Phần 10

L’Odeur de la gloire

Politcal Monks. Những nhà sư làm chính trị: TT Thích Trí Quang

Tin Nhà: Lên tiếng thay cho những kẻ phải làm thinh

Tin Nhà: Nguyễn Minh Triết và Giáo Hoàng Benedict XVI

Từ Chủ nghĩa Thực dân đến Chủ nghĩa Dân tộc sang Chủ nghĩa Cộng sản

L’Odeur de la gloire

Nguyễn Văn Lục

Lên tiếng về 100 bài thơ hay thế kỷ

Làm thơ là một sự phi thường, Chế Lan Viên

Kể từ lúc tôi đọc bài phát biểu của nhà văn Lê Lựu, ngày 11/3/2007, Giám Đốc trung tâm Văn Hóa Doanh Nhân tại lễ ra mắt trung tâm đến nay, thời gian đã gần một tháng. Đã có một số không ít người lên tiếng chỉ trích việc tuyển chọn này. Tôi viết sau hóa chậm. Nhưng:

Đi xa về hoá chậm

Biết bao là nhiêu khê (CLV)

Vâng, tôi đã thấy biết bao là nhiêu khê trong tập 100 bài thơ này. Phần tôi vẫn kiên nhẫn chờ đợi không lên tiếng, không viết bài. Chỉ vì lý do đơn giản là tôi chưa có quyển sách trong tay.

Nay thì tôi đã có tuyển tập đó từ Sài gòn gửi qua, tôi có một số nhận xét sau đây:

Cảm tưởng chung chung là ông nhà thơ Lê Lựu nói quá lời. Huyênh hoang và khoác lác quá, thiếu trung thực, che dấu sự thực về cách tuyển chọn, việc làm thì nhiều khuất tất, thiếu trách nhiệm của người cầm bút, nếu không nói là thiếu lương thiện?

Tôi tự hỏi có cần ông phải lên tiếng xin lỗi như trường hợp cô nhà thơ Phan Huyền Thư không? Việc làm này dưới mắt một người Việt Hải ngoại cho chúng tôi thấy thêm một lần nữa tính cách phỉnh gạt cũng giống như trong trường hợp việc vinh danh 17 Việt Kiều mới đây?

Sau bài viết L’odeur de la gloire, tôi vẫn hy vọng đến thất vọng là có một vị nào đó trong số 17 vị được vinh danh từ chối hoặc tự ý rút lui ra khỏi danh sách ấy. Không danh sách vẫn đủ 17 vị.

Tưởng rằng chỉ phải viết L’odeur de la gloire một lần thôi là đủ. Không chắc còn phải tiếp tục và đây là loạt bài thứ hai mang tinh thần Mùi danh vọng.

Thơ vốn cao quý. Bởi vì là một cuộc hành trình vào cõi bên trong. Đến nỗi người ta nói rằng cái gì giải thích được không còn là thi ca nữa. Vì thế, đừng đụng đến nó và như lời của Chế Lan Viên ở phần trích dẫn đầu bài coi việc làm thơ là việc phi thường.

Nhưng đọc100 bài thơ thế kỷ 20, nỗi thất vọng của tôi chỉ thấy ở đó là một chợ thơ.

Trong lời nói đầu, chắc là ông Lê Lựu, đại diện cho TTVHDN Việt Nam và NXBGD viết rằng “việc tuyển chọn thật công phu, nghiêm túc và có trách nhiệm trong hàng vạn bài thơ của hàng nghìn tác giả đã được công bố trên thi đàn Việt Nam trong suốt thế kỷ 20, qua sự sàng lọc, chọn lựa của hàng nghìn thí sinh*, đồng thời là *giám khảo* chọn ra 100 bài thơ hay này. Một thế kỷ nghĩa là 100 năm chỉ chọn có 100 bài thơ hay[1]

Công phu, nghiêm túc và có trách nhiệm? Vậy mà một trong năm người trong ban chung khảo đã lên tiếng không đồng ý. Năm vị đó là nhà thơ Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Trần Đăng Khoa, gs Nguyễn Đăng Mạnh. Riêng ông Bằng Việt lại không nghĩ như thế.

Trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên báo Nhân Dân, ngày 30/3/2007, ông Bằng Việt tiết lộ ông nhận được một chồng chừng 1000 bài thơ do dân chúng chọn lựa, ông nhận xét và trả lại, sau đó, ông nhận được danh sách 100 bài thơ hay nhất thế kỷ 20 với lời yêu cầu vội vàng: Đây là bản cuối cùng, đề nghị xem và cho ý kiến nhanh. Nhưng sau đó thì không thấy người bên phía ông Lựu đến lấy lại danh sách và ý kiến. Nhất là sau đó kết quả trong sách lại không đồng nhất với danh sách mà chúng tôi nhận được.

Nghĩa là tự ý sửa đổi thay thế bằng những bài thơ khác. Và ông kết luận chỉ chừng 50% là xứng đáng.

Nay thì đến những nhận xét riêng của cá nhân tôi.

Thứ nhất, trong 5 vị trong ban chung khảo thì có đến 4 vị được độc giả bình chọn có bài thơ hay thế kỷ. Hoặc ban chung khảo tự chọn chính mình. Trường hợp thi sĩ Nguyễn Hữu Thỉnh là rõ nhất. Trong giải thưởng của Hội nhà Văn, dù là hội trưởng, dù nằm trong ban tuyển chọn, ông vẫn tự chọn mình, tự diễn thuyết rồi tự vỗ tay, tự phát giải và phát cho chính mình. Xin nhắc lại có 4 nhà thơ, cả bốn đều có thơ trong 100 bài thơ thế kỷ 20. Có nhiều quá không nhỉ? Ai đã bình chọn quý ông? Có rơi vào tình trạng mà Tây Phương gọi là conflit d’ intérêt, tự mình chọn mình? Chỉ lọt sổ có mình ông giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh vì một lý do dễ hiểu là ông không làm thơ. Đó là các nhà thơ Hữu Thỉnh với bài Nghe tiếng Quốc kêu. Nhà thơ Phạm Tiến Duật với bài Cô bộ đội ấy đã đi rồi. Nhà thơ Trần Đăng Khoa với bài Gửi bác Trần Nhuận Minh. Nhà thơ Bằng Việt với bài Bếp lửa. Đến như thế thì người ta có thể nói rằng, muốn chắc chắn được chọn có bài thơ hay nhất thể kỷ thì hãy ở trong ban chung khảo?

Để cho việc tuyển chọn trong sáng, tôi thiết nghĩ cả bốn ông nên từ chức, rút lui ra khỏi Ban Chung Khảo.

Nhận xét thứ hai là trong số 100 bài thơ hay nhất thế kỷ, tôi đếm được có đến 53 thi sĩ đã tạ thế. Kể là quá nhiều, như thể người chết dành chỗ người sống. Cẩn thận kẻo rơi vào một tình trạng nghĩa địa thơ mà tôi gọi là nền văn chương phúng điếu. Hễ chết là có hiếu hỉ, là có xí xóa, phải khen, phải vinh danh.

Trong 53 vị ấy, tôi có thể chắc chắn một điều là chỉ vì họ đã chết mà họ có tên trong 100 bài thơ hay thế kỷ 20. Chẳng hạn nhà thơ Yến Lan, bạn nhà thơ Chế Lan Viên. Hay Trần Mai Ninh, chết năm 1947. Tôi tự hỏi ai còn giữ được tập thơ Thơ văn Trần Mai Ninh để phổ biến, để mọi người biết mà bình chọn?

Từ đó, vấn đề đặt ra là 10 ngàn * thí sinh * bình chọn này lấy đâu ra tài liệu thơ văn của 100 tác giả đó để bình chọn? Chẳng hạn bài thơ Người đẹp của Lò Ngần Sủng, người dân tộc Dáy, Lào Cay không dễ gì được phổ biến rộng rãi đến tay bạn đọc thơ? Cũng vậy bài thơ Nhớ vợ của Cầm Vĩnh Út, Nhớ vợ, chắc chỉ có một bài, chẳng biết in ấn ở đâu, năm nào. Vậy thì làm thế nào, các độc giả có thể bình chọn bài thơ này?

Nêu ra hai trường hợp các nhà thơ người thiểu số này để chỉ cho rõ tính cách dấm dúi, cần có mặt cho đủ các nhà thơ đại diện các sắc tộc mà không qua sàng lọc, bình chọn của độc giả?

Trong số những người còn sống có thơ đươc tuyển chọn, tôi cũng nhận ra một điều đến ngạc nhiên là họ đều già, thuộc thế hệ các nhà thơ chống thực dân Pháp trước và một số ít trong thời gian chiến tranh chống Mỹ.

100 bài thơ hay này lộ ra một điều rất quan trọng:

Thiếu vắng những nhà thơ trẻ trên dưới 30 tuổi. Làm thơ thì phải già thơ mới chín mùi chăng?

Những người trẻ không có chỗ đứng nào trong sân chơi văn học? hay độc giả quên họ? hay họ không có cơ hội thi triển tài năng? hay dấu hiệu về một sự lão hóa tòan diện trong văn học? hay là do sự chèn ép của mấy củi mục mặc dầu đã hết thời?

Người trẻ nhất có lẽ là thần đồng thi sĩ Trần Đăng Khoa, sinh năm 1958, nghĩa là năm nay cũng 50 tuổi rồi. Một thần đồng xấp sỉ 50 tuổi? Thi sĩ nữ trẻ nhất về tay cô Đinh Thị Thu Vân, 1955, rồi đến cô Lâm Thị Mỹ Dạ, vợ ông Hoàng Phủ Ngọc Tường, sinh năm 1949 và nữ thi sĩ Lê Thị Mây, cũng sinh năm 1949.

Sinh sau 1958, kể như không có một nhà thơ trẻ nào có trong danh sách 100 bài thơ thế kỷ 20. Điều đó muốn báo hiệu một điều gì ? Nó báo hiệu sự suy thoái và tàn mạt của thi ca như ở nước Mỹ chăng? Nền thi ca ở nước Mỹ kể như bị chôn vùi vào quá khứ? Chắc không phải vậy, phải tìm một lối lý giải khác.

Điều này có thể hiểu được rằng kể từ sau năm1958, cả hai miền không còn có một nhà thơ nào đủ tầm vóc và được chọn lựa trong Những bài thơ hay thế kỷ? Điều này cho thấy một khoảng trống đáng ngại, một cái vide trong văn học, một sự đứt đoạn thế hệ?

Có lẽ nào sau, 1954, chúng ta không thể nào chọn lựa ra được các bài thơ hay thế kỷ?

Về điểm này, tôi không tin là quần chúng, người đọc thơ đã chọn như thế mà có sự sắp xếp riêng của ông Lê Lựu. Tôi đặt câu hỏi trực tiếp với ông Lê Lựu là có bao nhiêu phần trăm sự chọn lựa tùy thuộc vào độc giả và bao nhiêu phần trăm do chính ông tự chọn, tự quyết định? Chính vì vậy mà ông thi sĩ Bằng Việt chỉ đánh giá 50% là xứng đáng và yêu cầu nên làm lại với những tiêu chí rõ ràng.

Như vậy là không có tiêu chí rõ ràng trong việc bình chọn.

Nhận xét thứ ba là xét theo địa phương thì có đến 94 các bài thơ và nhà thơ sinh trưởng ở phía Bắc, hoặc theo phe Cộng Sản. Còn lại lèo tèo vài nhà thơ có thể sinh trưởng ở miền Bắc, nhưng lại sống ở miền Nam.

Và có thể xếp họ vào các nhà thơ miền Nam trước 1975.

Tôi muốn nhân dịp này nhắc tới anh Trần Hoài Thư đã có công sưu tập thành một cuốn sách dày 856 trang, bao gồm 263 nhà thơ miền Nam với nhan đề : Thơ miền Nam trong thời chiến và được Đặng Tiến giới thiệu:” Những ai như tôi, nghĩ rằng thơ cần cho đời sống, là thành phần của đời sống, sẽ cùng tôi biểu dương công trình của ban sưu tầm và biên tâp…”.

Có bao nhiêu nhà thơ miền Nam trong số 263 nhà thơ miền Nam trong tuyển tập của Trần Hoài Thư được bình chọn trong 100 bài thơ hay thế kỷ 20 ?

Hỏi là để trả lời, tôi vẫn nghĩ rẵng, còn cần nhiều cố gắng và thiện chí nữa để mảng văn học miền Nam 1954-1975 phải được nhìn nhận và có vị trí xứng đáng của nó … Cho đến nay thì mảng văn học ấy vẫn chưa có trong mắt chính quyền miền Bắc và như các anh THT, ĐT mong muốn, nó sẽ không phải là một thứ nghĩa trang – văn học của miền Nam .. Vì thế, những cố gắng của nhà thơ Phan Hoài Thư, giới thiệu Thanh Tâm Tuyền trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ V thật đáng khích lệ.

Con số nhà thơ miền Nam có mặt thật ít ỏi. Nhưng phải ghi nhận đây là một thiện chí và cố gắng phi thường rồi. Trong tập thơ, 100 bài thơ Việt Nam 1945-1975, xuất bản năm 1976, nghĩa là sau ngày giải phóng, tôi ghi nhận là không có bất cứ một nhà thơ nào của VNCH có tên trong danh sách.

Nay thì ít ra, ta có được Bùi Giáng, Vũ Hoàng Chương, Nguyên Sa, Phạm Thiên Thư, Đinh Hùng, Á Nam Trần Tuấn Khải.

Nhưng ở đây câu hỏi lại đặt ra một lần nữa với ông Lê Lựu, sự có mặt của các nhà thơ miền Nam trong danh sách 100 bài thơ, phải chăng là do chính ông chọn lựa hay do độc giả bình chọn? Tôi thật nghi ngờ những bàn tay phù thủy dơ dáy mó vào? Những độc gỉả bình chọn 100 bài thơ hay lấy đâu ra thơ của cụ Á Nam Trần Tuấn Khải để bình chọn bài Gánh nước đêm? Nếu quả thực có sự bình chọn, giới trẻ miền Nam, giới sinh viên, mười người hết chín biết Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa hơn là cụ Á Nam Trần Tuấn Khải? Sự có mặt của cụ với bài thơ khá là ngô nghê đẩy tới sự nghi ngờ sắp xếp dàn dựng lố bịch của ông Lê Lựu đến tận cùng của sự khôi hài đen. Không ai diễu dở như thế.

Ngay cả những thi sĩ như Vũ Hoàng Chương, Nguyên Sa thì trên 30 năm rồi, sau cuộc tịch thu và đốt sách vào 1975, còn bao nhiêu tài liệu để cho độc giả bình chọn họ? Còn những ai có được tập thơ Nguyên Sa? Càng khó khăn hơn nữa tập thơ Những năm sáu mươi của ông ? Chúng tôi có được tập này in Ronéo do nhà xb Nam Sơn in và nay anh Trịnh Viết Đức, cựu chủ nhà in NS, in lại ít cuốn để chia nhau làm kỷ niệm. Thật không dễ có được.

Cũng vậy, sự có mặt lần này của Lê Đạt, Hoàng Cầm, Quang Dũng, Phùng Quán, Hữu Loan là do chỉ thị ở trên cho vào danh sách? Thay vì do độc giả bình chọn? Không thể cùng một lúc, trước đây họ bị đặt ra ngoài lề, nay cùng lúc có trong danh sách?

Việc bình chọn này xem ra chẳng khác gì việc đi bỏ phiếu của dân chúng. Bầu ai thì cứ việc bầu, nhưng quyết định chọn ai thì đã có danh sách sẵn cả rồi.

Cuộc bình chọn trong suốt hai năm theo như lời ông Lê Lựu, phải chăng chỉ là một trò dàn dựng, quảng cáo, đánh lừa người đọc?

Trong số những nhà thơ tiếng là người ở miền Nam, nhưng thật ra, họ là người của chính quyền cộng sản. Tôi thấy không thể xếp chung họ với nhóm Nguyên Sa, Vũ Hoàng Chương được. Số nhà thơ sinh trưởnng ở phía Nam, nhưng sau này đi theo Cộng sản mà tôi không thể biết chắc được tiểu sử của họ như thế nào?

Đó có thể là trường hợp Lâm Thị Mỹ Dạ, Đinh Thị Thu Vân, Trần Vàng Sao, Ý Nhi, Giang Nam, Nguyễn Mỹ, Trang Thế Hy, Nguyễn Khoa Điềm,Thanh Thảo vv..

