MÙA TƯỞNG NHỚ

Sống trên xứ người, tâm tư chúng ta nhiều lần như bị xoáy tròn theo bốn mùa thay đổi. Mùa thu năm nay đã về. Xem chừng đã được nửa đoạn đường. Ít nhiều thì đoàn người tỵ nạn tha hương cũng thấy lòng mình se lại.

Nhìn từng lớp lá vàng lìa cành rơi rụng, nhẹ nhàng và thơ mộng, xót xa nhưng tuyệt vời, bay lả tả theo những làn gió xào xạt quay cuồng, để trở về với lòng đất (lá rụng về cội). Nhiều khi dù vô thức chúng ta cũng thấy bỗng mình bâng khuâng, bởi nghĩ ngay tới thân phận mỏng giòn của chính đời mình. Nay còn mai mất…

Vị nhạc sĩ thiên tài Trịnh công Sơn soạn bài ca ‘để đời’ ‘Nhìn những mùa thu đi’ : Nó khiến “Em nghe sầu lên trong nắng. Và lá rụng ngoài song, nghe tên mình vào quên lãng, nghe tháng ngày chết trong thu vàng.”Rồi “Trong nắng vàng chiều nay, anh nghe buồn mình trên ấy, chiều cuối trời nhiều mây, đơn côi bàn tay quên lối…”

Chúng ta chưa quên lãng tên mình và chưa thấy bàn tay quên lối, nhưng quả thật chúng ta không khỏi bùi ngùi xúc cảm. Cơ hồ có chút gì nhớ thương, xem chừng có cái chi nuối tiếc. Mơ hồ thôi. Lãng đãng thôi.

Một phần nhớ quê hương bên kia bờ đại dương, bởi lẽ ai cũng còn bà con bạn bè xa hay gần mà thời cuộc khắt khe đã làm xa cách ngàn trùng.

Và rồi phần khác sâu đậm hơn : nếu có dịp theo thân nhân bạn bè ra ‘tảo mộ’ hay tiễn đưa ai đó ra nghĩa trang, y như rằng chúng ta thấy cái tâm tư nhớ thương nuối tiếc ấy hiện lên rõ nét trong tâm khảm thêm một bậc nữa.

Đạo Chúa dành cả tháng 11 này để tưởng nhớ và xin lễ, cầu nguyện và dâng hy sinh cho người quá cố. Ông bà, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc chúng ta đấy. Họ đã vô tình ‘rủ nhau’ ra yên nghỉ nơi những nấm mộ tĩnh lặng âm thầm.

Đạo Chúa réo gọi chúng ta đừng lãng quên những kẻ đã ra đi này.

Giờ đây, việc làm thiết thực nhất cho những ai đã qua đời là giúp họ hóa giải và khôi phục lại những gì trước đây họ đã từng gây tổn thương, và làm thay những gì họ chưa làm được khi còn sống ở đời này. Làm như thế ta sẽ giúp xoa dịu nỗi dằn vặt, nỗi trăn trở họ vẫn còn đang mang vác. Làm như thế ta sẽ giúp họ đi vào hạnh phúc với bình an trọn vẹn trong Thiên Chúa.

Giáo Hội gọi luyện ngục là sự thanh luyện sau cùng của các người được chọn, hoàn toàn khác với hình phạt của những kẻ bị án phạt

Đây tháng của ký ức.

Đây mùa của tưởng nhớ.


Kẻ ở người đi cách biệt hai thế giới. Sao khỏi ngậm ngùi. Sao khỏi nhớ thương.

Hãy tỏ lòng hiếu thảo, lòng biết ơn và lòng bác ái với kẻ quá cố.

Hơn thế, với truyền thống văn hoá Việt Nam, và trong các tôn giáo nói chung, chúng ta có nhiều cách thức thực hiện việc tương tác với ông bà tổ tiên của mình, dù họ đã khuất núi. Ví dụ, chúng ta có các tập tục quen thuộc như làm giỗ, niệm hương, viếng mộ, cúng bái, dâng lễ cầu siêu, lễ Vu Lan...Mường tượng như các ngài vẫn hiện diện với chúng ta.

Tuy nhiên, đạo Chúa cũng nhắc chúng ta về một ngày mai tươi sáng trên cõi trường sinh. Lần lượt tất cả chúng ta cũng sẽ rời cõi thế, sẽ trở về cát bụi và chờ ngày phục sinh với Đức Ky Tô. Cùng ước vọng ‘thấy bóng thiên đàng cuối trời thênh thang’.

Hôm nay ngồi đây, ý thức được sự mau qua của thời gian, chóng tàn của kiếp sống con người, chúng ta có cơ hội tăng thêm lòng tin, sự phó thác và niềm cậy trông. Chúng ta cũng được gọi mời nghĩ về ta cũng như nghĩ về tha nhân thế này : Hơn bao giờ hết, tôi có bổn phận nghĩ đến những người đã ra đi trước tôi, để cầu nguyện cùng, cầu nguyện với và cầu nguyện cho họ.

Người sẽ chết cầu nguyện cho người đã chết !

Có thi sĩ kia đã cảm tác thế này :

Mùa ‘Các Đẳng’ ta nghe mùi nhang khói

Đậm trong ta hương của hiếu, nghĩa, tình.

Một chút lắng sâu một thoáng lời kinh,

Người chết nối linh thiêng ôi tuyệt diệu !

Cùng đích của người Kitô hữu là được trở về nhà Cha hưởng vinh phúc. Cùng đích này cũng giúp chúng ta sống cuộc sống hiện tại sao cho thật có ý nghĩa, thật có giá trị, không hổ thẹn là con cháu đáng quí của những người đã khuất, không hổ thẹn là người môn đệ của Đức Kitô, Đấng hằng sống.

Hy vọng rằng qua đời này tất cả lại cùng đoàn viên trong nhà Cha trên Trời.