Phần 105

CUỘC SỐNG Ở MỘT NƠI NÀO KHÁC

::: Nguyễn Văn Lục :::

(nguồn: DCVOnline)

Thóc thơm

Gạo trắng

Gió hiền

Miền Nam phì nhiêu nắng ấm

(Trích bài thơ xuôi cho Trần Văn Bá của Dương Như Nguyện)

Cuộc sống ở một nơi nào khác (la vie ailleurs)

Đặt chân đến Sài Gòn, tôi chỉ có một ý nghĩ là về: về với gia đình về với những kỷ niệm và tìm lại mình. Nhìn lại anh chị em mình còn ở lại. Gặp lại con cháu mình mà từ hơn 30 năm chưa gặp mặt. Đứa chưa gặp thì lạ hoắc. Nhìn nhau mà ngỡ ngàng, mà cười. Tất cả là hơn 60 đứa cháu lớn nhỏ. Tiền lì xì trong dịp tết phải có danh sách lần lượt mỗi nhà. Vui ơi là vui. Nhiều đứa đã lớn cái đầu, đã có dâu rể còn tỵ nạnh, mè nheo đòi cậu, đòi ông trẻ cho thêm. Thì cũng cho. Đứa gặp lúc thuở nhỏ thì nay cũng đã đứng tuổi hoặc chập chững bước vào tuổi già. Mừng vui lẫn lộn, cười chảy nước mắt. Lúc ra đi, cả một bầy vẫy tay la hét. Cứ nhốn nháo cả lên. Ra đi mà lòng không đặng. Cuối cùng cái gì còn lại chỉ còn lại một cuộc nối lại khúc ruột mà nhiều năm nay đứt đoạn.

Phần tôi chỉ mới nối được khúc ruột máu mủ.

Phần còn lại, Việt Nam còn nhiều khúc ruột đứt như thế lắm. Cần phải nối. Trước mặt là khúc ruột 75 của 3 triệu người di tản. Bài học thống nhất nước Đức chẳng dạy dược chúng ta điều gì, cũng chẳng rút ra được bài học gì. Vì thế mà thống nhất đất nước thì đã xong từ lâu, nhưng thống nhất lòng người thì hẳn là chưa. Hơn 30 năm rồi. Hận oán vẫn chưa nguội.

Và qua chuyến về này, tôi cũng thấy là chưa phải lúc, hay lúc chưa tới.

Phải thú thực với lòng mình, tôi chỉ thấy an bình khi về nhà. Ra khỏi cái bầu khí đó tôi có cảm tưởng cuộc sống ở đây như thể một cuộc sống ở nơi nào khác. Cái gì cũng chổn rổn, lạ lẫm và không quen thuộc. Hoặc lố bịch, hoặc vô trách nhiệm, hoặc hỗn loạn xô bồ vô tổ chức.

Vẫn đường phố ấy, nhộn nhịp hơn với những sợi giây trời giăng mắc chằng chịt bừa bãi.

Nhiều lúc tôi nhìn những sợi giây điện, từng bó, cả trăm sợi, quấn chằng chịt, len lỏi vào ban công mỗi nhà, chui vào ngõ hẻm. Mà tôi rùng mình sợ hãi.

Tôi đếm ra được nhiều sợi. Sợi gian dối, sợi tuyên truyền, sợi vu oan, sợi tô hồng, sợi gian tham, sợi tệ bạc.

Và ở nơi đây, đám đông người nhung nhúc, cứ như phải nhoi lên mà sống, nhoi lên mà thở như thể lẽ sống còn.

Thời gian bất tận

Ở nơi đây, nơi mà tôi đã lớn lên, đã trưởng thành, tôi có thể đong đếm mỗi năm cuộc đời bằng thời gian ngày, tháng, năm. Bằng thứ hai, thứ ba và thứ bảy, chủ nhật… Có thứ bảy cuối tuần, có lúc hẹn hò, có lúc dong chơi cuộc đời. Có ngày làm, ngày nghỉ như hai nhịp bước chân, có nhịp đi thì có nhịp nghỉ.

Tôi đã mất một cảm giác về thời gian như thế.

Thời gian bây giờ là thời gian miên tục, triền miên đến không còn ý niệm thời gian nữa. Việt Nam, đất nước tôi, Sài Gòn, Hà Nội. Thời gian lúc nào cũng là lúc không giờ. Thời gian chuyển động triền miên cũng là thời gian lúc nào cũng chỉ không giờ. Nó xoay chuyển liên tục, chóng mặt như một vòng xoáy, như một cơn lốc, như một cơn mê.

Nó không có lúc nào bắt đầu nên cũng không có lúc nào dứt điểm.

Người lao động các khu chế xuất làm từ sáng tới đêm, làm hùng hục, không còn thấy ánh sáng mặt trời. Và nay thì họ đã cất lên tiếng nói bằng đình công. Nhiều chỗ, nhiều nơi ở các khu chế xuất, nhất là Biên Hoà, Long An. Ít lắm đã có gần 20000 ngàn công nhân đình công..

Không làm thì ăn uống suốt từ sáng đến đêm. Lúc nào cũng là ăn, lúc nào cũng là uống và như thể không có công việc gì khác ngoài chuyện ăn uống. Sáng trưa chiều tối. Đêm là ngày, ngày là đêm. Thứ hai, tư sáu, thứ bảy chủ nhật. Lúc nào là nghỉ, lúc nào là làm. Xe cộ như mắc cửi như thể không ai làm việc gì, ngoài việc phóng xe ngoài đường.

Hình như cuộc sống chỉ còn có hai nhịp: hùng hục làm và hùng hục ăn.

