn mặt con người lôi kéo được mọi người đến với ông qua cách ứng xử đi đến người khác, tạo một uy tín chưa từng có.

Nhưng nói chung, họ đều là servus servorum Dei. Những tôi tớ của Chúa đến để phụng sự Chúa.

Vậy mà bằng cách nào, một tôn giáo như Thiên Chúa giáo với một tầm cỡ thế giới, sức mạnh vuợt ra khỏi ranh giới lãnh thỗ biên cương Vatican lại phải ép mình phải liên thuộc quan hệ với một hệ thống băng đảng tội phạm?

Maifia nói cho cùng chỉ là một nhóm gia đình giới hạn ở miền Nam nước Ý với một đám nông dân nghèo nàn, ít học, nhưng sùng đạo. Và bằng cách nào, tại sao nó lại có một tầm ảnh hưởng quan trọng, liên thuộc qua lại, ảnh hưởng trực tiếp nhiều mặt đến các triều đại Giáo Hoàng ở Vatican?

Nhưng ít ai biết rằng nhóm băng đảng tội phạm này đã xô đẩy nửa triệu người dân vùng Sicile buộc phải rời bỏ quê hương xứ sở đi tìm đất sống nơi khác để tránh những cuộc tranh chấp đổ máu giữa các phe phái quyền lực, tranh dành ngôi vị độc tôn. Việc ám sát giết người xảy ra hằng ngày bằng đủ mọi cách gây một ám ảnh kinh hoàng đến mọi người. Ám sát một cách “nghệ thuật” không để lại dấu vết. Đầu độc một cách tinh vi như một “kiệt tác”. Một maifia đã ngồi tù mà biết rằng số phận mình được tính từng ngày. Y chỉ ăn đồ ăn của gia đình mang vào từ ly cà phê. Lúc nào y cũng nuôi một con vẹt để cho nó ăn trước. Trên kệ đầu giường luôn luôn có một chai dầu Olive vì y tin rằng nếu uống nhầm chất độc, dầu Olive có thể hóa giải.

Nhưng chết vẫn chết. Vì trong liều lượng thuốc Streptomycine để trị lao y uống hằng ngày đã có sự thông đồng của viên dược sĩ. Chỉ trong vài giây uống thuốc, y thấy khác thường thì đã quá trễ.

Kẻ chủ mưu ám sát vẫn có đủ thời giờ để vuốt mắt cho anh, quỳ dưới chân giường cúi đầu thầm lặng cầu nguyện cho linh hồn anh được về với Chúa một cách kính cẩn. Cùng với gia đình, họ còn chăm sóc chuẩn bị hậu sự cho anh từng ly, từng tý. Mộ anh được chôn bên cạnh kẻ thù như một sự kết thúc có hậu và tốt đẹp.

Người Ý vừa thô bạo, vừa có những ý tưởng lãng mạn, kịch tính đến nỗi người ngoài không thể hiểu được.

Và để sống còn, họ phải biết kết nối, phải biết phải quấy, hòa với ai và không với ai. Đó là nghệ thuật biết sống và biết chết.

Độ trung thành đến đâu sẽ được kẻ thù đánh giá số phận một người.

Các gia đình maifia đã móc nối với đảng Dân Chủ Thiên Chúa giáo gần chính quyền và tạo được tính chính thống và hợp pháp từ đó triệt tiêu đảng cộng sản cũng như đảng Xã Hội ở Sicile.

Nhưng phe đảng maifia cũng có lúc phải lặn, im tiếng khi đảng Phát Xít nổi lên.

Đã có nửa triệu người Sicile phải rời bỏ xứ sở ra đi.

Nửa triệu người ấy trôi dạt sang nước Pháp chỉ để làm các công việc hèn hạ như rửa chén bát hay làm phu quét dọn các đường phố dinh thự, các nhà hàng lớn. Số phận những kẻ di dân chạy sang Ba Tây chỉ để làm công việc khai thác rừng. Và những kẻ may mắn nhất chạy được sang Bắc Mỹ và chỉ để làm công cho maifia thuộc gia đình Corleone ở Nữu Ước.

Vatican với 44 mẫu vuông làm thế nào để sống còn trong cái bối cảnh một nước Ý như vậy?

Câu trả lời là Vatican có thể “lớn” về mặt ảnh hưởng uy tín trên toàn cầu, nhưng lại “quá nhỏ” về mặt địa lý và chính trị. Chính trị nước Ý thế nào ảnh hưởng trực tiếp tới Vatican cách này cách khác.

Ý thời thế chiến thứ hai theo phe trục với Mussolini và đảng Phát Xít với phần đông Giáo Hoàng gốc Ý, làm sao thoát ra khỏi những “ảnh hưởng quyền lực” của Phát Xít? Pio XII đã phải đi giây với phe trục Đức-Ý để Rome khỏi bị phá hủy và cứu vãn một số người Do Thái. Sự im lặng ẩn nhẫn của ông nhiều khi trở thành lời kết án cho sự đồng lõa gián tiếp với tội ác.

Nhà độc tài Ý đã từng tương nhượng với Vatican để được sự ủng hộ của Giáo Hội công giáo bằng các thỏa thuận trả lương cho các linh mục. Gửi vào nhà băng Vatican số tiền nhiều triệu đô la để Vatican có thể chi dùng trong nhiều công tác cứu trợ nhân đạo.

Một đất nước mà đa số là tín hữu công giáo thì việc nhà nước trả lương cho các linh mục là một điều xem ra bình thường- quá bình thường là khác và không một ai phản đối.

Việc cho và nhận là việc chính nghĩa, không một ai phản đối! Người ngoài cuộc lấy tư cách gì để phản đối?

Rồi bên cạnh đó có phe đảng Maifia- một sản phẩm đặc thù của một số dân vùng phía Nam nước Ý! Chính cái nghèo, cái bất công tại miền Nam nước Ý đã đẻ ra một sản phẩm tên là maifia.

Cho nên, tìm hiểu một số triều đại Giáo Hoàng thì không thể không tìm hiểu Phát Xít Đức và Maifia

Sơ lược tổ chức và hoạt động của Maifia và quan hệ với giáo hội công giáo

Có thể nói thẳng là Maifia là một tổ chức băng đảng tội phạm mang nhiều ấn tín xã hội và công giáo nhất. Đó là một điều lạ chỉ xảy ra ở Ý, dù sau này Maifia có mặt ở Nữu Ước thì cũng không trọn vẹn mang tính chất Ý.

