8 tháng tuổi tôi thoát chết nhờ Sim nhẩy lên giường ngoạm tha ra khỏi căn nhà đang bốc cháy do sự lơ đễnh đoản hậu của chị người làm, lúc đó Ba Mẹ tôi vắng nhà.

Sim là con trai, thuộc loại Bernese Moutain Dog. Một tuổi rưỡi đã cao hơn tám tấc, nặng 80 kg, lông Sim dài và mịn, màu đen xám xen kẽ những khoang màu trắng ngà. Hai con mắt to tròn sáng quắc màu hạt dẻ, nổi bật nhất là hai bớt lông to tròn như đầu quả trứng vịt màu vàng sậm gọi là mắt giả. Sim được tắm một lần trong tuần và chải lông mỗi ngày cho sạch bụi. Sim cũng có giường và mùng tránh muỗi.

Trong xóm Sim đi đến đâu ai cũng thích vuốt lông Sim khen đẹp và hiền lành không sủa bậy.

Mỗi buổi sáng Sim theo mẹ tôi đi chợ. Khi thức ăn đầy giỏ, Sim ngoạm giỏ mang về để trên bàn và tiếp tục trông chừng tôi.

Vào một đêm khuya mát mẻ ai nấy đều ngủ say, Sim choàng dậy chui khỏi giường, rón rén đi ra cửa sau bằng lối riêng của nó rồi nép mình bên hông nhà, chờ tên ăn trộm vác valy của nhà bên cạnh thò đầu ra khỏi cửa là Sim lướt nhanh tới ngoạm lưng quần hắn ghì lại. Bị tấn công quá bất ngờ tên trộm quay đầu lại thì rụng rời tay chân thóp hết cả tim gan phổi phèo, run như cầy sấy, biết không thoát được nên hắn lật đật đặt valy vào trong cửa, Sim mới nhả hắn ra. Hú vía, tên trộm vội co giò chạy mất. Sim mới sủa đánh thức nhà bị mất trộm

Gần Tết hay có những ông hoặc bà sống nghề đi mua chó bằng xe đạp, phía sau xe đèo cái lồng khá to đan bằng dây kẽm rất chắc chắn để nhốt chó.

Một sự tình cờ cũng là ngày xui xẻo cho người lái chó! Bởi Sim trông thấy chiếc xe bắt chó dựa cây xoài trước cửa nhà ông Long gần nhà tôi, người lái chó đứng xoay lưng giữ tay lái xe đang kỳ kèo trả giá mua chó của ông Long. Sim phóng tới bất ngờ húc vô lưng ông mua chó, bắn ra một quãng té chúi dúi và quay ra cào chiếc xe đạp đổ kềnh. Trong cơn giận dữ nó ngoạm cắn nát sợi dây cột trên nắp cái lồng ra dễ dàng. Người lái chó quay đầu thì điếng cả người, lồm cồm đứng dậy, tức giận và hoảng sợ lẫn lộn chỉ biết gào to chửi ... Hai tay vung lên hăm he vào Sim, nhưng sự thật có cho vàng ông ta cũng không dám đến gần. Nắp lồng vừa bung là đám chó chen nhau chui ra chạy tứ phía.

Sim quay qua nhe răng gừ gừ tiến tới làm ông ta sợ quá thụt lùi thì lại giựt bắn người bởi con chó trong nhà đang nhe răng nanh sủa gầm gừ chửi rủa tới tấp vào mặt kẻ thù muôn kiếp.

Chuyện người lái chó mất trắng tay vang dội khắp nơi. Kể từ đó không còn thấy bóng những người lái chó bén mảng tới gần xóm tôi nữa.

Chuyện đời chẳng khi nào được trôi chảy! Bọn ăn trộm và nhất là đám lái chó không làm ăn được nên rất căm ghét Sim. Chúng tìm đủ mọi cách hảm hại Sim nhiều lần không thành nên nghĩ cách dùng tiền mua chuộc thằng Kỳ trong xóm, bạn khá thân của anh tôi. Chính tên gian ác này vô nhà tôi lén bỏ thuốc độc vô thức ăn của Sim.

