Định Mệnh Thiên Đàng Hay Hỏa Ngục

Định Mệnh của Chúng Ta: Ở Thiên Đàng hay Hỏa Ngục

Chúng ta hãy chọn lựa điều thiện cùng với sự trợ giúp của Các Bí Tích và sự cầu nguyện.

Ngay từ khởi đầu ở trong sách Cựu Ước, Thiên Chúa đã mạc khải cho con người biết có hai con đường để chọn lựa: đó là đường dẫn đến sự sống, hoặc đường đưa đến sự chết. Đường dẫn đến sự sống là Mến Chúa, Yêu Người và Tuân Giữ Các Giới Răn của Chúa. Đường đưa đến sự chết là phá bỏ huấn giới của Chúa, sống trong tội lỗi và tuyệt tình với Chúa.

Tình hình thế giới hiện nay ngập đầy mọi hỗn loạn, làm cho chúng ta ai nấy hầu như cũng bị quay cuồng đi đứng khó khăn trên đường ngay chính và tuân giữ theo các huấn giới của Người, hoặc ngay cả khi chúng ta biết là cần phải làm gì. Một trong những di sản mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Paulô II để lại, đó là cuốn Sách Giáo Lý Công Giáo được ban hành vào năm 1992, toàn bộ mọi đúc kết trong đó ai nấy cần phải biết để được cứu thoát. Đó là đề tài vô cùng quan trọng, vì số phận đời đời của chúng ta đang bị đe dọa: một là được hoan hưởng hạnh phúc đời đời cùng với Chúa trên Thiên Đàng, hoặc chịu khốn nạn đời đời ở hỏa ngục, đoạn tuyệt với Thiên Chúa.

Những bài giáo lý từ trong sách Giáo Lý được ban hành năm 1992 này, đã được Đức Giáo Hoàng hưu trí Bênêđíctô 16 đúc kết thành từng câu theo lối hỏi đáp rất ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu và hàm chứa đầy đủ hết mọi điều cần thiết cho hết mọi đề tài thuộc đức tin của Hội Thánh, mà chúng ta được biết đó là cuốn "Toát Yếu Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo", được ngài ban hành vào năm 2005. Dưới đây là trích đoạn một số những câu hỏi đáp tương ứng từ trong cuốn giáo lý tóm gọn này. (Bản Dịch Giáo Lý việt ngữ của Đức Cha Paulô Bùi Văn Đọc)

207. Đời sống vĩnh cửu là gì ?

Đời sống vĩnh cửu là đời sống bắt đầu ngay sau khi chết. Đời sống này không có kết thúc. Mỗi người, khi bắt đầu bước vào đời sống vĩnh cửu, sẽ phải nhận một cuộc phán xét riêng do chính Đức Kitô, vị Thẩm Phán của kẻ sống và kẻ chết; đời sống này sẽ được đóng ấn trong cuộc phán xét chung.

208. Phán xét riêng là gì ?

Là cuộc phán xét thưởng phạt tức khắc mà mỗi người, ngay sau khi chết, phải lãnh nhận từ Thiên Chúa trong linh hồn bất tử của mình, liên quan đến đức tin và các việc làm của mình. Sự phân định thưởng phạt này gồm có việc được vào hưởng hạnh phúc thiên đàng, tức khắc hoặc sau một cuộc thanh luyện thích hợp, hay là phải chịu phạt muôn đời trong hỏa ngục.

209. “Thiên đàng” là gì ?

“Thiên đàng” là tình trạng hạnh phúc tối thượng và vĩnh viễn. Ai chết trong ân sủng của Thiên Chúa và ai không cần bất cứ sự thanh luyện cuối cùng nào, sẽ được qui tụ quanh Chúa Giêsu và Đức Maria, các thiên thần và các thánh. Như vậy các ngài tạo thành Hội thánh thiên quốc, nơi các ngài được chiêm ngắm Thiên Chúa “mặt giáp mặt” ( 1 Cr 13,12); các ngài sống trong sự hiệp thông tình yêu với Chúa Ba Ngôi và chuyển cầu cho chúng ta.