Cũng thế, đảng Phát Xít của một Mussolini khi hưng thịnh vẫn phải có những tương nhượng với nhà thờ công giáo như một thỏa hiệp hai bên cùng có lợi. Nhưng đến lúc nó ở giai đoạn thoái trào, một lần nữa, nó lại cần có sự can thiệp của Hồng y Schuster- như một người trung gian của tình thế lúc bấy giờ- giữa Phát Xít và các đảng phái. Hồng y-Tổng Giám Mục cho người ta có cảm tưởng nay ông đang ở thế mạnh như một kẻ chiến thắng điều xấu.

Đó là ngày 25-4-1945. Tòa Tổng Giám Mục dọn một phòng dành riêng cho Mussolini để ông trú ngụ tránh mọi sự tức giận của dân chúng cho đến khi quân dội Đồng Minh đến và Hồng y sẽ nộp ông cho họ! Giả như ông cứ ẩn trốn trong tòa Tổng Giám Mục thì số phận ông sẽ ra sao?

Câu chuyện đã xảy ra khác hẳn và đem đến một kết quả về cái chết quá tàn bạo cho Mussolini- ông bị xử bắn và cùng với một số đồng chí của ông 18 người- sau khi bị thảm sát còn bị treo ngược cho dân chúng coi.

Những sự nhịn nhục “lép vế” với đảng Phát Xít trước đây qua trung gian vị giáo chủ nay không còn nữa. Vai trò đã đảo ngược. Nay vị giáo chủ sẽ ở vị thế chuyển giao quyền lực trao cho các đảng phái thân cận với đồng minh và vai trò loại bỏ sự cấu kết của đảng Phát Xít với Hitler.

Hình như lúc nào Giáo Hội cũng có thể đóng một vai trò thế tục mà sự linh hoạt, sự khéo léo, tài ngoại giao, kinh nghiệm quá khứ lịch sử lúc nào cũng giúp Giáo Hội tránh được những hậu quả khốc liệt của thời cuộc. Kẻ thắng hôm nay có thể là kẻ thua cuộc trong tương lai, cân đo, lượng giá được các thực lực trước mắt là sự khôn ngoan của một người lãnh đạo- ngay cả lãnh đạo tôn giáo-.

Nhưng khi Hitler thua bỏ chạy thì đám áo đen Phát Xít Ý chỉ còn là những con bài tẩy vô tích sự. Con số vài chục ngàn người đến giờ nay thu gom lại không chắc có được vài trăm người. Họ đã bỏ trốn hết khi thấy tình thế Đức bỏ rơi Mussolini.

Trong lúc chờ đợi thương lượng giữa Mussolini và các lực lượng nổi dậy tại Tòa Giám Mục. Hồng Y giáo chủ đã khơi gợi quá khứ và chê trách gián tiếp Mussolini. Mussolini đã cúi đầu im lặng ngồi nghe sự trách cứ của vị Hồng y giáo như “một con chiên ngoan đạo”!!

Người Ý-dù là một tướng cướp- trước sau vẫn là một tín đồ ngoan đạo!!!

Vai trò Mafia và hệ thống quyền lực của họ

Trước 1975, dân miền Nam VN thường chỉ nghe nói và biết về Mafia qua cuốn Godfather của Mario Puzo do Ngọc Thứ Lang dịch.

Cái biết đó ngày nay nhìn lại thấy hẳn là hời hợt.

Maifia trong truyện xảy ra ở Nữu Ước thì không “thuần chủng” như Maifia ở Sicile bên Ý. Ý mới đích thực là quê hương của Maifia. Đã thế, phần lớn nội dung câu chuyện “ Bố già” chỉ là câu chuyện giả tưởng và hư cấu của gia đình Vito Corleone ở Nữu Ước. Một thứ maifia xuất khẩu mang tính giang hồ, chủ nghĩa anh hùng cá nhân nhiều hơn chứ không phải một thứ maifia như có gốc rễ, có thứ văn hóa riêng của nó và một nếp sống, nếp nghĩ, nếp hành động rất Ý được người dân quê Ý kính nể và hãnh diện như tại Sicile.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, cái thành công của Mario Puzo là biến bố già thành một con người dù tàn độc trở thành “chấp nhận được” với cá tính biết phải quấy, tàn độc mà vẫn độ lượng khi cần rất gần gũi tâm tình người dân Ý, nhưng lại rất mới lạ và gây sự tò mò đối với dân Bắc Mỹ Châu còn xa lạ.

Tác phẩm được chuyển sang tiếng Việt còn có một cái tên rất lôi cuốn là: Bố Già.- năm 1971- Nó đã làm nên tên tuổi tác giả Ngọc Thứ Lang- một tay làm báo lang thang, vào đời sớm, học hành dở dang thêm nghiện ngập.

Nó trở thành cuốn sách dịch lôi cuốn nhất, ăn khách chẳng thua gì so với các dịch giả đương thời như Quỳnh Dao với tác phẩm đầu tiên là Song Ngoại(Bà có khoảng 60 đầu sách dịch ở miền Nam) cũng như các dịch giả dịch Kim Dung một thời(với 14 đầu sách dịch).

Tuy nhiên, Bố Già trong truyện và Bố Già ngoài đời không phải là một.

Bởi vì, người đọc bị mê hoặc với cung cách sống và hành xử mang tính giang hồ, ngang dọc, đầy anh hùng tính của Bố Già. Trong khi Bố Già ngoài đời chỉ là một băng đảng tội phạm có tổ chức, gây đủ thứ tội ác.

Vì thế, chính tác giả Mario Puzo, khi xét về nội dung tác phẩm, ông không hài lòng về tác phẩm mặc dù nó đem lại cho ông nhiều tiền bạc và danh vọng. Sự thành công có được của The Godfather là nó đã được chuyển tải thành Film. Cũng như thơ mượn nhạc để bay bổng thì truyện tiểu thuyết nhờ điện ảnh trở thành nổi tiếng mà không nhất thiết chuyển tải được nội dung của truyện.

Có lẽ vì thế, muốn hiểu thực sự về sư liên đới cấu kết giữa Vatican và Maifia thì nên tìm đọc trong cuốn Le Sicilien của tác giả.

Mối liên hệ giữa Vatican và Maifia

Những mối liên hệ cấu kết giữa hàng Giáo phẩm- những chức sắc giáo hội được coi là Người của Giáo Hội được viết hoa như một danh từ riêng (Hommes d’Église) trong nhiều thập niên liên kết với những người của danh dự (Hommes d’honneur) của nhóm Maifia là một liên kết giữa đời và đạo, giữa những người đồng xứ sở, cùng gốc gác, giữa những nét tôn giáo văn hóa đặc thù với những lễ nghi của một vài tỉnh phía Nam nước Ý, giữa chính trị và cơ cấu tổ chức chánh quyền cũng như giáo quyền, giữa thực tế và lý tưởng, giữa lương dân nghèo bị bọn giàu chủ đất bóc lột với dân anh chị ra tay cứu đời.

