Phần đông những cựu sinh viên miền Nam Việt Nam còn sống đến ngày nay đều trải qua hai nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa. Những xáo trộn của thời cuộc, chiến tranh, sinh viên, nam sinh viên thường được gọi là trai thời loạn có mặt khắp mọi nơi và tham gia trong nhiều sinh hoạt.

Liên quan đầu tiên là họ tham gia vào phong trào đấu tranh. Từ năm 1954 khi phong trào di cư từ Bắc vào Nam, nhiều sinh viên theo vào, nhất là sinh viên Y Khoa. Do đích thân Tổng Thống Ngô Đình Diệm kêu gọi, ngoài việc học họ còn lo phụ giúp Chính Phủ trong việc định cư hàng triệu người di cư. Tuy nhiên, đến năm 1963 khi phong trào đấu tranh Phật giáo bùng phát thì sinh viên dấn thân xuống đường phản đối chính quyền mới rầm rộ, từ Huế, Sài Gòn, Đàlạt, ... Sau khi Đảo Chánh 1-1-1963, sinh viên lại trở về với học đường.

Hiến Pháp Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa ngày 1-4-1967, Điều 10, Chương II nêu rõ: “Nền giáo dục đại học được tự trị”. Nền giáo dục đại học theo ba nguvên tắc là tự do, tự trị và phi chính trị. Trong một chừng mực nào đó, Viện Đại Học độc lập đối với các đảng phái chính trị, tôn giáo và tự trị đối với chính quyền. Đại học miền Nam Việt Nam đã từng có nhiều phong trào đấu tranh của giới sinh viên trong giai đoạn 1954-1975, đặc biệt nổi bật với các phong trào đấu tranh chính trị vô cùng rầm rộ. Giới sinh viên là một lực lượng “chính trị” có vai trò “xung kích”, ngòi pháo trong các phong trào đấu tranh của đồng bào ở đô thị. Trong số các phong trào đấu tranh đó, có những phong trào sinh viên đấu tranh đòi quyền tự trị, tự do cho giáo dục đại học của chính sinh viên. Bài viết này không nhằm mục đích ghi ra hết những phong trào, chỉ xin ghi lại những mốc có tính cách buồn vui của nam sinh viên trong giai đoạn mà việc học tập bị cản trở nhiều do thời cuộc.

Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) muốn xây dựng Viện Đại Học hoàn toàn lệ thuộc vào chính quyền hoặc đảng phái hay cá nhân người lãnh đạo nói chung và Bộ Giáo Dục nói riêng. Tất cả khoa, trường, ngành học, văn bằng, chứng chỉ phải do Bộ Giáo Dục chấp thuận. Về nhân viên, việc tuyển dụng, lương bổng, thăng thưởng, sa thải phải do Bộ Giáo Dục và Tổng Nha Công Vụ chấp thuận chứ không được tự trị. Đó là lý do sinh viên đại học miền Nam Việt Nam dấy lên phong trào đòi tự trị đại học. Phong trào nổ ra ở Đại Học Y Khoa rồi lan ra Đại Học Sư Phạm, Đại Học Khoa Học và các trường Đại Học khác. Tháng 8 năm 1967, Đại Hội Sinh Viên Sài Gòn đòi tự trị ở bậc đại học ra mắt. Ban Chấp Hành (BCH) Trung Ương gồm Chủ Tịch Hồ Hữu Nhựt. Tổng Thư Ký là Dương Văn Đầy và Ban Cố Vấn gồm khoảng 30 giáo sư, giảng viên và cả các Viện Trưởng ở Sài Gòn, Cần Thơ và BCH các phân bộ tự trị Đại Học Khoa Học, Sư Phạm, Y Khoa, Luật Khoa, Dược Khoa, Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ, Cao Đẳng Nông Lâm Súc. Ngày 31-12-1968, sinh viên kiên quyết phản đối chính quyền bắt giữ một số học sinh, sinh viên trong cuộc biểu tình ngày 24-12-1968. Năm 1970, một cuộc bãi khóa rầm rộ được phát động. Đầu tháng 3 năm 1971, sinh viên Hạ Đình Nguyên bị cảnh sát bắt ngay trong khuôn viên Trường Đại Học Văn Khoa. Ngày 5-3-1971, các phân khoa đại học đã bãi khóa để phản đối chính quyền xâm phạm tự trị đại học. Sinh viên Trần Hữu Quang tổ chức cứu lụt tại miền Trung bị bắt cho nên ngày 24-3-1971, Viện Đại Học Vạn Hạnh treo biểu ngữ phản đối và lệnh bãi khóa được ban hành. Đây là một phong trào rộng lớn có sự tham gia của nhiều vị giáo sư, giảng viên đại học hỗ trợ cho sinh viên đấu tranh. Phong trào lan rộng đến Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, …

