Tôi thường cho rằng mình được “sinh ra dưới một vì sao xấu”. Người ngoài có lẽ chẳng ai hiểu tại sao tôi lại nói như thế, tuy nhiên người trong gia đình tôi ai cũng cảm thương một cách sâu xa. Hiểu tôi thì thật nhiều, nhưng tất cả cũng chỉ đều biết thở dài một cách đầy thương hại và bất lực.

Dưới đây là câu chuyện về cuộc đời đầy bất hạnh của tôi. Mời các bạn theo dõi để thấu hiểu tại sao tôi lại nói như vậy.

Theo trí nhớ của tôi, từ lớp Tư (lớp 2) mắt tôi đã bắt đầu bị kém nên được cô giáo cho ngồi bàn đầu. Lên lớp Ba (lớp 3), ngay cả ngồi bàn đầu nhìn bảng cũng không rõ hoàn toàn. Đến lớp Nhì (lớp 4) thì thật là quá tệ, tôi chẳng còn nhìn thấy gì trên bảng nữa và đành phải copy bạn. Thế nên tôi bị “mang tiếng oan” trong lớp là tên chuyên môn “cọp dê” người khác! Hình như chẳng đứa bạn nào chịu hiểu và thương tội cho cặp mắt của tôi. Thật đúng là trăm đường đắng cay!

Tuy vậy tôi cũng còn chút may mắn. Thầy giáo tôi là một người rất tinh tế và có tâm hồn. Có lẽ ái ngại cho tình cảnh của tôi, thầy đã đem đến lớp cặp kính cận của con ông để tôi đeo thử. Đeo kính của con thầy thì tôi thấy có khá hơn thật, nhưng nhìn bảng vẫn không rõ lắm. Thầy tôi đoán có lẽ kính của con ông quá nhẹ, nên người báo với bố tôi và khuyên nên cho tôi đi bệnh viện thử mắt xem sao.

Sau khi thử mắt, bệnh viện Bình Dân (Sài Gòn) cho biết tôi đã cận đến 4 độ! Bố tôi thở dài thườn thượt nhưng mẹ tôi tỏ ra vững vàng hơn, người an ủi tôi:

- Bị cận thị thì đeo kính chứ có sao. Thiên hạ đeo trắng đầy đường, có gì mà con phải lo.

Ban đầu tôi hơi cảm thấy dị hợm với cặp kính khá dầy, nhưng mãi rồi cũng quen đi. Tuy nhiên tôi cũng phải thừa nhận rằng đeo kính sướng thật, cảnh vật sáng hẳn ra và nhìn gì cũng rõ ràng. Sướng nhất là từ đó trở đi tôi hoàn toàn tự lập trong việc học, không còn phải “cọp dê” bạn nữa.

“Sáng mắt thì cũng sáng lòng”. Từ ngày có kính, vừa nghe thầy giảng vừa đọc được những điều người viết trên bảng, tôi thấy thật dễ hiểu. Sự học không khó như tôi tưởng trước kia nữa.

Đang từ đứa “đội sổ” trong lớp, tôi từ từ ngoi lên hạng 10, có khi hạng 8, 9 nữa (lớp tôi có khoảng 60 học sinh). Sau năm lớp Nhất (lớp 5), tôi còn “oanh liệt” đậu được vào lớp Đệ Thất (lớp 6) trường Hồ Ngọc Cẩn, trường nam trung học công lập của tỉnh Gia Định. Thời ấy, thi đậu được vào lớp Đệ Thất trường công có thể xem là một “kỳ công”, vì khi đó (trước 1975) trường công rất ít, mỗi tỉnh thường chỉ có 2 trường (1 trường nam và 1 trường nữ). Hằng năm số thí sinh dự thi cho mỗi trường có thể lên đến vài ngàn, nhưng số chỗ thường chỉ vỏ vẹn: 300 tới 500.