Tiếng động triền miên

Ai mới đặt chân đến Sài Gòn đều có cảm giác là bị tiếng động tra tấn. Đó là một cảm giác có thật. Tiếng động của đủ mọi loại xe, tiếng bóp còi inh ỏi. Mà không có tiếng động thì không còn là Hà Nội, Sài Gòn nữa.. Đó là chu kỳ tần số âm thanh như những đợt sóng âm thanh bất tận đập vào màng nhĩ tai. Tôi chỉ thực sự nhận ra Sài Gòn ngưng nghỉ có một lần. Đó là lúc 5, 6 chiều tối 30 tết.. nhưng chỉ độ 9 giờ tối, nó lại rơi vào cơn mê điên cuồng của Tiếng Động.

Trong cơn mê điên cuồng của tiếng động, con người đánh mất bản thân mình, không còn là mình.

Đó là cuộc vong thân trong tiếng động.

Con người không có thì giờ để nghĩ, để yêu thương, để nhìn lại mình. Mất hẳn cuộc sống riêng tư một mình. Tiếng động nay len lỏi vào bất cứ căn ngõ hẽm nào, bất cứ chỗ nào gọi là đuờng. Cứ chỗ nào không có nhà thì chỗ đó là đường đi, xe cộ chen chúc, lách mà đi và chỗ đó sẽ có tiếng động.

Tiếng động trấn áp tất cả. Đến gà không thể gáy, chó không thể sủa. Hết rồi tiếng chim hót trên cành. Hầu như, ngay ở Hà Nội, đường phố còn khá nhiều cây xanh mà tôi cứ tấm tắc khen mãi. Ít ra còn có mảng da trời, ít ra còn có cây xanh hai bên đường phố. Vậy mà tôi cũng chưa hề nghe tiếng hát của loài chim, dù là chim sẻ. Hãy chỉ cho tôi, có con chó nào dám ra đường sủa, hoặc dám tè một bãi, nhất là dám nghêng ngang đứng trước cửa nhà gâu gâu.

Chó cụp đuôi, gà tắt tiếng, chim ngừng hót.

Cuộc sống trí tuệ và tình cảm con người đã bị khô chồi và tàn lụi vì tiếng động.. Tiếng động phá và làm rối lọan các cơ năng thần kinh não bộ. Người ta không thể tập trung tư tưởng được, không thể học được, không thể nhớ được, nói chi có thể sáng tạo được. Người ta cũng không thể yêu thương được, cùng lắm chỉ làm tình được.

Và rồi trong cơn mê điên cuồng của tiếng động, nó sẽ đánh thức tiềm lực của bản năng, của những động lực vô thức, của bản năng sinh tồn, bản năng tình dục.

Khi mà con người bị vong thân trong tiếng động thì tất cả cơ chế vận hành của con người sẽ là những bản năng tự tồn. Con người sẽ sống như những loài động vật hay như những bộ máy biết đi, biết ăn, biết ngủ, biết làm, biết kiếm tiền, biết làm tình. Trẻ con hùng hục đi học từ sáng tới tối, tới đêm. Bừng con mắt dạy là học. Học như nhét, như nhồi. Học như tống vào đầu mà đầu óc như một kho chứa.

Người ta tưởng là làm, nhưng thật ra chỉ là những vận hành cử động của một guồng máy xã hội đẩy người ta đi.

Việt Nam báo hiệu có sự thay đổi và phát triển với tiềm năng và hy vọng lớn. Nhưng nó cũng cảnh báo về một nguy cơ suy sụp toàn bộ giá trị làm người.

Nhìn mà cảm thấy ngao ngán và lo ngại. Tình người khan hiếm, bạo lực có thừa, bản năng và thú tính ngự trị, lường gạt và dối trá là món hàng trao đổi.

Việt Nam đang sống hay quay trở lại thời kỳ ngự trị của hoang dã, mất khả năng thực hiện làm người. Đó không phải là xã hội người biết tôn trọng pháp luật, biết để cái chung trên cái riêng, biết cho và nhận. Nó không còn là xã hội lý, cũng chẳng phải xã hội tình (Theo sự phân biệt của Paul Ricoeur) mà là xã hội ở thời kỳ hoang dã.

Nếu đất nói được, nếu thiên nhiên biết nói tiếng người, nó sẽ nguyền rủa con người.

Một đất nước mà tôi xa lạ đến không hiểu được như cuộc sống ở một nơi nào khác. Đó là cái cảm tưởng mà tôi cần phải nhắc lại. Tôi như bị vất vào một tinh cầu nào đó, một cái gì đó mà tôi chưa rõ mặt. Tôi chưa thể hội nhập vào cái dòng chảy sự sống với tiếng động đêm ngày, với tốc độ, với thời gian vô tận, với tương giao con người không còn nữa trong những giao dịch..

Cùng lắm tôi chỉ còn thấy le lói nơi những người khó nghèo, nơi những người cùng khổ. Tôi gần gũi họ hơn, tôi dễ chia xẻ hơn.

Xin từ từ để tôi còn có thể nhận ra quê hương mình.

Bài viết này, không phải để nói xấu quê hương mình, nhưng muốn bày tỏ những điều tôi đã nghe, đã thấy và đã cảm nghiệm như thế nào với tư cách một người Việt.

Đi Hà Nội để tìm lại một phần của đời mình

Tôi đã ra Hà Nội và tôi đã thấy gì. Hà Nội tôi thế đấy? Nhắc lại bài viết thời danh của Nguyễn Ngọc Lan. Thăm Hà Nội là để tìm lại một phần đời mình, một chút kỷ niệm, một chút mảnh đời tuổi trẻ.

Tôi còn nhớ lại trước đây vào những buổi sáng tinh mơ, mặt nước hồ Tây hay còn gọi là Dâm Đàm có nghĩa là đồng sương mù còn mờ hơi sương. Sương la đà mặt đất, phủ nhẹ trên các lá cây một lớp bụi trắng đọng lại thành từng giọt nước. Phải lâu lắm, ánh sáng mặt trời mới làm tan lớp sương mỏng. Trên cao, một đàn chim sâm cầm lượn đi ăn sáng, chân duỗi thẳng ra đằng sau, thân mình nhọn dài, đâm chéo lên chân trời như trong một bức tranh.

