Phần 23

Công hay tội? (I)

Công hay tội? (Kết)

Công hay tội? (I)

Nguyễn Văn Lục

Trong Hồi ký của ông Nguyễn Xuân Chữ có dành một chương nhắc đến ông Trần Trọng Kim bằng những lời lẽ trân trọng sau đây: Những bài học quý báu của một nhà ái quốc liêm chính, nhưng bất phùng thời.

Ông Nguyễn Xuân Chữ nói không sai, nhưng thế nào là bất phùng thời? Ở địa vị một người khác ông Trần Trọng Kim, họ có thể làm gì khác hay làm hơn thế được chăng? Đổ cho thời thế có phải là một lối biện minh dễ dãi không?

Nếu chỉ xét về mặt văn hóa thôi, đóng góp của ông Trần Trọng Kim bắt ta liên tưởng đến các ông Dương Quảng Hàm, Bùi Kỷ, v.v...

Và nói một cách không quá đáng, ông còn là người thầy của thế kỷ.

Nhưng dưới mắt người cộng sản như ông Trần Huy Liệu thì ngay mặt văn hóa, ông cũng không đáng nữa. trong bài viết ngày 05/04/1955: “Bóc trần quan điểm thực dân trong trong sách Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim thì chỉ là một hạng người phản quốc. Trong đó, Trần Huy Liệu cho rằng đó là một cuốn sách có tư tưởng phản dân tộc, duy tâm, phi lịch sử, phục vụ cho chế độ phong kiến và chế độ thực dân sau này. Đối với chính phủ Trần Trọng Kim thì Trần Huy Liệu cũng kết án là một chính phủ bù nhìn, thân Nhật. Trong phần kết luận, Trần Huy Liệu viết:

“Dân tộc Việt Nam đang bước sang một giai đoạn mới nhằm thẳng mục tiêu hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Những quan điểm thực dân và phong kiến chứa đựng trong quyển Việt Nam Sử Lược phải bài trừ cho hết”.

Vâng, phải bài trừ cho hết.

Sau 1975, các nhà sử học Hà Nội cũng lập lại một cách máy móc là chính phủ Trần Trọng Kim chỉ là một chính phủ bù nhìn do Nhật tạo dựng nên.

Đó là các nhà viết sử Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Công Bình, Văn Tạo, Phạm Xuân Nam, Bùi đình Thanh trong Lịch sử VN, tập 2, Hà nội. Hay quý ông Lương Minh, Nguyễn Cảnh Minh, Nguyễn Ngọc Cơ, Trần Bá Đệ, Trịnh Vương Hồng, Chương Thâu trong cuốn Lịch sử Việt Nam giản yếu. Và cuối cùng là Dương Trung Quốc với Việt Nam: Những sự kiện lịch sử (1919-1945), Hà nội (Xem thêm bài viết của ông Phạm Cao Dương trong bài viết 60 năm nhìn lại, đăng trên Người Việt on line, chủ nhật 04/09/2005)

Nay có dịp nhìn lại thời kỳ Văn học sau 1954 ở miền Bắc, tôi gọi đó là thời kỳ Văn học bị phá sản. Nó chưa có cơ hội và thời gian để sản sinh ra được cái gì mới, nhưng việc trước tiên là nó dọn dẹp cái cũ, bài trừ cho hết như ý tưởng của Trần Huy Liệu. Và đối với người cộng sản, hình như dọn dẹp, quét cái cũ là bước đầu của sự sáng tạo.

Cho nên, không lạ gì giữa sử gia miền Bắc và miền Nam, có sự khác biệt đối chọi rõ ràng về quan điểm và đánh giá các nhân vật lịch sử.

Họ không cùng một tầm nhìn.

Nay là lúc cần nhìn lại, cân nhắc để tránh tình trạng truy chụp, vơ đũa xét ra có hại cho văn học và cho lịch sử nữa.

Chẳng hạn, đối với các nhà phê bình hay sử học miền Nam, xem ra họ để giá trị văn nghiệp của các tác giả trên các quan điểm chính trị. Vì thế Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Trương Vĩnh Ký, nhóm Tự Lực Văn Đoàn đều có chỗ đứng trong chương trình giáo dục Trung Học ở miền Nam.

Họ được kính nể và tôn trọng.

1. Trần Trọng Kim, một nhà giáo dục

Cuộc đời ông Trần Trọng Kim có hai phần khá rõ rệt: 31 năm làm nhà giáo cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1942. Không làm chính trị, không theo đảng phái nào như ông viết:

“Tôi là một người nước Việt Nam, lẽ nào lòng tôi lại không rung động theo với nhịp rung động của những người ái quốc trong nước? Nhưng vì hoàn cảnh khó khăn lòng người ly tán, nhiều người lại muốn lợi dụng cái tiếng ái quốc để làm cái mối tư lợi cho mình, vì vậy mà tôi chán nản không dự vào đảng phái nào cả, mà cũng không hành động về chính trị.”

(Trích Một cơn gió bụi, Trần Trọng Kim)

Ông được đi du học Pháp, học tại trường Ecole Normale of Melun, Seine-et- Marne, về nước vào tháng 9, 1911. Trong vai trò nhà giáo, ông để lại cho đời sau một số tác phẩm như Việt Nam Văn Phạm, Nho Giáo, Việt Nam sử lược và sách Luân Lý Giáo Khoa, v.v... Xin được bàn về hai cuốn của ông mà thôi.

Việt Nam Sử lược

Đối với phần đông người đọc sách từ Nam ra Bắc, cuốn sách Việt Nam sử lược được coi là “mới nhất” so với các sách sử do các quan ngự sử các triều đình biên soạn. Trần Trọng Kim soạn bộ sách Việt Nam sử lược từ 1919 như vậy được coi là mới. Nhưng nó lại được coi là lâu đời “cũ nhất” so với các sách sử sau này như bộ sử Việt sử toàn thư của Phạm Văn Sơn, in 1960. Ngoài Bắc, cho đến 1954, khi phân chia đất nước, họ vẫn dùng sách sử Trần Trọng Kim một cách không chính thức. Dầu vậy Việt Nam sử lược vẫn được coi là cuốn sách căn bản, ngắn, gọn, không quá 300 trang, dễ hiểu với lời nhận xét khá trung thực về lịch sử Việt Nam. Sau này, các nhà viết sử ít nhiều cũng phải căn cứ vào đấy để khai triển các vấn đề liên quan đến sử Việt Nam.

Nếu nói về những sách sử viết trước đó và sau đó thì Việt Nam sử lược của Trần trọng Kim vẫn có chỗ đứng của nó. Trước nó, việc viết sử phần lớn chỉ là biên niên sử, kể truyện sử của một triều đại, cho một triều đại. Sự thiên lệch khó tránh được. Sau nó, người ta dùng Việt Nam sử lược như một mốc để đào sâu để tiến xa hơn nữa.

Vì thế không ai có thể phủ nhận giá trị cuốn Việt Nam sử lược đó được. Nó đã lưu truyền như một thứ sách giáo khoa dùng cho học trò trung học. Và từ hơn 80 năm nay, nó đã được xuất bản lần thứ năm vào năm 1954, ở ngoài Bắc. Ở trong Nam mãi đến năm 1971 mới được Trung Tâm học liệu xuất bản lại.

Sách được chia ra 5 thời kỳ khá chính xác là: Thượng cổ thời đại, Bắc thuộc thời đại, Tự chủ thời đại, Nam Bắc phân tranh thời đại và Cận kim thời đại.

Mục đích của việc chép sử được tác giả nói rõ trong lời nói đầu như sau:

“Sử là sách không những chỉ để ghi chép, những công việc đã qua mà thôi, nhưng lại phải suy xét việc gốc ngọn, tìm tới cái căn nguyên những công việc của người ta… Nhưng chủ đích để làm cái gương chung cổ cho người cả nước đời đời soi vào đấy mà biết cái sự sinh hoạt của người trước...”

Đó là quan niệm viết sử tìm thấy trong các sách sử cũ như sách: Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn soạn năm 1856-1881. Chữ Giám ở đây, theo nhà viết sử Nguyễn Duy Chính cắt nghĩa cho tôi phải hiểu Giám là cái gương.

Viết sử có mục đích là nêu một tấm gương. Muốn nêu tấm gương ấy thì phải căn cứ trên lễ nghĩa Nho giáo mà xét. Xét thì có chỉ giáo, răn đe, hướng dẫn như một bài học để mà noi theo.

Mặc dầu vậy, những giới hạn của Việt Nam sử lược không phải là không có do ở vào thời đó thiếu phương tiện sưu tầm sử liệu, nhiều tài liệu chưa được phát hiện. Chưa kể quan điểm nhìn và phê phán sử học của Trần Trọng Kim nặng tính truyền thống nho học, trọng tín nghĩa, lấy ăn ngay ở lành làm gốc. Như trường hợp khi viết về các cuộc nổi loạn chống lại triều đình phong kiến. Ông đều xếp vào loại giặc làm phản. Ông nặng tinh thần truyền thống lấy đạo đức nho giáo làm đầu. Ông ít xét tới các nguyên nhân chính trị, xã hội do vua quan thối nát, bóc lột, bất công đối với dân nghèo khiến nảy sinh ra các cuộc nổi loạn. Vì thế, không lạ gì khi viết về nhân vật Hồ Quý Ly, ông đã nhận xét như sau:

“Xem công việc của Hồ Quý Ly làm thì không phải là một người tầm thường, nhưng tiếc thay một người có tài kinh tế như thế mà giả thử cứ giúp nhà Trần cho có thủy chung thì dẫu giặc Minh có thế mạnh đến đâu nữa cũng chưa hầu dễ đã cướp được nước Nam, mà mình lại được cái tiếng thơm để lại ngìn thu. Nhưng vì cái lòng tham xui khiến, hễ đã có thế lực là sinh ra bụng muốn tranh quyễn cướp nước. Bởi thế Hồ Quý Ly mới làm việc thoán đoạt mà nhà Minh mới có cớ sang đánh lấy nước An nam.

(Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim, trang 190, in lần thứ 5).

Cho dù có một vài quan điểm như trên thì cũng không thể như Trần Huy Liệu gọi:

Những quan điểm phản dân tộc của tác giả Việt Nam sử lược và dẫn chứng một đoạn sử như sau: ‘Từ khi người Việt Nam lập thành nước đến giờ, kể hàng mấy nghìn năm, phải người Tàu cai trị mấy lần, chịu khổ sở biết bao nhiêu phen, thế mà sau lại lập được cái nền tự chủ và vẫn giữ được cái tính đặc biệt của giống mình, ấy là đã tỏ ra rằng khí lực của người mình không đến nỗi kém hèn cho lắm. Tuy rằng mình chưa làm được việc gì cho vẻ vang bằng người, nhưng mình còn có thể hy vọng một ngày kia cũng nên được một nước cường thịnh’ (Việt Nam sử lược Trần Trọng Kim, trang 19).

