Nguồn gốc trò bịp Cholesterol - Phạm Ngọc Khôi

Khoảng năm 1990, khi phong trào đấu tố cholesterol đang mạnh ở Bắc Mỹ và Tây Âu, tôi chưa biết nhiều về cholesterol nhưng đã cảm thấy đây là một trò bịp hoặc phóng đại. Sau khi tham khảo nhiều nguồn thông tin trung thực tôi mới dám xác định đó là trò bịp, nhưng vẫn không biết ai là người đã phát động sự kết án cholesterol, chỉ biết đó là một số chuyên gia Mỹ. Gần đây khi xem một phim tài liệu Pháp “Cholesterol, le coupable idéal” (Cholesterol, kẻ tội phạm lý tưởng) tôi mới biết kẻ khởi xướng sự lừa dối về cholesterol là Ancel Keys, một khoa học gia nổi danh của Mỹ thời 1950 -1970.

Ancel Keys có thành tích xuất sắc trong đại học. Khởi đầu ông theo hóa học nhưng thấy không hợp, quay sang học kinh tế và chính trị lấy bằng BA, lấy thêm Master về Zoology, rồi sau đó lấy hai bằng PhD về Biology và Physiology. Nhìn cách trình bày vấn đề của Ancel Keys, có thể thấy ông bắt chước diễn viên nổi danh Humphrey Bogart để gây ấn tượng. Với học vị Giáo Sư Harvard có hai bằng Tiến Sĩ, phong cách tự tin và giỏi trình diễn, ông nhanh chóng trở thành một khoa học gia danh tiếng. Nhưng sự nghiệp khoa học của ông chẳng có gì nổi bật, chỉ có một nghiên cứu về starvation và đóng góp vào việc chế tạo lương khô K-ration cho quân đội Mỹ.

Sau Thế Chiến Thứ Hai tỉ lệ người chết vì bệnh tim mạch ở Mỹ tăng vọt, Ancel Keys được giao trách nhiệm điều hành một ủy ban khoa học để tìm nguyên nhân. Ông nghi ngờ cholesterol trong máu là thủ phạm chính và trong 6 năm (1958-1964) ông và các cộng sự tiến hành nghiên cứu các dữ liệu của 22 quốc gia để chứng minh giả thuyết của ông. Điều này chứng tỏ Ancel Keys chỉ xuất sắc trong học đường nhưng thiếu trực giác nghiên cứu (trái ngược với Ancel Keys là Albert Einstein, không bao giờ nổi bật khi đi học nhưng có trực giác thiên tài và những suy tư siêu việt). Về vấn đề tim mạch, bất cứ ai có common sense cũng có thể biết những nguyên nhân chính của bệnh tim mạch là tuổi già (bao gồm toàn thể nhân loại không chừa một ai), di truyền (ước tính khoảng 50% các trường hợp), mập phì, dùng nhiều rượu, thuốc lá, ma túy, ... (ước tính khoảng 35% các trường hợp), và còn một số yếu tố khác như lười vận động, làm vỉệc quá sức, thiếu ngủ, nhiều stresses, … Làm sao mà cholesterol trong máu là nguyên nhân chủ yếu của bệnh tim mạch và che mờ tất cả những yếu tố chính kể trên? Không cần có bằng đại học cũng có thể biết chuyện này, nhưng ông Giáo Sư Harvard có hai bằng Tiến Sĩ và một số trí thức khoa bảng cộng tác với ông lại không biết và mất 6 năm để cố gắng chứng minh một chuyện vô căn cứ. Dữ kiện thu nhập từ 22 quốc gia về cholesterol trong máu và bệnh tim mạch không nói lên được gì - có những quốc gia cholesterol thấp nhưng tỉ lệ bệnh tim mạch cao như Chile, có những quốc gia cholesterol cao nhưng tỉ lệ bệnh tim mạch thấp như Pháp và Đức. Tuy nhiên Ancel Keys không thú nhận sự thất bại để trở thành một “loser”. Muốn thực hiện American Dream, ông bắt buộc phải gian dối - ông đã dùng một kỹ thuật lừa dối gọi là “cherry picking” (hái cerise, chỉ lựa quả ngon và vờ đi những quả không ngon). Ancel Keys đã loại bỏ dữ kiện của 15 quốc gia không phù hợp với giả thuyết của ông và chỉ giữ lại số liệu của 7 quốc gia (Hi Lạp, Nhật, Nam Tư, Ý, Hà Lan, Mỹ, Phần Lan) để viết “Coronary Heart Disease in Seven Countries” và kết luận cholesterol trong máu là nguyên nhân chính của bệnh tim mạch.

