Chữ Quốc ngữ tạo cách mạng văn học VN

LM Joseph Nguyễn văn Thư

Tập sách ‘Phép giảng 8 ngày’ làm nên lịch sử:


Từ năm 1930, bà con ăn mừng vì chữ quốc ngữ được trở thành chữ viết chính thức của người Việt. Thế là đó đây cùng nhắc bảo nhau “Sách quốc ngữ, chữ nước ta, con cái nhà, đều phải học”.

Ai cũng biết thế, nhưng mấy người nghĩ tới câu ‘vạn sự khởi đầu nan’! Cơ nguyên là chuyện các nhà truyền Đạo Thiên Chúa giáo tới Việt Nam : có mấy vị tỏ ra khá ‘táo bạo’ khi muốn thử tạo một lối chữ viết mới, đơn giản hơn, dễ học hơn, trước hết là để giảng đạo, sau cũng để giúp toàn thể dân Việt xử dụng các mẫu tự La Tinh, thay vì học chữ Nôm hay chữ Nho cổ điển (phức tạp và khó học). Dĩ nhiên dễ gì tìm ra được manh mối để khởi đầu !

Trước khi cha Đắc Lộ (gốc Pháp) cho in tập sách dạy đạo Chúa ‘PHÉP GIẢNG TÁM NGÀY’ (cùng với cuốn tự điển ‘Việt Bồ La’vào năm 1651 tại Roma, các giáo sĩ Dòng Tên tới Nhật Bản và Trung Hoa đã nhọc tâm tìm cách đem mẫu tự La Tinh vào văn học 2 nước đó, nhưng các ngài chưa có cái ‘duyên’ làm nên chuyện lớn.

Tới ngày cha Francisco de Pina (1585-1625), gốc Bồ đào Nha, được cử tới ‘Đàng Trong’ Việt Nam năm 1617, ngài đã học nói tiếng Việt rất thành thạo mau chóng. 3 năm sau ngài đã ‘lập kỷ lục’ là rửa tội cho 275 người bản xứ. Khi tới giảng đạo tại Thuận Hoá, ngài rửa tội cho bà Minh Đức Vương Thái Phi, vợ Chúa Nguyễn Hoàng và là mẹ của ông hoàng Khê danh tiếng ngày đó. (Bà này đã từng là chỗ dựa nương của năm vạn tín hữu). Việc này khiến cha Đắc Lộ vô cùng thán phục, để rồi xin làm ‘đệ tử cha Pina ngay lập tức ! Dĩ nhiên cha Pina đã ‘nghĩ tới’ chuyện phát minh một thứ ‘chữ viết’ mới, cũng như đã phác họa ra một hệ thống văn phạm khá tinh vi.

Thật ra, cha Đắc Lộ đã truyền giáo ở đàng ngoài một thời gian, kể là khá thành công, nhưng rồi bị ghen ghét nên phải trục xuất qua Macao. Rồi ngài cứ kiên trì trở lại Việt Nam, lần này tại đàng trong, và cơ may bất ngờ cho ngài làm nên ‘chuyện lớn’. Thật ra sau gần 20 năm lăn lộn ‘đánh bạn’ với dân Việt, ngài như có cảm tình sâu đậm, nên dẫu gian nan tới đâu, ngài vẫn kiên trì…Thế là nhờ ‘ông thày’ Pina dẫn đường, người học trò thông minh đã đem hoài bão của bậc tiền bối tới hiện thực, sau khi ‘thày’ bị tử nạn đắm tàu lúc mới 40 tuổi. Dĩ nhiên tên tuổi của cha Đắc Lộ nổi lên mau chóng, cứ lừng lững đưa lối chữ viết mới vào mọi giới văn học Việt Nam, dẫu phải chờ nhiều năm tháng để trở thành hoàn chỉnh và được công bố là ‘quốc ngữ’ chính thức..

CÁC GIAI ĐOẠN KẾ TIẾP HOÀN CHỈNH CHỮ QUỐC NGỮ

Khi thành lập hai giáo phận Đàng Trong và Đàng Ngoài năm 1659 với việc bổ nhiệm hai Giám mục Pierre Lambert de la Motte và Francois Pallu, cùng sự hình thành Hội Thừa sai Paris, chữ quốc ngữ càng ngày càng ‘âm thầm’ được hoàn thiện. Tuy nhiên các quan lại Việt Nam vẫn thờ ơ coi thường.

Sau thế kỷ 17 có ‘Sách sổ sang chép các việc’ của Linh Mục Philiphê Bỉnh (bản viết tay năm 1822).

Riêng cha Philipphê Bỉnh ( 1794-1830) qua các bản viết tay cho thấy, chữ quốc ngữ đã hoàn chỉnh hơn. Trong thời gian 30 năm đã viết, cha đã dịch trên 30 cuốn sách. Nói chung từ các tác phẩm của cha Đắc Lộ đến thời cha Philipphê Bỉnh, cách ký âm chữ quốc ngữ có nhiều thay đổi, tuy tiệm tiến.

Rồi cuốn ‘Từ điển Việt-La tinh’ của Giám Mục Pigneaux de Béhaine (1772), trước tưởng rằng bị thất lạc trong một vụ hỏa hoạn, may có một bản sao được lưu trữ ở Văn khố Hội Truyền giáo hải ngoại. Chữ Quốc ngữ trong từ điển này có những thay đổi cơ bản.

Kế là cuốn ‘Nam Việt Dương hiệp từ vựng’ của Giám Mục Taberd xuất bản tại Sérampore 1838 đã có cách ghi gần đúng với chữ Quốc ngữ ngày nay.