Sự sống thật và theo bản chất cốt tại điều này : Thiên Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần, đổ tràn hồng ân thiên quốc trên tất cả không trừ ai. Nhờ lòng nhân hậu của Ngài, cả chúng ta nữa, chúng ta đã lãnh nhận lời hứa không thể mai một là được sống đời đời” (thánh Cyrillô thành Giêrusalem).

210. Luyện ngục là gì ?

Luyện ngục là tình trạng của những người chết trong tình thân với Thiên Chúa, nhưng, dù đã được đảm bảo ơn cứu độ vĩnh cửu, họ còn cần thanh luyện trước khi được hưởng hạnh phúc thiên đàng.

211. Bằng cách nào chúng ta có thể giúp đỡ các linh hồn đang được thanh luyện nơi luyện ngục ?

Nhờ sự “các thánh thông công” các tín hữu còn lữ hành trên trần gian, có thể giúp đỡ các linh hồn nơi luyện ngục, bằng cách dâng lời cầu khẩn, đặc biệt là Thánh lễ, và cả những việc bố thí, ân xá và những việc hãm mình để cầu cho họ.

212. Hoả ngục hệ tại điều gì ?

Hoả ngục hệ tại án phạt đời đời dành cho những ai, do sự lựa chọn tự do của mình, chết trong tình trạng có tội trọng. Hình phạt chính yếu của hỏa ngục là xa cách đời đời khỏi Thiên Chúa. Chỉ nơi Ngài con người mới có sự sống và hạnh phúc; con người được tạo dựng là để hưởng những điều ấy và họ luôn khao khát những điều ấy. Đức Kitô diễn tả thực tại hoả ngục bằng những lời này : “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời” (Mt 25,41).

213. Thiên Chúa là Đấng nhân hậu vô biên, làm sao Ngài lại để có hỏa ngục ?

Thiên Chúa muốn “cho mọi người ăn năn hối cải” (2 Pr 3,9), nhưng vì Ngài đã tạo dựng con người có tự do và có trách nhiệm, nên Ngài tôn trọng các quyết định của họ. Vì thế, nếu cho đến lúc chết, con người vẫn còn nằm trong tội trọng, từ chối tình yêu nhân từ của Thiên Chúa, thì chính họ, với sự tự lập hoàn toàn, tự ý loại mình ra khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa.

214. Phán xét cuối cùng hệ tại điều gì ?

Sự phán xét cuối cùng (phán xét chung) hệ tại sự phán quyết về cuộc sống hạnh phúc hay án phạt đời đời, mà Chúa Giêsu, khi Người trở lại như vị Thẩm phán của kẻ sống và kẻ chết, sẽ tuyên bố cho “những người công chính cũng như kẻ có tội” (Cv 24,15), qui tụ tất cả trước mặt Người. Sau cuộc phát xét cuối cùng, thân xác sống lại sẽ tham dự vào sự thưởng phạt mà linh hồn đã lãnh nhận trong cuộc phán xét riêng.

215. Khi nào cuộc phán xét này sẽ xảy ra ?

Cuộc phán xét này sẽ xảy ra vào ngày tận thế mà chỉ mình Thiên Chúa mới biết được ngày nào giờ nào.

391. Để đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta phải làm gì ?

Để có thể đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta phải nhìn nhận và thống hối các tội lỗi của mình. Chính Thiên Chúa, qua Lời và Thánh Thần của Ngài, giúp chúng ta thấy rõ tội lỗi của mình, ban cho chúng ta lương tâm ngay thẳng và niềm hy vọng vào ơn tha thứ.

392. Tội là gì ?

Tội là “một lời nói, hành vi hoặc ước muốn trái nghịch với Luật vĩnh cửu” (thánh Augustinô). Tội là một sự xúc phạm đến Thiên Chúa, không vâng phục tình yêu của Người. Tội gây thương tích cho bản tính của con người và làm thương tổn đến tương quan giữa con người. Qua cuộc Tử nạn, Đức Kitô cho thấy rõ ràng tích chất trầm trọng của tội và đã chiến thắng nó bằng lòng thương xót của Người.