Sau năm 1954, người Pháp chuyển quyền tự trị đại học cho chính quyền VNCH, do vậy yêu cầu phải chuyển việc giảng dạy từ tiếng Pháp sang tiếng Việt được đặt ra. Việc chuyển ngữ trải qua 2 giai đoạn: thời kỳ chuyển tiếp (1955-1960), việc chuyến ngữ bắt đầu được áp dụng cho những ngành học tương đối đủ giáo chức Việt Nam (Luật Học, Hán Việt, …), còn những ngành kỹ thuật, các danh từ chuyên môn được thiết lập. Trong niên học 1961-1962 sẽ phổ biến việc dùng tiếng Việt khắp các trường trực thuộc Viện Đại Học. Năm 1954, tiếng Việt được dùng đầu tiên ở lớp Đệ Thất trung học và đến năm 1956 chương trình học bằng tiếng Việt được áp dụng tại Trường Đại Học Luật Khoa và năm 1957 tại Viện Đại Học Huế. Việc chuyển ngữ và giảng dạy bằng tiếng Việt trong niên khóa 1961-1962 chưa được thực hiện, phải đến năm 1965 mới bắt đầu. Cuối năm 1966 đầu năm 1967, phong trào đòi giảng dạy bằng tiếng Việt ở bậc đại học bùng nổ, tại Đại Học Y Khoa, 500 sinh viên tổ chức hội thảo chủ trương phản đối việc giảng dạy bằng tiếng ngoại quốc, phong trào này được sinh viên Đại Học Sư Phạm và Đại Học Khoa Học hưởng ứng. Đầu năm 1967, tại Trường Đại Học Sư Phạm, Ủy Ban Thanh Niên, Học Sinh, Sinh Viên đòi chuyển ngữ và giảng dạy bằng tiếng Việt ở đại học được thành lập do Hồ Hữu Nhựt làm Chủ Tịch. Thông qua tờ báo“Chuyển ngữ”, phong trào ngày càng thu hút được sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trí thức Sài Gòn. Tại Trường Đại Học Khoa Học, Giáo Sư Lê Văn Thới đã cùng nhiều cán bộ giảng dạy khác soạn thảo cuốn Từ Điển Danh Từ Khoa Học, làm cơ sở cho việc giảng dạy bằng tiếng Việt ở đại học. Kết quả là vào đầu năm 1967, các trường đại học ở miền Nam Việt Nam đều giảng dạy bằng tiếng Việt, trừ Đại Học Y Khoa, vẫn còn một hệ học theo chương trình Mỹ và giảng dạy bằng tiếng Anh.

Mục đích chính của chính sách quân sự hóa học đưòng là biến các trường đại học trở thành nơi cung cấp binh lính cho quân đội VNCH. Chính quyền đã ban hành nhiều điều luật để hợp pháp hóa chính sách này như: học sinh đến 19 tuổi không đậu đại học sẽ bị sung lính, những sinh viên nào không lên lớp được cũng bị gọi nhập ngũ. Sinh viên và học sinh đang đi học bị buộc phải tham gia vào các tổ chức quân đội của chính quyền VNCH và được sử dụng như một lực lượng quân đội dự bị phục vụ cho cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam. Sinh viên tham gia đấu tranh chống chính phủ bị bắt sẽ bị gọi vào quân đội mà không cần lý do. Chính quyền Sài Gòn hợp pháp hóa những âm mưu trên bằng các sắc lệnh động viên và Lệnh “Tổng Động Viên”. Sinh viên Trường Đại Học Sư Phạm và Đại Học Khoa Học đã tổ chức hội thảo phản đối Luật Tổng Động Viên số 04/67 của Nha Động Viên. Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn lên tiếng công kích Luật Tổng Động Viên là bất hợp hiến. Sau “biến cố” Tết Mậu Thân (1968) chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ban hành Luật Tổng Động Viên số 3/68, tại Sài Gòn lập “Sư Đoàn Sinh Viên Bảo Vệ Thủ Đô”, buộc sinh viên tập luyện quân sự và phát súng đi gác. Các khoa thuộc các trường đại học đều có một liên đoàn do một sĩ quan (thiếu tá hoặc trung tá) chỉ huy. Sinh viên phải đi học “Quân Sự Học Đường” và Quân Sự Học Đường là một môn thi bắt buộc trong các kỳ thi tốt nghiệp. Nữ sinh phải vào lực lượng phòng vệ hậu phương mà chủ yếu là học cứu thương. Ngoài chính sách “quân sự hóa học đường” chính quyền VNCH đã chủ trương “tách chính trị ra khỏi học đường”, và âm mưu dập tắt ngọn lửa đấu tranh của sinh viên. Ngay từ cuối năm 1969, trên 400 sinh viên thuộc 9 trường đại học và cao đẳng đã tổ chức hội thảo tại Trung Tâm Giáo Dục Y Khoa Hồng Bàng, hô hào chống quân sự hóa học đưòng, không đi quân trường. Ngày 30-9-1970, 20 giáo viên đại học và trung học, tiểu học trong đó có các Giáo Sư Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung, Châu Tâm Luân, Phạm Trọng Cầu, … tập hợp tại Viện Đại Học Sài Gòn để tuyệt thực với biểu ngữ “Giáo chức yêu cầu Tổng Thống Thiệu giải quyết cấp bách, trả tự do cho sinh viên học sinh bị bắt”, Chính Phủ đã xem nhẹ vấn đề huấn luyện thiếu thực tế, chú trọng nhiều hình thức mà quên hẳn sức khỏe đã khiến cho một số sinh viên bị bệnh và thậm chí bị chết trong thời gian theo học quân sự (điển hình là cái chết của sinh viên Văn Khoa Trần Ngọc Thảo). Hàng loạt các phong trào đấu tranh chống quân sự hóa học đường đã diễn ra trong suốt 3 tháng (tháng 7, 8, 9 năm 1970). Phong trào phát triển mạnh mẽ, có đến 30.000 sinh viên trốn lệnh điều động, không đi học quân sự. Kết quả là trước sức ép của toàn dân và sinh viên, chính quyền VNCH buộc phải giải tán “Sư Đoàn Sinh Viên Bảo Vệ Thủ Đô”.

