Khoảng năm 1963-65, giới đọc báo Saigon say mê theo dõi truyện Cô Gái Đồ Long của Kim Dung do Từ Khánh Phụng dịch từ báo Hồng Kông. Nguyên tác là Ỷ Thiên Đồ Long Ký, không hiểu sao dịch giả gọi là Cô Gái Đồ Long chẳng có liên quan gì đến các nhân vật chính. Lúc đó tôi còn nhỏ nhưng cũng mê đọc Kim Dung, buổi chiều chờ ba tôi đi làm về là mấy anh em trải báo ra bàn cùng đọc. Mỗi lần thấy “cáo lỗi không có truyện Cô Gái Đồ Long vì báo Hồng Kông qua không kịp” là thở dài thất vọng.

Từ thập niên 1960 đến nay đã hơn nửa thế kỷ, nhưng truyện của Kim Dung vẫn còn sức thu hút và được quay thành phim nhiều lần. Có nhiều người chỉ biết các nhân vật Kim Dung qua phim truyền hình chứ không đọc trực tiếp, thực ra đọc truyện hay hơn xem phim nhiều. Dù sao thì những chuyện tình của Tiêu Phong A Châu, Đoàn Dự Vương Ngữ Yên (bản cũ dịch là Vương Ngọc Yến), Quách Tĩnh Hoàng Dung, Dương Quá Tiểu Long Nữ, Trương Vô Kỵ Triệu Mẫn (bản cũ dịch là Triệu Minh), Lệnh Hồ Xung Nhậm Doanh Doanh, ... vẫn luôn luôn lôi cuốn vô số độc giả và khán giả Hoa Việt.

Truyện Kim Dung đã được dịch sang nhiều thứ tiếng: Việt, Hàn, Nhật, Thái, Anh, Pháp, Indonesia, ... Các nhân vật Kim Dung gần gũi với người Việt một phần vì cùng nguốn gốc văn hóa, một phần vì tên tiếng Hoa đọc theo âm Hán Việt nghe thuận tai. Giả sử như tên Tiểu Long Nữ mà đọc theo tiếng Quảng là Xỉu Lùng Nủi thì người Việt thấy khó thương và khó tưởng tượng được đó là một mỹ nhân tuyệt thế. Tôi không biết các nước Á Châu dịch tên tiếng Hoa như thế nào, chắc họ cũng phải dịch sang tên nước họ thì độc giả mới dễ chấp nhận. Các bản dịch Anh Pháp thì phiên âm tiếng Hoa, thấy xa lạ và khó nhớ. Tôi đã thử xem qua một số bản dịch Anh Pháp truyện Kim Dung (tên ông tiếng Anh là Louis Cha) và không thấy hứng thú gì, các tên nhân vật đều không quen và dễ lẫn lộn (Trương Vô Kỵ là Zhang Wuji, Chu Chỉ Nhược là Zhou Zhiruo, ...), còn các chiêu thức võ công thấy lố bịch - thí dụ như các tuyệt kỹ Thiếu Lâm như Kim Cương Chỉ hay Long Trảo Thủ đọc tiếng Hán Việt thấy bình thường, nhưng nếu dịch sang tiếng Anh là Diamond Finger hay Dragon-Claw Arm thì thấy kỳ cục.

Truyện Kim Dung đầu tiên tôi đọc lúc mười mấy tuổi là Cô Gái Đồ Long, lúc đó tôi rất say mê những chuyện tình của Trương Vô Kỵ. Tới gần 50 tuổi tôi mới đọc lại Ỷ Thiên Đồ Long Ký trên Internet và mỉm cười khi nhớ đến những suy nghĩ ngây thơ của mình hồi xưa. Trương Vô Kỵ tính trung hậu thật thà, không bao giờ biết làm vui lòng đàn bà, vậy mà được bốn mỹ nhân tuyệt thế thương yêu. Triệu Mẫn là quận chúa Mông Cổ, vừa xinh đẹp tuyệt trần vừa rất thông minh, có chí lớn muốn giúp nhà Nguyên tiêu diệt võ lâm Trung Nguyên để người Mông Cổ mãi mãi thống trị Trung Hoa - vậy mà chỉ vì yêu Vô Kỵ nàng đã từ bỏ địa vị quận chúa cao sang, từ bỏ gia đình và đi theo Vô Kỵ là kẻ thù của dân tộc mình, chấp nhận bao nhiêu nguy hiểm cực khổ và lúc nào cũng sẵn sàng hi sinh tính mạng vì Vô Kỵ. Nàng không đòi hỏi gì ở Vô Kỵ, đến cuối truyện mới yêu cầu Vô Kỵ vẽ lông mày cho nàng mà thôi! Một tình yêu hoàn toàn không tưởng như vậy mà lúc nhỏ tôi thấy bình thường. Trên thực tế, quan hệ nam nữ chỉ tốt đẹp khi người đàn ông phải CHO nhiều hơn là NHẬN. Một nam đại gia như Bill Gates lấy một người vợ bình thường và rất tôn trọng vợ, coi tài sản khổng lồ của mình như là của chung hai vợ chồng, nhưng một nữ đại gia hoặc một hoa hậu không bao giờ thèm ngó đến một người đàn ông bình thường và không bao giờ nghĩ rằng chồng mình có quyền xài tiền của mình. Trong các xã hội truyền thống Khổng Giáo, Ấn Độ hay Hồi Giáo, nhiều đàn bà phải chấp nhận những đàn ông hèn kém vì họ không có quyền chọn lựa, như Lê Quý Đôn đã nói: “Ngu si cũng thể chồng ta, dẫu rằng khôn khéo cũng ra chồng người”. Tuy nhiên, trong xã hội tự do thì tình thế hoàn toàn khác. Một người đàn ông mà không có gia thế, tiền của, bằng cấp, địa vị xã hội, ... thì suốt cuộc đời chỉ có một người đàn bà thương yêu anh và săn sóc anh vô điều kiện, đó là mẹ của anh.