Có trường hợp khá đặc biệt là nhà thơ Nguyễn Bá Chung, học Đại học Văn khoa Sài gòn, trước 1975, du học Mỹ và hiện nay dạy đại học Massachussetts, đồng thời là Phó giám Đốc, phụ trách Trung tâm Joiner ở Boston. Trong phần ghi chú dưới tiểu sử của anh, tôi đọc vỏn vẹn có một dòng: Việt kiều tại Mỹ. Điều đó cho thấy, ông Lê Lựu chẳng hỏi, chẳng tiếp xúc gì với anh Nguyễn Bá Chung. Việc làm của ông Lê Lựu thật tùy tiện, tắc trách và ít trách nhiệm thay vì việc tuyển chọn nghiêm túc như ông tuyên bố. Ông chọn bài Quê hương mà không cho biết rút ra từ tập thơ nào của tác giả. Theo anh Nguyễn Bá Chung cho biết thì bài thơ trên trích từ tập thơ: Tuổi ngàn năm đến từ buổi sơ sinh, xb 1999, ở trong nước

Để được bình chọn thì ít ra tập thơ của NBC phải được in ra ít nhất là trên 10 ngàn cuốn? Điều đó chắc đã không thể xảy ra rồi. Khi thấy tên anh Nguyễn Bá Chung thì việc đầu tiên là tôi nghi ngờ muốn anh xác nhận anh có phải là tác giả bài thơ Quê Hương không? Xin phép trích lá thư anh Nguyễn Bá Chung:” Việc chọn thơ thật bất ngờ. Một người bạn hỏi tôi có phải là Nguyễn Bá Chung trên danh sách ấy không? Tôi trả lời quả thật tôi không biết. Bài thơ đó trích trong tập thơ: Tuổi ngàn năm đến tư buổi sơ sinh.

Tôi chỉ đặt vấn đề với ông Lê Lựu trong trường hợp này. Mà không đặt vấn đề với 100 nhà thơ được tuyển chọn. Ông có thể nào trả lời một cách vô tư, khách quan trong việc chọn bài thơ của anh Nguyễn Bá Chung? Được biết anh Nguyễn Bá Chung là người đã dịch cuốn Thời xa vắng, Temps, loin au de -là hay Moment, loin de- là của chính ông Lê Lựu. Phải chăng cái mối liên hệ này như một cách trả ơn gián tiếp công việc chuyển ngữ của anh Nguyễn Bá Chung cũng như những giúp đỡ của anh ấy để ông được sang Mỹ?

Việc chọn lựa 100 bài thơ hay nhất thế kỷ, phải chăng chỉ là việc trả ơn và thi ơn? Tôi mong mỏi được ông giải thích rõ ràng về vấn đề này, ngay cả trường hợp những người bạn thân của ông như Trần Đăng Khoa, Phạm Tiến Duật?

Nhận xét thứ tư là tôi đã nhận ra một điều mà tôi cho là ghê tởm nhất: Tuyển tập 100 bài thơ hay nhất thế kỷ chỉ là một trò sao chép, sào xáo lại.

Đối với phần đông bạn đọc phía Nam và hải ngoại thì tuyển tập này có điều gì mới lạ, một công trình sưu tập làm việc trong suốt hai năm trời, thu tập khoảng 10 ngàn ý kiến bạn đọc gửi về bình chọn. Thật ra là sai gấp 10 lần. Theo nhà thơ Bằng Việt, ông chỉ nhận được khoảng trên dưới 1000 bài thơ gửi về, có nghĩa là chỉ có khoảng 1000 người tham dự, không phải 10000 người tham dự. Và cũng theo nhà thơ, kết quả gây bất ngờ, tôi cũng không biết? Từ lúc thành lập Hội đồng vào cuối tháng 9 năm ngoái cho đến tận bây giờ, Ban tổ chức cuộc bình chọn vẫn chưa hề tổ chức một cuộc họp nào giữa các thành viên hội đồng?

Cho nên, tất cả lớp lang, cái được gọi là chọn lựa của độc giả hay cái cái được gọi là ban chung khảo chỉ là hữu danh vô thực ..chỉ là trò chơi bạc giả không hơn không kém. Và để chứng minh điều này, tôi xin được đưa ra một dẫn chứng có tình cách chung thẩm nhu sau.

Đây không phải là lần đầu tiên có những màn tuyển chọn thơ như thế này. Trước đó đã có những tuyển tập bình chọn như: Tuyển tập thơ Việt Nam 1945-1975, Thơ Việt Nam 1945-1960, Thơ miền Nam 1960-1970.

Con số chẵn 100 bài thơ là con số ước lệ và copie lại tuyển tập thơ: Thơ Việt Nam 1945-1975, xuất bản Hà nội, năm 1976, in tại miền Nam. Ban tuyển chọn gồm Xuân Diệu, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông, Chế Lan Viên. Tôi có tuyển tập thơ này trước mặt. Cũng đúng 100 tác giả và cũng có đủ 4 tên thi sĩ trong ban tuyển tập có thơ được tuyển chọn. Và cả 4 nhà thơ đều chọn cho mình nhều bài thơ nhất. Xuân Diệu có 6 bài, Tế Hanh 5 bài, Hoàng Trung Thông 4 bài, Chế Lan Viên 5 bài.

Hóa ra thời nào cũng giống nhau cả

Ông Lê Lựu chỉ sao chép lại cái ước lệ đã có sẵn, 100 bài thơ thay vì 100 nhà thơ.

Nếu việc chọn lựa một tuyển tập thơ do một số nhà thơ tuyển chọn thì sự giống nhau giữa tuyển tập này với tuyển tập kia, nghĩa là tuyển tập trước đó không có gì để nói.

Giống nhau là chuyện bình thường.

Nhưng nếu do độc giả vô danh trên cả nước 83 triệu dân và hơn 3 triệu người hải ngoại chọn lựa thì sự giống nhau giữa tuyển tập: Thơ Việt Nam 1945-1975 với 100 bài thơ hay thế kỷ 20 của ông Lê Lựu là một điều bất bình thường đến quái gở. Bởi vì chẳng những là một sự sao chép thiếu lương thiện mà còn là sự lừa dối hàng ngàn người gửi thư về bình chọn. Đó là sự gian trá, thiếu sự tôn trọng độc giả bình chọn và qua mặt 5 tác giả trong ban chung khảo.

Sự giống nhau này đọc và so sánh thấy quái gở lắm. Trong số100 nhà thơ được chọn trong Thơ Việt Nam, 1945-1975, tôi thấy có 42 nhà thơ cũng có mặt trong 100 bài thơ hay thế kỷ 20. Và bao giờ Hồ Chí Minh cũng đứng đầu danh sách, không theo thứ tự vần A, B, C..

Độc giả có hàng ngàn nhà thơ để bình chọn, hà cớ gì bình chọn ngẫu nhiên, giống nhau đến gần phân nửa số nhà thơ của tập Thơ Việt Nam?

Vì vậy con số 42 nhà thơ giống nhau giữa hai cuốn sách tự nó tố cáo cách bình chọn của ông Lê Lựu có điều gì không ổn. Nhất là độc giả bình chọn nếu sống ở trong Nam, khá xa lạ với tên các nhà thơ giống nhau như các thi sĩ Nguyễn Mỹ, Giang Nam, Hồng Nguyên, Hoàng Lộc, Trần Đăng Khoa, Minh Huệ, Thôi Hữu, Nông Quốc Chấn, Nguyễn Khoa Điềm, Lâm Thị Mỹ Dạ, Trần Hữu Thung vvv…

Riêng cá nhân tôi, hầu như không biết gì về danh tính các nhà thơ vừa kể trên.

Trong cuốn Thơ Việt Nam, 1947-1975, ít ra có lời của nhà xuất bản như sau:” Phần thơ của Hồ Chủ tịch, chúng tôi kính cẩn dành riêng để mở đầu cho tập thơ, còn tất cả các tác giả khác đều được xếp theo tứ tự ABC.. Ít ra bài thơ của ông Hồ Chí Minh bằng tiếng Việt, bài Chúc Năm mới, 1 tháng 1 năm Đinh Hợi,1947.

Trong 100 bài thơ hay thế kỷ 20, bài thơ của ông Hồ tiếc thay lại viết bằng chữ Hán. Chữ Hán đã hẳn không phải chữ Việt và có thể nào xếp vào loại gọi là thơ hay thế kỷ 20 được chăng?

Trong tuyển tập thơ, người ta có quyền kính cẩn dành riêng, vì ông Hồ thuộc lọai Hors classe để chọn thơ Hồ Chí Minh, nhưng trong việc bình chọn của ông Lê Lựu, có thực sự độc giả bình chọn thơ ông Hồ không và lại chọn một bài thơ bằng chữ Hán?

Đôi khi, tôi hiểu rằng, nguời miền Bắc thần phục đến chỗ mù quáng lãnh tụ của mình và thấy là rất tự nhiên để tên ông Hồ không chút ngại ngùng. Nhưng phần dân miền Nam, tâm trạng và thái độ của họ không hẳn là như thế.

Thành thật mà nói, chúng tôi khó châp nhận lối thần phục lố lăng như thế. Làm lãnh tụ cả nước, làm cha già thiên hạ đã để lại di sản khổ lụy cho đên tận bây giờ, tham chi cái danh thi sĩ nữa. Có thể nào tha cho chúng tôi một lần khỏi phải đọc thơ ông Hồ không?

Và vì thể, tôi cảm thấy khó chịu khi thấy tên ông Hồ trong danh sách thi sĩ hay thế kỷ 20. Vinh danh ông Hồ là một nhà thơ hàng đầu của VN là một sự xỉ nhục ông ấy, là một trò cười lố bịch. Các ông Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông chọn thơ ông Hồ là quyền của các ông ấy, nhưng đổ vào đầu trách nhiệm bình chọn thơ ông lên đầu của người đọc là một phỉ báng họ, lại còn ngoa ngữ nói rằng:” Phải nói rằng đây là một công trình tập thể của những người yêu thơ trong và ngoài nước và cũng phải nói rằng đây mới chỉ là bước đầu, cho dù đã hết sức khắt khe, nghiêm túc và minh chính …” ( Trích Lời nói đầu )

Hãy đừng làm như thế nữa.

Tôi xin mượn chữ của nhà thơ Nguyên Sa trong tập thơ Những năm sáu mươi, ông gọi : “ Nhà nước là một nhân vật buồn cười “, để ám chỉ chính quyền miền Nam.

Quả là buồn cười thật cái nhà nước XHCH

Vì thế, tôi không tài nào hiểu được, sự chọn lựa của tuyển tập thơ và sự bình chọn của độc giả có thể trùng hợp nhau đến 42 tác giả, gần như sự ngẫu nhiên trùng hợp đến một nửa tổng số bài thơ?

Đó là điều không hiểu được? Nó chỉ có thể cắt nghĩa là chính bàn tay ông Lê Lựu mang tuyển tập thơ cũ ra, nhặt ra những tên tuổi đã có sẵn và bỏ thêm tên những nhà thơ miền Nam và đám nhà thơ nhân văn giai phẩm, cộng với đám nhà thơ bằng hữu của ông.

Sự quái gở còn đi xa hơn nữa, vì trong số 42 nhà thơ giống nhau giữa hai tuyển tập, tôi còn lọc ra được 13 bài thơ đã được chọn trong tuyển tập trùng hợp với 13 bài thơ do độc giả bình chọn. Tỉ lệ trùng hợp là 1/3. Điều không thể xảy ra trên thực tế được

Thiệt là phép lạ xảy ra giữa ban ngày để có sự trùng hợp giống nhau giữa các bài thơ của hai tuyển tập. Đó là các bài thơ của các thi sĩ Vũ Cao, Nông Quốc Chấn, Sông Hồng, Nguyên Hồng, Minh Huệ, Thôi Hữu, Hoàng Lộc, Dương Hương Ly, Tú Mỡ, Nguyễn Mỹ, Giang Nam, Hồng Nguyên, Thanh Thảo.

Trong số những nhà thơ này, tôi đặc biệt mong ông Thanh Thảo đọc được bài viết này và lên tiếng giải thích lý do sự trùng hợp quái gở đến như vậy?

Kết luận

Nếu 17 vị Việt kiều hải ngoại nuốt phải cái bả vinh danh mà không còn biết ngượng, không còn biết đó chỉ là trò hề dàn dựng đến buồn cười bởi cái chính quyền nhà nước thì cũng một lẽ ấy, 100 bài thơ hay của thế kỷ 20 do đạo diễn Lê Lựu dàn dựng là 100 điều buồn cười.

Chúng ta đang sống trong một xã hội với một chính quyền buồn cười với lớp người dân khờ khạo đến buồn cười.

Tập thơ 100 bài thơ hay thế kỷ 20 phản ảnh sự buồn cười và khờ khạo đó. Và xin mượn lời nhà thơ Chế Lan Viên để viết rằng:

Làm thơ đã là một việc phi thường, nhưng sao chép, ráp nối, lừa đảo như ông Lê Lựu thật ra chỉ là một việc bình thường ở nước ta.

Viết xong bài này, tôi cũng lại có một hy vọng hão huyền là mong có một nhà thơ nào còn sống hay đã chết xin rút tên ra khỏi danh sách 100 bài thơ hay thế kỷ 20.

Phần tôi, xin mạo muội thay nhà thơ Nguyên Sa đã quá vãng rút tên ra khỏi danh sách này, vì một lẽ dản dị, tự thâm tâm, ông không muốn là kẻ đồng hành. Dù chỉ là:

Đồng Hành

Trong cõi chết

( trích thơ Những năm sáu mươi)

[1]

Trích dẫn Lời nói đầu 100 Bài thơ hay hay thế kỷ 20, trang 6

Politcal Monks. Những nhà sư làm chính trị: TT Thích Trí Quang

Nguyễn Văn Lục

Alas, wartime « Viet Nam was not a land for pacifists»

Robert Topmiller

Đặt vấn đề như một gợi ý

Một nhà tu hành có thể đồng thời là là một nhà tu và là là một nhà hoạt động chính trị được không? Trường hợp TT Thích Trí Quang thì nên coi ông là một nhà tu hay là một nhà chính trị ?

Vấn đề Tôn giáo và Chính trị

Tôn giáo cho đến thế kỷ 18 tại các nước Âu Châu giữ địa vị độc tôn, chi phối hoàn toàn đời sống chính trị, xã hội con người. Lịch sử tôn giáo, đặc biệt là công giáo như một đám mây đen phủ lên đến đời sống con người về chính trị, văn hóa, sinh hoạt đời thường. Thần quyền chế ngự thế quyền cũng đã gây ra nhiều tai tiếng, hệ lụy chẳng cần nói ra ở đây.

Nhưng từ thời kỳ Enlightenment, còn gọi là thời kỳ Khai Sáng, thời đại lý trí xuất hiện tại Pháp thì tôn giáo dần bước ra khỏi đời sống chính trị, quốc gia.

Từ nay tôn giáo và chính trị là hai lãnh vực khu biệt. Các nước Âu Châu như Pháp thì từ sau cách mạng Pháp, giới tăng lữ không còn vừa có thể là Giám mục vừa là người "cai quản thành" nữa.

Điều này cũng cho thấy người Mỹ khá phân minh về hai lãnh vực chính trị và tôn giáo nên tránh được những dẫm chân và lợi dụng nhau không như ở Việt Nam. Vì thế, Hiến Pháp Hoa Kỳ đã minh định rõ ràng ngay từ đầu là có sự tách biệt giữa Giáo Hội và Nhà nước và sự phân chia đó vẫn còn được duy trì cho đến ngày nay{The Separation of Church and State}.

Nhưng người Mỹ cũng như người Pháp, họ chỉ « đàng hoàng » tuân thủ pháp luật khi ở trong nước họ, nhưng họ « chẳng ra gì » khi sang Việt Nam. Chính họ là người lợi dụng tôn giáo để can thiệo vào nội tình chính trị ở Việt Nam.

Lẽ dì Nhiên, ai cũng hiểu là biên giới giữa hai lãnh vực không phải lúc nào cũng rõ rệt như trắng với đen. Có những « Thái độ » chính trị như phản kháng, bất đồng chính kiến về những bất công hay vi phạm quyền làm người thì xem ra người ta làm ngơ hoặc ngầm đồng ý để cho các vị tu sĩ lên tiếng.

Nghĩa là có thái độ chính trị được coi là chính đáng thì gián tiếp tu sĩ được làm chính trị ?

Đó là trường hợp mục sư Luther King hay hiện nay Đức Đạt Lai Lạt Ma, Tây Tạng.

Hay cụ thể hơn nữa ở Việt Nam, đó là trường hợp các linh mục Phan Văn Lợi, Chân Tín và nhất là Nguyễn Văn Lý. Phía Phật giáo thì có các vị như Hòa thượng Thích Quảng Độ hay Huyền Quang.