Sinh viên miền Nam đã trải qua ba khúc quanh lớn đó là Tết Mậu Thân 1968, Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, ngày mất nước 30 tháng Tư năm 1975. Nam sinh viên miền Nam đã rơi rụng không thương tiếc do Luật Tổng Động Viên. Sau năm 1968, để đủ cấp số cho những quân trường, qui định ngầm của Nha Động Viên với sự thông đồng của Bộ Giáo Dục, chỉ có khoảng 10% nam sinh viên vượt qua được “vũ môn”, số còn lại thì lấp kín cho quân trường, thê thảm nhất là sau Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, các trường Văn Khoa, Luật, Khoa Học chỉ còn lại các bông hồng và hoa phượng.

Điều đáng nhớ nhất là sau khi có cuộc tổng công kích đợt hai hay gọi là Mậu Thân 2, vào một buổi sáng khoảng tháng 6, đang ngồi ăn sáng với “nửa hồn thương đau” tại Givral thì từ radio phát ra lời hiệu triệu của Tướng râu kẽm, Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, kêu gọi sinh viên Viện Đại Học Sài Gòn tập trung tại Thảo Cầm Viên, Sở Thú nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Không biết chuyện gì nhưng cũng đi cùng cô em đến đó. Vừa đến cổng thì gặp đám Quân Cảnh lùa vào không kịp có lời chia tay với cô em. Vào trong mới phong phanh là bị cắm trại, tui lẻn ra sát hàng rào, kiếm cớ đi “giải quyết bầu tâm sự”, nhắn với cô em là về cho gia đình tui biết là tui bị tập trung. Hồi giờ gia đình tui đâu có biết là tui quen cô ta, nhưng nhờ “nhà nàng ở cạnh nhà tui”, nên đợi đến xế bóng cô em mới qua nhà báo tin là tui “đang làm nghĩa vụ trai thời loạn”. Ở nhà bán tín bán nghi nên hỏi làm sao em biết, lúc đó em mới thú nhận là “hồn tui lỡ đã đi vào đôi mắt em”. Bà chị họ là nhà thơ Lý Thụy Ý mới phán là “chiều nay em về xõa tóc ngồi bên thềm đi”.

