Phần 2

Triều đại Quang Trung dưới mắt các nhà truyền giáo (I)

Nguyễn Văn LụcGiới thiệu

Triều đại Quang Trung dưới mắt các nhà truyền giáo Tây phương

Càng lớn tuổi đời, tôi càng nghi ngại những chân lý sự thật đã định trước. Thứ chân lý định sẵn, đúng không thể sai là rất nguy hiểm. Tôi nghi ngại đến gần như nghĩ đến một thứ chủ nghĩa vô tri, chủ nghĩa hoài nghi về sự thật.

Và việc đọc, việc viết đối với tôi bây giờ gần như là công việc dùng đèn pin soi bóng tối trong một đường hầm. Nó khổ chứ chẳng sung sướng gì. Nó làm tôi liên tưởng đến những người tù bị trói suốt đời chỉ được nhìn vào bức tường trong hang mà không có cơ hội ngoảnh ra nhìn phía bên ngoài.

Chân lý, sự thật phải chăng chỉ là những bóng hình phản chiếu trên bức tường trong hang? Và sự thật thì nằm ở chỗ nào?

Trước đây, chúng ta chỉ đọc “chính sử”. Đó là một thói quen đã trở thành nếp, như những sự thật không chối cãi được khi viết về Vua Quang Trung. Đó là một vị vua anh hùng dân tộc vì đã đại phá quân Thanh . Một chiến thắng lẫy lừng, thần tốc, vô tiền khoáng hậu.

Tượng bán thân Vua Quang Trung

Nguồn ảnh: Thomas J. Barnes

Thật vậy, ba anh em họ Hồ đã đổi ra họ Nguyễn chỉ với mục đích “TUÂN MỆNH TRỜI”, Thế thiên hành đạo? Thoạt kỳ thủy chỉ muốn chống triều đình vì nạn sưu cao, thuế nặng và chặt đứt nguồn lợi nhuận làm giầu của bọn vua quan. Phải chăng đã hé lộ ra một ý thức xã hội cách mạng? Người lái buôn Nguyễn Nhạc bỗng chốc trở thành người hùng làm nổ ra phong trào phản kháng. Sự suy nhược, yếu hèn, tham lam ô trọc của từng lớp thống trị phải chăng là dọn đường hay là tiếng pháo lệnh cho một cuộc nổi dậỵ? Cướp thành Quy Nhơn, phá Trịnh cưỡng Lê như dọn đường cho một cuộc cưỡng chế: “Vua Lê đã không giữ được nước thì các trấn từ Thanh Hóa ra, Tây Sơn không lấy, người khác cũng lấy”.

Lấy rồi thì bọn Lê thần phải mời Tôn Sĩ Nghị với 20 vạn quân Thanh sang làm cỏ nước Nam. Tôn Sĩ Nghị chỉ quên một điều, không thuộc những bài học lịch sử của những tiền nhân của y, khi tràn xuống phương Nam? Nghị đã cẩn thận dùng những tấm lá chắn bằng da trâu sống để làm mộc che tên lửa của Tây Sơn. Nhưng Nghị lại nghĩ tới vơ vét, buôn bán và cho quân sĩ nghỉ ngơi thay vì đánh tiếp một mẻ đến tận sào huyệt của Tây Sơn. Cái thế đánh như chẻ tre đã làm Nghị khinh địch, coi thường Ngô Văn Sở và chỉ ngồi đó “thiết triều” nhìn Lê Chiêu Thống quỳ gối vào chầu mỗi buổi? Nhưng chẳng ai ngạc nhiên và hỏi xem bằng cách nào 20 vạn quân Tôn Sĩ Nghị tràn được xuống phía Nam? Đi bằng gì, lương đâu, ăn bằng gì trong suốt dặm đường chinh chiến chỉ có núi đèo?

Nhưng rõ rệt là có một chiến thắng. Chiến thắng đó đó góp phần vào một lịch sử vẻ vang chẳng những cho triều đại Quang Trung mà cho lịch sử tộc Việt. Tuy nhiên, đó là giòng sử Việt có nhiều hào quang sáng chói, nhưng phải chăng cũng có nhiều huyền thoại chung quanh người anh hùng áo vải?

Vua Quang Trung Nguyễn Huệ là một vị vua mà sau này cả hai phía người Quốc Gia cũng như người Cộng Sản đều trân trọng coi như một vị anh hùng dân tộc. Một phần, nó thỏa mãn tự ái dân tộc của chúng ta, thỏa mãn cái mặc cảm thua kém đã bị người Trung Hoa đô hộ. Nhưng phải chăng đó là những sự thật của lịch sử?

Khi đọc những lá thư trao đổi giữa các thừa sai Công giáo người Pháp từ thế kỷ thứ 18 chúng ta sẽ hiểu rõ thêm về triều đại Tây Sơn. Những lá thư này không phải là chính sử, nhưng nó lại chứa nhiều sự thật mà chính sử có thể bỏ qua hoặc đã bóp méo sự thật vì lý do chính trị. Mặc dù vậy, cái nhìn của các vị thừa sai này có bị giới hạn vì họ luôn luôn coi Nguyễn Ánh Gia Long là chính thống. Họ gọi Nguyễn Ánh bằng Vua Nam Hà. Còn họ gọi Tây Sơn chỉ là bọn phiến loạn Nam Hà.

Nhưng hãy cứ đọc để thấy xem sự thực lịch sử nằm ở chỗ nào?

Và đây là vài dữ kiện về quân lính Tây Sơn:

Những kẻ man rợ từ cao nguyên miền Nam đến không biết gì về thuật cai trị cả. Họ chỉ biết cướp phá quấy nhiễu mà không sợ bị truy nã. Họ đã lấy hết tiền bạc của vương quốc., tất cả các dược phẩm của các y sư và dược tế sư. Họ đã bắt những kẻ cầy ruộng tại thôn quê đi lính. Họ đã đốt phá một phần lớn các làng mạc và đã hành hạ dân chúng với thuế má và khổ dịch. (bởi thế nên mới có đói kém, dịch hạch và số tử xuất người và súc vật tăng lên)... Vì ông ta (Quang Trung) là một người có can đảm và được coi như một Alexandre tại đây, nên ông lập tức xuất chinh đem theo tất cả thanh thiếu niên và bô lão mà ông bắt gặp. Quân đội ông trông giống như một toán bệnh nhân ốm yếu hơn hơn là một đoàn chiến binh. Nhưng không can gì. Những binh lính khốn khổ ấy đã tiêu diệt quân Trung Hoa hồi đầu năm.

Trong khi đó dân chúng đáng thương đang chết đói. Mùa này, tháng 10 âm lịch, năm 1788 đã bị mất vì đại hạn vào mùa hè năm trước. Vị tân chúa tể của chúng tôi ít mê tín hơn chủ tể các thế kỷ trước. Họ đã cướp phá chùa và họ đã đốt những ngôi chùa danh tiếng nhất của các cựu vương Bắc hà. Nắng quá, mưa quá, bệnh dịch, cướp. Nhà nào có mấy người thì bắt đi lính cả, 6 người đi cả 6, nhà có 5 người thì đi cả 5, không kỳ già nua, trẻ yếu... quân này nó lấy sự chém người ta như chơi vậy... Có khi cả làng, có khi một phần làng bị tàn phá, nhà cửa không còn người ở, ruộng noơng bị bỏ hoang không ai cầy cấy. Cả xứ hoang tàn. Nơi nào cũng chỉ có khủng bố tang tóc và tiếng khí giới xô xát, kêu lẻng xẻng.

Và họ kết luận như sau:

Tôi phải nói rằng lũ quân phản loạn, mọi rợ đó mà người ta gọi là Tây Sơn theo tiếng bản xứ, đã tàn phá đất nước này từ 4 năm nay. Chúng thật là lũ quỷ hiếm có trên thế gian này. Đó là một giống người gian manh, dữ tợn, chỉ biết chém giết, đánh nhau không chừa nam nữ, không nể chức vụ hay tuổi tác, luôn luôn làm hại, tàn ác, phá phách, cướp bóc.