Tôi còn là một cậu bé Hà Nội co ro trong chếc áo len nhiều mầu chật đến muốn nứt ra, chân đất chân không tới trường. Hà Nội tôi thế đấy, nghèo mà thân thương. Nhớ từng bụi cỏ, những buổi tối đi bắt ve sầu để xem nó nở vào lúc nửa khuya, để xem một cuộc hoá thân diệu ảo. Đến những ngày dông gió lớn, rét căm căm, khom mình chạy ra đường buổi tối lúi húi nhặt sấu. Ăn cho đỡ đói. Đến những buổi trưa ra gốc cây bàng, nhặt quả khô rồi lấy đá đập ăn cái nhân bùi ở trong. Hoặc leo lên gác chuông nhà thờ bắt chim sẻ. Đến những ngày làm lấy lưỡi câu, ra hồ Tây câu cá. Đến những ngày lang thang đi quanh co trại lính tây để may ra nhặt được mẩu thuốc lá Philipp Moris, hay một vỏ bao thuốc lá không thì mừng vô tả. Đến những lúc nhặt được một nút chai la bière Ô Mền, rồi ra đường tầu điện để cán thành những đồng xèng.

Những lúc ấy, cái gì cũng thèm, cái gì cũng đẹp, cái gì cũng thích, cái gì cũng nhớ. Nhớ mùi phở bò gánh bốc lên tỏa ra một sớm. Nhớ mùi lạc rang bờ hồ ủ nóng. Cái gì cũng gần gũi thân thương. Từ tiếng ve sầu inh ỏi lúc trưa hè, tiếng rao phá xa của một ông tầu già, tiếng tục tắc, tiếng leng keng của đường tầu điện.

Đẹp ngay cả trong những khốn khổ lầm than, đói rét. Thương ngay cả những cái nghèo tồi tàn đến tội nghiệp.

Nghĩ tới những người đàn bà gánh phân người kĩu kịt nối đuôi nhau hàng một gánh ra khỏi thành phố. Nghĩ tới những người buôn phân, khều tay ngửi xem phân tốt hay xấu, trả giá theo phân nhà giầu hay phân nhà nghèo. Phân nhà giàu thì tốt, giá cao hơn phân nhà nghèo. Tôi cũng thấy thiếu cái thi vị Hà Nội mà mỗi buổi sáng tinh mơ, từng đoàn người lũ lượt từ hướng làng Ngọc Hà, phía sau vườn Bách thảo, làng Nghi Tàm, khu vực cạnh Hồ Tây quang gánh những tinh hoa của trời đất với những bông hồng, bông sen trắng đỏ, những cụm sói bông trắng lá xanh, rồi những cành mai vàng, cụm quất đem vào thành phố. Ngược chiều là những người đi đổ thùng phân đi ra khỏi thành phố.

Hà Nội ngược chiều, nếu có những người đàn bà gánh phân đi ra đem theo cái xú uế của thành phố thì cũng có những người đàn bà kĩu kịt đem hương hoa và cái tươi tốt vào thành phố.

Hà Nội trước 54 là Hà Nội với nét tương phản như thế. Cái cảnh đó không còn nữa. Cái kỷ niệm đó cũng không còn nữa.

Con đường Cổ Ngư ở phía tay mặt, nay dựng lên những quán ăn che mất mặt hồ. Tầm nhìn thu hẹp lại, chỉ còn ngửi thấy mùi thịt nướng từ quán ăn xông ra. Phía cuối đường là chùa Trấn Quốc nay bị những khối bê tông chắn hết tầm nhìn. Sừng sững và trấn áp. Bờ hồ Hoàn Kiếm thì nay chình ình việc xây cất một toà nhà lớn của công ty Bưu điện. Bệnh xây cất tùy tiện là thứ bệnh dịch lan tràn khắp nơi. (Maladie de la pierre).

Con người cũng chả được tôn trọng thì thiên nhiên xá gì.

Tôi cứ tự hỏi tại sao làm như thế. Mà hình như mọi người ở đây thấy chuyện đó là bình thường, thấy tự nhiên và không có gì để nói.

Giữa người trong nước và người ở xa về có một sự khác biệt sâu xa về tầm nhìn, tầm vision, về cái bình thường cái không bình thường. Người trong nước thấy mọi chuyện đều bình thường, ngay cả cái tồi tệ nhất, cái không chấp nhận được, cái không thể hiểu được. Người ở ngoài về thấy mọi cái đều không bình thường.

Đất nước muốn khá phải phá vỡ cái tâm thức coi mọi chuyện là bình thường ấy. Chẳng hạn ăn hối lộ công khai là không bình thường, xả rác bừa bãi là không bình thường, con gái Hà Nội chửi địt mẹ là không bình thường. Nữ sinh viên vừa đi học, vừa làm điếm là không bình thường. 600 tờ báo đủ loại nói cùng một thứ tiếng là không bình thường. Hàng trăm, hàng ngàn quán cà phê ôm, cà phê đủ thứ là không bình thường.

Và đất nước này, có hằng trăm, hằng ngàn thứ bình thường phải được coi là không bình thường thì mới khá lên được.

Chính vì thế, người dân và chính quyền phải có con mắt, phải có sự thức tỉnh để nhìn ra được cái điều bình thường, chính là bất bình thường.

Bài toán giải trừ nếp sống văn hoá người Việt chưa lành mạnh là nhận ra cái bất bình thường trong cái bình thường. Cái quá quen thuộc, chính là cái cần sửa đổi.

Cái cảm giác không an toàn là cảm giác thiết thực nhất khi sống ở Hà Nội hay Sài Gòn. Cảm giác bất an vây bọc tứ phía, từng giờ, từng phút.

