Dòng Tu Biển Đức

1. Nguồn gốc, tiểu sử vị sáng lập Dòng - Thánh Tổ Phụ Biển Đức

Thánh Biển Đức sinh năm 480 tại Nursie (Trung Ý) cùng với người em gái song sinh là Scolastica, là con của một gia đình trung lưu. Năm 14 tuổi, ngài đi học ở Roma. Để phản ứng lại thời cuộc đồi phong bại tục và để thực hiện ước muốn là chỉ yêu mến một mình Thiên Chúa, ngài đã bỏ học và lánh vào hang núi Subiaco sống đời sống cô tịch. Ngài đến ẩn tu tại Enfidc, sau đó đến sống hoàn toàn biệt cư trong một hang động ở Subiacô suốt 3 năm, chỉ nhờ một đan sĩ tên là Romanô thỉnh thoảng đem đến cho ngài ít lương thực để sống.

Sau 3 năm, các mục đồng tìm thấy ngài, rồi dần dần "hữu xạ tự nhiên hương" nhiều người đã xin ngài hướng dẫn thiêng liêng, một số xin ở lại thọ giáo. Khoảng năm 500, do gương sống thánh thiện đạo đức, ngài được chọn làm Đan Viện Phụ nhà Vicovaro, nhưng sau đó ngài đã rút lui. Năm 520, ngài lập Đan Viện Subiaco và dần dần phát triển thêm 12 đan viện nữa, xung quanh Subiaco.

Vào khoảng năm 529, ngài giao các đan viện ở Subiacô cho một số đồ đệ, rồi ngài cùng một số môn đệ khác tiến về miền Nam cách Rôma 60 cây số lên trên đỉnh Monte Cassinô lập một đan viện. Nơi này sau đó trở thành trung tâm đan tu, văn hóa, tôn giáo. Cũng tại nơi đây, năm 535 ngài đã hoàn thành Bộ Tu Luật mang tên Ngài có chiều kích rộng lớn và nội dung đầy đủ nhất so với các bộ luật đương thời. Bản qui luật này sau đó được Đức Giáo Hoàng Grégôriô Cả phổ biến, nó nhanh chóng được nhìn nhận như là "Cách diễn tả tuyệt tác và thực tiễn nhất sự khôn ngoan cổ truyền của đời sống viện tu," bởi vì Qui Luật của ngài mang tính Tin Mừng.

Ngày 21-03-547, Thánh Biển Đức qua đời tại Monte-Cassino, hưởng thọ 67 tuổi. Năm 670, hài cốt ngài được di chuyển và đặt tại Đan Viện Saint Benoit-Sur-Loir (Pháp). Đức Thánh Cha Phaolô VI đã chọn ngài làm “Quan Thầy Châu Âu” và kính hằng năm ngày 11/7. Các đan sĩ Biển Đức mừng kính riêng sinh nhật trên trời của ngài ngày 21/3 và mừng kính chung với toàn thể Giáo Hội ngày di chuyển hài cốt là 11/7.

2. Tu Luật Biển Đức

1.- Luôn nhấn mạnh đến Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài. Linh đạo Thánh Biển Đức xây dựng trên nền tảng Kinh Thánh, trang nào cũng qui chiếu vào Lời Chúa, vì thế có giá trị bất hủ và bao trùm mọi chiều kích: Ba Ngôi, Kinh Thánh, cánh chung, con người, đại kết, Tin Mừng, tạ ơn. Tất cả đời sống của đan sĩ được hấp dẫn nơi Chúa Kitô: thấy Chúa Kitô trong mọi sự, đặc biệt nơi Đan Viện Phụ, nơi các anh em, nơi khách đến thăm, nơi người nghèo khó bệnh tật.

2.- Đan Viện là “Trường Học Phụng Sự Chúa”, trong đó Thầy Dạy là Chúa Thánh Thần. Đan Viện Phụ là người đại diện Chúa Kitô. Các đan sĩ phải từ bỏ ý riêng, mặc lấy khí giới rất mạnh mẽ cao quí là sự tuân phục, để chiến đấu cho Chúa Kitô là vua thật và sống Đức Tin, Cậy, Mến. Dù không trực tiếp viết nhiều về Chúa Thánh Thần, nhưng hầu như trang nào cũng nở rộ hoa trái Thánh Thần.

3.- Bộ Luật mực thước và trong sáng

Luôn luôn Thánh Biển Đức nhắc tới sự cẩn trọng chừng mực, tránh những thái quá và bất cập trên đường tu, đồng thời quan tâm đến hết mọi sinh hoạt của anh em. Sự quân bình được thể hiện qua cách sắp xếp bố trí sinh hoạt của cộng đoàn, phân chia rõ ràng hợp lý các phần vụ chính: thần vụ, lao tác, học vấn…

Lời lẽ bản văn toát lên vẻ kỳ diệu vừa mạnh vừa êm, rất đòi hỏi yêu sách, tận căn, triệt để đến mức tối đa như vang lại lời mời gọi của Chúa Kitô: “Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48).

3. Hội Dòng Biển Đức trên thế giới.

Hiện nay Dòng Biển Đức có 20 Đan Hội, đan hội Subiacô là một trong 20 đan hội; Đan Hội Subiacô trên toàn thế giới có 1154 đan sĩ (khấn trọng và khấn tạm), hiến sinh (oblat) 15, tập sinh 76, tổng cộng là 1245 đan sĩ, có mặt trên khắp năm Châu. Đan hội Subiacô chia thành 9 Tỉnh Dòng, và mỗi Tỉnh dòng lại có các đan viện. Bề trên Tổng quyền của Dòng Biển Đức là Cha Thống phụ (Abbé Primat); đứng đầu Đan hội là Đan phụ Chủ tịch (Abbé Président); đứng đầu Tỉnh dòng là Tỉnh phụ (Abbé Visiteur) và đứng đầu đan viện là Đan phụ hoặc Đan trưởng.

Tỉnh dòng Biển Đức Việt Nam thuộc Đan hội Subiacô. Theo Hiến pháp của đan hội Subiacô, Đan phụ Chủ tịch sẽ thăm viếng các tu hội theo định kỳ ba năm một lần.

4. Dòng Biển Đức tại Việt Nam

- Ngày 10-11-1936, cha Maur Massé, đan sĩ thuộc đan viện La Pierre Qui Vivre, Pháp, lập đan viện đầu tiên tại Đà Lạt, sau thành trụ sở cho đến năm 1954.

- Ngày 10-6-1940, hai đan sĩ đan viện La Pierre Qui Vivre là cha Dom Romain Guillaume và Dom Corentin thành lập đan viện Thiên An, Huế. Sau đó, các đan sĩ đan viện Thiên An tiếp tục thành lập thêm 3 đan viện khác nữa. Tất cả đều thuộc tỉnh dòng Pháp.

- Năm 1988, các đan viện ở Việt Nam tách khỏi tỉnh dòng Pháp, lập thành tỉnh dòng Biển Đức Việt Nam, với Bề trên Giám tỉnh tiên khởi là cha Tađêô Phạm Quang Điện, Đan phụ đan viện Thiên Bình.

- Năm 1993, Bề trên Giám tỉnh kế nhiệm là cha Stêphanô Huỳnh Quang Sanh, Đan phụ Đan viện Thiên An. Cha sinh năm 1940, chịu chức linh mục 1972, làm Bề trên đan viện Thiên An năm 1984, Bề trên Giám tỉnh năm 1993, trở thành Đan phụ 1998.

Nguồn: http://cursillosaigon.org/chuyen-de/578-dong-bien-duc-dong-kin