Đọc mà như thể sống lại cái thời kỳ đó với bao khốn khổ, oan nghiệt, chết chóc, tàn phá do chiến tranh. Không khỏi bùi ngùi. Không hẳn là không có phần lớn sự thật?

Và sau đây là những nhận xét của các thừa sai về quân lính Tầu và cho biết do đâu mà họ đã thua trận. Vua Chiêu Thống kế vị vương của ông là Cảnh Hưng đã cầu viện Hoàng Đế Càn Long bên trung Hoa.

Càn Long đã gửi một số khá đông quân lính sang Bắc Hà vào khoảng cuối năm ngoái, 1788, nhưng đoàn quân vừa yếu, vừa quá mê tín dị đoan. Giống như vị hiền triết Hy Lạp nói: “Tôi mang mọi thứ theo tôi”, lính Trung Hoa mang theo cả điếu hút, bát đĩa và các hành trang phụ klhác, đeo lủng lẳng ở thắt lưng họ. Họ vừa là lính, vừa lái buôn bồi bếp... Bởi vậy, quân Tầu đã không động binh, chỉ nghĩ đến kiếm lợi với nhau và với dân Bắc Hà. Trong khi đó quân Nam Hà chưa bỏ cuộc. Họ đã tập trung gần nơi chúng tôi ở bên kia sông tại một nơi gọi là Vặn làng. Nếu quân Tầu muốn đánh đuổi họ chắc cũng đuổi được họ một cách dễ dàng khỏi vương quốc.

Về tổn thất của quân đội Tầu thì không đến nỗi to tát với hàng vạn binh lính Tầu bị giết như sử sách của ta ghi chép lại đâu:

Quân Tầu này cũng gây thiệt hại cho quân Nam Hà và cũng tỏ ra có chút giá trị. Chiến phẩm của họ gồm có bạc, quần áo, vải lụa, v.v... đã vào tay quân Nam Hà và độ 3400 người bị bắt làm tù binh.

Sau trận đó quân Trung Hoa đã lên đường trở về nước

Sau đó quân Trung Hoa trở về nước... Trở về nước có nghĩa là chúng không xô đẩy, dầy xéo, đạp lên nhau mà chết, thây chất đầy sông như sử sách ghi lại.

Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu trực tiếp một số đoạn tiêu biểu trong tập tài liệu gồm những bức thư trao đổi giữa các giáo sĩ thuộc Hội Truyền Giáo tại Việt Nam và Trung Hoa cùng những bản tường trình của họ cho các vị Giám Đốc Giáo Hội, hiện được tàng trữ tại Văn Khố Hội Truyền Giáo Paris (Archives des Missions Etrangères de Paris). Những tài liệu này đã được đóng thành tập và được xếp theo thứ tự từ số 1 và dưới ký hiệu Tonkin và Cochinchine.

Những văn liệu liên quan đến Tây Sơn từ năm 1787 đến 1792 ở trong tập Tonkin 692 đến 700 và Cochinchin 740 trở đi. Một số thư đã được đăng tải trong bộ: “Lettres Édifiantes et Curieuses” và “Nouvelles Lettres Édifiantes et Curieuses” hay trong các bài báo của ông Cordier L.M. Cadière. (T’oungpao, B.A.V.H., B.E.F.E.O...)

Hiện nay còn rất nhiều những tài liệu về Tây Sơn cũng như về Việt Nam Văn Khố của Hội Truyền Giáo Paris vẫn chưa được khai thác. Đó là một điều khiếm khuyết rất lớn cho sử học Việt Nam bởi các tài liệu này rất quí giá, cho biết thực trạng xã hội Việt Nam trước thời Pháp thuộc, có thể bổ túc cho sự thiếu sót của sử liệu nước nhà.

Phần trích dẫn dịch thuật ở trên và sau đây do Đặng Phương Nghi hoàn chỉnh và đã được Tập san Sử Địa, do Nguyễn Nhã chủ biên, ấn hành trong số 17, 1969 tại Sài Gòn. Xin trân trọng giới thiệu.

Tập Tonkin 662

06/07/1789: Thư của ông Lefro (1) gửi cho ông Blandin (2) [tr. 111]

Họ Trịnh và nhà Lê đã suy. Dường như họ không bao giờ có thể khôi phục cơ nghiệp được nữa. Tất cả các đại thần đã bị giết. Ông Coung Chỉnh (3) hữu danh, người đã mang chiến tranh đến ngay tại xứ sở của ông đã bị xử trảm tại kinh thành [tr. 112], cùng với người con trai ông. Các tòa án không còn quan tòa. Những kẻ man rợ (4) từ cao nguyên miền Nam đến không biết gì về thuật cai trị cả. Họ chỉ biết cướp phá quấy nhiễu mà không sợ bị truy nã. Họ đã lấy hết tiền bạc của vương quốc, tất cả các dược phẩm của các y sư và dược tế sư. Họ đã bắt những kẻ cày ruộng tại thôn quê đi lính. Họ đã đốt phá một phần lớn các làng mạc và đã hành hạ dân chúng với thuế má và khổ dịch (bởi thế nên mới có đói kém, dịch hạch và số tử xuất người và súc vật tăng lên). Vua Chiêu Thống (5), kế vị vương của ông ngài là Cảnh Hưng đã cầu viện Hoàng Đế Càn Long bên Trung Hoa. Càn Long đã gửi một số khá đông quân lính sang Bắc Hà vào khoảng cuối năm ngoái (1788) nhưng đoàn quân vừa yếu vừa quá mê tin dị đoan. Giống như vị hiền triết Hy Lạp đã nói: “Tôi mang mọi thứ theo tôi”, lính Trung Hoa mang theo cả điếu hút, bát đĩa và các hành trang phụ khác, đeo lủng lẳng ở thắt lưng họ. Họ vừa là lính vừa là lái buôn, bồi bếp...

Tây Sơn: Cuộc nổi loạn thế kỷ thứ 18 tại Việt Nam

Nguồn ảnh: Thomas J. Barnes

...Quân Thanh thoạt đầu đã đánh đuổi quân Nam Hà khỏi Kinh Thành. Vua Bắc Hà đã được đặt lên ngôi trở lại. Người ta đồn rằng Hoàng Đế Mãn Thanh đã biếu nhà vua một số tiền lớn, mà nhà vua cần món tiền này lắm. Nhưng các tướng nhà Thanh không được quảng đại như vậy. Chắc họ tưởng rằng vua Chiêu Thống sẽ biết ơn họ và sẽ đền bù công khó nhọc của họ. Nhưng ông vua nghèo cai trị một xứ nghèo như xứ này không thể thỏa mãn từng đó túi tham. Bởi vậy quân Tầu đã không động binh, chỉ nghĩ đến kiếm lợi với nhau và với dân Bắc Hà... Trong khi đó, quân Nam Hà chưa bỏ cuộc. Họ đã tập trung gần nơi chúng tôi ở bên kia sông tại một nơi gọi là Vặn Làng (6). Họ còn chặn tất cả những lối đi từ xứ Nam tới hai xứ Thanh-Nghệ. Nếu quân Tầu muốn đánh đuổi họ chắc cũng đuổi được họ một cách dễ dàng khỏi vương quốc. Trong khi đó Tân Vương Nam Hà đã kịp hay tin quân Tầu tới và những chiến công của họ. Vì ông ta là người có can đảm và được coi như là một Alexandre tại đây, nên ông lập tức xuất chinh đem theo tất cả thanh thiếu niên và bô lão mà ông bắt gặp. Quân đội ông trông giống như một toán bệnh nhân ốm yếu hơn là một đoàn chiến binh. Nhưng không can gì! Những binh lính [tr. 113] khốn khổ ấy đã tiêu diệt quân Trung Hoa hồi đầu năm.

