Phần 19

Đã một thời như thế: Hiện tượng Phạm Công Thiện

Đất nước ơi, đủ rồi. Quá đủ rồi, dân ta ơi!

Đã một thời như thế: Hiện tượng Phạm Công Thiện

Thư từ trao đổi với Henry Miller

Có lẽ “người duy nhất” được Phạm Công Thiện kính nể và tôn sùng là Henry Miller. Tôi nghĩ rằng có thể từ chỗ gặp Henry Miller ở California, rồi có ý định muốn dịch tác phẩm của Henry Miller, sau đó Phạm Công Thiện liên lạc thư từ với Henry Miller. Hai người - một trẻ, một già - đã trở thành những người bạn tâm tình kéo dài cả hơn chục năm.

Lúc đầu, Henry Miller rất trân trọng Phạm Công Thiện, coi Phạm Công Thiện như một “đại sư”, một Rimbaud Việt Nam (Rimbaud là một thần đồng về thơ của Pháp, từ lúc 17 tuổi). Sự cảm mến và trân trọng một người trẻ tuổi đi đến chổ Henry Miller sẵn sàng giúp đỡ vật chất cho Phạm Công Thiện. Phạm Công Thiện đã trân trọng giữ lại những thư của Henry Miller gửi cho

ông và đã cho in trong tập “Tribu”, dầy hơn 160 trang (Impression: COREP Toulouse et Imprimerie 34 pour le planches intérieures et la couverture ISSN: 0758-8100. Numéro publié avec la collaboration du Centre de Promotion Cuturelle L’Université de Toulouse-LeMirail… Dépôt legal: 1er trimester 1984.) Tuy nhiên đây chỉ là dấu tích trao đổi một phía. Phạm Công Thiện không công bố thư của ông gởi cho Henry Miller trong tập “Tribu”. Đó là một điều thật đáng tiếc, vì sau này, không ai biết thực sự Phạm Công Thiện đã viết gì cho Henry Miller. Cùng lắm chỉ biết được gián tiếp qua những lá thư ngắn của Henry Miller trả lời cho Phạm Công Thiện.

Xin được trích dẫn một số trong những lá thư ấy hiếm hoi có giá trị lịch sử văn học này.

Một lá thư của Henry Miller đề ngày 28 tháng 9 1972 (thời gian Phạm Công Thiện đã có gia đình và ở bên Pháp chưa có công ăn việc làm); Henry Miller đã viết phản bác lại ý kiến của Phạm Công Thiện phê bình Durell (Durell là bạn thân của Miller) như sau:

Tôi muốn nói đến việc ông phê bình Durell, nhưng buộc lòng tôi phải nói với ông rằng không thể nào cho bất cứ ai nếu không được nuôi dạy trong dòng tiếng Anh lại có thể thưởng thức và đánh giá trọn vẹn đầy đủ về ông ta. Ông ta là thứ đại sư của tiếng Anh (“master of English”). Còn về những công trình sáng tác của ông ta, nó đã đem lại cho chúng ta điều gì và có ý nghĩa gì thì lại là một câu hỏi khác. Đối với tôi, ông đã hoàn toàn nhầm lẫn khi ông nói rằng ông ta thiếu lửa “Fire”. Tôi nghĩ rằng trong “Quartetr” thì tràn đầy lửa, và phải chăng đó lại là chính cái điểm yếu của “Quartet”, nếu ông muốn tìm một điểm yếu của nó.

Thư của Henry Miller gởi Phạm Công Thiện

Nguồn: Tribu, p 144

Cũng trong lá thư trên, ông Phạm Công Thiện cho biết đã viết được hơn 20 tác phẩm. Henry Miller đã viết trả lời:

Nhưng trước hết, ông cho phép tôi có đôi nhận xét về khả năng viết đến không thể tưởng tượng được (votre incroyable productivité). Ông nói rằng ông đã viết hơn 20 cuốn sách trong vòng vài năm gần đây (...) Ngay cả Balzac, Alexandre Dumas hay Victor Hugo đã không bao giờ có thể viết được với cái nhịp độ như thế.

Đây là một nhận xét gián tiếp phê phán, nghi ngại về tính hay “thổi phồng” của Phạm Công Thiện. Dù có thật cũng nên tế nhị, không quá phô trương.

Nhưng hình như những nhận xét của Henry Miller không mảy may ảnh hưởng gì đến thái độ ứng xử của Phạm Công Thiện. Có lẽ Henry Miller cũng là người duy nhất đã có thể đưa ra những nhận xét trung thực mà không bị Phạm Công Thiện giận dữ.

Lần đâu đến Paris vào năm 1966, theo Thi Vũ trong bài “Về một bài thơ của Phạm Công Thiện”, đăng trên Gió-O.com

Phạm Công Thiện sống lang thang nơi vỉa hè Paris, ngày ngày làm đuôi theo đám clochard xin những bữa ăn xã hội. Gặp Trần Hiếu đem về nuôi được mấy hôm Sau đó Thiện về ở với tôi.

Trong thời gian này, chắc Phạm Công Thiện lại “tả oán” về đời sống túng thiếu, Henry Miller mủi lòng viết cho Phạm Công Thiện.

Nếu ông đang túng thiếu và đói, tại sao không để tôi giúp ông một tay? Tôi nghĩ rằng ông sống nhờ vào sự trợ giúp của những bạn bè thân cận với ông. Hãy cho tôi biết anh cần bao nhiêu và tôi sẽ gửi cho anh ... Can đảm lên.

Thư đề ngày 5 tháng tám, 1966.

Đúng như dự đoán của Henry Miller, Phạm Công Thiện sống nhờ vào bạn bè, nhất là Thi Vũ và ngay cả gõ cửa anh em phía bên vợ.

Theo anh LKH, anh ruột của chị LKTH, vợ Phạm Công Thiện, vào năm 1971, anh cũng đã gởi giúp cô em gái và Phạm Công Thiện 1000 đô la, mặc dầu anh cũng chỉ là sinh viên du học. Nhưng anh cho biết cũng không nhận được một lá thư cám ơn của Phạm Công Thiện.

Lá thư tiếp của Miller gửi Phạm Công Thiện:

“Vui mừng vì thấy ông bằng lòng hỏi tôi để giúp đỡ ông.Và đây là tấm chi phiếu 300 đô la.”

17 tháng tám 1966.

Và cứ thế tiếp tục những số tiền nhỏ từng vài trăm mà Henry Miller đã gửi giúp Phạm Công Thiện thập niên 1970 sau này. Phạm Công Thiện đã gõ cửa cầu cứu Henry Miller nhiều lần xuyên qua những lá thư trả lời của Henry Miller.

Henry Miller thật rộng lượng và bảo bọc Phạm Công Thiện như trong một lá thư khác:

Ông hãy cho tôi biết tình trạng tài chánh của ông lúc này. Có thể là zéro. Nếu ông vẫn không có công ăn việc làm, tôi sẽ gửi cho ông một cheque lớn hơn hoặc tôi sẽ nhờ Geoges và Boris Hoffman gửi tiền cho ông thay tôi.

Henry Miller cũng là người gõ cửa nhiều bạn bè trong giới nhà xuất bản để giúp ông Phạm Công Thiện, nhưng kết quả chẳng ai giúp được gì. Một phần những người bạn ấy cho Henry Miller có cảm tưởng là họ thấy trình độ tiếng Pháp của Phạm Công Thiện chưa đủ.

(j'ai aussi l'impression qu'ils trouvent votre francais insuffisant).

Trích thư đề ngày 09/12/72. (Thật ra có thể chỉ vì cái accent nói tiếng Pháp của ông Phạm Công Thiện không chỉnh còn khả năng đọc và viết có thể không thua ai!)

Và trong hầu hết những lá thư ấy, hầu như lá thư nào Henry Miller cũng “tội nghiệp” cho bà vợ - vốn là người say mê âm nhạc, nghệ sĩ sáng tác và những cậu con trai của Phạm Công Thiện thừa hưởng dòng máu nghệ sĩ đó. Ông săn sóc đến các cậu con trai đầu và ngay cả đỡ đầu những người ấy.

