Văn học chữ Nôm tại VN

Khái lược Về Văn học Chữ Nôm Ở Việt Nam

(đi sau (và bổ sung) chữ Hán / đi trước chữ Quốc ngữ )

Ngay từ đầu Công nguyên cho đến suốt 1000 năm Bắc thuộc sau đó, các dân tộc trên đất nước Việt Nam đã sống trong quá trình cộng cư với nhau và cả với người Hán từ phương Bắc đến.

Trải qua quá trình cộng cư này cùng với sự tiếp xúc với chữ Hán và văn hóa Hán, các dân tộc Việt Nam đã dần dần chủ động sử dụng chữ Hán trước hết là trong hành chính và trong giáo dục, rồi cả trong sáng tác văn học, hình thành một nền văn học chữ Hán của chính dân tộc mình.

Và từ khi thoát li khỏi sự đô hộ trực tiếp của phong kiến phương Bắc, thì bên cạnh chữ Hán vẫn tiếp tục được coi trọng, người dân bản địa Việt Nam còn sáng tạo ra chữ viết cho bản ngữ của mình. Đó là các hệ thống chữ viết ô vuông theo hình mẫu chữ Hán, được gọi là chữ Nôm: Người Kinh (tộc người Việt) có chữ Nôm Việt, người Tày có chữ Nôm Tày, v.v.

Với chữ Nôm Việt, ở Việt Nam đã hình thành nên một nền văn chương chữ Nôm (bên cạnh văn chương chữ Hán). Và chính trong lĩnh vực sáng tạo văn học, chữ Nôm gắn liền với ngôn ngữ dân tộc đã tạo nên những tác phẩm có giá trị, chiếm những vị trí cao nhất trong văn học cổ điển Việt Nam. Xin trình bày đôi nét khái quát về những chặng đường hình thành các thể thức và thể loại cùng với những tác giả và tác phẩm tiêu biểu của nền văn học chữ Nôm tiếng Việt.

1. THỜI KỲ SƠ KHAI

Theo quốc sử Việt Nam thì từ thế kỷ XIII dưới thời nhà Trần, ở Đại Việt đã có nhiều người làm thơ phú bằng chữ Nôm, tiêu biểu là Nguyễn Thuyên và Nguyễn Sĩ Cố, song tác phẩm của họ đều đã thất truyền từ lâu.

Riêng Nguyễn Thuyên: không rõ năm sinh năm mất. Đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) năm 1247, thời Trần Nhân Tông (1279-1293). Thượng thư bộ Hình. Năm 1282, có cá sấu vào sông Phú Lương. Vâng mệnh triều đình, ông lập đàn tế và làm bài văn tế bằng chữ Nôm ném xuống sông, cá sấu liền bỏ đi. “Vua cho rằng việc làm này giống như Hàn Dũ , nên cho Nguyễn Thuyên đổi thành họ Hàn” (theo Đại Việt sử kí toàn thư). Theo sử sách và gia phả họ Nguyễn ở Cao Bằng, thì Nguyễn Thuyên là người đầu tiên dùng chữ Nôm để chép gia phả họ Nguyễn, viết quốc sử và làm thơ phú quốc âm. Tác phẩm Phi sa tập của ông gồm nhiều bài thơ phú chữ Hán và cả chữ Nôm. Nhưng tất cả đều thất truyền. Tương truyền thơ chữ Nôm của Hàn Thuyên mở đầu cho việc kết hợp thơ ca dân gian người Việt với thể thức thơ Đường (có biến đổi về số chữ và niêm luật) để có một thể thơ mà người đời sau gọi là thể thơ “Hàn luật”.

2. THƠ NÔM “HÀN LUẬT”

Thơ Nôm “Hàn luật” (cải biến từ hai thể “thất ngôn tứ tuyệt” và “thất ngôn bát cú” của thể thức thơ Đường) đã xuất hiện từ thời sơ khai, có thể bắt đầu từ Hàn Thuyên. Tiê biểu là vua Lê Thánh Tông và hội thơ Tao Đàn.

Riêng Vua Lê thánh Tông, với 'Hồng Đức quốc âm thi tập' : Đây là một tuyển tập thơ Nôm đầu tiên ở Việt Nam, gồm sáng tác của nhà vua đương thời là Lê Thánh Tông (Lê Tư Thành , 1442 – 1497) và một số triều thần (được gọi là “Hội Tao Đàn”), là kết quả của phong trào sáng tác thơ Nôm ở cung đình do nhà vua khởi xướng.