Ngày hôm đó Mẹ tôi thấy ánh mắt Sim rất buồn như đang khóc, nước dãi, nước mũi Sim ướt nhẹp nên vội cúi xuống thì Sim ngồi dậy ôm mẹ tôi gục đầu lên vai mẹ tôi rất lâu. Linh cảm lan thật nhanh, Mẹ tôi vội cho người ra hãng kêu Ba về. Thấy Ba tôi, Sim ôm chầm lấy, nước mắt chảy ròng, nấc lên những cơn đau tức tưởi không nói được. Ba hối người đi tìm bác sĩ thú y, nhưng chào thua vì thời đó ở Sài Gòn rất hiếm.

Sim biết không tồn tại được nữa nên nó đã cố gắng ôm từ biệt được tất cả người thân trong nhà và một số người hàng xóm thương yêu nó trước khi đi vào hôn mê rồi chết. Lúc đó 5 tuổi tôi đã ý thức mất Sim và nằm lăn ra đất khóc ngất không cho mang Sim đi.

Ba tôi đã khóc trong lúc cùng người bạn đóng áo quan đặc biệt cho Sim. Sim được chôn cuối vườn sau nhà.

Sáng sớm hôm sau Ba ra thăm Sim, chỉ thấy tung tóe đất, nắp một nơi, quan tài một nẻo, bên trong không có Sim. Ba hiểu ra ngay cái đám mê ăn thịt chó chúng đã rình rập đào mả mang Sim đi rồi.

Vài tuần lễ sau như lời hứa, Ba mang về cho tôi một Puppy cái rất đẹp, không biết thuộc loại gì.

Năm tôi học lớp 5 như thường lệ, ngày nào cũng phải đi qua nhà ông bà Tám lái heo ở đầu đường. Họ nuôi 4 con chó to loại German hung dữ sủa tối ngày, lúc nào cũng như muốn nhẩy chồm qua hàng rào bằng gạch thật cao có cánh cổng sắt an toàn.

Thói quen khi tan học về, tôi luôn đi sát vô cánh cổng để nhìn chó nhà ông Tám lái heo. Bỗng tôi khựng lại, cánh cổng hé mở, quay đầu lại tôi ngạc nhiên hơn khi thấy 4 con chó ở bên ngoài đang lầm lì vây quanh ông y tá Hoan chích dạo. Tôi còn đang lớ ngớ thì nhanh như chớp 2 con chuyển hướng phóng nhẩy bổ lên người tôi làm tôi té chỏng gọng, lòi cặp đùi ra trở thành miếng mồi ngon vào mõm chó. Con còn lại ngoạm chân tôi lôi kéo.

Người đi đường thấy vậy vội gào thét đe nạt đám chó và kêu chủ của lũ chó inh ỏi:

- Bớ ông Tá...m... bà Tám... chó!... chó!...

Chủ nhà chạy ra lùa được đám chó dữ tợn vô nhà.

Mọi người cùng ông y tá vội vã xúm lại lo vết thương cho tôi. Lũ chó đã táp mất tất cả năm miếng thịt trên người tôi, 2 miếng to dài như ngón tay cái của người lớn làm lòi mỡ, máu chảy ròng ròng sát ngay bẹn, 1 miếng lớn hơn trông rất sợ, máu me đỏ lòm, may mắn không ảnh hưởng đến gân nơi gót chân, và 2 miếng thịt lòi bánh chè gần đầu gối. Lúc đó tôi chỉ biết khóc thê thảm cho cái đau buốt rát thịt của vết thương chứ không hề sợ hãi hay ghét bỏ đám chó.

Nghe tin Ba Mẹ tôi bỏ việc, vội vã mang tôi đến phòng mạch Bác Sĩ Xuân ở ngay chợ Ông Tạ cấp cứu.

Tết năm đó ông bác dưới Long Hương lên thăm Ba Má tôi với món quà đặc biệt là cặp chó con tuyệt đẹp cùng loại German đã cắn tôi. Thế là tôi lại ôm thêm 2 con chó vào lòng quên luôn thương tích đang đau ê ẩm.

Ba tôi huấn luyện cặp chó thông minh này, mới 6 tháng tuổi đã biết trông nhà, không cắn phá đồ đạc và sủa bậy. Đêm xuống chúng được ra hãng dệt vải canh chừng trộm.