Muốn so sánh hình ảnh người phụ nữ lý tưởng và người đàn bà trên thực tế, hãy đối chiếu nhân vật Triệu Mẫn của Kim Dung với nhân vật Anna Karenina của Tolstoy. Anna vì yêu Wronsky mà bỏ chồng con, chấp nhận bị giới thượng lưu khinh thường, nhưng hi sinh nhiều như vậy thì nàng đòi hỏi Wronsky phải có những sự đền bù xứng đáng. Mặc dù Wronsky là quý tộc giàu có và thực sự yêu Anna, chàng cũng không thể đáp ứng hết những đòi hỏi của nàng, điều này làm nàng bất mãn rồi từ từ chuyển sang uất hận, cuối cùng đâm đầu vào xe lửa tự tử. Anna đã tự hủy hoại mình để làm cho Wronsky phải ân hận suốt đời. Bởi vậy, đàn ông cần phục vụ những nhu cầu của phụ nữ để được thương yêu, nhưng không nên nhận sự hi sinh của phụ nữ (ngoại trừ mẹ mình) vì có thể gây ra những hậu quả rất khó lường.

Nói chung, các nhân vật Kim Dung khi đã yêu là yêu suốt đời và không đòi hỏi gì cả, chỉ cần gần người yêu là đủ. Hoàng Dung yêu Quách Tĩnh từ nhỏ và lúc già cũng vẫn yêu thương như vậy, khi Quách Tĩnh nhất định giữ thành Tương Dương thì Hoàng Dung cũng ở lại và chịu chết với chồng. Dương Quá xa Tiểu Long Nữ 16 năm nhưng trong tim anh luôn luôn chỉ có một mình Tiểu Long Nữ. Bà Anh Cô yêu Châu Bá Thông suốt mấy chục năm, về già mới gặp lại và không muốn gì hơn là sống chung với Châu Bá Thông. Nhạc Linh San lúc nào cũng yêu Lâm Bình Chi, dù bị Lâm Bình Chi phụ bạc rồi đâm nàng chết cũng vẫn yêu đến hơi thở cuối cùng. Tiêu Phong chỉ yêu A Châu và không quan tâm đến A Tử, A Tử chỉ yêu Tiêu Phong và không yêu bất cứ ai, Du Thản Chi chỉ biết có A Tử mà thôi, ... Trong thế giới Kim Dung, tình yêu là một cái gì đó trường tồn không thay đổi theo hoàn cảnh và thời gian, không có những toan tính về tiền bạc và địa vị xã hội, không bị ảnh hưởng bởi những người chung quanh, không bị suy giảm bởi sở thích cá nhân khác biệt. Và tình yêu là hoàn toàn vị tha, không có những toan tính cá nhân ích kỷ. Những tình yêu như vậy chỉ có trong tiểu thuyết Kim Dung và không bao giờ thấy trên thực tế. Tình cảm phụ nữ lớn nhất là tình mẹ thương con (nhiều phụ nữ nói thẳng rằng họ có thể bỏ chồng nhưng không thể bỏ con), nhưng ngay cả những người đàn bà thương con nhất cũng khó chấp nhận hi sinh quá đáng như là nhân vật Kim Dung.