Tôi đạp xe xuống phía Giám để về Hà Đông vào thăm dinh Hoàng Cao Khải, nơi mà tôi đã từng học nhiều năm với biết bao kỷ niệm. Gần đấy là Gò Đống Đa giống như một cái lúm đất mỗi ngày mỗi lùn đi, bị khuất lấp bởi những nhà xây cất phía trước mặt. Hỏi thăm mãi mới tìm ra được. Lên trên gò Đống Đa, ở phía tay trái, người ta lại tham lam làm một cái cái sân chơi với các cây đu cho trẻ con. Sân chơi cho trẻ con là cần lắm, tốt lắm. Nhưng phải làm ở chỗ khác, không được đụng đến di tích lịch sử. Nếu đã đụng như thế thì nên dẹp gò Đống đa đi cho rồi. Còn gì là di tích lịch sử nữa. Dinh Hoàng Cao Khải, thời trước 54, trước mặt là một cái hồ bán nguyệt, rộng mênh mông nay thật đến ngu xuẩn người ta làm hồ nuôi cá. Giữa hồ là cái bè nổi với các thùng phuy có cái bảng đề như sau: Hồ thả cá. Cấm câu cá, đổ rác. Cổng vào dinh thì nay trở thành: Trụ sở tuần tra nhân dân quận 9. Dinh này có thể biến thành khu di tích lịch sử nay trở thành hồ câu cá. Lấy cái lợi nhỏ, cục bộ quên cái lợi lớn. Óc tham lam địa phương che mờ cái nghĩa lớn. Buồn thay. Tôi vừa đọc tờ báo Khơi Nguồn, số 5, có bài của ông Diệu Tần viết như sau:

Về kiến trúc cổ, chùa Diên Hựu hay chùa Một Cột là một trường hợp điển hình có sự mâu thuẫn nặng nề giữa quyền lực chình trị và nhu cầu bảo tồn di sản quốc gia… Nguồn tin mới tiết lộ là khi xây chỗ cho ông Hồ, những người có trách nhiệm muốn phá bỏ ngôi chùa đặc biệt có một không hai trên thế giới cho rộng chỗ, cho vĩ đại hơn.. Rất may là “chướng ngại vật” vẫn còn trơ trơ, nhưng người ta cho biết chùa nằm vào thế kẹt ngó rất khiêm nhường và thảm bại.

Vậy mà đi đến đâu cũng nói bảo tồn văn hoá. Cả thành phố Sài Gòn, cứ mỗi cổng vào các phường khóm đều có cái bảng đề: khu văn hoá. Không ở đâu mà có nhiều kêu gào, quảng cáo cho một nếp sống Văn hoá lại vô văn hoá đến như thế? Người phu quét đường vừa thu dọn rác vừa xong, chưa đi hết dãy phố, đã có người khác mang ra một túi rác ra để rồi. Cảnh đó ta có thể nhìn thấy xảy ra hằng ngày, ở bất cứ đâu. Nhất là ở Hà Nội.

Hà Nội thu tóm trong một chữ đéo, nếp sống phi văn hóa, xuống cấp và tồi tệ.

Đó là nếp sống với đéo chỉ, đéo biết, đéo nghe, đéo cần, đéo sợ và cuối cùng là đéo khá được.

Trên đường về, tôi nhớ đến hai toa tầu điện kêu kính keng với cái sào điện trên nóc. Đã không còn nữa. Tôi thử đi tìm hiểu xem, đường tàu điện đã được gỡ bỏ từ năm nào.Tôi kiếm được tờ National Geographic, nằm ở xó kẹt tủ sách của tôi, số tháng 11/1989, có bức hình xe điện chiếm toàn hai trang báo. Tôi ngắm đi ngắm lại. Dĩ nhiên nó không đẹp và rếch rác hơn thời 1950. Nhưng tàu điện vẫn còn đó. Nó như một cái mền rách. Nhưng chỉ cần nó còn đó, rách cũng đuợc, sơn quét lại mấy hồi. Lớp vỏ bên hông tầu điện tróc sơn từng mảng, rách nát. Cửa sổ bằng then gỗ cái còn cái mất. Nó chỉ chạy có một toa. Và đằng trước toa, đứng ở bên ngoài, vẫn có một người mặc áo xanh, quần đen, đi dép, đang kéo một sợi giây hay cái gì đó để điều khiển cho tầu điện có thể chạy được. Cái kỷ lục của xe điện thành phố Hà Nội, trong hàng thế kỷ, theo ý nghĩ riêng tư của tôi, có lẽ nó chưa cán chết một người nào, chỉ vì nó đi chậm. Chậm đến độ, tôi có thể nhảy lên lúc nào tôi muốn và nhảy xuống bất cứ chỗ nào để khỏi trả vé. Cách nhảy lên cũng cần kỹ thuật lắm, phải chạy nhanh theo hướng xe điện, rồi thuận đà nhảy lên. Xuống cũng vậy, nếu không thì ngã dập mặt. Tôi đếm được tất cả hơn 20 chục chiếc xe đạp đi ngược đi xuôi chung quanh xe điện, sắp quẹo. Chắc là Ngã Giám. Trong đó chỉ có một xe Honda.

Sau 14 năm thống nhất, qua chiếc tàu điện. Hà Nội vẫn như một chiếc mền rách. Nghèo nàn và lạc hậu.

Hà Nội chỉ có hai nơi có thể hấp dẫn khách du lịch là khu phố cổ và đường tầu điện. Bỏ đường tàu điện là mất một nửa. Tàu điện làm nghẽn tắc lưu thông thì ta làm xe điện ngầm. Lấy nguồn lợi tức từ di tích lịch sử đường tầu điện để bù khuyết vào. Ai đến San Francisco cũng bắt buộc phải đi thăm cầu Golden Gate và đoàn xe điện. Đường có ùn tắc giao thông thì ta giải tỏa. Du lịch là nguồn vốn sẽ thu lại sau.