Khi Ancel Keys công bố kết quả nghiên cứu “Coronary Heart Disease in Seven Countries”, ông không được tán thường như mong đợi. Nhiều khoa học gia công kích hoặc nghi ngờ chế diễu - người có kiến thức căn bản về tim mạch thì dễ nhận ra đây là trò bịp ngay cả khi họ chưa tìm được bằng chứng. Tuy nhiên, có những khoa học gia đả kích Ancel Keys không phải vì họ nghi ngờ Ancel Keys đã gian dối mà chỉ vi ghen tị. Đó là những khoa học gia có bản ngã thổi phồng (inflated ego) cho nên họ thường để cho lòng tham và sự ganh ghét che lấp khả năng phán đoán của họ và họ không thích nhìn thấy sự thành công của những khoa học gia khác. Mặc dù có nhiều người chống đối Ancel Keys nhưng họ không chứng minh được sự gian dối của ông, trong khi đó cũng có nhiều người tin ông và ủng hộ ông. Ba nguồn ủng hộ quan trọng nhất của Ancel Keys là (1) các công ty dược phẩm (2) các ký giả, và (3) giới bác sĩ. Với thế lực của các công ty dược phẩm, ảnh hưởng của báo chí và sự cộng tác của đa số bác sĩ, phong trào đấu tố cholesterol phát triển mạnh, đại chúng Bắc Mỹ và Tây Âu sợ cholesterol từ nửa thế kỷ nay và nỗi sợ này ăn sâu đến nỗi những chuyên gia có lương tâm không có cách gì làm cho đại chúng tỉnh ngộ.

Trong phim tài liệu “Cholesterol Le Coupable Idéal”, một chuyên gia Pháp đã nói thẳng nghiên cứu của Ancel Keys là tiêu biểu của ngụy tạo vả chỉ đáng vứt vào thùng rác (“Une étude typiquement falsifiée qu'il faut mettre à la poubelle”). Trên You Tube có clip “Big Fat Lies” cũng trình bày Ancel Keys như là một kẻ lừa đảo dối trá. Tuy nhiên, trên Internet vẫn có những websites dẫn chứng “Coronary Heart Disease in Seven Countries” như là một công trình nghiên cứu đáng tin cậy, tiểu sử Ancel Keys trong Wikipedia cũng không nhắc gì đến chuyện “hái cerise” của ông, có bài viết công nhận Ancel Keys có “cherry picking” nhưng kết quả thực ra cũng khá đúng chứ không sai... Như thường lệ, bất cứ chuyện gì cũng luôn luôn có những thông tin trái ngược làm đại chúng không biết đâu là sự thực.

