Home

Giáo Sư Nguyễn Văn Lục

o0o

Vài nét tiểu sử:

- Giáo sư, nhà biên khảo

- Sinh năm 1938 tại Hà Nam, Bắc Việt

- Học ở Hà Nội cho đến ngày di cư vào Nam năm 1954.

- Cựu học sinh Chu Văn An, Sài Gòn

- Tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Đà Lạt, khoa Triết

- Dạy Triết ở các trường Võ Tánh (Nha Trang), Ngô Quyền (Biên Hòa), Văn Học (Sài Gòn) từ 1969.

- Định cư tại Montreal, Canada từ năm 1979 đến nay.

- Cộng tác các tạp chí Văn, Hợp Lưu, Tân Văn, Sài Gòn Nhỏ, Đàn Chim Việt, Một Góc Trời, Talawas, Art2all...

o0o

Tác phẩm đã xuất bản:

- Lịch Sử Còn Đó (Tân Văn - 2008)

- 20 Năm Miền Nam 1955 - 1975 (Tiếng Quê Hương - 2010)

- Một Thời Để Nhớ (Nguyệt San Diễn Đàn Giáo Dân - 2011)

LỊCH SỬ CÒN ĐÓ

Ra mắt sách "HAI MƯƠI NĂM MIỀN NAM" của Thầy Nguyễn Văn Lục tháng 8, 2010

Thầy Cô và chs NQ tham dự buổi ra mắt sách của Thầy NVL tại Cali tháng 8, 2010

Ra mắt sách "MỘT THỜI ĐỂ NHỚ" của Thầy Nguyễn Văn Lục tháng 11, 2011

Từ trái sang phải: Anh Phạm Khắc Đàm, Thầy Phan Thanh Hoài, Thầy Nguyễn Văn Lục,

Ngọc Dung, Mai Trọng Ngãi, Tiêu Hồng Phước, Tất Ứng, Lữ Công Tâm

Đôi dòng về Tạp chí nghiên cứu Đại Học

Nguyễn Văn Lục

Đại học Huế được thành lập và khai giảng vào tháng 9, 1957. Việc thành lập đại học Huế là đáp ứng lại nguyện vọng của các nhân sĩ Huế muốn có một đại học riêng ở miền Trung. TT Ngô Đình Diệm đã nhận lời và mau chóng đáp ứng nguyện vọng ấy vào năm 1957.

Dưới mắt ông Ngô Đình Diệm, việc thành lập Đại học Huế ngay sát nách vùng ranh giới phân chia Nam Bắc qua con sông Bến Hải còn là một thách đố chính trị. Ông muốn chứng tỏ cho phía bên kia Bến Hải là:

Chúng tôi đang có mặt ở đây.

Đại học Huế vì thế sẽ là biểu tượng của miền Nam như một thể chế chính trị-văn hóa- độc lập và dân chủ.

Cái mặt ‘yếu’ của ông Ngô Đình Diệm là ông coi trường Võ Bị Sĩ quan Đà Lạt, Trường Quốc Gia Hành Chánh và trường Đại Học Huế là những con cưng của chế độ. Ông nhìn tương lai chế độ qua ba cách đào tạo đó. Trường Võ bị cung cấp những sĩ quan trẻ, có trình độ văn hóa đại học cho một quân đội hùng mạnh. Trường Hành Chánh đào tạo một lớp cán bộ quản lý, thay chế độ hành chánh phong kien61n, quan liêu- một chế độ hành chánh hữu hiệu theo lối Mỹ và trường Đại Học Huế sẽ cung cấp những người trí thức xuất thân từ Huế về đủ các ngành như Đại học sư phạm, luật khoa, văn khoa và y khoa. Người ta thấy được rõ ràng cái điểm yếu của TT Ngô Đình Diệm với sự tự hào và niềm vui sướng rạng rỡ trên khuôn mặt tròn trỉnh của ông trong mỗi dịp chủ tọa lễ tốt nghiệp. Vì thế, ra Huế là ông rẽ sang Đại học xem ông cha Luận mần ăn thế nào.

Niềm tự hào và hoài bão của ông Diệm sau này cả ba đều đạt được như ý nguyện của ông.

