Giáo hội Công giáo Rôma

Linh Mục Joseph Nguyễn Văn Thư

Giáo hội Công giáo (cụ thể hơn gọi là Giáo hội Công giáo Rôma hay Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã) là một giáo hội Kitô giáo hiệp thông hoàn toàn với vị giám mục Rôma, là Đức Giáo Hoàng. Giáo hội này hình thành trên cơ sở cộng đoàn Kitô hữu nguyên thủy được Chúa Giêsu quy tụ thông qua mười hai Thánh Tông đồ, đặc biệt là Thánh Phêrô

Giáo hội Công giáo là giáo hội Kitô giáo lớn nhất, đại diện cho hơn một nửa Kitô hữu và cũng là tôn giáo được tổ chức lớn và chặt chẽ hơn bất kỳ tôn giáo nào trên thế giới .

Giáo hội Công giáo hoàn vũ được chia thành nhiều giáo phận ở nhiều quốc gia, thông thường là trên cơ sở lãnh thổ hành chính, đứng đầu mỗi giáo phận là một vị giám mục.

Giáo hội Kitô giáo này có bề dày lịch sử và có nhiều tên để tham chiếu đến nó. Chưa có sự công bố bất kỳ tên chính thức nào, tuy nhiên, theo cách nhìn của Kitô hữu thì tên gọi “Giáo hội Công giáo” hoặc “Giáo hội Công giáo Rôma” là phổ biến .

Có không ít sự bất đồng về cách dùng từ không thực sự rõ nghĩa giữa “Giáo hội Công giáo Rôma” và “Giáo hội Công giáo”, nguyên nhân là do một vài nhánh Kitô giáo khác cũng tuyên bố họ là “Công giáo” (nghĩa là tôn giáo phổ biến). Đặc biệt, Chính thống giáo Đông phương thích áp dụng thuật ngữ “Giáo hội Công giáo Rôma” để chỉ giáo hội này nhằm phân biệt với các giáo hội Đông phương. Mặt khác, Chính thống giáo Đông phương, Giáo hội Luther, Anh giáo và các nhánh Kitô giáo khác yêu cầu viết là “Giáo hội công giáo” (lưu ý chữ “công giáo” không viết hoa) nhưng cách viết “Giáo hội Công giáo Rôma” hiện nay vẫn được áp dụng thực tế.

Giáo hội Công giáo gắn liền với Chúa Giêsu và Mười hai Thánh Tông đồ và coi các giám mục của Giáo hội là những người kế vị các tông đồ, giáo hoàng là người kế vị Thánh Phêrô, lãnh đạo Giáo hội. “Giáo hội Công giáo” là thuật ngữ đầu tiên được sử dụng bởi Thánh Ignatius Antioch (Inhaxiô) vào năm 107, [đại ý rằng]: nơi nào có Đấng Kitô ngự trị, nơi đó là Giáo hội Công giáo, như là sự tuyệt đối hóa vai trò của Giáo hội và Giáo hoàng. Đồng thời, những văn sĩ Công giáo cũng liệt kê một số trích ngôn từ những thầy giảng sơ khai để củng cố luận cứ này theo ngụ ý của Tòa Thánh, trong khi các văn sĩ Chính Thống giáo lại không chấp nhận điều này vì cho rằng, vị giáo hoàng đầu tiên - Thánh Phêrô - chỉ là một chức vị đứng đầu mang tính danh dự. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc Đại Ly Giáo năm 1054, mặc dù giữa họ cũng mâu thuẫn về một số tín điều. Trung tâm học thuyết của Giáo hội Công giáo là sự kế vị liên tục các tông đồ mà giờ đây gọi là các giám mục. Giáo hội Công giáo tuyên bố tiếp tục chung thủy với sự dẫn dắt của các giám mục và bác bỏ hoàn toàn những lạc giáo.

Theo sử sách, các tông đồ đã đi truyền giảng ở Bắc Phi, Tiểu Á, Ả Rập, Hy Lạp và Rome để thành lập những cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên, năm 100, đã có hơn 40 cộng đoàn. Ngay từ thời sơ khai này, các Kitô hữu bị bắt bớ, đàn áp và hành hạ, thậm chí bị giết chết như trường hợp của Stêphanô (Stephen) (Sách Công vụ Tông đồ 7:59) và Giacôbê, con ông Dêbêđê (James) (12:2) qua bàn tay quyền lực của Đế quốc La Mã. Năm 64, dưới sự đàn áp của Hoàng đế Nero, Phêrô và Phaolô tử đạo tại Roma. Năm 96, Giáo hoàng Clement I viết lá thư đầu tiên gửi Giáo hội ở Côrintô (Corinthios), một năm sau cái chết của Thánh Gioan tại Êphêsô (Ephesios) – vị tông đồ cuối cùng - châm ngòi cho sự đàn áp Giáo hội qua tận chín đời Hoàng đế La Mã gồm cả Domitian, Decius và Diocletian.

Từ năm 150, những thầy giảng bắt đầu rao giảng thần học Kitô để củng cố lòng tin trong tín hữu. Những người này đóng vai trò như những vị linh mục ngày nay. Đáng chú ý là Ignatius Antioch, Polycarp, Justin Tử đạo, Irenaeus, Tertullian, Clement Alexandria và Origen.

Công giáo được hợp pháp hóa vào thế kỷ thứ 4 khi Constantine I ban hành Sắc lệnh Milano năm 313. Constantine là nhân vật có ảnh hưởng trong Công đồng Nicaea I vào năm 325, hướng mũi tên vào phái tà giáo Aria và Nicea, khiến vai trò của ông hiện nay vẫn còn trong Giáo hội Công giáo, Chính Thống giáo, Cộng đồng Anh giáo và các giáo hội Kháng Cách.

Vào năm 326, Giáo hoàng Sylvester I cung hiến Đại giáo đường Thánh Phêrô do Constantine xây dựng. Ngày 27 tháng 2 năm 380, Hoàng đế Theodosius I công nhận Công giáo là quốc giáo của Đế quốc La Mã. Thời kỳ lịch này đánh dấu sự khởi đầu cho việc thiết lập nền tảng thần học và giáo luật của Giáo hội. Năm 386, Công đồng Rôma thiết lập Quy điển Thánh Kinh, ra danh sách những quyển sách được Giáo hội chấp nhận từ Cựu Ước và Tân Ước. Năm 431, Công đồng Êphêsô công khai tín điều, khẳng định Đức Giêsu mang hai bản thể: Con Thiên Chúa và con người, minh bạch hóa tín điều về Ba Ngôi.

Với sự phù trợ của Chúa Thánh Linh, Giáo hội sẽ bền vững cho tới tận thế