Các công ty dược phẩm luôn luôn khai thác những cái sợ của đại chúng để kiếm tiền, dĩ nhiên là họ khai thác và thổi phồng vấn đề cholesterol không cần biết đó là đúng hay sai. Họ không bao giờ nhắc đến những functions của cholesterol mà bới móc tối đa một dysfunction của LDL (Low Density Lipoprotein Cholesterol) bám nhiều vào thành động mạch của một số người cao niên để kết án cholesterol, bất chấp thực tế là LDL chỉ là một trong nhiều yếu tố có thể làm bế tắc động mạch và sự bế tắc này không phải chỉ có một nguyên nhân đơn giản là nồng độ cholesterol trong máu. Họ đã đào được mỏ vàng khi thành công trong việc chế tạo statins, một loại thuốc làm giảm cholesterol, sau đó thực hiện một số nghiên cứu gian dối (trong khoảng 2003-2006) để công bố statins không những tốt trong việc làm giảm nguy cơ tim mạch mà còn tốt cho cả những người có cholesterol thấp để đề phòng bệnh tim mạch. Thực ra, nồng độ cholesterol trong máu không phải là nguyên nhân chính của bệnh tim mạch cho nên tác dụng tốt của statins dĩ nhiên là dối trá. Cholesterol là chất quan trọng bậc nhất trong cơ thể do gan tạo ra để tạo màng tế bào, vitamin D và một số hormones, người bình thường được gan điều chỉnh lượng cholesterol đủ dùng, cao thấp khác nhau tùy theo từng người và không có vấn đề gì - nay tự nhiên dùng thuốc ức chế làm giảm cholesterol thì chắc chắn có những hậu quả không tốt. Giới ký giả thì đa số thiếu hiểu biết về khoa học, không thể phân biệt nghiên cứu đúng đắn và nghiên cứu gian dối - và thực ra nhiều người trong số họ cũng chẳng quan tâm đến chuyện đúng hay sai, chỉ cần có những thông tin hấp dẫn phù hợp với thị hiếu đại chúng. Với sự cộng tác của báo chí, mấy chục triệu người ở Bắc Mỹ và Tây Âu đã bị lừa và dùng statins thường xuyên, vừa không tốt cho sức khỏe vừa tạo lợi nhuận hàng trăm tỷ đô cho các công ty dược phẩm.

Gần đây một số ký giả có lương tâm đã tố cáo những trò bịp của ngành y tế dược phẩm để tạo ra nhiều bệnh mới, trong đó có việc hạ mức độ cholesterol “tốt” từ 240 mg/dL xuống còn 200mg/dL để tạo thêm 42 triệu người Mỹ có cholesterol “cao” cần điều trị hoặc uống thuốc. Tuy nhiên, họ chỉ là một con én không thể tạo mùa xuân, đại chúng Âu Mỹ vẫn bị lừa bịp bởi những thông tin gian dối về cholesterol tràn ngập trong báo chí và Internet. Gọi cholesterol là “blood fat” (mỡ trong máu) đã là một cách gọi sai lầm và cố ý lừa dối, nhưng có ký giả của báo Tuổi Trẻ còn gọi cholesterol là “mỡ độc trong máu” nghe thật kinh khủng. Không hiểu Tạo Hóa có “mát dây” hay không mà lại khiến cơ thể con người tự tạo ra chất độc cho vào máu của mình, để tự đầu độc mình cho vui.

Vấn đề giới bác sĩ thì phức tạp hơn. Các bác sĩ được đại chúng trọng vọng coi như có thẩm quyền trong những vấn đề sức khỏe, nhưng thật ra kiến thức của họ thường giới hạn trong vài phạm vi chữa bệnh. Họ có khuynh hướng tiếp thu một cách tuân phục những thông tin chính thức và không biết rõ là đúng hay sai, họ thường chấp nhận cả những lừa bịp và ngụy biện của những chuyên gia nghiên cứu làm việc cho các công ty dược phẩm. Phim “Cholesterol Le Coupable Idéal” kể chuyện Bác Sĩ Kailas Chand (Phó Chủ Tịch Hội Y Sĩ Anh) có lượng cholesterol bình thường nhưng ông cũng dùng statins để phòng bệnh tim mạch, chỉ sau khi ông bị các tác dụng phụ của statins hành hạ đau đớn ông mới bỏ không dùng statins nữa. Quả thực trong mấy chục năm, chính giới bác sĩ cũng bị lừa thì làm sao họ giúp đại chúng tỉnh ngộ? Cả hai khái niệm “cholesterol trong đồ ăn làm tăng cholesterol trong máu” và “cholesterol trong máu làm tăng nguy cơ tim mạch” đều sai lầm, không có cơ sở khoa học và không có thống kê chứng minh ngoại trừ một nghiên cứu gian dối của Ancel Keys, vậy mà đa số giới bác sĩ đã tin tưởng hai khái niệm này. Tới năm 2015 thì sự thực “CHOLESTEROL TRONG ĐỒ ĂN KHÔNG LIÊN QUAN ĐẾN CHOLESTEROL TRONG MÁU” đã được chính thức công nhận ở Bắc Mỹ, vậy mà năm 2018 vẫn có nhiều websites và nhiều chuyên gia không cập nhật kiến thức, vẫn thản nhiên khuyên thân chủ ăn kiêng cholesterol... Còn chuyện lừa bịp “cholesterol trong máu là nguyên nhân chính gây bệnh tim mạch” thì cả các công ty dược phẩm và các bác sĩ đều tìm cách che giấu hoặc vờ đi không nhắc tới. Giới bác sĩ đã bị lừa quá lâu, nếu họ thú nhận đã lầm thì làm mất uy tín ngành Y Khoa. Những bác sĩ trung thực nhất cũng chỉ có thể nói đại khái “có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch mà cholesterol chỉ là một”.