Cái thiện cái ác đan xen vào nhau mà đôi khi giết người được coi như cứu cánh, lấy cái ác diệt cái ác để đạt thiện.

Cho nên không lạ gì, nhiều khi có một sự im lặng đồng lõa(omerta) giữa tôn giáo và các tổ chức tội phạm. Im lặng có thể để giữ bí mật. Có thứ im lặng để được yên thân. Nhưng trên tất cả, sự giữ im lặng được coi như một thứ vinh dự của một người không hèn nhát, không đứng ra tố cáo những kẻ liên hệ. Có một thứ văn hóa lấy vinh dự làm đầu và sự im lặng được coi là một phẩm cách đạo đức.

Người ngoài cuộc làm sao thấm đẫm được thứ văn hóa Ý đậm chất giang hồ hào kiệt phân biệt bạn và thù một cách rành rọt vượt trên cả những thẩm quyền đạo đức và tôn giáo. Là một người Ý đích thực trước khi là một tu sĩ, một linh mục. Trong linh mục có chất mì Ý mà đời tu luyện dù chiêm nghiệm bao nhiêu cũng không xóa bỏ gốc gác Ý được.

Trong cái bối cảnh ấy, hàng giáo phẩm từ những linh mục coi xứ đến những thẩm quyền cao cấp tại Vatican đã -không dám nói tất cả- có những cá nhân có những liên hệ đồng lõa với “ những người của danh dự” như Cosa Nostra hay Camorra từ khi thế chiến chấm dứt.

Vì thế, người ngoài cuộc như người viết bài này cảm thấy không đủ tư cách gì để “ bóc trần” câu chuyện, càng không thể đứng ở vai trò nguyên cáo.

Cùng lắm chỉ là nhìn lại đã có một thời kỳ như thế-một thời kỳ độc nhất đã xảy ra tại nước Ý với Vatican-và đã đến lúc giai đoạn đó phải có một hồi kết thúc.

Muốn hiểu rõ thêm nữa, có lẽ cũng cần đọc thêm cuốn The Fortunate Pilgrim của tác giả.

Càng tìm đọc, người ta thấy rõ ràng có một mối liên hệ gắn bó hữu cơ về quyền lợi và thế lực chính trị với tôn giáo, rồi về văn hóa,về tiền bạc và an ninh nhân danh phúc lợi cho giáo xứ, cho làng xã cứ dần dần hình thành theo thời gian đến trở thành một thứ văn hóa cấu kết giữa đạo đời trở thành một thực tế như một thứ “ăn chia, biết phải quấy tập thể”.

Không ai nghĩ và cũng không dám nghĩ đó là đồng lõa với điều xấu.

Ở trong cái bầu khí như thế, trong cái rọ như thế có những liên hệ ràng buộc về địa lý, nơi chốn, kỷ niệm tuổi trẻ, gốc gác gia đình dòng tộc bà con anh em..Không dễ gì để thoát ra được. Đừng ai nói hay khi chúng ta ở trong một hoàn cảnh tương tự!!

Và nếu dứt dây là động rừng. Tố cáo một maifia thì điều đó có nghĩa tố cáo sự liên đới trách nhiệm của linh mục, giám mục và ngay cả những người của Giáo hội nằm ở cơ cấu quyền lực cao nhất là Vatican. Và chính ở chỗ này là yếu điểm, là căn nguyên cội nguồn của điều xấu đã được che chở và tồn tại qua thời gian- không phải một năm mà trên 60 năm có lẻ.

Điều này cũng giúp người có chút hiểu biết nghĩ xa gần đến các thực tế tế trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay giữa nhà nước chính quyền và hàng giáo phẩm từ trên xuống dưới..Có một sự đồng lõa nào đó mà người ngoài không biết được-không thể biết và cũng không nên biết.

Nhân danh phúc lợi của giáo hội, của nhà xứ, của địa phận, người ta có thể lùi một bước cách này cách khác tiếp tay với bạo lực chính trị, với chính quyền địa phương để im lặng trước những bạo hành như cướp đất, cướp tài sản của dân chúng hay của giáo hội, dòng tu.

Vì thế, câu chuyện Mafia trình bày dưới đây là câu chuyện thật, người thật trở thành một vết đen nhơ nhuốc mỗi khi nhắc đến bọn Maifia hùng cứ ở phía Nam nước Ý.

Như các dòng họ Camorra ở Naples, Cosa Nostra ở Sicile và ‘Ndrangheta ở Calabre. Đây là những dòng họ nổi tiếng đã một thời khuấy đảo xã hội Ý và tạo thành những thế lực đáng nể- nó không thuần là những đảng cướp- nhưng cũng có nghĩa là những thành phần đứng bên ngoài pháp luật và nhiều khi đứng trên cả pháp luật.

Sự gắn bó như một thứ “ lịch sử” là giữa hai bên kể từ sau thế chiến hai là do cả hai bên có chung một mục tiêu, một kẻ thù chính trị chung: Đó là Đảng cộng sản.

Cái chết của nhà độc tài và sự ló đầu xuất hiện của Đảng cộng sản đưa đến sự cấu kết giữa Vatican và Maifia.

Sau khi Phát Xít Ý dưới thời Benito Mussolini hoành hành suốt hơn 20 năm mà như lời tuyên bố của Mussolini tuyên bố ngày 20 tháng ba-1945 như sau:” Không ai có thể xóa bỏ được 20 năm lịch sử của chủ nghĩa Phát Xit tại nước Ý” (Nul ne pourra effacer vingt années de fascisme de l’histoire de l’Italie. Xem thêm cuốn André Brissaud. Mussolini. Hai tập: La Folie du pouvoir. L’agonie au bord des lacs).

Giáo hội- qua Vatican- đứng ở chỗ nào trong tình thế này?