Có thể nào có thể ngầm ủng hộ tinh thần và thái độ can đảm của Hòa thượng Thích Quảng Độ chống lại nhà nước cộng sản, nhưng lại khó có thể chấp nhận được việc làm của Sư ông Nhất Hạnh? Mà cả hai thực tế đều dính dấp đến chính trị ngoài phạm vi tôn giáo?

Phần nước Việt Nam ta từ hồi nào đến giờ, nếp sống tôn giáo với các nhà sư xem ra ẩn khuất nấp mình sau các ngôi chùa với tụng kinh gõ mõ. Chỉ có nhà thờ có sự phô trương lộ liễu và ít nhiều ảnh hưởng tới sinh hoạt chính tri, dính dáng vào nội bộ chính quyền như thời kỳ đệ nhất và đệ nhị cộng hòa.

Thật vậy, người Mỳ như đại sứ Durbrow nhìn thấy người công giáo di cư cũng như các giáo phái từng đã có những hoạt động chính trị chống Pháp trước 1954 nên trong một phúc trình gửi bộ Ngoại giao vào tháng 9-1960 cho rằng những thành phân tôn giáo có tiềm năng đi đến chỗ có thể có những hoạt động như mít tinh, âm mưu đảo chánh là thuộc giới công giáo di cư và các giáo phái.

Đại sứ Durbrow không nhắc nhở gì đến người Phật tử.

{ In a survey of the potentialities of various group in South Viet Nam for political activities such as demonstrations and mounting of coups that he had sent the Department in september 1960, Ambassador Durbrow had mentionned the Catholic refugees and the sects, but not the Buddhists.{ Trích Saigon Embassy to State, telegram 538, September 5, 1960, FRUS 1958-1960, vol. I, pp. 560-563}

Nhưng nhìn cả hai phía công giáo và Phật giáo thời 1960, tôi chỉ thấy có hai vị lãnh đạo tinh thần tỏ ra hiểu biết ranh giới giữa tôn giáo và chính tri và khẳng định tôn gíáo không nên xen vào chính trị. Đó là Tổng giám Mục Nguyễn Văn Bình và ông Mai Thọ Truyền, phó chủ tịch hội Phật học.

Riêng ông Mai Thọ Truyền tuyên bố một cách khá cứng rắn như sau :Có thể chấp nhận để các các cá nhân người theo đạo Phật tham gia vào các họat động biểu tình, nhưng không được mang danh nghĩa đại diện Phật giáo, ngay cả trong trương hợp phải đối đầu với cộng sản vốn không phù họp với Phật giáo, Giáo hội Phật giáo cũng không cho phép một cá nhân nào hoạt động đấu tranh nhân danh tôn giáo. {It was acceptable for individual members of the Buddhist faith to participate in demonstrations, but not as representatives of Buddhism. It was obvious to an individual Buddhist that communism and Buddhism were incompatible, but any resistance to communism by Buddhist faithful would have to be phrased in passive terms because the tenets of Buddhism đid not permit militant action in the name of religion » {Trích The Indochinese Experience of the French and the Americans, Nationalism and Communism in Cambobodia, Laos, and Viet Nam, Arthur J. Dommen, trang 508}.

Vì vậy trong phong trào Phật giáo chống lại lại chính quyền Ngô Đình Diệm thì chủ yếu xuất phát từ miền Trung chứ không phải từ Phật giáo trong Nam và các giáo phái.

Về phía công giáo, tôi nghĩ đó là một lỗi lầm do một nhúm các cha tiêu biểu mà về sau này hy vọng công giáo không còn tái diễn lại « cái thời Trung cổ » đó nữa. Tôi chống giáo trị đến cùng {anti-clérical}.Tôi học được thái độ đó của ông Ngô Đình Nhu đối với công giáo, mỗi khi ông có dịp « bắt buộc » phải tham dự những buổi lễ của Viện Đại Học, Đà Lạt. Tôi nhìn, quan sát thái độ cử chỉ của các ông Trương Vình Lễ, Trương Công Cừu và Ngô Đình Nhu, tôi kính nể ông Ngô Đình Nhu bao nhiêu thì phần ngược lại dành cho hai vị kia.

Ông Trương Vĩnh Lễ là chủ tịch Quốc Hội của cả nước, ông đã đứng ra làm chủ tịch ủy ban mừng lễ ngân khánh TGM Ngô Đình Thục vào ngày 29-3-1963. Cạnh đó thêm các bộ trưởng giáo dục Nguyễn Quang Trình, viện trưởng đại học giáo sư Lê Văn Thới..Quan khách được mời phải đóng 5000 đồng để dự bữa tiệc đó.

Việc này nghĩ lại mà thấy ngượng. Đám « quan lại » và giám mục Ngô Đình Thục là những người gián tiếp hại ông Diệm. Khi có quyền thế, người ta không còn biết cái đạo phải trái, « lẽ thông thường » nữa.

Phần ông Ngô Đình Cẩn và Ngô Đình Nhu thì đều buồn chán giám mục Ngô Đình Thục mà không dám nói ra. Anh em, theo tôn ti trật tự thấy chướng mà không dám nói lại phải nhờ người này kia nói dùm.

Trong sách Bên Giòng Lịch sử, linh mục Cao Văn Luân có kể lại việc này như sau khi gặp ông Ngô Đình Nhu : «Ông Nhu cũng trả lời như ông Cẩn.

- Tôi cũng hoàn toàn đồng ý với nhận định của cha, đôi khi buồn đức cha vì ngài lầm lẫn phạm vi tôn giáo với phạm vi quốc gia. Khi ở Vĩnh Long, tôi cũng không biết làm sao khi thấy từng lũ dân biểu, tỉnh trưởng, bộ trưởng mườm mượp kéo đến gặp Đức cha » {Trích Bên giòng lịch sử Cao Văn Luận, chương Chế độ bắt đầu rạn nứt, trang 7}

Phần tôi, tôi thà mang danh là một người vô tôn giáo còn hơn là một tín đồ ngoan đạo mà cực đoan, quá khích.

Dĩ nhiên, tôi hiểu, đó chỉ là cái nhận thức quá khích thời tuổi trẻ. Nhưng nó đã in sâu vào tâm trí. Và cứ như thế, sau này tôi không ưa TGM Ngô Đình Thục, càng không ưa cha Hoàng Quỳnh, và cũng chẳng thích thú gì cha Nguyễn Hữu Lễ bây giờ. Tôi không nói đến kết quả công việc làm của cha Lễ, nhưng tôi cảm thấy tư cách và vai trò một linh mục có thể không cần ở chỗ ấy.

Tôi đã xếp loại các vị đó rồi.

Và sau này, trớ trêu thay, Phật giáo cũng muốn đòi hỏi điều mà chính giáo hội bên công giáo cần phải gạt bỏ. Điều ấy trở nên sự thực hiển nhiên kể từ sau khi lật đổ TT Ngô Đình Diệm năm 1963, Phật giáo đi lại vết dấu dã tràng trên cát mà công giáo đi qua.

Phật giáo cũng đã mất cái thế quân bình trong mối tương quan thần quyền và thế quyền. Bám theo thế quyền với quyền lực chính trị cộng với vinh danh trần thế đã xô ngã nhiều vị.

Riêng TT Thích Trí Quang thì càng ngày càng tỏ rõ ý định muốn lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm thay vì một đòi hỏi tôn giáo như lúc ban đầu và nghĩ tới giải pháp dùng những nhà sư tự thiêu như một chiến thuật chính trị {political tactic}, không phải nhằm mục đích tôn giáo. Một buổi họp tại chùa Từ Đàm vào đêm 15-16 với TT Thích Thiện Minh và một số vị khác là nhằm đi đến giải pháp chung cục ấy.

Riêng chùa Xá Lợi thì cả nhừng người Việt Nam cũng như ngoại quốc đều đồng ý đây là trung tâm đầu não các hoạt động chính trị của giới lãnh đạo Phật giáo hơn là nơi thờ phượng.

Bỉểu ngữ chống chính phủ, cộng thêm các loa phóng thanh ra rả ngày đêm kêu gọi dân chúng lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm

{ His subsequent role as the mastermind of a plan to bring down Diem ‘s government by a series of such-provocations clearly confirms his motives and his means. There had been a meeting at Tu Dam on the night of april 15-16 attenđed by Tri Quang and Thich Thien Minh, among others, at which the subject of self-immolations by fire as a political tactic had been discussed and the first volunteer đecided upon ...

There was little disagreement among observers, both Vietnames and foreigners, that Xa Loi had become more a political command post than a holy place ».

{ Trích như trên, trang 511 và trang 524}

Theo báo Chính Luận, ngày 30-8-1964, Trung tướng Nguyễn Khánh đã tiết lộ bức thư có chữ ký của TT Thích Tâm Châu và TT Thích Trí Quang, Chánh thư ký viện Tăng thống của Giáo Hội Việt Nam thống nhất ngày 26-8-1964 và đọc lên một đoạn trong bức thư đó : « Dẫu lập trường thuần nhất của Phật giáo thống nhất là thuần túy tôn giáo, nhưng chính vì thế để bảo vệ tín ngưỡng, chúng tôi khuyến cáo đồng bào Phật giáo với tư cách công dân, nhiệt liệt ủng hộ Trung tướng trong việc chống lại những kẻ phá hoại nước nhà, trong số có bọn phản cách mạng và bọn cộng sản » {Trích Người Việt online 27-8-2009}

Tôn giáo thế tục là một thứ tôn giáo đã sa đà, mất bản chất xảy ra cho bất cứ tôn giáo nào, trong bất cứ thời kỳ nào. Đừng vội tưởng rằng mình có bàn tay sạch. Có thứ bàn tay bẩn kiểu J.P. Sartre theo tinh thần trách nhiệm liên đới còn hơn thứ bàn tay sạch của quan tổng trấn Pilate, rửa tay tuyên bố: Tôi vô can trong việc xử án người này.

Họ bước đúng vào những dấu chân để lại trên cát và lần này vết chân để lại trên cát sâu hơn và rõ nét hơn.

Vì thế, từ thời điểm 1960 trở đi và nhất là cao trào từ 1963 đến 1966-1975, khó có thể có hình ảnh nhà sư với phong thái sư cụ chùa Long Giáng nữa. Tôi có cái nhìn lãng mạn về giới tu sĩ Phật giáo qua văn chương mà rất tiếc sau này, tôi không bắt gặp lại được nữa.

Phần Sư ông Thích Nhất Hạnh, ông dơ cao khẩu hiệu: Đạo Phật nhập thế với truyền thống lịch sử, Phật giáo đồng hành với dân tộc hay đồng hóa Đạo Pháp và dân tộc. Khẩu hiệu lý tưởng lắm, nhưng đằng sau khẩu hiệu là những gì? Chính sư ông phải biết rõ hơn ai hết.

Khi nói như thế, liệu chúng ta có cần nhìn sang các nước láng giềng như Thái Lan, Miến Điện, Kampuchia để xem đạo Phật đã bám rễ sâu trên đất nước họ như thế nào? Và truyền thống của họ như thế nào?

Để bắt đầu thể hiện sự nhập thế là những tên gọi mới không quê mùa như cách xưng hô cũ. Thời đại mới nhập cuộc thì tên gọi mới. Nay không còn ai gọi theo lối xưa là sư ông, sư bà, sư cụ dựa theo tuổi tác, thân quen như trước nữa.Tước gọi mới nay chú trọng tới phẩm trật địa vị, thứ bậc trong giáo hội. Điều đó chứng tỏ một giáo hội Phật giáo trưởng thành có tổ chức và quy củ hơn?

Đó là những danh xưng như đại đức, thượng tọa, hòa thượng và đại lão hòa thượng. Chưa kể những chữ như Thượng thủ thêm vào như không chừa một chỗ trống nào cho bất cứ ai. Các phẩm chức này không biết có được dùng để gọi cho các vị sư nữ hay không? Nhiều lúc, tôi bắt gặp chữ ký của TT Thích Trí Quang, một nhà sư ký là Tỳ kheo Thích Trí Quang, Tôi rất thích và trân quý chữ này chỉ vì nó có vẻ không huyênh hoang. Một nhà sư suốt đời ở trong chùa như ông mà bản thân lại không có chùa nào cho mình cả, măc dầu lúc đương thời, ông muốn có mấy cái mà chả được.

Một nhà sư đi tu ở chùa mà coi như vẫn không nhà, không cửa, tôi nghĩ ít ra cũng là một điều tốt. Ít ra cũng hơn ông TT Thích Tiện Nghi ở Bát Nhã hiện nay.

Phật giáo với quyền uy mà biến chất thì nó trở thành một thế lực chính trị như thế nào?

Cái quyền uy ấy, cái mà Jerrold L. Scheter gọi là Bộ mặt mới của Phật giáo: The new face of Buddha, trong đó trộn lần quyền lực chính trị và tôn giáo.

Không còn hình ảnh Phật ngồi an hòa trên bàn thờ.

Phật xuống đường. Phật bây giờ qua hình ảnh TT. Thich Trí Quang ngồi biểu tình trước dinh Độc Lập. Đó là một hình ảnh biểu lộ quyền uy tôn giáo hay một thách đố chính trị?

Cạnh đó, giới tăng ni dấn thân cho Đạo pháp bên cạnh hàng rào giây kẽm gai: Buddhists to the Barricades. Thời đó, Mỹ đã gọi như thế đấy.

Phải chăng đây là cách dấn thân, nhập cuộc mà sư ông Nhất Hạnh muốn nói đến

Những tên tuổi như Thích Tâm Châu, Thích Trí Quang, Thích Nhất Hạnh được nhắc tới một cách trân trọng và vang danh khắp thế giới: « In contrast to the open, unassuming Thich Nhat Hanh stood Thich Tri Quang, leader of the radical antiwar faction in the UBC. An enigmatic figure who projected an aura of intensity with his stern bearing and obscure pronouncements, his remained the best-known Buddhist monk to Americans in Sai Gon »

{ Trích Lotus Unleashed, Robert J Topmiller, trang 8}

Và để hiểu rõ hơn mối tương quan tôn giáo chính tri, tôi mượn nhan đề cuốn sách của Mark Moyar: Political Monks như ở tựa đề bài viết là có chủ đích. Các vị trên nổi danh là nhà tu hành « đắc đạo » hay nổi danh chỉ vì là Political Monks? Và tự hỏi có thể có một nhà tu hành đồng thời là một nhà chính trị không? Vấn đề chính danh có cần phải đặt ra không? Và vấn đề vai trò và sứ mệnh của người tu sĩ phải được hiểu như thế nào?

Nếu lấy cái tinh thần minh triết, khai sáng của thế kỷ 18 bên Âu Châu thì hoặc là nhà tu hoặc là nhà chính trị. Không thể cùng lúc cả hai được. Những trường hợp như mục sư King hay Đức Dạt Lai Lạt Ma là những trường hợp hiếm hoi không thể mang ra áp dụng cho mọi người được

Vào giai đoạn khủng hoảng Phật giáo ở miềnTrung, theo tôi, kể Như lần đầu tiên tờ báo Time đưa ra hình ảnh TT Thích Trí Quang với tiêu đề: Politican from the Pagoda. Người làm rung chuyển nước Mỹ! Nhà chính trị đi ra từ cửa chùa. Phải chăng đây là một lời khen hay là một lời khen với hậu ý ?

Phải chăng tiêu đề đó đủ để diễn tả tính chất của cuộc khủng hoảng đó? Một lần nữa đặt ra ở đây câu hỏi biến cố Phật giáo 63 là một đòi hỏi tôn giáo bình đẳng hay đằng sau cái đòi hỏi ấy là một vận động chính trị nhằm lật đổ một thể chế chính trị?

Nước ta ở trong một hoàn cảnh đặc biệt, một nước lạc hậu về kinh tế. Ý thức về chính tri, ý thức dân chủ còn yếu kém, đảng phái tổ chức còn lỏng lẻo, thiếu lãnh tụ. Đã thế, trong một thời gian quá ngắn, thể chế quân chủ đã chuyển đổi sang thể chế cộng hòa. Người lãnh đạo chưa chuẩn bị xong. Thiếu người, thiếu nhân sự, thiếu những nhà lãnh đạo chuyên nghiệp !

Tình thế lúc ấy đòi hỏi thì còn ai có uy tín hơn chính các cha, các nhà sư gia nhập thế giới chính trị? Hoặc cùng lắm đề cử người do sự chọn lựa của các cha, các nhà sư? Họ có đám đông đứng đằng sau họ mà phần đông cũng đều là thành phần dân chúng dễ bảo, dễ tin? Đây là một thứ dân chủ giả hiệu, bởi vì người dân không chọn trực tiếp người mà họ chọn gián tiếp qua các cha hay nhà sư.

