Phần 48
Công việc cầm bút của tôi cũng như nhiều người khác, có hai giai đoạn, giai đoạn viết báo giấy và giai đoạn viết báo điện tử.
Công việc viết báo giấy là một giai đoạn đã qua và nhất định phải qua vì tự nó không còn đáp ứng cho nhu cầu bạn đọc nữa. Ban đầu khi người Việt mới đi tị nạn cộng sản, trên hầu hết các tiểu bang nước Mỹ cũng như các nước trên thế giới đều có báo giấy.
Tạp chí Tân Văn. Số 6, tháng 1, 2008.
Sự ra đời và cạnh tranh của báo điện tử – hầu hết là báo đọc không phải trả tiền – khiến một lúc nào đó nhiều tờ báo giấy bị khai tử.
Ngoài chi phí để in một tờ báo giấy, tốn phí bưu điện còn cao hơn chi phí in ấn, bắt buộc nhiều tờ báo in phải tự đình bản.
Như một số người cầm bút khác, tôi đã viết cho nhiều báo (giấy) về văn học, chính luận cũng như báo chợ như Văn, Chính luận, Hợp Lưu, Nguồn, Đi Tới, Tân Văn, Thời Báo, Sài Gòn nhỏ và cũng từng chia xẻ nỗi lo toan báo bị đóng cửa và cũng đã từng chứng kiến giây phút chia tay não lòng với bạn đọc của một số báo giấy.
Đã vậy, số độc giả mỗi ngày một lão hóa – không có lớp người thay thế, khiến độc giả của các tờ báo này mỗi ngày mỗi ít đi – du di từ 500 độc giả xuống 300 và ít hơn nữa. Riêng tờ Tân Văn như tôi biết, số độc giả lúc ban đầu là 1200 người sau xuống dưới 1000.
Chúng ta cũng đã từng chứng kiến sự ra đời và sự ra đi của các báo thuộc văn học như các tờ Văn, Văn Học, Làng Văn, Đi Tới, Nguồn, Hợp Lưu, Khởi Hành, Thế Kỷ 21, Tân Văn, v.v..
Có thể nói nay chỉ còn một hai tờ báo văn học sống lây lất như Khởi Hành, Hợp Lưu, v.v. Riêng tờ Tân Văn bị bức tử sau vụ kiện của tờ Người Việt.
Cái còn lại hiện nay là báo chợ. Nhưng có thể báo chợ sẽ sống lâu vì báo chợ sống bằng quảng cáo và bạn đọc báo chợ khác với tập hợp bạn đọc báo viết về văn học, chính luận.
Bản thân tôi muốn đi tìm lại những bài đã viết cho các tờ báo văn học cũng như các báo chợ mà tôi nghĩ cũng không thể dưới 100 bài, để lưu giữ lại cho khỏi mai một.
Tôi, Nguyễn Văn Lục, với khả năng kỹ thuật giới hạn, đi tìm lại những bài viết của Nguyễn Văn Lục trên không gian mạng vô biên là điều không dễ. Thật không dễ dàng, và nó cũng đưa đến những bất ngờ không tưởng tượng được.
Thoạt đầu, tôi tìm thấy một bài của tôi viết về báo Bách Khoa, do Huỳnh Văn Lang là Chủ nhiệm, đăng lại trên báo điện tử Học Xá.
Rồi tôi lại tìm thấy bài của Nguyễn Thụy Hinh được giới thiệu, trong số những bài viết về Tạp chí Bách Khoa, trên Thư Quán bản thảo, chủ đề viết về Tạp chí Bách Khoa, số 48, tháng 9, 2011, trang 25. Và cũng trong Thư Quán bản thảo số 48, bài của tác giả Nguyễn Vy Khanh, “Tạp-chí Bách Khoa và văn-học miền Nam”, hai bài của Nguyễn Thuỵ Hinh được trích dẫn và ghi lại phần chú thích, “5. Nguyễn Thụy Hinh. “Từ Huỳnh Văn Lang đến Lê Ngộ Châu đến các tác-giả viết cho Bách Khoa” và “12. Nguyễn Thụy Hinh. “Nhìn lại một số vấn-đề của tờ Bách Khoa”.” (TQBT, ibid., trang 50-51)
Tất cả bài của Nguyễn Thuỵ Hinh được giới thiệu hay trích dẫn trong TQBT số 48 đều ghi nguồn chính ở trang Nam Kỳ Lục Tỉnh (http://namkyluctinh.org).
