Bệnh chứng Depression, buồn nản, chán đời - Trương Ngọc Thanh

Đến hơn 80% những nạn nhân chiến tranh đã là những bệnh nhân, nặng nhẹ ít nhiều, bị ảnh hưởng chấn động tinh thần và xáo trộn về tâm lý. Những nhóm người này, sau Đệ Nhị Thế Chiến 1945, họ phải chịu cảnh tang tóc khi lìa xa quê hương. Những nhóm người này cũng hay được nhắc đến, dù cuộc chiến đã qua đi rất lâu.

Chiến tranh Việt Nam đã để lại những đau thương, mất mát và những vết thương có lẽ ngàn năm không phai, dù đã dần vào quên lãng, cho những người thuộc thế hệ chúng tôi.

Họ bị rối loạn và khủng hoảng về tâm lý, những bệnh chứng kèm theo do xáo trộn không nhỏ về biến dưỡng.

Bệnh chứng buồn nản, chán đời là những biểu hiện về tâm lý. Bệnh nhân cảm thấy buồn nản, không còn hứng thú làm việc gì cả, không muốn hoạt động. Bệnh có thể kéo dài và nếu không được điều trị sẽ không tự khỏi hoặc thuyên giảm. Khi các triệu này lặp đi lặp lại với thời gian kéo dài mỗi lần hơn 2 tuần, được kể như giai đoạn của căn bệnh.

Ở Cộng Hòa Liên Bang Đức, tỷ lệ người bệnh ở nữ giới chiếm đến 14 % và nam giới ít hơn, vào độ 4,5%.

I. TRIỆU CHỨNG

Có 3 triệu chứng được kể đến:

- Tâm lý buồn chán kéo dài không thuyên giảm độ hơn nhiều tuần.

- Cõi lòng trống rỗng, không còn cảm nhận và cảm giác đối với thế giới bên ngoài. Không có hứng thú tiếp xúc với xã hội, việc làm, môi trường chung quanh.

- Không còn có hứng thú hoạt động, sinh động. Cảm thấy mệt mỏi, chán chường. Không còn có hứng thú trong cuộc sống, lười biếng. Để làm được việc thông thường trong ngày là những đòi hỏi quá sức, không thể thực hiện.

Ngoài ra còn các triệu chứng phụ như: tự nghi ngờ vào khả năng của mình, tự trách mình, mang mặc cảm có lỗi, ngủ nhiều, hoặc mất ngủ, nội tâm không yên ổn. Không còn hứng thú về chuyện chăn gối.

Những chán nản này có thể dẫn đến ý tưởng tự tử. Tỷ lệ có đến 10% trong số bệnh nhân này.

Những triệu chứng bệnh tật, gây ra do bệnh buồn nản:

· Triệu chứng về bệnh tim và hệ tuần hoàn

· Nhức đầu, nhức lưng

· Đau bao tử, ruột gan

· Mất ngủ

· Kém ăn

· Thức dậy muộn

· Không thèm chuyện chăn gối, bệnh lãnh cảm.

Những triệu chứng kể trên của bệnh chán đời lồng vào những rối loạn cơ thể có thể dẫn đến nhầm lẫn trong việc định bệnh. Bệnh nhân có thể trở nên hung dữ, làm nhiều việc táo bạo, uống nhiều bia rượu.

Trong giai đoạn nặng, bênh nhân có thể có những ý nghĩ điên cuồng, có những ảo giác và ảo tưởng như bị truy đuổi hoặc tìm truy đuổi sát hại người khác.

Những người có những mất mát to lớn, như mất người thân, phải rời bỏ quê hương, chạy loạn, ... có những triệu chứng tương tự. Đó là những vết thương lòng, phần đông với thời gian rồi họ cũng tìm lại được nụ cười và bình phục. Một số ít trong nhóm này có thể bị bệnh kéo dài và bệnh trở nên mãn tính.

II. CÁCH ĐIỀU TRỊ

Theo thống kê, trong đời người có đến 30% ở mỗi người có một lần bị bệnh chứng buồn nản chán đời. Cách điều trị thường là phối hợp điều trị tâm lý và dược liệu, tùy mức độ nặng nhẹ.

1) Phương pháp điều trị tâm lý học, do các bác sĩ chuyên gia về tâm lý (Psychologie): Bệnh nhân được theo dõi, điều trị về thái độ, qua những phân tích về hành xử, hoạt động để được loại bỏ dần những ý tưởng tiêu cực, chán chường và nhận biết những vô thức tâm bệnh. Về cả hai phía đều đòi hỏi kiên nhẫn, và thành thật của bệnh nhân.

