Đón Xuân này ta nhớ Xuân xưa ... Xuân Kỷ Hợi 939, mùa Xuân độc lập cho nước Nam - Tiền Lạc Quan

Ngược dòng lịch sử ... nước Việt Nam ta đã từng trải qua nhiều thời kỳ Bắc thuộc, bị ngoại bang đô hộ đến hơn ngàn năm. Song dân tộc Việt Nam không bao giờ khuất phục và đã từng đứng lên đánh đuổi ngoại xâm, giành lại độc lập cho nước nhà.

Đón mừng Xuân Kỷ Hợi 2019 năm nay, chúng ta không thể nào quên những mùa Xuân Kỷ Hợi lịch sử huy hoàng và oai hùng của dân tộc, không thể nào quên những bậc tiền nhân anh dũng, đã bỏ biết bao công sức để giữ nước và xây dựng quốc gia vững mạnh trường tồn.

1/

Trước tiên phải nhắc đến năm 39 sau Công Nguyên. Đó là năm Kỷ Hợi mà Hai Bà Trưng đã dấy binh ở Châu Diên, chuẩn bị lực lượng để sang đầu năm 40 phất cờ khởi nghĩa chống lại sự áp bức thống trị và đồng hóa của nhà Đông Hán. Hai Bà Trưng đã thu phục 65 thành trì của nhà Đông Hán, đánh bại quân Tô Định, lên ngôi năm 40, xưng hiệu Trưng Vương hay Trưng Nữ Vương, đóng đô tại Mê Linh thuộc quận Giao Chỉ, khôi phục nền độc lập cho đất nước và chấm dứt Thời Kỳ Bắc Thuộc lần thứ nhất (năm 179 trước Công Nguyên đến năm 39 sau Công Nguyên).

2/

Mùa Xuân Kỷ Hợi thứ nhì mà ta ghi nhớ là mùa Xuân Kỷ Hợi năm 939, cách nay 1.080 năm, là mùa Xuân mà nước nhà đã giành lại độc lập, tự chủ sau 1.050 năm bị nhà Nam Hán phương Bắc đô hộ từ năm 111 sau Công Nguyên, mở ra một thời kỳ độc lập lâu dài.

Năm Kỷ Hợi 939 là năm Ngô Quyền (901 - 945) chiến thắng quân Nam Hán trong trận Bạch Đằng. Ngô Quyền lên ngôi, dựng nên nhà Ngô, đóng đô tại Cổ Loa thuộc huyện Đông Anh, Phúc Yên, Hà Nội ngày nay.

Ngô Quyền người xã Đường Lâm, huyện Phú Thọ, tỉnh Sơn Tây. Ông là bậc anh hùng tuấn kiệt, là tướng soái và cũng là con rể của Dương Diên Nghệ (hay Dương Đình Nghệ), Tiết Độ Sứ quận Ái Châu, Thanh Hóa.

Năm 938, Kiều Công Tiễn sát hại Dương Diên Nghệ và cướp quyền. Ngô Quyền đem quân vây đánh, Kiều Công Tiễn cầu viện binh Nam Hán. Nhưng trong lúc viện binh Nam Hán chưa đến kịp thì Ngô Quyền đã giết Kiều Công Tiễn.

Vào cuối thu năm 938 chiến thuyền của đại quân Nam Hán do Hoàng Thái Tử Lưu Hoằng Tháo cầm đầu kéo quân xâm lược.

Để chống quân Nam Hán, Ngô Quyền cho đóng cọc vót nhọn đầu và bịt sắt dưới lòng sông Bạch Đằng. Chiến thuyền giặc tiến sâu vào bãi cọc sông Bạch Đằng trước khi thủy triều xuống. Quân Ngô Quyền chận đánh, chiến thuyền giặc tháo chạy ngược ra cửa sông vừa đến lúc thủy triều xuống, bị cọc nhọn đâm vỡ, số thuyền chìm quá nửa. Hai vạn thủy quân Nam Hán bị đánh bại. Hoằng Tháo bị bắt giết. Quân Nam Hán bị đánh đuổi ra khỏi bờ cõi.