Và chỉ cần các vị tu sĩ gật đầu ưng thuận. Lá bài chính trị đã được thực hiện và đánh bại bất cứ đối thủ khác, dù là có uy tín chính trị đến đâu. Tôi đã từng chứng kiến một người bạn cũng khóa với tôi, anh Nguyễn Hữu Hiệp, 26 tuổi, chưa có một chút síu kinh nghiệm chính trị, đá văng một nhà chính trị có tiếng tăm từ trước 54, bác sĩ Hoàng Cơ Bình ra khỏi chức vụ dân biểu tại Di Linh.

Xin trích dẫn một vài chứng từ:

Trích báo Công Luận, ngày 31 tháng 8. Bầu cử Hạ viện. Đối lập dẫn đầu ở Sài Gòn và miền Trung. Phật giáo đại thắng quân khu 4. Sài Gòn, Đối lập và độc lập thắng lớn.

Theo những số liệu được công bố tại Sài Gòn, trong toàn quốc đã có tới 5.567,463 cử tri đi bầu dân biểu Hạ viện, pháp nhiệm kỳ 71-75...

Quảng Ngãi.

Một sự kiện khác được ghi nhận là tại Quảng Ngãi các ứng cử viên Phật giáo đã toàn thắng với 4 người đưa ra đều được tín nhiệm..

ỨCV công giáo Hồ Ngọc Cẩn đang dẫn nhì với số phiếu kém TT. Đôn trên 10 ngàn phiếu .

Các ứng cử viên của các đảng phái như Việt Quốc, Đại Việt, Cấp Tiến đều không được xếp hạng tại đây ...

Người ta cũng ghi nhận tại Quảng Ngãi các đảng phái đã cố gắng vận động nhưng không có kết quả ..{ trích Người Viet online, ngày 29-8-2009}

Quả là một cuộc tranh cử không đồng sức. Con « gà nòi » được chọn ra thay mặt hiên ngang tiến vào nghị trường. Từ đó, mối tương quan quyền lực tôn gíáo và chính trị tạo thành mối tương quan ông chủ- bầy tôi. Ông chủ là đại diện cho tôn giáo, bầy tôi đại diện cho chính trị. Ông chủ lúc này tưởng mình là ông trời con, trở thành những kiêu tăng?

Cả hai kẻ thắng và kẻ bại đều bị vong thân vào quyền lực chính trị mà chẳng đại diện cho đám quần chúng nào cả.

Cho nên nếu thẳng thắn nhìn lại sinh hoạt chính trị miền Nam giai đoạn này cho thấy thiếu lành mạnh, tạo ra một đám người vô tài, nhiều khi thiếu tư cách, thiếu vốn liếng chính trị đưa đến tình trạng Nghị Gật, dân biểu buôn lậu ..

Không dám vơ đũa cả nắm, nhưng thực tế có như vậy.

Sự có mặt của các lãnh đạo tôn giáo sau hậu trường đã tạo ra những bất ổn chính trị liên tục mà ta đã mỉa mai gọi là « Những năm xáo trộn ». môt năm thay ba lần thủ tướng và nếu không đạt được như ý muốn thì ông chủ thúc đẩy dân chúng đi biểu tình, xuống đường có nguy cơ đưa đến tình trạng vô chính phủ?

Sai Gòn, ngày 27-8-1964. Miền Trung yên tĩnh .. Trở lại.. chờ đợi

Chính Luận 29-8-1964. Vài giờ trước khi Hội Đồng Cách Mạng ban hành các quyết định. Bạo động trước Bộ Tổng Tư Lệnh, 7 chết, 39 bị thương.

Trích báo Thần Phong ngày 12-8-1971 . Các Phong trào tranh đấu sẽ khiến miền Trung 1971 « đại loạn » như năm 1967 . Nhiều cuộc họp mặt sắp có nổ lớn .

Trích báo Độc Lập ngày 12-8-1971 . Đồng bào các giới xúc động. 20 sinh viên tuyệt thực đã bắt đầu kiệt sức « Dùi cui xiết chặt chung quanh chùa Ấn Quang » . ký giả Vũ Tiêu Giang.{Trích Người Việt online 27-82009}

Cho nên, vì chủ trương chống giáo trị bất cứ từ đâu tới, tôi khó lòng mà chấp nhận quan điểm của thiền sư Nhất Hạnh trong bài Chính Trị và Tôn giáo trong đó có quan điểm Đức trị và Pháp trị ảnh hưởng lên nhau. Đồng thời ông có tham vọng trong nỗ lực mong muốn đồng hóa lịch sử dân tộc đồng hành với lịch sử của Phật gíáo. Cũng như thế đồng hóa đạo pháp và dân tộc. Đồng hóa lịch sử Phật giáo đồng hành với số mệnh lịch sử dân tộc.

Chưa kể có một thiểu số người lại có tham vọng về một chủ nghĩa bá quyền tôn giáo, đòi hỏi loại trừ, ngăn chặn «sự xâm lược văn hóa các ý thức hệ không tương hợp với nền văn hóa dân tộc »., nói trắng ra là ki tô giáo.

Nội chỉ có ý tưởng loại trừ tôn giáo khác đó đủ đã bất xứng với yếu tính của lý thuyết Phật giáo rồi.

Nói ra thì hay lắm, nhưng Phật giáo sẽ đồng hành với ai trong cái dân tộc đó? Giả dụ nếu có cuộc phân tranh giữa các triều đại thì dân tộc sè thuộc về ai? Kẻ thắng hay kẻ thua? Trung Thành với triều đại cũ hay ngả theo triều đại mới? Ai trong các lãnh đạo tôn giáo có thể quyết định đồng hành với triều đại nhà Lý hay nhà Trần hay nhà Lê? Rồi trong cuộc Trịnh Nguyễn phân tranh, tôn giáo phải đứng ở góc độ nào đề đồng thuận với dân tộc? Trịnh hay Nguyễn, Tây Sơn hay Nguyễn Ánh?

Đã thế, từ khi phân chia Quốc Cộng, tôn giáo một lần nữa phải đồng hành với Quốc Gia hay Cộng Sản? Hãy giúp cho người Phật tử trong nước bây giờ một câu trả dứt khoát là nên theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất trước 1975 hay GHPG dựng lên năm 1981 của chính quyền cộng sản?

Chỉ một câu hỏi này thôi, tôi thấy họ đã ú a ú ớ không trả lời thẳng được. Phải chăng, Phật giáo đồng hành với dân tộc là ngả theo Giáo hội Phật giáo nhà nưởc?

Có lẽ nói như ông Trần Bình Nam trong bài :Tôn giáo và Đất nước có phần dễ được mọi người chấp nhận : « Tín ngường thì của mỗi chúng ta, còn đất nước chung của chúng ta »

{Trích Tôn giáo và Đất nước, Trần Bình Nam , báo Đi Tới, trang 59, số 84, bộ mới}

Chúng ta chọn tôn giáo, chọn một lý tưởng đạo cho riêng ta, nhưng chúng ta không thể chọn không là người Việt Nam được. Tôn giáo của riêng ai nên không ai có thể « bẻ ghi » đất nước cho người khác được.

Kẻ mới tiếm ngôi vị thì gọi kẻ trước là hôn quân vô đạo, bạo chúa nên ta thay ý Trời mà thế thiên hành đạo?Tôn giáo đứng ở chỗ nào để mà đồng hành với dân tộc? Dân tộc là gì trong các cuộc tranh bá đồ vương?

Chiến tranh nào, cuộc chiến thắng nào rồi cũng chỉ là một trận chiến tranh danh từ mà kẻ được thì làm vua, kẻ thua thì làm giặc. Và đã như thế thì đạo giáo cứ đợi cho phân ngôi thắng bại và rồi đương nhiên sẽ đồng hành với kẻ chiến thắng? Phải chăng kẻ chiến thắng lúc ấy tự đồng hóa mình là dân tộc?Tôn giáo dồng hành với dân tộc là đồng hành với kẻ chiến thắng?

Cho nên, sự phân chia thế quyền và thần quyền giúp tránh được sự lạm quyền và xa đọa tôn giáo như đã từng xảy ra một cách công khai thời đệ nhị cộng hòa. Như trong Hồi ký của Lý Quý Chung, cuốn Nhật ký của im lặng, ông viết lại là ông đã phải đại diện cho tướng Dương Văn Minh ra Huế để xin sự ủng hộ của ông Thích Trí Quang.

Cho nên đối với tôi thì rõ ràng tôn giáo là tôn giáo chính trị là chính trị. Áo nhà tu thì có chỗ của nhà tu, áo chính trị thì có nơi nghị trường. Hà cớ gì cứ mặc lẫn áo của nhau?

Và để tóm tắt phần này, tôi nghĩ rằng đường đi dài nhất và lâu nhất để lên được Niết Bàn hay Thiên đàng là con đường đi qua chính trị.

Chúng ta hơn 3 triệu người Việt Hải ngoại đã có kinh nghiệm sống trong một thế giới Đa Cực: Đa chủng tộc, đa tôn gíáo, đa văn hóa sống trong hòa đồng.

Điều gì làm cho thế giới đó hòa đồng? Chính là sự tôn trọng người khác trong cái dị biệt, đa dạng.

Bài học các nước Hồi giáo vẫn còn đó. Đó là bài học tôn giáo xen vào chính trị

Tin Nhà: Lên tiếng thay cho những kẻ phải làm thinh

Nguyễn Văn Lục

“Chức tước chẳng là cái gì cả. Mà phải sống cho đến chết, đừng chết khi đang sống,” Đức ông Phạm Hân Quynh

Trong một chế độ toàn trị, ta găp nhiều loại người như nhà văn, nhà báo, nhà chính trị trở thành những người hèn. chuyện đó không lạ và nay đã nhiều người lên tiếng thú nhận cái hèn của mình. Nói chung, người ta dễ chấp nhận cái hèn của một nhà văn, một người làm chính trị và cũng dễ bị chửi vung vãi nếu đó là một người dân thường hay một người trí thức như trường hợp Nguyễn Hữu Liêm hay Nguyễn Văn Tuấn.

Tôi nghe người đọc chửi vung tí mẹt mà đôi khi cảm thấy có phần bất công cho các quý vị ấy vì không có lá chắn gì để đỡ. Dư luận vẫn là dư luận.

Nhưng trong lãnh vực tôn giáo, nhiều vị lãnh đạo cũng “không ra gì” mà mọi người biết rõ, nhưng “kỵ” không dám nói tới mặc dầu họ cũng biết rằng các vị lãnh đạo ấy cũng “hèn” không thua ai cả. Chẳng hạn trong bài viết vừa rồi của tôi về vụ Bát Nhã: Một cái chết im lặng. Tôi có trích dẫn khá nhiều tài liệu của ông Đỗ Trung Hiếu, một người cộng sản và một người Phật tử chân chính viết lại một cách trung thực điều gì xảy ra cho Giáo Hội Phật giáo Việt Nam thống nhất.

Tôi chỉ dám mói tới sự im lặng của các vị lãnh đạo đó và chưa dám dùng chữ “Hèn” đáng lẽ nên dùng. Và tôi đã nhận được một số lời nhục mạ.

Chửi ai cũng được, phê bình ai cũng được, nhưng tránh đụng đến lãnh đạo tôn giáo.

Cái chết và khổ cho người cầm bút là các vị lãnh đạo ấy mặc đến hai ba thứ áo, mình đụng áo nào cũng không được, nhất là áo tu hành.

Trong Tin Nhà kỳ này, tôi sẽ tiếp tục đặt vấn đề với các vị lãnh đạo trong giới Thiên chúa giáo trong cái tinh thần lên tiếng thay cho những kẻ muốn làm thinh.

Bản Tin Nhà kỳ này vì thế có chủ đề: Lên tiếng thay cho những kẻ phải làm thinh.

Rất nhiều điều ở Việt Nam cần được lên tiếng đã không ai lên tiếng. Như vụ Bát Nhã chẳng hạn. Chẳng những thế, đã có một vị Hòa Thượng nổi tiếng một thời, hiện nay ở hải ngoại có vẻ hoan hỉ với tin Bát Nhã bị nạn. Ông nói, Cho đáng kiếp thằng cha Nhất Hạnh.”

Không lên tiếng có nhiếu lý do, trong đó khôn ngoan và nhát sợ là hai mặt của một vấn đề. Tin nhà sẽ dẫn chứng cụ thể liên quan đến các vị lãnh đạo Thiên chúa giáo ở Việt Nam, nhất là nhân dịp Nguyễn Minh Triết sang Roma gặp Giáo Hoàng kỳ này.

Nhưng trước đó, Tin Nhà sẽ giới thiệu những khuôn mặt lãnh đạo Thiên chúa giáo bất khuất ở miền Bắc trước 1954 và đồng thời cho thấy sự “nhu nhược” của lãnh đạo Thiên chúa giáo sau 1954 như thế nào.

Đấy là một hình thức xám hối. Thưa các vị giám mục. Xám hối không chỉ nói chung chung một hai câu là xong đâu. Phải nói thành thật cho đến cùng sự việc.

Câu chuyện linh mục Phạm Hân Quynh được phong tước Đức ông – Biểu tượng cho tiếng nói bất khuất của giáo hội thầm lặng miền Bắc

Viết về Phạm Hân Quynh là viết thay cho những người làm thinh, viết thay cho hai người bạn của ông đã qua đời.

Bọn họ là 3 người cùng lứa tuổi, cùng chí hướng và cùng lớn lên trong hoàn cảnh đất nước giai đoạn 1945-50. Họ cũng là những người trực tiếp tham dự vào những ngày sôi bỏng của miền Bắc trước khi xảy ra chiến tranh đông Dương. Đó là Phạm Hân Quynh, Nguyễn Văn Thông và Nguyễn Ngọc Oánh.

Tương lai của giáo hội miền Bắc sau này đặt trên vai họ và họ sẽ thay thế chỗ của những linh mục người Pháp đã đến lúc phải nhường chỗ. Vì thế, cả ba đều được gửi đi du học. Một người đi Mỹ, hai người đi Pháp.

Khi đất nước chia đôi. Họ có thể chọn ở lại miền Nam như mọi người. Nhưng cả ba đều bỏ học, Phạm Hân Quynh về Bắc 1953, rồi đề nghị Giám mục (Gm) Khuê kéo hai người bạn cùng về. Thế rồi họ tình nguyện rủ nhau về miền Bắc phục vụ giáo hội. Họ biết nỗi hiểm nguy, họ biết những gian nan mà họ sẽ gặp phải. Nhưng họ vần về hy sinh theo lý tưởng đời họ đã chọn.

Trước khi đi du học, linh mục Nguyễn Văn Thông đã để lại những dòng bút ký sau đây, gửi gấm tâm sự và hầu như một cách nào đó, số phận của ông sau này đã bị định đoạt trước qua những trang bút ký sau đây:

“Đừng ai trách anh muốn trốn tránh cảnh khổ, đi tìm một chốn thanh bình. Không. Đời anh đã cống hiến. Nó sẽ ngừng, sẽ tắt nhanh chóng trước một viên đạn hay chết dần theo thời gian, nó vần là một đời cống hiến. Lâu hay chóng không hệ. Trước hay sau không lo. Nó vẫn là một đời cống hiến»

Trích: Tài liệu gia đình Nguyễn Văn Thông

Vâng nó sẽ chết dần theo thời gian với 23 năm tù dưới chế độ cộng sản.

Những dòng bút ký của linh mục Thông cũng có thể là tâm can của hai người bạn còn lại.

Cuộc đời của họ đã được vạch sẵn ngay từ những ngày tuổi trẻ cùng nhau leo núi.

Cả ba cùng lên đường.

Bút ký ghi tiếp:

“Những kỷ niệm ấy có nhẽ xa xăm, nhưng anh đã có dịp nhớ lại những giây phút: Trèo lên Đỉnh. Những đám bạn lên đường, họ cũng chung một ý định: Lên họ cùng chung một ý chí: mạnh tiến họ cùng đòng một lòng: liên đới cố kết với nhau để thắng gian lao, để vượt nguy hiểm để phấn khởi nhau, để nương tựa nhau lên.

Để rồi cùng tới Đỉnh.

Điều cần là tới Đỉnh là lên. Ai cũng phải gắng mà lên. Tuy những người cùng lên không cùng một nhiệm vụ.

Lên, ai cũng phải lên, nhưng có người vai phải đeo bị. Không có họ, trên kia lúc ở đỉnh đồi không nước uống cho khỏi khát. Không cơm ăn cho đỡ đói lòng. Có người chém cành rẽ lá làm lối cho cả đoàn cùng tiến dễ dàng, không đứt tay, không vướng gai góc.”