Quân Tầu này cũng gây thiệt hại cho quân Nam Hà và cũng tỏ ra có chút giá trị. Chiến phẩm của họ gồm có bạc, quần áo, vải lụa v.v... đã vào tay quân Nam Hà và độ ba ngàn 3,400 người của họ bị bắt làm tù binh. Sau trận đó quân Trung Hoa đã lên đường trở về nước. Có thể tin chắc rằng Hoàng Đế Mãn Thanh sẽ không được hài lòng lắm về chiến trận này và ông sẽ không đợi gì mà chẳng gửi sang đây đội quân khác được chỉ huy chỉnh bị khá hơn. Trong khi đó dân chúng đáng thương đang chết đói. Mùa này tháng 10 (âm lịch) năm 1788 đã bị mất vì đại hạn vào mùa hè năm trước. Gạo cũ còn lại của mùa trước thì bị vơ vét vào kho lương địch thành thử ngay cả lái buôn cũng chết đói [có cả bệnh dịch nữa]. Vị tân chúa tể của chúng tôi ít mê tín hơn chủ tể các thế kỷ trước. Họ đã cướp phá chùa và họ đốt những ngôi chùa danh tiếng nhất của các cựu Vương Bắc Hà [Nói về Linh mục Hóa đến thăm Lạc Thổ tại xứ Thanh ở ranh giới xứ Thượng, xứ Đoài và xứ Nam, về những người Thượng có phong tục khác hẳn người Bắc Hà]. Các làng gọi là Mường và xã trưởng gọi là Lang. Các Lang có uy quyền lớn. Đó là một thứ tiểu vương có quyền sinh sát dân làng. Dân dưới quyền ông ta phải cày ruộng ở cạnh nhà cho ông ta và chịu tất cả tổn phí bắt buộc để nuôi con ông ta hay chôn cha mẹ ông ta... Những người Mường đó rất giản dị mộc mạc và sống như những người thời Hoàng Kim mà ta thường tưởng tượng đến.

Phần đông họ không biết ất giáp gì, không đếm ngày và cũng không đếm năm. Họ ăn cơm với muối không thêm nước chấm, rau cỏ hay thịt cá gì. Thật là một đời sống khổ cực. Họ không có vườn hay có tiền. Để trả thuế má họ phải đi thật xa bán gạo bởi tại cả châu huyện không có hội chợ nào. Họ để lúa trong nhà họ và mỗi buổi sáng họ phải đập lúa để có đủ gạo cho ban chiều hôm đó. Làng họ ở trên núi và trên dốc đồi. Họ không thích đồng ruộng mà họ chỉ dùng để gieo mạ. Mỗi làng có nhiều nhất là 40 nóc gia. Mỗi gia đình có tòa nhà vuông rộng chia ra làm 3 phần bằng nhau ở dưới là chuồng ngựa. Con cái họ kể cả những người lập gia đình...

04/07/1789: Thư của Vincente Lâm ký (7) [tr. 127].

“...Năm sau, ngày ấy tháng ấy (30/01/1788) tôi đã được (thư) vì năm ấy có tầu Frégate nước Phalansa đem năm thầy cả và các thư bởi Macao mà về nước Annam.”

[Nguyên văn chữ quốc ngữ]

05/07/1789: Thư của ông Eyot (8) gửi cho ông Blandin [tr. 128-30].

...Người ta thu thuế không ngừng và thuế nặng quá đáng đến nỗi nhiều hàng “xiêu đi” [nguyên văn]. Lúc bấy giờ thì quân địch vào nhà và cướp đoạt tất cả cái gì vừa mắt chúng. Đó là số phận của những làng đáng thương không đủ sức nộp thuế. Dân Bắc Hà bất hạnh của chúng ta còn phải chịu sự tham lam vô bờ bến của quân địch và của người Bắc Hà trốn phe địch nữa, nếu không có một trận lụt làm mất mùa tháng 10 khiến dân chúng lâm vào một cảnh nghèo khổ vô cùng [có làng mất đi ½ hay ¾ dân số người còn thì bỏ đi] mùa tháng 5 đã chặn sự đói kém nhưng quân Nam Hà vẫn tiếp tục thu thuế; vì tại nhiều nơi mùa gặt không được phong phú và vì nhiều làng chỉ trồng cấy một phần ruộng của họ hoặc vì họ đói quá không đủ sức cày hoặc tại chủ ruộng đã chết hoặc vì một lý do nào khác, nên chẳng bao lâu nữa dân chúng có thể lại rơi vào sự nghèo khổ.

...Hết đói kém lại đến bệnh tật...

Kẻ Vĩnh (9) 06/07/1789: Thư của ông La Mothe (10) gửi ông Blandin [tr. 132-5].

[Đói kém... Vua đã ẩn tránh tại nhà một võ quan công giáo; ông này rước vua tới nhà một người nông phu công giáo, cha vợ của ông ta, và vua đã cải trang trong 3 tháng]. Nhà vua [Chiêu Thống] đã được quân Trung Hoa đặt lên ngai vàng trở lại vào cuối năm ngoái, cha vợ thì trở thành thượng thư [tr. 135] người con làm đại thần.

12/07/1789: Thư của ông Sérard (11) gửi ông Blandin [tr. 136-].

[tr. 137] Chúa Trịnh thua. Lộn xộn sau khi quân Tây Sơn rút lui. Không một vị tướng nào có thể ngăn cấm dân chúng cướp bóc lẫn nhau, đánh nhau, đốt phá, không chịu nộp thuế cho vua hay cho chúa và như thế trong 4 tháng trời.

[tr. 138] [nói về] Sự kiêu căng của các võ quan tân chính quyền.

Sự nghi kỵ giữa các tướng sĩ, nhất là sự mê tín của vị vua trẻ tuổi [Chiêu Thống] đối với “thần” mà ông thăng tước hay thưởng... [quân phiến loạn trở lại; vua và Coũ Chỉnh thua] quân địch ngay khi đó đã vào kinh thành, đại tướng đã bị kết tội mưu phản đã bị xử trảm. Vua đã chạy vào rừng. Chuyện này xảy ra hồi năm 1788 khi chiếc Tầu Pháp mang giáo sĩ đến [quân Tây Sơn có hay việc này và có bắn đại bác vào phía Tầu... vua chạy đến hạm đội của ngài nhưng không thoát] vua đã chạy về phía bờ biển ở xứ nam và từ đó rút lui vào trong núi bằng đường bộ, vài chiếc Tầu đã đi về phía duyên hải các trấn miền đông; đó là những chiếc Tầu duy nhất không rơi về tay địch.

[tr. 140] “quân Tây Sơn là ‘quân quảng’”

“quân Trung Hoa là ‘quân Ngô’”

“... Nắng quá, mưa quá, bệnh dịch, cướp (?) Nhà nào có mấy người thì bắt đi lính cả, 6 người thì đi cả 6, nhà có 5 người thì đi cả 5 (không kỳ già nua, trẻ, yếu)... quân này nó lấy sự chém người ta như chơi vậy... Ngoài nước Nam bây giờ đang bắt làm thành lũy khó nhọc lắm; Trão xứ Nghệ đã làm 3, 4 nơi, làm chỗ nọ rồi lại bỏ đi làm nơi khác bắt cả thảy thảy lên rừng đành gỗ, chém củi, nung gạch [tr. 141] ganh đất ganh cát làm đền làm phủ (động gì thì chém)”

[Nguyên văn]

Kẻ Đầm 17/01/1790: Thư của ông Sérard gửi ông Blandin [tr. 153-6].

[tr. 154] [Dịch hạch, chiến tranh đói kém].

... Có những làng mạc xưa nay đông dân cư bây giờ không còn ai, có cả hàng huyện nữa như vậy: Thạch Liêm, Bình Lục, Thiên Bản bị tàn phá và Gia Viễn (14) ở xứ Thanh gần như không còn ai nữa.

20/01/1790: Thư của ông Eyot gửi ông Blandin [tr. 207-9].

Ba tai ương: Đói kém, dịch hạch và chiến tranh, đã sát hại nhiều người, người ta đồn rằng “khí Địch” (15) hiện cai trị ở xứ Nghệ! Xứ này đã bị tàn phá nhiều. Biết bao người đã chết ở đó. Ngay đến cọp cũng ăn thịt mất 10 người trong 15 ngày, trong số đó có 1 nữ tu sĩ của chúng tôi.

[tr. 208] Ông Letondal viết cho tôi rằng chúa Nguyễn hiện ở Nam Hà. Người ta đồn rằng quân Bồ Đào Nha giúp ngài trong cuộc viễn chinh của ngài...

28/05/1790: Thư của ông La Mothe gửi ông Blandin [tr. 216].