Sau khi nghe những lời động viên của Tướng râu kẽm, sinh viên được chia làm thành từng tiểu đội 12 người, lãnh 1 khẩu M1, một khẩu Thompson, một khẩu Garant. 12 giờ, xe nhà binh 12 bánh chở sinh viên rải từ bến Chương Dương, chợ Hòa Bình vô tới Cầu Nhị Thiên Đường, vào tận Chợ Lớn. Sinh viên xuống xe như những anh hùng ra bờ sông thay vì ra trận mạc. Mỗi tiểu đội chiếm một cao ốc để lập đại bản doanh. Khoa Học Sài Gòn phụ trách khu chợ Hòa Bình, tiểu đội có Tô Bửu Lưỡng, người Việt gốc Hoa cho nên nó thương lượng với một Chú Ba, được một cao ốc 12 tầng khá mới. 7 giờ tối, sau khi ăn tối với cơm sấy được phân phát kèm hộp thịt Quân Tiếp Vụ, tụi tui tìm chỗ nghỉ và binh xập xám. 9 giờ súng nổ bên kia sông, súng trên các cao ốc chợ Hòa Bình cũng rình rang như pháo Tết, hết đạn, hết pháo. Có một thằng làm rớt khẩu Thompson xuống đường, đạn nổ rền, súng quay tròn cho tới lúc hết đạn làm nhiều thằng ngày đầu cầm súng phải đái trong quần, nếu nhớ không lầm thì tiểu đội 12 thằng, ít có thằng không bị bịnh “tiểu đường” đêm đó.

Sinh viên Sài Gòn thời loạn Mậu Thân 1968 đã trở thành “Sư Đoàn Sinh Viên Bảo Vệ Thủ Đô”, và từ đó, gác bút nghiên, ngày học quân sự, trưa chiều dạo phố Nguyễn Huệ, Tự Do. Là lính hay là dân sự hổng biết, xe Honda chở 3 thằng đi dạo phố, bộ đồ quân sự màu vàng cảnh sát không xét giấy vì mình là quân đội, gặp quân cảnh thì mình là dân sự. Cảnh sát hờn, quân cảnh ứa gan cho nên có hôm vừa cảnh sát vừa quân cảnh chận. Tưởng phen này sẽ vào Quân Vụ Thị Trấn hay về Tổng Nha, nhưng “thiên bất dung gian”, khoảng 15 phút sau, gần 100 thằng Sinh Viên Bào Vệ Thủ Đô bao vây mấy thầy cảnh sát và quân cảnh, bắt phải xin lỗi. Giằn co, cuối cùng Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng được báo động phải đến can thiệp. 100 thằng về trường gặp ngay Sinh Viên Sĩ Quan Thủ Đức phụ trách dạy quân sự cho sinh viên hít đất mệt nghỉ. Gặp thằng Vượng yếu tim, mới hít 5 cái quay ra nằm thẳng đơ, phải đè ra cạo gió. Sinh viên Thủ Đô, nóng máu bắt sinh viên Thủ Đức hít đất. Trận chiến xảy ra là sinh viên Thủ Đức ít người hơn sinh viên Thủ Đô nên bỏ chạy về hướng trường Petrus Ký và mấy ngày sau trường Thủ Đức cử toán khác lịch sự hơn về huấn luyện cho trường Khoa Học.

Là năm huy hoàng cho những thằng có máu dê, rảnh quá nên không học quân sự là đi thả câu, sinh ra nạn giành đào. Phương án là mỗi thằng chọn cho mình một tên cô đào. Nếu gặp cô tên gì đúng mình chọn thì mình được ưu tiên nhào dzô trước. Nhóm tui có thằng Ẩn đã có vợ, nó to nhỏ là cô em vợ nó tên Nga, tui chọn tên Nga làm của riêng, dầu chưa biết mặt mũi cô ta, trán tròn, trán vuông, hăng rô hay hăng rết. Nga, dân xóm Chùa Tân Định, đúng là Thiên Nga, em vừa tròn 17. Một buổi trưa, cùng với Ẩn về nhà vợ ăn cơm, tui đụng ngay cô Nga Tân Định. Chủ trương đánh nhanh đánh mạnh vì bữa đó gần nửa tiểu đội đi theo cho nên gặp Nga, tui phán ngay không kịp ngáp 7 lần: “Nga, kể từ giờ phút này em là người tình của anh”. Cô Nga hai mắt tròn xoe, má đỏ hây hây, chớp mắt, cuối đầu đi vào nhà sau không trả lời trả vốn. Thằng An và thằngThành phản đối vì cho rằng cô ta không phải tên Nga, hổng ngờ cô ta ở trong nhà nghe được, đi ra và nói em tên là Nga. Tui báo cho Tiểu Đội Trưởng Ẩn là vào báo cho Ban Giảng Huấn Quân Sự, tui bị trúng gió chiều nay không tham dự buổi thao diễn được, tui cùng Nga chui vào rạp hát Văn Hoa xem phim, giờ hổng nhớ phim gì?

Những giai đoạn sau là giai đoạn nhiều tan tác nên không viết nữa, viết thêm buồn, ai muốn ghi lại thì ghi, nếu không kỷ niệm 20 năm làm báo Xuân tui sẽ viết.

Chiều xứ lạnh,15-01-2019

Lệnh Hồ Công Tử Làng Mộng