Sau khi Mussolini bị xử bắn một cách rất kịch tính kiểu Ý Đại Lợi- bị giết một cách bí mật cùng với những kẻ có liên hệ đều bị hành quyết- do một “ Ủy Ban Hành dộng” (người của cộng sản) thực hiện tại Villa Belmonte. Nơi trú ngụ cuối cùng của nhà độc tài. Nơi này rất gần biên giới với Thụy Sĩ-chỉ cách khoảng 20 cây số mà không hiểu tại sao nhà độc tài không chịu chốn sang Thụy Sĩ? Rồi đã có những móc nối trực tiếp với tòa Đại sứ Anh và Thủ tướng Anh đã hứa đưa nhà độc tài đến nơi an toàn

Vậy mà tất cả những điều ấy đã không xảy ra mặc dầu nhà độc tài có thừa thời giờ và phương tiện trốn ra nước ngoài một các an toàn. Hơn nữa, trong danh sách để phải truy lùng các tội phạm của đồng minh, nhà độc tài đã không có tên trong danh sách đó và nếu sau này có phải ra trước tòa án, ông vẫn có thể tránh được án tử hình.

Cái chết đau thương của ông tất cả trách nhiệm đổ lên đầu bọn cộng sản Ý.

Cho đến bây giờ, có đến ba bốn nhân chứng kể lại câu chuyện này. Có thể kẻ sát nhân chính là “ Valerio”- tên đầy đủ của hắn là Walter Audision, tự là “đại tá Valerio” trên một chiếc xe Fiat 1100 đã đến thi hành việc giết nhà lãnh tụ độc tài rồi dẫn đến một nông trại nhỏ De Maria, rất khuất nẻo. Họ đã đến phòng ngủ của Mussolini và người tình nhân của ông Clara Pettaci- không một người bảo vệ- để dẫn độ ra xe.

Khi gặp Mussolini, Valerio đã nói: Tôi đến đây để bảo vệ ông, rồi y thúc dục nhà độc tài và người đàn bà phải đi ngay. Khi đến nơi hành quyết, Valery ra lệnh cho Mussolini, chùm kín mặt với cái mũ nồi của ông. Việc hành quyết xảy ra cực kỳ nhanh chóng, nhà độc tài giữ im lặng chỉ có người phụ nữ la lối om sòm. Sau này, khám tử thi, nhà độc tài bị bắn trực diện, cách khoảng 1 mét 50 bằng 9 viên đạn.

Tử thi của bà Clara Petacci sau khi bị vứt lên xe camion chở về Milan thì một “ cán bộ” dựt một sợi dây chuyền trên cổ có đeo một cái ổ toàn bằng vàng. Mở cái ổ đó ra, người cán bộ thấy một bức hình nhỏ Mussolini và những hàng chữ ghi: 24-4-1932. Clara io sono te tu sei me, Ben.24-4-1941.

Clara, anh là em và em là anh, Ben” (Trich André Brissaud, Ibid, trang 372).

Valerio đã làm nên lịch sử nước Ý bằng một cuộc thảm sát không tiền kháng hậu. Nhiều người Phát Xít trước khi chết như trường hợp Barracu đã hướng đầu về phía những kẻ hành quyết và hô to: Viva Italia! Viết đến đây, tôi không thể nào không liên tưởng đến cuộc Cách mạng tháng tám của Việt Minh. Cũng việc thủ tiêu ám sát các người Quốc Gia. Cũng âm mưu cướp chính quyền. Cộng sản Ý hay cộng sản Việt Nam thì cũng vẫn là cộng sản cùng học một sách.

Dân chúng Ý đến xem chung quanh đã đứng chết lặng!

Tôi nghĩ xa hơn, thay vì chúng ta có các đảng phái Quốc Gia như Quốc Dân đảng, Đại Việt. Nếu chúng ta có một băng đảng cướp như maifia thì cục diện Việt Nam có thể đã khác chăng?

Trên đường đi về Mi Lan, nay chở tổng cộng 18 xác chết và bị chặn lại bởi một ổ kháng chiến của nhóm nhân dân dân chủ- Thiên Chúa giáo. Nhóm này tước khí giới của bọn Valery(quân giải phóng cộng sản) và rất may, số phận của Valery đã không giống 18 xác chết trên xe của y sau một thời gian rất lâu thương lượng..

Cuộc hành trình về đến Mi Lan chấm dứt. Bọn người của Valery đã vứt 18 xác chết đó xuống đường dưới trời mưa gió một cách dã man..

Và đó là những cái chết tàn độc như những con súc vật sau thế chiến.

Một người đàn bà Ý có thù với Phát Xít Ý giết gia đình bà. Bà la hét và phỉ nhổ trên các xác chết. Thế là một đám đông hùa theo biến thành cuộc “ cách mạng” của nhân dân và sau cùng các xác chết còn bị treo ngược trong đó có xác của nhà độc tài và người tình của ông.

Ít ra thì họ cũng được chết bên nhau.

Các cuộc “cách mạng” cũng thường được diễn ra một cách tương tự như việc cướp chính quyền ở Hà Nội, cũng như câu chuyện sau 1975.

Lịch sử xảy ra chỉ một lần vì không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông. Nhưng mặc dầu vậy, có những sự giống nhau đến lạ mà không cắt nghĩa được.

Sau đó diễn tiến những cái chết rất kỳ bí của một số người từng có liên hệ với nhà độc tài như: Linio (Giuseppe Frangi) chết vì bất cẩn khi xử dụng một khẩu liên thanh. “ Neri” thì biến mất vào ngày 7-5 sau đó người ta tìm được xác của y trong một cái hồ. Ngày 23-6, tình nhân của Neri, “ Gianna” bị giết trong điều kiện không cắt nghĩa được. Đến bạn gái thân thiết của Gianna- Anna Maria Bianchi bị chết trong một tai nạn xe hơi, tại Côme. Đến bố của Anna-Michel Bianchi- cũng bị giết với hai phát đạn bị bắn vào đầu.

Đọc đến đây, tôi nghĩ đến cái chết của Khái Hưng tại một bến đò trên đường lánh nạn cộng sản? Ôi cái chết của những con người chân thật và bị trả giá quá đắt.

Điều kỳ lạ là Michel Bianchi là cán bộ cộng sản chủ chốt ở Côme.

Trong vụ hành quyết những người có liên hệ đến những người của Mussolini. Linh mục Accurso Farrari, sống tại một tu viện gần đó đã được gọi đến dinh xã trưởng để làm những nghi thức tôn giáo cuối cùng cho những người sắp bị hành quyết. Vị linh mục xin được gặp từng người. Nhưng “ đại tá” Valerio đã không cho phép và chỉ cho được gặp chung trong 3 phút. Sau đó, Valerio đã thi hành lệnh xử bắn.

Trong đó, Valéry đã nói một câu mà tôi thấy cần thiết phải ghi lại ở đây- một câu bộc lộ bản chất của cộng sản thứ thiệt: “Hoặc là người cộng sản, hoặc là không”. (On est communiste, ou on ne l’est pas )Trích dẫn như trên, trang 369).