Việc học có tiến triển thật với cặp kính trắng, nhưng nỗi khổ với cặp mắt kém thì vẫn còn đó, vẫn đeo đuổi tôi như hình với bóng. Thế nên không giống như những đứa trẻ vô tư khác, tôi có một thời thơ ấu và niên thiếu rất “bất bình thường”, nói một cách khác rất “tội nghiệp”!

Lúc ấy, tôi không dám tham gia đá banh, vật lộn, chia phe đánh nhau, bắn dây thun (bắn bì), v.v… như bọn con trai cùng lớp, mỗi khi được sinh hoạt tại sân vận động, mà chỉ đứng ngoài cuộc nhìn họ chơi đùa một cách thèm thuồng (vì sợ bể kính).

Tôi rất mê vẽ, ngay từ ngày còn chưa đi học đã hí hoáy vẽ tối ngày, ngồi đâu cũng vẽ. Từ năm Đệ Thất (lớp 6) đến năm Đệ Tứ (lớp 9), tôi luôn luôn đứng nhất lớp về môn Hội Họa. Vậy mà từ năm 27 tuổi tôi không còn dám cầm bút vẽ nữa (dù rất thèm), vì mắt càng ngày càng kém đi.

Tôi cũng rất thích đọc sách nhưng chỉ đọc một cách rất hạn chế, vì sợ mắt lên độ. Giữ gìn kỹ lưỡng như vậy mà độ cận của đôi mắt vẫn tăng vùn vụt. Năm 21 tuổi, kính tôi đã dầy đến 8 độ. Cặp mắt yếu như thế, nên việc học dĩ nhiên cũng bị ảnh hưởng một cách trầm trọng. Đôi khi khổ quá nhưng không lối thoát, tôi chỉ còn cách nhìn trời mà than thở.

Có một lần (khi ấy tôi khoảng 20), mẹ nhìn tôi mà hai dòng nước mắt lăn dài trên má. Người nói một cách rất chân tình:

- Ước gì mẹ có thể cho con một con mắt của mẹ.

Tôi không cầm được nước mắt và ôm mẹ thật lâu, chân thành ngỏ lời cám ơn người.

Mấy chục năm sau, thật đáng ngạc nhiên, một người thứ nhì cũng nói với tôi một câu tương tự. Người ấy chính là Nga, bà xã tôi. Hôm ấy trời mới tờ mờ sáng, Nga ngồi trong giường, nhìn đôi mắt tôi mà thương hại:

- Mắt anh lồi quá, thật tội nghiệp. Nếu có phép lạ, em sẽ sẵn sàng cho anh một con mắt của em.

Tôi thức dậy đã từ lâu nhưng giả vờ ngủ để theo dõi, sau khi Nga dứt câu nói tôi đã ghì chặt nàng và hôn thật lâu vì quá sức xúc động.

Hai câu nói chí tình của hai người nữ, cách nhau cả mấy chục năm về thời gian, nhưng ý nghĩa lại như một. Hai câu nói chan chứa thương yêu từ hai người đàn bà quan trọng nhất trong cuộc đời tôi: mẹ, đấng sinh thành dưỡng dục và Nga, người bạn đời yêu quý. Tôi sẽ mãi mãi ân cần ghi nhớ cho đến cuối đời.

oOo oOo oOo oOo oOo

Năm 2010 (đó là lần đầu tiên) tôi gặp cô Bác Sĩ Tiên, vị bác sĩ chuyên khoa sau này giải phẫu cho tôi. Cô người Việt Nam, còn khá trẻ (khoảng 50 tuổi). Cô tên Tiên họ Huỳnh, nhưng có thêm tên tiếng Anh là Tess. Thế nên tên của cô được viết trên giấy tờ là “Dr. Tess Tien Huynh”. Cô Tiên là bác sĩ chuyên khoa về mắt (Ophthalmologist) rất giỏi, nổi tiếng ở Sydney (bên Úc). Trung tâm nhãn khoa của cô khá lớn với 15 bác sĩ và rất nhiều chuyên viên, nhưng cô là bác sĩ trưởng. Nghe nói cô về Việt Nam mỗi năm để mổ cataract miễn phí cho người Việt.

