Phần 85

Sự phá sản của một xã hội khép kín

Posted on September 7, 2017 by editor0 Comments

Nguyễn văn Lục

Một xã hội khép kín là một xã hội không còn thích hợp nữa. Tự nó phải đào thải.

Trong thời gian gần đây, chính quyền Hà Nội đã để lộ những yếu kém liên quan đến bản chất chế độ vốn trước đây nó được coi là thế mạnh của họ. Đó là sự che đậy, dối trá, lật lọng, bất chấp luật lệ quốc tế, bất chấp dư luận trong và ngoài nước.

Phải chăng nó báo hiệu một ngày không xa sự suy tàn của chế độ?

Bài viết này trình bày và so sánh một cách dễ hiểu hai kiểu xã hội: xã hội mở của các nước Tây Phương và xã hội kín của các nước độc tài.

Thế nào là một xã hội mở? Thế nào là kín?

Xã hội Mở và Kín. Nguồn: OntheNet.

Mở là chấp nhận phê bình, chấp nhận sai lầm, chấp nhận đối thoại và chấp nhận sửa đổi. Đó là khả năng thích ứng để sửa đổi dựa trên luật pháp quốc gia. Đó cũng là cái mạnh như yếu tính của xã hội Tây phương.

Xã hội kín là tự nó khép lại, che dấu, nếu cần dối trá hoặc dùng bạo lực như đàn áp, giam cầm, tù đầy. Và đó là cái mạnh cũng như cái yếu nhất của xã hội khép kín nhìn từ trong ra ngoài.

Xã hội khép kín đã có mặt ngay từ buổi bình minh cộng sản với Lenin (tên thật là Vladimir Ilyich Ulyanov). Lenin luôn coi sự dối trá như một bước đầu cần thiết khi thời cơ chưa chín mùi. Và biến sự dối trá, che đậy thành cơ sở lý luận của người cộng sản.

Có thể nói, đó là “cái đạo đức chính trị” của người cộng sản, một chính sách dối trá mang tầm vóc quốc gia. Hồ Chí Minh đã thuộc bài của đàn anh Cộng sản Liên Xô để sau này áp dụng ở Việt Nam.

Phần Mao Trạch Đông, ngay từ tháng Giêng1951 đã đưa ra khẩu hiệu “Đừng sợ trước các rối loạn”. Nếu cần dùng bạo lực dẹp hết các thành phần phản động. Xin trích dẫn Mao chủ tịch như sau:

Mao Trạch Đông trong một bức ảnh chụp vào cuối năm 1949 hoặc đầu năm 1950 sau khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ảnh này xuất bản trên các tờ báo phương Tây trong chuyến Mao đi thăm Liên Xô vào tháng 1 năm 1950. Nguồn: Flickr.com

“The Party’s mass line must be followed in suppressing counter-revolutionaries.”

(Chỉ đạo của Mao Trạch Đông khi ông sửa đổi dự thảo nghị quyết của Hội nghị Quốc gia lần thứ ba về An ninh Công cộng, tháng 5 1951. Trích Selected Works of Mao Tsetung. Volume V., Foreign Languages Press. Peking. First edition 1977, trang 50)

Mao đã vận dụng quần chúng để xóa sạch những phần tử được gọi là “tả khuynh” trên toàn cõi Trung Hoa, từ thành phố đến những làng xã hẻo lánh. Hàng triệu người đã chết oan uổng vì những chính sách của Mao.

Xã hội khép kín là một guồng máy với hai hệ thống áp đặt: Nhà nước và Đảng. Nhưng Đảng chỉ đạo, nắm quyền. Guồng máy ấy được áp đặt từ trung ương đến địa phương.

Trong một khẩu hiệu tuyên truyền của Mao viết:

“Anh hãy là một cái vít nhỏ trong bộ máy vĩ đại của chủ nghĩa xã hội.”

(Thierry Wolton, Une histoire mondiale du Communisme. Les victimes. Bernard Grasset, 2015, trang 667)

[Trong diễn văn về “Văn học và Nghệ thuật” tại Diên An năm 1942, Mao trích dẫn đòi hỏi của Lenin cho rằng văn học chỉ nên “là răng khe và vít trong bộ máy cách mạng” và cần phải chú tâm vào việc tấn công kẻ thù. Nguồn: Rudolf G. Wagner, “Inside a Service Trade: Studies in Contemporary Chinese Prose”, trang 13 — DCVOnline]

Bên cạnh bộ máy đảng còn có các “tổ chức quần chúng” như “Phụ Nữ, Nghiệp đoàn và giới trẻ”. Tất cả như một thứ dây chuyền trong một guồng máy mà không ai có thể ở ngoài guồng máy đó được.