Sau Đức Cha Taberd là cuốn ‘Tự vị La Việt’ của Ravier, xuất bản tại Ninh Phú, năm 1880, rồi ‘Đại Nam Quấc âm tự vị’ của Paulus Huỳnh Tịnh Của, ‘Tự vị Việt Pháp’ của Génibrel, in tại Sài Gòn năm 1898.

Mãi cho tới ngày 15-4-1865, tờ báo tiếng Việt bằng thứ ‘chữ mới’ này, phiên âm theo mẫu tự la-tinh, lần đầu tiên được phát hành tại Sài Gòn là Gia Định Báo. Trên Gia Định Báo số 4, ngày 15-4-1867, Pétrus Ký (1837-1898) đã viết một bài khuyến khích việc học thứ chữ mới, trong đó có đoạn như sau:

“…Thầy Ký dạy học có làm sách mẹo [văn phạm] dạy tiếng Lang Sa [Pháp], có làm ra chữ quốc ngữ để người ta dễ học. Những người ký lục [thư ký] giỏi cùng siêng năng sẽ lo mà học chữ quốc ngữ vì có hai mươi bốn chữ và viết đặng muôn ngàn chuyện, chữ khó hay dễ cũng viết đặng, không phải như chữ Tàu học ‘già đời’ mà còn có chữ lạ viết không ra, ở đây có Phủ Tường [Tôn Thọ Tường] đã học đặng chữ quốc ngữ, viết đặng, đọc đặng. Chữ ấy chẳng khó đâu, ra công học một đôi tháng thì thuộc hết…”

Sự phát triển ngành in đẩy mạnh việc ấn hành sách báo, từ đó làm cho quốc ngữ được truyền bá nhanh chóng vì người ta có thể học vần quốc ngữ bằng sách báo, đồng thời làm bùng nổ nền văn học quốc ngữ.

Chữ quốc ngữ càng ngày càng có vị trí vững chắc, từ những bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ, đến tác phẩm của Trương Vĩnh Ký, Paulus Của đến báo Nông cổ Mín đàm, Gia định báo; từ Đông Dương và Nam Phong tạp chí đến Hội Khai trí Tiến Đức, đến Phan Khôi với phong trào thơ mới; từ nhóm Tự Lực Văn Đoàn, Văn học hiện thực phê phán đến nền văn học phổ quát hôm nay, chữ quốc ngữ đã tiến những bước dài, đã xây dựng một nền văn chương quốc ngữ đồ sộ hôm qua, hôm nay, cũng như trong tương lai

Vài hàng kết luận

Thế là văn học quốc ngữ đã trở thành văn học Việt ngữ. Cha Đắc Lộ được coi là ‘cha đẻ’ thì cha Pina chính là ‘thày’ của cha đẻ quốc ngữ. Ta nhớ lại, cha Pina đã thử lắng nghe người Việt phát âm ra sao, rồi dùng mẫu tự la tinh để diễn tả âm tiết theo cách mà tiếng Bồ Đào Nha thường làm. Đó là thời điểm khai sinh của chữ quốc ngữ chúng ta ngày nay. Kể từ năm 1622, cha đã xây dựng một hệ thống chuyển mẫu tự la tinh cho hợp với thanh điệu và lối phát âm của tiếng nói Việt Nam. Cha cũng soạn cả một tập văn phạm thô sơ cho loại chữ viết mới mẻ này. Có lẽ trên thế giới không có nơi nào có một thứ chữ viết được hình thành trong điều kiện như thế !

Học giả Phan Khôi cho rằng: “Một thứ chữ ngoại quốc nào cũng chỉ hành dụng bởi nhu cầu của thời đại mà thôi, còn muốn lập nên văn học thì ắt phải là văn tự bản quốc mới được. Vậy chúng ta nên đồng thanh kêu lớn : hỡi người Việt Nam trở về với quốc văn!”

Làm sao trở về với quốc văn? Trước đây, kẻ sĩ ưu thời mẫn thế nhận rõ Chữ Nôm rất khẩn thiết đối với vận mệnh dân tộc, nhưng thứ văn tự này chưa đủ làm võ khí sắc bén về văn hóa cho một nòi giống hùng cường và quật cường dưới trời Đông Á như chúng ta. Thực vậy, Chữ Nôm cho dù là tài sản, một công trình tim óc của tiền nhân để lại, nhưng nó lại là một thứ chữ khó học, khó viết, nên khó có thể đại-chúng-hóa. Trong thực tế kẻ giỏi chữ Hán mới dùng được chữ Nôm. Phiền quá !

Thế thì ta hãy cám ơn ân nhân, rồi trân quý chữ viết mới quý giá của dân Việt này.

Bà con nay đa số đồng ý với lời học giả Nguyễn Văn Vĩnh đã nói “chữ Việt còn thì nước ta còn”.

Nhiều người còn đề nghị xin gắng sức hình thành Bảo tàng chữ quốc ngữ, ‘on line’ cũng được, để toàn dân có thể tham khảo tất cả các sách báo qua 4 thế kỷ viết bằng chữ quốc ngữ. Cũng cần tổ chức một Hội Nghị Việt Nam về chữ quốc ngữ, với sự tham gia của các thứ chuyên viên, trước khi có một hội nghị quốc tế do Unesco bảo trợ, để cuối cùng tất cả có thể nói to rằng “ Chữ quốc ngữ, Di sản văn hóa thế giới”.

Mong vậy thay !

LM Joseph Nguyễn văn Thư