Trong tất cả những truyện Kim Dung viết từ năm 1955 đến năm 1970, tình yêu là sự ràng buộc tuyệt đối giữa hai người nam nữ, và chỉ có hai người chứ không có người thứ ba - mặc dù Trung quốc thời xưa có truyền thống đa thê. Chỉ có truyện Lộc Đỉnh Ký viết sau cùng (1972) là phá lệ, Vi Tiểu Bảo yêu nhiều người và sau đó lấy tất cả những người yêu làm vợ. Trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký, lúc đầu Kim Dung viết đoạn kết là Trương Vô Kỵ kết hôn với Triệu Mẫn và Chu Chỉ Nhược đi tu, nhưng sau này ông sửa lại - Chỉ Nhược không đi tu và kết cục gợi ý Vô Kỵ lấy cả hai người. Điều này chứng tỏ sau 1970 Kim Dung đã thay đổi, không còn giữ quan điểm tình yêu suốt đời chỉ có một đối tượng duy nhất.

Kim Dung có một khái niệm khá độc đáo về phụ nữ: đàn bà có tình yêu thì xấu cũng thành tốt, đàn bà bị phụ tình thì tốt cũng thành xấu. Triệu Mẫn lúc đầu rất tính toán thủ đoạn nhưng sau khi yêu Vô Kỵ thì trở nên hiền lành, Chu Chỉ Nhược lúc đầu hiền lành nhưng vì Vô Kỵ hủy bỏ đám cưới chạy theo Triệu Mẫn nên trở thành hiểm độc. Lý Mạc Sầu (thời xưa gọi là Lý Mạc Thu) chỉ vì không kết hôn được với người mình yêu mà sống độc thân trọn đời và trở thành độc ác, Diệp Nhị Nương vì không được gần Huyền Từ và bị bắt mất con nên trở thành “thiên hạ đệ nhị ác nhân”. Nhậm Doanh Doanh lúc đầu cũng giết người rất tàn độc, nhưng sau khi yêu Lệnh Hồ Xung thì trở thành nhân hậu. Mai Phương Cô (trong truyện Hiệp Khách Hành) hận Thạch Thanh chỉ yêu Mẫn Nhu cho nên tự hủy dung mạo, bắt cóc con Thạch Thanh để cho vợ chồng Thạch Thanh đau lòng - bà không giết đứa trẻ và nuôi như con nhưng vì hận Thạch Thanh nên gọi con là cẩu tạp chủng (chó lộn giống). Trên thực tế, có thể nào tình yêu làm đảo ngược cá tính con người như vậy không? Thi sĩ Mỹ Alfred Housman có cái nhìn khác về tình yêu:

Oh, when I was in love with you,

Then I was clean and brave.

And miles around the wonder grew

How well did I behave.

And now the fancy passes by,

And nothing will remain.

And miles around they’ll say that I

Am quite myself again.

(Khi xưa tôi yêu em, tôi là người sạch sẽ và dũng cảm. Chung quanh tôi mọi người đều ngạc nhiên vì tôi cư xử quá tốt. Nhưng bây giờ tình yêu đã trôi qua và không còn gì để lại. Chung quanh tôi mọi người sẽ nói rằng tôi lại trở thành chính tôi).

Dù là một thi sĩ hay mơ mộng, Housman có óc thực tế hơn Kim Dung. Giống như tất cả các chất kích thích (thuốc lá, cà phê, rượu, ma túy, ...) chỉ tác dụng mạnh lúc đầu rồi giảm dần, sự hưng phấn khi yêu chỉ mạnh mẽ trong “cái thuở ban đầu hưu luyến ấy” mà thôi. Người không có tình yêu thường khó chịu cáu kỉnh nhưng không trở nên độc ác, còn người bị phụ tình thường buồn một thời gian rồi “move on”. Chỉ có một số ít người bị phụ tình là trở nên tàn độc, thí dụ như có một phụ nữ Mỹ là nha sĩ và cựu hoa hậu tiểu bang, bà quá tự đắc là mình tài sắc vẹn toàn cho nên khi biết chồng ngoại tình bà đã nổi điên lên, lái xe theo dõi và cán chết ông chồng, sau đó còn cho xe chạy tới lui nhiều lần cán xác ông chồng giẹp lép. Trên thực tế những phụ nữ giống nhân vật Kim Dung như vậy rất hiếm hoi.

