Mới đó mà đã hơn 40 năm, ngày chúng tôi từ giã khung trời đại học, ngôi trường thân yêu, “cây dài bóng mát”. Bài hát ngày xưa kể về nỗi niềm của những chàng sinh viên ngậm ngùi chia tay người yêu lên đường nhập ngũ thời nước nhà chinh chiến điêu linh. Năm 1972 “mùa hè đỏ lửa”, sân trường Khoa Học đầy nhóc mấy chàng thi rớt chia tay bạn bè để vô quân trường1. Năm đó lệnh Tổng động viên vô cùng gắt gao, tính tuổi sít sao, chỉ cần trễ một năm là không còn được miễn dịch. Sau đó sân trường vắng hoe, chỉ còn lại các cô.

Rồi cũng đến lượt chúng tôi, ai cũng phải giã từ tuổi thơ, tuổi trẻ để bước vào đời kiếm kế sinh nhai.

Chẳng ai còn có cuộc sống an bình sau ngày 30/4/75, tất cả mọi thứ đều bị xáo trộn, xã hội đang thay hình đổi dạng. Trước kia khi đến trường ngoại trừ ngồi trong giảng đường để nghe thầy cô giảng lý thuyết, chúng tôi còn có các giờ thực hành chung với nhau từng nhóm nhỏ. Tuy nhiên những lần thực hành ngắn ngủi này, đã không làm cho chúng tôi gần gũi nhiều bằng thời gian khi nước nhà đổi chủ. Thực sự cách học ngày xưa cũng có vẻ hơi “thụ động”, phải đợi cho tới khi tất cả sinh viên phải trở lại trường (bắt buộc) để lập tổ, lập nhóm đi lao động hay sinh hoạt chính trị, lúc này sinh hoạt đoàn thể mới bắt đầu rộn rịp, chúng tôi gặp nhau thường xuyên hơn. Nhiều khi phải ở trường cả ngày, từ đó tình cảm cũng bắt đầu nảy nở như cây khô gặp nước, nắng hạn gặp mưa rào. Chính vào giai đoạn này, có nhiều cặp tình nhân gắn bó thành vợ chồng cho tới ngày hôm nay. Kỷ niệm của những ngày lê la trong sân trường thì ngút ngàn (khó khăn) không kể xiết. Đại Học Đà Lạt đóng cửa, chỉ có sinh viên thuộc Phân Khoa Khoa Học được chuyển vào Khoa Học Sài Gòn. Họ phải đi ở trọ, nhiều buổi trưa không có gì ăn, uống nước cầm hơi. Sinh viên trong này cũng chẳng khá hơn vì cả nhà thất nghiệp, nhiều buổi trưa cũng đói meo “Cả một lứa bên trời lận đận”.

Sinh viên được coi là thành phần cốt cán của xã hội, vì vậy chỉ sau vài tháng “đứt phim”, chúng tôi phải tham gia mọi sinh hoạt giúp xã hội ổn định như hướng dẫn lưu thông (đứng chỉ đường), dẹp các ổ rác khổng lồ quanh thành phố và đi lao động đào kênh.

Trước 1975 các cô cậu sinh viên chỉ lo học, chuyện gạo than nước mắm có má ở nhà lo. Vả lại thời VNCH mọi thứ mua bán dễ dàng, đâu có nạn ngăn sông cấm chợ, hang cùng ngõ hẻm nào chả có các tiệm tạp hóa bán lẻ, không ai để ý tới “ba cái lặt vặt” đó.

Tới khi “mấy ổng” vô, mọi người bắt đầu nghe tới quốc doanh, cấm buôn bán cá thể. Nhà nước quản lý lương thực thực phẩm, hết thời mua bán tự do. Lúc này, sinh viên “lên giá” chưa ra trường, vẫn được coi là công nhân viên (tương lai) nên mỗi “cái miệng”, tức là một “khẩu” được mua 13 kg gạo (hẩm), nửa kg đường, 1 lon sữa, 1 xị dầu ăn. Tất cả những món đó gọi chung là “nhu yếu phẩm”, tức là các thứ vô cùng quan trọng cho đời sống.