Trần Huy Liêu đã phê phán như sau:

“Đọc đến đây, mỗi người trong chúng ta đều muốn thét vào mặt tác giả (nếu tác giả còn sống) mà hỏi rằng: dân tộc ấy vẫn nêu cao tinh thần bất khuất, chống ngoại xâm bằng những chữ lớn như Đống Đa, Chi Lăng, Chí Linh, Vạn Kiếp... Vậy thì dân tộc ấy có đáng cho một kẻ cầm bút viết sử như Trần Trọng Kim phê rằng: ‘Chưa làm được một việc gì cho vẻ vang bằng người’.

Xin để độc giả nhận xét về hai cách nhìn của Trần Trọng Kim và Trần Huy Liệu về văn hóa và con người Việt Nam.

Sách luân lý giáo khoa thư

Ngày nay giới trẻ, ít ai nghe nói hoặc biết đến bộ sách này. Ông Nam Sơn Trần Văn Chi đã viết một bài đầy đủ về sách Luân lý giáo khoa thư này. Theo ông, vào 21/12/1917, toàn quyền Đông Dương ra lệnh cải tổ giáo dục, theo đó giáo dục tiểu học chia ra ba cấp: Cấp sơ học ở làng, cấp tiểu học mở ra ở tỉnh và cấp Cao Đẳng tiểu học ở Hà nội, v.v... Ở cấp sơ học lại chia ra ba lớp: Lớp Đồng Ấu (Cours enfantin), lớp Dự bị hay lớp nhì (Cours préparatoire) và lớp Sơ đẳng hay lớp ba (Cours élémentaire).

Sau đó Nha Học chánh có giao cho các ông Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đinh Phúc và Đỗ Thận soạn một bộ sách giáo khoa đầu tiên bằng quốc ngữ. Bộ sách này được dùng cho cả ba kỳ.

Sách Giáo khoa thư

Nguồn: vinabook.com

Nay thì theo thói quen, người ta chỉ nhắc tới mình tác giả Trần Trọng Kim. Xin nhớ cho còn có ông Nguyễn Văn Ngọc, Đinh Phúc và Đỗ Thận. Cả thảy 4 người. Cuốn sách Quốc Văn giáo khoa thư gồm ba cuốn:

1. Luân lý Giáo Khoa Thư cho lớp Đồng ấu, Morale Cours Enfantin

2. Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Sơ đẳng, Lecture cours élémentaire

3. Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Dự bị, Lecture cours préparatoire

Trong lời tựa cuốn Luân Lý Giáo Khoa Thư, các tác giả viết: “Sách luân lý này làm theo chương trình lớp Đồng Ấu. Sách có 3 chương: Chương nhất nói về bổn phận đứa trẻ trong gia đình, Chương hai, nói về bổn phận đứa trẻ trong Học đường, Chương ba nói về những tính tốt, tính xấu của đứa trẻ.”

Bài học dễ hiểu, cụ thể đọc là thích, học là nhớ thuộc lòng, không phải nhớ chỉ để trả bài mà nhiều người nay đã lớn tuổi, vẫn nhớ cả đời.

Nhớ mà ngậm ngùi, nhờ mà thấy rằng những bài học đơn giản ấy tác động, hướng dẫn, ảnh hưởng đến đời sống ta đến suốt cuộc đời.

Chẳng hạn, chúng ta cùng đọc một bài về cảnh xum họp gia đình: “Những ngày đông đủ, cả ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì, anh em, chị em, là những ngày vui hơn cả. Cái cảnh một nhà già trẻ xa gần được sum họp với nhau thật là sung sướng”.

Ai ngày nay mà lại không thích một cảnh đại gia đình xum vầy, đoàn tụ hạnh phúc như vậy?

Đọc một bài nữa: Phải biết ơn thầy: “Thầy cũng như cha. Cha mẹ thì có công sinh thành, mà thầy thì có có công giáo dục, phải biết ơn thầy cũng như ơn cha mẹ.”

Chỉ chừng ấy chữ là cả một bài học sâu sắc đầy đủ: Thầy cũng như cha. Cần gì phải nói dài dòng hơn?

Rồi ông trích dẫn: “Tục ta thuở trước, cứ mồng năm ngày tết là học trò phải đến tết Thầy. Không những khi còn đang học mà khi đã thôi học rồi, có khi đã làm nên danh phận cũng vậy …”

Ấy cái tục của ta ngày xưa trọng thầy như vậy.

“Không thầy đố mày làm nên”

Xin trích dần một bài học tiêu biểu trong Luân Lý Giáo Khoa Thư: bài Chọn bạn mà chơi.

“Thói thường gần mực thì đen,

Anh em bạn hữu phải nên chọn người,

Những người lêu lổng chơi bời,

Cùng là lười biếng ta thời tránh xa”

Trần Trọng Kim đúng là Thầy của nhiều thế hệ thanh niên của ba niền Nam Bắc Trung. Thầy giáo của thế kỷ. Tôi xin được dẫn chứng hai cuốn sách sau đây có nhắc lại những kỷ niệm liên quan đến sách Luân Lý Giáo Khoa Thư thời tuổi trẻ.

Trong cuốn Lớn lên với đất nước, trang 52, ông Vy Thanh có kể câu chuyện bữa cơm gia đình thật cảm động ở nhà ông như sau:

“Má đem nồi cơm nếp còn lại hồi sáng được có hai chén. Tôi lãnh phần đó trong lúc má tôi cắt bánh tét và bày nồi thịt kho cho mấy em tôi. Ba má nhai mà mắt hai người cứ dán sát vào mặt mấy đứa con. Tôi bắt đầu hiểu. Bài ‘Bữa cơm ngon’ thầy giáo Trí dạy tôi hồi lớp dự bị quay lại trong đầu. Tôi còn nhớ câu chót trong bài tập đọc đó... Cha mẹ, con cái, trên thuận dưới hòa, một nhà đoàn tụ sum họp với nhau thì dẫu cơm rau cũng có vị lắm... Tôi cũng còn nhớ thầy dạy tập làm văn bằng cách trả lời những câu hỏi như: Ai nấu cơm, dọn cơm? Những ai ngồi ăn? Cơm ăn có những gì?”

Thích thú hơn nữa, tôi đọc mà không khỏi cảm động trong truyện:Tình nghĩa giáo khoa thư trong cuốn sách Hương rừng Cà Mâu của Sơn Nam, trang 171. Trong đó kể câu truyện một phái viên nhà báo “Chim trời” về xóm Cà Mây Ngọp để đòi tiền báo mua năm còn thiếu của độc giả Trần Văn Có. Trần Văn Có thiếu 6 tháng tiền báo, cộng chung là hai đồng sáu cắc rưỡi. Đi đòi tiền báo. Nhưng cái duyên là cả hai hồi còn nhỏ đều đọc sách Quốc Văn giáo khoa thư. Thế là hai kẻ xa lạ, thi nhau, mỗi người đọc một đoạn.

Trong đó có một đoạn tôi muốn trích ra đây để nhắc nhở ông Phạm Duy uống nước thì nhớ nguồn. Chỉ có vậy thôi.

Anh Trần Văn Có vừa đọc: Ai bảo chăn trâu là khổ ..Không chăn trâu sướng lắm chứ.

Thầy phái viên phụ họa ngay như cùng hợp xướng: Đầu đội nón mê như lọng che, tay cầm cành tre như roi ngựa, ngất nghểu ngồi trên mình trâu, tai nghe chim hót trong chòm cây, mắt trông bướm lượn trên đám cỏ...

Có câu đắt giá nhất: Ai bảo chăn trâu là khổ. Vừa dễ thương, vừa trữ tình, vừa ngây ngô trong sáng, vừa đượm tình quê hương, vừa gần gũi thân thương thì bị Phạm Duy “thuổng” mất rồi.

Câu truyện kết thúc đến ứa nước mắt:

– Thầy nói thiệt tình nghe coi, chắc thầy tới đây thâu tiền?

– Đâu có. Đâu có. Mình là bạn đời với nhau…

– Thầy hiểu cảnh tôi. Không lẽ gửi cá lóc, rùa, mật ong. Nhờ thầy đem về Sài gòn gọi là tiền của tôi trả cho nhà báo. Tôi “ đăng” là vì ái mộ báo Chim Trời chứ ít đọc lắm.

– Anh Tư đừng ngại truyện đó. Cứ tiếp tục đọc. Lâu lâu dò nơi mục Thư Tín không chừng có lời của tôi thăm hỏi anh Tư. Nếu thấy báo đăng đòi tiền các động giả, xin anh Tư hiểu rằng đó là nhắc nhở các người khác.Tôi hứa nói lại với ông chủ nhiệm mỗi kỳ gửi tặng anh Tư một số báo hoài hoài cho tới số chót...

– Chú Tư Có vô cùng cảm động. Thôi, thầy ngủ lấy sức để mai về bình yên. Khuya nghe chồn cáo cộc kêu thầy đừng giật mình…

– Thầy phái viên cười dòn, tưởng tượng cái cảnh biệt ly ngày mai. “Ôi.. Cái cảnh biệt ly ở xóm Cà Bây Ngọp sao mà buồn vậy.(Chữ viết nghiêng là do tác giả lấy lại một bài trong sách Quốc Văn giáo khoa thư).

Đó là thứ tình nghĩa Giáo Khoa thư. Do cùng đọc một sách mà đồng cảm. Cùng chịu ảnh hưởng sâu xa một thứ triết lý giáo dục thực tiễn và nhân bản.

Trần Trọng Kim biểu tượng như dấu ấn của một nền giáo dục Việt Nam của cả một thời của nhiều thế hệ thiếu niên. Mà ta phải gìn giữ lấy. Phải coi ông là thầy của nhiều thế hệ.

Gọi ông là phục vụ cho chế độ phong kiến, thực dân, phản quốc là không được.

Ông chỉ có cái tội là không yêu nước theo kiểu cộng sản, kiểu Hồ Chí Minh, kiểu ám sát, thủ tiêu, tra khảo, tù đầy.

Mặc dù ngày nay xã hội có nhiều thay đổi, đạo đức thay đổi, nhiều điều dạy của tiền nhân không còn có thể áp dụng được như xưa nữa. Có thể chỉ là vang bóng một thời. Ngậm ngùi lắm. Xin dùng câu kết lá thư của một học trò xưa viết thư cho thầy, xin ghi lại:

Học trò kính lạy... Và nhiều thế hệ học sinh Trung Nam Bắc cũng xin kính lạy Thầy Trần Trọng Kim như thế. Có chăng trừ học trò Phạm Duy?

