034. Sắc Quỳnh

SẮC QUỲNH

Xuân có về không tự nhủ mình

Đến Chùa chú nguyện những lời kinh

Chuông vô tán Phật sầu Vân Các

Mõ gọi hoà thơ lạc Uyển Đình

Ngõ hạnh hoa bay tàn bất tử

Cửa thiền trầm tỏa khói trường sinh

Tâm vui mở rộng thêm năm tháng

Ấm áp tay nhau vạn sắc Quỳnh

CAO MỴ NHÂN

HƯƠNG QUỲNH

Nửa đêm khoe sắc chỉ riêng mình,

Vạn vật im lìm chẳng hãi kinh.

Lặng lẽ cánh xòe tươi sắc trắng,

Âm thầm hương tỏa khắp hiên đình.

Đàm hoa nhất hiện thiên thu hãn,

Tòng bá trường thanh vạn kiếp sinh.

Hạnh phúc nhận chân trong một thoáng,

Còn tìm đâu nữa ấy hương Quỳnh !

Đỗ Chiêu Đức

Lời dẫn:

Đầu thập niên 60 thế kỷ trước, ở Saigon có thành lập một hội thơ mà chỉ toàn giới nữ lưu, đặt tên là Thi đàn Quỳnh Dao, quy tụ khoảng mấy chục nữ sĩ, đa phần là có gốc gác văn học VN cổ.

Niên trưởng là cụ CAO NGỌC ANH ( 1878-1970 ) là con quan nhà Nguyễn,Cao Xuân Dục . Sau đó,vị niên trưởng sau cùng là nữ sĩ MỘNG TUYẾT THẤT TIỂU MUỘI , phu nhân giáo sư Hán học ĐÔNG HỒ .

Quý vị ấy dòng dõi văn học cả . Thí dụ : nữ sĩ Tuệ Mai là ái nữ cụ Á Nam Trần Tuấn Khải, cụ Hồng Thiên là cháu ruột cụ cố Thi sĩ Nhuyễn Khuyến vv...

Thời gian đó, thập niên 60 thế kỷ trước, CMN quanh tuổi 20, nên không tham dự, vì ai muốn vô thi đàn Quỳnh Dao phải có 2 điều kiện: Làm thơ Đường để xướng hoạ . Và, cuộc sống phải bình thường, có bến có bờ. Lỡ mà uyên ương gẫy cánh, thì ở vậy suốt đời, đúng với " tam tòng " của đạo Nho.

Nhưng khi rời trại cải tạo về, CMN lại được quý nữ sĩ lớn tuổi đạo hạnh đó mời vô Thi đàn Quỳnh Dao,cho nên CMN phải cấp tốc " chuyên tu thơ thất ngôn bát cú" .

Với quý vị cao niên, gấp đôi số tuổi mình, nhưng bước vào thơ thì quên hết .

SẮC QUỲNH là nói về Thi đàn Quỳnh Dao .

Trong đó có Vân Các tức Gác MÂY của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, phu nhân ông là thành viên Quỳnh Dao.

Uyển Đình là lầu thơ của nữ sĩ Đào Vân Khanh vị niên trưởng thứ hai, sau cụ Cao Ngọc Anh, thân mẫu nữ sĩ Uyển Hương và nhạc sĩ Vũ Thành .

Sơ qua để biết xuất xứ bài SẮC QUỲNH, nhàn lãm cho biết làng thơ quả nhiều lý thú .

CAO MỴ NHÂN