2) Những phụ trợ từ phía gia đình, xã hội đặc biệt từ những vị lãnh đạo tinh thần, tôn giáo có kinh nghiệm góp phần tích cực rất nhiều vào tiến trình thuyên giảm bệnh tật. Người Việt chúng ta, đặc biệt là những người theo đạo Phật, thường thấy những người dang dở, buồn nản, chán đời hay vào nương nhờ chốn từ bi, cửa Phật, với những giáo huấn và sự trợ giúp của quý thầy mà tâm hồn họ được yên ổn.

3) Các phương pháp vận động, làm việc, kích thích óc sáng tạo, cũng làm quên đi những lo âu, cũng giúp phần thuyên giảm.

4) Phương thức điều trị dược học: thuốc đạt được hiệu quả điều trị sau nhiều tuần. Mỗi cá nhân có phản ứng khác nhau đối với thuốc, và các loại thuốc đưa vào sử dụng cũng tùy vào căn bệnh và diễn tiến bệnh tật. Hầu như tất cả các nhóm thuốc này đều có tác dụng làm giảm sự sợ hãi và làm hưng phấn tâm lý. Có một vài loại thuốc gây tác dụng phụ giúp ngủ ngon, hoặc tăng hoạt động, năng động. Tùy loại, thuốc còn có tác dụng phụ như làm lờ đờ, khó tiểu, táo bón, choáng váng, dễ té, phì mập. Khi đã lành bệnh, hoặc vì phản ứng phụ, không được phép bỏ thuốc ngang đột ngột mà phải giảm liều lượng thuốc dần dần đến khi ngưng hẳn.

Dựa theo cấu trúc hóa học và tác dụng sinh hóa học, người ta phân biệt 11 nhóm thuốc, những chất thần kinh dẫn truyền như Glutamat, GABA, Substanz P, … và những chất vận chuyển trong hệ thần kinh như Noradrenalin, Serotonin, Dopamin cũng tham dự tích cực vào quá trình chuyển hóa:

A. SSRI, SNRI: Nhóm ức chế chọn lọc việc tiếp nhận trở lại chất Serotonin: Serotonin còn được gọi là Kích thích tố Vui sướng (Glückhormon) trong tế bào thần kinh não bộ và làm tinh thần sảng khoái. Tên thương mại thuốc được biết đến đầu tiên là Cipramil R (Citalopram), Cipralex R (Escitalopram), Fluctin R (Fluocetin), Cymbalta R (Duloxetin), Trevilor R (Duloxetin). Trevilor R (Venlafaxin). Nhóm thuốc này được dùng nhiều nhất do ít tác dụng phụ. Tác dụng phụ thường gặp ở nhóm thuốc này như: buồn nôn, bất ổn và rối loạn sinh dục. Duloxetin thường có tác dùng phụ gây nguy cơ bệnh nhân có ý tưởng muốn tự tử, khi dùng thuốc này nên kết hợp với Sedativum như Benzodiazepam.

B. TCA (Nhóm chống buồn nản chán đời có cấu trúc hóa học 3 vòng): Nhóm này có từ lâu đời, thường gây những phản ứng phụ như: khô miệng, giảm tiết nước bọt, run rẩy tay chân, mệt mỏi và táo bón. Ở những người già, thuốc có thể gây rối loạn nhịp tim, làm tim đập nhanh, phì mập. Saroten R (Amitriptylin) Stangyl R (Trimipramil) là những tên tiêu biểu.

C. MAO-HEMMER (Chất ức chế Monooxidase) Aurorix R (Moclobemid) thường hiếm sử dụng.

D. THUỐC CÓ NGUỒN GỐC THỰC VẬT (Johanniskraut) có bông màu vàng. Thuốc này hay gây ra các tác dụng làm thay đổi các tác dụng của các dược phẩm khác.

E. MASSA hay Agomelantin: Valdoxan R. Thuốc tương đối mới trong điều trị. Có lợi điểm giúp bệnh nhân có những giấc ngủ dài và sâu hơn, như trong giấc ngủ sinh học.

Burnout (Bệnh suy sụp tinh thần cấp tính, do làm việc với áp lực quá độ). Ở những nước văn minh tiên tiến, các chứng bệnh về tâm lý được ghi nhận nhiều đến mức đáng lo ngại. Đây có phải là “chứng bệnh thời trang”?

Bệnh chứng Burnout thường gắn liền với nghề nghiệp và công việc. Do áp lực quá độ và lâu dài dẫn đến bệnh nhân không chịu nổi và mất khả năng sáng tạo, cảm thấy không còn đủ sức để chống trả lại những đòi hỏi vượt sức mình, thường thì trước đó họ giải quyết một cách dễ dàng. Bệnh chứng này dẫn đến buồn nản, chán đời và hốt hoảng lo sợ. Khả năng vận dụng, ứng xử với công việc do đòi hỏi về áp lực thành tích khiến họ quên cả bản thân mình, mất ăn thiếu ngủ và dần dần bị cô lập với thế giới bên ngoài, quên cả những nhu cầu cá nhân của chính mình.