2. Trần Trọng Kim, nhà chính trị bất đắc dĩ

Trần Trọng Kim trước sau chỉ là một nhà giáo dục. Đó là cái công của ông. Nhưng đến khi xét mặt làm chính trị của ông thì tự hỏi xem vấn đề công hay tội phải được xét đoán như thế nào? Có thể đổ cho tình thế được không? Sinh bất phùng thời có phải là lời biện giải áp dụng trong trường hợp nào cũng đủng? Vậy mà tình thế đẩy đưa, lúc đã về hưu, ông phải chạy trốn người Pháp lùng bắt. Gián điệp Nhật biết được ban đêm đã đến nhà ông đưa ra phi trường để ông sang Singapore, Nam Đảo cùng với Nguyễn Văn Sâm, Trần Văn Ân. Đó là những ngày tháng vô vị và chán nản. Ông được coi như một con bài dự trữ, để chờ thời mà người ta chưa dùng đến. Sau đó, theo lời yêu cầu của Bảo Đại, ông được người Nhật đưa về Sài gòn. Qua hồi ký: Một cơn gió bụi người đọc có thể suy đoán là ông được người Nhật tin dùng và họ đã dẹp bỏ giải pháp Cường Để-Ngô Đình Diệm sang một bên. Tại sao họ đả bỏ qua giải pháp Cường Để-Ngô Đình Diệm thì chính ông Trần Trọng Kim cũng hoài nghi và tự hỏi như thế nhiều lần.

Sau khi ông được người Nhật đưa bằng máy bay qua Bangkok về đến Sài Gòn thì ngay sau đó, ông được đưa vào gặp vị Trung tướng tư lênh Nhật, tham mưu trưởng quân đội Nhật. Sau đây là hồi ký của ông ghi lại về cuộc gặp gỡ này.

Trung tướng nói: “Ông Phạm Quỳnh và các ông thượng thư cũ đã từ chức cả rồi, vua Bảo Đại điện mời mấy người này về Huế để hỏi ý kiến. Trung tướng đưa tôi xem tờ giấy kê tên những người ấy là ông Hoàng Trọng Phu (con Hoàng Cao Khải), Vũ Ngọc Oánh, Trịnh Bá Bích, Hoàng Xuân Hãn, Cao Xuân Cẩm và tên tôi mà lại không có tên Ngô Đình Diệm. Tôi lấy làm lạ sao lại có tên tôi đứng vào đấy.Tôi nói với Trung tướng rằng: “Tôi không có hoạt động gì và không có phe đảng nào. Gọi tôi về Huế không có ích lợi gì. Xin cho tôi ra Hà nội thăm nhà và uống thuốc.”

Trung tướng nói: “Đó là ý vua Bảo Đại muốn hỏi ông về việc lập chính phủ mới, ông cứ ra Huế rồi sẽ biết”.

Sau đây, ông viết lại về việc gặp gỡ ông Diệm.

Trung tướng sai một Trung úy người Nhật đưa tôi đến nhà Tùng Hạ, chủ nhà Đại Nam công ty. Tôi hỏi thăm ông Ngô Đình Diệm và ông Nguyễn Xuân Chữ là những người mấy tháng Nhật đã đưa vào ở Chợ Lớn. Ông nói rằng: “Ông Diệm về Vĩnh Long ở với anh ông. Ông Chữ thì về Hà Nội được vài hôm nay rồi.” Tôi nghĩ bụng ông Diệm và ông Chữ là hai người tư lệnh bộ Nhật đã chú lâu ngày, và các ông ấy lại có tổ chức và đảng phái, sao người Nhật lại không nói gì hết? Đang nghĩ ngợi như thế thì chợt thấy ông Ngô Đình Diệm đến. Ấy là lần đầu tôi gặp mặt ông Diệm vì trước kia tôi chỉ nghe nói thôi chứ không bao giờ gặp. Ông Diệm hỏi tôi: “Cụ mới về đây à? Cụ có biết tin gì không?” Tôi đáp: “Tôi mới về, chưa biết gì cả, có tin gì thì ông biết trước tôi. Người Nhật lạ quá, họ chẳng cho chúng tôi biết gì cả. Tôi vừa thấy trong Bộ Tư lệnh nói ở Huế các bộ Thượng thư đã từ chức rồi. Vua Bảo Đại gọi ông Hoàng Trọng Phu vào bàn việc lập chính phủ mới.”

Thế à? Sao người Nhật không cho tôi biết? Ngồi nói chuyện qua loa vài câu, rồi ông Diệm đứng dậy nói: “Tôi phải vào Tư lệnh Bộ có chút việc, sáng sớm mai, tôi lại về Vĩnh Long.”

Và ông giải thích về vụ ông Diệm như sau:

“Cho đến ngày nay, tôi vẫn chưa hiểu rõ tại sao bọn ông Diệm là người của ông Cường Để ủy quyền cho tổ chức việc lập chính phủ khi có đảo chánh ở Đông Dương, và lại có một số người Nhật Bản ủng hộ mà chính phủ Nhật lại bỏ rơi. Chỉ có một cách giải thích cái thái độ ấy là những người Nhật cầm quyền lúc đó, sau khi đánh quân Pháp rồi họ sợ đem ông Cường Để về có điều bất tiện, để vua Bảo Đại về đường chính trị lại có lợi hơn. Đã không dùng quân cờ Cường Để thì tất nhiên phải để bọn ông Diệm ra ngoài cuộc. Đó theo ý tôi hiểu, còn lẽ gì khác nữa, tôi không biết.”

Thật ra việc vua Bảo Đại vời ông Trần Trọng Kim ra Huế là vì xảy ra biến cố đảo chính Nhật.

9 giờ đêm ngày mồng 9 tháng ba, Nhật đảo chính

Phần này, xin tóm lược lại những trang hồi ký ghi lại của kỷ giả lão thành Nam Đình trong tập Hồi ký của ộng Ông viết:

Nhiều doanh trại lính Pháp đầu hàng, bị tước khí giới và binh đội Nhật nhiều nơi không tốn một phát súng. Có tất cả 36 căn cứ quân sự, trại lính của Pháp bị Nhật chiếm đóng. 40 chục ngàn lính Pháp ở Đông Dương đầu hàng Nhật.

Trong biến cố đảo chính Nhật, đặc biệt phía quân đội Cao Đài đã bí mật cộng tác với phía binh đội Nhật, tham gia các trận đánh ở Sài Gòn, Mỹ Tho và các tỉnh ở Hậu Giang.

Ký giả Nam Đình cũng thuộc người của giáo hội Cao Đài nên ông dành phần nay phỏng vấn một chức sắc Cao Đài, một chức sắc cao cấp thuộc Cửu Trùng Đài, trong việc tham gia đảo chánh cùng với người Nhật. (Trích Nhật ký, trang 126)

Theo sự giải thích của ký giả Nam Đình, sở dĩ có cuộc đảo chính này vì một số sĩ quan Pháp theo De Gaulle làm gián điệp cho Mỹ. Khi Nhật chiếm Đông Dương 1940-41 đã chấp nhận giải pháp một chính phủ thân Vichy được tiếp tục tồn tại ở đây. Để đổi lại, người Nhật được đồn trú và được cung cấp lương thực. Những sĩ quan theo phe De Gaulle thông báo các tin tức quân sự cho hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương. Do đó, Nhật bị tổn thất nặng vì những trận dội bom chính xác của Mỹ. Tình thế đó bắt buộc họ phải dẹp bỏ người Pháp ở Đông Dương.

Decoux là vị toàn quyền chót ở Đông Dương. Sau khi người Pháp trở lại Đông Dương, đại tá Cédille lên đón Decoux bị Nhật giam ở Lộc Ninh. Thay vì đón về làm “toàn quyền” Đông Dương, Decoux bị dẫn độ về Pháp giam vào ngục vì tội “bán đứng Đông Dương” cho Nhật. Tội phản quốc. Hai năm sau, tòa án quân sự Pháp tha bổng Decoux.

Thế là chấm dứt chế độ toàn quyền sau 83 năm đô hộ. Nhà báo Nam Đình trên báo Điển Tín ở Sài gon viết bài: “Giờ lịch sử đã đến … Cơ đồ xây dựng trong 83 năm, trong một tiếng đồng hồ là sụp đổ hết.” (Theo tác giả Nam Đình, sau 40 năm tận tụy với nghề, ông viết Hồi ký này, kể lại những điều mắt thấy tai nghe, những tài liệu lịch sử của một ký giả chuyên nghiệp ghi chép lại. Tập thứ 1, từ 1925-1945 là năm tôi bắt đầu làm báo và viết báo Pháp văn tới 1945. Tập thứ nhì, từ 1945 tới 1954. Và tập 3 từ 1954 tới 1954).

Ngày 1 tháng tư Mỹ chiếm Okinawa. Ngày 12 tháng tư, tổng thống Roosevelt chết. De Gaulle sang Mỹ gặp Truman để nài nỉ Truman sửa lại Hiệp ước yêu cầu Mỹ bắt buộc Tưởng Giới Thạch nhường lại cho Pháp trở lại Việt Nam. Theo Đô đốc Mountbatten nói với tướng Leclerc thì nếu Roosevelt còn sống sẽ không bao giờ chấp nhận cho Pháp trở lại Việt Nam.

Lúc đó, người Anh sẽ thay thế Pháp và Việt Nam có hy vọng được độc lập mà không cần đổ máu chăng?

Nhật yêu cầu vua Bảo Đại tuyên bố độc lập

Nguồn: Arthur J. Dommen

Sau đó đó vào ngày 12 tháng 3, 1945 Vua Bảo Đại tuyên bố độc lập và tất cả những gì liên hệ đến chính phủ Bảo hộ đều bị hủy bỏ. Nội dung bản tuyên bố như sau:

Trẫm tuyên bố hủy bỏ hết những hiệp ước bất bình đẳng mà nước Pháp đã ép buộc nước VN ký ngày 06/06/1862 và ngày 15/03 năm 1884. Vậy từ nay, toàn hạt xứ Nam Kỳ thuộc chủ quyền Đế quốc Việt Nam .

Phụng ngự ký

Bảo Đại.

Phạm Quỳnh và toàn bộ nội các gồm 6 người trong Cơ Mật Viện cũ từ chức. Đó là các ông Phạm Quỳnh, Hồ Đắc Khải, Ưng Uy, Bùi Bằng Đoàn, Trần Thành Đạt, Trương Như Định. Người ta đồn sau này Phạm Quỳnh hằng ngày ngồi xe kéo vào điện Kiến Trung, nhưng Vua Bảo Đại không muốn gặp nữa. (Trích Hồi ký của Nguyễn Kỳ Nam, 1925/1964, trang 172).

