Chuyện siêu nhân
Chuyện siêu nhân
Mình bị bệnh “siêu nhân” khá nặng. Do đâu mà mắc phải thì mình không biết, nhưng có một điều chắc chắn đây không phải là bệnh di truyền.
Bệnh thường tái phát nhiều lần, và thường sẽ trở nên trầm trọng dần theo thời gian. Nặng nhẹ tùy người, nhưng bệnh dường như chẳng buông tha cho ai. Biểu hiện bệnh thì mỗi người mỗi phách, và có khi một con bệnh sẽ có triệu chứng bệnh khác nhau tùy thời điểm.
Có lúc nó là kế hoạch ra trường trong 3 năm với 7 bài báo đã xuất bản (kế hoạch này được lập ra sau khi bạn gặp một “rising star”). Nếu làm được thì bạn không phải bị bệnh, mà đúng là siêu nhân thật. Vì một NCS bình bình của ngành bạn cần 3.5-4 năm để ra trường với khoảng 3-4 bài báo; đôi khi chỉ có 1 bài đã xuất bản còn lại là “submitted manuscript” hoặc “manuscript ready for submission”.
Có lúc bệnh thể hiện qua cách quản lý thời gian. Ví dụ như sự cân đối “hợp lý” trong một tuần làm việc, với khoảng 20 tiếng được dành cho các công việc khác (như giảng dạy, làm thêm), nhưng vẫn kỳ vọng sẽ hoàn thành tốt nghiên cứu, cộng với phụ giúp vợ đưa đón con, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa (và tắm) mỗi ngày.
Có khi căn bệnh này thể hiện qua những trao đổi hết sức “siêu nhân” với đồng nghiệp:
- “Mô hình này mình sẽ xây dựng xong trong vòng 1 tháng.”
- “Mình nghĩ phần đánh giá này tầm hai hôm là xong.”
- “Mình đang viết bản thảo, để cuối tuần này gửi cho bạn đọc.”
- …
Rất thường xuyên, các thời hạn sẽ được dời lại đến n lần.
Người bị bệnh siêu nhân thường không biết mình đang mang bệnh. Nhưng bệnh nhân, nếu tinh ý, sẽ thấy mắt của người khác hơi giật giật mỗi khi nghe “con giời” chia sẻ kế hoạch.
Bệnh siêu nhân cũng không hẳn là xấu, vì đôi khi nó giúp bệnh nhân biến hình thành siêu nhân thật. Nhưng tác hại tiềm ẩn của bệnh thì cũng không nên bị bỏ qua.
Cũng cần hiểu rằng không phải tất cả các “tuyên bố siêu nhân” đều là điệp vụ bất khả thi. Chỉ có điều cách lượng hóa công việc của con bệnh có vấn đề. Ví dụ tổng thời gian để hoàn thành một công việc cần khoảng hai ngày làm việc (16 tiếng), nhưng con bệnh lại muốn hoàn thành trong 1 ngày.
Các kế hoạch siêu nhân được đề ra càng nhiều, thì sức khỏe của con bệnh càng dễ suy giảm, bởi việc hoàn thành kế hoạch sẽ được đánh đổi bằng những đêm dài làm bạn với cà phê, hoặc những gói mì tôm không pha.
Đôi khi cái giá là sự ít chăm chút những mối quan hệ của bản thân. Cũng có thể là việc quá tập trung vào những mục tiêu ngắn hạn mà quên thường xuyên tự hỏi giá trị mình tìm kiếm trong nhân sinh ngắn ngủi này là gì.
Nhưng nghiêm trọng nhất vẫn là sụp hố do chính mình đào, tức đã cố nhưng không biến hình thành siêu nhân được. Ai mà mềm yếu thì tự tin dễ bị bào mòn dần theo những lần sụp hố lắm.
Bệnh này không có phương thuốc chữa, cách duy nhất có vẻ là sống chung với lũ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng lao động cần cù và sự lỳ lợm sẽ giúp giảm tác hại của bệnh này về lâu dài.
Ann Arbor, 31/12/2020