Nụ cười trước gương, những vết nhăn đã xếp hằn trên mắt, tóc lưa thưa sợi trắng sợi đen mới chợt nhớ ra mình đã xa quê hương nhiều mùa xuân rồi.

Sáng ngày 01 tháng Năm 1975 trường Khoa Học Sài Gòn người là người, nhiều khuôn mặt trước đây là bạn bè thân quen, hôm nay cảm thấy xa lạ, màu đỏ trên cổ, trên vai thay màu phượng đỏ phủ kín sân trường. Nhiều thằng ngơ ngác không biết mai nầy sẽ đi về đâu,. đứng tụm năm tụm ba nói về “cách mạng” anh dũng lội rừng bằng đôi dép râu Bình Trị Thiên, vượt Trường Sơn mang xăng đặc, một loại xăng đá cứng tiếp tế cho miền Nam.

Cái ngày 01 tháng Năm 1975 tại sân trường Khoa Học cũng là ngày hội vì nhiều công trình khoa học xã hội chủ nghĩa được giới thiệu và ca tụng:

Thứ nhất là “đôi dép râu Bình Trị Thiên” (Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa thiên). Đôi dép râu có thể dùng cho một đời người vì “Bác mình” đã dạy là trồng người phải cần 100 năm cho nên Bác mới phát minh ra đôi dép râu tiện và lợi cho một đời người.

Thứ hai là xe cộ từ Bắc vào Nam đều dùng “xăng đặc”, loại xăng này được cho vào thùng xăng, muốn có 20 lít xăng thì đổ 20 lít nước vào. Thế giới bây giờ sản xuất xe chạy 100 cây số tiêu thụ 7 lít xăng thì với một bình 20 lít nước có thể de tới de lui khoảng gần 300 cây số, văn minh thật! Nhiều thằng cứ tưởng thật, đầu lắc lư tán thưởng phát minh thời đại XHCN siêu việt, một thằng Quảng Nam đứng chửi đỏng “tổ cha mi”, xăng đặc cái củ “c…”, đó là khí đá đó mấy cha nội. Công thức hóa học của khí đá là CaC2 (Calcium carbide), một chất rắn, có mùi thối, hút nước mạnh, hút hơi ẩm trong không khí tạo ra C2H2 và CaO công với nhiệt tỏa ra theo công thức sau :

Khí Acethylene và nhiệt độ thúc đẩy quá trình chín và tạo đường trong trái cây, cho nên khí đá dùng để giú trái cây cho mau chín.

Tôi đứng một mình, nhìn lên khoảng trời trong xanh đầy nắng và tự nghĩ là từ giờ phút này miền Nam Việt Nam sẽ đi về đâu, làm sao sống với đám người mà cái đầu là đầu “tôm”, một cái đầu cộng sản trí tuệ siêu việt. Làm sao sống với cộng sản vì “sống với cộng sản là một đại họa cho bất cứ ai không phải là cộng sản” (không nhớ tên danh nhân).

Bao nhiêu suy nghĩ, bao khó khăn, bao thử thách sẽ đến nay mai, bao nụ cười và những niềm hạnh phúc tan biến ngay ngày đầu “giải phóng”, nó sẽ làm phỏng “d…” thanh niên miền Nam. Điều lo nhất của các cô Sài thành hoa lệ, sáng phở Pasteur, chiều lượn phố Brodard không còn nữa. Acetone bán đắc như tôm tươi, mua về chùi móng tay móng chân cho sạch không thì cách mạng nó đè ra rút từng móng. Khổ hơn nữa là các cô chửa chồng, lo kiếm chồng miền Nam, hổng có chồng thì theo chế độ Quân quản các cô phải lấy chồng “cán ngố”. Con trai độc thân Nam kỳ đang có giá, tôi cũng là nạn nhân trong “chiến dịch tiêu thổ kháng chiến” của các nàng lẻ bóng: “Con làm rể dì Hai đi con, nghêu sò ốc hến, mâm cau, mâm trầu, hũ rượu dì Hai bao thầu, con chỉ cần mang cái quần xà lỏn, áo ba lỗ, chiều tối qua nhà dì thì có sẵn chăn ấm nệm êm cho con xài, sáng có phở, tối có hủ tíu xào.” Tôi về nằm gác chân lên trán suy nghĩ: ngày xưa mình đá lông nheo cô ta nguýt muốn rơi lông nheo, thử xoa lông măng trên tay cô ta, cô ta tát muốn sái quai hàm mà bây giờ bốn mắt nhìn nhau ngọt quá trời. Phải chi thời gian quay trở lại, tôi hốt ngay không do dự. Cũng may, bốn tháng sau gặp lại, nàng là hoa có chủ, ông chủ của nàng là “khỉ rừng” vừa về thành phố.

Đang lang thang trong trường Khoa Học, thằng bạn chiều nhậu, tối chị Tình, trưa chị Phúc, thứ Bảy ngã ba, Chủ Nhật ngã năm lù lù vào cổng trường. Bàn tay “năm ngón kiêu sa” của nó có vòng, nó không đeo nhẫn cỏ mà nhẫn vàng 24, nó phán một câu xanh rờn: “Tao vừa lấy vợ lúc 12 giờ trưa 30 tháng Tư”. Bốn mươi năm lận đận độc thân, chỉ một phút huy hoàng là có vợ, để rồi sau này chợt tắt. Nếu thời gian quay trở lại tao chắc mầy sẽ giữ trọn tình độc thân muôn thuở phải không người bạn già.