Sự chăm sóc và lưu tâm tâm ấy của Henry Miller thật chân thật và trọn vẹn. Nhưng có thể Phạm Công Thiện với cá tính “hoang đàng” và coi mọi chuyện ân nghĩa chỉ là “gratuit”, phải chăng đã đưa đến sự đoạn tuyệt của Henry Miller với thi sĩ Phạm Công Thiện?

Vì thế, sang đến năm 1974 thì mối liên hệ giữa hai người kể như chấm dứt. Phạm Công Thiện lại xin tiền. Nhưng Henry Miller từ chối một cách lịch sự viện cớ phải trả một số tiền lớn cho thuế vụ và tiền trợ cấp cho hai đứa con của ông ta.

Rõ ràng đây chỉ là cách từ chối lịch sự của một người đã từng là ân nhân của Phạm Công Thiện.

Henry Miller kết thúc lá thư:

Bây giờ tôi phải xa ông. Như thể nói “thôi để mặc ông với số phận”. Điều đó có thể là điều tốt. Tôi không muốn cho ông ý kiến gì cũng như bày tỏ lòng thương cảm.

Well, I will leave you now. It's like saying “I leave you to your fate”. I won't try to give you advice or sympathy. Cheers. Henry.

Trong một lá thư đề ngày 08/01/1976, lá thư chót và cuối cùng Henry Miller liên lạc với Phạm Công Thiện - nghĩa là sau năm năm thời gian Phạm Công Thiện ở Pháp - Miller đã nặng lời đến miệt thị với Phạm Công Thiện khi Henry Miller viết:

You are no charlattan, simply one of the most infortunate of God's creatures. No fault of yours"

Ông không phải là người bất tài bịp bợm, ông chỉ là một sản phẩm bất hạnh nhất của đấng tạo hoá. Nhưng đó không phải là lỗi của ông.

Lá thư này cho thấy Henry Miller “dứt khoát” với Phạm Công Thiện trong sự ngờ vực, chê trách con người, cá tính của Phạm Công Thiện.

Thật ra sự nghi ngờ của Henry Miller về con người Phạm Công Thiện phải trở lại ngược thời gian trước đây lúc ông mặc áo cà sa. Không biết ông Phạm Công Thiện đã viết gì cho Henry Miller về việc đi tu của ông như tu tập lúc nào, thời gian bao lâu, sự tu tập ấy có mức độ nghiêm chỉnh không? Henry Miller đã đặt những câu hỏi nghi vấn về việc tu tập này vào năm 1966. Henry Miller thật sự nghi ngờ hỏi:

Có phải ông thật sự trở thành một moine Zen bây giờ? Ông có được truyền chức không? Nếu đúng như vậy thì ông có thể thật sự trở thành Sidharta (à la Hesse), hay là một bậc thầy (Maitre) vô danh?

Thư của Henry Miller gởi Phạm Công Thiện

Nguồn: Tribu, p 108

Trích lá thư của Henry Miller gửi Phạm Công Thiện, ngày 8-6-1966.

(Đọc thêm cuốn Đôi bạn chân tình của Herman Hesse để hiểu thêm thế nào là một thiền sư)

Sự nghi ngờ của Henry Miller là chính đáng.

Việc quyết định cạo trọc đầu, mặc áo tu hành của Phạm Công Thiện ở Paris khi gặp TT. Thích Minh Châu là thiếu nghiêm chỉnh - nó như chuyện đùa, chuyện của một người khôn lanh láu lỉnh hơn là của một tâm hồn nghệ sĩ.

Phần ký ức của Thi Vũ ghi:

Bài vở chuẩn bị gửi về Saigon cho Thanh Tuệ in, thì đột nhiên TT Thích Minh Châu đến thăm. Hôm ấy đang ngồi tán gẫu với Thiện ở căn nhà tôi cư ngụ số 8 rue Guy de la Brosse xóm La Tinh, nghe tiếng gõ cửa gấp. Mở ra thấy thượng tọa Thích Minh Châu đi cùng giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch. Thượng tọa vừa nói, vừa thở hắt sau hai tầng gác: “Tôi biết Nhất Hạnh đang ở với anh, nhưng tôi cứ đến cần bàn chuyện khẩn”. Hai vị sư này có chuyện không vui với nhau từ Sài Gòn. Tôi đáp cho T.T. yên lòng: “Nhất Hạnh đi Úc rồi, mời thầy vô”. An tọa xong, Thượng tọa Minh Châu, vị viện trưởng viện Đại Học Vạn Hạnh vừa thành lập tại Sai Gòn, nói: “Tôi sang dự hội nghị Unesco, nhưng cố ý gặp anh mời anh về giúp đại học Vạn Hạnh. Đại học mới mở trăm công nghìn việc khó khăn, nhiêu khê, phá phách, mình thiếu người quá, anh ráng về giúp cho một tay”. Tôi nhận lời, Thiện ngồi cạnh mặt đỏ gay vì rượu, tóc mọc dài hippie, có lẽ vì vậy TT. Không để ý. Nhận lời xong, tôi tiếp: “Xin thầy, mời luôn Thiện về cho vui”.

Thượng tọa Minh Châu mặt đỏ rần, ấp úng: “Ừ, chú, chú!” Tôi đỡ lời, “Dạ chú Nguyên Tánh đó!” Thầy Minh Châu gật đầu với nụ cười hiền giải thoát y như hai mươi năm trước, thời tôi còn gọi chú Minh Châu và giúp chú đánh bài vở ở Tổng trị sự đầu đường Thượng tứ, Huế: “Ừ thì chú Nguyên Tánh về luôn hí” (...)

Nhưng từ khi gặp TT Minh Châu mời về Sài Gòn cùng tôi, thì ngày hôm sau Thiện nhờ tôi cạo đầu và tìm bộ y vàng Nam tông cho Thiện mặc. Người thay đổi hẳn, nghiêm trọng, ít nói, chỉ trầm tư mặc tưởng đăm chiêu không dứt. Khác hẳn những ngày trước đó ăn nói ồn ào, nhậu nhẹt, chửi thề vung mạng.

(…)

Chuyện đầu tiên là Thiện sửa hai câu thơ trong bài Quế Hương mà Thi Vũ muốn kể lại chi tiết. Khi đến Pháp thì Phạm Công Thiện đã hoàn tục. Vì thế hai câu thơ thứ tám và chín Thiện viết trên gác trọ nhà tôi ở Guy de la Brosse:

Em còn ca hát

Anh không còn là tu sĩ.

Nay chuyện đầu tiên là Thiện sửa lại hai câu trên thành:

Em còn ca hát

Anh không còn làm thi sĩ.

Và sau đó Thiện còn đòi bỏ bài thơ Quế Hương khi in.

Trích Về một bài thơ của Phạm Công Thiện, Thi Vũ, ngày 17-03-2011.

Thật “nhảm” không chịu được. Chuyện cứ như đùa, khó tin. Nhưng là sự thực.

Nhân tiện đây, xin nhắc lại chuyện bằng cấp của Phạm Công Thiện. Tài liệu “Danh sách các luận án về Việt Học tại Pháp (1884-2006)” do Francois Guillemont tuyển chọn và được đăng lại trong tập san Dòng Sử Việt, trang 137, số tháng 5, tháng 10-12-2007.

Trong danh sách các người được liệt kê đỗ tiến sĩ về Việt Học có những tên tuổi quen thuộc như Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Thị Ninh, Phạm Cao Dương, Pierre Brocheux, Nguyễn Mạnh Tường, Cao Huy Thuần, bà Lâm Thanh Liêm, Devilliers, Philippe, Trần Thị Liên, Langlet Philippe, Nguyen Van Ky.

Chưa có nguồn thông tin nào trả lời câu hỏi ông Phạm Công Thiện lấy tiến sĩ ở đâu, năm nào, đề tài luận án là gì? Cũng như vậy, việc dạy học Triết học ở Toulouse phải chăng cũng còn là một câu hỏi khác?

Nay rất tai hại là phần tiểu sử Phạm Công Thiện đã được sao chép (từ một thông báo của GHPGVN Hải ngoại do một tu sĩ ký tên) giống nhau và được đăng tải khắp các diễn đàn trên mạng.