Có thể trong hồi ký của Bảo Đại, ông chỉ quên ghi một điều là sau khi đón vua đi săn về, ngày hôm sau, ông Yokoyama đã trở lại với hai bản văn viết sẵn và yêu cầu 6 ông trong Cơ mật Viện phải ký. Theo ký giả Nam Đình tường thuật lại lời của Phạm Quỳnh, một người trong Cơ Mật Viện thì Nhật đã ra lệnh cho các ông trong Cơ Mật viện như Phạm Quỳnh, Hồ Đắc Khải, Bùi Bằng Đoàn rằng: Tôi cho các ông 15 phút rồi ký tên hay không là tùy ý.

Dĩ nhiên tất cả các vị trong Cơ Mật viện đều ký với cả hai tay.

(Trích dẫn Hồi ký Nam Đình, trang 168)

Cũng lại thông tấn Domei cho người đến phỏng vấn Hoàng thượng. Trong buổi tiếp kiến có cả Hoàng hậu. Khi ra về, vua Bảo Đại có gởi cho dân chúng Nhật một thông điệp như sau đây:

Nhơn cơ hội đáng ghi vào lịch sử này, đế quốc Việt Nam sung sướng dâng đế quốc Nhật lòng tôn kính mà nước VN ôm ấp từ lâu. Bản quốc tự hào được có nước Nhật chỉ huy các dân tộc và chủng lọai toàn cõi Á Châu. Trẫm xin tỏ lòng thành thật cám ơn nước Nhựt, giúp đỡ và hướng dẫn Việt Nam trong sự phục hồi nền độc lập”

Vua Bảo Đại nghĩ tới thành lập một chính phủ mà người đầu tiên ông nghĩ tới để trao quyền hành là Ngô Đình Diệm: “Dans mon esprit, l’homme le plus représentatif de cette équipe c’est Ngô Đình Diệm” sách đã dẫn, trang 106 (Trong đầu tôi nghĩ rằng, người tiêu biểu nhất trong đám này là ông Ngô Đình Diệm). Ông Bảo Đại đã yêu cầu đại sứ Nhật đưa Ngô Đình Diệm từ trong Nam ra Nhưng sau 3 tuần lễ chờ đợi, Ngô Đình Diệm vẫn biệt vô âm tín không trả lời điện tín của vua Bảo Đại. Bảo Đại còn ra một tuyên chiếu gửi nội các, trong Tuyên chiếu, nhà vua có nói như sau: “Trẫm có mời Ngô huynh (tức Ngô Đình Diệm) - Nhưng cụ Ngô ở Sài Gòn cáo bệnh để từ chức.”

Sau này, Bảo Đại cho biết, qua đại sứ Nhật, họ không muốn Ngô Đình Diệm nữa.

Không có Ngô Đình Diệm, Vua Bảo Đại lúng túng. Các người khác đã đề nghị mời ông Trần Trọng Kim mà dưới mắt Bảo Đại là một người tôi trung, một người hiền. Vua Bảo Đại đã nhờ người Nhật đưa ông về từ Singapore, rồi qua Thái Lan về Sàigòn rồi ra Huế như trong hồi ký của ông Trần Trọng Kim viết ở trên mà không cho biết lý do. Bảo Đại viết: “Dès son arrivée, Je le recois et le charge officiellement de constituer le premier gouvernement du Viet Nam indépendant”. (Khi ông tới Huế, tôi đã tiếp ông và chính thức yêu cầu ông lãnh trách nhiệm thành lập lần đầu tiên một chính quyền Việt Nam). Sự xác nhận trên đây của Bảo Đại đánh tan mọi dư luận, nhất là phía chính quyền Việt Minh tuyên truyền ra ngoài cho rằng chính phủ Trần Trọng Kim là chính phủ bù nhìn, tay sai do người Nhật dàn dựng lên.

Trước khi nhậm chức Thủ tướng, ông Trần Trọng Kim một mực chối từ nhiều lần. Xin theo dõi hồi ký Một cơn gió bụi, ông tâu rằng:

– Việc lập chính phủ, ngài nên dùng những người đã dự định từ trước, như Ngô Đình Diệm chẳng hạn, để có tổ chức sãn sàng. Tôi nay thì phần già yếu bệnh tật, phần thì không có đảng phái và không hoạt động về chính trị, tôi xin ngài cho tôi về nghỉ.

– Trẫm có điện thoại gọi cả Ngô Đình Diệm về, sao không thấy về.

– Khi tôi qua Sài gòn có gặp ông Ngô Đình Diệm và ông bảo không thấy người Nhật nói gì cả. Vậy hoặc có sự gì sai lạc chăng. Ngài cho điện một lần nữa gọi ông ấy về. Còn tôi thì xin ngài cho ra Bắc.

(Trích Một cơn gió bụi, Trần Trọng Kim)

Chính phủ Đế quốc Việt Nam được Trần Trọng Kim lập ngày 17 tháng 4 năm 1945 và trình vua Bảo Đại phê chuẩn.

Nguồn: Wikipedia.org

Không biết đây là lần thứ mấy, ông Trần Trọng Kim thoái thác với người Nhật và với vua Bảo Đại vì không muốn nhảy ra làm chính trị.

Việc lập chính phủ là một việc làm bất đắc dĩ ông phải nhận, sau này khi đã nhận rồi, ông chỉ muốn từ chức, ngay cả có ý định giao quyền cho Việt Minh.

Đó là một quyết định lịch sử. Giả dụ người Nhật chấp nhận giải pháp Cường Để– Ngô Đình Diệm thì sự việc có xảy ra như vậy không?

Theo lời trần tình của Bảo Đại thì khi Trần Trọng Kim ra Huế như trích dẫn ở trên, ông cho mời lập chính phủ ngay. Nhưng theo ông Trần Trọng Kim thì không phải như vậy. Bảo Đại vẫn có ý đợi Ngô Đình Diệm ra Huế. Bảo Đại nói:

– Vậy ông hãy ở đây nghỉ ít lâu, xem thế nào rồi hãy ra Bắc.

– Vua Bảo Đại thấy tình thế kéo dài mãi mãi cũng sốt ruột, triệu tôi vào bảo tôi chịu khó lập chính phủ mới.

(Trích Một cơn gió bụi, Trần Trọng Kim).

Và ngày 17 tháng tư, cùng bàn soạn với Hoàng Xuân Hãn, chính phủ Trần Trọng Kim với thành phần chính phủ gồm một số trí thức, chuyên viên và có lòng yêu nước được trình lên Bảo Đại.

Một lần nữa, ông muốn chứng tỏ, chính phủ của ông không phải bù nhìn của Nhật, ông viết:

“Có một điều nên nói cho rõ là trong khi tôi chọn người lập chính phủ lúc ấy, người Nhật Bản không bao giờ nói tôi chọn người này, người kia. Tôi được hoàn toàn tự chủ tìm lấy người mà làm việc. Và tôi đã định từ trước rằng nếu người Nhật can thiệp vào việc trong nước thì tôi thôi ngay. Không làm nữa.”

(Trích Một cơn gió bụi, Trần Trọng Kim)

Như thấy chưa đủ thuyết phục, ông viết chi tiết hơn:

“Tôi đệ trình vua Bảo Đại, ngài xem xong phán rằng: “Được. Khi ấy ông Yokohama nói: “Xin cho tôi xem những ai”. Ông xem rồi, trả lại tôi và nói: Tôi chúc mừng cụ đã chọn được người rất đứng đắn. Sự thực là thế, chứ không như người ta đã tưởng tượng là người Nhật Bản bắt tôi phải dùng những người của họ đã định trước.”

(Ttrích Một cơn gió bụi, Trần Trọng Kim).

Và đây là lần thứ ba, ông muốn xác định thêm cho rõ chính phủ Trần Trọng Kim không phải là do người Nhật chỉ định. Sau khi lập xong chính phủ, ông Trần Trọng Kim muốn lập chức Nội các Phó Tổng trưởng.

“... để phòng khi tôi nhọc mệt để có người thay thế, tôi đề cử ông Trần Văn Chương, bộ trưởng bộ ngoại giao. Cả nội các đều ưng thuận. Việc ấy là tôi định, chứ không phải do người Nhật can thiệp. Tôi nói rõ việc ấy là vì sau này tôi thấy có người nói: Người Nhật bắt tôi phải để ông Chương làm Nội các Phó Tổng Trưởng .

Đó cũng là một sự tưởng lầm.”

(Trích Một cơn gió bụi, Trần Trọng Kim)

Cho dù ông Trần Trọng Kim từ chối cách nào đi nữa thì việc ông nhận chức Thủ tướng chỉ là để lấp một khoảng trống chính trị do sự từ chối của ông Ngô Đình Diệm để lại. Vấn đề là ông có khả năng chu toàn được khoảng trống ấy một cách trọn vẹn hay không?

Không có lý do gì mà lại không tin những điều ông TrầnTrọng Kim nói là sự thật. Người như ông chắc ông đã không thể nói dối.

Mặc dầu tin vào ông, người viết xin trích dẫn một vài đoạn ý nghĩa nhất trong bản Tuyên cáo nhậm chức của ông Trần Trọng Kim vào lúc 7 giờ chiều, ngày 8 tháng 5, năm 1945. Phải chăng chỉ nên coi những lời tuyên bố dưới đây là những ngôn từ ngoại giao và chính trị?

“Ngày 9 tháng 3, 1945, quân đội Nhật Bản đánh đổ chủ quyền người Pháp trong toàn hạt Đông Dương. Sau đó, đức Kim Thượng đã tuyên bố nước VN độc lập. Đồng thời, thủ tướng Koiso báo cáo rằng nước Nhật không tham vọng lãnh thổ nước ta. Thế là sau 80 năm bị áp chế, nước ta đã khôi phục nền tự chủ và địa vị của một nước Văn hiến ở cõi Á Đông. Chúng ta không thể quên nước Đại Nhựt bản đã giải phóng chúng ta.

Ta phải thành thực hợp tác với nước Đại Nhật Bản trong sự kiến thiết nền Đại Đông Á. Vì sự thịnh vượng chung của Đại Đông Á có thành thì sự độc lập của nước ta mới không phải là giấc mộng thoáng qua.”

Công hay tội? (Kết)

Nguyễn Văn Lục

Lý do tại sao người Nhật đã quyết định thay thế lá bài Cường Để-Ngô Đình Diệm?

Tại sao là Trần Trọng Kim thay vì Ngô Đình Diệm, Theo Dommen

Nguồn: Arthur J. Dommen

Đây là câu hỏi mà chính ông Trần Trọng Kim vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Những thắc mắc của ông Trần Trọng Kim thì sau này trong hồi ký của Bảo Đại, ông Bảo Đại đã kể lại cuộc hội đàm với ông đại sứ Nhật Yokohama (Masayuki Yokoyama thực ra là Viện trưởng Viện Văn hoá Nhật tại Sài Gòn và được phong hàm Cố vấn Tối cao– DCVOnline) như sau đây: Vào ngày 11/03/1945, sau một chuyến đi săn ở Quảng Trị trở về của Bảo Đại cùng với Nam Phương hoàng hậu.