Khi lên trung học, trong nhà tôi có thêm 4 con chó con của cặp German. Ba giữ lại nuôi hết.

Hai năm sau Ba Mẹ tôi bán rẻ hãng dệt và mua nhà thật to có vườn rộng ở Phú Nhuận. Nơi này Ba tôi được cậu Út ruột truyền nghề vấn thuốc xì-gà. Và đám chó rất lợi ích cho việc trông nhà.

Việt Cộng cưỡng chiếm miền Nam. Việc làm ăn bị đám “bò vàng”, “bò xanh” đánh hợi tấp nập tới lui bóp chẹt làm Ba Mẹ tôi phải ngưng lại. Ba tôi đi xuống Bà Rịa tìm đường vượt biên, mua ruộng rẫy phòng thân và tậu một căn nhà xinh xắn trên đồi cát trắng kín đáo tiếp tục làm ăn lai rai.

Nơi đây, những kỳ hè tôi về bên cạnh đàn chó khác, 17 con đủ loại rất khôn. Chúng loanh quanh trông nhà rất giỏi.

Chị ba của tôi năm đó 26 tuổi đi tu từ nhỏ phải trở về nhà, lý do nhà dòng ở Lâm Đồng bị giải tán. Một tên chai lì có tiếng không đứng đắn ở làng TL lân lê làm quen anh hai tôi với mục đích để tán chị Ba. Mỗi lần hắn xuất hiện trước cổng là đàn chó lao nhao báo động cả nhà biết mà ngưng việc. Vài ba lần không sao. Nhưng trở thành thói quen làm mọi người bắt đầu khó chịu vì không làm ăn được.

Cả nhà chưa biết xử ra sao thì sự tinh nghịch trong người tôi chợt lóe lên!

- Để em ra tay cho!

Mọi người ngạc nhiên quay qua nhìn tôi.

Đường cùng rồi nên chị Ba gật đầu vô ý kiến.

Mới nói chuyện hôm trước, trưa hôm sau “Táo Tháo” lù đù vác xác tới. Chị tôi trốn ở nhà sau . Mọi người trong nhà lại tản ra vườn ngồi chơi xơi nước. Còn tôi lăng xăng vui vẻ mang trà và bánh ngọt mời anh dùng hỏi chuyện vu vơ. Anh trả lời nhát gừng với hai con mắt hướng thẳng ra nhà sau nhấp nhỏm muốn đi xuống.

Biết tỏng tôi nói:

- Bạn của chị Ba đẹp gái lắm! Đang ở nhà dưới, em gọi lên giới thiệu cho anh nhé?

Hai mắt “Tào Tháo” chớp chớp, vội vàng vuốt tóc ngồi thẳng lưng:

- Ừ, gọi lên đi!

Tôi đứng lên tằng hắng sửa giọng gọi vói xuống nhà:

- Chị gái ơi! ... Chị gái à!... Chị gái!...

Anh ngây ngô hỏi tôi:

- Cô ấy tên Gái à!

- Dạ, đẹp mê hồn luôn, gái một con trông mòn con mắt. Và tôi suỵt ký hiệu cho chó.

Người đẹp đâu không thấy! Chỉ có con chó cái tên là Gái nghe gọi đến tên là mê tơi chạy lên nhà trên lôi theo bầy con mới đẻ đang ra sức ngọam chắc vú chó mẹ đánh đu tòn ten.

Bình thường chị Gái rất dữ. Bi chừ mới đẻ chị trở nên dữ tợn hết biết luôn.

“Tào Tháo” chợt hiểu ra cũng là lúc chị Gái nhẩy nhẩy nhe răng nanh sủa inh ỏi. Mặt anh đỏ bừng, môi chuyển nhanh qua tím bợm, trợn trừng mắt lên nhìn tôi.

Vẫn tỉnh bơ, tôi đưa tay chỉ con chó cái:

- Đẹp không anh?

Tiếng sủa của chị Gái đã gọi đám chó bên ngoài, chúng ùn ùn kéo nhau vào sủa theo làm Tào Tháo sợ xanh mặt đứng run. Anh tôi vội chạy vô nạt đám chó trở về vị trí của chúng.