Phải chăng đây cũng là một nỗi oan của Phạm Công Thiện vì được nhiều người tâng bốc hay nỗi thiệt thòi của văn hóa nói chung?

Thư gửi cho người bạn thi sĩ

Tôi đã đọc kỹ lá thư của Phạm Công Thiện gửi cho người bạn thi sĩ và tôi nghĩ rắng dó là chỗ để thi sĩ Phạm Công Thiện trang trải hết tâm tư. (Pham Cong Thien, Lettre à un poète vietnamien avant son suicide…, Tribu, p. 51-56, Paris 19/08/1966).

Người bạn thi sĩ này như là cái cớ để thi sĩ Phạm Công Thiện nói hết, phóng bút, không do dự, không kiêng nể. Vì thế đọc lá thư giúp soi sáng nhiều điều về con người thực của Phạm Công Thiện.

Đọc lá thư ấy, phải nhận thấy tính cách quá độ tuyệt đối, cái ego tuyệt đối “hoang tưởng và mang dấu tích triệu chứng bệnh tâm thần” nơi Phạm Công Thiện như chính ông tự nhận trong lá thư gửi người bạn thi sĩ:

Tao không muốn phê phán quyển Ý thức mới, vì có bao giờ mày phê phán con tinh trùng của mày, hỡi Nh. Tay Ngàn? Nếu bây giờ, tao muốn viết lại quyển Ý thức mới, nhất định là tao sẽ viết mạnh hơn, tàn bạo hơn nữa, phũ phàng hơn nữa. Tao đã thấy rõ ràng hơn bao giờ hết rằng tao không bao giờ nên hoà nhượng, không bao giờ nên làm hoà với cuộc sống này. Tao chỉ muốn nổ tung như mười triệu trái bom nguyên tử, rồi nằm ì lăn ra chết bấy thịt như một con rắn lửa, còn hơn là nhẹ nhàng thỏ thẻ tình thương, nhỏ nhẹ lý tưởng cao đẹp, vân vân: tao muốn chửi thề với tất cả lý tưởng: tao chỉ muốn phá hoại và chỉ muốn phá hoại: tao cảm thấy gần gũi với những người tội lỗi hơn là với những thầy tu thánh thiện. Tao thấy rằng tất cả tội lỗi đều vô cùng cần thiết, vì tội lỗi chỉ là một ý niệm lường gạt và không có thực...

(…)

Thời gian tao ở Hoa Kỳ, tao đã bỏ học, vì tao thấy những trường mà tao học, như trường đại học Yale và Columbia chỉ toàn là những nơi sản xuất những thằng ngu xuẩn; ngay đến những giáo sư của tao chỉ là những thằng ngu xuẩn nhất đời; tao có thể dạy họ nhiều hơn là họ dạy tao.

(…)

Qua Pháp tao đã sống nghèo đói thế nào thì mầy cũng đã biết rõ rồi; những lúc tao nằm ngủ ở những vỉa hè Paris vào những đêm đông đói lạnh, những lúc đói khổ như vậy, tao vẫn còn cảm thấy sung sướng hơn là ngồi nghe mấy thằng giáo sư đại học Yale hay Columbia giảng cho tao nghe về Aristote hay Hegel, về Heidegger hay Héraclite. Tao đọc Heidegger và Héraclite bằng máu với nước mắt; còn mấy thằng giáo sư ấy chỉ đọc bằng đôi mắt cận thị! Những thằng ấy hiểu gì về tư tưởng mà dạy tao. Bây giờ nếu có Phật Thích ca hay Giê su hiện ra đứng giảng trước mặt tao, tao cũng chẳng nghe theo nữa. Tao chỉ dạy tao, tao là học trò của tao và cũng chỉ có tao là làm thầy cho tao.

Cuộc đời của Phạm Công Thiện là thế.

Là trí giả, là lãng tử, là kẻ ăn chơi, là kẻ bất cần đời, là thiền giả, là thi sĩ, là “triết gia” là kẻ dâm đãng, là giáo sư. Tất cả đều có thể! Cho nên không lạ, có người vẫn hỏi: Phạm Công Thiện là ai?

Cái “tất cả đều có thể” thể hiện trong nhận xét của ông về những tên tuổi mà đáng lẽ trong cảnh giới bình thường họ phải được kính nể. Ít ra là không được đụng chạm tới mới phải.

Chẳng hạn ông viết, “Shakespeare hay Goethe, Dant hay Heidegger, tao coi như những thằng hề ngu xuẩn (...) Ngay đến Héraclite, Parménide và Empedocle, bây giờ tao cũng xem thường, xem nhẹ. Tao coi ba tên ấy như ba tên thủ phạm của nền văn minh hiện nay!”

Ba triết gia nêu trên xuất hiện thời tiền Socrate, Platon, 500 trước Tây lịch. Chẳng hiểu Héraclite tại sao lại là thủ phạm của nền Văn Minh hiện nay là lý cớ gì?

Trong thư gửi người bạn, Phạm Công Thiện biết rõ cá tính, con người của ông như thế nào:

Tất cả những người quen biết tao đều nói rằng tao là thằng rừng rú, ích kỷ, kiêu ngạo, hoang đàng, vô kỷ luật, vô lễ phép, ham ăn, ham uống, ham ngủ, ham làm ái tình: tóm lại tất cả những tật xấu của con người đều xuất hiện trong tao. Tao thấy họ nói đúng, nhưng họ nói ngược lại thì cũng đúng. Tao là một thằng mâu thuẫn cùng cực; muốn nói chuyện với tao thì đừng lý luận. Vì tao có thể lý luận xuôi hay ngược gì cũng được.”

Trích lá thư như trên.

Phần Phạm Công Thiện, ông không từ một tên tuổi nào - tên tuổi càng lớn càng được lôi ra - gạt bỏ mọi triết gia lớn nhỏ của truyền thống Hy-La và Tây Phương.

Và đây là số phận không may là trường hợp J.P. Sartre và S. De Beauvoir, “Nếu họ muốn xin gặp tao, tao sẽ không cho gặp mà còn chửi vào mặt họ.”

Nếu độc giả người Pháp đọc được câu trên, họ sẽ nghĩ thế nào?

Sự phê phán các tác giả Việt Nam trong Hố thẳm tư tưởng

Sự phê phán các đại tư tưởng gia của nhân loại là phần chính yếu trong các sách của Phạm Công Thiện. Phạm Công Thiện đã chỉ dành rất ít trang sách viết về các nhà văn, thi sĩ Việt Nam. Có thể khoảng chừng vài dòng - Trừ trường hợp Nguyễn Văn Trung, ông đã dành hẳn một chương để phê phán một cách nặng nề.

Nói chung, gần như các tác giả Việt Nam “không đáng” để Phạm Công Thiện đề cập tới. Vậy thì trường hợp phê phán Nguyễn Văn Trung phải coi là một biệt lệ? Vả chăng, những đại tư tưởng gia còn bị vứt vào sọt rác thì cá nhân Nguyễn Văn Trung có nghĩa gì?

Trong Hố thẳm tư tưởng, mở đầu đối với Thiền tông, Phạm Công Thiện viết, “Tao đã gửi Thiền tông vào một phong bì tối khẩn để địa chỉ của bất cứ ngôi chùa nào trên thế giới.”

Còn các văn thi sĩ ở Sài Gòn, “đọc các bài thơ của các anh, tôi thấy ngay sự nghèo nàn của tâm hồn anh, sự quờ quạng lúng túng, sự lập đi lập lại vô ý thức hay có ý thức: trí thức ‘mười lăm xu’, ái quốc nhân đạo ‘ba mươi lăm xu’, triết lý tôn giáo ‘bốn mươi lăm xu.’”

Đã không có một nhà thơ nào lên tiếng, phải chăng vì không bị hài tên? Không lẽ họ thật sự chỉ đ áng giá vài chục xu? Hay vì không đếm xỉa đến những lời phê phán vu vơ, vô tội vạ?