Nhưng theo tôi, hơn hết tất cả Đại học Huế đáp ứng khát vọng sâu xa và thầm kín của người dân miền Trung- một phần đất với những người con dân Huế cần cù- hiếu học- và cũng đầy mặc cảm đủ loại với niềm tự hào của ít lắm 100 năm triều Nguyễn.

Mặc cảm ấy đã bị dầy xéo bằng nhiếu cách, nhưng nhục nhã nhất vẫn là việc bôi nhọ Nguyễn Ánh Gia Long.

Về đại học Huế, có lẽ xin mời mọi người đọc bài viết của giáo sư Nguyễn Văn Trường: Huế -Viện Đại Học, Cha Luận và chúng tôi… trên Khoahoc.net. Một bài viết của một người dân xứ Nam Kỳ, nhận làm con của xứ Huế với những phân tích trung thực với đầy lòng tự hào và cảm mến cha Luận, đại học Huế người dân xứ Huế..rồi cuối cùng cũng đành bỏ Huế mà đi..như chính người dân Huế.

Viện trưởng lúc bấy giờ là một ông linh mục- một sự chọn lựa éo le, khó xử cho dân Huế vốn đa phần theo Phật giáo-.

Tuy nhiên, vị viện trưởng này đã làm chuyện mà giả sử vào tay người khác- một thứ viện trưởng công chức- thì vị tất đã được như vậy.

Khả năng chính của cha Luận là thu hút được nhân tài từ nhiều nguồn, nhiều phia, từ trong nước đến ngoại quốc về giúp giảng dạy ở đại học Huế.

Cha Cao Văn Luận đã sống trải qua những thời vinh quang và thử thách và cuối cùng cũng đành bỏ ra đi.. Trách ai bây giờ. Và trách để làm gì.

Ông là người ngay từ trước khi đại học Huế được thành lập đã có kế hoạch trồng người bằng cách gửi các sinh viên ưu tú đi du học. Nay là lúc ông kéo về đoàn tụ dưới mái trường đại học Huế.

Việc thiết lập đại học Huế, tuy vậy, đã bị các thành phần trí thức giảng dậy ở Sài Gòn phản đối dữ dội, chê bai đủ thứ..Đặc biệt là trường Y Khoa Saigon.. Vì họ cho rằng Huế không có đủ khả năng chuyên môn, giáo sư không đủ học vị và nhất là giảng dạy bằng tiếng Việt..

Trong tất cả sự phản đối ấy đều đúng hết chứ không phải sai, nhưng người ta vẫn còn có thể cho thấy lé loi đằng sau các phản đối ấy sự hẹp hòi, sự đố kỵ và sự khinh miệt.

Nhưng giáo dục là đường dài, liệu cơm gắm mắm, có ai hoàn hảo từ lúc khởi đầu. Tự nó đại học Huế được chứng minh cho thấy sau này nó phát triển và trưởng thành về mọi mặt.

Trong số những người từ Sài gòn ra giảng dậy lúc bấy giờ chính thức tại Huế chỉ có hai người. Nguyễn Văn Trung phụ trách môn Triết. Và Nguyễn Văn Trường, dạy toán. Họ đều là những người trẻ thiếu đủ mọi thứ kinh nghiệm mà học vị cũng như khả năng chuyên môn chẳng có thể so sánh với ai, trừ so sánh với chính họ.

Và cứ như thế mà họ lớn lên cùng với đại học Huế.

Sau đó, theo lời giáo sư Trung cho biết, ông đã đề nghị cha Luận cho xuất bản tờ Đại Học- một tờ tập san duy nhất mà ngay ở Sài Gòn cũng chưa có được-.

Cha Luận đồng ý ngay. Khoán trắng theo nghĩa muốn làm gì thì làm, miễn là đem lại lợi ích và danh thơm cho đại học Huế. Và thế là tờ Đại Học ra đời, xuất bản hàng tháng. Tờ báo Đại Học Huế có thể nói mang tầm vóc đại Học Huế trang trải ra khắp nơi.

Chữ Đại học ở đây không mang ý nghĩa một tập san chuyên môn của một chuyên khoa đại học. Nó chỉ có ý nghĩa là một tập san do một viện đại học xuất bản và trong đó có đủ mọi lãnh vực. Nó đã gây được sự chú ý và tiếng vang và chỉ vài tháng sau thì đã có đủ số độc giả để tự túc về tái chánh..Sau này, ông đại sứ Ngô Đình Luyện đã tặng Đai học Huế một máy in và từ đó không còn phải in ở nhà in Nam Sơn Sài gòn nữa.

