ĐỨC MARIA NỮ VƯƠNG

Mẹ Maria vừa là nữ hoàng vừa là mẹ, nhưng Mẹ còn hơn cả nữ hoàng. Địa vị Nữ Hoàng của Mẹ Maria và “quyền làm mẹ”, hay tình mẫu tử, làm bừng lên sự sống cùng một lúc. Ngay trong giây phút làm mẹ trong Lễ Truyền Tin, Mẹ cũng trở thành nữ hoàng. Tổng lãnh thiên thần Gabriel nói với Đức Maria rằng Con của Mẹ sẽ ngồi trên “ngai vàng của tổ tiên mình là Đavít” và “Người sẽ trị vì nhà Giacóp mãi mãi, và vương quyền của Ngài sẽ vô cùng vô tận!" (Luca 1: 32-33). Vì Chúa Giêsu là một vị vua, và vì Ngài được thụ thai trong lòng của Mẹ Maria, và vì ở Ítraen, mẹ của một vị vua luôn luôn là nữ hoàng, (nhưng người con gái của gia đình thì không nhất thiết phải là nữ hoàng), Mẹ Maria trở thành nữ hoàng. Một số văn bản từ những thế kỷ đầu của Giáo hội gọi Đức Maria là “domina”, giống cái của “dominus”, tiếng Latinh có nghĩa là “chủ nhân” hoặc “Đức Chúa”.

Đó không phải là do dòng máu hoàng tộc, mà là do mối quan hệ mẫu tử của Mẹ, điều đó khiến Mẹ Maria trở thành nữ hoàng. Và vì không có gì bị loại trừ khỏi vương quốc của Chúa Kitô Vua, nên Đức Maria là Nữ Vương của vương quốc đó, bao gồm cả trời và đất. Vương quốc này không chiếm được nhờ chinh phục bạo lực hoặc mưu đồ chính trị.

Vương quốc của Chúa Kitô Vua đã giành được là nhờ sự hy sinh bằng máu của chính vị Vua đã chết trên thập tự giá. Những người lính đã không bị giết chết để Đức Kitô có thể bước qua xác của họ trên chiến trường để cai trị trên ngai vàng thế tục một dân tộc bị bại trận. Tất nhiên là không rồi. Đức Kitô đã khiêm nhường cho phép chính Ngài bị sát hại để Ngài có thể sống lại bốn mươi giờ sau đó và lên trời để ngự trị, như một vị vua, ngự bên hữu Đức Chúa Cha. (Các vị vua ngồi. thần dân của họ đứng.) Chúa Giêsu Kitô mang đến cho thế giới một hình thức trị vì mới, đem lại một sự giải nghĩa mới cho câu nói: “Ta đã chiến thắng!”

Đức Maria là nữ vương thiên đàng trong thị kiến mầu nhiệm của Sách Khải Huyền, trong đó xuất hiện “một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao.” (Khải Huyền 12: 1-3). Biểu tượng phức hợp của vị nữ vương được trao vương miện này bao gồm Đức Maria, Israel và chính Giáo hội. Lễ đăng quang của Đức Maria, Mầu nhiệm Vinh quang lần thứ Năm của chuỗi hạt Mân Côi, không được xác định một cách giáo điều nhưng đã được cử hành theo nghi lễ và được miêu tả trong nghệ thuật từ đầu thời trung cổ. Mô tả cổ xưa nhất về Mẹ Maria với tư cách là nữ hoàng là một bức tranh khảm từ những năm 500 trong một nhà thờ nhỏ ở trung tâm lịch sử của Roma!

Nhưng ngày lễ Quyền Nữ Vương của Mẹ chỉ được ghi vào lịch của Giáo hội vào năm 1954. Công đồng Vatican II đã tuyên bố dứt khoát rằng “Đức Maria đã được đưa cả thể xác và linh hồn lên thiên đàng, và được Chúa tôn làm Nữ Vương Hoàn Vũ…” (Hiến chế Lumen Gentium, 59). Sau những cải cách phụng vụ của Công đồng Vatican II, tuần bát nhật Lễ Đức Mẹ Maria Lên Trời đã bị bãi bỏ nhưng vẫn được nhắc lại trong lễ Trinh Nữ Vương của Mẹ, được kính nhớ tám ngày sau ngày 15 tháng 8, cho thấy mối liên hệ giữa hai lễ này.