Tác giả. Nguồn: Nam Kỳ Lục Tỉnh
Chưa hết, tôi lại tìm thấy bài của Nguyễn Thụy Hinh nhan đề Nhìn lại một số vấn đề của tờ Bách Khoa và một bài của Nguyễn Văn Lục Từ Nam Phong tới Bách Khoa được trích dẫn trong một bài viết của tác giả Vũ Thị Thu Thanh. Nhan đề bài viết là Tạp Chí Bách Khoa và đời sống xã hội Sài Gòn, Nguồn chính ở “Nam bộ Đất và Người tập 9”, và đăng lại ở trang “Sách hay | Lan toả Tri thức”
Đây là một bài viết khá công phu và sâu sắc. Tuy nhiên, cách dẫn nguồn của tác giả Vũ Thị Thu Thanh quá cẩu thả và không chuyên nghiệp. Tác giả chỉ đề tóm tắt: Nguyễn Thụy Hinh, 2008. Nguyễn Văn Lục 2008. Tác giả Vũ Thị Thu Thanh không ghi rõ nguồn, nhưng lại ghi năm 2008 thì chắc là đã đọc ở tạp chí Tân Văn số 6, tháng 1, năm 2008.
Như đã nêu trên, một bài viết khác về Tạp chí Bách Khoa, “Tạp chí Bách Khoa và Văn-Học miền Nam”, của ông Nguyễn Vy Khanh, một thành viên trong Nhóm Chủ trương trang Nam Kỳ Lục Tỉnh (http://namkyluctinh.org) đã đăng trên TQBT số 48 cũng như tại trang Nam Kỳ Lục Tỉnh. Trong bài này, tác giả Nguyễn Vy Khanh trích dẫn từ hai bài của tác giả Nguyễn Thụy Hinh, nhưng không trích dẫn bài của Nguyễn Văn Lục.
Nhắc lại, hai bài của Nguyễn Thuỵ Hinh được ông Nguyễn Vy Khanh trích dẫn có ghi rõ nguồn là http://namkyluctinh.org. Một có tựa đề là Từ Huỳnh Văn Lang đến Lê Ngộ Châu đến các tác giả viết cho Bách Khoa. Tựa đề của bài thứ hai là Nhìn lại một số vấn đề của Bách Khoa.
Khi ông Nguyễn Vy Khanh đã cẩn thận ghi rõ nguồn là trang Nam Kỳ Lục Tỉnh thì tôi có cơ sở để đặt vấn đề với Ban Chủ trương Diễn đàn Nam Kỳ Lục Tỉnh, http://namkyluctinh.org.
Hơn nữa Diễn đàn Nam Kỳ Lục Tỉnh cũng đăng hai bài mà tác giả Nguyễn Vy Khanh đã trích dẫn trong bài viết của ông. Đặc biệt, dưới hai bài đó ngoài tên Nguyễn Thuỵ Hinh không có một chi tiết nào khác về xuất xứ.
Nguồn: Nam Kỳ Lục Tỉnh
Nguồn: Nam Kỳ Lục Tỉnh
Hiện nay Diễn đàn Nam Kỳ Lục Tình được đặt ở 2 địa chỉ:
- http://www.namkyluctinh.com/(cũ),
- https://sites.google.com/site/namkyluctinhorg/ (mới)
Người đã đọc tạp chí Tân Văn số 6, chủ đề về Bách khoa, tháng 1, năm 2008, sẽ thấy có ba bài viết về Bách Khoa lần lượt như sau:
- Từ Nam Phong tới Bách khoa, trang 8-15, tác giả Nguyễn Văn Lục.
- Nhìn lại một số vấn đề của tờ Bách Khoa, trang 21-27, tác giả Nguyễn Thụy Hinh.
- Từ Huỳnh Văn Lang đến Lê Ngộ Châu đến các tác giả viết cho Bách Khoa, trang 28-33, tác giả Nguyễn Văn Lục.
Bạn đọc trang Nam Kỳ Lục Tỉnh đều thấy danh sách một ban chủ trương hùng hậu và đều có tên tuổi ngay trang nhất (trang nhà).