Lần ấy mắt tôi đã bắt đầu bị cataract, nghĩa là thủy tinh thể (lens) của mắt hóa đục (mà người Việt Nam mình gọi là bệnh “cườm khô”), nên nhìn giống như có màn sương mù trước mắt, do vậy thị lực kém hẳn đi. Bác Sĩ Tiên khuyên mổ, nhưng lúc đó tôi chưa có đủ tiền (mà lại muốn chính Bác Sĩ Tiên mổ), nên đành phải chờ.

Cũng năm 2010, tôi đổi kính lần cuối cùng, khi ấy kính đã nặng 19 độ nhưng nhìn vẫn chẳng rõ được hoàn toàn, vì lúc đó mắt đã bị cataract, cảnh vật trước mắt (như đã nói) giống như có sương mù vậy. Vài năm sau đó (sau 2010), thử kính nặng hơn cũng chẳng rõ gì thêm vì cataract đã quá tệ rồi, nên tôi không thay kính nữa. Màn “sương mù” càng lúc càng dầy thêm theo thời gian, giống y như những ngày trời dầy đặc sương mù vậy. Thế nên vào những buổi chiều trời âm u nhìn không rõ, đôi khi tôi cho xe leo lề!

Năm ngoái (2018), với số tiền dành dụm cùng sự trợ giúp quý báu từ song thân và gia đình, tôi đã có đủ tiền nên quay trở lại Bác Sĩ Tiên để nhờ cô giải phẫu.

Sau khi dùng đủ loại máy đo mắt, Bác Sĩ Tiên cho biết mắt tôi đã lên đến hơn 30 độ! Nghe nói mà lạnh người. Nhưng cô bác sĩ nói một cách rất thản nhiên:

- Nặng bao nhiêu độ cũng không thành vấn đề. Mổ xong là anh khỏi cần đeo kính. Không chừng ban đêm lái xe, anh cũng khỏi cần đeo kính luôn.

Nghe bác sĩ nói mà mừng. Nhưng tôi vẫn bán tín, bán nghi.

Trước khi giải phẫu tôi rất lo âu, mặc dù Bác Sĩ Tiên cho biết xác suất thành công rất cao (99%). Lo là vì vẫn có những cái “risk” (rủi ro), mà cuộc giải phẫu nào cũng có thể có, chẳng hạn:

1) Có người mổ xong mắt vẫn cứ mờ mờ. Bác sĩ chữa mấy cũng không khá hơn được.

2) Có hai người (mà tôi quen biết) mổ xong bị mù một mắt.

3) Có người mổ xong mắt bị chảy máu hoặc nhiễm trùng, và nếu không may có thể bị mù.

4) Có người (mà tôi quen biết) mổ xong mắt cứ bị nóng bừng bừng, và nước mắt liên tục chảy dàn dụa. Bác sĩ không chữa nổi.

5) Dì ruột của tôi giải phẫu cataract ở Mỹ với bác sĩ Mỹ rất giỏi, nhưng giải phẫu xong có một mắt trở nên mờ hơn trước. Ngoài ra còn bị cộm và bị chảy nước mắt. Sau đó dì tôi trở đi trở lại khá nhiều lần, nhưng bác sĩ vẫn không giúp được cho khá gì hơn, nên cuối cùng đành phải chấp nhận.

6) Mắt tôi bị cận rất nặng, nên còn “risky” hơn những người khác.