Đến đây thì người ta có câu trả lời rõ rệt. Ai là người đã giết nhà độc tài? Không ai khác hơn là người của đảng cộng sản Ý. Việc tàn sát các thành viên của nhà độc tài đã đưa đến rất nhiều cuộc thanh trừng đẫm máu xét ra không cần thiết ngoài tầm kiểm soát của quân đồng minh.

Người dân Ý hẳn phải có thái độ! Thái độ ấy phản ảnh qua các đấng bậc trong giáo quyền. Giáo quyền nay biết rõ ai là kẻ thù chính và nguy hiểm của giáo hội.

Cộng sản Ý hay cộng sản nói chung đều là như thế chăng?

Danh sách hơn 18 người bị hành quyết. Họ phần đông là những Bộ trưởng, thanh tra chính phủ, sĩ quan ngay cả nhà báo.

Những kẻ còn sống sót thì đều giữ im lặng một cách dễ hiểu hoặc giải thích khác nhau về sự việc. (Xem André Brissaud, Musolini, trang 355)

Cái chết của nhà độc tài là cơ hội để đảng cộng sản Ý xuất hiện và hành động trong lúc tranh tối tranh sáng này.

Khoảng trống chính trị ấy đã giúp cho đảng cộng sản Ý ló mòi và xuất hiện. Gíáo Hội nhìn thấy mối nguy hiểm về cộng sản vô thần như một thứ hiểm họa đỏ (Péril rouge)đụng chạm đến sự sống còn của các giáo điều của công giáo nên việc cấu kết với một vài băng đảng là một điều xấu cần thiết. Một thứ chẳng đặng đừng.

Sự cấu kết giữa Vatican và Maifia là điều chẳng đặng đừng

Đã thế, những người của Maifia đã đóng trọn vẹn hai vai trò băng đảng tội phạm và người công giáo thuần thành cùng một lúc. Giết ai cũng được, nhưng không được giết các linh mục. (Trên thực tế, điều này cũng không tránh khỏi). Giữa cộng sản tàn độc và maifia, giáo hội nghiêngvề phía sự tàn độc của Maifia là điều chẳng đặng đừng. Chọn điều ít xấu hơn phải chăng là thế gian thường tình?

Họ- băng đảng maifia- vừa là những người công giáo thuần thành, sáng tối nhà thờ, kinh hạt, tham dự đầy đủ các đám cưới, đám hỏi, đám ma, đám rước cho đến sinh hoạt họ đạo.

Họ đều có mặt và đóng góp tích cực hơn ai hết.

Trong cuốn Le Sicilien, Salvatore Guiliano vừa tàn độc, giết người không gớm tay, nhưng lại rất rộng rãi cống hiến tiền của mình cướp được của bọn giàu, bọn chủ đất và phân phát phần lớn của cải cướp được cho những người nghèo.- Một thứ Robin des Bois- mang nhãn hiệu Ý.

Ông trở thành một người đáng quý trọng nhất, can đảm nhất, một thứ Sicilien chính hiệu mà người ta có quyền hãnh diện.

Danh dự là trên hết và không để ai làm nhục mình.

Đó là con người của danh dự, biết quý trọng và bênh vực đồng loại, đứng về phía người cùng khốn chống lại sự bóc lột của bọn giàu có. Guiliano còn cho phép nạn nhân của y có thời giờ đọc kinh đền tội trước khi chết.

Những linh mục như cha xứ Benjamino không cảm thấy bối rối khi có những liên hệ chặt chẽ với giới tội phạm. Nhiều kẻ xấu miệng còn truyền tai nhau là linh mục còn tiết lộ những lời “ thú tội” trong Tòa giải tội cho bọn Maifia. Cũng như Thanh tra Velardi có thể có mặt, ngồi cùng bàn với những tay tội phạm để tìm cách làm cánh nào “gỡ rối” cho Salvatore Guiliano trốn được sang Mỹ Quốc mà không bị đem ra xét xử tại tòa án Ý.

Về phần vợ con của bọn người Maifia, họ đều là những người đàn bà đạo hạnh xưng tội, rước lễ như những người công giáo thuần thành. Họ đã biến tất cả các tội ác của họ trở thành những tội ác đã được tha thứ, được xóa trắng nhờ sự cúng dâng tiền bạc khi họ tham dự tích cực vào các sinh hoạt tôn giáo. Nói cho rốt ráo, họ nghĩ rằng có thể mua chuộc được thần thánh, nhà thờ, cha xứ nhờ những đồng tiền-máu mà họ kiếm ra được.

Vì thế, ngay cả khi chết họ được hưởng tất cả các nghi thức tôn giáo như lễ cầu hồn, làm phép xác, chôn cất tại nghĩa địa công giáo. Họ sống tốt đạo, đẹp đời!!!

Một tay, họ dùng súng giết người, tay kia là cuốn sách lễ.

Sự trộn lẫn thần quyền và tội ác không phải chỉ tạo ra một thế lực, mà phải nói một thứ văn hóa xã hội tôn giáo chỉ có thấy được ở nước Ý. Người ta có thể không thể hiểu hết được mối dây liên hệt thần quyền-thế quyền đã ăn sâu vào tâm thức người dân Ý nghèo nàn, ít học của các vùng phía Nam nước Ý..

Ở phạm vi cá nhân, nhiều tên Maifia có nhà nguyện riêng, để tượng Đức Mẹ tôn thờ ngay trong những nơi ẩn nấp kín đáo của họ như một sự phù trợ cho họ.

Đó cũng là trường hợp của Pietro Aglieri vào năm 1977 khi người ta khám xét nhà ông này. Ông vốn là một cựu chủng sinh nên khi khám xét nơi ông ở có một nhà nguyện nhỏ, có ghế quỳ đọc kinh, có sách thánh lễ và ngay cả có một vị linh mục thường đến nơi này cử hành thánh lễ cho ông trùm Maifia mỗi ngày.

Ông linh mục cũng bị bắt giam, nhưng sau được thả ra.

Cho nên, gia nhập vào đảng Maifia là cùng một lúc trộn nhập lẫn lộn cái thần quyền và thế quyền, giữa một liên minh mang tính sắt máu và mùi đạo, giữa khẩu kalachnikov và que vẩy nước thánh.

Vụ tai tiếng của Giám Mục Paul Casimir Marcinkus.