Ngay cả đối với Bùi Giáng, đáng nhẽ phải là người “cùng tâm cảnh” với Phạm Công Thiện. Vậy mà trong những trang cuối của cuốn Hố thẳm tư tưởng, Phạm Công Thiện viết:

“‘Hố thẳm tư tưởng’ ra đời để đánh dấu ngày tôi chấm dứt mọi liên lạc tình cảm với Bùi Giáng và Nhất Hạnh".

Nhớ lại cái thời của người viết, trong giới bạn bè, hầu như họ chỉ tỏ vẻ đôi chút ngạc nhiên, coi Phạm Công Thiện như một hiện tượng lạ.

Phần cá nhân người viết bài này, chỉ một lần đọc cuốn “Hố Thẳm tư tưởng”. Thú thực, tôi không hiểu gì, không nắm được gì, không hiểu tác giả mốn truyền đạt tư tưởng gì, một cách CÓ HỆ THỐNG.

Chỉ thấy những trích dẫn ngổn ngang, lộn xộn, pha trộn những trích dẫn tiếng Pháp, tiếng Đức như một bày hàng, khoe chữ với cường điệu, đặt ra vấn đề và phủ nhận.

Một thứ phủ nhận của phủ nhận – gratuity - không dẫn chứng, không biện biệt.

Cái cảm giác chung khi đọc ông là sự phủ nhận mọi giá trị tôn giáo, triết lý, và các nhà đại tư tưởng bằng thứ ngôn ngữ cuồng vọng trong một trạng thái hystérie dấn đến độ vọng ngữ, vọng ngôn. Một thứ ngôn ngữ phản ánh một trạng thái tinh thần với những mâu thuẫn nội tâm không kiểm soát được giữa biên giới thực và ảo. Đó là thứ lý luận đậm nét sự cao ngạo thay cho sự thực. (L’arrogance remplace le réalisme). Nó mất hẳn sự tự trọng chính mình.

Mà sự tự trọng là khởi điểm của con người có văn hóa (cultivé).

Vấn đề là thiếu lòng tự trọng chứ không phải vấn đề trí thức cao hay thấp, giỏi hay dốt, đúng hay sai, thiên tài hay không phải thiên tài. Phạm Công Thiện có thể là nhân tài như người ta nhận xét về ông, nhưng chỉ thiếu có lòng tự trọng, một thứ tự sát - hủy thể của hủy thể.

Những điều ông viết không con nằm trong giới hạn của nhận thức luận hay tri thức luận. Chúng ở bên ngoài biên giới sai đúng.

Nói cho cùng nó là một thứ phá sản nhận thức luận và truyền thống vốn là những cái nôi của văn hóa của nhân loại. Những người tự cho mình đọc và hiểu Phạm Công Thiện, họ học được gì trong những dòng ngụy luận đó giúp họ lớn lên về tầm vóc nhận thức thay vì thúc đẩy bản năng về sự cao ngạo vĩ cuồng, về sự muốn hơn người hay khác người?

Trong cái vốn văn hóa học được trong việc người Nhật ứng xử với tai ương, với cái hiểm nguy, có cái văn hóa của lòng tự trọng rút trong kho tàng tư tưởng của Nho học !!

Phạm Công Thiện thiếu hẳn cái đó.

Vì vậy, trong việc phê phán Nguyễn Văn Trung xảy ra sau 1963, ngay khi Phạm Công Thiện vừa đến Pháp, mà theo Thi Vũ, bài tiểu luận đầu tiên là: “Đặt lại căn bản học vấn Nguyễn Văn Trung - Phê bình luận án tiến sĩ của Nguyễn Văn Trung hay là tìm hiểu một thủ đoạn phá hoại Phật giáo.”

Tựa đề bài viết phản ánh triệu chứng của những ẩn ức cá nhân của thi sĩ Phạm Công Thiện cộng với những pha trộn nhiễu nhương của những yếu tố xã hội, chính trị và tôn giáo được dịp bùng nổ sau 1963.

Nó không bao hàm giá trị nhận thức đúng hay sai mà đượm tính chất hằn học, nguyền rủa mà Nguyễn Văn Trung là cái cớ cho sự nguyền rủa ấy với nọc độc: phá hoại Phật giáo trong một luận án.

Nó phản ánh một thời kỳ thường được gọi là ba năm xáo trộn, nhiễu nhương về chính trị và xã hội, văn hóa và tôn giáo. Sự chửI bới, nhục mạ nhau được lên ngôi trong các môi trường tôn giáo, xã hội, trong báo chí sách vở.

Và tôi cho rằng cuốn sách của Phạm Công Thiện nằm trong bối cảnh đó. Phải hiểu cái bối cảnh đó để hiểu tại sao Phạm Công Thiện đã viết như thế. Phạm Công Thiện phê phán Nguyễn Văn Trung:

Nguyễn Văn Trung là tượng trưng cho sự nô lệ, nông cạn, phá sản của giới trí thức Việt Nam hiện nay.

Phạm Công Thiện được coi như: hiện tượng Phạm Công Thiện để nói lên tính cách dị thường trong cách viết như thế. Và dựa theo cơn “sóng thần” sau 1963, một cách nào đó, ông đã mở đường cho một số người viết theo, tạo nên một thứ sinh hoạt văn học thiếu lành mạnh, thiếu lòng tự trọng, một thứ “văn hóa chửi” đi ra ngoài khung cảnh văn học sau 1963.

Đó là một hiện trạng văn học đáng buồn mà hầu hết các nhà văn đều tránh né và im lặng. Bởi vì nó xếp tất cả vào một rọ, một thứ cá mè một lứa, vô giá trị.

Cứ cho rằng ông Nguyễn Văn Trung nhận thức kém cỏi, sai đi nữa, biện chúng giải thoát trong Phật giáo của ông thiếu căn cơ đi nữa! Có lẽ nào phải nhận lãnh lối chửi bới như chợ cá của một Cung Tích Biền?

Thừa dịp ấy, Cung Tích Biền, đăng trên tuần báo Khởi Hành, số 150, 1972 viết:

Ông Nguyễn Văn Trung chỉ là một trí thức phá sản? Ông không có gì để phá sản. Ông chỉ là một kẻ bịp và du đãng văn nghệ. Kẻ bịp kia như thế nào thì đã có ông Phạm Công Thiện làm cáo trạng từ lâu rồi.

Kha Trấn Ác viết trên Tuần Báo Đời, số 11 phát hành ngày 27.11.1969 như sau:

Đối với Nguyễn Văn Trung tượng trưng cho sự nông cạn, nô lệ, phá sản của giới trí thức Việt Nam hiện nay. Tên ấy gợi lên sự học vấn lừng khừng, suy tư thiếu máu, cóp nhặt thiếu thông minh, kiêu ngạo, ngu xuẩn, lưu manh, nguy hiểm ..Tôi đã tàn bạo khi viết những giòng trên. Phải tàn bạo. Không thể nhẹ nhàng, không thể cảm thông, trao đổi với hạng người trên.

Trich “Nhìn lại những chặng đường đã qua”, kỳ 4, Nguyễn Văn Trung, ngày 08/09/2007, trên Thông Luận

Phạm Công Thiện nay chỉ là cái cớ cho một “hội chứng sau 1963” mà một số trở thành nạn nhân, đi ra ngoài khuôn khổ triết học, văn học, đậm nét sự đố kỵ, hận thù của một thời kỳ như thế và còn có thể kéo dài nữa.

Vì thế, tôi muốn nhấn mạnh đến thời điểm sáng tác của tác giả Phạm Công Thiện. Cái thời điểm mà nhà thơ Viên Linh, chủ bút tờ Khởi Hành nhận xét một cách hãnh diện là: giới hạn từ năm 1963 trở đi đã tưng bừng phát triển, như hải triều, như thái độ phá vỡ những oi nồng của một thời kỳ ung đột, đưa thế hệ 20 của đất nước trở về nhưng suối nguồn tư tưởng Đông phương là công lao chung của những trí thức đã xuất gia: nhóm Vạn Hạnh.

Không kể các bậc thầy đã xa như Thích Đức Nhuận, Thanh Kiến, Thanh Từ hay kế tiếp như Minh Châu, Nguyễn Đăng Thục, Trần Ngọc Ninh, Vũ Văn Mẫu.