Toàn tập thơ viết theo thể Đường luật thất ngôn bát cú, nhưng cũng có bài pha “lục ngôn” theo kiểu “Hàn luật” của Việt Nam. Nội dung nặng về những đề tài “cao quý”, vịnh người vịnh cảnh, thấm đậm tư tưởng Nho gia. Tuy nhiên, đây là thời thái bình thịnh trị, nên tập thơ cũng toát lên niềm lạc quan, tự hào dân tộc và thiện chí trau giồi ngôn ngữ dân tộc của vua tôi nhà Lê.

3. DIỄN CA LỊCH SỬ

“Diễn ca lịch sử” là những tác phẩm thơ Nôm trường thiên, mà phần lớn nội dung đều dựa vào quốc sử cùng với truyền thuyết dân gian. Diễn ca lịch sử sử dụng hai thể thơ dân tộc: Một là thể “lục bát” (mỗi khổ hai câu: 6 – 8 tiếng) với những tác phẩm tiêu biểu như: Việt sử diễn âm, Thiên Nam ngữ lục, Đại Nam quốc sử diễn ca. Hai là thể “song thất lục bát” (mỗi khổ bốn câu: 7 – 7 – 6 – 8 tiếng, các câu “thất ngôn” đều ngắt nhịp 3 – 4), với tác phẩm tiêu biểu là Thiên Nam minh giám.

Đại Nam quốc sử diễn ca hiện được biết đến là một tác phẩm diễn ca lịch sử viết theo thể lục bát, mà tiền thân của nó có thể là tập Sử ký quốc ngữ ca của một tác giả khuyết danh, được nộp vào Viện Tập hiền của nhà Nguyễn. Tập sử ca này đã được Lê Ngô Cát (quê Hà Tây, không rõ năm sinh năm mất, đỗ Cử nhân năm 1848 thời Tự Đức, làm quan ở Quốc sử quán) sửa chữa, bổ sung, làm thành tác phẩm mới dài 3.774 câu lục bát. Đến khi Phạm Đình Toái (quê Nghệ An, không rõ năm sinh năm mất, đỗ Cử nhân năm 1843 thời Thiệu Trị, làm quan đến Hồng Lô tự khanh) đọc lại, cắt bỏ nhiều đoạn rườm rà, bổ sung những chỗ thiếu sót và sắp xếp lại, làm thành bản mới, gọn hơn, gồm 2.054 câu lục bát, đặt tên là Đại Nam quốc sử diễn ca, được khắc ván năm 1870. Tác phẩm này được soạn theo lệnh của vua Tự Đức, nên trong đó có không ít thiên kiến của nhà Nguyễn đối đối với các nhân vật và sự kiện lịch sử trước mình, nhất là với triều Tây Sơn . Tuy nhiên, những trang viết về thời Hồng Bàng, thời Hai Bà Trưng, về các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, quân Minh đã gây được không khí hào hùng, mang đậm tinh thần tự hào dân tộc.

Thiên Nam minh giám: Hiện chưa rõ tác giả là ai, có thể là do một nhà Nho trong tôn thất chúa Trịnh vâng mệnh phủ chúa mà viết. Tác phẩm hoàn thành vào khoảng giữa thế kỷ XVII. Cũng là một tác phẩm diễn ca lịch sử Việt Nam, nhưng viết theo thể thơ Việt “song thất lục bát”, dài hơn 938 câu. Đây là lần đầu tiên có một tác phẩm chữ Nôm dài hơi viết bằng thể “song thất lục bát”.Với thể loại diễn ca lịch sử thì tác phẩm này dường như là duy nhất hiện có được viết theo thể thơ này. Nội dung tác phẩm chú yếu nêu gương anh hùng nghĩa sĩ nước Nam, thiên về phẩm bình nhân vật lịch sử.

4. NGÂM KHÚC (THỂ NGÂM)

“Ngâm khúc” là một thể loại thơ Nôm trường thiên. Đó là những tác phẩm trữ tình dài hơi, chuyên sử dụng thể thơ “song thất lục bát” để phô diễn tình cảnh và tâm tư của nhân vật trữ tình. Có 2 tác phẩm tiêu biểu cho thể loại này là Chinh phụ ngâm khúcCung oán ngâm khúc.