Thông Tấn xã Domei đã lợi dụng gửi một tin tức “nóng hổi”, đánh điện như sau từ Huế vào Sàigòn: “Đêm 9 tháng 3, vua Bảo Đại đi săn bắn nghe súng nổ vội ra về. Quân lính Nhật chận đường và giữ lại, đặng rồi đưa về thành nội và cho nhà vua hay. Sau đó có buổi trao đổi giữa Bảo Đại và đại diện Nhật Bản.”

Xin trích lại buổi trao đổi trong hồi ký của Bảo Đại:

“– Cependant, Monsieur, l’Ambassadeur, nous croyons savoir que que le Japon a un autre candidat au trône d’Annam, en la personne du prince Cuong Đe.

– Il n’en est pas question, Sire. C’est sur Votre Majesté que compte le japon

– Vous me permettez, monsieur l’Ambassadeur, de vous faire part de mon étonnement. Depuis des années, Votre gouvernement met en avant le prince Cường Để, le présente comme le champion de l’indépendance et de la lutte contre les Francais, lui apporte protection et moyens… En un mot, votre gouvernement agit comme si le prince Cuong De était à ses yeux le représentant légitime de l’empire d’Annam.”

Vị đại sứ Nhật đã trả lời vua Bảo đại rất minh bạch như sau:

“Ceux qui sèment ne sont pas ceux qui moissonneront .. Le Prince Cuong Đe fut l’instrument de nos buts de guerre vis/à/vis des Francais, mais aujpurd’hui, c’est à Votre Majesté seule qu‘il convient d’apporter la conclusion.”

( trích trong Le Dragon d’Annam, tác giả S.M. Bao Đai, trang 101-102).

Xin lược dịch

– Tuy nhiên, thưa ông đại sứ, chúng tôi nghĩ rằng người Nhật đã chuẩn bị sẵn người cho ngôi vị vua xứ Annam và người đó không ai khác hơn là hoàng thân Cường Để. (Hoàng thân Cường Để sinh 1882, mất tháng 6/1951, tại Tokyo, Nhật Bản).

– Thưa bệ hạ, không có vấn đề đó. Đối với nước Nhật thì người mà chúng tôi mong muốn đăt để lại chính là bệ hạ.

– Tôi xin phép bày tỏ với đại sứ rằng, tôi rất ngạc nhiên vì từ nhiều năm nay, Chính quyền Nhật vẫn coi Hoàng thân Cường Để là biểu tượng cho việc chống lại người Pháp và thu hồi nền độc lập cho Việt Nam và người Nhật đã không ngần ngại bảo trợ các phương tiện cho hoàng thân.. Nói tóm tắt một lời là chính quyền Nhật coi hoàng thân là người đại diện chính thức của triều đình nước Annam.”

Vị đại sứ đã trả lời rõ ràng: “Kẻ gieo hạt không hẳn là kẻ đi gắt hái. Hoàng thân Cường Để đã là công cụ chiến tranh của chúng tôi với mục đích chống lại người Pháp. Nhưng ngày hôm nay, chỉ có mình Hoàng thượng là người thích hợp trong tình thế hiện nay.”

Sau buổi tiếp kiến đại sứ Nhật, Vua Bảo Đại nhận ra có hai điều quan trọng là: người Nhật đã cố ý loại trừ Hoàng thân Cường Để và không nhắc gì tới tình trạng xứ Nam Kỳ.

Trước hết, cần biết rằng Kỳ Ngoại Hầu Cường Để là người chủ trương Phục Quốc Đồng Minh hội. Phục Quốc Đồng Minh Hội đã đứng ra tổ chức một cuộc tiếp rước long trọng Kỳ Ngoại Hầu Cường Để khi cụ về Sài Gòn. Người ta đã dựng một Khải Hoàn môn ở đại lộ Norodom (tức đường Thống nhất sau này, ngang dinh độc lập, sau nhà thờ Đức Bà)

Và nay thì uy tín của cụ lên cao và dân Sài Gòn biết cụ từ đây. Người ta rộn rịp đón tiếp Kỳ Ngoại Hầu Cường Để. Nhưng rồi cuộc tiếp rước đã không thành.

Theo ký giả Nam Đình thì có lẽ do quyết định của Matusita, giám đốc đại Nam Koosi nhận lệnh từ bên trên. Nhưng vẫn không có một lời giải thích. Khải hoàn môn xây dựng lên rồi triệt hạ xuống. Xây dựng lên rầm rộ bao nhiêu thì lúc triệt hạ xuống lại im lặng bấy nhiêu. (Trích Hồi ký 1925/1964 của Nguyễn Kỳ Nam, hay ký giả Nam Đình).

Thật sự, cho đến nay vẫn không có những giải thích thỏa đáng về vấn đề này. Có thể, sau này giới quân sự Nhật như đại tướng Tsushihashi có ưu thế và có những quyết định khác với những người từng ủng hộ ra mặt cụ Cường Để như Matusita. Có người Pháp như Philippe Devillers trong Histoire du Viet nam de 1940 à 1952 cho rằng vì Matusita vận động quá lộ liễu cho giải pháp Cường Để- Ngô Đình Diệm nên chánh phủ Pháp khó chịu can thiệp thẳng với Đông Kinh, vì thế chánh phủ Nhật Bản ra lệnh cho Nhật ở Sài Gòn ngưng hoạt động.

Giải pháp Cường Để bị bỏ quên.

Nhưng theo lập luận của Edward Miller trong Viễn kiến, quyền lực và tính chủ động… có vẻ thuận lý hơn (Bản dịch của Hoài Phi và Vi Huyền, trong Talawas, 2007) Theo Miller, ông Ngô Đình Diệm thuộc nhóm “Lực lượng thứ ba” (có nghĩa là chống cả Pháp lẫn Việt Minh). Nhóm này bị Pháp nghi kỵ, thù ghét và gọi là những người “thiếu lập trường” (fence-sitter).

Vào năm 1943, Ngô Đình Diệm cử người liên lạc với hoàng tử Cường Để, một nhà hoạt động chống thực dân từ nhiều năm và sống lưu vong bên Nhật. Người Nhật ủng hộ Ngô Đình Diệm và đã có lần Tổng lãnh sự Nhật ở Huế giải thoát ông ra khỏi sự truy nã của người Pháp ở Huế bằng cách cải trang ông thành một sĩ quan Nhật. Khi Nhật quyết định quét sạch chế độ thực dân Pháp ở Việt Nam thì họ nghĩ đến giải pháp đưa Cường Để lên ngôi và đặt Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng chính phủ mới. Không may là người chỉ huy tối cao Nhật tại Đông Dương không đồng ý với lập luận của “phe lý tưởng” và ông ta đã phá hủy kế hoạch. Kết quả là sau ngày 09/03, Cường Để vẫn bị để lại Nhật. Và Bảo Đại vẫn được giữ cương vị cũ. Bảo Đại cũng biết trước rằng Ngô Đình Diệm đã liên minh với Cường Để, nhưng ông vẫn coi Ngô Đình Diệm là ứng cử viên số một để lãnh đạo chính phủ Việt Nam thay thế cho chế độ thực dân và vì vậy, ông đã triệu hồi Ngô Đình Diệm về Huế. Ngô Đình Diệm đã phạm phải một tính toán sai lầm trầm trọng là đã từ chối đề nghị của Hoàng Đế. Gần như ngay lập tức sau đó, ông hối hận về quyết định này và cố gắng đảo ngược tình thế, nhưng quá muộn: Bảo Đại đã mời học giả Trần Trọng Kim lên làm thủ tướng thế chỗ Ngô Đình Diệm. Ngô Đình Diệm đã để lỡ một cơ hội vàng ngọc, mặc dù không phải vì không cố gắng hay quan tâm.

Edward Miller cũng trích dẫn Masaya Shiraishi trong: “The background to the formation of the Tran Trong Kim cabinet in april 1945” chứng minh rằng Ngô Đình Diệm nhận được bức điện tín thứ hai trong hai bức điện mà Bảo Đại gửi đi ngay sau khi vụ lật đổ xảy ra và chứng minh Ngô Đình Diệm tự ý từ chối đề nghị của Hoàng Đế. Nhưng chúng ta không biết rõ tại sao ông quyết định như vậy. Cũng theo trích dẫn của Miller trong The Vietnamse Revolution of 1945, Stein Tonnesson chứng minh rằng Ngô Đình Diệnm đã tức giận khi nhận ra rằng Bảo Đại không đưa ra lời mời lần nữa. Phải chăng vì thế mà ông Diệm bỏ về Vĩnh Long?

Dù sao, chuyện thay ngựa giữa dòng cũng là chuyện bình thường trong sinh hoạt chính trị.

3. Vài nhận xét về chính phủ của ông Trần Trọng Kim

Có thể nói, đây là một chính phủ mà số phận quá vắn vỏi, từ 17/4/1945, chỉ kéo dài hơn 4 tháng. 19 tháng 8, Việt Minh cướp chính quyền, ít ngày sau, Bảo Đại long trọng tuyên bố từ chức. 4 tháng trong một tình thế rối beng, tranh tối tranh sáng, không biết tương lai, vận mệnh đất nước ra làm sao?

Về giáo dục: có thể đây là mặt trổi bật nhất của chính phủ Trần Trọng Kim. Cùng với ông Hoàng Xuân Hãn, chính phủ đưa ra một chương trình giáo dục trung học giảng dạy bằng chữ Quốc ngữ. Lần đầu tiên, Việt Nam áp dụng việc thi tú tài bằng tiếng Việt. Dùng tiếng Việt trong những công văn chính thức. Sau này, dù thời cuộc biến đổi, chương trình giáo dục ấy vẫn được tiếp nối. Trong hồi ký Một cơn gió bụi, ông Trần Trọng Kim đã không nhắc nhở gì về chương trình giáo dục Hoàng Xuân Hãn cả. Thật đáng tiếc.

Về tổ chức hành chánh: Dưới thời Pháp thuộc, có hai hệ thống hành chánh đi song hành. Một của chính phủ Nam triều, một của Pháp. Nay thì chính phủ Trần Trọng Kim phải thống nhất làm một. Nhiều trở ngại và khó khăn. Quan lại hầu hết đều tham ô, hối lộ. Ông Trần Trọng Kim thú nhận:

“Đem lại sự thống nhất như thế, cũng mất hơn một tháng mới xong. Riêng các cơ sở công an, sở tuyên truyền vẫn ở trong tay người Nhật. Quan lại ở các tỉnh phần nhiều là những tham quan ô lại, chỉ quen thi hành mệnh lệnh của người Pháp, chứ không mấy người có đủ tư cách làm người công chức một nước tự chủ.”

(Trích Một cơn gió bụi, Trần Trọng Kim).