Trong một bài viết nhan đề: Sous le règne de Jean Paul II, la “ Sancta Mafia”, ra ngày 5-6-2012, tác giả André Lefebvre có đề cập đến vụ bê bối của Giám mục Paul Casimir Mar cinkus, chủ tịch nhà băng của Vatican FIOR.( Institut pour les oeuvres de religion). Ông giữ chức vụ này từ 1981-1984.

Giám mục này được coi như đứng hàng thứ ba quan trọng trong giáo triều Vatican, chỉ sau Giáo Hoàng và Quốc Vụ Khanh của tòa Thánh. Giám Mục Casimir Marcius có trách nhiệm chính trong vụ phá sản của nhà băng Bancio Ambrosiano De Roberto Calvi- một vụ tai tiếng vừa chính trị-tài chánh- liên quan đến một vài nhân vật khác như Michele Sindona và Licio Gelli cũng như những liên hệ của vị giám mục-giám đốc ngân hàng Bancio Ambrosiano ở ngoại quốc đặt cơ sở tại tại Nassau ở Bahamas. Nơi đây được coi như thiên đàng của chính sách trốn thuế khóa. Nhà băng của Vatican không thật sự là một nhà bằng đúng nghĩa của một nhà băng bình thường, vì một lẽ nó không có cổ đông.

Mục đích của nhà băng Vatican là nhằm các hoạt động tài trợ tôn giáo và làm từ thiện.

Cũng chính vì tránh được các thuế khóa nên đã nhiều lần nhà băng trở thành trung tâm của các vụ tai tiếng, trong đó có vụ phá sản nhà băng Ambrosiano mà thủ phạm là Michele Sindona, một trong những người cố vấn tài chánh của nhà băng. Ông này trách nhiệm về những tài khoản tiền bạc ra vào của nhà băng, trong đó có những vụ rửa tiền của các băng đảng ma túy. Cụ thể có vụ liên hệ trực tiếp với gia đình Gambino..

Năm 1978, khi vừa lên ngôi Giáo Hoàng. Giáo Hoàng Jean-Paul Đệ nhất đã chỉ thị cho Quốc Vụ Khanh Toà Thánh mở cuộc điều tra. Chỉ 33 ngày sau khi đắc cử Giáo Hoàng, dư luận cho rằng cái chết của ông có liên quan đến việc phát hiện ra vụ tai tiếng tiền bạc của nhà băng Vatican.

Cũng xin mở ngoặc để nói thêm về vụ này cho rõ.

Năm 1978 là năm có ba vị Giáo Hoàng kế tục nhau liên tiếp. Ngày 26 tháng 8-1978, Giáo Hoàng Jean-Paul I kế vị Giáo Hoàng Phao Lô VI. Nhưng chỉ 33 ngày sau, ông chết vào ban đêm. Chết tự nhiên? Dư luận đồn thổi có sự đầu độc. Giáo Hoàng chết trên giường? Ai là người phát hiện đầu tiên?

Thói quen thông thường của Vatican là che dấu tất cả- không có giải phẫu xác chết lại càng gây tò mò cho những kẻ đầu cơ dư luận.

Như trường hợp tác giả David Yallop. Ông đã thu lượm tất cả mọi chi tiết khả thể là có đầu độc để dựng lên một vụ âm mưu được xuất bản 5 năm sau đó. Cuốn sách trở thành bán chạy nhất. Việc đầu cơ cái chết của Giáo Hoàng trở thành một vụ đầu cơ dư luận với giá rẻ nhất với nhiều giả thuyết và vu khống, trong đó có cả việc vu khống hồng y Jean Villot, Quốc Vụ Khanh tòa thánh là người chủ mưu vụ đầu độc. Thực tế, Hồng y Jean Villot có sự không đồng thuận với vị tân Giáo Hoàng. Nhưng từ đó suy đoán ông chủ mưu sát hại Giáo Hoàng lại là một chuyện khác.

Phải đợi 20 năm sau, nhân dịp kỷ niệm 20 năm cái chết của Giáng Hoàng. Sự thật mới được tiết lộ công khai mà một nhân vật chính, kẻ tự nhận là đã chứng giám cái chết đã thú nhận là có sự gian dối đồn thổi trong những lời công bố cách đây 20 năm.

Trong một cuộc phỏng vấn trên đài RAL truyền hình Ý vào tháng 9 năm 1998, thư ký riêng của Giáo Hoàng lúc bấy giờ là Đức Ông John Magee, một người Ái Nhĩ Lan, sau này trở thành Giám Mục khi trở về Ái Nhĩ Lan đã tuyên bố: “Sự thật, không phải tôi là người khám phá ra cái chết của Giáo Hoàng, nhưng chính là sơ Vincenza, một sơ giúp việc dọn dẹp riêng cho Giáo Hoàng.”(En fait, ce n’est pas moi qui est trouvé le Pape mort, mais soeur Vincenza, la religieuse chargée du ménage.”( Trích Crista theo chú thích ở dưới) Nói cách khác, thông tin mà tòa thánh tiết lộ cách đây 20 năm là không đúng sự thật. Lý do rất giản dị là Vatican không muốn tiết lộ thú nhận có một người đàn bà lại có thể tiếp cận phòng ngủ riêng của Giáo Hoàng.

Câu chuyện đơn giản chỉ là thế.

Vatican rơi vào tình trạng hốt hoảng và không có một chuẩn bị cho trường hợp một cái chết đột ngột như thế nên để cho dư luận tự do đồn thổi. Sau này, gia đình của cố Giáo Hoàng đã phàn nàn là đáng nhẽ cần có một cuộc giải phẫu xác chết để tìm ra nguyên nhân cái chết trong trường hợp này thì Vatican đã không làm. Sau này có sự tìm hiểu đích xác tình trạng sức khỏe của Giáo hoàng trước khi chết, trái lại với mọi tin đồn, thì đây chỉ là một cái chết tự nhiên của một người lớn tuổi có thể xảy ra cho bất cứ ai. ( Xem thêm Crista Kramer Von Reisswitz. Faiseurs de Papes, trang 11-12)

Phần Giám mục Casimir Marcius bị coi là đồng lõa trong vụ phá sản của nhà Băng Vatican được định giá là thiệt hại khoảng 3 tỉ rưỡi đô la. Tuy nhiên, cả Gelli và giám mục Marcius đã không bị đưa ra tòa án ở Ý.

Phần chủ tịch nhà băng Ambrasino Roberto Calvi thì kém may mắn hơn.