Tôi đã đọc tỉ mỉ danh sách các vị độc giả ở Huế mua báo dài hạn. Một lần cám ơn các độc giả ấy mà không tiện nêu ra danh tánh ở đây

Mục đích của tờ Đại Học là một sứ mệnh văn hóa.

Tờ Đại Học muốn chứng tỏ cho mọi người thấy đại học không phải là một môi trường khép kín. Tự trị đại học không có nghĩa đóng cửa. Nhưng tự trị về mặt quản lý còn những mặt khác mở tung cửa ra cho mọi thành phần. Đại học là môi trường thuận tiện cho mọi khuynh hướng, mọi ý kiến, mọi quan điểm có quyền phát biểu trình bầy và bảo vệ quan điểm của mình.

Đó là một nền văn hóa mang tính đại chúng!!

Và để thực hiện được điều ấy tờ Đại học cổ súy việc dùng tiếng Việt trong việc giảng dạy bất kể những khó khăn ban đầu về danh từ.

Tờ Đại học ra đời là nhằm đạt các mục tiêu vừa nêu trên.. Trong suốt 6 năm trời, tờ Đại học đã đồng hành và phát triển cùng với sự phát triển của đại học. Tờ báo với số báo đầu tiên, tháng 2-1958 và chấm dứt khi chế độ đệ nhất cộng hòa miền Nam sụp đổ sau vài tháng.

Có tất cả hơn 300 bài viết nghiên cứu về triết học, sử học, địa lý, luật học, ngôn ngữ học, ngữ pháp học, văn học và cả ngành y khoa.. trong khoảng 4000 trang tài liệu.

Số phận của nó liên quan đến số phận chính trị miền Nam những năm đó..Thật rất tiếc sứ mệnh văn hóa đã bị đánh đồng với số phận chính trị.

Trong suốt những năm tháng ấy, có hai đời chủ bút. Từ 1958 đến 1962 do gs Nguyễn Văn Trung chủ trương. Vì những lý do chính trị, gs Nguyễn Văn Trung bắt buộc phải rời bỏ Huế vào Sài gòn dạy Văn Khoa Sài Gòn theo lệnh của Bộ trưởng giáo dục Sài Gòn. Sau đó được giáo sư Trần Văn Toàn tiếp tục công việc cho đến lúc tình hình chính trị miền Trung sôi động, bất ổn vào tháng sáu, năm 1964..

Tờ báo tự đóng cửa một cách thầm lặng, không một lời chia tay độc giả. Như một sản phẩm dư thừa của nền đệ nhất cộng hòa.

Thôi thì nó cũng đã làm tròn nhiệm vụ, là tiếng nói của một thời kỳ của một miền Nam thân yêu.

Ngày hôm nay, thay mặt giáo sư Nguyễn Văn Trung vì lý do sức khỏe đã mong tôi tôi đứng ra phục hoạt lại các số báo đại học cũ nay đang rơi vào tình trạng có nguy cơ mục nát, mối mọt sau hơn nửa thế kỷ. Nói đúng ra vừa tròn 56 năm kể từ số đầu tiên. Nhiều trang báo nay phải chụp lại bằng tay từng trang một vì tình trạng mục nát của nó. Nếu cứ để tình trạng này trong một thời gian nửa có nguy cơ tiêu tán hết.

Nghĩ tới những trang báo Nam Phong, Tập san sử địa, Tri Tân, BAVH và Phong Hóa đã được phục hoạt mà tôi làm công việc này.

Tôi cũng nghĩ tới số phận những đứa con rơi như Đông Dương tạp Chí không người trách nhiệm, không có con cháu, không hậu duệ, không cơ quan tài trợ mà ngày nay chúng ta không được cái may mắn tìm đọc học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Đọc Phạm Quỳnh mà không đọc Nguyễn Văn Vĩnh là thiếu một nửa.