Bốn điểm chính của Chiến dịch Meigo Sakusen

Nguồn: Arthur J. Dommen

Riêng ở trong Nam, người Nhật vẫn chưa trao trả cho chính phủ Trần Trọng Kim. Tất cả đều do người Nhật chủ động. Vì thế, họ tổ chức chiếu bóng miễn phí ở các nơi công cộng. Họ thay đổi giờ một cách vô lối theo giờ Đông Kinh bằng cách tăng thêm một giờ. Từ nay, 12 giờ trưa ở Sài Gòn thành 1 giờ trưa. Minoda được bổ nhiệm làm Thống Đốc Nam Kỳ thay Pagès người Pháp. Đốc phủ Lê quang Hộ được cử làm Đổng lý văn phòng cho Minoda. Ở tỉnh, họ ra thông cáo chọn 21 Đốc Phủ sứ cũ làm tỉnh trưởng thay thế người Pháp. Các ông Tham biện thời Pháp mất chức cho về vườn.

Việc cứu đói miền Bắc là một thất bại: Trận đói tháng 3/1945 đã đưa tới cái chết của 2 triệu người, gần một phần tư dân số Bắc phần. Người ta biếr rằng trung bình số gạo trở ra Bắc mỗi năm là 182.620 tấn (năm 1941). Vậy mà cả năm 1944 chỉ chở ra Bắc được 8830 tấn.

Câu hỏi đặt ra là ai trách nhiệm về trận đói tháng 3, 1945?

Thống sứ Chauvet đã táng tận tuyên bố như sau: “Ông nói hiện nay dân đói, nhưng dân Annam bao giờ chẳng vẫn quen nhịn đói? Nạn đói hiện nay chỉ như một cơn sốt rét. Tự nó sẽ lui dần”. Theo Desrousseaux trong cuốn Témoignages et documents francais relatifs à la colonisation francaie au Viet Nam (Chứng ngôn và tài liệu của Pháp liên can tới nền đô hộ Pháp ở Việt Nam, trích lại trong bài viết của cụ Tăng Xuân An) thì thực dân Pháp cố tình gây nạn đói để chủ điền cao su và chủ mỏ có thể mộ phu dễ dàng.

Chứng luận này xem ra không chính xác tý nào.

Và đây là hình ảnh về trận đói do Desrousseaux viết lại thật bi thảm:

“Họ đi thành rặng dài bất tận.. toàn thân lõa lồ, gầy guộc, trơ xương ra, run rảy. Thỉnh thoảng họ dừng lại để vuốt mắt cho một người trong bọn họ ngã xuống và không bao giờ thức dạy được nữa .. Nhìn những hình người xấu hơn con vật xấu nhất, nhìn thấy những xác chết co quắp, cạnh đường chỉ có một vài nhánh rơm vừa làm quần áo, vừa làm vải liệm, người ta thật lấy làm xấu hổ cho cái kiếp con người.”

Tôi chỉ có thêm một nhận xét là tôi đã nhìn thấy tận mắt kiếp những con người đi lang thang, thất thểu, chậm chạp từng bước, da mặt bủng, xanh xao, mắt hõm sâu, thất lạc, tóc bù rối, cởi trần và cả cởi truồng, hoặc quần áo rách bươm, tay chân khẳng khiu như những que củi, như loài vượn. Nhưng bụng người nào người nấy, trẻ con cũng như người lớn đều chương phình như những người đàn bà có chửa.

Nói là chết đói mà cứ nhìn bụng người nào người nấy đều chết no.

Tôi không hiểu được tại sao như thế. Chỉ sau này tôi mới hiểu vì họ phải ăn bất cứ thứ gì như ăn lá cây, vỏ cây nên bụng chương lên không tiêu hóa được. Ăn những thứ đó là liều mạng tự giết mình.

Cho dù sau này có được ăn cháo lão mỗi ngày, họ vẫn không thể nào sống sót được.

Thường buổi sáng Hà nội còn mù hơi xương, lạnh căm căm, tôi nhìn thấy những chiếc xe bò chở dăm ba xác chết, chạy ngang qua phố Cửa Bắc, thây người nằm chất đống, chân vắt vẻo ngoài thành xe, nhảy tưng lên như đùa nghịch mỗi khi xe gặp ổ gà.

Người chết có vẻ như còn biết đùa nghịch.Tôi bất nhẫn, nhưng không nghĩ đó là những con người. Không thể nào nghĩ đó là những con người được

Thật ra, nạn đói báo trước sẽ phải xảy ra vì kể từ 8/12/1941, Nhật đã ép chính phủ Pétain của Pháp nhượng bộ ở Đông Dương nhiều điều. Năm 1941, VN phải giao 700.000 tấn gạo cho Nhật, !942 lên 1 triệu tấn, 1943, 95 vạn tấn, 1944 rút xuống còn 50 vạn tấn vì không còn gạo mà giao(trích một bài báo của Lê Đình Cai trong Nạn đói năm Ất Dậu, 60 năm về trước).

Cho nên Nhật là kẻ chủ mưu trong nạn đói này. Theo tác giả Vy Thanh, trong Lớn lên với đất nước, trang 26 tại Cần Thơ, ông đã chứng kiến cảnh này:

“Nhà đèn Cần Thơ được lính Nhật canh gác cẩn thận. Vẫn hoạt động. Nhưng thay vì đốt bằng than đá chở từ Hòn Gay ở ngoài Bắc vô để chạy tuýt bin như Tây đã làm từ trước. Nhựt ra lệnh dùng lúa chở các kho đồn điền La/Bách, đồn điền Ông Kho, về đốt thay than. Ông Ba, em ông nội là phu nhà đèn.Theo lệnh của lính Nhựt đứng khít một bên, đốc thúc ông xúc từng len lúa đổ vào lò lửa. Nước mắt ông nhỏ ròng, ông rủa.

– Hủy hoại hột ngọc của Trời khiến dân tụi mầy đói. Không đói thì thế nào cũng bị Trời diệt.

Thiệt đúng. Trời phạt Nhựt. Hai thành phố lớn nhứt nhì ở Nhựt bổn hứng bom nguyên tử của Hoa Kỳ cháy chỉ còn tro, giống tro lúa đốt trong lò máy nhà đèn Cần Thơ.”

Nhiều kho lẫm của Nhật vẫn còn tích trữ lúa gạo cao như núi. Nhưng dân vẫn đói.Tôi có nghe là dân đói cướp kho gạo bị Nhật bắn chết vô số, nhưng mắt không thấy. Cũng như tin đồn, người ăn cắp bị Nhật chôn sống.

Người Nhật ác lắm.

Xin nhắc lại một vài kỷ niệm ấu thời vẫn còn như in trong đầu tôi. Lúc Nhật đảo chánh, lính Tây chạy lên tháp chuông nhà thờ Cửa Bắc trấn giữ. Lính Nhật chạy áp vào hàng rào nhà xứ và chạy đến tháp chuông tông cửa vào. Lúc lâu sau, một đám lính Pháp để tay sau gáy đi hàng một ra đầu hàng. Lính Nhật áp tải sang bên kia phố cửa Bắc. Tôi thấy họ bắt binh lính Pháp cởi trần, trời thì lạnh, quỳ gối thành hàng dài trước sở Hành Chánh, tài chánh.

Tôi thấy được cả nỗi nhục bên trong của những người lính Pháp bị quỳ.

Tự nhiên, tôi ghét người Nhật thêm nỗi sợ nữa.

Tôi chỉ sợ lính Nhật mà không sợ Lính Tây.

Tôi thường đi lễ nhà thờ Cửa Bắc nên gặp binh lính và sĩ quan Pháp thường ngày. Họ ăn mặc chỉnh tề và lịch sự lắm. Phần đông họ tử tế, cười và cho kẹo trẻ con. Trẻ con Tây và Ta đi lễ đôi khi đánh nhau chí chóe, đánh bọn tây con chảy máu mồm. Thấy chúng thua, nhiều đứa khóc thì bọn trẻ con Việt Nam sợ hè nhau bỏ chạy. Chúng tôi thắng vì đông. Có khi mới đầu chỉ là hai đứa đánh nhau, sau kéo bè trở thành hai ba đứa đánh một đứa. Nhưng không thấy Tây người lớn can thiệp.

Vậy mà có một lần có lễ cho người Việt, Cố Năng (Caillon) râu xồm chưa ra làm lễ, bổn đạo còn đang đọc kinh rổn rảng tự nhiên rồi bổn đạo im bặt bắt đầu tư cuối nhà thờ lan truyền lên trên. Không ai bảo ai đều im bặt. Mọi người ngoảnh mặt nhìn xuống thì thấy một sĩ quan Nhật theo đạo, chân đi ủng, kiếm dài lê thê bên mình, chắp tay nghiêm trang đi lên từ cuối nhà thờ.

Tiếng lộp cộp như gõ nhịp của đôi ủng làm mọi người như nín thở.

Nhưng thật ra người sĩ quan ấy chỉ là một bổn đạo hiền lành, ngoan đạo như mọi người.

Vậy mà người ta vẫn sợ. Cả nhà thờ im lặng sợ một người đồng đạo như mình.

Thật ra, người ta sợ cái đằng sau người sĩ quan Nhật ấy.

Trong cuốn Lớn lên với đất nước, trang 26, tác giả Vy Thanh có viết về người Nhật như sau:

“Trộm cắp vặt bị hiến binh Nhật bắt, chặt tay. Bị bắt lần đầu mất ngón cái. Lần thứ hai bốn ngón còn lại. Lần thứ ba, cả bàn tay không ngón. Bọn lục lạo tụi tôi chứng kiến thằng móc túi bị bắt quả tang. Hiến binh Nhật làm oai lấy gươm phụp mất bàn tay mặt thằng nhỏ giữa chợ làm gương. Họ quá tàn nhẫn.”

Trở lại trận đói ấy xem chính phủ Trần Trọng Kim làm được gì? Bảo Đại chắc vẫn đi săn. Đó là cái thú của ông. Nhiều người biện hộ cho ông vì ông muốn quên chuyện chính trị. Và chắc hẳn, ngoài thú đi săn thỉnh thoảng ông vẫn lái xe đi Nha Trang câu cá, hoặc lại xe như bay chung quanh khu đại nội, vì ông thích tốc độ. Ông cũng có thể dong ruổi trên du thuyền Phi Long để tránh cái nắng Huế. Có thể ông ấy còn hứng chí lấy chiếc máy bay riêng lái vài vòng chung quanh thành phố Huế. Tờ Asie nouvelle thời đó nửa khen và có thể nửa chê: Un peu de Paris respire à Huế. Có chút gì là Paris thấp thoáng ở Huế.

