- Vô đề

Đây là món đồ sau cùng mà lần này tôi muốn giới thiệu tới quý thầy cô và bạn hữu. Nhưng tôi không biết gọi tên món đồ này là gì, nên đành phải để là “Vô đề” (sans titre) vậy!

Tôi cũng đã hỏi qua nhiều người lớn tuổi và ngay cả ba tôi (năm nay ông sắp được 96 tuổi) nhưng đều được trả lời: “Biết ... chết liền!” Tôi cũng lên mạng và tham khảo các sách xưa, Sotheby's, Christie, ... và tôi chưa thấy cái thứ hai! Cũng mong quý thầy cô và các bạn, nếu biết xin đuợc chỉ giáo thêm về món đồ “vô đề” này.

Món đồ này xuất xứ từ một gia đình quan lại triều Nguyễn, (không biết là triều đại vua nào?) sang định cư ở Nice (miền Nam nước Pháp) sau Hiệp Định 1954. Đến đời con cháu thì họ ... đem bán cho một cửa hàng bán đồ xưa (antiquités) ở Marseille (theo lời ông chủ tiệm đồ xưa). Tình cờ đi ngang qua tiệm, tôi thấy họ chưng bày sau mặt kiếng cửa hàng là tôi đã .. mê mẫn ... tít thò lò rồi!

Bước vào, nhìn kỹ thì thấy rõ ràng đây là đồ ... “Made in ... Indochine”, nhưng khi hỏi đến giá cả thì ... chỉ muốn đi ra luôn vì họ đưa giá tới gần ... 3 tháng lương của tôi ở thời điểm lúc bấy giờ (1992)! Tuy vậy, tôi vẫn nán lại quan sát kỹ thì ... thấy quá đẹp và lại quý nữa! (Từ cha sanh mẹ đẻ đến giờ, đây là lần đầu tiên tôi mới thấy được món đồ “Vô đề” này!

Ngay cả khi có duyên thỉnh được món đồ này đem về nhà, ba tôi trong một lần về thăm (ba tôi làm việc và hưu trí ở Monaco) đã lặng người khi nhìn thấy nó và hỏi sao tôi lại có được món đồ này).

Mấy ngày liên tiếp sau, tôi đều ghé qua coi kỹ lại và thương lượng giá cả và cũng cho ông chủ tiệm thấy là mình có ý định mua chớ không phải đến dể làm mất thời gian của họ. Thấy tôi kiên nhẫn và có ý định mua nên sau cùng họ đành chịu theo giá đàm phán của tôi.

Mô tả món đồ “Vô đề”:

Chiều cao: 215 cm (2.15 m)

Chiều rộng: 36 cm

Chiều ngang: 100 cm (1 m)

Món đồ “Vô đề” này toàn bộ làm bằng gỗ cẩm lai (palissandre), được chạm trổ tinh vi 3D, uớc tính nặng khoảng trên dưới hàng trăm kí lô.

- Phần trên cùng tạc hình “Lưỡng Long Tranh Châu ”.

- Thân được chạm viền 4 bên: Mai-Lan-Cúc-Trúc, với viền phần đầu là hoa mẫu đơn, trên hai hàng dọc thân là 4 miếng xà cừ hình vuông và có khắc hai chữ Nho 康 “Khang” (an vui) và 夀 “thọ” (sống lâu).

Từ hai chữ “Khang” và “Thọ”, ta có thể suy diễn ra được là “Vô đề” có thể là quà biếu của chủ nhân nhân dịp mừng sinh nhật, hoặc … của vua ban tặng cho các công thần có công với triều đại nhà Nguyễn? Do đó làm gì có món đồ “Vô đề” thứ hai mà tìm kiếm bấy lâu nay (Unique)!

Nhớ lại lúc còn nhỏ ở nhà ông nội tôi, trên bàn thờ Gia Tiên có một tấm bảng dầy trên dưới 20 phân, kích thuớc khoảng 60 cm x 100 cm trông rất bề thế, hình như bằng gỗ mun, chạm trổ rất tinh vi có những phần sơn son thiếp vàng với hai chữ Nho lớn “Huỳnh Phủ” bên trong, hỏi ông nội thì ông nói đây là quà của vua ban cho ông cố vì có công với triều Nguyễn, ông cố nội tôi là Huỳnh Khánh Vân. Quà vua ban này hiện vẫn còn treo trang nghiêm trên bàn thờ gia tộc của tôi ở Việt Nam.

- Giữa thân là nguyên cành hoa thược dược với hai con bướm, phần duới là một nhánh thược dược nằm ngang với hai con bướm với hàng viền bên dưới cũng là hoa mẫu đơn.

- Phần dưới thân có bề rộng ra khoảng 36 cm và trên là 2 vòng hình bầu dục rỗng đuợc đỡ bằng 4 chân rồng.

Tất cả được đặt trên một cái bệ (socle) có 4 chân ngắn chạm trổ rất mỹ thuật.

Giá trị của món đồ này: thứ nhất là được làm toàn bằng gỗ cẩm lai, thứ hai là ngoài phần được chạm trổ tinh vi và mỹ thuật, nó còn đuợc chạm từ nguyên khối bề dầy của khúc gỗ (chứ không phải phần chạm trổ được dán vào) nên hình 3D rất sống và thực. Còn một điểm sau cùng là toàn bộ món đồ này được lắp ráp bằng mộng (không có một cây đinh hay ốc vít). Tưởng tượng hơn một thế kỷ trước, với những dụng cụ thô sơ, các nghệ nhân ngoài tài chạm trổ còn biết tính toán cách lắp ráp không thua gì kỹ thuật hiện nay như Ikea đang thịnh hành. Nhiều khi các tủ lắp ráp Ikea, khi dọn nhà, tháo ra là ... bỏ luôn vì hầu hết là ván ép, khi vặn ốc lại không còn chắc nữa! Còn món đồ vật này, tôi tháo ra rất dễ, đã theo tôi từ Marseille đi Genève lúc dọn nhà bằng đường bộ và được lắp lại vẫn chắc cho đến tận bây giờ.

Dù là vật vô tri vô giác nhưng “Vô đề” khi càng nhìn kỹ thì càng bị hấp lực thu hút của nó, như nó có cái hồn và hơi thở vậy!

“Cú tại màng tang đứng chết ... trân!”

Trước thềm Xuân Kỷ Hợi 2019, xin được kính chúc quý Thầy Cô cùng các bạn học đồng môn một năm mới thật dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và vạn sự kiết tường.

Huy - kha - Ti

Ghi chú:

Bài “Sưu tầm, Lượm lặt” này còn một mục nữa.

Trong không khí mừng Xuân Kỷ Hợi, mục này đã được tạm đình bản trong những ngày đầu xuân để phù hợp với phong tục tập quán của người Việt Nam.

Kính xin quý Thầy Cô và bạn hữu đón xem tiếp mục cuối cùng trong bài “Sưu tầm, Lượm lặt” sẽ đuợc bổ sung sau ngày Rằm Tháng Giêng Âm lịch Xuân Kỷ Hợi (sau 19 tháng 2 năm 2019).

Ban Biên Tập trân trọng kính báo.

Lời Giáo Đầu

Đồng hồ quả lắc thời Indochine

Hình xưa 1952

Sưu Tập Tiền xưa

Sách xưa

Vô đề

Họa Phẩm