Tiếm Vương Quan Trung yên hưởng kết quả của sự tiếm ngôi dầu lời đồn [ngược lại]... ông vẫn đắm chìm trong niềm hoan lạc và bình thản hưởng cái kết quả của những chiến thắng của ông tại Phú Xuân, và như chúa Sơn Lâm, tuy ra vẻ nằm ngủ nhưng sẵn sàng vồ mồi nếu kẻ nào chọc tới nó.

Về phần dân Bắc Hà chúng tôi, chúng tôi chỉ có một cậu bé 6, 7 tuổi là con cả (16) của tiếm vương, làm vua hay đúng hơn làm chúa, nhưng cậu bé đó có đại tướng và đại thần biết kiềm chế chúng tôi và bắt chúng tôi vâng lời.

[Chiêu Thống có yêu cầu ẩn tránh tại nhà dân công giáo của Cha Thành ở xứ Đoài, ông đã cải giáo, chúa cũng vậy?]

Kẻ Đầm 18/01/1791: Thư của ông Sérard gửi ông Blandin.

[tr. 224] Gần cửa nhà chúng tôi, ở giữa làng này có một trại lính gồm tất cả lính huyện Thanh Liêm (17). Họ để chúng tôi muốn làm gì thì làm. Trại của trấn thủ từ Hiến (18) đem về Sở Kiện (19) cũng tại huyện này, rất dễ chịu. Chỉ có tại xứ Nghệ là họ quấy nhiễu không nể nang ai.

Chú ý: Các phần ở giữa hai dấu móc [...] hoặc do dịch giả chú thích hoặc tóm tắt một đoạn văn dài ở nguyên văn, cốt lược lấy những ý quan trọng.

(1) Le Roy (Jean Francois): Giáo sĩ sinh trưởng ở địa phận Besancon nước Pháp. Nhận lãnh nhiệm vụ đi truyền đạo từ ngày 08/10/1780 và sống ở Bắc Hà khoảng 24 năm. Ông mất ngày 20/08/1825.

(2) Blandin (Pierre-Antoine): Giáo sĩ, sinh trưởng tại Amiens; lên đường đi truyền giáo ngày 07/12/1778. Trước khi sang Bắc Hà, ông bị bắt giữ mấy tháng ở Quảng Đông. Năm 1785, ông làm đại biểu cho Hội Truyền Giáo Bắc Hà ở Chủng viện Ba Lê.

Thời Cách Mạng Pháp, ông phải trốn qua Anh và mất ở Luân Đôn ngày 22/06/1801.

(3) Coung Chỉnh hay Coũ Chỉnh: Cống Chỉnh viết theo chữ quốc ngữ thời sơ khai.

(4) Các giáo sĩ có một thành kiến không tốt với Tây Sơn, qui mọi tội lỗi chiến tranh cho Tây Sơn.

Họ thường dùng tiếng phiến loạn (rebelles) để chỉ quân Tây Sơn và tiếng Tiếm vương (usurpateur) hay bạo chúa (Tyran) để gọi Quang Trung hay Nguyễn Nhạc... Còn Nguyễn Ánh thì được gọi là ông hoàng hay ông vua chính thống (le prince, le roy légitime).

(5) Chiêu Thoung, Chiêu Thoũ: vua Chiêu Thống.

(6) Vặn Làng: Vận Sàng? một làng giáp ranh tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình.

(7) Bức thư của một giáo dân Việt Nam không biết gửi cho ai vì không tên người nhận.

(8) Eyo (Pierre) [1762-1827]: Giáo sĩ sang Bắc Hà năm 1787 ở Nghệ An rồi tới ở Chủng viện Phúc Nhạc, huyện Yên Khánh, Ninh Bình.

(9) Kẻ Vĩnh: một thị trấn thuộc tỉnh Ninh Bình.

(10) La Mothe (Charles) [1751-1816]: Giáo sĩ sang Bắc Hà năm 1782 tới năm 1793, ông làm phụ tá cho Giám mục Longer ở địa phận Kẻ Vinh (Nam Định).

(11) Sérard (Philippe) [1738-1804]: Giáo sĩ sang Bắc Hà truyền đạo năm 1762 ở Kẻ Vinh (Nam Định), cho tới khi ông mất (ngày 02/10/1804).

(14) Huyện Gia Viễn nay thuộc về tỉnh Ninh Bình.

(15) “Khí Địch”: nguyên văn chữ quốc ngữ, có lẽ là quân địch?

(16) Nguyễn Quang Thùy là con cả? Theo các sách sử, ta biết có Nguyễn Quan Thùy được Quang Trung cử coi việc cai trị ở ngoài Bắc.

(17) Thanh Liêm: một huyện thuộc trấn Sơn Nam Thượng (thời Tây Sơn). Tới thời Tự Đức thứ 5 sát nhập vào huyện Bình Lục. Nay thuộc tỉnh Hà Nam.

(18) Hiến: Hiến Nam, Trấn lị Sơn Nam Thượng, ở huyện Kim Bảng. Nay là Châu Cầu (Hà Nam).

(19) Sở Kiện: một làng ở huyện Kim Bảng (Hà Nam).

Kẻ Sở (20) 20/09/1790: Thư của ông Sérard gửi ông Blandin [tr. 229-32].

Bệnh dịch vẫn lan tràn ở nhiều nơi và vẫn giết hại nhiều người nhất là từ 2, 3 tháng nay. Sự trồng trọt tốt đẹp, từ thủ đô Nam Hà tới khắp Bắc Hà, tại tất cả đất đai dưới quyền cai trị của Tiếm Vương của chúng tôi, đang hứa hẹn một mùa màng phong phú thì lúa lúc đó, tôi xin nhắc lại, bị hư hại bởi một vụ đại hạn và lúa đã không lên mầm tại các đồng ruộng cạn và phần nhiều đã bị khô héo tận rễ. Cho nên thực phẩm đắt đỏ liên tiếp. Hễ họ [dân di dời] rỗi rãi, nghỉ ngơi một chút là họ chỉ nghĩ đến việc sửa đền và tổ chức những buổi tế thần của họ.

Xứ Đoài (21) 20/10/1790: Thư của ông Sérard gửi ông Blandin [tr. 263-65].

... Mới đây, ông Leroy đã nhờ đưa các thơ của chúng tôi cho một thuyền trưởng Trung Hoa đi với 4 chiếc thuyền nhỏ hộ tống (ông ta không dám mang theo 2 “sứ giả” chúng tôi) và bỗng nhiên chúng tôi hay tin 4 thuyền đó bị bắt bởi bọn cướp biển Trung Hoa đã đầu hàng quân “phiến loạn” và đã bị dẫn đến thủ đô Nam Hà. Người ta tin rằng Chỉnh dùng làm chiến thuyền để tấn công vua Nam Hà [tr. 264] hiện đang ở Doũ Nai vì tướng phiến loạn đang chuẩn bị cho mục đích đó... Dân Trung Hoa càng ngày càng khó dễ và đòi hỏi một giá tiền quá đắt [cho công chuyển thư] đến nỗi không thể thỏa mãn họ được [tr. 226]. [Có một kẻ mang danh vua Chiêu Thoung nhưng thực ra chỉ là một kẻ bịp bợm]...

02/05/1791: Thư của ông Sérard gởi ông Descourvières (22) [tr. 279-81].

... Khó mà cựu hoàng Nam Hà đánh bại nổi kẻ địch của ông. Về phần vua Bắc Hà thì dường như ông không thể khôi phục cơ nghiệp nổi bằng sức mạnh. Chỉ có thuế má và dịch vụ là làm dân chúng bị áp bức kêu ca và mong mỏi được giải phóng...

19/07/1791: Thư của ông Longer (23) gởi Đức Champenois (24) [tr. 283-5].

... Sự giao thông giữa Nam Hà và Bắc Hà gần như bị cắt đứt [tr. 284]. Tiếm vương cai trị chúng tôi có lý khi sợ vua Nam Hà hiện đóng tại Đồng Nai gửi một số người theo ông ra ngoài Bắc lập đảng...

Làng Kẻ Seo (25), Bố Chính, 01/05/1792: Thư của ông Sérard gởi ông Blandin.