Ngô Quyền lên ngôi, đặt lại quan chức, tổ chức lại triều nghi và chỉnh đốn chính trị trong nước. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư gọi Ngô Quyền là Tiền Ngô Vương. Ngô Quyền trị vì được 6 năm thì mất.

“Bạch Đằng Giang sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng ...” là dòng sông lịch sử, nơi chiến tích của ba trận chiến thắng lẫy lừng đánh đuổi quân xâm lược, kể cả quân Nguyên Mông hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ.

- Lần thứ nhất:

Năm Kỷ Hợi 939, Ngô Quyền đánh đuổi quân Nam Hán, giành lại độc lập, tự chủ sau 1.050 năm bị nhà Nam Hán phương Bắc đô hộ.

- Lần thứ hai: Năm Tân Tỵ 981 sau Công Nguyên

Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàn tức Hoàng Đế Thiên Phúc Lê Đại Hành chống quân nhà Tống. Trận Bạch Đằng lần thứ hai diễn ra sau trận Bạch Đằng lần thứ nhất chỉ sau 43 năm.

Năm 980, Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàn được trao ngôi từ nhà Đinh, Kinh Đô Hoa Lư, tên nước lúc bấy giờ là Đại Cồ Việt. Lê Hoàn lên ngôi Hoàng Đế, tức Vua Lê Đại Hành (941 – 1005), lập nên nhà Tiền Lê (980 – 1009).

- Lần thứ ba: Năm Đinh Hợi 1287

Năm 1287, vào đời vua Trần Nhân Tông, nhà Nguyên kéo 7 vạn quân, 500 chiếc thuyền, 6 nghìn quân Vân Nam, và 1,5 vạn quân ở 4 châu khác sang xâm lược nước Đại Việt.

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cũng đã áp dụng chiến thuật đóng cọc nhọn dưới lòng sông Bạch Đằng để chiến thắng quân Nguyên Mông. Khi rút lui qua đường sông Bạch Đằng, thủy binh Nguyên Mông do Tướng Ô Mã Nhi chỉ huy đã bị tan rã hoàn toàn.

3/

Năm Kỷ Hợi 1479 vào đời vua Lê Thánh Tông, nhà vua truyền cho Sử Quan Ngô Sĩ Liên biên soạn bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.

Bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư gồm 15 quyển:

- Bộ Ngoại kỷ gồm 5 quyển, chép từ đời Hồng Bàng đến đời Ngô Sứ Quân,

- Bộ Bản kỷ gồm 10 quyển, chép từ đời Đinh Tiên Hoàng đến đời Lê Thái Tổ.

Cũng trong năm Kỷ Hợi 1479, Tù Trưởng xứ Bồn Man làm phản, xui người Lão Qua (người Lào) đem quân quấy nhiễu miền Tây nước Đại Việt. Vua Lê Thánh Tông sai quan Thái Úy Lê Thọ Vực, cùng với các tướng đem 5 đạo quân từ Nghệ An, Thanh Hóa sang đánh đuổi quân Lão Qua đến sông Kim Sa, quân nước Đại Việt toàn thắng.

Đón Tết Kỷ Hợi 2019, người Việt lưu vong nơi hải ngoại không khỏi lo âu, nghĩ đến tiền đồ dân tộc trước nguy cơ bị lệ thuộc Trung Quốc từ năm 2020 sắp đến. Nhưng ôn lại lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, Việt Nam đã trải qua 4 Thời Kỳ Bắc Thuộc đến hơn ngàn năm, dân tộc Việt Nam bất khuất đã từng nhiều phen khởi nghĩa giành lại độc lập chủ quyền, nên chúng ta cần vững tin là nước Việt Nam sẽ không bị lệ thuộc ngoại bang và sẽ mãi mãi trường tồn.