CON ĐƯỜNG TU ĐỨC NÊN THÁNH

Linh Mục Joseph Nguyễn Văn Thư

Đường nên thánh thì có rất nhiều, nhưng toàn là “đường hẹp” (Mt 7,13-14). Mỗi Kitô hữu phải tự chọn lấy con đường nên thánh cho riêng mình, vì mỗi người chỉ thích hợp với một con đường nên thánh nào đó, tùy theo ơn gọi của từng người.

Xin phác họa chân dung con đường nên thánh, dựa trên ba mối tương quan: với Chúa, với nhau và với chính mình. Con đường nên thánh ấy gồm 6 chữ T: Tín Thác, Trung Tín và Thật Thà.

1. Đối với Chúa, ta hãy sống tín thác. Ở đời, ta cần có niềm tin, để có thể sống gần nhau và với nhau. Ngoài tương quan giữa người với người, ta còn có một tương quan khác linh thiêng hơn, là cội rễ giúp ta trên đường nên thánh, đó là tương quan giữa ta và Thiên Chúa. Mối tương quan linh thánh này đặt trên nền tảng đức tin. Hay nói đúng hơn, nếu ta muốn nên thánh, thì phải tín thác vào Thiên Chúa: "Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án. Kẻ không tin thì bị lên án rồi" (Ga 3,18). “Ai tin vào người Con, thì được sự sống đời đời” (Ga 3,36). Trên đường nên thánh, ta bước đi với Đấng mà mình chưa một lần diện đối diện. Nhưng với cái nhìn đức tin, ta cảm nhận được Chúa đang ở bên mình, đang đồng hành với mình trên từng cây số. Vì thế, ta cần sống tâm tình phó thác, tin tưởng và cậy trông hoàn toàn nơi Chúa. Chính đức tin sẽ giúp ta đi suốt dọc dài con đường nên thánh. Chính đức tin sẽ thúc đẩy ta dấn thân trọn vẹn cho Thiên Chúa.

Dù nhiều khi ta phải đi trong đêm tối của biển đời, dù lắm lúc ta phải trải qua những thử thách gian truân, ta vẫn luôn xác tín một điều: Thiên Chúa không bỏ rơi ta. Thiên Chúa đang đồng hành với ta. Thiên Chúa là nơi nương ẩn an toàn cho cuộc đời ta (x. Is 49,8-15). Biết bao lần, trên đường nên thánh, ta đi ngang qua “những phố xá lấp lánh bên đường” và tưởng đó là hạnh phúc thật. Nhưng thật ra, đó chỉ là những ảo ảnh, một chút phù phiếm mau qua. Biết bao lần ta bám víu vào tình cảm của người này người nọ. Nhưng rồi ta chợt nghiệm ra, tình người chỉ là phù vân. Biết bao lần ta tưởng mình vẫn mãi ngồi yên trên tấm thảm “danh-lợi-thú”. Nhưng chỉ trong chớp mắt, địa vị ấy, chỗ ngồi ấy đã sang tay kẻ khác. Biết bao lần, thay vì bám chặt vào Chúa, ta lại chạy theo những người, những vật mỏng giòn chóng qua. Chính vì thế, mà đường nên thánh của ta chẳng đi tới đâu. Ngẫm nghĩ lại, có khi ta đã đi trật đường rồi. Phải bắt đầu lại thôi. Tuy trễ, nhưng chưa phải là kết thúc.

2.Đối với nhau, ta hãy giữ sự trung tín. Trên đường nên thánh, ta không đi một mình, nhưng cùng đi với nhau suốt dọc dài cuộc đời. Nhờ trung tín vào nhau, ta mới cảm thấy tình người gần gũi hơn và đời bớt cô đơn. Nhờ trung tín với nhau, ta mới dễ dàng mở lòng và cảm thông với nhau hơn. Nhờ trung tín vào nhau, ta mới có động lực để vượt qua những rào cản của những khác biệt, để sống thân ái với nhau hơn, nhất là để cùng nhau vững bước trên đường nên thánh. Chúa phán: “Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn” (Lc 16,10b). Tưởng cũng nên nhắc lại, lòng trung tín không phải là “một thứ phương tiện”, để giúp ta đạt được “mục đích” theo kiểu “Qua cầu rút ván”. Nhưng lòng trung tín phải là một phẩm chất của con người mình, là “hình ảnh của Đấng Tín Trung” (x. Đnl 7,9).