[tr. 366] Không có giao thông giữa các xứ.

Ông Girard (26) được cử làm thày thuốc cho Tiếm vương, Phú Xuân.

Gò Đống Da (Hà Nội, 1942)

Nguồn: i2.photobucket.comhr noshade size=1>

Có lẽ tôi phải kêu gọi đến ông Girard ở Phú Xuân để nhờ ông ấy giao thư cho thuyền Trung Hoa cập bến tại đó, hay yêu cầu ông ấy đích thân mang theo nếu Tiếm vương bắt ông ấy đi Quảng Châu mời người Âu Châu đến kinh đô buôn bán như ông đã dự định năm ngoái...

Ma Cao, 25/11/1792: Thư của ông Girard gửi ông Boiret (27) [tr. 397-99].

Riêng bức thư này đã đăng trong “Nouvelles Lettres Idifiantes et Curieuses...” pp. 154-156.

Ngày 7 tháng 3-1791, tôi được giới thiệu với Tiếm vương cai trị các tỉnh Nam Hà Thượng và Bắc Hà. Người vợ mà ông coi như vợ lớn (28) bị bệnh trầm trọng. Người ta có nói với ông ấy rằng chỉ còn trông đợi ở các thày thuốc người Âu Châu thôi. Bởi vậy ông sai một vị đại thần là một người Công giáo đã nhiều dịp giúp chúng tôi đắc lực đi tìm một giáo sĩ người Âu đến chữa bệnh cho vợ ông. Lúc đó tôi đang ở với Đức Verén (29) [tr. 398].

Các quan đã khuyên Tiếm vương cho mời một người Âu vào cung. Sau lại yêu cầu tôi kê thuốc cho phu nhân Tiếm vương, nhưng bà ta từ trần. Ngày 29/03 năm ấy. Ngày 25/66 bà ta được chôn cất. Tiếm vương gần như thành điên khùng. Ông ta muốn hành quyết 2 thày lang đã săn sóc vợ ông. May thay họ chỉ phải mang cùm thôi... [tr. 369]. Nên hiểu rằng tôi không còn ở đó (kinh đô) nữa. Năm ngoái ông ta (Tiếm vương) muốn gửi tôi đi Macao kêu gọi người Âu Châu đến buôn bán tại vương quốc của ông. May sao chỉ có vài chiếc thuyền Trung Hoa, mà không một chiếc nào chịu chở tôi cả.

Năm nay có một cơ hội khác. Một chiếc Tầu từ Áo Môn tới và một chiếc khác từ Ma Ni qua, vì bất bình công việc làm ăn của họ tại Đồng Nai, đến đất của Tiếm vương, nơi tôi ở, và đã bán cho ông ta 100 000 cân (30) lưu huỳnh. Tôi đã bắt buộc phải du hành đi Macao. Tôi đã tới đó hôm 3-7... Người ta đã báo tin cho tôi rằng vua Chính Thống Nam Hà đã thắng một trận và đã đến hải cảng Touron (31) tại xứ Chàm (36)...

Macao, 21/12/1792: Thư của ông Longer gửi ông Blandin [tr. 403-5].

[tr. 403] Ở đây người ta đồn rằng vua Nam Hà [Nguyễn Ánh] đã chiếm lại được vài tỉnh Nam Hà thuộc vương quốc của Tiếm vương Nhạc (Thái Đức). Người ta cũng nói rằng em Tiếm vương ấy, người cai trị Bắc Hà và Nam Hà Thượng đã chết vì bệnh và một trong những người con trai của ông lên nối ngôi... Tuy nhiên những tin đó cần được xác nhận lại...

Macao, 05/02/1793: Thư của ông Langlois (33) gửi cho ông Chaumont (34) [tr. 411-14].

[tr. 412] Thư nhận được từ Bắc Hà ngày 15-1 mới đây do một sứ giả mang theo từ tháng 8 xác nhận tin Tiếm vương cai trị Bắc Hà và Nam Hà Thượng đã mất. Các con ông còn nhỏ (người con lớn nhất mới 14 tuổi). Các quan của ông lại đánh lẫn nhau, đã có nhiều người bị giết trong những vụ lộn xộn về vấn đề kế vị. Chắc ông đã biết những tin ấy với nhiều chi tiết hơn...

Macao, 10/02/1793: Thư của ông Longer gửi ông Blandin [tr. 415-417].

Ông La Mothe cũng báo cho tôi rằng “Cái chết của Tiếm vương Quang Trung được giữ bí mật gần 2 tháng trời bây giờ mới được công bố bởi sắc lệnh bắt buộc toàn quốc chịu tang một vị Hoàng đế anh minh như ông. Chúng tôi chưa biết ông mất vì bệnh gì...

Bố Chính, 06/06/1793: Thư ông Sérard gởi ông Boiret và Descourvières [tr. 426-429].

... Ở đây sẽ khó khăn hơn vì xa xôi, và vì sự canh gác nghiêm mật ở thành lũy phân chia Bắc Hà và Nam Hà. Sự đào tẩu khỏi Phú Xuân của lính Bắc Hà chạy khỏi Phú Xuân là lý do chính khiến lính canh gác phải chu đáo. Đường biển cũng như đường núi được canh chừng rất cẩn mật.

[tr. 427] [Ông Girard trốn tránh vì sợ bị lôi thôi về việc đi sứ ở Quảng Châu]. Họ [quân Bắc Hà] muốn có nhiều Tầu bè Âu Châu đến Hải Cảng của họ với những hàng hóa mà họ đòi hỏi, nhưng chỉ có 2 Tầu tới; chiếc Tầu trước bị bạc đãi bởi quan trấn thủ xứ đàng trong (Phủ Châm) nên đã nhổ neo và đã tẩu thoát để tránh tai họa. Chiếc kia mới từ Macao đến, đã được tiếp đãi tử tế hơn nhưng tôi không tin rằng nó chở nhiều hàng hóa cho “Tiểu vương” và triều đình của ông ta.

[tr. 428] Tiếm vương [Quang Trung] đã mất nhưng tinh thần ông vẫn còn sống trong các đình thần của ông. Người ta rất chán nản để đợi vua Dõn-Nai ông này không thể kiếm được một cơ hội nào tốt hơn bây giờ.

[tr. 429] Hai tướng “phiến loạn” đã chết. “Hoàng đế” danh tiếng, bị vua Dõu Nai bao vây lâu ngày và bị đoạt hết thành trì, đã tắt thở ngay sau khi được cháu ông đến cứu và đã khiến vua Dõn-Nai rút quân. Thế là vương quốc của 2 anh em thù địch được sát nhập làm một. Mọi điều hình như có lợi cho vua chính thống: hạm đội của ông mạnh hơn hạm đội đối phương nhiều, binh lính của ông đã được họp thành một quân đoàn, dân Bắc Hà và Nam Hà có ý định đầu hàng và sẵn sàng chống đối lại kẻ cai trị họ. Tuy nhiên, ông không có vẻ lợi dụng thời cơ đó...

[Đói kém, dịch hạch...]

19/06/1793: Thư của ông La Mothe gửi các ông Boiret, Descourvières, de Chaumont và Blandin.

[tr. 449] ...Vả lại, cái chết của Tiếm vương khét tiếng Quang Trung không gây một sự thay đổi mong đợi nào tại 2 vương quốc. Những người con còn nhỏ tuổi và các cận thần của ông vẫn an hưởng các đất đai do ông chiếm lãnh. Theo ý kiến của những người hiểu biết thì đó không phải là một tai ương đối với dân chúng...

21/06/1793: Thư của ông La Mothe gởi cho các cô Mesnard (35) tại Lorient [tr. 452-55].

[tr. 454] Tôi không chắc rằng một ngày nào đó, khi vua Nam Hà, cha củsa vị hoàng tử (36) mà các cô đã từng đón tiếp lên ngôi vua Bắc Hà là xứ của ông, nơi ông rất được mong đợi, tôi không chắc rằng lúc đó chúng ta sẽ được lợi nhiều trừ khi ông nhường ngôi lại cho người con theo Gia Tô giáo (37) của ông...