May mắn là khu phố đối diện nhà thờ cửa Bắc, xưa gọi là thành cổ Hà Nội, Bắc môn còn giữ lại được hai vết tích vết đạn đại bác của quân đội Pháp bắn vào thành Hà Nội. Dưới đó có ghi: thành cổ Hà Nội, Bắc môn 25 tháng tư, năm 1882. Bombardet de la citadelle par les cannonières surprise et fanfare. Chỉ có hai lỗ đạn thị uy đủ làm khiếp đảm quân lính trong thành. Thật ra đạn đó có giết ai đâu. Dọc con đường Hoàng Diệu hay Nguyễn Tri Phương, trùng trùng điệp điệp, nay là dinh cơ của hằng trăm các cấp lãnh đạo lớn nhỏ, tướng lãnh. Đây là những đền đài dinh thự của các vua chúa mới thời Cộng Sản và có thể nói ươc mơ cuối đời của giai cấp lãnh đạo chỉ gồm có hai điều: Sống ở nơi đây trong các dinh cơ đồ sộ và tráng lệ, chết thì lưu danh với tên tuổi trên đường phố.

Chỉ nhìn những con đường này, tôi nghĩ tới Con đường Trần Văn Bá của nhà văn Lê Thị Huệ:

Một đất nước của những kẻ thâm niên làm lịch sử

Hà Nội nay như thiếu vắng một cái gì xác lập nó là Hà Nội. Hàng Đào chẳng cần lụa nữa và hàng Bạc nay cũng chẳng cần vàng nữa.

Hà Nội chỉ còn một nét đẹp cố hữu là các hàng cây me, cây sấu bên đường. Có thể dám nói Hà Nội có nét đẹp xanh. Những buổi trưa nắng gắt. Hà Nội vẫn rợp bóng mát. Hà Nội hãy giữ mãi vẻ đẹp thiên nhiên ấy như thế, nhưng không biết còn được đến bao giờ?

Hà nội với chả cá Lã Vọng

Như mọi người, tôi đã đến ăn chả cá Lã Vọng. Ăn chả cá Lã Vọng là ăn cái lịch sử, cái cội nguồn chả cá đó hơn là ăn chính cái chả cá đó. Ăn để biết được cái hương vị, cái ngon của Hà Nội trăm năm về trước. Và đây là lần đầu tiên tôi ăn chả cá ấy. Thời tuổi trẻ có muốn ăn cũng không có tiền. Điều đó cho thấy rằng chả cá Lã Vọng thời xa xưa là một món ăn xa xỉ phẩm, không phải ai muốn ăn cũng được. Năm thế hệ gia đình chả cá Lã Vọng đã đi qua rồi, kể từ năm 1871. Cái gì còn lại và cái gì không còn lại trong tiệm chả cá ấy? Người đã thay đổi, nhiều thế hệ người đã đội nón ra đi, nhưng huyết thống vẫn còn đó. Nó giống như tiệm trồng răng Minh Sinh Hà Nội thời năm 1950. Đã hơn nửa thế kỷ mà nó vẫn còn đó, nay đổi là Sinh Sinh. Tôi đã vui mừng vào tiệm để hỏi gốc gác chủ tiệm. Được biết một nha sĩ, con trai của bà vợ hai của ông Minh Sinh đứng làm chủ, ở số 172 Hàng Bông, vẫn chuyên khoa răng giả. Nay thì có thêm gắn kim cương, nắn chỉnh hàm, vẩu, ngược, lệch lạc… Điều mà thế hệ trước không làm được. Cũng vậy, hiệu thuốc cam Hàng Bạc thời 45 nay vẩn còn đó, vẫn quảng cáo đây là đời thứ ba. Vẫn có thuốc cam chuyên trị trẻ em biếng ăn, biếng ngủ, gầy, xanh xao và hay ra mồ hôi trộm và cao dán chữa nhọt mụn như trước. Gần như không có gì thay đổi, không thêm cũng không bớt.

Phố Hà Nội ngắn đến không thể ngắn hơn được

Tranh Bùi Xuân Phái đã một thời chuyên vẽ các căn nhà đường phố Hà Nội với một mầu xám xanh đục, với những căn phố xiêu vẹo, trông rất ấn tượng và rất là buồn. Trong văn chương thì Thạch Lam đã để thì giờ ra viết cuốn Hà Nội 36 phố phường. Trong đó, ở trang 92 ông viết rằng: “Người Pháp có Paris, Người Anh có Luân Đôn, người Tàu có Thượng Hải… Ta phải nghe người Pháp nói đến Paris, người ở Paris mới hiểu được sự yêu quý ấy đến bậc nào. Chúng ta cũng có Hà nội, một thành phố có nhiều vẻ đẹp, vì Hà nội đẹp thật, chúng ta chỉ còn tìm những vẻ đẹp ấy ra.”

Vẻ đẹp như thế nào, trong suốt cuốn sách không thấy ông nói ra.

Phần tôi có những ý nghĩ sau đây về đường phố Hà Nội. Thứ nhất là Hà nội có những con đường ngắn quá. Ngắn đến nỗi chả ở đâu có. Ngắn đến không thể ngắn hơn được nữa. Có lẽ con đường Giải phóng là dài nhất với 4000 mét, kế đến là Hoàng Hoa Thám dài 3320 mét. Hoàng Diệu còn 1340 mét, Lý Nam Đế với 1090 mét. Kim Liên chỉ còn 250 mét. Hàng Gà tụt xuống còn 225 mét. Hàng Cân 104 mét và tụt nữa Hàng Hương còn 65 mét. Ngắn như thế, đi mấy chục nhà đã hết đường, muốn tìm đường cũng khó mà muốn chỉ đường cũng thật là gian nan. Chỉ còn mỗi cách hỏi đường từng đoạn một. Nhưng được cái, người Hà nội nói chung, nhất là các người lái xe ôm lúc nào cũng sẵn sàng chỉ đường. Tại sao đường Hà nội ngắn thế? Cái đó phải hỏi người Hà nội. Nó có cái gì giống với người Hà nội. Cái đó cũng phải hỏi người Hà Nội.