Chinh phụ ngâm khúc . Nguyên tác Hán văn của nhà thơ Việt Nam Đặng Trần Côn thế kỷ XVIII), dài 438 câu theo thể “trường đoản cú”, xuất hiện năm 1741. Liền ngay sau đó lần lượt có 4 bản dịch sang thơ Nôm. Bản dịch thành công nhất được lưu hành rộng rãi, theo ván khắc năm 1902, gồm 412 câu thơ, thể “song thất lục bát”. Bản này tương truyền là do bà Đoàn Thị Điểm ( 1705 – 1748) chuyển dịch. Song gần đây có nhiều người nghiêng về phía khẳng định Phan Huy Ích ( 1750 – 1822) mới là dịch giả của bản hiện đang lưu hành.

Chinh phụ ngâm là một lời độc thoại nội tâm mà nhân vật trữ tình duy nhất trong tác phẩm là một người vợ có chồng gặp thời loạn phải ra đi chinh chiến. Lý tưởng lập công danh không ngăn được nỗi niềm cô quạnh và ước mong được sống hạnh phúc cùng chồng nơi quê nhà. Đây có thể là tác phẩm ngâm khúc đầu tiên mà thành công của nó chứng minh cho khả năng của thể “song thất lục bát” trong việc phô diễn những cảnh tượng bi tráng và tâm trạng sầu muộn triền miên của nhân vật trữ tình.

Cung oán ngâm khúc. Tác giả khúc ngâm là Nguyễn Gia Thiều (1741 – 1798), sinh trưởng trong một gia đình quý tộc, là cháu ngoại chúa Trịnh Cương. Ông học rộng, am hiểu nhiều môn nghệ thuật: âm nhạc, hội họa, kiến trúc, trang trí. Cung oán ngâm khúc theo bản in khắc ván năm 1902 dài 356 câu thơ “song thất lục bát”.

Khúc ngâm trường thiên này là lời tự bạch nỗi niềm cô đơn chán chường của người cung nữ bị bỏ rơi, đồng thời cũng là lời gửi gắm những suy tư của tác giả về nhân sinh và thế giới. Tác phẩm rất giàu sức biểu cảm: có tiếng nói trữ tình từ cảnh ngộ cá nhân của nhân vật trữ tình, vừa có tiếng nói triết lý về kiếp nhân sinh từ những suy tư của tác giả. Với tác phẩm này, thể “song thất lục bát” đã đi đến chỗ hoàn thiện ở mức đỉnh điểm: cách luật hoàn toàn chặt chẽ, chuẩn mực, không chấp nhận những ngoại lệ như ở các tác phẩm khác. Ngôn ngữ văn học ở đây được gọt giũa kỹ càng, biện pháp điệp từ sử dụng rất khéo léo, tạo được cảm xúc.

5. TRUYỆN NÔM (THỂ TRUYỆN)

Đây là một thể loại văn học viết theo văn vần, có cốt truyện (tức là một loại tiểu thuyết văn vần), rất phát triển ở Việt Nam (mà ở Trung Hoa hầu như không có), đặc biệt thịnh hành từ cuối thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX. Có tới hàng trăm tác phẩm thuộc loại này, mà đỉnh cao là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Truyện Nôm sử dụng thể thơ “lục bát” là chủ yếu, song cũng có một số ít tác phẩm dùng thể Đường luật.

Truyện Kiều là tác phầm chủ yếu của Nguyễn Du (1765 – 1820), nhà đại thi hào dân tộc Việt Nam. Sinh trưởng trong một gia đình danh gia vọng tộc (cha làm quan đến Tể tướng, anh làm quan đến Tham tụng), nhưng gặp nhiều trắc trở. Năm 1783 thi Hương đậu Tam trường, sau không thi tiếp nữa. Thuở nhỏ ở Thăng Long, lớn lên gặp thời tao loạn (từ khởi nghĩa Tây Sơn đến Nguyễn Ánh khôi phục lại Nhà Nguyễn) phải nay đây mai đó, cuối cùng về quê ở Nghệ An, sống gần với dân gian. Có ra làm quan với nhà Nguyễn một thời gian, từng được cử đi sứ nhà Thanh. Nguyễn Du có một sự nghiệp sáng tác văn học đồ sộ, cả bằng chữ Hán và bằng chữ Nôm. Riêng về văn chương chữ Nôm, ngoài Truyện Kiều, ông còn để lại một vài tác phẩm ngắn, mà tiêu biểu là bài Văn tế thập loại chúng sinh, một bài văn chiêu hồn đối với mọi kiếp người đã chết trong bất cứ cảnh ngộ nào, thể hiện lòng thương người bao la của nhà thơ.