Guồng máy lúc đầu chỉ là một phương tiện, một kỹ thuật. Nhưng khi rơi vào guồng máy thì con người bị cuốn hút vào các răng khe của bộ máy đó. Guồng máy sau lại biến thành chính bản chất của chế độ ấy. Nhưng khi đã rơi vào guồng máy, nó sẽ biến cải con người trở thành bản chất của chế độ. Lúc đó bản tính con người không còn nữa. Nói theo ngôn từ triết học thì đó là sự vong thân của con người trong guồng máy chế độ, và không có cơ hội để thay đổi được nữa. Và khi cái gì không phải là con người thì tự nó chống lại con người vì nó phản lại nguyện vọng, tâm tư của con người.

Cho nên, tự bản chất, chủ nghĩa cộng sản là thứ chủ nghĩa chống lại con người, hay một thứ chủ nghĩa không mang khuôn mặt người. Và những ai ở ngoài guồng máy đó sẽ bị văng ra hoặc bị nghiền nát. Những người văng ra ngoài như trường hợp Trần Đức Thảo, luật sư Nguyễn Mạnh Tường hay Nguyễn Hữu Đang, v.v..

Khẩu hiệu của Trung Quốc trong thời kỳ năm 1950 là “Yi bian dao”, có nghĩa là anh phải chọn lựa đứng vào phía đảng.

[“Yi bian dao” hay 一邊倒 “Nhất biên đảo” là chính sách đối ngoại “ngả về một bên” của nước Cộng hoà Nhân dân Trung hoa khi mới thành lập. Trước đó trong chiến tranh chống Nhật Bản, đảng Cộng sản Trung hoa hợp tác với cả Mỹ lẫn Nga. — DCVOnline]

Luật sư Nguyễn Mạnh Tường trong cuốn Un Ex-commnié thú nhận như sau:

“Aucun sentence n’est prononcé. Les communistes ont le gout de la clandestinité. Toutes les décisions sont prises et appliqués dans un silence de mort.”

(Không có bản án nào được công bố. Người cộng sản thường có thói quen che dấu. Vì thế, các quyết định và việc thi hành đều tuyệt bí mật.)

(Nguyễn Mạnh Tường. Un Ex- communié. Hanoi 1954-1991: Procès d’un intellectuel, trang 229)

Không văng ra thì bị nghiền nát, bị canh chừng, bị nhồi sọ, bị khai thác và mọi khác biệt trở thành sự bội phản.

Cái mẫu điển hình của guồng máy đó dần mang tầm vóc toàn cầu của hệ thống cộng sản.

Bất kể vùng địa lý nào cũng như lịch sử, văn hóa của một đất nước khi đã rơi vào tay quyền lực cộng sản cũng sẽ được áp dụng một phương pháp, một hệ thống, một lối áp đặt, một chính sách chính trị. Nạn nhân của nó dù là Liên Xô, dù là Tàu, dù là Việt Nam, dù Bắc Hàn thì cũng giống nhau cả. Vì thế, người ta mới quen gọi đó là tội ác chống lại con người. Những kẻ phải nằm trong các trại cải tạo đủ loại thì đó chỉ là một thứ nghĩa địa để chôn người sống. Tất cả là một sự tính toán để con người chết chậm và chết một cách bạo tàn.

Nhiều người còn sống sót khi trở về chỉ còn là phế vật.

Sự nhồi sọ ấy của chủ nghĩa cộng sản thể hiện rõ nét trong giáo dục. Việc đào tạo nhằm áp đặt các giá trị mang tính chất giáo điều giống như trong tôn giáo, nhất là công giáo. Đảng như một Đấng tối cao, quyền uy nắm giữ chân lý sự thật bất khả nghi, không thể sai lầm. Đảng bao giờ cũng đúng không thể sai lầm.