Còn nhiều cái “risk” khác nữa, chứ chưa phải hết…

oOo oOo oOo oOo oOo

Lần mổ mắt thứ nhất, mắt trái, vào ngày 06 tháng 08 năm 2018. Buổi tối hôm trước, lo âu quá nên trằn trọc mãi không ngủ được, cuối cùng tôi ôm và dúi đầu vào mái tóc Nga để tìm chút an ủi, rồi ngủ thiếp đi.

Buổi sáng hôm giải phẫu, Nga và một anh bạn đưa tôi đến bệnh viện. Trước khi từ giã, Nga ôm tôi hôn lên đôi mắt và chúc lành, trước những nụ cười cảm thông của mọi người trong phòng đợi. Tất cả đều là bệnh nhân sắp lên bàn mổ, hoặc thân nhân của họ nên có lẽ “đồng bệnh tương lân” chăng?

Nằm trên bàn mổ, tôi lo lắng tột cùng. Bác sĩ gây mê (anaesthetist) nhỏ thuốc tê vào mắt, và truyền cho tôi một loại thuốc an thần qua một chiếc kim ghim trên mu bàn tay phải. Sau đó Bác Sĩ Tiên bắt đầu ca mổ. Thái độ hòa nhã và vui vẻ của bác sĩ cùng y tá làm tôi cảm thấy thoải mái hơn. Tôi vẫn tỉnh táo và biết hết mọi chuyện chứ không mê.

Bác Sĩ Tiên đúng là một phẫu thuật gia nhãn khoa (eye surgeon) nhà nghề. Cô vừa giải phẫu vừa cười đùa cùng cô y tá phụ việc môt cách rất thoải mái, giống y như hai bà nội trợ, người cắt hành, người lặt rau trong bếp và vui vẻ tán dóc với nhau vậy. Dường như việc giải phẫu đối với Bác Sĩ Tiên chỉ là một chuyện rất bình thường. Vẻ ung dung của cô bác sĩ giúp tôi thêm phần tin tưởng, nhờ vậy cảm thấy thoải mái hơn.

Sau khoảng 15 đến 20 phút thì ca mổ hoàn tất. Bác Sĩ Tiên hân hoan bảo tôi:

- Ca mổ rất tốt. Mắt anh cận thị rất nặng nên nhãn cầu quá lớn. Tôi tưởng là khó nhưng không dè cũng dễ như người ta thôi. Xong rồi đó anh.

Tôi nghe thế thì thở phào nhẹ nhõm:

- Nghe bác sĩ nói mà tôi mừng hết sức. Thành thật cám ơn bác sĩ.

Ngay khi vừa mổ xong, mắt trái đã thấy mờ mờ. Tôi không tin và cho là ảo giác, vì mắt bị băng thì làm sao mà nhìn thấy? Nhưng sau đó càng lúc càng nhìn rõ thêm, tôi mới thử sờ nhẹ, thì thật ngạc nhiên vì nó chỉ là một tấm plastic trong suốt, gọi là “plastic shield” để bảo vệ mắt thôi, chứ không phải băng vải. Băng keo chỉ dán chung quanh tấm shield để nó dính vào da, ở giữa chừa trống để bệnh nhân nhìn cho rõ.

Tôi được y tá dẫn ra ngồi ở phòng “hồi sức” để họ theo dõi. Bà y tá đưa cho tôi ly cà phê và chiếc bánh ngọt ăn lót lòng, vì trước khi mổ phải nhịn ăn và nhịn uống từ đêm hôm trước. Ngồi như thế được khoảng 10 phút thì bà cho phép tôi đi vệ sinh. Trong phòng vệ sinh tôi vô cùng ngạc nhiên, các dòng chữ trên tờ giấy hướng dẫn về cách rửa tay trông rõ chưa từng thấy (rõ từng nét), mặc dù không đeo kính. Trước kia (ngay cả khi chưa bị cataract), cho dù có đeo kính tôi cũng chưa bao giờ nhìn rõ được như vậy.