Đọc đoạn bút ký này, tôi có cảm tưởng nó thẫm ướt tinh thần hướng đạo và sẽ là kim chỉ nam vào đời của họ. Tiếc rằng sau này thanh thiếu niên chỉ được học tập theo gương bác Hồ nên nó mới ra nông nỗi này.

Nay thì còn lại có mình Phạm Hân Quynh, 83 tuổi ở cõi đời này. Hai người kia đã bỏ đi trước. Nguyễn Ngọc Oánh khi tôi ra thăm năm 2005 đã tặng tôi bản luận án tốt nghiệp MA về xã hội. Phải chăng đó là những kỷ niệm khó quên thời tuổi trẻ?

Cho đến khi nhắm mắt lìa đời, ông đã không dám nói nửa lời, hoặc viết nửa câu về hơn 20 năm quản chế. Khủng khiếp thay cái bộ máy công an quản lý con người?

Phần Phạm Hân Quynh, nay ông hưu trí tại xứ Đông Xuyên, Tiên Lãng, Hải Phòng vừa được vinh thăng chức Đức Ông. Khi nhận chức này, ông thừa biết đây chỉ là “một phần thưởng trễ” dành cho một người là nạn nhân của thời cuộc, nạn nhân có thể của Tây, nhất là Việt Minh và phần nào của chính Giáo Hội. Dầu vậy nhân dịp này, ông đã để lại câu nói để đời, đọc mà thấm lắm:

“Chức tước chẳng là cái gì. Mà phải sống cho đến chết, đừng chết khi đang sống.”

Ôi câu nói của “ông già gân” 83 tuổi, vẫn là một Phạm Hân Quynh thuở nào, vẫn là hòn đá tảng, vẫn cái trán bướng bỉnh ấy, vẫn ngược dòng, vẫn đầy dũng khí, khác hẳn Nguyễn Ngọc Oánh.

Ông được giám mục Trinh Như Khuê cử đi du học từ năm 1949-1953. Ông học tại Đại chủng viện Des Carmes, Paris cùng khóa với Jean-Marie Lustinger, sau này là Hồng Y và Tổng Giám mục Paris. Trong bài phỏng vấn trả lời nhà báo Yves Kerihuel, Nguyễn Ngọc Giao dịch, Ông cho biết cùng học với Hồng Y Jean-Marie Lustiger và hai người đã gặp lại nhau năm 1989 tại Paris và lần thứ hai vào năm 2006, một năm trước khi Hồng y từ trần.

Xem thêm bản dịch của Nguyễn Ngọc Giao trên diendan forum.

Nhiều dư luận của giới Thiên chúa giáo như Thông Tấn xã Thiên chúa giáo Việt Nam, Viet Catholic suy đoán rằng ông bị chính phủ Pháp trục xuất về Việt Nam vì chống Pháp và thân Việt Minh.

Xin trích dẫn Viet-catholic:

“Năm 1952, sau khi được phong chức linh mục tại Pháp, mặc dù cha rất muốn ở lại học lên tiếp, nhưng người Pháp đã ngầm trục xuất cha về nước. Vì họ đánh giá cha là loại linh mục đỏ. Khi về nước, cha làm thư ký tòa giám mục, là người giúp việc đắc lực cho Đức Cha Trịnh Như Khuê.”

Trích vietcatholic.net/News?Clients/Read Article.axps? ID=70018

Tôi không rõ Viet-catholic lấy nguồn tin đó ở đâu, nhưng tôi nghĩ điều đó không chính xác cần xét lại.

Trong thời gian ông được chính quyền cộng sản cho sang Pháp vào năm 1989, ông đã trả lời phỏng vấn của tác giả Trần Thị Liên về sự lựa chọn của ông ở lại miền Bắc thay vì miền Nam như sau:

“J'étais sur que les Francais seraient vaincus. Je l'ai d'ailleurs dit à Mgr Tu qui éatait en visite à la Fédération vietnamienne à Paris . Moi, je voulais vite rentrer au Viet Nam pour assurer une présence catholique dans un régime communiste. Pendant les quatres années passées en France, j 'en ai profité pour lire des ouvrages sur le marxisme et sur les régimes politiques des" démocraties populaires", pendant que mes condisciples lisaient des livres de théologie et de philophie. J'étais très proche des idées défendues par Nguyen Manh Ha.”

Tôi biết chắc là người Pháp sẽ thua trận. Tôi cũng đã nói với Đức cha Từ về điều đó khi ngài tới thăm Liên đoàn Việt Nam lúc ở Paris. Phần tôi, tôi muốn mau chóng về Việt Nam để bảo đảm một sự có mặt của Thiên chúa giáo trong một chế độ cộng sản. Trong 4 năm học ở Pháp, tôi lợi dụng thời gian đó để đọc những tác phẩm về Mác Xít và về những chế độ chính trị về" dân chủ nhân dân" trong khi các bạn bè linh mục của tôi lo đọc những sách về thần học hay về triết học. Tôi rất gần với những ý tưởng mà Nguyễn Mạnh Hà chủ trương.

Trích phỏng vấn Phạm Hân Quynh, Ivry, le 29/6/1989, Les Catholiques Vietnamiens pendant la guerre d'Inđépendance 1945-1954, Trân Thi Lien, trang 531.

Trong một đoạn phỏng vấn khác, ông nói rõ hơn về liên hệ với ông Ngô Đình Diệm như thế nào:

“Le père Phạm Hân Quynh alors actif dans le mouvement des étudiants catholiques en France et proche de Nguyen Manh Ha se rappelle l'appel de Ngo Dinh Diem à le rejoindre. Ce qui firent la plupart de ses confrères mi 1954 en descendant au Sud, alors que lui fut un des seuls à đécider de rester dans le Nord"

Trích phỏng vấn Phạm Hân Quynh, như trên, trang 519.

Lm Phạm Hân Quynh là người hoạt động tích cực trong phong trào sinh viên Thiên chúa giáo ở bên Pháp và rất thân với Nguyễn Mạnh Hà {sau này là bộ trưởng kinh tế trong chính phủ Hồ Chí Minh}, ông nhớ lại tthời kỳ đó, ông Ngô Đình Diệm đã kêu gọi sinh viên về hợp tác với ông, điều mà hầu hết cả các sinh viên đã nhận về nước và ở lại miền Nam, chỉ có cha Phạm Hân Quynh là người duy nhất quay trở về miền Bắc.

Linh mục Phạm Hân Quynh, nói theo kiểu Nguyễn Ngọc Giao trong Diễn Đàn Forum, là người 55 năm chuyên đi “ngược dòng”.

Chống Tây

Ông chống Tây thẳng thừng nên không chấp nhận hợp tác với chinh quyền Bảo Đại mà ông cho lá bài của Thực dân Pháp. Ông cũng không theo lời kêu gọi của ông Diệm để về miền Nam. Ông nghĩ trước tiên đến giáo hội miền Bắc là nơi cần sự có mặt mà ông biết chắc phải đương đầu.

Quyết định ở lại miền Bắc là một quyết định can đảm dễ mấy ai làm được. Ở lại miền Bắc không phải để theo Việt Minh mà để phục vụ giáo hội và đồng hành với giáo hội trong những gian lao thử thách sắp tới. Ông đã rủ thêm hai người bạn thân thiết của ông là Lm Nguyễn Văn Thông, học ở Lyon và Paris, Lm Nguyễn Ngọc Oánh học ở Mỹ. Hai Lm Thông và Oánh rủ nhau về miền Bắc phục vụ giáo phận Hà Nội vào những ngày áp chót của Hiệp định Geneva, ngày 21/4/1955.

Khi Lm Thông và Lm Oánh quyết định về Bắc thì họ đã ghé Roma, gặp Gm Sigismondi, phụ trách Thánh bộ truyền giáo hồi đó.Theo ý kiến của Gm Sigismondi thì hai người nên về Hà Nội vì tòa thánh còn duy trì tòa Khâm sứ ở miền Bắc. Riêng tại Paris, Lm Thông cũng đã hỏi ý kiến thày dạy là giáo sư Paul Mus, giáo sư ỏ Collège de France. Ông Paul Mus quen biết rất nhiều lãnh tụ đảng cộng sản Đông Dương và dự đoán sẽ không xảy ra những cuộc bách hại tôn giáo như ở bên Tàu. Mặc dầu vậy ông cho rằng nếu ở địa vị của ông, ông sẽ không về, nhưng đối với vai trò một linh mục truyền giáo thì lại khác. Ngoài ra, có trường hợp của cô Denise Léger, ở Paris 6ème, bạn thân của tất cả các linh mục như Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Khắc Xuyên, Nguyễn Văn Thông ,v.v... Cô Denise nghe tin Lm Thông quyết định về miền Bắc thì đã quỳ xuống trước mặt van xin ông đừng về Bắc. (Trích LM Nguyễn Văn Thông, 1922-1991, tài liệu của gia đình.)

Sau này cả ba linh mục bị chính quyền cộng sản lưu đầy.

Lm Thông trên 20 năm tù, 4 năm ở Hỏa Lò, 8 năm trên trại “Cổng Trời”, Hà Giang, rồi chuyển trại về Lào Cay, quay lại Cổng Trời một lần nữa, rồi trở về thăm Hỏa Lò 18 tháng. Sau đó đưa về quản thúc tạI Thọ Cách, Ý Yên Nam Định. Tại Nam Định, ông không được ở trong làng mà ở một cái chòi chơ vơ ngoài đồng một mình. Thật ra tòa tuyên án ông 13 năm tù ở và 3 năm quản chế. Vậy mà cộng lại ở tù tất cả là 23 năm. Lúc ra tù, ông gần như phế vật nói năng đã không còn bình thường. Vào trong Nam thăm được gia đình vài tháng thì mất. Cả cuộc đời tuổi trẻ là ngồi trong tù.

Xin trích dần vài dòng lá thư đầu tiên liên lạc được với nhau sau mấy chục năm biệt tin tức:

“Sau nhiều năm xa cách, con chỉ có một ước mong: mau chóng về bên thày mẹ, để thày mẹ được vui lòng một chút và cả nhà được đôi phần an ủi. Vì từ bao năm qua, không ngày nào con nhãng quên thày mẹ và các anh, các chị em, các cháu trong gia đinh.

Nước nhà độc lập thống nhất, việc con được trở về với gia đình lại có bề thuận lợi hơn bao giờ hêt.”

Thư đề ngày 16/8/1975. 12 năm sau được thả ra tù; 3 năm sau nữa mới được vào thăm gia đình và lăn ra chết sau hai tháng vì đã kiệt lực .

Tôi nghĩ đên trường hợp Lm Lý mà xót thương và số phận chắc rồi cũng thế. Những người tù bất khuất trước bạo lực chỉ khi gần chết mới được thả về.

Số phận cha Quynh, Oánh cũng không hơn gì. Cả hai bị quản chế hơn 20 năm có lẻ. Cha Quynh cho biết trong giáo phận Hải Phòng, có 2000 giáo dân và linh mục bị nhà cầm quyền giam tù.

Cả địa phận chỉ còn sót lại có 3 linh mục.

Đó là những cuộc đàn áp khốc liệt mà sau này có nhiều ông quản xứ bị biệt giam trên trại “Cổng Trời” cho đến chết .

(Tôi mong muốn độc giả tìm đọc thêm hai bài ký của ông Kiều Duy Vĩnh: Cuộc tuyệt thực ở trại Cổng Trời và Đức Thánh Tử đạo thứ hai mà tôi gặp. Bài ký được đăng trên Thế Kỷ 21, đầu năm 1997.)

Lm Quynh bị quản thúc từ năm 1960, ông cho biết, “...trong suốt 28 năm trời, tôi hoàn toàn bị cô lập.” Mãi đến năm 1988, việc quản thúc mới chấm dứt.

Khi được phóng viên báo La Croix hỏi Lm làm thế nào để có thể sống còn sau những năm tháng bị biệt giam?

Lm Quynh trả lời vắn gọn, hiên ngang, đầy ý nghĩa, “Tôi cố sống thực thụ như một linh mục của Đức Ki Tô trước mặt kẻ thù.”

Sống trong lòng chế độ

Linh mục Quynh được cử làm đại diện tòa Giám mục liên lạc với Ủy Ban Liên Lạc Thiên chúa giáo do chính quyền cộng sản miền Bắc điều động. Ông cũng đã từng có cơ hội gặp Hồ Chí Minh. Vậy mà chỉ nửa năm sau, ông phải dời bỏ Hà Nôi về một vùng quê hẻo lán, thôn Xuân Hòa, huyện Tiên Lan, tại Hải Phòng.

Nguyễn Ngọc Giao trong bài viết Linh mục Phạm Hân Quynh, 55 năm “ngược dòng” đã hỏi, “Ai quyết định cho cha đi đầy như vậy, chính quyền hay giáo quyền?”

Ông cười hóm hỉnh, “Cả hai!”

Về điểm này, xin giải thích thêm cho rõ. TGM Trịnh như Khuê là một người rất sùng dạo, nhưng rất cổ, bảo thủ, nghiêm nhặt, khắt khe cứng nhắc trong luật lệ. TGM Khuê lại có xu hướng thân Pháp hơn Việt Minh.

Trong khi đó, Lm Quynh là linh mục trẻ, hấp thụ văn hóa Tây Phương. Tính rất trẻ, cười đùa tự nhiên, hơi “tếu”, bướng. Về chính trị thì tả khuynh, không ưa Pháp ra mặt, có cảm tình với Việt Minh.

Thật khó để hai người có thể làm việc chung lâu dài với nhau được. Cũng vậy, thật khó cho những người khác như Lm Đinh Lưu Nhân, cũng đi du học, nguyên giám đốc chủng viện Piô 12 được điều động về Nam Định.

Nhưng không vì thế mà nghĩ rằng giám mục có thể đầy đọa Lm Quynh đi một vùng xa côi hẻo lánh như thế! Điều này phần lớn chắc chắn là do sức ép của chính quyền cộng sản Hà Nội.

Và để chứng minh điều này thì đến năm 1960, họ đã quản chế và cách ly Lm Quynh trong suốt 28 năm.

Và theo Nguyễn Ngọc Giao nhận xét về những năm tháng tù đầy của cha Quynh:

“Trải nghiệm của ông là một nguồn cảm hứng, suy tư không phải chỉ cho người Ki Tô giáo, mà cho mọi người quan tâm đến vận mệnh dân tộc.”

Con người ấy theo Nguyễn Ngọc Giao ở cái tuổi không phải “gần đất xa trời” mà là “xa đất gần trời” vẫn tiếp tục đi ngược dòng khi ông trả lời phỏng vấn của Yves La Croix, ngày 22/6/2009 rằng:

“Giáo Hội không cần tiền hay đất đai mà “Phải xây dựng lại tâm hồn Ki tô của giáo dân Việt Nam”.”

Và để kết thúc phần này, xin trích dẫn lời Lm Quynh khi trả lời báo La Croix như sau:

“Từ 12 năm nay, mỗi tuần, khoảng 60 tín hữu nam nữ do tôi đào tạo đã đi ra các làng chung quanh để rao giảng phúc âm. Kết quả: 8000 người vào đạo và xin rửa tội (Không kể các cuộc hôn nhân hỗn hợp). Chúng tôi sắp xây một nhà thờ mới tại một làng cách đây 5 km. Mười hai năm về trước, làng này chỉ có 4 giáo dân, nay 800 người.

Tôi viết vắn tắt lại cuộc đời của ba vị linh mục ưu tú của giáo phận Hà Nội như một dịp để nêu một tấm gương can đảm, hy sinh cho lý tưởng, phục vụ giáo hội để gửi đến các giám mục, linh mục, tu sĩ hiện nay thấy đó mà suy nghĩ về vai trò linh mục của mình trong hoàn cảnh hiện tại.

Hoàn cảnh có khác, có nhiều thay đổi, nhưng không vì thế sao nhãng hoặc coi nhẹ trách nhiệm vai trò linh mục của mình như lời dặn dò của Lm Trọng trong hồi ký của ông sắp được phát hành trong tuần tới ở hải ngoại.

Tin Nhà: Nguyễn Minh Triết và Giáo Hoàng Benedict XVI

Nguyễn Văn Lục

Đó là một tin vui? Hay một dấu hiệu hy vọng cải thiên quan hệ giữa hai bên vốn căng thẳng bất đồng về một số quan điểm từ hơn nửa thế kỷ nay?

Tôi thiết nghĩ nó sẽ không dễ dàng “làm ấm lên” hoặc làm “tan băng” như nhiều người mong đợi. Không thể một sớm một chiều có thể giải quyết được những đòi hỏi của phía Thiên chúa giáo tồn đọng từ hơn 50 năm nay. Đó là quyền được bổ nhiệm giám mục, linh mục và giải quyết những tranh chấp đất đai mà nội Sài Gòn có 400 cơ sở Thiên chúa giáo bị chiếm đoạt.