Vào năm 1958, Tổng Thư ký đảng cộng sản Đông Đức, SED, Walter Ulbricht đã đưa ra giáo lệnh “10 điều răn” để đảng viên phải tuân thủ (giống 10 điều răn của bên công giáo) về “con người mới xã hội chủ nghĩa.”

Rồi 20 năm sau, tại Moscow, trước các đại biểu của Hội Nghị XXV, Leonid Brejnev tuyên bố:

“Con người Xô Viết là thành quả quan trọng nhất trong 60 năm qua.”

(Thierry Wolton, ibid., trang 669)

Cho nên, sau này các người thiên tả ở Pháp nhận thức được tính cách tôn giáo trị của cộng sản. Và năm 1960, ông Emmanuel D’Astier (1900-1969) khi viết về Joseph Vissarionovich Stalin đã cho thấy Stalin đã sai lầm.

Vậy muốn cải tiến đảng cộng sản thì việc đầu tiên phải thế tục hoá chủ nghĩa cộng sản. (Il faut laiciser le Communisme.) Có nghĩa là đảng phải chấp nhận sai lầm, bỏ tính cách siêu việt của đảng. Đừng giữ chủ nghĩa giáo điều áp đặt. Đừng theo chủ nghĩa vĩ cuồng.

Nếu không thì cái lầm than và mồ chôn của chính họ lại chính là ở chỗ cái cao cả của họ.

Và đây là một bằng chứng.

Người ta vẫn tưởng rằng chế dộ giáo dục hiện nay xuống cấp, bê tha đủ kiểu là chuyện bây giờ, mới xảy ra. Thưa không. Hoàn toàn là một sản phẩm kế thừa từ nhiều thế hệ cộng sản để lại của Trung Quốc.

Thật vậy, sự đào tào giới học sinh, sinh viên ở Trung Quốc chỉ nhằm số lượng bất kể đến trình độ, chất lượng trong kế hoạch năm năm ở Trung Quốc (1953-1957).

Nguồn: World Economic Forum

Sự thất bại trong giáo dục đến nỗi một nhà giáo dục Trung Hoa đã so sánh nền giáo dục cao cấp của Trung hoa là: “một xưởng máy sản xuất các văn bằng tốt nghiệp” trong đó các vị giảng huấn là những kỹ thuật viên đã sản xuất ra những “thành phẩm đã được tiêu chuẩn hóa!” (La Chine. Nhiều tác giả, ibid., trang 62)

Nhận xét về lối đào tạo của Trung Quốc cho thấy chẳng khác gì một xưởng chế tạo chai lọ hàng loạt, đạt thành phẩm “đạt tiêu chuẩn”.

Đó là lối đào tạo trong đó chỉ có một cửa vào và một cửa ra. Người được đào tạo như ngồi trong một hang động và ngoảnh mặt vào vách, chỉ thấy những bóng hình di động trên vách hang và tưởng đó là sự thật.

Họ bị bịt mắt, bịt tai và chỉ tuân thủ như một cái máy.

Đời sống ở miền Nam Việt Nam, trước 1975 cho thấy nền giáo dục rất phóng khoáng, nhân bản. Cách giáo dục của miền Nam Việt Nam có nhiều cửa vào rộng mở, mở ra nhiều chân trời và mỗi sản phẩm không phải những chai lọ khuôn đúc mà là những con người đa dạng về trình độ, về phẩm chất và nhất là khả năng thích ứng và hội nhập vào các nền văn minh trên thế giới.

Một nền giáo dục như thế nào thì chỉ cần nhìn vào thành quả mà nó đem lại, không cần phải phô trương ra đây. Thực tế đã chứng minh điều ấy, và không cần bàn cãi dông dài.

Mặc dầu vậy, tôi vẫn xác tín rằng, ngoài lãnh vực giáo dục, một xã hội khép kín là sự vi phạm trắng trợn sự bình đẳng dựa trên pháp luật, trên tôn giáo hoặc trên phong tục. Đó là điều mà hiện nay chế độ, và chính quyền Hà Nội đang vi phạm một cách rõ ràng không cần dấu diếm trước dư luận quốc tế.

Và ngày nay, ở thời đại tin học, dù một xã hội muốn khép kín, dấu diếm che đậy đến đâu cũng bị tố giác trước công chúng một cách nhục nhã.

Một xã hội khép kín là một xã hội không còn thích hợp nữa. Tự nó phải đào thải.

© 2017 DCVOnline