Sau khi trở lại ghế ngồi, tôi “khoe” với bà y tá (người Úc) thì bà nở một nụ cười hiền hậu:

- Tối nay anh sẽ còn nhìn rõ hơn thế nữa đó.

Tôi nhập viện 8 giờ sáng, thì khoảng 10 giờ 30, Nga cùng anh bạn đến đón về (từ khi nhập viện đến lúc xuất viện không đầy 3 tiếng).

Quả thật như bà y tá cho biết. Sau khi về nhà tôi nhìn được những thứ mà trước đó chưa từng thấy, chẳng hạn: các vết mốc gần trần nhà, các vết rỉ sét nho nhỏ trên khung cửa sổ, những dòng chữ nhỏ trên tấm lịch treo tường, v.v… Một điểm đáng nói nữa là hình ảnh trước mắt lớn hẳn ra trước con mắt trần. Trước kia nhìn qua cặp kính cận quá nặng, và phải dùng loại kính tròng nhỏ để giảm bớt độ dầy, nên hình ảnh bị thu nhỏ khá nhiều.

Lần đầu tiên thử dùng computer (bằng mắt trần) tôi đã phải sửng sốt, vì màn ảnh của nó cùng hình và chữ trong đó trở nên lớn quá sức tưởng tượng. Các nét chữ đen ngày xưa (trước khi giải phẫu) màu xám, nay trở thành đen tuyền. Những màu sắc khác trông cũng rõ và tươi hơn. Có các nét viền chung quanh hình ảnh và biểu tượng thật đẹp, mà trước kia tôi không hề biết đến sự hiện diện của chúng.

Điểm đáng buồn cười là mọi người chung quanh, ai nhìn cũng già đi! Vì trước kia tôi chỉ thấy mờ mờ, nên mặt mọi người đều phẳng phiu và trẻ y như được “photoshop” vậy! Sau khi giải phẫu, tôi nhìn rõ được từng nét nhăn. Các ông bạn của tôi, cho dù đã cạo râu, tôi vẫn nhìn thấy từng lỗ chân râu trên mép và cằm của họ.

Hai tuần lễ sau (ngày 20 tháng 08 năm 2018), khi trở lại giải phẫu mắt thứ nhì, tức mắt phải, tôi đem chuyện này kể ra. Từ bác sĩ đến y tá trong phòng mổ, ai nấy đều cười rũ rượi. Ông bác sĩ gây mê (người Tàu) hỏi tôi một câu cắc cớ:

- Anh thấy người ta già đi, còn anh thấy bản thân anh như thế nào?

Tôi trả lời chẳng cần suy nghĩ:

- “Terrible!” Tôi không ngờ mình già và xấu xí dữ vậy. Từ ngày giải phẫu, tôi hết dám soi gương luôn!

Thế là cả đám, bác sĩ lẫn y tá lại cười ầm lên.

oOo oOo oOo oOo oOo

Ngoài các chuyện dễ thương kể trên, vẫn có những chuyện “cười ra nước mắt”. Đó là chuyện… “bắt buộc phải ở dơ”!

Trước khi giải phẫu, bệnh viện khuyên tôi nên tắm rửa và gội đầu thật kỹ lưỡng trong buổi sáng trước khi đến bệnh viện. Vì ít nhất 1 tuần sau khi giải phẫu, bệnh nhân sẽ không thể nào gội đầu cho đàng hoàng được. Lý do rất dễ hiểu, sau khi mổ mắt sẽ phải kiêng nước hoàn toàn trong tuần lễ đầu tiên, chỉ được nhỏ thuốc. Thiệt là khổ, mắt sau khi mổ hay khó chịu nên thường đổ ghèn và chảy nước mắt, nhưng chỉ được dùng bông gòn khô lau thật nhẹ ở khóe và đuôi mắt thôi.