Con đường bình thường hóa liên lạc ngoại giao còn có nhiều trở ngại phải vượt qua.

Cứ thử hỏi kể từ tháng 02/2007, Nguyễn Tấn Dũng đã sang Vatican và từ đó đã đạt được tiến bộ gì về ngoại giao? Hoàn toàn không. Chỉ nội mảnh đất tòa khâm sứ có đáng gì mà nay trở thành mối căng thẳng kéo dài cả năm trời đi đến bế tắc không hòa giải được..

Tất cả những trở ngại ấy tùy thuộc vào thiện chí của nhà cầm quyền Hà Nội mà thật ra những đòi hỏI của Giáo Hội Thiên chúa giáo chỉ là những điều đương nhiên của rất nhiều nước trên thế giới.

Nếu chúng ta cho rằng có thứ quyền của người công dân dựa trên pháp luật, có thứ quyền của con người dựa trên những giá trị đạo đức và quyền của Thượng Đế dựa trên niềm tin tôn giáo (hiểu theo nghĩa chung thì thượng đế ở đây có thể là ông Trời, ông Phật, đấng Allah.) và quyền của một đảng vv Vậy mà quyền của một đảng với 3 triệu người đã xâm nhập, áp đặt trên cả 3 thứ quyền vừa kể trên. Và đã gây ra biết bao khổ nạn cho người dân?

Người cộng sản phải hiểu như thế.

Và sau đây, xin trích dẫn một vài lời tuyên bố của Nguyễn Minh Triết khi trả lời báo Corriere della Sera, đăng lại trên BBC, ngày 9/12 như sau:

“Chúng tôi đang tìm cách thiết lập quan hệ ngoại giao với tòa thánh.”

Đồng thời Nguyễn Minh Triết vẫn không quên cài thêm một câu “rất văn hóa”.

Ông nói, “Tôi vốn là người vô thần, nhưng vẫn đi chùa, vì nhận thức được giá trị văn hóa” của các hoạt động tôn giáo”.

Tin Nhà được biết một số linh mục cho rằng không có một tín hiệu gì rõ rệt cho phép người ta nghĩ tới một quan hệ ngoại giao tức khắc có thể thành hình trong chuyến đi này bởi vì những lẽ sau đây:

‒ Đã hơn 50 năm rồi, từ khi có chế độ cộng sản thì chưa bao giờ cho thấy có một giao hảo tốt đẹp giữa chính quyền và các tôn giáo. Chẳng những vậy, các tôn giáo còn bị kềm hãm, bắt bớ giam cầm, tù tội và ngay cả ý đồ nhằm tiêu diệt các tôn giáo.

‒ Giáo hội Thiên chúa giáo thì không thể chấp nhận quan điểm của nhà cầm quyền Việt Nam cho rằng họ có quyền duyệt xét các việc truyền chức, việc bổ nhiệm linh mục và theo dõi các hoạt động tôn giáo một cách chặt chẽ. Cho dù có thiết lập được quan hệ ngoại giao với tòa thánh đi nữa thì mối căng thẳng giữa hai bên cũng không thể không giải quyết một lần cho xong quyền được bổ nhiệm của giáo hội Thiên chúa giáo.

Nhưng đối với hồng y Phạm Minh Mẫn thì

‒ “Tôi cho rằng mối quan hệ nào cũng có thể có những bất đồng và hy vọng rằng qua đối thoại trong sự tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng sự thật, dần dần đôi bên hiểu nhau hơn và cùng nhau vượt qua những bất đồng trong tình làng nghĩa xóm.”

Trích trả lời phỏng vấn của Hồng Y Phạm Minh Mẫn

Đây là một lối phát biểu “huề cảng làng”, lẩn tránh trách nhiệm. Đáng lẽ có những vấn đề như truyền chức linh mục phải do trực tiếp Hội đồng giám mục đề xướng ra và nói thẳng, đặt trực diện với chính quyền cộng sản và nếu không được thì phải có những biện pháp thích hợp thì nay đổ cái trách nhiệm đó sang cho Vatican giải quyết. Hơn nữa bất đồng này thuộc vấn đề nguyên tắc tối ưu, thẩm quyền giáo hội, làm sao giải quyết trong tình làng nghĩa xóm? Tình làng nghĩa xóm nào với cộng sảm từ hơn 50 rồi.? Xin ông Hồng y tôn trọng những quyết định của Hội đồng giám mục họp ngày 25-09-2009, trong đó có những đề nghị đòi hỏi sửa đổi luật về đất đai đồng thời phê phán sự dối trá trong cơ quan truyền thông nhà nước.

Một Hồng y kiêm Tổng giám mục mà bên cạnh ông có một linh mục Tổng Đại diện có thẻ đảng vào ra chi phối, ông vẫn nhẫn nhục chấp nhận thì thật là một thử thách lớn lao cho chức vụ Tổng giám Mục và Hồng y của ông?

Như lời than phiền của cố giám mục Lê Đắc Trọng trong phần hồi ký in chui ở Việt Nam viết như sau:

“Một Giám mục nói về tổng đại diện của mình đang thao túng mọi việc trong giáo phận mà vị đó đã và nay vẫn còn tinh thần Patriot, Tòa thánh đã biết, dư luận chống đối, muốn vị đó từ chức. Giám Mục nói: ‘Ông ấy tốt, giúp nhiều việc, làm sao bãi chức ông được. Khi nào tôi chết, tức khắc ông ấy hết quyền.’ Bi đát làm sao. Sự thực 100% ” ...

Trích Hồi ký Những câu chuyện của một thời của giám mục Lê Đắc Trọng, sẽ được phát hành trong tuần tới ở Hải ngoại.

Thưa ai nói điều này, nếu không phải là chính Hồng y?

Cũng đồng hành với lối phát biểu của hồng y Phạm Minh Mẫn, Gm Phao Lồ Bùi Văn Đọc khi đến viếng Vatican, ngày 23/06/2009 đã dùng miệng lưỡi của tiên tri Giêrêmia để thưa rằng:

“Lạy Chúa, chúng con đây còn quá trẻ, chúng con không biết ăn nói.”

Và để biện minh cho sự không biết ăn nói, quý vị giữ sự làm thinh và nhận tất cả những thiệt thòi về phía mình ông viết:

“Để không làm công cụ cho một thế lực chính trị nào, chúng tôi phải giữ gìn lời ăn tiếng nói. Khi chọn thái độ dè dặt thận trọng, chúng tôi phải chịu đựng những lời phê phán nặng nề, và nhiều khi bất công. Xin dành lại cho sự phán xét của Thiên Chúa”

Giám mục khẳng định:

“Đã có một thời, cách đây khoảng 50 năm, có rất nhiêu người ao ước được hiện diện rao giảng Tin mừng Chúa Giê Su tại các nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, các nước Đông Âu, Trung Hoa lục địa, mà không được mãn nguyện. Bây giờ chính chúng tôi được hiện diện, được rao giảng tin mừng trong một nước cộng sản, anh chị em hãy khích lệ chúng tôi rao giảng Tình yêu Thiên Chúa, bằng lời nói va hành động không trừ một ai.”

Trong số 7 triệu người Thiên chúa giáo ở Việt Nam, tôi không biết có được mấy người có cái liêm sỉ dám nhận mình là Thiên chúa giáo và “nâng bi” đảng đến như ông giám mục này. Tôi ngượng khi đọc những dòng chữ trên. Ông viết tiếp:

“Nếu có ai không thích cộng sản, người ấy không nên yêu cầu chúng tôi khích bác họ”. Chúa chỉ đòi hỏi chúng tôi “can đảm nói sự thật khi cần” dù phải trả giá bằng mạng sống”

Người viết có thể đồng ý với ông vế vế thứ nhất của lời tuyên bố. Nhưng thử hỏi đã có lần nào trong đời linh mục và rồi giám mục, ông cần phải nói sự thật mà ông đã giữ im lặng không lên tiếng? Hay là giám mục “vẫn phải giữ gìn lời ăn tiếng nói”?

Mà thực tế từ hơn 30 năm nay rồi, tôi khó thấy một lá thư chung nào của Hội Đồng giám mục dám lên tiếng một cách cụ thể một vấn đề gì. Và cho dù có nêu được những nguyên tắc nghe rất là sảng khoái, tôi tự hỏi mỗi năm những thư chung ấy đã đạt được những thành quả gì thiết thực?

Khi viết như thế này, tôi không nhằm chỉ toàn bộ hàng giám mục Việt Nam bởi vì ở đâu cũng có những con người tốt lành và làm hơn là nói, sống hơn là giảng dạy. Có những vị nhát sợ, lấy lòng nhà nước. Có những vị can đảm cất tiếng nói để chịu lãnh phần thua thiệt.

Thật khó mà đo lường hết được những công việc của các vị ấy. Nhưng giáo hội Thiên chúa giáo nặng về phẩm trật mà một khi cái phẩm trật đi sai đường thì sự tai hại không biết thế nào mà lường cho hết được và nó tùy thuộc vào hệ số cá nhân của vị lãnh đạo Hội đồng giám mục. Chẳng hạn nó kiên định thời giám mục Nguyễn Minh Nhật, nó mềm dẻo dười thời HY Phạm Đình Tụng và nó trở lại cứng rắn hơn dười thời giám mục Nguyễn Văn Hòa...

Nhưng chính vì chọn thái độ “giữ gìn lời ăn tiếng nói”, thái độ dè dặt, thái độ im lặng mà thực chất chỉ là che đậy sự nhu nhược và giả hình mà Tin Nhà và một số trí thức khác phải chọn thái độ:

Lên tiếng thay cho những kẻ nhận làm thinh.

Việc đầu tiên tôi mong muốn là những lá thư chung của Hội đồng Giám mục mang thứ ngôn ngữ dân gian, dễ hiểu. Đừng mang những thứ ngôn ngữ học thuật với trích dẫn đủ thứ chỉ là thứ lá chắn che đậy sự thật và che dấu sự khiếp nhược của mình. Hãy nói bằng thứ ngôn ngữ loài người để một người bình dân ít học nhất cũng hiểu được. Đừng dùng các ngôn ngữ khẩu hiệu kêu mà có thể cắt nghĩa, bẻ quặt kiểu nào cũng được như: Thiên chúa giáo đồng hành với dân tộc, Thiên chúa giáo sống giữa lòng dân tộc,...

Những khẩu hiệu ấy trở thành rỗng, vô nghĩa mà chẳng bao giờ đụng chạm đến thực tế và tôi cũng chưa bao giờ nghe bất cứ lời giải thích nào của quý vi giám mục. Thực tế các khẩu hiệu ấy đã đạt được gì?

Kể từ khi cộng sản chiếm miền Nam, giáo hội Thiên chúa giáo cũng như Phật giáo đã chịu đựng biết bao nhiêu thử thách! Nhưng trớ trêu thay, bao giờ người tín hữu luôn luôn là người trung thành và bền vững với giáo hội hơn bất cứ phẩm trật nào trong giáo hội như lời nhận xét của Lm Trọng:

“Ở trong tù thường là thế này: giáo dân hơn tu sĩ, tu sĩ hơn linh mục. Trong những vấn đề khó khăn: giáo dân vững vàng, linh mục nhẹ nhàng, giám mục im tiếng, hoặc xuề xòa”

Trích Hồi ký như trên, giám mục Lê Đắc Trọng ..

Những lời nói đơn sơ và trung thực của một người trong cuộc, một giám mục, hẳn là có trọng lượng và thuyết phục ..

Xin nhắc lại một ý của giám mục Corbes, địa phận Paris:

“Tôi rất ngại giảng cho các giám mục nên chỉ xin đưa ra một điểm để các giám mục suy nghĩ: Từ khi làm giám mục, chúng ta có còn đạo đức như khi còn là linh mục không?”

Thật vậy, đọc bài giảng của giám mục Bùi Văn Đọc tại đền thờ thánh Phao Lồ ngoại thành mà tôi chỉ thấy ở đấy những lời hoa từ trống rỗng. Ông nấp sau Thánh Kinh, nấp sau những hoa từ nguyên tắc để né tránh những vấn đề cụ thể còn vướng mắc với cộng sản. Câu trích dẫn: Chúng con không biết ăn nói phải đổi ra là ăn nói quá khéo, quá tròn. Và nói như linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm viết ngược lại:

“Cứ phải nói dù không biết nói.”

Giám mục nhân danh Chúa, nhân danh các tông huấn để rao giảng, nhưng xử sự lại rất loài người, tuy nhiên giám mục không thấy được sự trá hình đó và tin mọi việc mình làm đều vì Chúa, vì Giáo hội.

Chẳng hạn trong thư chung 1980, giáo hội đưa ra những khẩu ngữ rất kêu như giáo hội “Đồng hành với dân tộc” hay giáo hội “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” thì nó mang ý nghĩa gì trong thực tế?

Chữ đồng hành này, tôi tìm thấy nhan nhản trong những lời phát biểu của Thích Nhất Hạnh và nay một lần nừa được nghe lại từ Hội đồng giám mục Việt Nam.

Giáo hội sẽ đồng hành như thế nào với các vụ Beauxite, các vụ tham nhũng, các nhười tranh đấu cho dân chủ bị bắt cầm tù, các cuộc biểu tình chống Trung Quốc về Trường Sa, Hoàng Sa? Về vụ đòi dất tòa Khâm sứ và ngay cả vụ Bát Nhã.

Giáo hội đã đồng hành như thế nào?

Hay từ trước đến sau chỉ có một lối đồng hành bằng cách làm thinh.

Đồng hành hay hay gián tiếp đồng lõa.

Chúng tôi không chấp nhận sự làm thinh bởi vì im lặng là đồng lõa, do đó muốn cất tiếng nói thay cho những kẻ muốn làm thinh.- Những kẻ giả hình, những Pha Ri Siêu thời đại.

Sự đồng hành thực tế chỉ là cần thì thỏa hiệp, khi cần thì im lặng để được dễ dãi cho mình, bất kể những tiếng nói phản kháng cất lên từ nhiều phía. Nhưng các vị lãnh đạo ấy vẫn tin vì Chúa, vì Giáo hội mà mình đã hành xử đúng. Và cũng tin rằng mình được quyền hưởng tất cả những đặc quyền, đặc lợi ấy một cách rất tư nhiên ấy.

Chẳng hạn cụ thể trước đây năm 1992, giám mục Xuân Lộc, mang tiếng nhiều về việc để một số linh mục trong địa phận quan hệ mua chuộc cán bộ địa phương.

Vi thế, các quan hệ với nhà nước đều có giá cả, mua chuộc bằng cách này, cách nọ. Chẳng hạn, chịu chức linh mục, thuyên chuyển, xây cất phải đút lót, quà cáp với chính quyền địa phương như thế nào. Giám mục đã tuyên bố trên tờ báo Église d’Asie, ngày 16/12/1990 rằng mối thỏa hiệp giữa giáo phận và UBĐK (Ủy ban đoàn kết là thành viên của Mặt trận tổ quốc, trực thuộc vào Đảng và nhà nước để vận động đồng bào Thiên chúa giáo yêu nước, cảnh giác với các âm mưu của kẻ thù) là rất tốt. Ông tuyên bố:

“Cha con anh em chúng tôi rất đề huề. Là linh mục hay giáo dân trong Ủy Ban họ vẫn vâng phục và trung thành với Giáo Hội... Mặt khác, trong tư cách là người của Ủy Ban, họ chịu trác nhiệm trước Đảng, chính quyền và Mặt trận về các công việc họ làm...”

Trong khi đó, cái nhìn của Giám Mục Lê Đắc Trọng về Ủy Ban Đoàn Kết trước đó ở ngoài Bắc thì khác hẳn:

“Ở miền Bắc trước đây là Hội liên lạc những người Thiên chúa giáo yêu nước và hòa bình” Giáo hội khổ nhiều nhất vì đám đó trong nhiều năm, vì đó là công cụ để phá đạo, bách hại đạo, giống kiểu Lulien Apostats: Lấy đạo chống đạo, lấy người có đạo đập người có đạo, lấy con cái chống lại cha mẹ... Người Thiên chúa giáo chịu bao nhiêu khốn khổ tù đầy cũng vì nhóm này... Hiện nay nó sắp tàn nếu không có miền Nam tiếp sức và hồi phục nó dưới nhãn hiệu mới “Ủy Ban Đoàn Kết”

Và giám mục Trọng cảnh cáo:

“Họ phải thừa hiểu rằng: được chín cái lợi mà hy sinh một điều thôi, có thể là mất hết tất cả.”