Và xử dụng kiến thức Kim Dung, Viên Linh xếp nhóm trẻ là “Tây Độc” Phạm Công Thiện, “Đông Tà” Tuệ Sĩ, Chơn hạnh là “Trung thân Thông”, Chơn Pháp là “Bắc cái", “Nghi Lâm sư muội” Trí Hải và “Chu Bá Thông” Bùi Giáng.

Tôi không nghĩ rằng thời điểm sáng tác trước 1963 là “oi nồng, ung đột”. Và phải ngược lại mới đúng.

Hải triều dâng lên thì vị tất đã có, nhưng sóng thần thì chắc chắn là có.

Quả thực thời điểm sáng tác, cho in sách của thi sĩ Phạm Công Thiện và ông trở thành nổi tiếng như một hiện tượng Phạm Công Thiện đều xảy ra sau thời đệ nhất cộng hoà. Các sách của ông như Ý thức Mới trong văn nghệ và triết học in bản đầu năm 1964 do các nhà Lá Bối, An Tiêm, Tiểu luận về Bồ Đề Đạt Ma, 1964. Hố thẳm tư tưởng, 1966, An Tiêm. Im lặng hố thẳm 1966, An Tiêm. Henry Miller, 1968, Rainer Maria Rilke, 1968. Nikos Kazantakis, 1969. Ý thức bùng vỡ, 1970.

Và một vài sách dịch từ tiếng Đức như Niettzsche, Ecce homo, 1969. Heidegger, Vom wesen der wahrett, 1968. Và dịch từ tiếng Anh: Krishnamurti, the first and last freedom, 1967-1968.

Về thơ có tập Ngày sinh của rắn, 1966.

Về tiểu thuyết có “Mặt trời không bao giờ có thực”, 1967. “Trời tháng tư”, 1967 và “Bay đi những cơn mưa phùn”.

Phần trích dẫn các sáng tác này, tôi căn cứ trên chính tác giả Phạm Công Thiện đã viết trong Tribu.

Xin mượn lời thi sĩ Nguyên Sa để gián tiếp nói về cái thời kỳ như “hải triều dâng lên”như một kết thúc bài viết nhân sự ra đi của thi sĩ Phạm Công Thiện.

Nguyên Sa viết:

Tôi đã quen lắm với không khí đố kỵ, tị hiềm, ghen tương bao vây sinh hoạt văn hóa trong đó tôi sinh hoạt 10 lăm năm nay để có thể tin chắc rằng đó không phải là những chướng ngại ghê gớm có đủ sức mạnh bắt tôi phải ngừng quan tâm văn chương và triết học. Tôi cũng thành khẩn ao ước những người chuyên nghề phán đoán, những người tự cho mình cái quyền năng ghê gớm là không ngừng phán xét đồng loại cho tôi được hân hạnh học tập trong những tác phẩm mà họ sẽ in ra. Học tập trong tác phẩm thôi chớ không thể học tập những tập quán ghê gớm đó, bởi tôi đã tới cái tuổi mà người ta không thể học tập quán mới, dù của thời đại, và cũng chẳng bỏ nổi những tập quán cũ, dù biết rằng, nói theo một nhà triết học quen thuộc, đó chính là kẻ thù của tự do.

Trích Nhận Định X, Nguyễn Văn Trung, Nguyên Sa, một người bạn, trang 149.

Nguyên Sa trả đũa bằng thứ ngôn ngữ tranh luận, thách thức và lật tẩy làm im lặng những tiếng nói đố kỵ, đầy tỵ hiềm.

Đã có lần Nguyên Sa “đối chất” hàng tháng trời ròng rã với Duyên Anh cho đến lúc tác giả “con ong” chịu im tiếng mới thôi.

Chẳng hiểu có phải từ đó đã trả lại phần nào không khí trong lành của sinh hoạt văn học!

Người viết bài này chỉ rất tiếc là đã được trao giữ những lá thư của ông Phạm Công Thiện viết cho Nguyễn văn Trung thời kỳ ông còn ở Mỹ Tho viết để gửi bài viết cho tờ Đại Học với lời lẽ trân trọng, ca tụng Nguyễn văn Trung. Trong thời gian làm báo ở Mỹ, tôi đã vô tình “làm mất” tập thư này nên bây giờ nói gì cũng vô ích thôi.

Cũng theo Nguyễn Văn Trung, thi sĩ Phạm Công Thiện đã có dịp gặp Nguyễn Văn Trung và hứa rằng trong kỳ tái bản tới, sẽ bỏ phần phê phán Nguyễn Văn Trung trong cuốn sách của ông.

Tôi không có điều kiện để kiểm chứng điều này.

Viết lại hiện tượng Phạm Công Thiện trong dịp ông đã ra đi khỏi thế giới này, thanh thản và không phiền lụy.

Như một gợi nhớ Đã có một thời kỳ như thế.

Nếu phải đánh giá Phạm Công Thiện thì tôi cũng đồng ý với Thi Vũ, người bạn thời trẻ của Phạm Công Thiện. Thi Vũ viết:

“Thiện xem mình là triết gia. Tôi nhìn Thiện như một thi sĩ!”

Bên kia thế giới, có thể ông chỉ mang theo có một điều: Ông coi Henry Miller là thần tượng duy nhất trong cuộc đời của ông.

Quả thực đã có một thời như thế như tựa đề bài viết. Hiện tượng Phạm Công Thiện. Một hiện tuợng Hippie về văn học Việt Nam trong bối cảnh chính trị, xã hội, tôn giáo, chiến tranh kể từ sau 1963.

Vấn đề của chúng ta ngày hôm nay không hẳn là đã học được gì nơi thi sĩ Phạm Công Thiện mà học được gì trong cái Hiện Tượng Phạm Công Thiện.

Quả thực đã có một thời như thế!

Đất nước ơi, đủ rồi. Quá đủ rồi, dân ta ơi!

Thứ nhất – Tin Nhà vừa nhận được một tập tài liệu mỏng rất quý, Một thời để nhớ. Việt Nam Công Hòa do tủ sách Tiếng Sông Hương ấn hành. Tủ sách Tiếng Sông Hương do ông Nguyên Hương, Nguyễn Cúc chủ trương, đã in và phát hành được hơn 10 tuyển tập với nhiều chủ đề khác nhau từ năm 1989 đến nay. Các tác giả cộng tác với Tiếng Sông Hương gồm Tôn Thất Thiện, Thái Văn Kiểm, Phương Anh Trang, Nguyên Hương, Nguyễn Dương Đôn, Thân Trọng Tuấn, Thái Công Tụng, Võ Hương An, Nguyễn Minh Cần, Lệ Vân, Thân Trọng An, Hồ Minh Dũng, Nguyễn Mộng Giác, Bùi Bích Hà, Trần Mộng Tú, Vĩnh Đàm, Bửu Liêm, v.v... (Tiếng Sông Hương, Dallas, TX 75230.)

Trong phần tài liệu kỳ này, tôi rất thích thú với tài liệu Souverains Et Notabilités de L’Indochine, Hanoi 1943, (Các chủ nhân và nhân sĩ ở Đông Dương) trong đó có hình Tổng Thư viện Hanoi, số 3, đường Trường Thi cũng như bản luận án tốt nghiệp của ông Ngô Đình Nhu đệ trình ngày 31/01/1938 với nhan đề, Les moeurs et les coutumes des Annamites du Tonkinh au XVIIème siècle.

Bạn đọc muốn tìm hiểu về tài liệu sử cũ và cần thêm nhiều chi tiết, xin đọc thêm bản dịch của ông Ngô Bắc về bài viết của R.B. Smith nhan đề, Thành phần Tinh Hoa Nam Kỳ thuộc Pháp, 1943, đăng trên gio-o.com (School of Oriental and African Studies, University of London).

Thứ hai – Qua những tin tức từ trong nước truyền ra ngoài, một lần nữa, người dân hiểu được tính chất “man rợ”, vô đạo đức và phi pháp luật trong vụ Bát Nhã như thế nào. Tác giả Trần Quang Hạ trên DCVOnline.net nhận định qua vụ này thì không còn là XHCN nữa.

Đó là một xã hội đen. Không còn gì đúng hơn nữa.