Đường sữa gạo đã cân riêng cho từng phần, nhưng dầu thì không thể chia ra từng xị, mà 4 người chung nhau chai 1lít. Chuyện này vô cùng tiện lợi cho mấy chàng, và cũng vô cùng quan trọng cho đám “con bà Cả đọi”, bởi vì chỉ một tiếng đồng hồ sau là các chàng đã ghé ngay chợ Nancy (gần trường Khoa Học) để “sang tay” cho mấy bà bán chạp phô (chui), mà ngoài Bắc gọi là “dân phe phẩy”.

Thời đó rất ít nhà còn “xế nổ”, mọi thứ đã ra chợ trời hết rồi, đa số đều đi xe đạp hay đi bộ, bởi vì xăng là thứ “xa xỉ phẩm” (“gạo còn không có, có chi xăng”). Ấy vậy mà chàng công tử Nguyễn Thiện Kế vẫn còn cái xe Vespa Sprint vi vu lượn qua lượn lại. Cái xe này được tận dụng làm xe “thồ” nhu yếu phẩm mang ra chợ bán. Phải chi len lén ra đàng sau khu để xe, rồi hãy chất lên, mang đi bán thì không gây ồn ào, ngứa mắt. Đàng này ngang tàng chất đầy lên xe ngay khi vừa lãnh, trước mắt bàng quan thiên hạ, lại còn nhân đức từ bi, bán giùm cho nhóm khác. Trong lúc “củi quế gạo châu”, nhà nước đã “ưu đãi”, mà không trân trọng, mất “lập trường giai cấp vô sản”. Cô nàng Tổ Trưởng đã hăm he: nếu các anh không cần, tôi sẽ báo cáo lên trên, cắt tiêu chuẩn của mấy anh, những người vẫn còn mang nặng tư tưởng tiểu tư sản của giai cấp bóc lột, ăn trên ngồi trốc, tiếp tay cho bọn con buôn phe phẩy, lũng đoạn thị trường.

Anh hùng có sợ chi ai , mặc cho mấy bà đoàn viên “phùng mang trợn mắt” lên lớp, tối hôm đó mấy chàng lì, vẫn có màn chén chú chén anh, hay cà phê cà pháo ngồi tán dóc với bạn bè đang “nín thở qua sông”, mơ về những khung trời xa xăm chưa với tới được.

Những chàng “ngự lâm pháo thủ” chuyên ngồi đồng ở quán cà phê bác Ba sau giảng đường II. Hôm nay có tiền bán nhu yếu phẩm, sẽ thanh toán cà phê ghi sổ, đường đường chính chính trả tiền liền, ngày mai ghi sổ tiếp.

Trong khi mọi người phải hát những bài ca cách mạng như “Nổi lửa lên em” hay “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, thì các chàng ngự lâm này lại nghêu ngao “sức mấy mà buồn, buồn ơi bỏ đi Tám”. Không ai còn lòng dạ nào hát nổi “Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây” khi một sớm mai về, nghe người yêu đã xa rời mãi mãi, kẻ vô tù cải tạo, người vượt thoát ra hải ngoại. Thế giới phương Tây và nơi này, ngày đó cứ như thiên đàng và địa ngục, biết ngày nào gặp nhau?

Thời gian đó, mọi người đến trường tuy bề ngoài vui cười, nhưng thật ra trong lòng lo lắng bồn chồn. Bởi vì tất cả chúng tôi đều là con của những công nhân viên chức chế độ cũ, cha anh của chúng tôi đang lao đao trong các trại cải tạo, còn những gia đình buôn bán cũng bị đánh “tư sản mại bản” te tua, chẳng còn tiền bạc của cải. Cả một tương lai mù mịt trước mặt, ai cũng thủ “giữ kẽ”, chẳng dám tâm sự thổ lộ chuyện riêng tư. Mọi toan tính đều phải hết sức cẩn thận, người ta bảo rằng “vách có tai”.