Nhận xét thứ hai là tôi thấy họ tôn trọng khu phố Cổ, ít đổi tên đường. Tên đường phố Sài gòn thì người ta đã đổi hầu như toàn bộ, đổi cả những cái không cần đổi. Đường Công Lý thì có gì cần đổi? Đường Tự Do, Lê Thánh Tôn, Lê Văn Duyệt thì có gì cần đổi? Hay người ta lại sợ hai tiếng Tự Do? Vì thế thiên hạ mới có câu rằng: Nam Kỳ khởi nghĩa tiêu Công Lý. Đường phố Hà nội với nhiều tên đường từ thời Pháp thuộc thế nào thì nay vẫn để như vậy. Như các đường Hàng Cân, Hàng Đường, Hàng Đào, Hàng Khay, Hàng Quạt v.v… Nghe quen và thân thương. Hoặc các phố Quan Thánh, Ngọc Hà, đường Cổ Ngư, Phủ Doãn, Cầu Giấy, Thụy Khuê, Tràng Tiền, Ngọc Hà, Hoàn kiếm, Khâm Thiên và chợ Đồng Xuân.

Thời xưa, người ta coi chợ Đồng Xuân là:

Hà nội là Động tiên nga

Sáu giờ tắt hết đèn xanh đèn gần

Vui nhất là chợ Đồng Xuân.

Ba câu thơ trên bây giờ có thể đã không đúng nữa. Chợ Đồng Xuân cho dù đã được xây cất cất lại khang trang hơn. Ngày nay nó chỉ đóng vai trò trung gian vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh. Hàng hóa ở đây phần lớn lại là hàng buôn lậu từ Trung Quốc về.

Tạ Hiền là phố rất quen thuộc đối với tôi vì tôi thường thuê xe đạp của một cậu bé ở đây. Nhà có bố già và bà chị chừng hơn 20 tuổi. Hình như chẳng ai làm nghề gì cả, chỉ trông vào việc cho thuê xe đạp mỗi ngày. Một lần ra trả xe vào buổi tối, thấy cô gái và bố cô đang cãi nhau. Tôi chỉ loáng thoáng nghe cô gái chửi: địt mè mày chỉ… Tai tôi muốn ù đi. Choáng váng.

Thật may cho miền Nam, vì ở đó ít ra chúng ta đã không như thế.

Nhưng điều đáng nói là tên các lãnh đạo Đảng và nhà nước đã chết đều có mặt hết. Không thiếu một ai, và nếu thiếu một ai thì tại họ thôi như ông Trần Độ. Có người này thì phải có người kia, không lẽ bỏ. Gần như có đủ cả như Nguyễn Lương Bằng, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng… và nếu có thiếu ai thì chỉ thiếu đường Hồ Chí Minh.

Tôi không thấy đường Hồ Chí Minh (HCM). Vì HCM có lăng rồi.

Nhưng một nhà văn ở Hà Nội rỉ tai tôi nói rằng: “Ngày nay các bố lãnh đạo đảng, nhà nước sắp tịch, bố nào cũng có niềm mơ ước nho nhỏ là khi chết được để tên ở một đường phố. Nhưng cứ cung mực này thì dần sẽ có sự lạm phát tên các vị lãnh đạo đảng và nhà nước”.

Ngõ Hà Nội

Phố và ngõ là hai đặc điểm sắc thái văn hoá của Hà Nội. Phố là đời sống bên ngoài, ngõ là đời sống bên trong. Cứ vài nhà lại có một ngõ. Ngõ sâu hun hút đến dài bằng một con đường phố nhỏ. Nơi ấy là nơi ra vào của hàng chục gia đình lớn nhỏ. Bề ngang chỉ chừng hơn nửa thước mà nếu có hoả hoạn thì không biết sẽ ra sao. Bề dài có thể 50 đến 60 chục mét. Có ngõ chật như thế chỉ vừa một người đứng một tý mà trong đó có một cửa hàng bán đồ vàng bạc. Tủ kính dựa vào tường, thế là thành một cửa hàng. Có cái ngõ gì quên mất bán chè chí mào phù và trong tiệm có một con chó đá. Chắc xưa hẳn là cửa ngõ đi vào đền. Chúng tôi đã quên đường và đi hỏi bằng được tiệm bán chè chí mào phù có con chó đá. Vậy mà hơn một tiếng đồng hồ sau, tôi cũng tìm ra. Khá vất vả. Tôi vừa tức, vừa vui, vừa đùa, tôi ngồi lên lưng con chó đá nói: “Vì Mày mà tao phải vất vả thế này.” Người trong quán nhìn tôi trách móc: “Đây là chó thờ đấy.” Tôi vội vàng tụt xuống xin lỗi mọi người vì vô lễ và cúi vái ông chó đá vài cái. Quả thực trước mặt ông chó đá có bát nhang thờ.

Tín ngưỡng miền Bắc còn khá nhiều vương vất tính cách thờ vật tổ, chen lẫn mê tín và dị đoan, khác hẳn trong Nam.