Từ đó trở đi “Tào Tháo” lặn luôn. Công việc đều đặn trở lại.

Trước ngày gia đình tôi kéo nhau trốn đi vượt biên, anh chị chó như linh cảm, buồn bã bỏ ăn nằm la liệt ủ rũ nhiều góc.

Trên tàu, nước mắt như mưa khi tôi hình dung bọn công an ập vô nhà lùa bắt từng con chó thân yêu của tôi đem bán và giết chúng mà lòng quặn đau.

Qua Úc được vài tuần, Ba tôi nhớ chó nên tậu ngay một cặp Puppy 4 tuần tuổi loại Great Dane ở Pet Shop. Cả nhà xôn xao vui hẳn lên.

Ba đi làm part time nên có giờ huấn luyện cho chó, khôn thì rất khôn nhưng cảnh cắn xé giầy dép quần áo, đào hố ngập ngụa không thoát.

Đi làm về mệt mỏi, nhìn thấy Ba tôi luôn tay thu dọn chiến trường, tôi phải săn tay áo phụ Ba.

Lấy chồng cũng thuộc dân say mê chó. Con thơ vừa chào đời anh hí ha hí hửng vác về làm quà cho baby boy một cặp chó con lai căn, không biết nguồn gốc rất đẹp và cao lớn. Vừa đi làm vừa nuôi con thơ làm tôi mệt bở hơi tai mà sao vẫn lây theo cái vui của chồng.

Khốn thay cho cái mắn con năm một, tôi lại sanh thêm một boy nữa nên đành đổi Job.

Người đẻ, chó cũng đẻ thêm 4 con. Không hiểu sao tôi lại vui khi thấy chó con là mê ngay quên cả mệt! Vợ chồng ríu rít, con thơ nheo nhóc hòa chung tiếng chó sủa um sùm từ trong nhà ra ngoài vườn vang tới đầu đường.

Anh làm ca chiều, đêm về pha sữa cho con thơ, giặt quần áo. Sáng thức sớm lo cho 2 con rồi thu vườn cho chó. Đúng 9 giờ sáng tôi dậy chuẩn bị đi làm được 5 tiếng mỗi ngày rồi về nhà đổi ca cho chồng.

Một trận mưa đá lớn đã mang lại trước cửa nhà tôi một chú chó German lớn khoảng hai tuổi không đeo thẻ. Đem tới Dog Pound phải trả tiền họ mới nhận. Chồng tôi đem vào sống chung với đám chó trong nhà. Chưa hết, anh còn mang chó đi gieo giống lạ để chúng đẻ ra đám chó lai ngộ nghĩnh nuôi tiếp.

Không may cho chồng tôi lọt phải mắt xanh của ông Trời nên đành phải lìa đời xa tổ ấm. Gia tài anh để lại cho tôi căn nhà còn nợ trên bảy chục ngàn và 3 đứa con trong tuổi dậy thì cùng bầy chó 7 con, may mà anh đã cho đi hơn phân nửa.

Tôi đành di chuyển công việc về làm tại nhà. Ngoài việc chụp hình chân dung nghệ thuật, lắp ghép photos, renew photo, vẽ posters, banner, design cards, logos và vẽ stickeys, đủ loại trong nghành in. Tôi kiêm luôn clean up 8 giờ tối đến 10 giờ đêm cho trường học gần nhà 3 ngày trong tuần. Đêm ngủ nhiều nhất 4 tiếng. Có khi thức suốt để vẽ vời cho kip. Sáng ra lo đánh thức đàn con dậy ăn qua loa rồi thả từng đứa trước cổng trường. Về nhà làm việc cho tới giờ đón con. Khi tôi làm thức ăn xong thì đám trẻ cũng tắm rửa xong, ngồi vô bàn dùng bữa. Tôi quay qua cho chó ăn. Hối các con tôi làm home work ở trường. Tôi làm việc tối mày tắt mặt mới thanh toán gọn bills và chi phí cho đám nhóc học trường công giáo.