6. PHÚ NÔM và VĂN TẾ NÔM

Trong văn học Việt Nam (cũng như ở Trung Hoa), phú là một thể văn có từ rất rất sớm, có phú chữ Hán và phú chữ Nôm. Nội dung của phú Nôm thường ca ngợi cảnh sắc non sông, xưng tụng công tích anh hùng, hoặc phê phán trào lộng, nghị luận sự tích, nhân vật. Tiêu biểu là Tụng Tây Hồ phú của Nguyễn Huy Lượng và Chiến tụng Tây Hồ phú của Phạm Thái .

Văn tế chữ Nôm với tư cách là những tác phẩm văn học còn lại với thời gian thường không chỉ mang chức năng nghi lễ tín ngưỡng, mà đó là những tác phẩm chứa chan tình cảm với những người đã khuất, những người thân thiết của tác giả hoặc những anh hùng liệt sĩ, những người có số phận bất hạnh trong xã hội. Văn tế được viết bằng nhiều thể thức khác nhau, có thể là văn biền ngẫu, có thể là song thất lục bát. Song phần lớn là những bài văn tế viết theo thể phú. Nổi tiếng nhất là Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du (1765 – 1820).

7. THƠ NÔM ĐƯỜNG LUẬT

Văn nhân người Việt làm quen với cách luật thơ Đường từ rất sớm. Bước đầu thử mô phong thể thơ này để làm thơ tiếng Việt, các nhà thơ đã không theo sát thể thức Đường luật như khi làm thơ chữ Hán, mà có cải biến ít nhiều, tạo thành lối thơ Việt hóa “Hàn luật”. Lối thơ Đường luật Việt hóa này đã không được các thế hệ thi nhân đời sau kế thừa và phát huy. Từ thế kỷ XVII trở đi văn đàn Việt Nam hầu như vắng bóng các bài thơ Nôm “phá cách” như vậy (trừ một số bài tương truyền là của Hồ Xuân Hương, mang sắc thái trào phúng theo lối dân gian), thay vào đó là những bài thơ chữ Nôm tuân thủ nghiêm chỉnh cách luật thơ Đường.

Có thể nói rằng các nhà thơ Việt Nam thời trung đại ai cũng từng làm thơ Đường luật, chữ Hán và cả chữ Nôm. Tuy nhiên, không phải tác giả nào cũng thực sự thành công. Các nhà thơ để lại ấn tượng rõ nét nhất về thơ Nôm Đường luật là Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến và Trần Tế Xương. Ngoài ra còn phải kể đến: Bà Huyện Thanh Quan (tên thực là Nguyễn Thị Hinh, với chùm bài thơ mang nặng tâm trạng hoài cổ; Mạc Thiên Tích với tập Hà Tiên quốc âm thập vịnh ; Phan Văn Trị với nhiều bài thơ vịnh vật vịnh cảnh và 10 bài thơ họa chế giễu bọn văn nhân cam tâm theo giặc.

Hồ Xuân Hương (cuối XVIII đầu XIX). Cho đến nay, giới nghiên cứu vẫn chưa biết chính xác năm sinh năm mất cùng thời gian sáng tác của bà, cũng như chưa xác định được rõ toàn bộ tác phẩm của bà. Bà nổi tiếng là “bà chúa thơ Nôm”, với khoảng hơn 50 bài thơ Nôm luật Đường, được sưu tập và chép lại vào năm 1893. Trong số đó có lẫn một số bài của người khác.

Thơ Nôm Hồ Xuân Hương nói về những cảnh ngộ riêng tư của người phụ nữ, những nỗi khổ và bất công mà họ phải hứng chịu: làm vợ lẽ, chửa hoang, góa chồng. Nhưng thái độ của bà là không kêu than, không bi lụy, mà với đầy đủ ý thức về giới tính, bà khuyên chị em hãy ngẩng cao đầu làm người, đòi lại quyền bình đẳng xã hội.

============Khuyết danh=========