Tranh lợn dân gian - Tiền Lạc Quan

Để chuẩn bị đón Xuân, từ trước ngày Đưa Ông Táo về Trời 23 tháng Chạp Âm lịch là mọi người đã phải lo dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ, chưng dọn bàn thờ gia tiên, chùi bộ lư hương chưn đèn, phải sắm đủ hương đăng trà quả, mâm ngũ quả, bình hoa, ... không thể thiếu cặp dưa hấu, và những thức ăn ngày Tết như bánh tét, bánh chưng, nồi thịt kho tàu, bánh ổ, v.v...

Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ

Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh

Còn phải trang hoàng nhà cửa, ngoài nhánh mai vàng rực rỡ hoặc cành đào xinh tươi, những câu đối đỏ, …, khi xưa người ta còn chơi tranh dân gian nữa.

“Trang hoàng trên vách bức tranh gà”

Đó là những ngày xưa khi còn ở quê nhà. Ở hải ngoại, những ngày đầu năm Âm lịch không còn không khí rộn rịp đón Tết nữa! Không có mai đào, không có cây nêu, không còn được nghe tiếng pháo, ...

Ngay cả ở quê nhà, nhất là ở thành thị, thú vẽ tranh và chơi tranh dường như đã có một thời gian dài bị mai một. Nhưng hình như trong thời gian gần đây, thú chơi tranh dân gian đã dần dần được khôi phục nhằm truyền lưu những nét văn hóa tốt đẹp của cha ông.

Những bức tranh dân gian không những chỉ để trang hoàng nhà cửa cho đẹp đẽ, cho có nhiều màu sắc hực hỡ, mà những đề tài trong tranh còn hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu xa, nhiều triết lý cao siêu, nhiều ý tưởng sâu sắc, cũng như những giá trị nghệ thuật, giá trị tinh thần thiêng liêng, những nét văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Có nhiều dòng tranh dân gian, hiện nay hầu hết đã bị mai một, chỉ còn một vài dòng tranh còn được lưu truyền, như:

- Tranh Đông Hồ, Bắc Ninh

- Tranh Kim Hoàng, Hà Tây

- Tranh Hàng Trống, Hà Nội

- Tranh Làng Sình, Huế, chủ yếu là tranh thờ và tranh dùng trong việc cúng tế, hầu hết sẽ được đốt sau khi cúng kiếng.

Năm 2017, trong Đặc San Khoa Học Xuân Đinh Dậu tôi có viết bài “Tranh gà dân gian trong ngày Tết cổ truyền”, có nhắc sơ về Làng Tranh dân gian Đông Hồ, nay xin nhắc lại.

Tranh Đông Hồ, hay tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ là một trong những dòng tranh nổi tiếng, xuất xứ từ làng Đông Hồ, khi xưa có tên là làng Đông Mai hay làng Mái, đôi khi dân địa phương chỉ gọi là làng Hồ. Làng Đông Hồ nằm ven bờ Nam sông Đuống, cách Hà Nội khoảng 40 Km về phía đông, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Tỉnh Bắc Ninh. Làng Đông Hồ có nghề vẽ tranh truyền thống, có lẽ từ Triều Đại Vua Lê Hy Tông, năm Chính Hòa Nguyên Niên (1680).

Dòng tranh dân gian Tranh Kim Hoàng xuất hiện vào cuối Thế Kỷ thứ 18 tại làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Trong quá khứ, dòng tranh này đã từng có một thời huy hoàng nhưng đã bị thất truyền vào khoảng đầu Thế Kỷ thứ 19, sau một trận lũ lụt lớn ngập cả làng Kim Hoàng. Nhưng nay có nhiều nghệ nhân đã cố gắng khôi phục dòng tranh này.

Hai dòng tranh dân gian Đông Hồ và Kim Hoàng có khá nhiều điểm tương đồng cùng những đặc điểm khác biệt khá thú vị.

Nét đặc sắc của tranh dân gian Đông Hồ là nhiều màu sắc sặc sỡ, dùng những màu căn bản là đỏ, xanh, vàng, đen, trắng, ... Những màu này có thể được trộn lẫn với nhau để tạo thêm nhiều màu sắc sặc sỡ khác nhau. Màu sắc trong tranh được chế biến từ những nguyên liệu có sẵn trong thiên nhiên, như màu đen từ tro lá tre, màu vàng từ hoa điệp vàng, màu trắng từ vỏ sò, vỏ ốc nghiền nhuyễn, ... Đặc biệt, nền của bức tranh, tức giấy in tranh có màu trắng lấp lánh của những mảnh điệp, nên được gọi là giấy điệp. Vỏ con điệp, một loại sò biển có vỏ mỏng, được nghiền nhuyễn rồi trộn với hồ được nấu từ bột gạo tẻ hay bột sắn (bột khoai mì) để quét lên giấy làm nền của bức tranh.

Tranh Kim Hoàng còn được gọi là tranh đỏ vì chất liệu vẽ tranh là giấy đỏ, giấy hồng điều hoặc giấy vàng tàu. Tranh Kim Hoàng có khá nhiều nét thanh mảnh và vô cùng tỉ mỉ.

Những đề tài trong tranh Đông Hồ và tranh Kim Hoàng thường là những hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam, gần gũi với mọi người, mô tả chân thực cuộc sống bình dị và mộc mạc của người dân quê, như con trâu, con gà, đàn lợn, hình ảnh làng quê, hái dừa, cảnh ngày xuân, chợ Tết, v.v… Thí dụ như những bức “Lợn đàn”, “Gà đàn” tượng trưng cho sự sung túc, no đủ, sum vầy, ...

Năm Kỷ Hợi người viết xin giới thiệu đến quý bạn đọc một số bức tranh nổi tiếng lấy đề tài con lợn (hay con heo) của hai dòng tranh Đông Hồ và Kim Hoàng, tượng trưng cho sự ấm no, sung túc và sum vầy, như lời cầu chúc cho tất cả mọi người trong năm mới được An Khang Thịnh Vượng, gia dình hạnh phúc, an vui, ...

Tranh dân gian Đông Hồ

1- Tranh Lợn đàn hay Đàn lợn âm dương

- Hình ảnh lợn mẹ cùng đàn lợn con, biểu hiện cho sự sinh sôi, nảy nở phát triển nòi giống, gia đình đông đúc, ý nghĩa tình mẫu tử, tình cảm mẹ con sinh sôi nảy nở, con cháu đầy đàn, ấm no, sum vầy.

- Gọi là “Lợn âm dương” vì trên mình con lợn có hai xoáy Âm – Dương, tượng trưng cho triết lý Âm Dương, sự hòa hợp âm dương để cùng phát triển.

- Năm chú heo con tượng trưng cho Ngũ Hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

2- Tranh Lợn ăn cây ráy

- Ý nghĩa “Hay ăn chóng lớn”

- Cầu chúc cho sự sung túc, ấm no và an nhàn

- Trên mình con lợn có hai xoáy Âm – Dương, tượng trưng cho triết lý Âm

Dương, sự hòa hợp âm dương để cùng phát triển.

3- Tranh Lợn độc

- Một chú lợn đang ăn bên máng ăn

- Trên mình con lợn có hai xoáy Âm – Dương, tượng trưng cho triết lý Âm

Dương, sự hòa hợp âm dương để cùng phát triển.

Tranh dân gian Kim Hoàng

1- Tranh Lợn đàn hay Đàn lợn âm dương

2- Tranh Lợn ăn cây ráy

3- Tranh Lợn độc

Tranh gốm Củ Chi về Lợn Ba Xuyên