Trước kia còn chồng, nhà cửa vườn rộng tươm tất, cây ăn trái mấy chục gốc đủ loại, thân cây to như bắp tay tôi. Bảy năm sau chúng tan hoang chết khô queo gần hết mặc dù tôi vẫn cố gắng chăm sóc nhỏ giọt. Phân chó thì la liệt trong vườn. Hố to hố nhỏ, lũ chó đua nhau đào bắt côn trùng làm bật cả gốc cây, đổ nằm chỏng gọng phơi càng. Ra phơi quần áo lạng quạng sụp hố chó té như chơi. Họa hoằn một năm ba lần tôi lôi máy cắt cỏ ra, mỗi lần như vậy tôi phải gồng hết sức ra giật cái chốt dây nhiều lần máy mới nổ nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh sút dây tôi té bổ ngửa.

Con lớn đến đâu tôi mệt bã người theo đến đó. Hai đứa lớn lên đại học giờ giấc đưa đón ra ga xe lửa khác nhau và con gái nhỏ ở trung học.

Lâu lâu tôi phải vác cầu thang leo lên nóc nhà moi móc đất, bụi lá khô đóng cứng trong máng xối cho thông. May mà tôi còn nhớ được cách đâm thọt khi đường hầm toilet bị nghẹt nên đỡ được bill.

Đêm nào được ở không, tôi tranh thủ sắp xếp dạy cho 2 boys học lái xe rồi đưa đi thi tự do cho đỡ tốn tiền. May mắn thay đám con tôi rất ngoan và sáng dạ nên học hành thi cử đều thành đạt.

Một đêm hè oi ả nóng nực lên tới 42 độ, tôi buông việc ra bếp uống nước thì giựt bắn người, không ngờ con chó khổng lồ đẹp nhất trong đám chó bỗng xuất hiện trong nhà tấn công, vật tôi té bật ngửa cắn ngấu nghiến, quăng vần vật tôi như một trái banh kêu thình thịch làm đầu tôi va đập vô góc tường dội ra chân cây đàn piano. Tiếng thét hoảng loạn của tôi đánh thức đám con tỉnh ngủ chạy ra. Thằng con thứ hai và con gái lo đe nạt đuổi con chó, thằng con lớn lao tới bồng tôi ra xe và con gái út chạy vội theo chui vô xe ôm mẹ cho thằng anh lái xe đến bệnh viện.

Bác sĩ và sinh viên thực tập có đặt ra nhiều câu hỏi nguyên nhân tôi bị chó tấn công và gia phả bệnh lý của giống chó trong nhà...

Bấy giờ tôi mới vỡ lẽ, khai với nước mắt dầm dề trong niềm ân hận của con gái tôi đã ngủ quên không cho chó ăn vì đó là bổn phận của nó.

Chính vì nhiệt độ ngày hôm đó quá nóng làm con chó đói quá hóa rồ phá cửa vô nhà.

Sau cuộc giải phẫu nạo sạch những vết thương quá sâu trên người, tôi được khâu khép lại. Hai tuần lễ tôi nằm chèo queo trong bệnh viện mong cho mau tối để đám con tan học ghé thăm cho bớt cô quạnh, cũng như yên tâm dặn dò các con cách mua và làm thức ăn cho mỗi ngày như thế nào. Được nửa tiếng thì hết giờ thăm bệnh

Về tới nhà, thâm tâm tôi đã bỏ qua cho con chó. Nhưng tôi vừa mở cửa sau thì con chó này đã phóng nhanh đến chỗ tôi, có lẽ vì đã quen mùi máu thịt của tôi. Phản ứng lần đầu trong đời, tôi biết sợ chó với cảm giác hồn phi phách tán rợn người như thế nào! Chính vì cảm giác này nên tôi dứt khoát ký giấy án tử hình dành cho con German Pitpull này bằng liều thuốc $300 đô trả cho Vet.

Vài ngày sau tôi bị phản ứng thuốc nên lại vào nhà thương nằm thêm 3 ngày.

Còn lại 6 con chó, tôi tính tìm người cho bớt bởi vì tôi quá mệt mỏi với đám chó rồi. Các con tôi thương chó phản đối. Chúng khơi chuyện tình cảm và công nuôi dưỡng chó của Ba chúng làm lòng tôi chùng xuống.