Vì thế trung tín với nhau là một nét đẹp trên đường nên thánh. Người trung tín thì không cư xử xấu với nhau, không bất trung, bất nghĩa. Người trung tín thì không trở mặt với chính mình. Kẻ bất trung, phần nhiều do lương tri của họ đã bị tê liệt và thiếu tự trọng. Còn người trung tín thường có ý chí mạnh, để chịu đựng gian khổ, để vượt lên chính mình trong những thời điểm thử thách. Khi ta trung tín, trí tuệ ta sẽ sáng suốt, lòng yêu thương của ta vẫn sâu đậm. Nhờ vậy mà lòng quyết tâm nên thánh của ta càng thêm vững mạnh. Đi bên nhau trên đường nên thánh, mà giữ được sự trung tín với nhau, đời đẹp biết bao! Một thí dụ về sự bất tín: Ngày nay, biết bao gia đình tan vỡ, vì thiếu sự trung tín giữa vợ chồng. Trong hôn lễ, biết bao cặp vợ chồng đã cầm tay nhau và thề hứa trước mặt Hội Thánh. Họ hứa sẽ giữ lòng chung thủy với nhau, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng nhau mọi ngày suốt cuộc đời. Thế rồi hôn nhân tan vỡ, bao nhiêu cái “tại” cái “vì” lại được nêu ra. Chẳng ai chịu nhận mình bất trung bất tín. Buồn, đau phần đời còn lại. Đã không trung tín trong tình nghĩa vợ chồng, thì cũng chẳng mong gì trung tín trong nhiều việc khác, và càng khó hơn trong việc nên thánh gia đình.

3. Đối với chính mình, ta hãy sống thật thà. Giới trẻ ngày nay đang cười tủm tỉm với câu nói: “Thật thà thẳng thắn thường thua thiệt. Lươn lẹo luồn lách là lên luôn”. Vậy thì ai dám thật thà nữa đây? Thưa, ai muốn nên thánh, thì phải thật thà. Chính Chúa Giêsu đã dạy: “Có thì nói có; không thì nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,27). Như thế, sự thật thà không phải chỉ là thái độ của ta đối với Chúa hay với người khác, mà còn là thái độ của ta đối với chính mình, là tiêu chí để nên thánh. Muốn sống thật thà, ta cần tuân thủ những chuẩn mực đạo đức trong từng suy nghĩ, lời nói và hành động. Thật thà là một phẩm chất quan trọng, tạo nên giá trị nhân cách của một con người. Thật thà là dấu chỉ tốt cho mọi người thấy ta thực sự là con của Chúa, Đấng là Sự Thật (x. Ga 14,6). Kinh nghiệm cho thấy, sống “thật thà thẳng thắn” không phải lúc nào cũng dễ. Nó đòi hỏi sự dũng cảm và nghiêm khắc với chính bản thân.

Walter Anderson cho rằng: “Cuộc sống sẽ thay đổi khi ta biết nắm bắt các cơ hội cho mình, nhưng cơ hội đầu tiên và khó khăn nhất lại là việc ta phải thành thật với chính bản thân mình”. Ngay cả khi phải đối diện với thất bại, thua thiệt, ta vẫn phải sống thật thà. Có thế, ta mới có thể ngẩng cao đầu mà sống; và cảm thấy thanh thản trong lòng. Samuel Johnson chia sẻ thêm: “Thật thà mà không hiểu biết, thì yếu ớt và vô dụng. Hiểu biết mà không thật thà, thì rất nguy hiểm và đáng sợ. Còn những ai thật thà và hiểu biết, sẽ là người viết nên lịch sử của chính mình”. Còn Kitô hữu thì tin rằng: Thật thà là một phẩm chất quan trọng hàng đầu để nên thánh, nhất là nên thánh trong gia đình.

KẾT LUẬN: Nên thánh trong gia đình là một lời mời gọi của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người. Nói theo kiểu thời thượng, thì đó là: “Người người nên thánh, nhà nhà nên thánh”. Trên con đường nên thánh, rất cần sự tín thác, trung tín và thật thà trọn cả cuộc đời.