Có thể tắm từ cổ xuống nhưng cũng sợ lắm, vì nếu bị nước văng vào, mắt có thể bị nhiễm trùng. Nếu lỡ xui xẻo bị như thế thì sẽ phải chạy ngay đến bệnh viện để nhờ cấp cứu. Nhẹ thì thị lực sẽ bị giảm đi (nhìn bớt rõ), còn nặng thì có thể bị mù. Do vậy khi tắm tôi phải đeo loại kính bảo vệ mắt (goggles) của “handy man”, nhưng vẫn lo ngay ngáy.

Còn chuyện gội đầu thì tôi phải chịu ngứa ngáy cả tuần lễ, rồi mới dám đến cô thợ làm tóc cho Nga gần nhà để nhờ giúp. Cô ấy có chiếc giường gội đầu rất đặc biệt, ở đầu giường là một cái bồn (sink) với vòi nước và ống thoát nước. Khách chỉ việc nằm dài trên giường, bao nhiêu nước gội chảy ra sau đầu vào bồn nên không sợ vào mắt. Tuy thế mắt vẫn phải nhắm chặt và sợ lắm, và trên thực tế vẫn có một ít nước văng trên mí mắt tôi.

Mắt trái vừa yên ổn được 1 tuần thì đến lượt mắt phải giải phẫu, và “màn ở dơ” lại tái diễn! Khổ sở, ngứa ngáy như thế cũng phải đến hơn 3 tuần mới “thoát” ra được.

Sau này có dịp hỏi thăm các bệnh nhân mổ cataract khác, thì hóa ra họ cũng khổ sở vì “ở dơ” y như tôi vậy! Âu cũng là một kinh nghiệm “độc đáo” trong đời. Tuy nhiên phải nói là tôi vẫn còn chút may mắn, vì nhờ mổ vào mùa đông nên cũng đỡ khổ. Chứ nếu mổ ngay vào mùa hè nóng bức, mà phải kiêng nước cả mấy tuần như thế thì quả là kinh hoàng. Thiệt đúng là… ở đời ai có qua cầu mới hay!

oOo oOo oOo oOo oOo

Cuộc giải phẫu cataract rất tốt. Hai mắt được mổ cách nhau đúng 2 tuần và thành công mỹ mãn. Từ khi giải phẫu tôi không cần phải đeo kính nữa, kể cả khi dùng computer và lái xe. Chỉ có điều khi đọc sách thì phải mượn “kính lão” của Nga để đọc cho rõ vậy thôi, vì già rồi (tôi đã hơn 65 tuổi).

Tôi đã thử lái xe ban đêm (không đeo kính) thì thấy đúng là cũng được lắm (mặc dù nhìn có kém hơn ban ngày), giống như cô Bác Sĩ Tiên đã tự tin cho biết trước khi giải phẫu.

Đôi khi tôi có ý nghĩ cô Bác Sĩ Tiên giống như bà tiên trong truyện cổ tích, khẽ cầm chiếc “đũa thần” gõ nhẹ lên đôi mắt tôi, và trong nháy mắt đôi mắt sáng lại ngay lập tức! Hay nói một cách cụ thể, đôi mắt đang từ hơn 30 độ trở thành 0 độ y như một giấc mơ vậy!

Còn một điều có lẽ cũng nên nói thêm. Trước khi giải phẫu, khi tôi nhắm mắt nằm ngủ, Nga thấy mắt tôi bị lồi thấy rõ. Nhưng sau khi được Bác Sĩ Tiên giải phẫu, mắt tôi đã xẹp lại, trông rất bình thường. Nghe Nga nói, tôi vừa ngạc nhiên vừa mừng.