Trong đó theo thứ tự có quý ông
- Lâm Văn Bé,
- Nguyễn Văn Sâm,
- Trần Quang Minh,
- Nguyễn Vy Khanh,
- Nguyễn Tuấn Khanh.
(https://sites.google.com/site/namkyluctinhorg/).
Hoặc thứ tự
- Lâm Văn Bé,
- Trần Quang Minh,
- Nguyễn Văn Sâm,
- Nguyễn Vy-Khanh,
- Nguyễn Tuấn Khanh
(http://www.namkyluctinh.com/).
Như vậy, có thể hiểu ông Lâm Văn Bé đứng đầu Nhóm Chủ trương Diễn đàn Nam Kỳ Lục Tỉnh.
Trong Nhóm Chủ trương đó, tôi được biết hai người đều là những cựu công chức, đã tốt nghiệp khoa khoa học thư viện. Đó là ông Lâm Văn Bé và ông Nguyễn Vy Khanh. Cả hai, tôi tin rằng vì nghề nghiệp, đều hiểu rất rõ cách thức trích dẫn nguốn tham khảo; và cả hai hẳn cũng biết rõ nguyên tắc sơ đẳng và tối thiểu là biết tôn trọng nguồn và tác quyền của người cầm bút.
Trang Nam Kỳ Lục Tỉnh trích đăng hai bài của Nguyễn Thụy Hinh và không để nguồn hay xuất xứ. Điều này đi trái với chủ trương của trang Nam Kỳ Lục Tỉnh, ghi rõ ở trang nhất,
“…chúng tôi cũng xin được ngỏ lời tri ân và cáo lỗi tác giả những bài viết trên các trang mạng hay sách báo và hình ảnh mà chúng tôi không thể liên lạc được để xin phép trích đăng. Trong trường hợp nầy, chúng tôi sẽ ghi chú xuất xứ.”
Chưa kể, việc trích đăng không ghi xuất xứ, bài đăng trên Nam Kỳ Lục Tỉnh đầy lỗi đánh máy (typography), lỗi chính tả, tô đậm, viết nghiêng tùy tiện. Có những chỗ sai để lộ một trình độ ấu trĩ về việc phát hành.
Bản chính trong Tân Văn số 6, tháng 1, 2008, trang 27 phần kết luận bài Nhìn lại một số vấn đề của tờ Bách Khoa, tác giả Nguyễn Thụy Hinh viết:
“Ông Nguyễn Hiến Lê đã làm cái công việc: Của Ceasar thì trả cho Ceasar.”
Nguồn: Tân Văn Số 6, tháng 1, 2008. Trang 27
Bài Nhìn lại một số vấn đề của tờ Bách Khoa đăng trên Nam Kỳ Lục Tình đã đánh máy sai như sau:
“Sê ra” hay “sê ra” là nghĩa lý gì? Được biết tác giả Nguyễn Thụy Hinh không phải người gốc Bùi Chu-Phát Diệm nên phát âm rất trúng các âm S và R.
Và tờ Nam Kỳ Lục Tỉnh đã cắt bỏ phần kết luận bài Nhìn lại một số vấn đề của tờ Bách Khoa của tác giả Nguyễn Thụy Hinh một cách rất tùy tiện. Đó là lối làm việc vô trách nhiệm, vô văn hóa.
“Ông Nguyễn Hiến Lê đã làm cái công việc: Của Sê ra thì trả cho sê ra.”
Nguồn: Diễn đàn Nam Kỳ Lục Tỉnh (https://sites.google.com/site/namkyluctinhorg/)
Nhưng có lẽ điều quan trọng hơn tất cả là chúng tôi mong các ông Lâm Văn Bé, và quý vị trong Nhóm Chủ trương Diễn đàn Nam Kỳ Lục Tỉnh trả lời điều mà chúng tôi gọi là đạo văn, đạo chữ, bỏ tên tác giả thay vào một tên khác.
Ngay câu đầu của “Chủ trương”, Diễn đàn Nam Kỳ Lục Tỉnh viết:
Đạo văn, đạo chữ, cắt xén, và đổi tên tác giả không phải là công việc của một “diễn đàn của các nhà biên khảo và sáng tác” mà là hành vi của phường đạo tặc, bất lương. Tôi xin phép đặt 3 câu hỏi sau đây với Nhóm Chủ trương Diễn đàn Nam Kỳ Lục Tỉnh.