Những ngày đi lao động và cùng nhau ngồi chen chúc trong giảng đường đã tạo ra nhiều kỷ niệm, để cho bây giờ sau gần 40 năm gặp lại, chúng tôi ai cũng trên 60. Cái tuổi mà người ta bảo “lục thập nhi nhĩ thuận”, nghĩa là ai nói gì cũng nghe lọt lỗ tai hết. Mọi người lần lượt ra trường, có người được bổ nhiệm dạy học ở những nơi khỉ ho cò gáy thật xa thành phố. Di chuyển bằng ghe thuyền để đến những ngôi trường mà trẻ em đi chân không đến trường. Điện cũng chẳng có đủ, mỗi nhà chỉ có một bóng đèn tròn được thắp sáng và tắt cùng lúc, mỗi ngày vài tiếng đồng hồ. Các cô cậu học trò thành phố nay phải làm việc trong những điều kiện như thế, theo tôn chỉ “Phục vụ bất cứ nơi nào Tổ Quốc cần”. Không phải vậy đâu, những nơi mầu mỡ vẫn dành cho thành phần tiên tiến, “giác ngộ cách mạng”, đó là các anh các chị đoàn viên đang phấn đấu để vô đảng.

Mọi người “nín thở qua sông”, vì chúng tôi có lý lịch xấu, rất ít người được bổ nhiệm (phân công), nếu có cũng toàn “xương xẩu”.

Vui là vui gượng kẻo là,

Ai tri âm đó, mặn mà với ai?

Bẵng đi mấy chục năm, chúng tôi giờ gặp lại nhau, cũng nhờ Website của Khoa Học Sài Gòn. Mới đó mà đã 10 năm biết bao lần gặp mặt để hàn huyên tâm sự. Bằng cách này hay bằng cách khác, mọi người đã gây dựng lại cuộc sống mới ở bên kia “bức màn sắt”. Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Úc, Hòa Lan, Canada, … chỗ nào cũng có mặt sinh viên Khoa Học Sài Gòn. Rất nhiều người thành công trong học vấn cũng như trong thương trường, chỉ một điều duy nhất ngôi trường Đại Học đầu tiên sau khi từ giã trung học thì họ không bao giờ quên. Vì nơi đó là mảnh đất cho hạt mầm ước mơ nảy nở.

Những ngày thơ mộng khi tóc còn xanh, mắt còn ngời tin yêu hy vọng. Dù sau này mọi người thành danh nhờ những trường danh tiếng khác, nhưng không ai quên mình vốn xuất xứ từ Khoa Học Sài Gòn. Mọi người tìm đến nhau như đàn cá hồi trở về nguồn.

Nhờ Website Khoa Học Sài Gòn, chúng tôi biết được tin tức thầy cô và bạn bè ai còn ai mất. Ngoài những lần họp mặt vui chơi, chúng tôi còn có “Quỹ tình thương” để giúp đỡ bạn bè khi hữu sự.

Những ngày “hoa bướm ngày xưa” thực sự là những kỷ niệm vô cùng quý giá không dễ nào quên.

Én nhạn về Nam, Xuân rồi đây,

Sau cuộc bể dâu tìm gặp nhau.

Mười năm thêm một tờ Xuân nữa,

Viết tặng bạn xưa tuổi xế chiều.

(Phỏng thơ Thanh Nam)

Lại Thị Mơ

____________________________

1 Lệnh Tổng động viên 1972 do Thiếu Tướng Bùi Đình Đạm ký:

- Sinh viên Y Dược được trễ 2 năm

- Tất cả các sinh viên trường khác (kể cả học sinh trung học), chỉ được trễ 1 năm

Vì vậy trường Khoa Học tổ chức 2 kỳ thi khác nhau:

- Học trễ 2 năm (dù đậu cũng phải đi), cho thi trước (các Thầy cho đậu hết)

- Học bình thường hay trễ 1 năm (quyết định số phận) cho thi chung với con gái, kỳ

thi này công bằng, không ưu tiên: con trai “rớt” phải đi lính