393. Có nhiều loại tội hay không ?

Có rất nhiều loại tội. Các tội có thể được phân biệt theo đối tượng của chúng hoặc theo các nhân đức hay các giới răn, mà tội đối nghịch. Người ta còn có thể phân biệt tội theo tương quan trực tiếp của chúng với Thiên Chúa, với tha nhân hoặc với chính bản thân. Ngoài ra, người ta cũng có thể phân biệt tội trong tư tưởng, lời nói, việc làm và việc bỏ sót không làm.

394. Người ta phân biệt tội theo tính chất trầm trọng của chúng như thế nào ?

Người ta phân biệt tội trọng và tội nhẹ.

395. Khi nào người ta phạm tội trọng ?

Người ta phạm tội trọng khi cùng lúc có chất liệu nặng, ý thức đầy đủ, và tự ý ưng thuận. Tội trọng phá huỷ đức mến trong chúng ta, cướp đi ân sủng thánh hoá và dẫn chúng ta đến cái chết đời đời trong hỏa ngục nếu không sám hối. Tội trọng được tha thứ cách thông thường nhờ Bí tích Rửa tội và Bí tích Thống hối, còn gọi là Bí tích Hòa giải.

396. Khi nào người ta phạm tội nhẹ ?

Khác biệt cách triệt để với tội trọng, người ta phạm tội nhẹ khi chất liệu là nhẹ, hoặc thậm chí chất liệu là nặng, nhưng không có đầy đủ ý thức hay không hoàn toàn ưng thuận. Tội nhẹ không cắt đứt tương quan với Thiên Chúa, nhưng làm suy yếu đức mến. Tội nhẹ biểu lộ lòng quyến luyến lệch lạc đối với của cải trần thế, ngăn cản sự tiến triển của linh hồn trong việc thực hành nhân đức và trong việc thực thi điều thiện luân lý. Tội nhẹ đáng chịu những hình phạt tạm thời để thanh luyện.

397. Tội sinh sôi nảy nở nơi chúng ta như thế nào ?

Tội tạo nên xu hướng về tội, và do việc lặp đi lặp lại cùng một hành vi, sẽ tạo nên thói xấu.

398. Các thói xấu là gì ?

Đối nghịch với các nhân đức, các thói xấu là những thói quen lệch lạc làm mờ tối lương tâm và hướng chiều về điều xấu. Các thói xấu có thể ghép lại thành bảy mối tội đầu : kiêu ngạo, hà tiện, ganh tị, nóng giận, dâm dục, mê ăn uống, và lười biếng.

399. Chúng ta có trách nhiệm gì đối với tội người khác không ?

Chúng ta có trách nhiệm đối với tội của người khác, khi chúng ta cộng tác cách có lỗi vào tội đó.

400. Các cơ cấu của tội là gì ?

Các cơ cấu của tội là những hoàn cảnh xã hội hay những tổ chức nghịch lại với Luật Thiên Chúa; chúng là những biểu lộ và là hậu quả của các tội cá nhân.

BÍ TÍCH THỐNG HỐI HAY GIAO HÒA

296. Bí tích này được gọi như thế nào ?

Bí tích này được gọi là Bí tích Thống hối, Giao hòa, Tha thứ, Xưng tội và Sám hối.

297. Tại sao lại có một Bí tích Giao hòa sau Rửa tội ?

Vì đời sống mới trong ân sủng, được lãnh nhận khi lãnh Bí tích Rửa tội, không tiêu hủy sự yếu đuối của bản tính con người, cũng như sự hướng chiều theo tội lỗi (có nghĩa là dục vọng, concupiscentia), nên Đức Kitô đã thiết lập Bí tích Giao hoà để những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội có thể ăn năn trở lại một khi họ xa lìa Người vì tội lỗi.

298. Đức Kitô thiết lập Bí tích này khi nào ?

Đức Kitô sống lại đã thiết lập Bí tích này khi Người hiện ra với các Tông đồ vào chiều ngày Phục sinh và nói với họ : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần; anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23).

299. Những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội có cần phải hoán cải hay không ?

Lời kêu gọi hoán cải của Đức Kitô luôn vang vọng trong đời sống những người đã lãnh Bí tích Rửa tội. Việc hoán cải này là một cuộc chiến đấu liên tục của toàn thể Hội thánh, tuy có đặc điểm là thánh thiện, nhưng lại bao gồm các tội nhân.