Sống ở một đất nước không có luật pháp thì mọi việc sẽ xảy ra như thế nào?

Tất cả những ai còn mưu cầu một tự do, dân chủ, chống lại mọi hình thức áp bức độc tài ở Việt Nam mà còn ngồi yên thì chẳng khác gì chờ sung rụng. Người ta sẽ chẳng đạt được gì nếu vẫn ngồi yên tại chỗ để nói, để không hành động.

Không thể nhẫn nhục mãi. Đủ rồi. Quá đủ rồi.

Thứ ba – Tin Nhà cũng nhận được tin tức từ Việt Nam là có nhiều phần Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt trong tương lai sẽ không giữ chức vụ Tổng Giám Mục nữa.

Sẽ có một khoảng trống tòa Tổng Giám Mục, và không biết kéo dài bao lâu!

Nhiều người sẽ cảm thấy lo âu cho tương lai Giáo Hội (TCG) Việt Nam. Nhưng khoảng trống đó sẽ nhắc nhở giáo dân (TCG) rằng họ đang mất một cái gì và họ cần làm một cái gì.

Nhà cầm quyền không thể tái diễn một Nguyễn Văn Thuận một lần nữa. Họ có thể cô lập người lãnh đạo tinh thần cao nhất của công giáo miền Bắc, họ có thể lấy đi mất vai trò lãnh đạo tinh thần của dân Hà Nội, nhưng chính chỗ mất đi ấy củng cố thêm niềm tin của họ.

Họ không thể bỏ tù lương tâm người công giáo trước hiện tình đất nước được

Niềm tin là sức mạnh. We must be strong.

Chính quyền cộng sản trong nước phải hiểu rằng họ đang đẩy người dân vào thế phải đối đầu với nhà nước, biến họ là những người bạn nay thành kẻ thù.

Trong tương lai, bên cạnh một nhà nước xã hội chủ nghĩa độc tài toàn trị sẽ hình thành một xã hội dân sự có danh xưng là một xã hội bất tuân phục, một xã hội mà đa số người dân trong nước là nạn nhân tạo thành một sức mạnh đề kháng, bất bạo động và bất hợp tác. Cái tương quan ông chủ và thằng ở mà trước đây là mục tiêu tranh đấu của người cộng sản nay họ lại chính là ông chủ và toàn thể nhân dân miền Nam biến thành người ở.

Tương quan thù địch ấy đang hình thành trong mọi giai tầng ở xã hội Việt Nam. Một xã hội bất tuân phục ấy sẽ nói không với nhà nước.

Thứ tư – Tin nhà nhận được một bản dịch từ một bài báo của ký giả Nhật Yoshigata Yushi, trong đó viết về Số phận của người Thương phế binh Miền Nam Việt Nam.

Trong bài báo, ký giả Yoshigata Yushi có thuật lại câu chuyện của thương phế binh tên Hùng được 1 tổ chức NGO giúp đỡ cho chiếc xe lăn. Tặng xong, họ yên chí là lần này ông Hùng sẽ thoải mái ngồi trên chiếc xe lăn mới. Không. Tháng sau, lúc quay trở lại, người ta thấy người thương phế binh vẫn lết đi trên đôi nạng. Hỏi lý do, ông Hùng trả lời đơn giản là chính quyền địa phương tịch thâu chiếc xe lăn vì cơ quan cho xe không qua trung gian chính phủ, lại còn bắt đóng tiền phạt. Ông Hùng không có tiền. Tổ chức NGO đành bỏ tiền đóng phạt để ông Hùng có được chiếc xe lăn.

Những điều quá nhỏ như thế tố giác một dã tâm lớn: một chế độ phi nhân. Nó sẽ làm cho hàng ngàn, ngàn người đọc thức tỉnh về những điều nhỏ như thế.

Điều quan trọng là thức tỉnh người trong nước hiện nay sống “vô tư” quá, coi những chuyện rất không bình thường thành bình thường, sống chết mặc bay.

Xin phép, ai có nhiều hộp khăn giấy, xin phát cho mọi người để biết chùi đi một nỗi đau sót cho VN. Phần tôi, ai có cái ống nhổ cho tôi mượn để tôi nhổ một miếng.

Nghĩ đến thân phận người thương phế binh VN, tôi chợt nghĩ đến đã xem cuốn phim, Kandahar, trong đó vùng đất Afghanistan diện tích đất đai rộng gấp hai lần Việt Nam mà trên đó đầy những bãi mìn. Không biết bao nhiều con người đã mất hy vọng đi trên đôi chân của mình ở vùng đất ấy? Các cơ quan từ thiện thường dùng máy bay thả dù những đôi chân gỗ xuống.

Từ trên cao, bao nhiêu cánh dù nở ra với những đôi nạng đem theo niềm hy vọng để con người có thể bước đi trên đôi chân giả của mình.. Phía dưới, hằng tốp người nhảy lò cò trên đôi nạng vượt trên những đồi cát, vội vã tiến về phía chân trời để hy vọng lấy được một đôi chân gỗ. Xem cái cảnh ấy, không còn cái cảnh nào bi kịch hơn nữa.

Mặt trời lúc đó đã mọc ở sau mặt trăng... Vâng quả như vậy.

Tôi mường tượng những người đã cụt chân, cụt tay, làm thế nào để họ có thể trèo qua một bức tường. Vậy mà phía trên kia, trời còn cao hơn nữa.

Họ, những người thương phế binh VN, họ phải đi hết con đường của họ đang đi. Hết kiếp đọa đầy này. Những con đường Thánh Giá với những tiếng thở dài mà trên trời chăng đầy những “mạng nhện” hình ảnh Bác Hồ vẫy tay cười hồn nhiên với anh. Nhìn sang trái, sang phải là những khẩu hiệu như Mừng Xuân, mừng Đảng. Có chỗ nào Mừng Xuân Mừng Nhân dân đâu.

Đất Nước với 80 triệu dân xếp hàng bên lề trái.

Mặc dầu không có thống kê nào, nhưng tôi nghĩ rằng, không hẹn mà gặp. Tất cả người dân trong nước đều bất đắc dĩ đứng sang lề trái tạo thành một xã hội bất tuân phục.

Tất cả những người tự chọn đứng sang lề trái đều là những nạn nhân cách này cách khác của chế độ.

Có thể là những người nông dân – Từ khi thành lập nhà nước XHCN đến giờ, người nông dân là kẻ bị thiệt thòi nhiều nhất. Lợi tức tính theo đầu người là thất nhấp nhất so với cả nước. Của cải làm ra như lúa gạo nay đủ nuôi hơn 80 triệu dân và là nước xuất cảng gạo thứ nhì thế giới. Nhưng người nông dân vẫn phải chịu đứng túng đói, không việc làm, nông dân bỏ ruộng đồng lên các thành phố, hoặc xuất cảng lao động, hoặc tệ hại hơn cả xuất cảng lấy chồng ngoại quốc, một thứ làm điếm trá hình.

Chỉ riêng toàn xã Lập Lễ tính trong 7 năm trời, có 523 cô lấy chồng ngoại. Tỉ lệ 30%

Xã Cái Lễ, trong 5 năm, có 400 phụ nữ lấy chồng ngoại, tỉ lệ 70%.

Có đất nước nào như đất nước ấy không? Có thời kỳ nào trong lịch sử VN khốn nạn như hiện nay không?

Đó là hiện trạng tha hóa con người ở trong giới nông dân biến họ trở thành những kẻ thù của chế độ. Mỗi một phụ nữ xuất khẩu bán dâm là một bản án cho chế độ ấy. Bản án ấy danh sách mỗi ngày mỗi dài. Con đường dài nhất nhất dẫn tới chế độ tư bản tự do là con đường đi qua XHCN.

Có thể là những người lao động – Người lao động chính ra phải là những thành phẫn nòng cốt cho chế độ XHCN Rất tiếc chính quyền cộng sản khai thác triệt để sức lao động cũng như tiền lương chết đói của họ đồng thời toa rập với giới chủ nhân ngăn cản mọi cuộc biểu tình hay đình công đòi tăng lương.