Vì lòng tham con người không có đáy, một số bác sĩ bất cần sự thực và có cùng mục đích với các công ty dược phẩm: tìm cách hù dọa và khai thác cái sợ của đại chúng để kiếm thêm lợi nhuận. Đa số bác sĩ có lương tâm nghề nghiệp, nhưng họ cũng phải chiều ý đại chúng - thân chủ muốn dùng statins thì phải viết toa cho họ, vừa tránh phiền phức vừa dễ làm ăn. Có bác sĩ nói rằng họ không thể giúp thân chủ bỏ những thói quen có hại cho tim mạch như ăn quá nhiều thành mập phì, lười vận động, ít ngủ, nhiều lo âu, hút thuốc lá, ... và điều duy nhất họ có thể giúp thân chủ là cho toa uống statins để giảm cholesterol. Những bác sĩ này cũng có lý vì statins thực sự không làm giảm nguy cơ tim mạch nhưng có thể giúp yên tâm, như vậy tạo ảnh hưởng tâm lý (placebo effect) tốt - bớt lo lắng thì cũng bớt nguy cơ bệnh tim. Còn những tác dụng phụ của statins như làm đau bắp thịt, giảm thể lực, giảm trí nhớ, giảm khả năng sinh lý, tăng nguy cơ tiểu đường, ... thì người dùng thuốc rán chịu vì chính họ muốn dùng statins, bác sĩ nào không chiều họ thì họ sẽ bỏ để đi bác sĩ khác. Có chuyên gia Pháp mỉa mai là tác dụng phụ của statins rất tốt cho các công ty dược phẩm - ngoài chuyện bán statins kiếm lời bạc tỷ họ còn bán thêm được nhiều thuốc khác (Viagra, thuốc giảm đau, ...) nhờ tác dụng phụ của statins.

Khi ở Việt Nam tôi nghĩ rằng chuyện “thẳng thắn thật thà thì thua thiệt, lọc lừa lươn lẹo lại lên lương” chỉ có trong những nước xã hội chủ nghĩa. Khi qua Canada tôi mới biết chuyện này xảy ra ở bất cứ đâu, tư bản hay cộng sản cũng thế. Giả sử Ancel Keys là người trung thực, thú nhận ông đã lầm về cholesterol và mất sáu năm nghiên cứu mà chẳng tìm được gì, ông sẽ bị mất danh tiếng và có thể mất tất cả. Nhờ gian dối “cherry picking” mà ông vẫn là một khoa học gia nổi danh ở nước Mỹ, được trọng vọng như là người tiên phong trong việc tìm ra cái hại của cholesterol, viết mấy cuốn sách về “Eat Well” bán rất chạy, sống trong giàu sang danh vọng cho tới năm 100 tuổi mới chết (1904-2004). Ở Mỹ có vô số những chuyên gia tài năng và lương thiện, nhưng họ thường không thành đạt bằng một thiểu số chuyên gia lưu manh. Được cái nước Mỹ là cường quốc kinh tế số một thế giới, có quá nhiều easy money đến nỗi một anh ném bóng rổ như Michael Jordan hoặc một bà làm talk show như Oprah cũng trở thành tỷ phú - những chuyên gia Mỹ lương thiện mặc dù hơi thua thiệt nhưng đa số vẫn có công việc tốt và sống sung túc. Chỉ có những chuyên gia trung thực ở nước nghèo như Việt Nam, Bangladesh hoặc các nước châu Phi là phải chịu nhiều thiệt thòi mà thôi.