- Một, ai cho phép các ông cái quyền lấy bài Từ Huỳnh Văn Lang đến Lê Ngộ Châu đến các tác giả viết cho Bách Khoa của tác giả Nguyễn Văn Lục đăng trong Tân Văn, số 6, tháng 1-2008, từ trang 28-33?
- Hai, ai cho các ông ngang ngược tự ý đổi tên Nguyễn Văn Lục ra Nguyễn Thụy Hinh?
- Và ba, ai cho quyền các ông Chủ trương diễn đàn Nam Kỳ Lục Tỉnh tự ý cắt bỏ phần 3, “Lê Ngộ Châu và sự quy tụ các nhà văn: Sự thành đạt của Bách Khoa”, dài khoảng hơn hai trang giấy in, ra khỏi bài viết của Nguyễn Văn Lục?
“Nam Kỳ Lục Tỉnh là diễn đàn của các nhà biên khảo và sáng tác…”
Nguồn Tân Văn Số 6, tháng 1, 2008. Trang 31
Ông Lâm Văn Bé, ông có thể trả lời sòng phẳng, minh bạch và thành thực với tôi ba câu hỏi nêu trên hay không?
Và nếu Nhóm chủ trương Nam Kỳ Lục Tỉnh muốn tiếp tục xử dụng hai bài Nhìn lại một số vấn đề của tờ Bách Khoa của Nguyễn Thụy Hinh, và Từ Huỳnh Văn Lang đến Lê Ngộ Châu đến các tác giả viết cho Bách Khoa của Nguyễn Văn Lục, ông có thể liên lạc trực tiếp với tôi hoặc qua DCVOnline tại đây.
Tôi cũng yêu cầu tác giả Nguyễn Vy Khanh, nếu vẫn giữ trích dẫn từ hai bài nêu trên, xin ông vui lòng điều chỉnh phần xuất xứ cũng như tác giả ghi trong chú thích của bài “Tạp chí Bách Khoa và Văn-Học miền Nam”.
Cho đến bây giờ, tôi không thể hiểu được lý do Nhóm Chủ trương Nam Kỳ Lục Tỉnh, nhất là ông Lâm Văn Bé người đứng đầu Nhóm, có thể hành động như vậy. Một hành động bất chính, bất xứng với nhân cách của người có ăn học.
Thật xấu hổ! Thật đáng xấu hổ chung cho mọi người, cho bạn bè, cho cộng đồng người Việt, đặc biệt là những người đã hết lòng ủng hộ ông Lâm Văn Bé trong dịp ông ra mắt cuốn “Giá Tự Do”.
Một mục đích khác của bài viết này là để tránh một sự lật lừa cả nước như Tố Hữu đã làm gần 3/4 thế kỷ, khi dịch tuyên ngôn đăng từ số đầu tiên của tờ Les Révolutions de Paris do Louis-Marie Prudhomme (1752-1830) làm Chủ nhiệm và xuất bản từ ngày 12 tháng Bẩy 1789, và cho rằng Jean-Paul Marat là tác giả.
“Les grands ne nous paroissent grands
que parce que nous sommes à genoux
……………….Levons nous………………”
Báo Révolutions de Paris, Năm thứ ba, 1791.
Nguồn: http://books.google.com
“Người ta lớn bởi vì ngươi quỳ xuống
Hỡi nhân dân, hãy đứng thẳng lên!
(Ma-rat)”
(Tố Hữu, “Hãy đứng dậy”, Huế, tháng 4, 1938)
(Nguồn: Trần Giao Thuỷ, “Người ta lớn bởi vì ngươi quỳ xuống…”, DCVOnline, Tháng 10, 2012.)
Tôi hy vọng sau bài viết này trong giới biên khảo và sáng tác Việt Nam sẽ không còn những người đạp phải … “dép” của Tố Hữu.
Sau cùng, Nguyễn Thụy Hinh là ai?
Xin thưa với bạn đọc, Nguyễn Thuỵ Hinh là một bút danh khác của Nguyễn Văn Lục xử dụng khi đang là Chủ bút Tạp chí Tân Văn từ 2007 đến 2008.
Của Ceasar thì trả cho Ceasar.
© 2016 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bài của tác giả. DCVOnline biên tập và minh hoạ.