Nhớ thêm một chuyện, chồng tôi còn có thú say mê sắm đồ nghề sửa xe, đồ nghề để làm nhà loại của Japan và USA đầy đủ không thiếu bất cứ một thứ gì, chất đầy trong tủ ở garage. Sau 2 lần kêu thợ sửa nhà và thợ cắt cỏ đến làm, xong việc họ đã mạnh tay vơ vét dọn sạch sẽ đồ nghề. Khi tôi cần đến cây kềm mới biết cái tủ trống không.

Cuối cùng tôi cũng cho được đám chó đi và để lại Polite thuộc loại Beagle. Ba năm sau Polite từ giã trở về cát bụi. Tôi lại ra sức tu bổ lại vườn tược có con gái phụ cắt cỏ. Hai thằng anh có số nhàn chưa biết cắt cỏ là gì vì bận học xa nhà.

Sức người có giới hạn, cánh tay phải của tôi như xuội lơ, mỏi rã rời giống như từng đàn kiến bò qua lại gây từng cơn đau xoáy nóng rát nơi bắp thịt làm những ngón tay tôi tê rần mất cảm giác, cùng với cơn đau lưng xoáy theo bắp đùi nhức nhối khó chịu vô cùng, vì dây thần kinh tọa bị chèn ép, tôi phải đi cà nhắc. Nguyên do chính tư thế ngồi làm việc một kiểu trên bàn vẽ với bàn tay cầm viết quá lâu.

Ba lần vét hầu bao cho bác sĩ chuyên khoa tôi đều nhận một câu xanh dờn:

- Cô phải nghỉ ngơi mới hết đau.

Đau quá, tôi đành giã từ công việc sau 10 năm miệt mài, yên tâm giờ đây không còn mang nợ tiền nhà và các con tôi nay đã trưởng thành. Một năm bình yên làm vườn, luyện tập Yoga mỗi ngày, tôi thấy dễ chịu bớt đau. Tôi chơi Piano mười ngón tay, nay ngưng hẳn, tê dại.

Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng. Một ngày đặc biệt lại đến bên tôi. Thằng con thứ hai và con gái ngồi xà bên tôi, đứa bóp vai, đứa massage tay cho tôi, chúng cố gắng đem những câu chuyện ra làm quà, hứa như đinh đóng cột, sẽ cắt cỏ, tỉa cây kiểng trước nhà ... Chao ôi! Tôi nghi ngờ hỏi vặn:

- Lại tha của nợ về nhà phải không?

Con gái thúc cùi chỏ thằng anh không thoát khỏi tầm nhìn của tôi đi guốc trong bụng chúng. Sợ quá tôi vùng đứng dậy vì biết ngay việc đám con đã làm!

Nguyên một tuần lễ hai anh em chúng rên rỉ đem cả nước mắt ra lải nhải, thuyết phục tôi chứ thật ra chúng đã sắp xếp chuyện, hỡi ơi xong rồi mới dồn tôi không lối thoát.

Cảm giác bất lực già nua xâm chiếm tôi từ dạo anh em nó nuôi chó trong nhà. Cái cảnh hôn chó, ôm ấp ngủ chung làm tôi càng sợ hãi hơn.

Tuần đầu tiên pupy Retriver Golden được tắm 2 lần. Tuần thứ 2 một lần và thưa dần. Tôi càm ràm, anh em hắn ừ hử vâng dạ cho qua. Nói nhiều lần chúng mới đem bà chó ra tắm rồi tha vào phòng đóng cửa tránh tôi. Ba bẩy hai mươi mốt ngày, đâu vào đó khi chúng đã bắt đầu nếm mùi oải rồi thì đẩy qua đẩy lại cho nhau viện lý do học thi và làm không có giờ, rồi anh em hắn đánh tiếng chuồn. Cái ách giữa đàng lại choàng cổ, tôi đành phải nai lưng ra tắm rửa mỗi ngày lau đít cho bà chó xoèn xoẹt, nếu không tôi sẽ nghẹt thở chết mất.

Cuối cùng tôi nghiễm nhiên chính thức thành vú nuôi bà chó cho anh em nó vô điều kiện. Thằng con lớn rảnh chạy về nhìn mẹ, xót xa thở dài đầu hàng hai đứa em.