Người ta tìm thấy xác của ông này bị treo cổ ngày18-6-1982 tại dưới chân cầu Black Frias tại Luân Đôn. Bá cáo về cái chết được coi là một vụ tự tử. Nhưng ngày nay thì câu chuyện đã được minh bạch hơn về cái chết của Calvi là do sự chỉ đạo của nhóm Cupola, Maifia ở Sicile.

Mối liên hệ- trục của điều xấu- trong giáo quyền

Trong một bài viết của Paul L. Williams nhan đề: Les dossiers noirs du Vatican: l’argent, le crime et la maifia dans l’église catholique. (Hồ sơ đen của Vatican: tiền bạc, tội ác và băng đảng Mafia trong giáo hội công giáo).

Ông cho hay có khoảng 50 tỉ đô la trong dự trữ của nhà băng Vatican, chưa kể dự trữ vàng cũng như tài sản như nhà cửa có thể vượt trội nhiều tài sản của nhiều quốc gia cũng như nhiều lâu đài dinh thự tồn trữ các tác phẩm nghệ thuật.

Sự giàu có của Giáo Hội thật lớn lao. Có ai đủ bằng cớ và can đảm để đặt câu hỏi: tiền của ấy ở đâu mà có?

Và đây là một vài bằng cớ.

Vào năm 1929, giáo hội ở bên bờ sự tàn tạ sau chiến tranh thế giới. Chính vì vậy, Giáo Hoàng Pio XI đã ký một thỏa ước với nhà độc tài Phát Xít Benito Mussolini. Theo thỏa ước này thì Vatican sẽ hỗ trợ nhà lãnh đạo Phát Xít và để bù lại, Vatican nhận được 90 triệu đô la với tư thế một quốc gia có chủ quyền. Như đã nói ở trên, các linh mục đều được nhà nước trả lương tháng.

Còn đối với bọn Maifia, người ta thấy Vatican và Maifia cùng tiến bước tay trong tay. (Église et Maifia avancent main dans la main).

Tháng 7 năm 2012, trong vụ xử án Francesco Pesce, một ông trùm Maifia dính dáng đến nhiều vụ giết người cũng như việc buôn lậu ma túy, giám mục tại Ascone đã công khai tuyên bố mối liên hệ tình bạn của ông với trùm Maifia là “ người của danh dự và đáng tín cẩn” và cho rằng việc kết án Francesco Pesce là một bản án sai lầm.

(Trích trong bài viết của phóng viên Espresso Giovanni Tizian có tựa đề Un Pape, des curés et la maifia, 11-tháng giêng- 2014, có sửa đổi lại 20 juin-2017)

Một cách nào đó, họ đã chẳng những hợp thức hóa các hành vi tội ác của họ mà còn biến nó trở thành những “ nghi thức tôn giáo” đáng kính nể. Nhưng thực tế, đó chỉ là thứ đạo nghĩa bề ngoài, thứ “che mắt thế gian” mà bên trong là một thứ đảng cướp giết người mà sự tha thứ (le pardon) chỉ chứng tỏ một sự yếu đuối, hèn nhát.

Còn có những người của giáo hội có can đảm chống lại bọn Maifia

Tuy nhiên, không phải linh mục, giám mục nào cũng ngả theo bọn maifia. Theo linh mục Filippo Di Giacomo, chủ bút tờ Venedi Republicardi cho hay đã có khoảng 15 linh mục bị sát hại trong những năm gần đây chỉ vì chủ trương chống lại bọn maifia.

Phần Tổng Giám mục Bregantini ở địa phận Campobasso, ông đã bày tỏ lập trường của giáo hội công giáo chống lại bọn maifia ở Ý. Ông đã tổ chức những buổi gặp gỡ về thảm trạng bị tuyệt thông và sức mạnh của lòng thương xót. Khi đến thăm một nhà tù ở Molise, ông tuyên bố: “ Giáo Hoàng Francois tuyên bố nếu chúng ta tìm đến Chúa thì Chúa sẽ tiếp đón và tha thứ..” Nhờ những lời tuyên bố chỉ dạy của Giáo Hoàng đã thức tỉnh nhiều maifia tại nhà tù Larino.

Bên cạnh sự thách thức và đối đầu tuyên chiến trực diện với maifia của giáo hoàng Francis, còn có những linh mục bình thường đi theo bước chân của ngài.

Như trường hợp linh mục Rigobert Elangui, gốc Phi Châu Congo.

Trước khi GH Francis được bầu lên Ngôi Giáo Hoàng thì, dưới thời GH Phao Lô Đệ Nhị ông đã phá vỡ sự im lặng vốn có từ trước với những lời tuyên bố mạnh dạn lên án bọn Maifias Ý vào 9-5-1993 ở Agrigente (Sicile)chống lại Cosa Nostra. Lần đầu tiên, ngài gọi dích danh họ là Maifia của một thứ thứ nền văn minh của sự chết (civilisation de mort). Ngài cũng cảnh cáo họ phải ăn năn hối cải để tránh cái ngày phán xét của Chúa.

Sau đó, nhiều thành viên của Maifia đã “cải tà quy chính”, rời khỏi băng đảng, trở thành những pentiti- theo tiếng Ý- và sẵn sàng hợp tác với chính quyền. Để trả đũa, hai tháng sau, Cosa Nostra đã cho nổ bom trước đền thờ Latran ở Rome.

Linh mục Luigi Merola- 40 tuổi được coi là người anh hùng của tỉnh Naples-.

Trong một số báo GEO- số 407, 1-2013-, họ đã dành một trang với nhan đề: Những người anh hùng của thế giới ngày nay.

Linh mục Luigi Merola, cha xứ của giáo xứ San Carlo Boromeo, một giáo xứ ở tỉnh Naples. Ông là một linh mục không giống ai ở chỗ ông là một trong những yếu nhân quan trọng ở Ý đi đâu cũng phải có người hộ tống, bảo vệ trang bị đầy đủ võ khí. Khi đi đâu có xe bọc thép hộ vệ mặc dầu ông không phải quan toà, không phải nhà chính trị, chỉ là linh mục coi xứ. Nhưng ông được kể là một trong những kẻ thù của bọn băng đảng Camorra ở tỉnh Naples.

Công cuộc chống đối của ông kéo dài từ nhiều năm nay, ngay từ khi ông mới chịu chức linh mục năm 25 tuổi. Người ta gọi ông là “ Don Lui” như cách gọi thân mật của con chiên của ông. Ông chủ trương chống lại tất cả những việc làm phi pháp của bọn mai fia, những cách hành xử của bọn họ. Ông cũng tố cáo những trùm băng đảng, những kẻ đi tống tiền và kêu gọi sự công chính, kêu gọi tố giác những kẻ tội phạm..