Sau khi cả hai mắt đều đã được giải phẫu, có lần ông chủ nhà đến lấy tiền thuê. Ông này mắt rất tốt, không bao giờ đeo kính và ban đêm lái xe ào ào. Vậy mà khi Nga chỉ các con số nhỏ trên tờ lịch treo tường. Tôi (bằng mắt trần) đọc đúng hết, trong khi ông nghiêng đầu, nheo mắt mà đọc vẫn sai tới sai lui. Ông tròn mắt nhìn tôi và cười ha hả:

- Trời! Mắt anh bây giờ tỏ dữ vậy sao? Hơn tui luôn!

oOo oOo oOo oOo oOo

Bây giờ thì mọi sự khó khăn đã qua đi. Tính ra mắt tôi đã giải phẫu được khoảng 5 tháng. Tôi cảm thấy thật thoải mái với đôi mắt trần, đây là lần đầu tiên sau 55 năm, tôi không cần đến cặp kính cận nặng nề, dầy cộm phiền toái ấy nữa. Nếu nói theo kiểu CS, thì tôi đã được “giải phóng” khỏi sự “kềm kẹp” của đôi mắt kính trong suốt nhiều thập niên!

Với đôi mắt trần, mỗi khi có làn gió nhè nhẹ mơn man trên đôi mắt, tôi cảm thấy vô cùng dễ chịu với cảm giác như được vuốt ve một cách thật dịu dàng, thật êm ái, cảm giác này tôi không hề biết đến trong suốt mấy chục năm đeo kính. Những khi ấy tôi cảm thấy mình như sống gần thiên nhiên hơn và cảm thấy hạnh phúc vô ngần, một thứ hạnh phúc thật giản dị và đơn sơ, niềm hạnh phúc mà những người suốt đời không phải đeo kính cận, có lẽ chẳng bao giờ để tâm và trân quý.

Ngày nay sống trong hân hoan và chứa chan hy vọng, nhưng tôi vẫn chẳng thể nào quên được thuở đầu đời đầy cay đắng và tuyệt vọng. Còn nhớ năm lớp Nhì (lớp 4) khi bắt đầu đeo kính cận, tôi rất buồn và hằng đêm quỳ gối đọc kinh, cầu xin Chúa giúp cho tôi khỏi bị cận thị. Người lớn cười và bảo:

- Cận thị thì đeo kính, chứ cận thị thì làm gì mà có thuốc chữa.

Người lớn bảo thế, nhưng là người Công Giáo và tôi có một niềm tin mãnh liệt vào Thiên Chúa, nên vẫn cứ “ngoan cố” tiếp tục quỳ gối, khấn nguyện hằng đêm cùng Chúa như vậy. Rồi thì thật không ngờ, lời cầu xin thành khẩn của tôi ngày xưa cuối cùng cũng đã được Thiên Chúa chấp nhận. Có thể nói đây là một hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho, vì không phải ai mổ cataract cũng được thành công mỹ mãn như tôi (có người giải phẫu cataract xong mắt vẫn mờ, thậm chí có người bị mù nữa, như tôi đã đề cập).

Cảm tạ Thiên Chúa. Cám ơn song thân, gia đình cùng bạn hữu đã hết lòng thương mến và quan tâm đến nỗi bất hạnh của tôi. Cám ơn Bác Sĩ Tiên, vị nữ phẫu thuật gia nhãn khoa tài ba đã giúp thay đổi cuộc đời tôi, mà tôi xem là ân nhân.

Sau cùng, tôi phải đặc biệt thương yêu cảm tạ Nga, người vợ hiền nhân hậu, rất tình nghĩa đã hết lòng giúp đỡ và chăm sóc tôi về mọi phương diện từ A tới Z, trong suốt một thời gian dài: trước, trong và sau khi giải phẫu. Nga cũng liên tục khấn nguyện một cách thành khẩn cho tôi nữa. Thật diễm phúc cho tôi có được một người vợ như nàng.

Một mùa xuân mới đã đến với cuộc đời tôi và hy vọng nó sẽ ở lại mãi mãi. Một lần nữa, xin chân thành cám ơn cuộc đời và cám ơn tất cả.

Trịnh Sơn Tùng

Sydney

19/01/2019