Sự tích lũy giầu có thì thuận chiều với sự gia tăng nghèo đói, bởi vì có bóc lột mới có nghèo đói.

Người ta hy vọng có sự bùng nổ của giới thợ thuyền như đã từng xảy ra ở Ba Lan với công đoàn Đoàn Kết để phá vỡ cái được gọi là “dây chuyền của sự áp bức” To break the chains of Oppression. Nhưng bên cạnh sự nghèo đói hiển lộ như một tố cáo chế độ bất nhân này không màng gì đế số phận dân nghèo, bất kể ốm đau, bệnh tật, bất kể thất học, bất kể tệ trang xã hội. Điều mà bà mẹ Teresa nhận định ở những nơi có bóc lột, ngoài sự nghèo đói về vật chất còn có sự nghèo túng tình thần, sa đọa đến tận cũng về đạo đức. Bà Teresa nói, “Il y a ici une pauvreté plus grande que la pauvreté matérielle. Cette puvreté de l’esprit est plus destructible que lq pauvreté matérielle.”

(Có một sự nghèo đói còn lớn hơn cả nghèo đói vật chất. Đó là sự nghèo đói tinh thần mà nó có tác dụng hủy hoại hơn sự nghèo đói về vật chất.)

(Trích L’ Église de l’autre Moitié du Monde, Julio de Santa Ana, trang 67)

Nghèo đói bất công cộng với sự sa đọa vễ đạo đức là hậu quả của XHCN ở Việt Nam đến như tuyệt vọng.

Phần các tôn giáo xem ra cũng chưa làm đầy đủ nhiệm vụ của mình trong vai trò xã hộị. Họ không học được bài học xưa kia khi cộng đồng ở Giê ru sa lem chia sẻ của cải vật chất với mọi người. Và cũng vậy, ông thánh Phao Lồ kêu gọi giáo hữu thành Corinthiens chia sẻ sự giàu có hay cái gì mà họ có thể có ít nhiều để chia với người dân nghèo ở Giê ru sa lem.

Xin trích dẫn một câu trong lá thư của linh mục R. Voillaume viết ngày 01/12/1951 gửi cho anh em tiểu đệ như sau:

“Sống ở giữa xã hội những nghèo khổ, tôi cảm thấy bao nhiêu cái bất công đè xuống đầu người nghèo, chúng ta đôi khi tự nhiên thấy công phẫn muốn dùng võ lực lật đổ tình trạng ấy, đánh đổ những người chỉ biết hưởng thụ mà không xét đến người khác”.

(Trích Lương Tâm công giáo và Công Bằng Xã hội, tuần lễ Hội Học 1963, trang 60).

Cáo trạng trên phản ảnh toàn diện xã hội Việt Nam bây giờ. Đó là “tình trạng gai mắt” không thể nào để nó tồn tại lâu dài mãi được.

Làm thế nào để mọi người được gọi là Người. Để ‘không còn ai là brahman do huyết thống. Mà cũng không ai là paria do huyết thống.” (Trích Sutta-nipata 1)

Và từ đó từ chối một xã hội cộng sản trong đó có 3 triệu người mang hết phần lợi về cho mình.

Trước 1975, không biết bao nhiêu cơ sở xã hội để giúp cho người nghèo. Phần chính phủ này, chẳng những họ đã không giúp gì cho người nghèo mà họ còn tìm cách ngăn cản và từ chối vai trò xã hội của các tôn giáo nữa.

Thứ ba thế hệ trẻ gồm nhà văn nhà báo, trí thức như kỹ sư, luật sư, bác sĩ nay là tiếng nói phản kháng duy nhất làm chính quyền cộng sản e ngại.

Họ là tiếng nói lương tâm của xã hội. Họ là những Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Vũ Bình, Lê Công Định, Lê Trần Luật, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Trần Anh Kim, thầy giáo Vũ Hùng, Nguyễn Xuân Nghĩa, Phạm Hồng Sơn hay như những blogger Người Buôn Gió, Như Quỳnh,...

Mặc dầu một số những người trong bọn họ phải “ bức cung” để thú tội trước khi ra tòa thì đối với tôi họ vẫn là những thanh niên đáng được mọi người kính trọng.

Tất cả bọn họ đều muốn cất lên tiếng nói cho Tự Do và Dân Chủ. Nhưng tôi tự hỏi họ sẽ mặc áo mầu gì để tranh đấu cho tự do, dân chủ ?

Colour of Freedom? Nếu những người tranh đấu chống lại nạn kỳ thị chủng tộc dùng mầu đen, mầu của dân da đen làm biểu tượng thì người Việt Nam tranh đấu cho Tự Do, Dân Chủ sẽ phải dùng mầu gì?

Không có màu gì khác hơn là màu vàng biểu thị cho giống da vàng để chống lại cái màu đỏ của cộng sản vốn vay mượn của Quốc Tế cộng sản.

Nhân dịp này, tôi mong mọi người hưởng ứng những phong trào đòi trả tự do Nguyễn Tiến Trung bởi vì bất công xảy ra cho một người là một đe dọa cho mọi người.

Tất cả những người trẻ trên đang tranh đấu cho tiến trình Tự Do, Dân Chủ ở Việt Nam không khác gì một Lưu Hiếu Ba bên Trung Quốc.

Trong tương lai, trí tuệ, ngòi bút, tuổi trẻ, tâm hồn Việt Nam sẽ hợp lực dưới ngọn cờ vàng để tẩy rửa và xóa sạch vết nhơ cộng sản đã làm hoen ố đất nước này. Và chúng ta không chấp nhận quan điểm của một số trí thức cũ có quan điểm: Sống chung. Giống như sống chung với lũ lụt.

Chẳng hạn nhà báo Đào Hiếu viết: Ông Tổng biên tập khổng lồ. Nhà văn Dương Tường cho rằng phải sống chung với kiểm duyệt. Và cứ thế sống chung với tham nhũng và bao hàm sống chung với tội ác?

Việc trả đũa đích đáng của chúng ta là phải chấm dứt sự sống chung dưới bất cứ hình thức nào vì đó gián tiếp là cách đầu hàng, đồng lõa với tội ác, bất lương.

Phải cho họ biết chúng ta là ai?

Hiện nay, đất nước chúng ta có hơn 80 trệu người. Trong đó có già trẻ lớn bé, có thế hệ trước1975 và sau 1975 và nhất là đa số là những thanh niên, thiếu nữ trẻ. Chúng ta cũng có rất nhiều trí thức chuyên viên như những bác sĩ, kỹ sư đủ loại. Còn lại là những người lao động trong các cơ sở xí nghiệp, nhà máy và những nhà nông, nhà trồng trọt, dân chài.

Bên cạnh đó, chúng ta có những tín đồ của các tôn giáo lâu đời như Phật giáo và Thiên Chúa giáo với hàng vài chục triệu tín đồ.

Tất cả những con người ây làm nên đất nước này, tạo ra của cải vật chất và sự giầu mạnh của đất nước như ngày hôm nay.

Cuộc đời ấy là do chúng ta làm nên, mặc dầu như Malraux đã nói, “La vie ne vaut rien, mais rien ne vaut une vie.”

Đời chẳng đáng giá gì cả, nhưng không gì đáng giá bằng cuộc đời.

Vậy mà cuộc đời chúng ta được gì? Nhân dân ta vẫn đói khổ, người lao động làm không đủ ăn, người nông dân vẫn đầu tắt mặt tối bỏ ruộng đồng đi về thành phố. Trai làm điếm, gái làm đĩ. Đó là những nghề không vốn, không khói.

Cả nước lao đao khốn đốn để cho 3 triệu đảng viên từ cấp làng xã đến Trung ương ngồi trên hưởng lợi.

Tưởng rằng đất nước được giải thoát khỏi tình cảnh nô lệ. Vậy mà tình cảnh người bóc lột người vẫn xảy ra ngang nhiên mỗi ngày.

Công khai và vô tư.

Đảng nhờ quyền lực và quyền lực trở thành vũ khí đàn áp dân lành. Tự bản chất, quyền lực có xu hướng tha hóa chính kẻ xử dụng quyền lực một cách hầu như vô thức.

Và khi quyền lực trở thành tuyệt đối thì sự tha hóa cũng thành tuyệt đối.

