BA NGÀY TẾT

1. Mồng Một đón nhận phúc lành của Chúa


Sáng Mồng Một, thánh lễ Minh niên, đến nhà thờ gặp nhau ai cũng rôm rã lời chúc mừng năm mới. Cha xứ chúc cộng đoàn, mọi người chúc mừng nhau những lời tốt đẹp. Những ngày tết đến thăm nhau, gia chủ mời ly trà ly rượu thân tình và cầu chúc những lời hay nhất: ơn thánh dồi dào, sức khỏe bình an, hạnh phúc thành đạt, làm ăn tấn tới.


Hàng xóm thân quen, người này đến thăm người kia, rộn ràng vui vẻ, nén nhang thắp trên bàn thờ gia tiên, ly rượu đầu xuân mời nhau thân thiết, nói chuyện đầu năm nụ cười tươi nở. Đơn sơ mà ấm áp, thăm nhau chúc nhau mấy ngày xuân được xem như nghĩa cử ở đời thật đáng quý đáng trân trọng.

2. Mồng Hai thể hiện lòng hiếu thảo


Tết là lễ hội của gia đình. Nhà cha mẹ trở nên ấm cúng thân thương. Con cháu quy tụ về vui mừng nói cười rộn rã. Con cháu thắp nén hương trước bàn thờ tiên tổ với tâm tình thành kính tri ân rồi thì thầm với các ngài những điều nguyện ước. Quây quần quanh ông bà cha mẹ để chúc thọ tỏ lòng thảo kính và đón nhận lời giáo huấn đầu năm.


Tết còn liên kết người sống với người chết, hiệp thông con cháu với tổ tiên ông bà cha mẹ đã qua đời. Nhiều người có thói quen đi tảo mộ những ngày trước Tết. Nhiều giáo xứ tổ chức Thánh lễ tại nghĩa trang để cầu nguyện cho những người thân yêu đã an nghĩ. Người ta tin rằng dịp đầu năm ông bà tổ tiên về sum họp với con cháu. Niềm tin đó có tác dụng tích cực giúp người sống luôn nhớ tới cội nguồn, sống hiếu thảo, ăn ở xứng đáng với dòng tộc của mình. Đạo lý ngày Tết tuyệt đẹp: “Uống nước nhớ nguồn”, con cháu tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên.


3. Mồng Ba xin ơn thánh hoá công ăn việc làm


Trong những ngày đầu năm mới, ai cũng mong những điều may lành đến với bản thân và gia đình mình. Những điều may lành không chỉ là của cải vật chất hay sự bình an hạnh phúc, mà còn là những giá trị sống tốt đẹp nhằm hoàn thiện con người và nâng cao phẩm giá của họ. Trong số đó, lao động đã và đang góp phần tích cực vào việc kiến tạo đời sống.


Mồng Ba Tết là ngày được dành riêng để cầu xin cho mùa màng hoa lợi trong năm gặp được mưa thuận gió hòa, cho công việc được thuận buồm xuôi gió. Theo truyền thống dân tộc, mồng ba Tết đã được khai triển rộng rãi hơn, vượt quá khuôn khổ của một lễ Cầu Mùa, để trở thành lễ xin Chúa thánh hóa và chúc lành công ăn việc làm trong năm mới.