Thôi mình nên giã từ trường để đi tìm về dĩ vãng. Chắc em đã ra khơi vì trước 30 tháng Tư em có cho biết là lại nhà em ở để cùng bay với gia đình em. Tôi chưa kịp quyết định thì Tông Tông đã cho tan hàng. Không, em vẫn còn ở lại vì hai người chị học Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt không về kịp. Nhà còn hai mẹ con, em muốn tôi dọn đến ở, vì em sợ đêm hôm con chó nó sủa, con mèo nó rên. Sau này, em cũng ra xứ người, hình như sống ở xứ lạnh tình nồng, nhưng từ đó đến giờ tui chưa từng gặp lại. Còn một người nữa tôi cần biết tin đó là cô em mà một chiều mưa giọt ngắn giọt dài, tôi tấp vào mái hiên nhà nàng tạm trú mưa. Sài Gòn lên đèn mà cơn mưa không dứt, tôi giợm chân định làm người lữ hành trong mưa thì cửa mở, tôi choáng vì một cô gái phải nói là đẹp, đôi mắt bồ câu, sóng mũi dọc đừa, da trắng như bông bưởi nhe hàm răng trắng ngọc ra cười:

- Ba em bảo mời anh vào nhà uống chén trà nóng, đợi mưa tạnh hãy về.

- Cô ơi, tui chỉ uống rượu chứ không uống trà.

Ông già nghe tui nói hợp lỗ nhĩ nên kêu tôi vào nhậu lai rai, đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh, tui cùng ổng làm vơi 2 xị đế Gò Đen. Đến xị thứ 3 tui thấy mây mù che kín, nhìn lén cô em tiếp tế con khô mực, tui chợt nhớ ra là đã từng chạm mặt cô này ở đâu. Phải rồi, nhân một chuyến bán báo Xuân, thì ra cô nàng học Gia Long hay Trưng Vương gì đó. Đây là cô mà thay vì bán, tui đã “dại gái” ký tặng báo cho cô ta và chiều mưa đó cô nàng nhìn qua song cửa và đã nhận ra tui (tội mê gái đó mà). Ông già biết tui quen cô ta, và cũng cần người phá mồi cho nên chuyện quắt cần câu là điều không tránh được. Cuối cùng phải nhờ bàn tay búp măng cạo gió. Đêm nay tui gặp “Hồng Thất Công” tiếp rượu lại còn được “Hoàng Dung” chuẩn bị mồi, ông già sợ tui không thích rượu cho nên đem bia ra, tui từ chối và muốn uống rượu chứ không uống bia vì trong các bộ kiếm hiệp của Kim Dung có thấy đoạn nào nói uống bia đâu, Tiêu Phong, Đoàn Dự, Điền Bá Quang, Hồng Thất Công chỉ uống rượu:

- Bác ơi, con không uống bia chỉ uống rượu, uống bia là con chết ngay, bác xem các nghĩa trang người ta chết vì bia chứ đâu có ai chết vì rượu, nghĩa trang chỉ có “bia mộ” chứ không có “rượu mộ”.

Từ cái đêm tình cờ say rượu và say men, tôi không ra về được vì đã đến giờ giới nghiêm. Em, người con gái Nha Mân, vùng trái cây ngọt lịm, vùng nhiều con gái đẹp trở thành người cùng tui dạo phố Lê Lợi, Nguyễn Huệ trong những chiều mưa đổ.

Nhà cô gái Nha Mân cửa đóng then cài, em và gia đình ra đi vào một buổi chiều đầy tiếng súng, tui nhớ, nhớ ngày em nói yêu tui. Em bảo muốn ở bên tui hết cuộc đời này cho đến khi mắt mờ, chân chậm. Khi đó chúng ta sẽ sáng sáng dắt nhau đi thể dục, chiều chiều dắt nhau đi dạo. Vợ chồng mình sẽ trồng một vườn rau nhỏ, nuôi vài chục con gà, để mỗi cuối tuần cháu con về sum vầy cơm nước và anh lai rai vài xị. Tôi nhận được thư em viết trước khi ra đi là nếu đến được đệ tam quốc em sẽ chờ tui sum họp. Lời cuối cùng trong thư: “Ước muốn lớn nhất của em trên đời là gặp được một người đàn ông có thể vì mình mà không hề so đo tính toán. Gặp anh, em nghĩ mình chẳng còn gì để nuối tiếc.”

Anh nhớ lần đầu tiên anh cùng em về Nha Mân, em không muốn trở về lại Sài Gòn vì em mơ một mái nhà tranh luôn phủ tràn hơi ấm, mê mùi mạ non, mơ đàn con nhỏ. Nay tóc đã thưa, sức anh đã cạn, phải chi thời gian quay trở lại thì những chiều mưa ở xứ lạnh này anh không phải tơ tưởng đến em. Thôi em ngủ yên nhé, người em xứ mận. Kiếp sau, hãy gặp và sống cùng anh đến già, cùng anh dạo sáng, dạo chiều, cùng anh trồng rau, nuôi gà và mỗi chiều có thể vui cười bên cháu con nhé em.

Nguyễn Thúc Soạn - Mộng Lệ An 08-01-2019