300. Thống hối nội tâm là gì ?

Là biểu hiện của “tâm hồn tan nát” (Tv 50 [51],19), được ân sủng thần linh thúc đẩy để đáp lại tình yêu thương xót của Thiên Chúa. Lòng thống hối bao hàm sự đau khổ và quay lưng lại với tội lỗi đã phạm, quyết tâm trong tương lai sẽ không phạm tội nữa và tin tưởng vào sự trợ giúp của Thiên Chúa. Lòng thống hối được dưỡng nuôi bằng niềm hy vọng vào sự thương xót của Thiên Chúa.

301. Việc thống hối trong đời sống người Kitô hữu được diễn tả dưới những hình thức nào ?

Việc thống hối được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt qua việc ăn chay, cầu nguyện, bố thí. Các hình thức thống hối này, và nhiều hình thức khác, có thể được người Kitô hữu thực hành trong đời sống hằng ngày của họ, đặc biệt trong Mùa Chay và ngày thứ sáu là ngày sám hối.

302. Các yếu tố chính yếu của Bí tích Giao hòa là gì ?

Có hai yếu tố chính : hành vi của người sám hối, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, và lời xá giải của linh mục, nhân danh Đức Kitô, trao ban ơn tha thứ và xác định cách đền tội.

303. Hối nhân phải có những hành vi nào ?

Những việc hối nhân phải làm là : xét mình cẩn thận; ăn năn tội cách trọn khi phát xuất từ lòng yêu mến Chúa và cách không trọn khi dựa vào những động lực khác, và quyết tâm không tái phạm nữa; xưng tội, tức là xưng thú tội lỗi với linh mục; đền tội, tức làm một số việc thống hối mà cha giải tội ấn định để đền bù những hậu quả do tội gây ra.

304. Phải xưng những tội nào ?

Chúng ta phải xưng tất cả các tội trọng nhớ được mà chưa xưng sau khi đã xét mình cẩn thận. Việc xưng thú các tội trọng là phương tiện thông thường duy nhất để được ơn tha tội.

305. Khi nào phải xưng thú các tội trọng ?

Mọi tín hữu khi đến tuổi khôn buộc phải xưng các tội trọng của mình ít nhất một năm một lần và, trong mọi trường hợp, phải xưng các tội trọng trước khi rước lễ.

306. Tại sao khi xưng tội cũng nên xưng thú các tội nhẹ ?

Hội thánh tha thiết khuyên chúng ta xưng thú các tội nhẹ, mặc dầu điều này không phải là cần thiết theo nghĩa hẹp, bởi vì việc xưng thú như vậy giúp tạo nên lương tâm ngay thẳng và giúp chiến đấu chống lại những hướng chiều về đàng xấu, để chúng ta được Đức Kitô chữa lành và được tiến triển trong đời sống theo Thánh Thần.

307. Ai là thừa tác viên Bí tích này ?

Đức Kitô đã ủy thác thừa tác vụ Giao hòa cho các Tông đồ của Người, cho các Giám mục kế nhiệm các ngài, và cho các linh mục, là những cộng tác viên của Giám mục. Như vậy, tất cả các vị ấy trở thành khí cụ của lòng thương xót và sự công chính của Thiên Chúa. Các ngài thực thi quyền tha thứ các tội lỗi nhân danh Cha, Con và Thánh Thần.

308. Việc tha thứ một số tội được dành riêng cho ai ?

Việc xá giải một số tội đặc biệt nghiêm trọng (như những người bị vạ tuyệt thông) được dành riêng cho Tòa thánh hay vị Giám mục sở tại hay một số linh mục được các ngài ủy nhiệm. Trong trường hợp nguy tử, bất kỳ linh mục nào cũng có thể xá giải bất cứ tội lỗi hay vạ tuyệt thông nào.

309. Cha giải tội có bị ràng buộc với bí mật tòa giải tội hay không ?

Vì sự tế nhị và cao cả của thừa tác vụ này và vì phải tôn trọng những người xưng tội, mọi cha giải tội buộc phải giữ “ấn tín tòa giải tội,” nghĩa là phải bí mật tuyệt đối về những tội lỗi người ta đã xưng thú cho ngài trong tòa giải tội. Vấn đề giữ ấn tín tòa giải tội không có luật trừ, ai vi phạm sẽ bị những hình phạt rất nặng.

