Đối với một học sinh vừa mới đậu Tú Tài 2, ngưỡng cửa đại học mở ra cả một khung trời mới lạ. Tôi là một học sinh Petrus Ký, suốt cả 7 năm theo học chương trình tiếng Pháp, ngoại trừ năm đầu theo học lớp Đệ Thất chương trình tiếng Việt (năm đầu tiên Việt ngữ được áp dụng).

Sau khi đậu Bac Math (Tú Tài 2 ban Toán), mộng của tôi là xuất ngoại sang Pháp du học. Nhưng tình hình bang giao giữa Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam và Chính Phủ Pháp căng thẳng nên xin phép đi du học ở Pháp rất khó khăn. Ngược lại, muốn học đại học tiếng Pháp ta có thể xin đi Bĩ hay Canada (Montréal). Nhiều bạn trẻ đã xin đi hai nước đó và tìm cách trốn sang Pháp, nhưng Bộ Giáo Dục sẽ không cho phép gia đình chuyển ngân cho du học sinh « phạm lỗi » đó. Lý do nào mà các học sinh học tiếng Pháp ở trung học có mơ ước « Tây du » đó? Đơn giản là thiên hạ đồn với nhau là các Đại Học ở Sài Gòn có trình độ quá kém và bằng cấp không có giá trị, hơn nữa lúc ra trường tương lai nghề nghiệp sẽ không bảo đảm! Nhắc lại tôi nghĩ mà thương cho Đại Học Khoa Học Sài Gòn của tôi và óc lệ thuộc Pháp của tôi còn quá nặng. Có bạn hỏi tôi: « Sao mầy không thi tuyển vào Trung Tâm Quốc Gia Kỹ Thuật PhúThọ hay Đại Học Sư Phạm hay Trường Nông Lâm Súc? » Nói thì dễ nhưng ai có trải qua mới biết, đâu có dễ:

« Cổng Trường Phú Thọ không cao lắm

Mười thằng trèo hết chín thằng rơi »

Thôi, tôi nghĩ số phận đã an bài và tôi đi ghi danh ở « FACULTÉ DES

SCIENCES de SAIGON » (Đại Học Khoa Học Sài Gòn) và tôi tự an ủi: « Người ta cũng dùng tiếng Pháp để dạy mà! » Hi !... Hi !... Hi !...

Nghe hai tiếng ghi danh tôi hơi nôn nao, thấy mình thật sự trưởng thành, bây giờ việc học hành tự mình lo lấy. Sáng ngày ghi danh trời nắng đẹp, tôi đạp xe đến ngôi trường mà chỉ những học sinh nào đã đậu Tú Tài Toàn Phần, Việt hay Pháp ngữ mới được vào và sau khi điền vào hồ sơ kèm theo bản sao văn bằng Tú Tài, tôi nộp cho bà thơ ký rồi ra về.

Ngày khai trường không khí thật sự tự do, không có giám thị biểu đứng sắp hàng đợi giáo sư đến. Tôi ghi danh theo học Cử Nhân Lý Hóa, gồm 4 chứng chỉ, mỗi năm phải thi, năm đầu tiên tôi học chứng chỉ M.P.C. – quen miệng gọi tắt theo tiếng Pháp: Math - Physique - Chimie (Toán Lý Hóa). Các bạn muốn học Đại Học Y Dược thì học Chứng Chỉ P.C.B. – viết tắt tên của chứng chỉ theo tiếng Pháp: Physique – Chimie – Biologie (Lý Hóa Sinh). Chúng tôi thường hay trêu, gọi P.C.B là « Bê Xe Bò ».

Giờ đầu tiên học Hóa Đại Cương với Giáo Sư N. Q.T., lúc đó cũng là Viện

Trưởng Viện Đại Học Saigon. Ở giảng đường lớn, chật ních sinh viên, ngay cửa ra vào có trồng một hàng cây điệp vàng đầy những con sâu đo treo lơ lửng bằng những sợi tơ, các nữ sinh viên khi vào giảng đường rất sợ các con sâu đó bám vào áo, vào tóc. Rồi cũng nhờ các con sâu đo đó mà tôi có dịp ra tay anh hùng bắt một con đeo dính vào cổ áo của một cô sinh viên đứng trước mặt trong giờ đợi mở cửa giảng đường. Cô ta nhìn tôi, miệng cám ơn lia lịa.