Tóm lại, có những người khi đang yêu trở nên tốt đẹp hơn và sẵn sàng hi sinh, nhưng khi tình yêu đã phai nhạt thì... mèo lại hoàn mèo. Có thể “tăng đô” các chất kích thích để giữ ảnh hưởng, nhưng trong tình yêu thì làm sao mà “tăng đô” trừ khi... tìm hàng mới. Khi xưa bọn quân phiệt Trung Hoa luôn luôn tìm bắt người đẹp mới đem về làm thiếp vì những người đẹp cũ không còn làm họ hứng thú nữa. Cũng có những trường hợp vợ chồng yêu nhau trọn đời chung thủy, đó là vì tình đã chuyển sang nghĩa và sự say mê lúc đầu đã chuyển sang sự hòa hợp giữa hai tâm hồn - họ là những người may mắn nhất trong tình yêu. Trong các xã hội Âu Mỹ Nga thời nay, tỉ lệ ly dị khoảng 40-60 %, nhưng nếu kể cả bao nhiêu người sống độc thân chỉ có những cuộc tình tạm bợ, kể cả vô số những cặp vợ chồng đã chán nhau nhưng không ly dị vì các ràng buộc về thể diện, địa vị, tiền bạc, con cái, ... thì tỷ lệ những người không có hạnh phúc có thể lên đến 80 % dân số. Đây là một con số đáng buồn, nhưng quả thực chữ TÌNH chỉ có ảnh hưởng nhất thời, không kết nối con người bền chặt như Kim Dung đã viết trong Thần Điêu Hiệp Lữ: 問世間情是何物, 直教人生死相許? (“Vấn thế gian tình thị hà vật, trực giao nhân sinh tử tương hứa?- Hỏi người nhân thế tình là vật chi mà khiến cho người ta sống chết có nhau?) Triết gia Đức Schopenhauer trong tiểu luận “Siêu Hình Tình Yêu & Siêu Hình Sự Chết” nhận xét rằng tình yêu là một cạm bẫy của thiên nhiên, tạo ra những ảo tưởng để nam nữ tìm đến nhau cho mục đích tối thượng là bảo tồn nòi giống (reproduction) giống như tất cả các loài sinh vật khác. Theo văn hào Anh Somerset Maugham, bi kịch của tình yêu là lúc đầu hai người yêu nhau nghĩ rằng họ không thể sống thiếu nhau, nhưng sau cùng thì họ lại thấy rằng không có nhau thì cũng chẳng sao và có khi lại còn tốt đẹp hơn.

XXX

Bản thân Kim Dung cũng không có hạnh phúc trong tình yêu. Người vợ đầu của ông là Đỗ Trị Phân bỏ ông về với cha mẹ, hai người ly hôn năm 1951. Ông có 4 con với người vợ thứ hai Chu Mai, sau đó hai người ly dị và ông lấy người vợ thứ ba tên Lâm Lạc Di. Có lần ông say mê một nữ diễn viên rất đẹp tên Hạ Mộng, nhưng nàng chê ông lùn và kết hôn với một đại gia (có lẽ vỉệc chê lùn chỉ là một cái cớ, thực ra nàng chê ông ít tiền hơn các đại gia nàng nhắm đến). Tình cảm của ông dành cho Hạ Mộng chắc vẫn còn mãi trong tâm hồn Kim Dung vì “lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm”. Giả sử ông kết hôn với Hạ Mộng thì có lẽ hôn nhân cũng tan vỡ trong vòng vài năm. Như vậy, tại sao Kim Dung viết về tình yêu hoàn toàn trái ngược với những gì ông gập trên thực tế? Phải chăng ông đã cố gắng xây dựng những giấc mơ đẹp đẽ về tình yêu để quên đi thực tế phũ phàng? Hay là tại ông quá lý tưởng hóa tình yêu, không biết làm vui lòng phụ nữ mà chỉ đòi hỏi phụ nữ phải yêu mình vô điều kiện giống như các nhân vật nữ trong tiểu thuyết của ông? Dù sao thì người quá mơ ước hình ảnh phụ nữ lý tưởng (vừa xinh đẹp tuyệt vời vừa không đòi hỏi và sẵn sàng hi sinh cho người yêu) như Kim Dung thì chắc chắn sẽ bất mãn trong hôn nhân vì không một người đàn bà nào có thể chiều được ông, ngay cả khi ông đã trở thành một đại gia vừa giàu có vừa nổi tiếng khắp thế giới.

