THÊM VỀ THIỀN

Cách đây ít năm, người viết có cho in tập sách 'Tìm Thiền trong đạo Chúa'. Dĩ nhiên có nhiều người hâm mộ. Tuy nhiên có vài kẻ thắc mắc : Sao không 'tìm Chúa trong Thiền' ?

Thật ra, trong đạo Chúa không thiếu những bài học dạy ta thực hành Thiền : Kết hợp mật thiết với Chúa toàn vẹn 100%, không còn chi giữ lại cho bản thân mình.

Trong thần học Công giáo cũ, kể cả chuyện Tu đức, người ta hay phân biệt 'chủ' là con người và 'khách' là Thiên Chúa : Kết quả của Triết học Hy Lạp xa xưa.

Cái khung cũ của thần học Công giáo gặp khó khăn tại Việt Nam : Hơn 400 năm rồi mà Công giáo vẫn chỉ có hơn 7 % dân số. Giáo dân chỉ hay tới với Chúa để xin sỏ nọ kia, nên tâm hồn vẫn 'xa' Chúa. Lại thêm chuyện dính một cách cứng ngắc với quá nhiều luật lệ, giáo điều, nên khi ra khỏi nhà thờ, thì chào 'goodbye' Chúa ở lại...

Đa số quên rằng ta phải đóng vai trò của chính Chúa giữa thế gian. Phải là những 'Ky Tô' khác để thánh hóa thế giới.

Tuy là con chiên, nhưng cũng phải tích cực làm muối men cho đời.

Người viết đã khẳng định : Theo ngôn ngữ Thiền, thì thánh Phao Lô đã được coi như thành Phật' theo cái nghĩa rộng . Ngài đã đồng hóa với đức Ky Tô hoàn toàn như mẫu mực tối thượng của đời mình : Tôi sống, nhưng không phải tôi, mà chính Chúa Ky tô sống trong tôi.

Tìm tới Thiền, ta cần phải là những 'hành giả', chứ không chỉ là 'học giả' xuông.

Vài Phật tử bảo không thể có Thiền trong đạo Chúa, chỉ vì mục tiêu quá khác nhau, nhưng người viết đã bảo 'Đạo Chúa chỉ mượn Thiền như cái vỏ' mong bao bọc nội dung bên trong vô cùng phong phú.

Thiền nhà Phật nhắm tới đích điểm khác xa đạo Chúa. Gốc gác là giáo lý như mặt trời với mặt trăng. Thành ra cách sống đạo cách xa nhau ngàn dặm.