Bài giảng bằng tiếng Pháp, giáo sư nói liên tục, không hề đứng dậy viết gì trên bảng. Giáo sư chỉ đọc bài giảng in sẵn để trước mặt. Tôi cắm đầu ghi những gì giáo sư nói, xung quanh tôi người thì ghi, người thì ngáp ngắn ngáp dài, không khí nặng nề. Sau giờ giảng, một số các sinh viên ra ngoài hỏi với nhau: « Mầy có ghi gì dược không? » Thường câu trả lời là: « không! » Tôi nói thầm trong bụng chắc có lẽ đó là các bạn học chương trình Việt ngữ ở trung học.

Đến phiên học sau, trước khi giáo sư môn khác bắt đầu giảng thì có một sinh viên lên bục giảng cầm micro nói rằng Ban Thơ ký của Trường hứa là bài giảng của Giáo Sư T. sẽ được quay ronéo in ra cho sinh viên, nhưng ai muốn có

« cours » (bài giảng) đó phải ghi tên và đóng lệ phí (rất ít).

May mắn là các giáo sư sau, tuy giảng bằng tiếng Pháp, nhưng vừa nói vừa cầm phấn trắng viết lên bảng các công thức hoặc các phản ứng hóa học phức tạp với một tốc độ vừa phải để sinh viên ghi. Nhìn xuống dưới các dãy bàn thì số sinh viên hiện diện thưa thớt hơn nhiều. Phần tôi và một số các bạn khác đã theo học chương trình Pháp vẫn tiếp tục chăm chỉ ghi chép, riêng tôi, tôi viết tiếng Pháp khá nhanh nên ghi hầu hết các chi tiết của lời giảng. Ban Đại Diện Sinh Viên Chứng Chỉ MPC có ý kiến là sẽ lập ban ấn loát và tôi sẽ đưa bài ghi được cho thơ ký của ban ấn loát đánh máy, bản thảo đưa tôi xem lại và cho quay « ronéo », in ra bán cho các sinh viên.

Một hôm cô sinh viên bị « sâu đo », tạm gọi là cô A, đến gặp và mượn tập tôi, nói là để bổ túc những gì cô đã ghi được. Nhiều lần thành thói quen, nhưng các cuộc gặp gỡ chuyện trò nầy không qua mắt được một cô gái Huế. Tôi là người lọt cặp mắt sáng đẹp của cô và cô nầy không cần mượn tập vở của ai hết vì cô học trường Pháp, trường Marie Curie.

Cuối năm học gần kề, các bài giảng càng khó khăn hơn và tốc độ ghi chép càng nhanh hơn, cô sinh viên A mượn tập tôi càng giữ lâu hơn. Thế rồi kỳ thi đến, và cô sinh viên A chỉ trả tập cho tôi một hai ngày trước ngày thi. Kết quả như thế nào ai cũng đoán được: vì không đủ thì giờ ôn lại bài nên tôi đã rớt vấn đáp kỳ nhất! Cô gái Huế đậu ngay kỳ nhất với hạng cao, cô sinh viên A cũng đậu.

Tôi buồn quá đến gặp cô sinh viên Huế, kể lể, phân trần, nhưng chẳng được an ủi mà còn bị rầy « Đáng đời! Muốn ôm hết! Ai biểu dại, rán chịu! »

Từ đó tôi ghi được một bài học quí giá từ cô gái Huế: « Tham thì thâm! »

HẾT

Ghi chú: Nhiều sinh viên tuy học chương trình Việt ngữ ở Trung học đã là những sinh viên xuất sắc nhất ở Đại Học Khoa Học Sài Gòn thời đó.