01. Ca Kỹ Vân Anh

Theo " Đường Tài Tử Truyện " thì LA ẨN là chàng thư sinh đẹp trai, đa tài, giỏi cả văn lẫn thơ, nhưng cuộc đời lại nhiều lận đận với khoa trường, " Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy " ! ...

Tương truyền, khi còn là một hàn sĩ, chàng bạch y tú sĩ này lúc trên đường lai kinh ứng thí, khi đi ngang qua huyện Chung Lăng ( nay là huyện Tiến Hiền tỉnh Giang Tây ) quen với một nàng ca kỹ giỏi cả cầm kỳ thi họa ở Nhạc doanh là nơi dạy xướng ca nơi đó. Bẵng đi mười hai năm, chàng vẫn còn là một thư sinh lạc đệ, khi có dịp đi ngang qua Chung Lăng, chẳng hẹn mà nên, khi dừng chân nơi nhạc quán, chàng gặp lại cố nhân Vân Anh của ngày nào vẫn còn chìm nổi trong chốn phong trần ca xướng mà chưa có chỗ để yên thân. Quá xúc động cho số kiếp hồng nhan bạc phận của người xưa, và câu nói ngạc nhiên của Vân Anh khi vừa gặp lại : " Ôi, sao La Tú Tài vẫn còn là một thư sinh áo vải ?!". La Ẩn vừa cảm khái vừa xúc động mà viết một bài thơ tứ tuyệt để tặng nàng :

贈妓雲英 TẶNG KỸ VÂN ANH

羅隱 LA ẨN

鐘陵醉別十餘春, Chung lăng túy biệt thập dư xuân,

重見雲英掌上身, Trùng kiến Vân Anh chưởng thượng thân.

我未成名卿未嫁, Ngã vị thành danh khanh vị giá,

可能俱是不如人。 Khả năng câu thị bất như nhân !

CHÚ THÍCH :

* Chưởng Thượng Thân 掌上身 : là Cái thân mình ở trên lòng bàn tay. Từ dùng để hình dung thân hình yểu điệu dịu dàng của các người đẹp, theo " Phi Yến Ngoại truyện " thì nàng Triệu Phi Yến đời Hán Thành Đế có thân hình ẻo lả nhẹ nhàng đến nổi có thể múa trên lòng bàn tay của lực sĩ. Ở đây La Ẩn mượn điển tích nầy để chỉ Vân Anh là một giai nhân yểu điệu dịu dàng.

* Khanh 卿 : Nhân Xưng Đại Từ ngôi thứ 2 của ngày xưa dùng để xưng hô với những người mà ta yêu mến như : AÍ KHANH là từ của Vua gọi bề tôi hoặc phi tần; của chồng gọi vợ, ở đây La Ẩn dùng để gọi Vân Anh, người mà mình yêu mến.

* Thành Danh 成名 : là nói gọn của Công Thành Danh Toại, chỉ thi đậu hoặc hiển đạt vẻ vang.

* Câu 俱 : là Đều.

DỊCH NGHĨA :

Trong bửa tiệc chia tay say khước ở Chung Lăng thoáng chốc mà đã hơn mười năm rồi. Gặp lại nàng Vân Anh vẫn còn nét yêu kiều yểu điệu của năm xưa.( Nhưng than ôi ) Ta thì vẫn chưa công thành danh toại còn nàng thì vẫn chưa xuất giá.( Vì sao ?) Có phải là vì đôi ta không bằng được người khác hay chăng ?!

Mười hai mùa xuân trước, chàng còn là một thiếu niên anh tuấn, một chàng thư sinh hào hoa phong nhã; nàng là một ca kỹ phong lưu đang độ xuân thì, cùng mến mộ nhau vì tài hoa vì tri kỷ, cùng vui say với nhau qua chữ " Tuý 醉 ". Nhưng sau " Tuý biệt thập dư xuân 醉别十余春" hơn mười năm cách biệt, chàng vẫn còn là chàng thư sinh áo vải và nàng thì đã qúa độ xuân thì, mặc dù vẫn còn nét phong lưu yểu điệu của " Chưởng thượng thân 掌上身 ", nhưng chốn phong trần phải đâu là nơi lần lựa dung thân. Nên...