Làng Hoàng Lý (38), 15/07/1793: Thư của ông Bissachère (39), gửi các ông Blandin, de Chaumont và Descourvières [tr. 469-73].

Riêng bức thư này đã đăng ở “Nouvelles Lettres...” pp. 205-208.

[tr. 469] Tôi và các thầy tuyên giáo của tôi đã đuổi được 3 ông từ của 3 ngôi đền khác nhau tại ba huyện thuộc giáo khu tôi. Một trong các đền đó đã bị đốt cùng với 25 tượng mạ vàng, người ta có dành cho tôi 5 tượng bằng gỗ quý mạ vàng và một tượng bằng đồng hay kim khí dùng để đúc tiền bản xứ, mà tôi đã bán với một giá khá cao sau khi đã đập nó tan ra từng mảnh. Người ta đã mang cho tôi các tượng đó ngay đêm cháy đền.

Nhưng chúng tôi đã biếu quan vài quan tiền và họ không dám theo đuổi kiện nữa [Dân Công giáo biến đình làng trước dành cho việc cúng bái thành 2 nhà thờ – Đền thứ 2 không được sửa vì xã trưởng là một dân Công giáo].

[tr. 471] Dân Công giáo trong làng đó không dám bán [các cây xung quanh đền] cho tôi vì sợ dân tà giáo, nên quyết định bán nó để giúp làng trả thuế. Vì không ai dám mua các cây ấy, chính họ đã mua lại với giá rẻ và tôi hy vọng sẽ được chia một phần nhỏ. [Đền thứ 3 thì bị phá] Tôi giữ tại chỗ công cộng hay nhà xí của chính dinh hay thủ phủ giáo khu này một nữ thần bằng gỗ khá lớn. Tượng thần này có 12 bàn tay ôm đầy quả, và kính bằng vàng và bạc; cả pho tượng đều mạ vàng.

17/07/1793: Thư của ông Leroy gửi ông Blandin [tr. 482-89].

Riêng bức thư này đã đăng ở “Nouvelles Lettres...” pp. 211-215.

... Có người trốn tránh không chịu ghi tên vào sổ “hộ khẩu”, hay không chịu lãnh “thẻ bài” mà họ cấp phát khắp vương quốc [tr. 486]. Tôi đã in [bộ luật Bắc Hà] cùng với một bản dịch mà tôi đã nhờ một viên cựu quan dịch hộ viên quan này đã từ trần tại nhà chúng tôi [tr. 487]. Bộ luật đó dường như không được dùng nữa từ khi vương quốc này đổi chủ. Các quan xử theo lương tri họ, phần đông không biết đọc hay biết viết, họ xử kiện như người Thổ Nhĩ Kỳ vậy, nhiều khi 2 bên đều bị quất roi mây và bị đuổi ra khỏi pháp đình, cốt sao cho kẻ thích sinh sự nhất cũng phải ôn hòa, còn sách vở thì chẳng dùng làm gì cả. Gần như không ai học nữa, không có “khoa thi” nữa như dưới thời các chúa “nhà Trịnh”...

Ngày lễ thánh Ignace, 1793: Thư của ông Bissachère gửi ông de Chaumont [tr. 490-3].

...Tôi vừa hay tin có 5 chiếc Tầu Anh thả neo ngoài khơi Nam Hà Thượng làm cho quan phụ chính của tiểu vương [Quang Toản] sợ và nghi có việc bí ẩn của vua chính thống Nam Hà khiến ông ta định ngược đãi thánh đạo của chúng ta, vì ông ta tin rằng người Công giáo nào cũng trung thành với vua chính thống. Tôi biết việc đó nhờ ông tổng trấn xứ này...

(Làng Đò) (40) 06/03/1792: Thư của ông Sérard gửi ông Blandin [tr. 494-495].

...[tr. 495] Từ tháng 1 năm ngoái, đê bị vỡ, gây ra một vụ lụt lớn khó ai ở đời thấy được; lụt ngập phần lớn xứ Nam và làm mất mùa tháng 10 [âm lịch]; nhờ các xứ khác tiếp tế cho các xứ này nên các thức ăn mới không hao hụt vì thiên tai đó. Dân bị quấy nhiễu đủ thứ, bị thuế má đủ loại và khổ dịch đọa đày. Sự kiểm tra hay sự điều tra dân chúng từ 9 tới 70 tuổi được thi hành một cách khắt khe để bắt hết mọi người phải trả thuế thân và đi lính, sự bắt bớ những kẻ không mang một dấu hiệu (thẻ) đã được cấp phát tại mỗi làng. Sự áp chế đó gây bực mình cho mọi người hay đúng hơn gây mầm loạn khắp nơi. Nhiều lần vì vậy dân chúng đã nổi dậy và tụ họp thành quân phiến loạn nhưng bao giờ kết cuộc cũng chỉ đem lại tai họa cho người dân khốn khổ... Vì sự quấy nhiễu tại Nam Hà dữ hơn tại Bắc Hà nhiều, nên các bạn đồng giáo của tôi bắt buộc phải lẩn trốn trong rừng núi từ nhiều tháng nay. Ngoài việc bắt những người có đủ năng lực tòng quân, họ còn bắt các trẻ con từ 7 đến 8 tuổi xung vào các đoàn binh cận vệ của các Hoàng tử của Tiếm vương [Quang Trung]...

1793: Thư [một đoạn] của ông Eyot, gửi ông Blandin [tr. 510-512].

... Quan phụ chính [Bùi Đắc Tuyên] vương quốc trong thời gian con Tiếm vương còn vị thành niên, bị tố cáo là muốn tiếm đoạt vương quyền. Cho nên ông ta bị bắt; ngay lập tức người ta triệu bắt [tr. 511] quan đại thần [Ngô Văn Sở] của chúng tôi bị nghi là có nhúng tay vào âm mưu của quan phụ chính. Người ta nói rằng con quan phụ chính định lên ngôi vua và quan đại thần của chúng tôi sẽ là chúa. Nhưng khó mà bắt được ông ta: ông ấy có nhiều binh lính và tay chân. Có mật lệnh gửi cho các tổng trấn các xứ phải chuẩn bị quân lính để tăng cường trong trường hợp có sự kháng cự của ông ta.

Đặc sứ của vua Nam Hà đến kinh thành Bắc Hà mang theo trát bắt quan đại thần của chúng tôi: Ông ta không ngờ có một lệnh như vậy nên bị bắt bất ngờ, bị trói nhốt vào cũi và dẫn vào Nam. Nếu ông ấy biết được tin đó thì có lẽ đã xảy ra một cuộc nội chiến. Người ta nói rằng vị quan ấy dự định giết ba bốn đại thần khác ở trong nhiếp chính viện. Ngày khởi sự đã quyết định rồi nhưng ông bị bắt trước. Người ta đồn rằng ông ta và quan phụ chính hãy còn sống nhưng bị tù và đến ngay giỗ của Tiếm vương [Quang Trung], họ sẽ bị dùng làm nến nghĩa là họ sẽ bị bọc bởi một thứ vải tẩm dầu dùng làm sáp, thân thể họ sẽ bị dùng làm bấc, và họ sẽ bị đốt như vậy vì đã không trung thành với vua. Thật là một cực hình ác độc. Theo như lời đồn hai ông đó vừa mới bị bắt, tất cả các mệnh lệnh của vị đại thần của chúng tôi đều bị bãi bỏ [không có sự ngược đãi đạo Công giáo nữa]...

Bố Chính, mồng 05/06/1793: Thư của ông Sérard gửi ông Blandin [tr. 517-26].