Riêng cụ Trần Trọng Kim đổ cho việc tiếp tế gặp khó khăn vì vấn đề vận tải. Cụ viết:

“Chúng tôi ra bộ tiếp tế chuyên coi việc vận tải thóc gạo trong Nam ra Bắc. Bộ ấy không đạt được mục đích của chính phủ vì sự vận tải khó khăn quá, đường xe lửa bị hư hỏng, thuyền bè đi ngoài bể bị tầu ngầm đánh và bị cướp bóc mất cả.”

Cái lý do nêu ra do thuyền bè bị tầu ngầm đánh không vững.

Xin trích dẫn Hồi ký Nguyễn Kỳ Nam “người trong cuộc” viết về vấn đề chở gạo ra Bắc:

“Nhiều đoàn xe chở gạo bị bắn: Gạo cháy. Mà khi một toa bị bắn, thời gạo đó hết ăn được. Nên việc tải gạo bằng xe lửa không thể thực hành được. Còn nói đến đến xe hơi vận tại thì chủ xe đòi giá “cắt họng”. Họ viện lẽ “cồn” mắc, và một ra đi không chắc trở về nguyên vẹn chiếc xe. Thanh niên Tiền Phong phải tự tổ chức việc tải gạo ra Bắc. Ngoài xe lửa còn có ghe bầu.

Ban tổ chức nghĩ rằng: Máy bay Mỹ không bắn ghe bầu chở gạo … Nhờ vậy Thanh niên Tiền phong hộ tống được nhiều ghe ra tới Bắc.”

(Hồi ký Nguyễn Kỳ Nam, 1925/1964, trang trang 65-66)

Chính phủ Trần Trọng Kim bị mất lòng dân cũng vì thất bại trong việc cứu đói mặc dầu người ta hiểu được phương tiện không có. Nhưng ít ra cũng phải vận động, thúc bách, đòi hỏi người Pháp, rồi người Nhật ra tay chứ?

Không có tài liệu nào chứng tỏ chính phủ Trần Trọng Kim đã làm hết sức mình.

Bảo Đại thì im lặng. Trong hồi ký Bảo Đại, không nhắc một chữ đến trận đói này. Ông vua này có lẽ chỉ làm được một điều tốt trong đời ông là không làm hại ai bao giờ. Chỉ có vậy.

Một trận đói khủng khiếp như thế mà vị vua vẫn thong dong đi săn, không ra Hà Nội thăm dân lấy một lần. Thủ tướng thì bất lực Khoanh tay. Lãnh đạo ở chỗ nào Phong kiến lắm.

Trong khi đó, Việt Minh thì tuyên truyền lôi kéo quần chúng về phía họ. Ngày 2 tháng chín, Hồ Chí Minh đã nêu lên 6 vấn đề cấp bách mà chính phủ cần giải quyết ngay và vấn đề số 1 là cứu đói: “Nhân dân ta đang đói. Những người thoát chết đói nay cũng bị đói. Chúng ta phải làm thế nào cho họ sống …”

Về mặt chính trị: Ông Trần Trọng Kim cùng với quý ông Hoàng Xuân Hãn, Vũ Văn Hiền, Phan Anh đã bay ra Hà nội gặp Yuitsu Tsuchihashi, Tổng tư lệnh quân đội Nhật và yêu cầu Nhật trao trả lại cho Việt Nam những thành thị như Hànội, Hải Phòng, Đà Nẵng và nhất là toàn hạt đất Nam Bộ. Người Nhật bằng lòng trả vì tình thế của họ lúc ấy cũng bi quan lắm. Trả trước cho đẹp mặt. Công đàm phán của cụ Trần Trọng Kim cũng có, nhưng thời thế đẩy đưa cũng góp phần không nhỏ. Xin ghi lại vài dòng cuộc dàn xếp giữa đôi bên: “Chúng tôi bao giờ cũng định trả lại các lãnh thổ Việt Nam cho chính phủ Việt Nam.” Trả lời của ông Trần Trọng Kim: “Chúng tôi sẵn sàng về việc ấy .” Hỏi: “Vậy thì cụ định bao giờ lấy lại ba thành thị kia?” Trả lời: “Nếu ngài bằng lòng thì tôi xin lấy ngay từ bây giờ.”

Lấy xong mà không ổn định được, quân đội không có, an ninh không có, lấy xong thì làm gì? Mọi công việc giao cho ông Phan Kế Toại với trọng trách là Khâm sai Bắc Kỳ, một người mà sau này ông Trần Trọng Kim khômg kìm giữ được bực mình đã phải viết như sau:

“Giá lúc ấy có một người làm khâm sai ở Bắc Bộ cương quyết và hiểu việc, thì các việc tổ chức có thể mau chóng hơn, nhưng ông Phan Kế Toại là người chuyên làm việc trong thời bảo hộ Pháp, tuy trong sạch hơn cả, song chỉ là một ông quan biết thi hành mệnh lệnh, chứ về đường chính trị thì không thông thạo lắm, và tính lại nhát. Ông thấy một đường thì người Nhật làm khó dễ, một đường thì bọn Việt Minh bạo động, nay đánh chỗ này, mai đánh chỗ nọ, ông sợ hãi và chán nản, chỉ nói chuyện xin từ chức Ông viết tiếp: Trước tôi thấy cách làm việc của ông Toại rất lộn xộn, tôi đã muốn tìm người thay, tìm người giỏi thì nhiều, mà người làm được việc thì ít” .

Những điều ông Trần Trọng Kim chê trách Phan Kế Toại, tôi có cảm tưởng ông chê trách chính ông. Lúc nào ông Trần Trọng Kim cũng nghĩ đến việc từ chức. Ngay trước khi quyết định ra Hà Nội thương lượng với giới chức Nhật, ông đã dự tính sẽ xin từ chức rồi nên đã âm thầm ra thuê sẵn một căn nhà để đến khi từ chức thì có chỗ ở.

Bảo Đại có thể chọn không lầm một người trong sạch, đạo đức và uy tín nơi ông Trần Trọng Kim.

Nhưng chỗ của ông Trần Trọng Kim không phải ngồi ở đấy.

Xong việc thương thuyết với người Nhật và đại diện Nhật đã bằng lòng trao trả lại xứ Nam Kỳ, ông trở về Huế. Và ông coi như trách nhiệm cũng như sứ mạng của mình đã hoàn tất. Mission accomplie. Thật ra công việc chính trị này không thể nào có thể gọi là lúc nào là bắt đầu và lúc nào là hoàn tất được, nhưng lấy cớ như thế để thoái thác, ông lại xin với vua Bảo Đại từ chức.

Công của ông trong việc thương thuyết chính trị này cũng là công khó.

Thật vậy.

Xin nhắc là Nhật không muốn trả lại Nam Kỳ cho Việt Nam. Phải đợi đến giờ phút thứ 25 của nước Nhật, tức là ngày 14 tháng 8. Ngày mà nước Nhật “chịu đầu hàng không điều kiện”, chính ngày đó, đặc sứ Yokoyama mới cho Thủ Tướng Trần Trọng Kim hay. Ông Trần Trọng Kim đã làm sẵn chiếu nhà vua từ ba tuần lễ trước rồi. Ông Trần Trọng Kim đã chuẩn bị Nguyễn Văn Sâm cả ba tuần rồi, chỉ và dụ đã làm xong, chỉ chờ giờ lên đường. Thủ tướng chờ đợi từng giờ quyết định của Đông Kinh. Mỗi ngày đến gõ cửa nhà Yokoyama liền liền. Rồi ngày này sang ngày nọ. Vì thế khi được tin lành, ông vội vàng lập tức lên xe vào điện Kiến Trung đưa vua Bảo Đại ký liền hai chiếu:

a. Một chiếu “toàn hạt xứ Nam Kỳ thuộc chủ quyền Đế quốc Việt Nam” (nguyên văn)

b. Chiếu thứ hai, ủy nhiệm Nguyễn Văn Sâm làm Khâm sai đại thần. Hành lý cất lên chiếc xe Forf P.I. Hai giờ chiều Khâm sai đại thần rời Huế về Nam bộ, đem theo chiếu nhà vua có mấy hàng chữ sau đây:

“Trẫm tuyên bố hủy bỏ hết những hiệp ước bất bình đẳng mà nước Pháp đã ép nước Việt Nam ký ngày 6 tháng 6 năm 1862 và 15 tháng 8 năm 1874. Vậy từ nay, toàn hạt xứ Nam Kỳ thuộc chủ quyền đế quốc Việt Nam.

Phụng ngự ký: Bảo Đại

(Trích Hồi ký 1925/1964, Nguyễn Kỳ Nam, trang 186)

Phải nghĩ rằng người Nhật thiếu thiện chí trong việc trao trả này.

Nhưng lấy lại được các thành thị ấy mà không tổ chhức được quân đội để giữ gìn an ninh, trật tự thì lấy lại làm gì? Quả thực chẳng bao lâu sau, ngày 19 tháng tám, công chức ở Hà nội đi biểu tình. Việt Minh đã lợi dụng tình thế, nhân cơ hội ấy chiếm Bắc Bộ. Mấy ngày sau, Hồ Chí Minh về làm chủ tịch chính phủ lâm thời. Các đoàn thể do Việt Minh xúi dục điện vào Huế yêu cầu Bảo Đại từ chức.

Việc từ chức của vua Bảo Đại

Trước đây, tôi cứ tưởng là việc thoái vị của Bảo Đại là do áp lực trực tiếp của Việt Minh qua Phạm Khắc Hòe, bí thư của Hoàng Hậu Nam Phương. Dư luận thời đó cho rằng Hòe đã bán đứng Bảo Đại. Trong Hồi ký:Từ Triều đình Huế đến đến chiến khu Việt Bắc, từ trang 72-73, Phạm Khắc Hòe viết lại cuộc đối thoại giữa ông và Hoàng Hậu Nam Phương như sau:

“Câu chuyện đến đây thì Bảo Đại trong nhà đi ra. Tôi đứng dạy. Ông ta bảo cứ ngồi. Rồi Bảo Đại cùng ngồi và bà Nam Phương cứ tiếp tục đi, Bà Nam Phương nhìn tôi nói tiếp:

– Qua những lời ông vừa nói, tôi càng thêm trách ông.

– Tâu. Chúng tôi chưa hiểu ý Ngài muốn nói chi ? Nếu chúng tôi có lỗi lầm chi đáng trách thì xin Ngài cho biết rõ để chúng tôi nhận lỗi.

– Tôi muốn nói rằng: ông là người của Việt Minh cài vào Đại nội đã lâu. Điều này, tối hậu thư ngày 23 tháng 8 của Việt Minh đã cho biết khá rõ. Hôm nay, qua cách ông sắp xếp việc bàn giao tài sản cho Việt Minh, tôi càng thấy rõ hơn vai trò của ông. Ấy thế mà ông không hề cho tôi biết trước một chút xíu chi cả. Việc chi cũng phải nước đến chân mới nhảy, bị động hoàn toàn.