Xin nhắc nhở lại một phong cách của Hội Đồng Giám mục Việt Nam và mong rằng cái cảnh đó không tái diễn nữa.

“Thủ tướng Võ Văn Kiệt tiếp Hội đồng giám mục Việt Nam.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tiếp Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đến chào và bá cáo kết quả đại hội lần thứ 5 của Hội Đồng giám mục Việt Nam... Giám mục Nguyễn Văn Sang, phó chủ tịch Hội đồng giám mục Việt Nam, đã bá cáo kết quả và trình kiến nghị của Hội Đồng giám mục gửi Thủ tướng. Thay mặt Hội đồng giám mục, giám mục chủ tịch Nguyễn Minh Nhật đã bày tỏ lòng biết ơn đối với nhà nước, chính phủ và Thủ tướng hứa cùng đồng bào, linh mục, tu sĩ giáo dân chu toàn nhiệm vụ của mình trong tinh thần kính Chúa yêu nước”

Trích báo Nhân Dân ngày 20-10-1992.

Chúa Giê su đã từng tố cáo những vi phạm, những bất công xã hội thời đó, còn các ông, những giám mục, các ông đã làm được gì? Et vous, des chiens muselés. Và các ông, các ông như những con chó đã bị bịt mõm.

Sự thực còn đó và nó là như vậy. Như đã có lần Gm Sigismondi, phụ trách Thánh bộ truyền giáo được hỏi là sao Gm lại chọn nhiều giám mục bết bát thế, Chúa Thánh Linh ở đâu?

Giám mục tươi cười trả lời, “Không phải Thánh Linh chọn đâu mà chính tôi đã tạo ra các giám mục, và tôi lại là người ít nhiều mù quáng, không phải lúc nào cũng sáng suốt cả.”

Và để kết luận phần bài viết, tôi xin trân trọng gửi đế các giám mục lời nhận xét của cố giám mục Lê Đức Trọng mà có thể nhiều vị đã được đọc rồi:

Giám Mục đoàn yếu (...) Thiếu đoàn kết, chia rẽ theo miền, theo địa phương (…) Vị thì chỉ lo cho quyền lợi của giáo phận mình, không quan tâm mấy đến quyền lợi chung, vị khác lo bảo vệ vinh quang (học vị), hầu hết nhút nhát, sợ sệt, nhất là các vị miền Nam, vì luôn luôn bị mặc cảm chiến bại. Đức giám mục Mỹ Tho đạo đức chân chính bị coi là lẩm cẩm. Không thiếu những vị kỳ thị giáo phận nhỏ to, thầm mơ ước, và thậm chí nếu có thể, vận động cách nào đó để được chuyển vào những vị trí cao sang.”

Hồi ký toàn tập phần 2, GHCGVN trước cơn bão thời đại

Tôi viết những dòng này với tư cách những người dóng lên những tiếng chuông, cảnh báo và nói thay cho những kẻ phải làm thinh và hy vọng rằng đừng để Giáo hội Thiên chúa giáo cứt gà trở thành giáo hội phân gà...

Tin từ Bảo Lộc

Tin nhà mới nhận được tin từ Bảo Lộc, do nhóm bạn bè gửi ngày 13-12-2009, cho hay một ngày sau khi thầy Thích Thái Thuận bị ép buộc ký giấy thôi không bảo lãnh cho các tăng ni sinh Bát Nhã tu theo Pháp môn Làng Mai được tiếp tục tu học tại chùa, hai linh mục thuộc tu hội dòng Chúa Cứu Thế và một số giáo dân đã tới thăm chùa Phước Huệ, vấn an các tăng ni sinh Bát Nhã hiện đang tạm trú tại đây.

Thầy Thích Thái Thuận đã tiếp đón phái đoàn và dành thời gian đưa các linh mục đi thăm chùa, giới thiệu với các tăng ni sinh Bát Nhã, chia sẻ với tăng ni sinh tại chùa Phước Huệ vừa mới trải qua những cơn khó khăn vừa qua.

Đó là hai linh mục Nguyễn Thể Hiện và Nguyễn Ngọc Nam Phong.

Với phong thái an nhiên, tĩnh tại với nụ cười thường trực trên môi của vị sư trụ trì và các tăng ni sinh khiến cuộc gặp gỡ với hai linh mục dòng Chúa Cứu Thế hết sức cởi mở và thân tình.

Nhìn các tăng ni sinh tuổi 18 đôi mươi, nét mặt trong sáng, tươi cười không ai có thể nghĩ rằng họ vừa trải qua một biến cố pháp nạn như thế và chỉ còn ít ngày nữa, họ sẽ phải rời chùa và chưa biết mình sẽ đi về đâu?

Một đời tuổi trẻ vừa phát tâm tu nguyện nay bị xua đuổi ngay trên mảnh đất quê hương mình và chưa biết tương lai sau này sẽ như thế nào?

Từ Chủ nghĩa Thực dân đến Chủ nghĩa Dân tộc sang Chủ nghĩa Cộng sản

Nguyễn Văn Lục

Phong trào giải thực trên toàn thế giới

Cuộc khủng hoảng chủ nghĩa đế quốc thuộc địa ở Việt nam xảy ra ngay từ những năm 1932-1939. Toàn quyền Albert Sarraut viết năm 1931 như sau, “Vấn đề khủng hoảng thuộc địa xảy ra ở các nước thuộc địa của Pháp trong đó có Việt Nam. Đó là một khủng hoảng kéo dài và có tính cách toàn cầu.”

Khủng hoảng thuộc địa có thể do sự suy yếu của các nước đế quốc có dính dáng đến chiến tranh thứ nhất và nhất là chiến tranh thế giới thứ hai. Kể từ 1940, các nước đế quốc thực dân như Anh, Pháp không còn khả năng duy trì được quyền kiểm soát các nước bị trị như trước nữa.

Đó là thời kỳ khủng hoảng của chủ nghĩa thực dân.

Họ mất tư thế chủ nhân ông trên các nước bị trị. Người Nhật làm chủ Đông Nam Á tuyên truyền chủ nghĩa Đại Đông Á chống lại các nước đế quốc Âu Châu

Những hình ảnh mà David G. Marr thu thập được cho thấy cuộc đảo chính Nhật ngày 9 tháng 3 là một nỗi nhục cho người Pháp. Đông thời chứng tỏ cho người dân bản xứ thấy rằng người Pháp không phải là không có thể bị đánh bại như người ta tưởng.

Đó là hình ảnh binh lính Pháp quỳ trước cổng sở hành Chánh tài chánh, trên con đường Đôi, đối diện nhà thờ Cửa Bắc, Hà Nội và hình các tướng lãnh Pháp như tướng Mordant, tướng Aymé, các ông Gautier, Chauvet,… tháng tư, 1945 ngồi xếp hàng trước quân đội Nhật. (Trích David G. Marr, Ibid, trang 58, hình 4 và trang 63 hình 5).

Các nước thuộc địa lợi dụng tình trạng rối rắm của các nước đế quốc đã đứng lên đòi quyền tự trị và độc lập dân tộc.

Năm 1942, khi người Mỹ đổ bộ lên Bắc Phi thì đó là một cuộc Giải Thực một cách êm thấm. Dân Bắc Phi đã gián tiếp được người Mỹ giúp loại người Pháp ra khỏi Bắc Phi.

Vì thế, cuộc chiến tranh thế giới thứ hai thật sự phải được nhìn lại ở hai mặt. Nó mang hai ý nghĩa lịch sử tầm vóc:

- Một mặt giải giới phe trục Đức, Ý, Nhật là điều chính yếu và lịch sử thế giới hầu như chỉ chú trọng vào điều này.

- Nhưng mặt ít ai nói tới là chiến tranh thế giới thứ hai là cơ may sống còn giúp các nước bị trị giải giới các nước đế quốc chủ nghĩa thực dân.

Hiến chương Đại Tây Dương tháng 8, 1941 đưa ra nguyên tắc nền tảng cho hòa bình thế giới là “Quyền của mỗi dân tộc chọn một hình thức chính quyền mà theo đó mà họ sống.”

Nguyên tắc đó cũng gián tiếp loại trừ tất cả những hình thức áp đặt của chủ nghĩa thuộc địa.

Người ta nhận thấy một bình minh hy vọng của các nước nhược tiểu với phong trào giải thực xảy ra trên toàn thế giới từ Á Châu sang các nước Á Phi rồi Phi Châu da đen.

Đó là một xu thế thời đại như hướng đi lớn của lịch sử con người. Phong trào giải phóng dân tộc và chủ nghĩa Quốc Gia (Nationalisme) đã làn tan băng chủ nghĩa thuộc địa trên thế giới.

Nhiều quốc gia đã thoát khỏi tình trạng lệ thuộc của ngoại bang đi đến sự tự trị. Đó là trường hợp của hầu hết các nước Á Phi đã được giải thoát khỏi tình trạng bị trị. Đặc biệt có 49 nước thuộc khối Phi Châu mà nhiều nước được tách rời ra và nay trở thành một nước tân Lập.

Cả hai bên -đế quốc và thuộc địa- đã tránh được những tranh chấp bằng quân sự làm tốn hao đến sinh mạng của người dân.

(Xem thêm Culture and Imperalism, Edward W. Said, trang 197-199)

Nói đúng ra, có hai hình thức giải thực. Một kiểu mẫu giải thực của Anh Quốc có tính cách chuyển tiếp, không bạo động (non violent) và hình thức của Pháp, có bạo động (violent) như đã xảy ra ở Việt Nam và ở Algérie.

Để kết thúc các chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới John Strachey đã viết một cuốn sách nổi tiếng nhan đề The end of Empire cho thấy chủ nghĩa đế quốc coi như cáo chung. Nhưng cái sai lầm là ông đã dựa trên quan điểm Mác Xít Cộng sản như phương tiện chính thống để đánh phá chủ nghĩa thực dân thay vi` coi chủ nghĩa Dân tộc là nguyên do chính của công cuộc giải thực trên toàn thế giới.

(The end of empire, John Strachey, tháng 2, 1960 nxb Socialist Review.)

Bài học Việt Nam, kinh nghiệm giải thực thông qua chủ nghĩa cộng sản

Chủ nghĩa cộng sản chỉ thật sự phát triển mạnh sau thế chiến thứ hai. Sự phát triển này không do các các cuộc cách mạng cộng sản trên toàn thế giới như sự rêu rao của cộng sản.

Nói cho cùng, Chủ nghĩa Cộng sản Quốc tế chỉ đến thay thế chỗ của chế độc tài Phát Xít sau khi Đức bại trận.

Độc tài cộng sản ở 8 nước Đông  đã làm các các nước này rơi vào tình trạng kinh tế tụt hậu so với các nước Tây Phương.

Đó là số phận dành cho các nước Đông Âu như Ba Lan, Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc, Đông Đức, Hungary, Bulgary, Albania, vv...

Ở Việt Nam, chủ nghĩa cộng sản thành hình và phát triển mạnh mẽ từ đầu năm 1950 khi có sự ủng hộ, tài trợ của các nước Trung Cộng, Liên Xô cho Hồ Chí Minh.

Chính vi` thế, khi so sánh công cuộc giải thực trên toàn thế giới, người viết có một ám ảnh khôn nguôi đặt ra câu hỏi là: tại sao chỉ có mình Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới phải “trường kỳ chiến đấu- 10 năm, 20 năm, 30 năm nếu cần- để đạt được độc lập dân tộc?

Câu hỏi được dặt ra ở đây là về phương diện lịch sử, Việt Nam có nhất thiết cần đến hai cuộc chiến tranh để dành được độc lập và tự do dân chủ không?

Phải chăng người cộng sản đã cố tình che đậy thực chất của hai cuộc chiến tranh ấy nhân danh chiêu bài chống thực dân Pháp năm 1946-1954 và đồng thời chống thực dân mới năm 1954-1975 là người Mỹ?

Nhìn lại cho thấy người cộng sản đã hầu như phủ nhận xu hướng giải thực trên toàn thế giới. Họ có mục tiêu chiến lược riêng của đảng cộng sản Đông Dương?

Hay chỉ vì người cộng sản không phải là đối tác chính thức ký kết bản thỏa hiệp nên bằng mọi giá họ phải phủ nhận Hiệp Hiệp định và gán cho Bảo Đại vai trò bù nhìn của Pháp. Phải chăng Bảo Đại là người hớt tay trên họ?

Bảo Đại khi ký hiệp định Élysée cũng đã kỳ vọng vào xu hướng giải thực đang diễn ra tại các nước lân bang như Ấn Độ. Hiệp Định Élysée được ký kết giữa Pháp và Bảo Đại ngày 8/3/1949 -mặc dầu không phải là một Hiệp ước trọn vẹn- vẫn là một giải pháp giai đoạn cần thiết trong tiến trình Giải Thực như Bảo Đại nhìn nhận trong Hồi Ký:

“Từ đây trở đi tôi đã thu hồi được đất Nam Kỳ, tôi coi như nhiệm vụ của tôi về điều đình đã chấm dứt. Sau nữa, thỏa hiệp này trước mắt tôi chỉ là một Giai Đoạn để tiên tới độc lập hoàn toàn.. Sự thành đạt về độc lập như thế đã xảy ra cho các nước lân cận ở Đông Nam Á như Phi Luật Tân, Miến Điện, Ấn Độ làm tôi càng tin tưởng trong hy vọng. Tôi tin tưởng rằng thỏa ước mùng 8 tháng ba, 1949 phải là yếu tố nhất định đưa đến vãn hồi hòa bình. Hỏi Việt Minh còn có thể đòi hỏi gì nữa khi tôi đã thành công, mà họ thì bị thảm bại ở các Hội Nghị Fontainebleau và Đà Lạt vào năm 1946”.

(Trích: Le Dragon d'Annam, Bao Dai, trang 219)

Chú thích: Hội Nghị Fontainebleau ở Đà Lạt thất bại vì thái độ của Pháp muốn duy trì chế độ thuộc địa và sự có mặt của họ ở đó như qua lá thư của Max André, đại diện chính phủ Pháp trao một lá thư cho Võ Nguyên Giáp gửi chủ tịch Hồ Chí Minh:

“Nước Pháp mới không tìm cách đô hộ Đông Dương, nhưng nhất quyết có mặt tại đó. Không cho rằng công cuộc của mình ở đó đã xong. Không chịu từ bỏ nhiệm vụ văn hóa của mình. Tự thẩm rằng chỉ có mình là có thể đảm bảo sự kích thích, sự điều hòa về kỹ thuật, kinh tế, ngoại giao và phòng thủ. Cuối cùng, bảo vệ quyền lợi tinh thần và vật chất của người dân nước mình.

Làm các việc này mà vẫn kính trọng hoàn toàn bản lệnh quốc gia với sự hiệp tác cần mẫn và hiến hữu của dân Đông Dương.

Đà lạt ngày mồng 5 tháng năm, 1946

Ký tên: MAX ANDRÉ”

(Trích: Hồi ký: Một vài ký vãng Hội Nghị Đà Lạt, Hoàng Xuân Hãn; trích lại từ bài Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Nguyễn Văn Lục, Tân Văn, trang 15-17, số 10/2008).

Phần Việt Minh, họ dứt khoát đi tìm sự ủng hộ của khối Cộng Sản với Liên Xô và Trung Quốc vào năm 1950. Làm như thế, họ đã chính thức từ bỏ chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa Quốc gia để chọn chủ nghĩa cộng sản như lá bài cuối cùng.

Đứng trên lập trường Dân Tộc, việc cộng sản tiếp tục cuộc chiến tranh nhân danh lá bài chủ nghĩa Mác Xít-Lê nin là có tội với lịch sử, với đất nước.