[tr. 521] Về việc dịch luật Bắc Hà, thì linh mục Văn đã dịch được cả tập hay một phần. Tôi có được đọc qua cuốn đó nhưng tôi quả quyết với ông rằng nó chẳng rõ gì hơn chữ viết... Hằng năm tổ yến bị giặc biển Trung Hoa ở Đông Hải đoạt mất; hay đúng hơn tôi không biết các con chim yến ấy còn ở trong các hòn đảo nhỏ mà chúng vẫn dùng làm nơi ẩn trú hay không, vì chúng bị quân cướp đó quấy rối quá. Về gỗ “trầm hương” thì chẳng nên nghĩ tới làm gì. Bây giờ không thể kiếm được hay mua được đến một miếng gỗ dác nhỏ để trộn với hương dùng để thắp cúng ở bàn thờ. Dân Bắc Hà không có thì giờ chạy vào trong rừng để kiếm gỗ ấy vì họ quá bận đi đánh nhau và công tác khổ dịch, và cọp lại tăng gấp bội và trở nên dữ tợn đến nỗi không ai dám đặt chân vào rừng cả trừ phi đi hàng đoàn để chặt cây đóng Tầu thủy. Hơn thế nữa, người Lào hay người Thượng bắt buộc phải cung cấp cho Tiếm vương một số gỗ lớn đến nỗi họ không còn để bán. Sáp thì cũng vậy, lên giá quá chừng!...

29/04/1794: Thư của ông La Mothe gởi ông Boiret [tr. 539-411].

[tr. 540] ...Cuối cùng ông Nhạc nổi danh đã chết hôm 13 tháng 12 năm ngoái: vài tháng trước khi ông chết, vì không thể chống cự lại vua chính thống Nam Hà, ông đã cầu cứu vua của Cảnh Thạnh (hay Thịnh), cháu ông. Tướng chỉ huy (34) đội quân nầy đã làm nhục ông đến nỗi ông chết vì uất hận. Người ta còn đồn rằng ông bị đầu độc. Khi nghe tin có quân đội của Cảnh Thạnh vào tiếp viện, vua Nam Hà [Nguyễn Ánh] đã lập tức thôi vây thành Qui Nhơn hay Qui Phủ và rút lui về Phú Yên; hiện ông vẫn đóng ở đấy. Chắc hẳn rằng sớm muộn gì cũng sẽ có một hành động [tr. 541] quyết liệt...

[tr. 564] Năm 1793 ông Eyot đã gặp một vị quan Nam Hà, vị quan này có nói chuyện lâu với ông và cho phép ông tiếp tục đi truyền đạo và có dặn ông nên: “dạy người ta sự lành” [nguyên văn bằng chữ quốc ngữ]...

14/01/1795: Thư của ông Longer gửi Bố Giáo Thánh Hội (La Propagande) [tr. 583].

... Địa hạt của giáo hội này (Bắc Hà) nằm từ sông Gianh, ranh giới Bắc Hà và Nam Hà đến tỉnh phía Tây của Trung Hoa mà người Bắc Hà gọi là “Vân Nam” và tiếng Trung Hoa gọi là Yunam. Đường đi từ sông Gianh đến phủ lỵ Bắc Hà là 15 ngày đường; từ kinh thành mà chúng ta nhắc tới đến giáo khu xa nhất ở miền núi ít nhất là 10 ngày đường nữa. Từ giáo khu tới Trung Hoa phải mất bao nhiêu ngày đường thì tôi không rõ.

Giáo khu này [tác giả ở – phía Tây Nam Bắc Hà] cũng được gọi là miền Tây và nó ở phía tây sông Bồ Đề [sông Hồng] trong khi một giáo khu khác ở phía đông sông có tên ngược lại (là miền Đông). Về thế quyền thì cả 2 giáo khu đều thuộc về vua Cảnh Thịnh hay Thạnh, con Tiếm vương Quang Trung, hiện còn thống trị một số lớn các tỉnh Nam Hà; vua này thật ra mới có 13 tuổi nên ông cậu [Bùi Đắc Tuyên] của ông ta (một cựu tăng sĩ) nhiếp chính.

Các tỉnh [trấn] của địa phận giáo hội này là: gần sông Gianh đã nói ở trên là Bắc Bố Chính được gọi như vậy để phân biệt với một tỉnh [dinh] cùng tên ở phía bên kia sông thuộc Nam Hà. Địa phận này được chia làm 3 “tổng”và có 12.000 giáo dân. Cạnh đó là tỉnh [trấn] Nghệ An, có 2 huyện và có gần 13.000 người Công giáo. Ở giáp giới tỉnh này là tỉnh [trấn] “Tanh Hòa” [Thanh Hóa] với 15.000 người Công giáo. Còn thỉnh “xứ Nam” (trấn Sơn Nam) thì ở phía Bắc giáo khu chúng tôi nhưng lại ở phía nam một giáo khu khác gọi là tỉnh Bắc (xứ Bắc) [trấn Kinh Bắc]; “xứ Nam” đó được chia ra làm 36 huyện trong đó có 14 huyện giáp khu phía Tây có hơn 30.000 giáo dân. Tại tỉnh cuối cùng tên là xứ Đoàn [trấn Sơn Tây], có hơn 10.000 giáo đồ... [Nguyên văn bằng chữ La Tinh].

20/07/1796: Thư của ông Guérard (41) gửi ông Blandin [tr. 729-31].

[tr. 730] Tôi được đến thăm một tăng viện [Mường] mà họ gọi là Cả Đễ. Có 2 “Chậu Húa” hay thầy tăng với 6 hay 8 người “sơ tu”. Họ tiếp đãi tôi rất tử tế. Cả làng họp lại để xem mặt tôi. Họ mặc áo đỏ, không làm gì [tr. 731] cả, không lấy vợ nhưng nghe đâu họ cũng rất “phóng túng”. Làng của Cả Đễ đó nuôi tất cả những người ở trong tăng viện, không để ai phải mất công làm bếp. Khi có một người đến thăm họ, theo tục lệ, trước nhất phải bái tượng đặt tại một góc phòng, sau đó quì dưới chân Chậu Húa để chào ông ta và để “thưởng công” khách ông ta đưa tay cho hôn. Trong khi đó thì Chậu Húa ngồi nghiêm. Họ chỉ ăn có 2 lần một ngày. Nhưng ai ham ăn thường viện cớ cúng để giữ lại 2 phần cơm sáng hay trưa để đến tối ăn.

Tăng viện hay Cả Đễ ở trên núi cao nhất vì, theo sách dạy, họ tin rằng họ ở nơi cao bao nhiêu khi chết họ càng dễ lên trời bấy nhiêu vì họ cho rằng trời chỉ cách núi cao nhất có 20 dặm.

...Ai cũng mạnh khỏe, béo tốt hơn người Kinh...

19/03/1795: Thư của Đức Longer gửi ông De Chaumont [tr. 613-15].

...[Sắp có vụ ngược đãi đạo Gia Tô mà quan phụ chính muốn che chở] [tr. 614] Ông ấy mời các nhà nho học và các sư tăng họp nhau lại để hoàn thành dự án rất cao cả đó. Tuy nhiên ông ấy làm cho các sư tăng một “vố đau” khi không cho phép mỗi làng đều có chùa như trước nữa, khoảng 200 làng mới có thể họp lại xây một ngôi chùa chung; vì vậy ông ra lệnh phá hủy các chùa riêng cũng như các giáo đường hay tiểu thánh đường của chúng tôi...

Vùng Cao nguyên, ngày 05/07/1795: Thư của ông Lapavée (42) gửi thân phụ ông [tr. 633-43].