Và trong nay mai, sẽ có cuộc Hội Thảo Văn Học miền Nam tại Nam Cali, người ta sẽ nói gì về Huế nếu thiếu cái mảng văn học của tạp chí Đại Học. Sẽ lại xảy ra cái nạn con yêu, con rơi, con ghét..Hy vọng Huế không rơi vào số phận văn hóa miệt vườn trước đây.

Nhưng muốn được người ta nói đến thì phải có hàng. Ít là như vậy.

Tôi nghĩ đây chẳng những là một gia tài của viện Đại hoc Huế, của người dân xứ Huế mà còn là một di sản tinh thần, vốn văn hóa của cả miền Nam thần yêu của chúng ta. Tôi cũng nghĩ đây là dịp để các cựu sinh viên đại học Huế đủ các phân khoa tìm về kỷ niệm thời đi học của mình qua tờ Đại Học và để tạo dịp ngồi lại với nhau

Nó không là của ai cả. Nó là của cả miền Nam!!

Thay mặt giáo sư Nguyễn Văn Trung, giáo sư Trần Văn Toàn, tôi làm công việc này.

Và một cách nào đó, tưởng niệm và tri ân cha viện trưởng Cao Văn Luận.

Tôi vẫn tự hỏi, nếu không có cha Luận thì viện đại học Huế sẽ như thế nào. Lớp bụi thời gian, lịch sử Huế với nhiều biến động nay đã phải là lúc người ta cần ngồi lại với nhau để nhìn nhận ra chính mình.

Cũng nhân tiện đây, tôi xin nêu tên một số tác giả đã cộng tác với tờ Đai Học mà nay hầu hết đã qua đời..như giáo sư Nguyễn Phương, giáo sư Chen Ching Ho (Trần Kinh Hòa), gs Hoàng Xuân Hãn, gs Bửu Hội, gs Bửu Kế, Olov R.T Janse, gsNguyễn Khắc Hoạch, gsLê Tôn Nghiêm, gs Cung Giữ Nguyên, bs Lê Khắc Quyến và Dương Đăng Bảng,gs Nguyễn Toại, R.P Rietsch ,gs Lê Ngọc Trụ, linh mục Lê Văn Lý, linh mục Cao Văn Luận, bsNguyễn Văn Thọ, gsNguyễn Đăng Thục, ls Lê Tài Triển, gs Bùi Quang Tung, gs Nguyễn Bạt Tụy, lm Thanh Lãng, giáo sư Nguyễn Nam Châu, lm Nguyễn Văn Thích, lm Đỗ Minh Vọng, giáo sư dược khoa Đặng Vũ Biền, học giả Trương văn Chình và Nguyễn Hiến Lê, giáo sư Trần Thái Đỉnh, giáo sư P. Đỗ Đình, giáo sư Bửu Dưỡng, lm Nguyễn Huy Lịch, giáo sư Phạm Việt Tuyền..

Còn một số các vị giáo sư khác cộng tác mà chúng tôi không được biết sự sống chết hiện nay như thế nào nên không tiện nêu tên.

Và cũng nhân tiện đây tri ân những vị có thể đang còn tại thế gian này như Bác sĩ Nguyễn Văn Ái, giáo sư Tôn Thất Hanh, Donoghue, giáo sư Huỳnh Văn Lang, gs Trương Bửu Lâm, giáo sư Lê Tuyên, giáo sư Vũ Quốc Thúc, giáo sư Lý Chánh Trung, giáo sư Trần Văn Toàn và cuối cùng là giáo sư Nguyễn Văn Trường.

Chúng tôi sẽ nhân một cơ hội thuận tiện sẽ đưa lên mạng để bất cứ ai muốn tim đọc, in chép, nghiên cứu, sao chụp đều có thể dễ dáng truy cập..

Người trách nhiệm phục hoạt tờ Đại Học

Nguyễn Văn Lục

Chú thích : Trong các số báo Đại Học mà tôi có trong tay, chẳng may trong lúc dọn nhà nhiểu lần, đã để mất một tập số 4( Nguyên Năm)..Xin cáo lỗi bạn đọc và hy vọng có ai ở Huế còn giử đầy đủ, xin cho được liên lạc để bổ khuyết sự mất mát này.

Mọi liên lạc và trợ giúp tài chánh xin gửi về : nguyenvanluc.jamie@gmail.com