Thời xưa các vua chúa lúc chưa nắm quyền có thể là người anh hùng, nhưng khi có quyền lực trong tay, họ dễ trở thành những bạo chúa, những “vua ngọa triều”.

Như Pascal đã mỉa mai, “Pour le bien des hommes, il faut souvent les piper.” Vì quyền lợi của nhân loại, thường phải lừa bịp nhân loại.

Nhà nước này đang tựa lưng vào quyền lực đã bị tha hóa đang trở thành những kẻ lừa bịp và là nỗi đe dọa cho mọi người.

Người dân sợ họ. Đồng ý.

Nhưng nỗi sợ hãi bao giờ cũng hai chiều.

Cho nên kẻ làm cho thiên hạ sợ thì mặt khác họ cũng lại sợ thiên hạ. Có nhà độc tài nào mà không lo sợ bị ám sát, bị đầu độc. Đi đâu cũng có người canh gác lớp trong lớp ngoài, ăn uống sợ bị đầu độc phải có người nếm trước. Thằng ở sợ ông chủ mà ngược lại ông ông chủ cũng sợ thằng ở.

Và nếu toàn dân biết được cái lý lẽ biện chứng ấy trong mối tương quan với nhà nước cộng sản thì sẽ ra sao ?

Phải biết rằng họ đang sợ chúng ta. Họ sợ Bát Nhã, đang sợ Thái Hà, đang sợ Nguyễn Tiến Trung và sợ bất cứ cái gì dù nhỏ nhoi, dù không đáng sợ. Tu sinh Bát Nhã là những người trẻ lấy việc tu hành làm cứu cánh đời họ. Vậy mà họ sợ . Một bài viết, một lời lên tiếng đủ làm họ sợ và truy chụp là âm mưu lật đổ chính quyền, âm mưu diễn biến hòa bình.

Dần dần họ sẽ sợ cả tiếng khóc một đứa trẻ, tiếng than của người vợ có chồng bị tù tội và tiếng chó sủa vu vơ ban đêm của nhà Trần Khải Thanh Thủy.

Vấn đề là phải biến nỗi sợ của chúng ta thành niềm hy vọng, thành lòng can đảm.

Và biến nỗi sợ của họ thành những kẻ đào tẩu như lũ trộm vào nhà trộm xong phải chạy trốn.

Và nếu trăm người, ngàn người như một đều đốt lên một ngọn nến hy vọng và lòng can đảm, đừng hèn thì đâu còn cần đến mặt trời nữa.

Giả dụ hàng ngàn, hằng trăm ngàn thanh niên trong nước tổ chức một đêm không ngủ, mỗi người đốt lên một ngọn nến đòi thả vô điều kiện Nguyễn Tiến Trung thì cần gì đến sự can thiệp của các tổ chức nước ngoài. Chúng ta quá quen với sự chờ đợi người ngoại quốc làm thay cho chúng ta những việc mà chính chúng ta phải làm.

Và lúc đó sẽ có một thứ mặt trời trong ta đốt cháy bạo lực, phá tan xiềng xích trói buộc con người.

Đi vào thực tế, ta cần nhận thức rằng 3 triệu đảng viên ấy không nhất thiết đều là những kẻ trung kiên với đảng đâu. Vì thế cần phân biệt nhiều loại đảng viên trong đám đảng viên cộng sản. Có kẻ ăn nhiều, kẻ ăn ít, kẻ đầu cơ chính trị, kẻ đón gió với đủ loại như sau:

● Có loại đảng viên chỉ “bên đảng” mà bao giờ cũng có thể ở ngoài đảng.

● Có loại đảng viên chỉ “gần đảng” mà không bao giờ ở trong đảng

● Có loại chi “ăn có” đảng. Đây là những loại “đầu cơ chủ nghiã” nhiều vô số kể.

● Có loại đảng viên chính thức “ở trong” đảng, hưởng mọi quyền lợi chiếm khoảng 20% đảng viên ở trên.

Cả bốn loại này đều tùy theo chỗ đứng mà hưởng phần lợi nhuận “vô sản”. Trời đất ơi, chưa bao giờ tôi thấy cuộc cách mạng “vô sản” của người cộng sản lại mang nhiều ”ý nghĩa dương tính “đến như thế! !

Vô sản dương tính. Và nếu Marx còn sống có hô khẩu hiệu, Vô sản toàn thế giới hãy đứng dậy!

Tôi tin chắc sẽ không có một người cộng sản nào ở Việt Namcó thể đứng dậy. Bởì vì họ đứng không nổi do túi vô sản của bọn họ đều nặng.

Vì thế, tôi có thể dùng chính câu nói của Marx để nói về chế độ cộng sản hiện nay ở Việt Nam như một kết quả bi thảm, “Đó là sự thua thiệt hoàn toàn của con người.”

Có nghĩa là con người nói chung mất cơ may làm người trong chế độ ấy. Đảng viên cộng sản thì “vong thân” trong việc chiếm hữu tiền bạc, đất đai, nhà cửa. Còn người dân thường thì “vong thân” trong việc bị trấn lột trần chuồng không đất, không nhà, không cửa.

Đảng vong thân trong cái có, “cái Avoir”, cái có tất cả. Và Dân vong thân trong cái không có, “cái Être” trần trụi.

Kẻ vong thân trong cái có trở thành bọn bất nhân, tàn độc, vô đạo đức. Kẻ vong thân trong cái không có trở thành hèn mạt, nô lệ, lũ người không có xương sống hoặc trở thành đĩ điếm, ma cô.

Xã hội VN bây giờ mất đạo đức cả từ hai phía: Kẻ cầm quyền lãnh đạo và người dân tất cả không trừ. Ngay cả những người lãnh đạo tu hành.

Phần chúng ta, những kẻ mất cơ may làm người đã đến lúc phải tự mình chứng tỏ: đứng lên, cất tiếng nói, tự bày tỏ để cho họ biết chúng ta là ai?

Tôi nhớ lại nhật ký của ông Mandela viết rằng: Tại sao 20 triệu dân da đen lại cúi đầu khuất phục trước 4 triệu người da trắng ?

Và tôi hỏi mọi người Việt Nam, tại sao 80 triệu dân lại cúi đầu khuất phục trước thiểu số 3 triệu người cộng sản ?

Chúng ta sẽ không nói thì thầm trong xó nhà, trong buồng ngủ. Không nói lén trong chỗ đông người, không chửi thề vô tội vạ trong lúc say sưa chè chén.

Đừng mượn chén rượu để làm cách mạng bằng mồm.

Hãy viết lên trên giấy bằng giấy trắng mực đen. Hãy rao truyền khắp nơi trên mái nhà, trên đồng ruộng, ra biên giới, ra hải ngoại bằng lời nói “ Không” với đảng.

There is a way to be strong again!

Chúng ta đông gấp bội lần họ, là đa số còn họ là thiểu số.

Chúng ta vất vả lao động làm ra của cải vật chất, còn họ ngồi hưởng lợi và bóc lột.

Chúng ta là những người công dân tử tế, còn họ là bọn làm chính trị ma đầu, dối trá lường gạt dân chúng

Sức mạnh của chúng ta là phải biết họ là ai và cho họ biết chúng ta là ai? Sau đó phải biết cất lên tiếng nói. Nói thì sống, không nói thì chết.

Tin Nhà có lời giải thích – Trong hai bài viết của Tin Nhà có dùng hai từ, Cứt gàphân gà có thể gây ra hiểu lầm. Xin giải thích là hai từ đó là của TT Quảng Độ dùng trong giai đoạn Phật giáo nhà nước ra đời vào năm 1981. Ông Quảng Độ muốn dùng tiếng lóng mà người cộng sản đã dùng để chỉ tình trạng hai giáo hội Phật giáo và Thiên Chúa giáo. Theo đó Phật giáo được ví như phân gà. Phân gà thì khô, không dính, không mùi vị. Nếu cần chỉ dùng cái chổi là quét sạch phân gà. Cứt gà được ví như Thiên Chúa giáo. Cứt gà thì lỏng, có mùi, dính vào thì có giặt rửa, có quét cũng khó sạch.