Ngõ như thế trở thành quen thuộc và là nét văn hoá đặc thù của Hà Nội. Chỉ có ở Hà Nội mới có. Một nếp sống chung đụng hàng vài chục người. Và người Hà Nội đã sống như thế, thế hệ này qua thế hệ khác. Nhất là kể từ sau 1954, mỗi hộ thay vì một nhà có thể thêm cả chục nhà sống chen chúc nhau. Tôi có cô em họ ở 16 Hàng Cân. Tôi đã đến thăm cô vào một buổi trưa. Vào đến bên trong là vô số nhưng bếp lớn nhỏ ở dưới và trên lầu của mỗi gia đình. Hỏi thăm cô, cô cũng chả thích thú gì cái đời sống với ngõ ngách như thế. Có đứa con trai đã ra ở riêng. Cô nói muốn bán cũng không phải dễ, phải tất cả những người trong căn hộ đều muốn bán. Chắc bên trong cũng có nhiều điều phức tạp. Gì chứ kèn cựa nhau từng tấc vuông đất, từng ly từng chút chịu đựng nhau, nhịn nhục nhau mà sống chung là không tránh được. Đi ra đi vào chạm mặt, nhà này làm gì, mua bán, cãi nhau, con cái ra sao, nhà kia biết hết. Khó mà có thể dung hợp hết mọi người trong mấy thước đất đó được. Khó mà có chỗ riêng tư. Đấy là một bi kịch của đời sống kiểu “l’enfer c’est les autres”. Tranh dành, cãi cọ, dòm ngó, ghen tuông, đố kỵ, bon chen, giả dối, ác độc, thù hằn, khó tính khó nết. Có thể có hết. Có khi ở mấy chục năm không thèm ngó mặt nhau. Cô em tôi vốn là thừa kế gia sản của ông ngoại. Ông cụ vốn có 14 căn nhà. Nhưng sau 1954 bị tịch thu hết, chỉ còn giữ được căn nhà 16 Hàng Cân này. Nhưng cũng chỉ được ở một phần, phần còn lại nhà nước chia cho người khác. Có lần, tôi gặp một bà cụ đi mua một quả trứng. Tôi tò mò hỏi thăm cụ. Thế là cụ dẫn tôi vào ngõ và lên lầu. Cụ dặn tôi, con mẹ bán ngoài cửa hàng là khó chịu lắm. Đừng để nó biết lại lôi thôi ra. Cụ nay ở một mình, trong nhà vương vất lối sống giàu có thời xưa, cũng sập gụ, tủ chè, ghế salông gụ chạm trổ. Cúng ông cụ vỏn vẹn có một quả trứng đi mua và một bát cơm.

Tình nghĩa vợ chồng của một người còn ở lại dương thế trong cái nghèo nàn cô quạnh như một vất vưởng chờ ngày để về.

Căn nhà trong ngõ cũng là quãng đời của bà cụ và biết đâu cũng là quãng đời còn lại của ngõ. Và đến một lúc nào đó cũng là lúc chấm dứt một thứ văn hoá ngõ. Bao giờ người Hà Nội ra khỏi những quãng đời tăm tối của những căn nhà hút sâu trong các ngõ hẻm. Bao giờ. Chắc rồi cũng thay đổi. Và nếu thay đổi thì đây chẳng khác gì một biến cố lịch sử của ngõ mà cũng là lịch sử cuộc đời của vô số người Hà Nội. Thật khó mà quên.

Hà Nội với những gánh hàng rong

Xin đừng quên một điều là Hà Nội có những cửa hàng di động. Ấy là nói theo lối bây giờ. Ngay từ xưa đã có rất nhiều gánh hàng rong như thế. Phở gánh, xôi chè gánh, hoa quả gánh, bất cứ cái gì cũng gánh. Có khi một bên là cửa hàng, bên này là một chú nhỏ ngồi. Tôi còn nhớ những hàng phở gánh sớm đông, khói toả ra nghi ngút, mùi phở thơm đến sặc mũi trên đường phố cửa Bắc, xế con đường đôi, nay là đường Hoàng Diệu. Một bên gánh là tủ kính để bánh phở và điã thịt thái tươm tất. Bên kia nồi nước phở nghi ngút khói. Khó quên được mùi phở, thơm ơi là thơm, sao mà nó thèm thuồng đến chảy nước dãi ra được. Lại có những cửa hàng với hai tủ kính đàng hoàng, lịch sự và trang nhã bán cà phê, bánh mì. Mùi cà phê cũng thơm nức mũi.

Cả một nếp sống Hà Nội.

Cạnh đó, có một số hàng rong dùng xe đạp. Cũng khá là đặc biệt. Bán cá cảnh thì dùng xe đạp. Có một khung tròn bằng sắt, có nhiều vòng. Những túi ni lông buộc cá chung quanh những khung sắt tròn đó. Ai mua cứ tự do lựa chọn. Trông cũng vui mắt lắm và tức cười. Như là một cuộc rong chơi chứ không phải buôn bán. Rồi có cửa hàng di động bán các đồ chơi bằng nhựa lúc lắc đung đưa trên xe đạp. Chưa kể bán đồ hàng mã, trên đó treo đủ thứ hằm bà lằng.

Các người bán hàng rong với các cửa hàng di động, thật ra công an cũng nương tay với họ một chút. Có làm thiệt hại ai đâu. Các nước bên này cũng nới tay đối với các xe bán kem, hot dog… Khách du lịch đôi khi thấy tiện, thấy lạ, cũng muốn ăn thử.

Các người buôn thúng bán mẹt đó, vì không có lối thoát nào khác mới phải bán hàng rong. Nên nới tay cho họ. Thay vì họ phải đi ăn xin, trông không đẹp mắt tí nào. Bán hàng rong nào có tội tình gì.

Người buôn bán như thế cũng có cái lợi là tránh được công an rượt bắt. Nếu cần, họ có thể chạy được mang theo cả cửa hàng. Chạy te tái đến sút quần.

Bán rong, cửa hàng di dộng là một nét văn hoá đẹp của Hà Nội ít ra cũng hơn hai hạng người: Người đi ăn xin, và người tham nhũng hối lộ.

Và chả nhẽ ra Hà Nội mà lại không nói một tiếng về người Hà Nội. Thật ra sau 50 xa cách, tôi không hình dung ra người Hà Nội qua ông A, ông B hay chị C nữa.