Tất cả các quan điểm về tình yêu của Kim Dung (tình yêu là bất diệt không thay đổi theo không gian thời gian, tình yêu vĩnh viễn chỉ có một đối tượng, tình yêu lúc nào cũng “cho không biếu không”, người có tình yêu sẽ tốt và không tình yêu sẽ thành độc ác) đều được thể hiện rõ trong Thần Điêu Hiệp Lữ. Truyện này có một ẩn dụ đáng chú ý: Trong Tuyệt Tình Cốc có một loại hoa đặc biệt là Tình Hoa, hoa rất đẹp nhưng quả lại xấu, lại có gai rất độc. Người nào trúng độc Tình Hoa thì sẽ sầu não héo hon, từ từ suy nhược rồi chết. Chỉ có một loại thuốc giải là Tuyệt Tình Đan, nhưng loại thuốc này rất hiếm và khó bào chế. Sau nhà sư Thiên Trúc mới tìm được một thuốc giải thứ hai là Đoạn Trường Thảo, uống vào đau như đứt ruột nhưng phải kiên trì chịu đau dùng thêm vài lần sẽ khỏi.

Khái niệm về Tình Hoa là một ẩn dụ rất hay mà lúc còn sinh viên tôi không để ý, sau này khi đã trải qua vài cuộc tình tôi mới nhận ra ý nghĩa. Khi Kim Dung nói hoa tình rất đẹp nhưng quả lại xấu, ý của ông là tình yêu rất đẹp lúc khởi đầu nhưng kết quả sau cùng thường trái ngược. Với những người đau khổ vì tình, thuốc giải tốt nhất là Tuyệt Tình Đan - nếu có thể tuyệt tình được thì không còn đau khổ nữa. Tuy nhiên, Tuyệt Tình Đan rất khó bào chế - cái tâm đau khổ của con người dù biết là nên tuyệt tình nhưng rất khó làm theo. Cách thứ hai là dùng Đoạn Trường Thảo - phải đối diện thực tế, dù lòng đau như đứt ruột nhưng phải chấp nhận cuộc tình đã tan vỡ không thể cứu vãn và tiếp tục sống, sau một thời gian thì sẽ từ từ nguôi ngoai. Còn nếu cứ nuối tiếc mãi những gì không hàn gắn được thì cuối cùng sẽ tự tử hoặc sầu não mà chết.

Ẩn dụ Tình Hoa cho thấy Kim Dung cũng biết tình yêu thường không có hậu và có gai độc có thể làm chết người. Tuy nhiên, khi viết tiểu thuyết kiếm hiệp ông vẫn giữ khuynh hướng lý tưởng hóa tình yêu và lý tưởng hóa phụ nữ, vừa phù hợp với tâm lý của ông vừa làm vui lòng độc giả. Đa số con người thích ảo tưởng hơn thực tế, có thể nói đó là một cơ chế tự vệ tâm lý của loài người. Những sự thực về con người và cuộc đời quá tàn nhẫn trắng trợn hoặc quá nhỏ mọn ti tiện, nếu sống hoàn toàn với thực tế thì dễ thành công nhưng tâm hồn sẽ bị đầu độc và nhân cách bị suy đồi, còn nếu sống hoàn toàn với những mộng mơ thì lại không thích ứng được với cuộc sống. Tốt hơn là tìm cách thỏa hiệp, sống với “bẩy phần thực tế ba phần ảo tưởng” để cho tâm hồn thoải mái khi đối diện cuộc đời và để giảm bớt những áp lực của cuộc sống.

Khuynh hướng đề cao tình yêu và lý tưởng hóa phụ nữ của Kim Dung cộng với văn tài của ông đã làm say mê hàng trăm triệu độc giả và khán giả Á Châu. Trong thế giới Tây Phương cũng thế, những cuộc tình lãng mạn không tưởng trong các tác phẩm cổ điển như Romeo and Juliet, Jane Eyre, Wuthering Heights, Pride and Prejudice, Les Souffrances du jeune Werther, và những tác phẩm cận đại như Love Story (Eric Segal) và The Notebook (Nicholas Sparks) đều làm rung động trái tim độc giả qua nhiều thế hệ. Những tình yêu không tưởng trong điện ảnh còn đi xa hơn nữa – tình yêu của những người hành tinh (Star Trek, Star Wars, Superman, Supergirl), của một thiên thần (City of Angels) của một anh vampire và một anh ma sói (The Twilight Saga) hoặc của một anh zombie (Warm Bodies) đều được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Những chuyện này chứng tỏ loài người rất cần ảo tưởng mộng mơ để giữ thăng bằng tâm lý, nhưng làm sao sáng tạo được những ảo tưởng làm đại chúng say mê là một điều rất khó. Chỉ có những thiên tài nghệ thuật mới có khả năng làm những ảo tưởng tình yêu trở nên sống động như những nhân vật của Shakespeare hoặc Kim Dung, những nhân vật này mãi mãi tạo nên những tình cảm trìu mến trong tim người đọc mà đa số những cặp tình nhân trên thực tế chỉ có thể cho nhau trong một giai đoạn ngắn lúc đầu mà thôi.