074. Đắm Say Nữ Sắc

"Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách

Sắc bất ba đào dị nịch nhân”*

ĐẮM SAY NỮ SẮC

ĐẮM SAY NỮ SẮC

VŨ khúc nghê thường tiếng bước chân

VÔ tình thưởng thức nhạc phong vân

KIỀM không giữ được thôi an phận

TỎA chẳng buông ra cũng mộ phần

NĂNG thuyết thanh niên quên thú tính

LƯU tâm thiếu nữ nhớ tu thân

KHÁCH say sưa ngắm em kiều diễm

SẮC BẤT BA ĐÀO DỊ NỊCH NHÂN

Mai Xuân Thanh

Ngày 03/10/2018

VŨ dũng cũng đành phải nhận chân,

VÔ nhân bất tưởng đắc thanh vân.

KIỀM lòng nan qúa giai nhân sắc,

TỎA ý đành thôi tráng sĩ phần.

NĂNG khiển chung tình không thỏa chí,

LƯU danh bạc hãnh khó thành thân.

KHÁCH hùng anh cũng gờm qua ải,

SẮC BẤT BA ĐÀO DỊ NỊCH NHÂN !

Đỗ Chiêu Đức

Chú Thích:

Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách, 雨無鈐鎖能留客,

Sắc bất ba đào dị nịch nhân. 色不波濤易溺人.

có xuất xứ từ một Giai thoại Văn Chương Việt Nam như sau :

... Một hôm, khi vừa tan lớp học, thì trời đổ mưa, học sinh không về được. Cụ đồ Đàm Thận Huy mới ra một vế đối như sau để cho các học trò đối lại cho vui :

Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách, 雨無鈐鎖能留客,

Có nghĩa :

Mưa không cần phải cầm cọng gì cả mà vẫn giữ được khách ở lại ( Kiềm là Cây Kềm. Tỏa là Khoá. nên KIỀM TỎA là Kềm khóa lại, ý chỉ hết lòng giữ khách lại, Miền Nam nói là CẦM CỌNG ).

Một người học trò tên là Nguyễn Chiêu Huấn lại đối lại rang :

Nguyệt hữu loan cung bất xạ nhân 月有彎弓不射人.

Có nghĩa :

Trăng có vành cong như cung, nhưng không bắn người.

Cụ đồ khen :

- Con người tài hoa phúc hậu, sẽ có hậu vận tốt về sau !

Một anh học trò khác bộp chộp đối là :

Phân bất uy quyền dị sử nhân 糞不威權易使人.

Có nghĩa :

Cứt không có quyền uy gì cả mà dễ sai khiến con người ( ý nói khi "mắc đi cầu" thì không ai có thể cản lại được cả !).

Cụ đồ Huy cười mà phán :

- Thứ đồ thô lậu, có tài nhưng chỉ đáng là trọc phú mà thôi !

Lúc bấy giờ, anh học trò Nguyễn Giản Thanh mới thủng thỉnh đối lại rằng :

Sắc bất ba đào dị nịch nhân 色不波濤易溺人.

Có nghĩa :

Sắc đẹp không có sóng gió gì cả nhưng dễ làm cho con người bị chìm đắm.

Cụ đồ Huy vổ bàn đánh đét một tiếng, khen :

- Thật tuyệt ! tài hoa sắc sảo đáng bậc Trạng Nguyên, nhưng e hậu vận sẽ bị lụy vì nữ sắc.

Lời nhận xét của cụ đồ Đàm Thận Huy đã thành lời tiên tri trong mấy năm sau đó. Nguyễn Giản Thanh thi đỗ thủ khoa, rồi đỗ Trạng Nguyên đời Vua Lê Uy Mục (1508), làm quan lễ bộ Thượng thư, nhưng vì say đắm một cô gái đẹp ở kinh thành mà đến ô danh bại tiết. Còn Chiêu Huấn chỉ đỗ Bảng Nhãn nhưng làm quan và sống yên ổn đến già. Riêng người học trò kia sau cũng vào hàng hào phú trong vùng, nhưng ai cũng chê là hạng thô lỗ, bỉ lậu.

Nguyễn Giản Thanh, người làng Ông Mặc (làng Me), huyện Ðông Ngàn (nay là Từ Sơn), Bắc Ninh. Ông sống vào khoảng đầu thế kỷ XVI, sinh năm 1482, mất năm nào không rõ. Lúc nhỏ ông rất thông minh, mới 16 tuổi đã thông hiểu rất nhiều sách vở, sau đỗ Trạng Nguyên, nên tục gọi là Trạng Me.

Đây là Giai thoại Văn chương Việt Nam, nên người Hoa không biết hai câu đối trên.

Đỗ Chiêu Đức