– Tâu. Nếu chúng tôi quả thật “là người của Việt Minh cài vào Đại nội đã từ lâu” thì đó là một vinh dự cho chúng tôi. Chúng tôi không can chi mà phải chối. Nhưng sự thực là chúng tôi không có chân trong tổ chức Việt Minh. Chúng tôi chỉ làm việc theo tiếng gọi của Tổ Quốc, theo sự thúc giục của lương tâm và với tấm lòng thiết tha mong muốn nước nhà có một chế độ mới thay thế chế độ vua quan lỗi thời.”

Thông qua phần trích dẫn của Phạm Khắc Hòe, việc y phản bội Bảo Đại là có việc có thật.

Nhưng việc trao quyền hành cho Việt Minh có sự quyết định của ông Trần Trọng Kim trong ấy. Trong bài viết: Những bí mật chưa công bố. Nhà báo Nguyễn Kỳ Nam từng tháp tùng khâm sai Nguyễn Văn Sâm từ Huế trở về Sàigòn viết rằng:

“Chánh phủ Trần Trọng Kim đã tính giao chánh quyền cho Việt Minh, mặc dầu không biết lực lượng Việt Minh như thế nào.Tôi không giấu một sự thật nào.

Thủ tướng Trần Trọng Kim không thể lập nội các nữa được, nên ở đó chờ giờ. Ông đã mướn nhà riêng ở bên kia cầu Trường Tiền, đặng khi Việt Minh đến, ông sẽ giao luôn Thủ tướng phủ.”

(Trích Hồi ký 1925-1964 của Nguyễn Kỳ Nam, trang 46-47).

Những điều được nhà báo Nguyễn Kỳ Nam coi là tiết lộ bí mật chưa được công bố thì sau này chính cụ Trần Trọng Kim kể lại rành mạch và đầy đủ chi tiết hơn trong Một Cơn gió bụi.

Việc thứ nhất khi ông ra Bắc, ông Trần Trọng Kim đã xin Hiến binh Nhật tha cho những người theo Việt Minh bị Nhật bắt:

“Tôi xin tha cho những thanh niên bị hiê’n binh Nhật bắt vì theo Việt Minh. Tổng tư lệnh Nhật gọi viên đại tá coi hiến binh Nhật đem sổ cho tôi xem, thì chỉ thấy độ 300 người bị bắt. Hiến binh Nhật hứa sẽ xét chóng mà tha dần ra. Ngày hôm sau, họ tha ra được 5,6 chục người.”

Việc thứ hai là ông đã nhờ ông Phan Kế Toại, khâm sai ngoài Bắc, đi tìm một vài người Việt Minh để nói chuyện hợp tác:

“Hôm sau ông Toại đưa một thanh niên(tên Nghĩa) tôi nói: Vậy chúng ta tuy đi con đường khác nhau, nhưng cùng một mục đích như nhau. Các ông thử xem ta có thể hợp tác với nhau, kẻ ở trong, người ở ngoài, để cứu nước được không ? Người ấy nói: Sự hành động của chúng tôi đã có chủ nghĩa riêng và có chương trình nhất định để đem nước đến chỗ hoàn toàn độc lập. Chúng tôi có thể làm lấy được. Chúng tôi sẽ cướp lấy quyền để tỏ cho các nước đồng minh thấy chúng tôi mạnh. Cụ Kim kết luận: Tương lai còn dài, các ông nhận lấy trách nhiệm đối với quốc dân và lịch sử.”

Việc thứ ba tối quan trọng có liên quan đến vận mệnh và sự an ninh của Chính quyền. Ngoài Bắc, các ông Nguyễn Xuân Chữ, Trần Văn Lai trước tình thế nguy ngập mất còn vào tay Việt Minh đã xin chính phủ để lập Ủy Ban cứu quốc. Thật ra đã trễ quá rồi. Việt Minh cướp chính quyền ngày 19 tháng 8. Ông Trần Trọng Kim sau khi nghe trung úy Phan Từ Lăng, trách nhiệm về an ninh tường trình như sau:

“Tôi có thể nói riêng về phần tôi thì được, còn về các thanh niên tôi không dám chắc.” Nghe như thế, ông Trần Trọng Kim gặp Bảo Đại tâu rằng: “Xin Ngài đừng nghe người ta bàn ra tán vào. Việc đã nguy cấp lắm rồi, ngài nên xem lịch sử của vua Louis 16 và vua Nicolas 2 bên Nga mà thoái vị ngay là hơn cả. Mình thế lực đã không có, bọn Việt Minh lại có dân chúng ủng hộ, nên để cho họ nhận lấy trách nhiệm bảo vệ nền độc lậ p của đất nước. Vua Bảo Đại là ông vua thông minh, hiểu ngay và nói: “ Trẫm có thiết gì ngôi vua đâu, miễn là bọn Việt Minh giữ được nên tự chủ của nước nhà là đủ. Trẫm muốn là là người dân của một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ“. Và ông Trần Trọng Kim nhận xét thêm: Bọn thanh niên tiền tuyến tin cậy cũng bỏ theo Việt Minh, bọn lính hộ thành cũng không nghĩ đến nữa. Còn các quan cũ lo nấp đâu cả. Thật là tình cảnh rất tiều tụy. Nếu không mau tay lui đi, tính mệnh nhà vua và hoàng gia chưa biết thế nào?”

Việc thứ tư theo sự tiết lộ của ông Trần Trọng Kim mới thật là quan trọng. Theo như lời ông kể lại như sau:

“Lúc bấy giờ người Nhật có đến bảo tôi: “Quân đội Nhật còn trách nhiệm giữ trật tự cho đến khi quân đồng minh đến thay thế. Nếu chính phủ Việt Nam công nhiên có lời mời quân Nhật giúp, quân Nhật còn có thể giữ trật tự. Tôi nghĩ quân Nhật đã đầu hàng, quân đồng minh sắp đến, mình nhờ quân Nhật đánh người mình còn nghĩa lý gì nữa, và lại mang tiếng “cõng rắn cắn gà nhà.”

Tôi từ chối không nhận.

Ngày 22/08, Hoàng Đế Bảo Đại thoái vị. Xin tóm tắt vài dòng về bài chiếu thoái vị:

“Cho nên, mặc dù Trẫm hết sức đau đớn nghĩ tới công lao liệt thánh đã vào sanh ra tử trong gần 400 năm, để mở mang giang sơn đất nước từ Thuận Hóa đến Hà Tiên. Mặc dầu Trẫm hết sức bùi ngùi cho nỗi làm vua 20 năm, mới gần gũi Quốc dân được mấy tháng, chưa làm được điều gì có ích lợi quốc dân như lòng Trẫm muốn.”

Vua Bảo Đại thoái vị trong một buổi lễ ở Ngọ Môn, Huế vào chiều 30 tháng 8, trao quốc ấn Hoàng đế Chi Bửu và thanh kiếm bạc nạm ngọc cho đại diện của chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là ông Trần Huy Liệu.

Nguồn: flickr.com

Lễ thoái vị được cử hành tại Ngọ Môn. Buổi lễ thật đơn giản. Dân buồn. Những lời tuyên bố của Bảo Đại xem ra không thật lòng. Ông chỉ phủi tay.

Đại diện phía Việt Minh có Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận. Vua Bảo Đại trao Bửu kiếm và Ngọc tỷ - biểu hiệu cho ngai vàng_ cho đại diện VM là Trần Huy Liệu. Trần Huy Liệu (khi vào miền Nam, 1925-1926 viết cho tờ Đông Pháp lấy bút hiệu Nam-Kiều) .

Sau đó, cờ vàng quẻ ly được hạ xuống ... từ từ.

Cờ đỏ sao vàng được kéo lên nhanh.. nhanh. Phần ông Trần Trọng Kim viết mấy dòng như sau:

Việt Minh lên cầm quyền, vua Bảo Đại đã thoái vị, tôi ra ở nhà đã thuê từ trước tại làng Vĩ Dạ gần Huế. Được mấy ngày Việt Minh vào đưa vua Bảo Đại, bấy giờ gọi là công dân Vĩnh Thụy, ra làm tối cao cố vấn ở Hà Nội để dễ quản thúc.

Để cho rõ ràng việc này thêm, xin được trích dẫn bài viết của ký giả Nam Đình là nhân chứng hàng đầu trong việc này. Ký giả Nam Đình ghi lại như sau:

“Một giờ trưa ngày 12 tháng 8 năm 1945 một đại tướng Nhựt ngồi xe hơi vào thành, đến bộ tư pháp ở Huế, xin nói chuyện với Trịnh Đình Thảo, bộ trưởng bộ tư pháp: Một chuyện Mật, rất khẩn cấp. Tình cờ buổi trưa hôm đó, tôi cùng dùng bữa với Trịnh Đình Thảo. Cơm nước xong, Trịnh Đình Thảo tiếp viên đại tướng Nhựt. Câu chuyện đó tóm tắt như vầy:

– Tôi thay mặt Bộ Tham mưu Nhựt từ Sàigòn vào đây để nhờ Bộ trưởng đưa tôi vào yết kiến Hoàng Đế, đặng hỏi ý kiến Ngài: Có muốn cho quân đội Nhựt gìn giữ trật tự trên toàn cõi lãnh thổ Việt Nam không?

– Nếu Hoàng Đế muốn dẹp hết những cảnh chính trị lăm le đoạt chính quyền, thời quân đội Nhựt sẵn sàng?

– Sao đại tướng biết?

– Bộ tham mưu chúng tôi đã được phúc trình khắp nơi gửi về nói rằng: Việt Minh đang huy động lực lượng trong bóng tối chờ ngày cướp chính quyền.

Thế rồi Trịnh Đình Thảo kêu dây nói vào điện Kiến Trung bày tỏ sự tình. Mười phút sau tới lầu Kiến Trung, viên đại tướng Nhựt lễ phép cởi bỏ gươm dài để ở phòng ngoài nhắc lại câu chuyện khi nãy, vua Bảo Đại trả lời:

– Muốn giữ trật tự, tự nhiên phải đổ máu. Trẫm không muốn thấy máu người Việt chảy thêm nữa.

Một giờ sau, viên đại tướng Nhựt mới chịu ra về.

(Hồi ký Nguyễn Kỳ Nam, 1924/1963, trang 189) .

Nhận xét: Không cần biết lý do tại sao người Nhựt muốn giúp vua Bảo Đại giữ an ninh, trật tự. Họ nhằm mục đích gì? Có thể họ chỉ muốn trao lại cho người Pháp sắp tới một món quà không sứt mẻ? Nhưng nếu giả dụ cặp Ngoại Hầu Cường Để-Ngô Đình Diệm trong vai trò Bảo Đại và Trần Trọng Kim thì họ sẽ quyết định như thế nào và vận mệnh Việt Nam sẽ ra sao?

Họ có làm như Bảo Đại-Trần Trọng Kim hay không?