Điều may mắn cho tôi là bà chó này được đến trường theo khóa học đặc biệt để làm việc trong bệnh viện giúp vui cho nhi đồng và người già trong Nursing Home nên rất ngoan không cắn giầy dép đồ vật.

Nhưng chó vẫn hoàn chó. Vườn sau nhà lại biến dạng. Các con bận bịu. Tôi thì hết hơi.

Trong vườn còn sót lại 2 cây nhãn ra trái to chi chít dầy cơm rất ngọt, đêm đến đàn dơi ào ào đến nhai nghĩ mà rợn người. Cây quýt to đùng kết trái rực rỡ màu vàng cam hằng năm nay bị loài hoa dại giăng bọc như lưới cá bám toàn bọ xít, thỉnh thoảng theo luồng gió bay xộc mùi hôi khủng khiếp vô nhà. Bưởi ngọt 2 cây thuộc giống lùn có trái cũng như không khi bị cỏ dại quấn kỹ quá làm một cây chết queo. Còn cây ổi xá lị trái vừa chín tới là banh xác với đám chim. Tiếc công sức lao động một năm trời, tôi chăm được 6 cây bơ cao hơn mét rưỡi, giờ đây lại nằm trong lòng cỏ dại đeo tòn ten trêu ngươi tôi, lá thì sên cạp te tua. Ngứa mắt hơn khi nhìn con trai tôi nuôi cỏ cho thật cao rồi mới trịnh trọng lôi máy ra cắt cỏ, hắn đẩy máy đi tới đâu cỏ nằm rạp hết xuống là xong việc! Ba ngày sau cỏ lấy sức ngồi dậy nhe răng cười.

Trước nhà cũng giống sau vườn. Chỉ hơn ở chỗ an toàn không sợ sụp hố. Mỗi lần tưới nước cho những chậu bông thì nỗi buồn lực bất tòng tâm lại trào dâng khi nhìn những hàng cây cảnh đâm tua tủa trông như quái vật. Cỏ gai, cỏ dại, lông cỏ bay tứ tán làm tôi bị dị ứng ho sủa thay chó cả đêm.

Thê lương hơn, hàng rào colorbond hai bên vừa tròm trèm một năm cũng bị loài hoa leo bìm bịp của láng giềng chồm qua phủ kín kéo nghiêng hàng rào về phía họ.

Đêm nào tôi cũng phải mời bà chó ra ngoài rồi khệ nệ vác máy hút bụi nặng như vác cái cối đá mới đủ Watt hút sạch lông chó và bụi khắp nhà, lau xà bông nước nóng cho thật sạch tôi mới yên tâm nằm úp mặt xuống đất hít thở Yoga 45 phút mỗi ngày trước khi đi ngủ.

Một hôm tôi nhận cú phone của người bạn khá thân:

- Mầy có thể trông chó giúp tao vài ngày được không?

Tôi rùng mình sợ quá, từ chối ngay mặc cho bạn giận. Sự thật giờ đây tôi tha thiết với hai chữ “Yên Thân”.

Bằng chứng thân xác tôi đã đóng cửa lòng từ bi khi một con chó còn nhỏ rất là đẹp loại Beagle mà tôi thích nhất, ở đâu đó lạc tới nhà tôi, trên cổ có đeo tên và số phone. Tôi đã kiên nhẫn phone tới tấp sáng trưa tối liên tục hai ngày nhưng chủ của chó không chịu bắt phone. Tôi nghĩ ngay cảnh chó bị bỏ rơi bởi loại này rất nhiều energy quậy phá khỏi chê. Cuối cùng tôi phải đem Beagle tới Dog Pound vì nó có thẻ.

Ngẫm lại, tôi đã sống với tình cảm sâu nặng suốt 60 năm thương yêu lo cho chó đến đánh đổi cả máu thịt vì chúng mà lòng vẫn thương. Giờ đây tôi cạn hơi kiệt sức chỉ muốn tìm nơi kín đáo nghỉ ngơi tránh nhìn bất cứ việc gì.

Bởi thế lợi dụng đưa tiễn năm Chó đặng mời năm Hợi tôi mong muốn một điều duy nhất cũng như lần cuối cho đời và nói riêng cùng các anh chị chó “Xin Đừng Theo Tôi!”

Vânnam