[tr. 637] ...Quan phụ chính vương quốc, một ông già 80 tuổi và là thúc phụ (43) của vua Quang Trung, người đã mất từ 2 năm nay, có ý định đoạt ngôi của cháu ông để truyền cho con ông. Ông bèn âm mưu với một vị quan can trường và táo bạo, ngược đãi Công giáo, mà ông mới cử làm kinh lược [vice-roi] Bắc Hà. Khi cả 2 đã thỏa hiệp về ngày “dựng cờ khởi nghĩa”, ngày mà họ định giết 3 người con vua Quang Trung, cháu ông, quan phụ chính cho người tâm phúc của ông ra Bắc với toàn quyền hành động theo ý muốn. Chuyện đang tiến hành tốt đẹp và mọi sự đã được xếp đặt xong cho sự hành quyết 3 vị hoàng tử và các quan đại thần thị cựu kinh lược Bắc Hà [Võ Văn Dũng] mới tới Nam Hà Thượng, ở gần quan phụ chính bắt đầu nghi ngờ thái độ của vị quan phụ chính này, giấu giếm việc gì đây khi ông thấy có kẻ đem tin đến hay đi mà tiểu vương [Quang Toản] chẳng được hay báo gì cả, ông bèn tâu với vua: “Bệ hạ hãy đề phòng, người ta muốn ám hại bệ hạ. Bệ hạ hãy cho bắt sứ giả lại”. Sứ giả liền bị bắt và quả nhiên cuộc âm mưu kỹ lưỡng của quan phụ chính và kinh lược Bắc Hà bị bại lộ, chỉ còn có 20 ngày nữa là họ hành động, lập tức có lệnh bắt quan phụ chính và chỉ trong vài ngày sau ông bị giải ra tòa xử tử. Một sứ giả mang lệnh vua được gửi ra Bắc Hà. Quan “kinh lược” cũng bị bắt và phải chịu chung cực hình với đồng lõa của ông là người anh vị “kinh lược” là người đòi ngược đãi dân Công giáo không sống lâu để thi hành cái thú dã man ấy vì 10 ngày sau chính ông ta bị truy tố vì tội phản loạn [tr. 638] và nghịch vua... Hai vị đại thần Bắc Hà đi bắt quan phụ chính đã trách mắng ông nhiều điều khi ông bị dẫn ra pháp trường; trong số đó có một điều mà tôi thấy đáng được thuật lại vì nó lợi cho thánh đạo nhất là khi những lời trên được thốt ra từ miệng người đi đời... [lệnh ngược đãi đạo Gia Tô đã bị hủy bỏ].

21/08/1795: Thư của ông S. Tessier gửi ông De Chaumont [tr. 685-687].

[tr. 686] Một cô gái “giang hồ”, không có chồng mà đẻ con, làm cha cô ta giận ghê gớm vì đó là một trọng tội tại xứ này, khiến cha mẹ có thể bị tịch thu tài sản. Trong lúc quá nóng giận, người cha đã chặt đầu cô con gái.

29/06/1797: Thư của ông Langlois gửi ông Blandin [tr. 854­-855].

Vua Nam Hà Hạ [Nguyễn Ánh] đã xuất chinh năm nay. Người ta đồn rằng ông đã làm chủ Nam Hà Thượng đến tận biên giới Bắc Hà [tr. 855] và Tiểu vương (Nam Hà Thượng và Bắc Hà) đã chạy ra Bắc, về phía Kinh Thành (Thăng Long). Nếu thật như vậy, thì Tiểu vương sẽ không giữ được Bắc Hà lâu vì thứ nhất, trong hơn 10 năm thống trị, quân Nam Hà [Tây Sơn] bị dân chúng chán ghét vì họ phải đóng thuế quá nặng và dân chúng chỉ mong có cơ hội tốt để nổi dậy; thứ nhì, họ đã mất đất, nơi họ vẫn tuyển dụng các quan cai trị Bắc Hà... (Tin cuối cùng cho biết vua Nam Hà chưa chiếm được thủ đô Nam Hà Thượng).

31/07/1797: Thư của ông Sérard gửi ông Blandin [tr. 895-98].

[tr. 897] (tiền công và tiền nuôi thợ xây cất một giáo đường là 300 quan)...

06/08/1797: Thư của ông Tessier gửi ông De Chaumont [tr. 903-906].

[tr. 904] Cuối cùng bao giờ vua Đồng Nai cũng chẳng làm gì cả sau khi bắt mọi người chuẩn bị sẵn sàng, khiến dân chúng rất khốn khổ vì phải công tác tạp dịch để đánh đuổi ông.

07/08/1797: Thư của Đức Longer gửi các ông Boiret và Descourvières [tr. 907-910].

[tr. 908]... Có tin đồn rằng vua Nam Hà [Nguyễn Ánh] đi qua Quí Phủ hay Qui Nhơn để tiến về phía Cửa Ải, một thứ đèo ngăn chia Huế và Quảng (Nam). Như vậy là Cửa Hàn hay Hải Cảng Thoran [Touran] theo người Bồ Đào Nha mới rơi vào tay vua ấy. Chúng tôi không rõ thành trì hay thành phố Qui Nhơn đã hàng hay bị phong tỏa. Hình như vua Nam Hà đã bị thua to hồi tháng 7 vì tại xứ [tr. 909] Nghệ, có lệnh làm lễ tạ quỉ thần cho họ (quân Tây Sơn) thắng trận.

Chú ý: Các phần ở giữa hai dấu móc [...] hoặc do dịch giả chú thích hoặc tóm tắt một đoạn văn dài ở nguyên văn, cốt lược lấy những ý quan trọng.

(20) Kẻ Sở: một làng ở Trấn Sơn Nam Hạ (Nam Định).

(21) Xứ Đoài: Trấn Sơn Tây.

(22) Descourvières (Jean Jacques): Giáo sĩ, sinh trưởng tại Besancon. Thoạt đầu, ông đến truyền giáo ở Phi Châu. Năm 1776, ông sang Macao. Sau đó, ông bị nhà cầm quyền Quảng Đông buộc rời khỏi Macao. Ông làm đại diện cho Giáo Hội Xiêm La ở Paris. Ông mất ở La Mã ngày 6­-8-1804.

(23) Longer (Jacques, Benjamin): Giáo sĩ, sinh trưởng tại Rouen. Ông đến truyền giáo tại Nam Hà ngày 4-12-1775. Ngay khi tới đây, ông bị bọn cướp bắt và bị trọng thương, ông bị quan Bắc Hà (Trịnh) bắt giữ hai lần. Năm 1790, ông được tấn phong chức Giám mục và cai quản địa phận miền Tây Bắc Hà (Tonkin occidental). Ông mất ngày 8-2-1831, hưởng thọ 80 tuổi.

(24) Đức Champenois (Nicolas) [1734-1810]. Ông sang Pondichéry năm 1777. Năm 1783 ông được tấn phong làm Giám mục.

(25) Kẻ Seo: một làng thuộc Bắc Bố Chính (Quảng Bình)?

(26) Girard (Francois-Joseph) [17?-1812]: Giáo sĩ, sang truyền đạo tại Nam Hà từ năm 1785.

(27) Boiret (Denis) [1734-1813]: Năm 1761, ông sang truyền giáo ở Xiêm La. Tới năm 1765, ông đến Nam Hà truyền đạo. Năm 1771 ông sang La Mã và năm 1778, ông làm Giám đốc Chủng viện.

(28) Tả Cung Hoàng Hậu họ Phạm, sinh ra Quang Toản?

(29) Đức Véren: Đức Giám mục Labartette (Jean) [1744-1823]. Năm 1773, ông tới Nam Hà truyền đạo tại Dinh Cát, thuộc xã Ái Tử, huyện Đăng Xương (Quảng Trị). Năm 1784, ông được tấn phong Giám mục.

(30) Cân (livre): 1 livre là 489,5g.

(31) Touron (Tourane): Đà Nẵng.

(32) Xứ Chàm: dinh Quảng Nam.

(33) Langlois (Charles-Francois) [1767-1851]. Năm 1792, ông sang Bắc Hà ở Thanh Hóa. Năm 1805, ông làm đại diện cho Giáo Hội Bắc Hà, khu phía Tây (Tonkin Occidental) tại Paris.

(34) Chaumont (Denis) [1752-1819]: Giáo sĩ, sang Macao năm 1766. Năm 1784, ông về Ba Lê và năm 1814, ông làm Giám đốc Chủng viện tại đây.

(35) Mesnard: Chắc các cô này là bà con với giáo sĩ La Mothe, là những người đã gặp Hoàng tử Cảnh tại Lorient, khi Hoàng tử sang Pháp với Giám mục Bá Đa Lộc.

(36) Hoàng tử Cảnh.

(37) Hoàng tử Cảnh đã theo đạo Công giáo.

(38) Làng Hoàng Lý: một làng thuộc huyện Kẻ Bèo?

(39) Bissachère (Le Monnier de, Jean Jacques) [1764-1830]: Giáo sĩ sang Bắc Hà năm 1789, ở huyện Kẻ Bèo. Tới năm 1806, ông trở về Âu Châu. Tác giả quyển: Relation sur le Tonkin et la Cochinchine (1807).

(40) Làng Đò: một làng thuộc Trấn Sơn Nam Hạ.