" Ngã vị thành danh 我未成名 " Ta chưa công thành danh toại cũng chẳng sao, nhưng cớ sao " Khanh vị giá 卿未嫁" Nàng đẹp đẽ tài hoa thế kia sao còn chưa có chỗ dung thân ? Nếu bảo " Bất như nhân 不如人 " là tài hoa của ta không bằng người, yểu điệu đẹp đẽ như nàng cũng không bằng người hay sao ? Thế thì tại sao ? Có thể là tại số kiếp của ta và nàng lận đận, chứ tài hoa và sắc đẹp của nàng đâu phải không bằng người; cũng như ta vậy, đâu phải tại tài hoa của ta không bằng người mà phải chịu lắm phen lạc đệ ! Sự cảm khái, bức xúc và bi phẩn dâng trào bức phá ở ba chữ " Bất Như Nhân 不如人 " của câu cuối nầy !

Qủa là Đồng bệnh tương lân, cùng một bệnh nên càng thông cảm và thương mến nhau hơn như cụ Nguyễn Du đã nói :

Đoạn trường ai có qua cầu mới hay !


DIỄN NÔM :

Tặng Ca Kỹ Vân Anh

Say giả Chung Lăng mười năm lẻ,

Eo thon nàng vẫn tựa đôi mươi.

Ta chưa đậu đạt nàng chưa gả,

Có phải đôi ta qủa kém người ?!

Lục bát :

Mười năm giả biệt Chung Lăng,

Eo thon nàng đẹp như trăng thuở nào.

Ta chẳng đậu, nàng vì sao ?

Đôi ta nào phải số cao thua người ?!

Đỗ Chiêu Đức


LA ẨN 羅隱(833—909),ông là nhà thơ nhà văn ở cuối đời Đường, tự là Chiêu Gián, người đất Dư Hàng ( tỉnh Chiết Giang ngày nay ). Ông vốn tên là Hoành, vì đi thi Tiến Sĩ mười lần đều không đậu, nên mới đổi tên. Năm Đường Quang Khải, ông vào làm mạc khách cho Tiết Độ Sứ Tiền Liêu, sau chuyển qua chức Phán Quan, rồi Cấp Sự Trung. Thơ của ông thường châm biếm những hiện thực của xã hội, sử dụng nhiều khẩu ngữ bình dân, nên được truyền tụng rộng rãi trong dân gian. Tác phẩm của ông gồm có " Giáp Ất Tập ". " La Chiêu Gián Tập ".

Sau đây là một bài thơ rất bình dân của ông được truyền tụng rộng rãi trong dân gian như những câu ngạn ngữ khuyên đời :


自遣 TỰ KHIỂN

羅隱 La Ẩn

得即高歌失即休, Đắc tức cao ca thất tức hưu,

多愁多恨亦悠悠。 Đa sầu đa hận diệc du du.

今朝有酒今朝醉, Kim triêu hữu tửu kim triêu túy,

明日愁來明日愁。 Minh nhựt sầu lai minh nhựt sầu


Dịch Nghĩa :

Được thì hát lớn lên để vui, còn không được ( thất ) thì thôi, sầu nhiều hận nhiều thì cũng dằng dặc như thế mà thôi.

Hôm nay có rượu thì hôm nay hãy uống cho say đi ngày mai nếu ưu sầu có đến thì ngày mai hãy ưu sầu !

Rất hiện thực, rất tự nhiên và cũng rất hồn nhiên lạc quan với cuộc sống, hơi sức đâu mà lo xa chi cho mệt !

Hai câu chót của bài thơ được Tăng Quảng Hiền Văn đổi đi một chữ thành :

今朝有酒今朝醉, Kim triêu hữu tửu kim triêu túy,

明日愁來明日憂。 Minh nhựt sầu lai minh nhựt ưu.

Nghĩa thì cũng như thế mà thôi !


Diễn Nôm :

Được thì hát lớn mất thì thôi,

Hận lắm sầu nhiều cũng thế thôi.

Có rượu hôm nay say với rượu,

Ngày mai sầu đến cứ sầu thôi !

Được vui hát, mất xuôi cò,

Sầu nhiều hận lắm cũng nằm co.

Hôm nay có rượu hôm nay uống,

Sầu đến ngày mai, đến hãy lo !

Đỗ Chiêu Đức