310. Hiệu quả của Bí tích này là gì ?

Hiệu quả của Bí tích Thống hối là : được giao hòa với Thiên Chúa, và như vậy, được tha thứ tội lỗi; được giao hòa với Hội thánh; được trở lại tình trạng ân sủng nếu như đã mất; được tha thứ hình phạt đời đời đáng phải chịu vì các tội trọng đã phạm và, ít nhất một phần, những hình phạt tạm là hậu quả của tội; được bình an thư thái trong lương tâm và được an ủi; được gia tăng sức mạnh thiêng liêng để chiến đấu trong cuộc lữ hành.

311. Trong một số trường hợp, có thể cử hành Bí tích này bằng việc xưng tội chung và xá giải tập thể không ?

Trong những trường hợp thật sự khẩn cấp (như có nguy cơ sắp chết) người ta có thể cử hành chung Bí tích Giao hòa, gồm có việc xưng tội chung và xá giải tập thể, nhưng vẫn phải tuân giữ các luật lệ của Hội thánh và với quyết tâm sẽ xưng riêng các tội trọng vào thời gian sớm nhất.

312. Ân xá là gì ?

Ân xá là việc tha thứ trước mặt Thiên Chúa khỏi những hình phạt tạm đáng chịu vì những tội lỗi đã phạm, dù đã được tha thứ. Với những điều kiện được Hội thánh quy định, người tín hữu có thể lãnh nhận ơn tha thứ này cho chính mình hay cho những người đã qua đời, nhờ thừa tác vụ của Hội thánh, như là người phân phát ơn cứu chuộc và chia sẻ kho tàng công phúc của Đức Kitô và các thánh.

Để có được sức mạnh trung thành với Chúa Kitô,

ai nấy buộc phải rước Mình và Máu Thánh Người trong Thánh Lễ cách xứng đáng:

289. Hội thánh đòi buộc chúng ta phải tham dự Thánh lễ khi nào ?

Hội thánh đòi buộc các tín hữu phải tham dự Thánh lễ vào các ngày Chúa nhật và các lễ buộc. Hội thánh cũng khuyên chúng ta tham dự Thánh lễ vào các ngày khác nữa.

290. Khi nào chúng ta phải rước lễ ?

Hội thánh khuyên các tín hữu, nếu có đủ điều kiện cần thiết, nên rước lễ mỗi khi tham dự Thánh lễ. Hội thánh buộc chúng ta rước lễ một năm ít là một lần trong mùa Phục sinh.

291. Phải có những điều kiện nào để rước lễ ?

Để rước lễ, chúng ta phải hoàn toàn thuộc về Hội thánh Công giáo và sống trong tình trạng ân sủng, nghĩa là phải ý thức mình không vướng mắc tội trọng. Ai ý thức mình đã phạm một tội trọng, phải lãnh nhận Bí tích Thống hối trước khi rước lễ. Cũng cần phải có sự tịnh tâm và cầu nguyện, giữ sự chay tịnh do Hội thánh qui định (giữ chay 1 tiếng trước khi rước lễ) và có những thái độ bên ngoài xứng đáng (cử chỉ, cách ăn mặc) biểu lộ lòng tôn kính đối với Đức Kitô.

292. Việc rước lễ đem lại những hiệu quả gì ?

Việc rước lễ làm tăng triển sự hiệp thông của chúng ta với Đức Kitô và với Hội thánh Người, bảo toàn và canh tân đời sống ân sủng đã nhận được khi lãnh Bí tích Rửa tội và Bí tích Thêm sức, giúp tăng triển tình yêu đối với tha nhân. Việc rước lễ làm chúng ta nên mạnh mẽ trong đức ái, xoá bỏ các tội nhẹ và gìn giữ chúng ta, trong tương lai, khỏi các tội trọng.

Để được ở mãi trong tình trạng ơn sủng, khuyên ai nấy buộc phải cầu nguyện hằng ngày. Nguyện Kinh Môi Khôi, cũng như nên đeo Áo Đức Bà Carmêlô, Nhất là đi lễ hằng ngày khi có thể.

30/10/2014

Sóng Biển