Và đó có lẽ là cái thay đổi lớn lao nhất trên toàn bộ sinh hoạt đời sống người Hà Nội. Tôi không có dịp tiếp xúc nhiều, phần đông những người trên đường phố thì đều là những người bình thường. Một thứ “Mr tout le monde”. Ở đâu cũng có, ở đâu cũng vậy, nhưng tiếp xúc rồi thì cũng ngại. Tại sao người Hà Nội ăn nói tục tĩu thế. Một cô gái trẻ, xinh đẹp có thể văng tục không ngượng miệng. Nhiều người đi về đã nói với tôi như thế rồi. Nhưng lần đầu nghe vẫn thấy thế nào ấy. Đó không phải người Hà nội trong mắt tôi nữa mà người Hà Nội nguyên con, nguyên hình. Cái nơi mà tôi có thể nhận ra người Hà nội chắc hẳn không phải nơi các cô chiêu đãi, các chị làm công trong khách sạn, hay các người bán hàng, hay mấy ông nhà văn, nhà báo.

Phải nhìn ra người Hà Nội qua đám trẻ từ 12-14-17 tuổi. Chỉ cần vào một tiệm Internet. Ta sẽ gặp, ta sẽ thấy. Đây là sản phẩm nguyên gốc của xã hội người Hà Nội. Ta sẽ gặp những đứa trẻ ngổ ngáo, hỗn xược, nói tục tĩu hết chịu nổi. Những thanh thiếu niên, thiếu nữ này không biết con cái nhà ai, thuộc thành phần xã hội nào. Thật tình tôi không biết. Nhưng từ cách ăn mặc, cử chỉ, ngồi trên ghế, nói to quát tháo, chửi thề, thái độ biểu tỏ một sự vô giáo dục ở mức độ báo động.

Tôi không nói ngoa cho người Hà Nội đâu nhé. Và sự khác biệt giữa lớp trẻ Hà Nội và lớp trẻ Sài Gòn làm tôi thay vì kinh dị thì ngạc nhiên. Lớp trẻ Sài Gòn, cũng chỉ trong tiệm Internet thôi nhé, biểu tỏ một nếp sống văn hoá có giáo dục, có lễ độ trong một chừng mực có thể tin tưởng được.

Cái này những bậc làm cha mẹ, những nhà giáo dục phải nên nghĩ tới. Tại vì đâu? Tại cha mẹ, thầy giáo hay xã hội? Tại sao có sự khác biệt giữa lớp trẻ trong Nam, ngoài Bắc và nói rộng ra lớp trẻ hải ngoại.

Thật là không vui phải viết ra điều ấy. Cứ tình trạng này thì Hà nội có phát triển đến đâu cũng báo hiệu những cơn lốc phá hoại, hủy diệt, không ai lường trước được về mức độ hư hỏng và mức độ tội phạm.

Lời cảnh báo này chẳng biết có ai muốn nghe không. Nhưng cảnh báo vẫn phải cảnh báo.

Và cuối cùng, ấn tượng sâu sắc để lại trong tôi khi rời Hà Nội là ở nơi đây sẽ là trung tâm quyền lực của cả nước. Cái quyền uy đó, nó lồ lộ ra khi đi qua những con đường như Hoàng Diệu. Bóng dáng quyền uy của những căn nhà, những biệt thự như chụp trên ta. Có cái gì thâm cung bí sử, có cái gì ghê sợ phát tiết ra ngoài. Nó bàng bạc trên không, trên mái nhà, trên những bức tường cao quá đầu người, trên những cây me, cây sấu già trăm tuổi, trên người lính gác hiền lành trước cửa. Không thể kiếm ra những người lính gác hiền hơn thế. Vậy mà tôi vẫn sợ anh, mà anh có làm gì tôi đâu. Tội sợ anh, hay sợ cái gì đằng sau anh. Tôi không biết. Không một bóng người, không một ai tới gần, không dám tới gần hay không muốn tới gần. Phần tôi, chỉ sợ anh lính gác chận lại hỏi đi đâu vì lỉnh kỉnh máy ảnh, sổ tay ghi chép. Anh mà đọc những thứ ấy, có thể tôi bị bắt giam.

Tôi cảm thấy mình nhỏ bé, yếu ớt quá, tôi cảm thấy mình như con giun, con dế. Mặc dầu tôi là người nước ngoài, mặc dầu tôi không làm gì, mặc dầu trong thâm tâm tôi cũng muốn nó khá lên, mặc dầu tôi cũng yêu đất nước này, đất nước đó cũng là của tôi.

Tôi cũng từng nhiều lần đi qua tòa Bạch ốc. Nó đồ sộ và uy nghi gấp nhiều lần. Lính canh và an ninh nghiêm ngặt gấp nhiều lần. Loạng quạng có thể nó bắn mình chết ngay. Cứ bề ngoài thì nó dễ sợ lắm. Vậy mà tôi không sợ. Vậy mà hằng trăm, hằng ngàn người đi qua đó cũng không sợ. Tôi thản nhiên đi lại như một người khách du lịch nhàn tản. Thấy cái gì thích thì chụp. Tôi có dám đứng lại mà chụp những tòa nhà có lính gác không ở Ba Đình, ở Hoàng Diệu. Chụp cái cổng trụ sở an ninh, dinh Hoàng Cao Khải mà tôi cũng sợ len lét, nhìn trước nhìn sau.

Tôi chỉ có thể nói được rằng, lúc nhỏ tôi sợ ma, về nước, ra Hà nội nay tôi sợ người.

Xin mượn lời nhà văn Lê Thị Huệ :

Không thấy dân chủ đại đồng Cộng Sản đâu

Chỉ thấy bước chân trâu buồn nản

Ở cuối thế kỷ 20

Đi trước bước chân người

Trên đồng ruộng héo

Nguyễn Văn Lục