Vì thế, ông có nhiều kẻ thù. Trong địa hạt cai quản của ông, 35% dân chúng thất nghiệp nên nhiều giới trẻ và bọn Camorra không biết làm gì khác hơn là theo băng đảng tội phạm.

Nhưng vào tháng ba-2004, một thiếu nữ trẻ 14 tuổi bị lạc đạn do bọn Mai fia thanh toán nhau ngay gần cạnh nhà thờ. Linh mục càng trở nên chống đối mạnh mẽ hơn bọn maifia hơn.

Những kẻ dám chống đối trực diện với maifia ở bên Ý như vị linh mục này thì thực sự không nhiều.

Vào năm 2007, linh mục Luigi Merola đã thành lập một cơ sở lấy tên là: Tiếng nói của trẻ em mà mục tiêu là ngăn ngừa các trẻ em bỏ học, rồi sau đó, chúng bị rơi vào tay bọn maifia Camorra.

Và hiện nay đã có 120 em từ 6 tuổi đến 16 tuổi đã được cho ăn học đàng hoàng theo các môn về ngoại ngữ hoặc điện tử, hoặc thể thao. Trung tâm đào tạo của vị linh mục được cho phép xử dụng ngay các cơ sở bị tịch thâu của bọn Maifia. Linh mục cũng thiết lập các cơ sở đào tạo cho cho các trẻ em di dân tại Verone và tại Pescara.

Cho đến nay thì đi đâu ông cũng có hai người bảo vệ có trang bị súng ống. Riêng bọn Maifia thì mặc dù thù ghét ông cũng không dám ra tay vì sợ gây tai tiếng trước cái uy tín của ông.

Ông chưa bị giết, chính vì ông nổi tiếng và được lòng dân chúng nên bọn Maifia đành bó tay.

Giáo Hoàng Francis và maifia

Vào cuối tháng 3, năm 2012, theo lời kể lại của Giovanni Maria Vian đã tháp tùng Giáo Hoàng trong hai chuyến đi thăm Mexique và Cuba, Giáo Hoàng Benoit XVI tỏ ra hết sức mệt mỏi và kiệt sức. Và chính ở thời điểm này, ngài nghĩ tới quyết định từ chức.

Và cho đến ngày thứ hai, 11 tháng 2 năm 2013, Giáo Hoang Benoit XVI truyên bố sẽ từ chức kể từ 28- tháng 2 vì lý do tuổi tác. Lúc đó ngài đã 85 tuổi.

Trong lời tuyên bố từ chức, Giáo hoàng cho biết Ngài đã suy nghĩ theo lương tâm trước mặt Thiên Chúa để tin chắc rằng Ngài không còn đủ sức lực để có thể gánh vác công việc của giáo hội. Và Ngài ý thức được trọn vẹn quyết định của mình trong sự tự do hoàn toàn, Ngài tuyên bố từ bỏ chức chủ chăn của Giáo hội, kế vị của Thánh Phê rô, do các vị hồng y đã tin tưởng đặt trong tay Ngài, ngày 19- tháng tư-năm 2005. Và kể từ ngày 28- tháng hai 2013, ngôi vị Giáo Hoàng sẽ để trống chỗ để chờ đợi một cuộc bầu cử một vị Giáo Hoàng mới.

Tân Giáo hoàng đến từ một nơi xa xôi mà mọi toan tính cũng như suy đoán về ngôi vị Giáo Hoàng đều sai trật. Ông không có tài ăn nói hùng biện thuyết phục như cố Giáo Hòang Phao Lô Đệ Lục. Không phải một người sâu xa về thần học như Giáo Hoàng Benoit XVI. Jorge Mario Bergoglio trở thành Giáo Hoàng Phan Xi Cô mà trước sau ông vẫn là “ một linh mục của đời thường” (un prête de la rue).

Vậy mà những lời tuyên bố của Ngài mỗi lúc càng làm ngạc nhiên nhiều người

Sự giản dị và khiêm tốn của Ngài lan rộng đi khắp thế giới. Barack Obama đã cho : Ngài là người đánh thức lương tâm nhân loại.

Đặc biệt gần như ông mở một mặt trận chống lại maifia tại miền Nam nước Ý. Ông đã đến sào huyệt của chúng vùng Calabre vào ngày 21-6-2014- sào huyệt của bọn quyền lực “ Ndranghetta.. Từ nhiều tháng nay, vị giáo chủ ở Rome tỏ ra bận tâm một cách đặc biệt đên các tổ chức tội phảm có tổ chức và sự buôn người. Đồng thời, ông cũng thuyết giảng và khuyên chúng quay về đường ngay nẻo chính. Ông đã đến nhà tù và quỳ rửa chân cho các phạm nhân như một cử chỉ của lòng tha thứ và biết hối cải.

Đó là sự quay trở về của tiến trình hòa giải.

Nhưng liệu Giáo hoàng có thể làm và giải quyết được gì? Chẳng hạn, lợi nhuận do maifia kiếm được tại vùng Ndranghetta là do việc buôn lậu bạch phiến nhập từ Nam Mỹ đưa vào Âu Châu.. Dân ở đây giữ bí mật và truyền thống trung thành với băng đảng gia đình. Vấn đề là phải kéo những người dân vốn có liên hệ hoặc có cảm tình với giới buôn lậu ra khỏi vùng ảnh hưởng của các trùm buôn lậu.

Nhưng nay là thời kỳ của đối đầu quyết liệt. Linh mục nào có dính dáng với maifia sẽ bị vạ tuyệt thông. Điều đó giúp các linh mục có can đảm chống lại bọn maifia.

Linh mục Valetti thở dài nói: “ Đây chẳng những là một cuộc chiến tinh thần mà còn là văn hóa. Và nay thì mới bắt đầu.”

Nhưng quan trọng hơn hết là nay Giáo Hoàng Francis muốn chấm dứt nạn rửa tiền. Làm trong sạch nguồn tiền của Vatican để trong nhà băng. Cụ thể là ngay mùa hè năm 2013, ngài đã yêu cầu có sự kiểm soát chặt chẽ các sổ comptes của nhà băng của Vatican bị nghi ngờ là nguồn gốc của các cuộc rửa tiền. Có tất cả 19.000 comptes nhà băng của các cơ sở tôn giáo, ngoại giao đoàn hoặc những người thường trú ở Vatican bị theo dõi, giám sát.

Phần Giáo Hoàng, ngài có thể bị maifia ám sát không? Điều đó khó có thể xảy ra trong lúc này.