Học giả Hoàng Văn Chí, tác giả cuốn Trăm Hoa đua nở trên đất Bắc - nhất là cuốn From Colonialism to Communism, ông viết bằng tiếng Anh và xuất bản tại Ấn Độ và Anh Quốc, sau còn được dịch ra tiếng Pháp - cho rằng việc chọn lựa đảng cộng sản là một chọn lựa sai lầm của Việt Minh. Dựa theo ý kiến của tướng Nguyễn Sơn, ông Hoàng Văn Chí cho thấy cái sai lầm thứ hai của Việt Minh là:

“Tuy nhiên mối bất hoà lớn giữa Nguyễn Sơn và các lãnh tụ Việt cộng không phải là vấn đề kèn cựa địa vị, mà là vấn đề bất đồng ý kiến đối với chính sách yêu cầu Trung cộng viện trợ. Nguyễn Sơn hết sức phản đối việc yêu cầu Trung cộng viện trợ vì Sơn cho rằng hễ nhận viện trợ của Trung cộng thì sẽ mất hết chủ quyền. Sơn viện lẽ rằng hồi chiến tranh chống Nhật, ông Mao không thèm yêu cầu Nga viện trợ và để mặc Nga tiếp tế cho Tưởng Giới Thạch. Theo Sơn thì nên tự lực kháng chiến chống Pháp, đánh Pháp bằng vũ khí thu được của Pháp, tuy gian lao hơn nhưng không bị phụ thuộc vào bất cứ một ngoại bang nào. Sau một cuộc thảo luận to tiếng với ông Hồ, Sơn bực mình nhắm phía bắc, đi thẳng sang Trung Quốc. Vì được tôn là “anh hùng dân tộc” của Trung Quốc nên từ Lạng Sơn đến Bắc Kinh, đi qua tỉnh nào, Sơn cũng được đón tiếp trọng thể. Nhưng ông Hồ đã đánh điện sang Bắc Kinh, báo cáo với ông Mao là Sơn vô kỷ luật, và đồng thời Võ Nguyên Giáp cũng bắt toàn thể quân đội Việt Minh phải học tập một tài liệu đặc biệt, trong đó tả Sơn là một cán bộ “điển hình xấu”. Vì bị ông Hồ báo cáo lên tới Bắc Kinh, Sơn phải đi chỉnh huấn ngay tức khắc. Sau khi chỉnh huấn, Sơn tình nguyện đi học đại học quân sự ở Nam Kinh, do chuyên viên Nga dạy về chiến thuật quân sự hiện đại. Năm 1956, Sơn bị ung thư dạ dày và khi biết mình sắp chết, xin phép mang vợ con về Việt Nam. Hai ngày sau khi về tới Hà Nội thì Sơn chết, và Võ Nguyên Giáp phải đi đưa đám. Những người đã từng quen biết Sơn đều công nhận ông có tinh thần quốc gia mặc dầu suốt đời tranh đấu trong hàng ngũ cộng sản. Nếu không chết sớm, Nguyễn Sơn có thể là một Tito Việt Nam.”

(Trích bản dịch: Từ chủ nghĩa thực dân sang chủ nghĩa cộng sản, bản photocopy).

Mặc dầu, có rất nhiều biến cố quân sự, chính trị là nguyên xa gần, trực tiếp hay gián tiếp xảy ra dẫn đưa đến chiến tranh 1946-1954. Nhưng nhờ nhiều tài liệu của nguời Pháp đã mở ra cho thấy rằng phát súng phát lệnh đánh Pháp mở màn cho cuộc chiến 1946-1954 là do Võ Nguyên Giáp khởi đầu.

Việc Hồ Chí Minh từ chối đi về Việt Nam bằng máy bay lấy lý do sức khỏe và đòi đi về bằng đường thủy trên chiếc Dumont d'Irville là để mua thời gian. Một thời gian cần thiết để cho Võ Nguyên Giáp có đủ thì giờ thanh toán các đảng phái quốc gia như Quốc Dân, Đồng Minh Hội khi quân Tàu rút khỏi Việt Nam và củng cố lực lượng quân sự. Khi về Việt Nam, phe cánh của Hồ Chí Minh đã mua 6 tấn hàng hóa, phần lớn là dụng cụ máy móc, trang bị truyền tin. Nhưng xui cho họ, hàng hóa mua vể để địa Sài Gòn nên chiếc tàu thủy cặp bến Sài Gòn và đã bốc dỡ số hàng hóa ấy xuống. Mãi sau này mới tìm cách đưa ra Hải phòng thì số hàng hóa ấy đã hư hỏng và thất thoát.

Stein Tonnesson đã viết lại như sau:

“During the absence of Ho Chi Minh, the Viet Minh had strenthened its position considerably. The main Dong Minh Hoi leaders had disappeared from the scene, and the Việt Nam QDD had also been weakened”.

Đây là những bằng chứng sau khi dẹp các đảng phái, Việt Minh đã có kế hoạch đánh Pháp.

“On November 25 and 27, a sureté informer warned of an imminent Vietnamse attack in Hanoi. At a “reasonnable” price, the sureté bought copies of a “Défense Plan for the Capital Hanoi,”approved by Ho Chi Minh on November 24 in a restricted cabinet meeting, as well as a plan for an attack on Gia Lam airfield, approved on November 26 by a commission of military experts. The two plans had both been worked out by Giap. The sureté boss, Moret, affirmed that there was no reason to doubt the honesty (bonne foi) of the informer..” (...) Throughout 1947, French Intelligence “proved” again and again that the Vietnamse attack in Hanoi in December 19 had been long premeditated. A great number of “proofs” were established.”

(Trích: Vietnam 1946, How the war began, Stein Tonnesson, các trang 86 và 172-173).

Cùng một nhận định như Stein Tonnesson, William J. Duiker trong: The Communist Road to Power in Viet Nam viết:

“In early december, the situation worsened (...) The French decision to augment its forces and strenfhten its military position in North Viet Nam may have persuaded the Party leadership that war was unavoidable. On the seventh, Vo Nguyen Giap dispatched a circular instructing all military units to be prepared to launch an attack on French installation by the twelfth.”

(Trích: The Communist Road to Power, William J. Duiker, trang 124)

Vài ngày tiếp theo sau đó, Việt Minh đưa ra lời kêu gọi toàn dân chuẩn bị cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong thành phố Hà Nội, bộ chỉ huy và quân đội Việt Minh rút về Hà Đông và để lại dân quân du kích, tự vệ thành phố “cầm chân” quân đội Pháp. Họ đắp những ụ đất ở một số địa điểm và đào tường từ nhà nọ thông thương sang nhà kia.

“Tunnels and trenches were constructed to permit communication from one sector to another without the use of main arteries”

(Trích W. J. Duiker, Ibid, trang 124.)

Người Pháp đã yêu cầu Việt Minh dẹp bỏ các ụ chướng ngại vật trong một số khu phố và gửi tối hậu thư cho Việt Minh phải giải giới. Việt Minh cũng muốn tấn công Pháp một các bất ngờ, nhưng như nói ở trên, tin tức tình báo mà người Pháp nắm được qua một tình báo viên nên người Pháp đã chuẩn bị canh phòng cẩn mật.

“The Viet Minh had counted on the element of surprise, but the French had been forewarned of the attacks by an agent during the afternoon of the nineteenth and had placed their forces in the Hanoi region on the alert.”

(Trich W. J. Duiker, Ibid, trang 125)

Vì thế, sau khi súng nổ, quân đội Pháp đã làm chủ được tình hình trong thành phố, nhất là chiếm giữ những khu trọng yếu có Pháp kiều cư ngụ cũng như nắm giữ được phi trường Gia Lâm.

Hồ Chí Minh đã rút bộ chỉ huy về Hà Đông trước khi phát động chiến tranh. Hà Đông chỉ cách cách Hà Nội 6 cây số. Nếu ngay sau đó, quân đội Pháp quyết định nhanh chóng nhảy dù bao vây Hà Đông thì toàn bộ Tham Mưu của Việt Minh từ Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng có thể bị bắt. Tình hình chắc đã đổi khác. Cho nên đi đến kết luận Võ Nguyên Giáp là động cơ chính và là ngòi nổ mở màn cho cuộc chiến tranh Pháp-Việt.

Cá nhân người viết bài này còn ghi nhớ trong đầu, tối ngày 19, 1946, khi vừa bước chân lên cầu thang để đi ngủ thì nghe một tiếng nổ lớn, sau đó đèn điện trong nhà tắt phụt, phải lần mò cầu thang để lên lầu. (Người viết ở đối diện với sở quân nhu và sở Hành chánh tài chánh của Pháp. Cơ sở rộng lớn này chiếm hai mặt đường. Con Đường Đôi và phố Cửa Bắc trước đây là thành Hà Nội, nơi mà Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu đã tuẫn tiết ở đó). Đằng sau là dãy nhà ba tầng dành cho cư xá sĩ quan không quân Pháp. Suốt đêm không nghe thấy tiếng súng nổ. Nếu có thì từ xa..Sáng hôm sau, sở Hành Chánh tài chánh của Pháp thấy có hai xe thiết giáp trấn giữ, chĩa súng ra ngoài.

Cũng không xa chừng vài trăm mét, người viết thấy một vài khẩu súng gỗ còn vứt lại trên vỉa hè. Thật hết sức là ngạc nhiên không hiểu được. Làm sao Tự vệ có thể dùng súng gỗ bắn lại quan đội Pháp? Trên bờ đê Yên Phụ, nhìn từ phố Cửa Bắc, cách chừng hai cây số đường chim bay nổi bật trên nền trời, từng đoàn người lũ lượt gồng gánh hối hả chạy về hướng Nam thành phố. Chỉ trong một đêm, thành phố Hà Nội bị bỏ hoang. Trong khu phố cổ như Hàng Ngang, hàng Đào, hàng Thiếc, nhà nọ thông thống sang nhà kia. Nghe nói Tự vệ cầm cự được hai tháng đủ thời giờ cho bộ đội chính quy rút lên miệt Bắc.

Đây là chính sách tiêu thổ kháng chiến mở đầu cho cuộc chiến Việt-Pháp. Nó đã mở đầu như thế một cách kỳ lạ.

Việc phá nổ nhà máy đèn là bước đầu của cuộc chiến tranh Việt- Pháp theo kế hoạch của Võ Nguyên Giáp.

Võ Nguyên Giáp là người quyết định chung cuộc chiến tranh Đông Dương -HCM bị động trong trường hợp này- và Việt Nam không quan tâm hoặc nghi ngờ những giải pháp ngoại giao cũng như xu hướng giải thực trên toàn thế giới.

Ông nóng lòng, không nhẫn nại được nữa trong bầu khí chờ đợi, căng thẳng từng ngày.

Thật vậy, phải nhìn nhận xu hướng giải thực ở Việt nam cũng có dấu hiệu tiến bộ và thay đổi cho thấy có cơ hội thực hiện từng giai đoạn một ở Việt Nam với sự nhượng bộ của Pháp khi ký kết Hiệp Định Élysée giữa Bollaert và Bảo Đại sau những đàm phán thất bại giữa Pháp và Việt Minh.

Công việc giải thực từng giai đoạn một đã từng xảy ra tại Canada, Úc và Tân Tây Lan (New Zealand - DCVOnline) vào năm 1922, nằm trong khối Commonwealth. Và cũng tương tự như thế tại Tunisie, Maroc vào năm 1958, nằm trong khối quốc gia Territoire d'Outremer. TOM).

Năm 1947, Ấn độ được độc lập và lập tức Pakistan tách ra khỏi Ấn Độ. 1950, Indonesia dành được độc lập từ Hoà Lan. Lần lượt đến Mã Lai, Tích Lan và Miến Điện lấy lại độc lập. Từ Đông sang Tây, từ Bắc Phi những nước thuộc địa nằm trong quỹ đạo của nguời Anh, Pháp và Bỉ đều dành được độc lập.

Và đã có 49 các nước tân Phi Châu tách rời ra và trở thành các nước tân lập.

(Trích Culture and Imperialism, Edward W. Said, trang 199)

Chỉ trừ Việt Nam và Algérie khi dành được độc lập đã trả giá rất đắt.

Butterfield nhận định, đây là “The tragic element in human conflict”. Stein Tonnesso đánh giá “War was Vietnam's predicamment for well over forty years. No other country has suffered as many war casualties since World War II.”

Từ 1945 đến 1954, khoảng 365.000 người đã bị giết, 40.000 về phía quân đội Pháp, 200.000 về phía Việt Minh và 125.000 thường dân.

(Trích: Viet Nam 1946, How the war began, Stein Tonnesson, trang 01.)

Nhưng Viêt Minh ngoảnh mặt làm ngơ trước những tiến bộ đạt được qua các thương lượng, các Hiệp định được ký kết với người Pháp. Người cộng sản tiếp tục tiến hành chiến tranh giải phóng bất kể quyền lợi dân tộc, đất nước bị hy sinh cho tham vọng chính trị của đảng cộng sản.

Nhận đinh lại cái giá phải trả cho nền độc lập Stein Tonnesson cho thấy rằng:

Chẳng những thế, họ còn tiến hành cùng một lúc hai việc:

- Thanh trừng, khai trừ tất các lãnh tụ đảng phái chính trị những người Quốc như một khủng bố trắng suốt từ Nam ra Bắc.

- Mặt khác, họ phát động các phong trào đấu tranh giai cấp thể hiện qua cuộc cải cách ruộng đất bắt chước theo Trung Quốc. Đây là công cuộc dọn đường cho sự áp đặt chủ nghĩa xã hội trên toàn thể khối dân tộc.

(Trích Viet Nam 1946, Ibid, trang3-4).

Chiến thắng xong Pháp ở Điện Biên Phủ, họ coi đó là thành tích lãnh đạo của đảng Cộng sản, phủ nhận mọi sự đóng góp xương máu của những thành phần kháng chiến yêu nước.

Rõ ràng chủ nghĩa dân tộc trong trường hợp Việt Nam đã bị người cộng sản vận dụng chủ nghĩa dân tộc cho những vận động chính trị của đảng cộng sản Đông Dương.

Nói khác đi Chủ nghĩa dân tộc chỉ là một biến thái của chủ nghĩa cộng sản bá quyền.

Ngày nay, cuộc chiến thắng Pháp ở Đông Dương thông qua Hiệp định Geneva phải được hiện nguyên hình là một cuộc chiến tranh Ý thức hệ giữa Thế giới Tự Do và Thế giới Cộng Sản kể từ thập niên 1950 trở đi.

Hiệp định Geneva chỉ tạo ra một ảo tưởng chính trị rằng cuộc chiến tranh đã chấm dứt. Nhưng ngay từ sau khi Hiệp định được ký kết thì người cộng sản đã chuẩn bị cho giai đoạn hai để thôn tính miền Nam rồi. Chính thức đảng Cộng sản Đông Dương của Hồ Chí Minh đã được hai đảng đàn anh công nhận là Trung Quốc và Liên Xô. Cũng chính thức, họ được sự viện trợ quân sự “vô điều kiện” từ các nước XHCN anh em.

Phía bên Thế giới Tự Do, Mỹ trực tiếp nhúng tay vào tình hình chiến sự Đông Dương bằng cách viện trợ quân sự và kinh tế cho Pháp và chính phủ Bảo Đại của chính quyền Quốc Gia.

Đánh pháp dưới lá cờ Chủ nghĩa Dân tộc đã đánh lừa được cả một thế hệ thanh niên tham gia vào cuộc chiến. Nhưng cuộc chiến 1954-1975 cũng một lần nữa khoác chiêu bài “Chống đế quốc Mỹ và tay sai bán nước”!

Nhìn lại mà không khỏi đau xót là Việt Nam là nước duy nhất trên toàn thế giới đã trả giá quá đắt cho việc thâu hồi độc lập với sự hy sinh tính mạng nhiều nhất, thời gian kéo dài nhất 30 năm, và nhất là sự tụt hậu phát triển so với các nước láng giềng như Đại Hàn, Thái Lan, Trung Quốc, Nam Dương, Singapore với cùng hoàn cảnh bị đô hộ.

Lê Duẩn viết trong Thư vào Nam:

“Ta đã dùng đấu tranh chính trị và quân sự để giành lấy những vùng nông thôn rộng lớn, nhưng vẫn chủ trương để cho quần chúng giữ thế hợp pháp với địch.

Làm như vậy vì chúng ta thấy được tính chất quyết liệt và lâu dài của cuộc chiến.”

(Trích Thư vào Nam, gửi cho Mười Cúc, tháng 7, năm 1962, Lê Duẩn, trang 72).

Người cộng sản không bao giờ dám nhìn nhận điều này. Không bao giờ dám so sánh, dám đặt câu hỏi tại sao Việt Nam lại thua kém các nước láng giềng hàng nửa thế kỷ?

Một phần họ thực sự mắc chứng vĩ cuồng về chiến thắng Pháp và Mỹ. Họ không tự hỏi sau chiến thắng đó học được g? Khi Phạm Văn Đồng sang thăm Lý Quang Diệu ở Singapore để học bài học vỡ lòng về bài học phát triển kinh tế. Theo Lý Quang Diệu, ông ta đã không học được gì, về tay không vì sự đui mù ngu dốt. Những người học trò đầu tiên của Lý Quang Diệu là Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc và Võ Văn Kiệt.

Sau này việc “phong thánh” cho các anh hùng liệt sĩ chỉ thêm bẽ bàng và không đủ giải thích và cứu vãn cho tính trạng tụt hậu phát triển so với các nước trong vùng.

Sức nặng quá khứ thay vì giảm nồng độ lại đào sâu thêm vào tâm trí người dân về một sự hy sinh vô bờ bến về sức người, sức của một cách uổng phí!