Nói đến Trịnh Công Sơn, chắc ai ai trong chúng ta cũng đều biết. Từ giới trí thức cho tới người bình dân lao động, từ ông già bà cả, người lớn tới con nít, đều biết ngân nga ít nhất một hai bài hát của Trịnh Công Sơn.

Tôi cũng không ngoại lệ, tôi là “FAN” của Trịnh Công Sơn từ ... khuya. Trên kệ sách của tôi đầy sách viết về ông (Một nguời thơ ca - Một cõi đi về, Vuờn xưa, Hành trình âm nhạc Trịnh công Sơn, Thư tình gửi một nguời, Về một quãng đời Trịnh công Sơn, Bi kịch Trịnh công Sơn, Nguời bạn, Kẻ đối nghịch, v.v...), cùng các photocopies các bài viết cũng như các bài phê bình về ông (khen chê đều có).

Trong xe của tôi còn có hơn chục dĩa nhạc (CD) của Trịnh công Sơn, mà chủ yếu do hai ca sĩ là Khánh Ly và Nguyễn Hữu Thái Hòa hát. Hai ca sĩ này đã sang Thụy Sĩ hát từ thiện đôi lần, và tôi ... hầu như gom hết các dĩa về nhạc Trịnh với chữ ký tặng của Khánh Ly và Nguyễn Hữu Thái Hòa khi họ sang hát, giao lưu với khán giả và bán dĩa nhạc. (Không phải nịnh chứ nghe Nguyễn Hữu Thái Hòa hát nhạc Trịnh rất phê nên mình nhập hồn được với lời nhạc, anh là kiến trúc sư, sống, làm việc ở Pháp và là “FAN” ... siêu đẳng của Trịnh công Sơn.)

Nói về Trịnh Công Sơn, tôi đuợc diễm phúc có hai cái duyên:

Thứ nhất, thật là tình cờ và may mắn tôi có đuợc một tấm hình chụp chung với ông cùng đám bạn bè Khoa Học hè năm 1994 tại nhà hàng của ông đường Hai Bà Trưng, Tân Định, Sài Gòn. Có lần tôi mang khoe tấm hình này với ca sĩ Khánh Ly khi cô sang hát từ thiện tại Lausanne, Thụy Sĩ. Ca sĩ Khánh Ly có ký tên vào mặt sau tấm ảnh và nói: “Thật quí mến!”.

Cái duyên thứ hai mà tôi sắp nói ra đây là Tập Thơ của Trịnh Công Sơn cảm tác cùng nhà thơ Ngô Văn Tao trong thời gian thăm Montréal, Canada vào tháng Ba đến tháng Bảy năm 1992. Tập Thơ có tựa đề là Journal des beaux jeudis (Tạm dịch: Nhật ký những ngày Thứ Năm tươi đẹp). Bản sao Tập Thơ này nằm im ỉm trong tủ sách của tôi đã hơn chục năm rồi ...

Đây là một Tập Thơ khổ nhỏ (22 cm x 28 cm), gồm 80 trang, được sao lại từ các bài thơ ngẫu hứng, viết tay trên nhiều loại giấy, sáng tác trong thời gian Trịnh Công Sơn ở Canada, trong đó không ít các bài được làm ngay tại các quán giải khát rượu bia tại Montréal.

Trong thời gian Trịnh Công Sơn viếng thăm Montréal, ông đã làm khá nhiều bài thơ, trong đó không ít bài ông đã làm khi viếng các phố St. Denis, St. Laurent, Vieux Montréal, v.v..., và khi đến các Bar-Resto-Café, như Café Campus, Café Chevrier, Crescent Bar, Bar de l’Épingle, Le Bistrol Duluth, v.v...

Tập Thơ này gồm có khoảng 95 bài, trong đó:

- Trịnh Công Sơn làm 23 bài tiếng Việt và 19 bài tiếng Pháp,

- Nhà thơ Ngô Văn Tao làm 29 bài tiếng Việt và 16 bài tiếng Pháp,

- Sáng tác chung 6 bài tiếng Việt cùng một bài bằng Hán tự của Ngô Văn

Tao được Trịnh Công Sơn phiên âm Hán Việt.

Ngoài ra còn có 11 bức ký họa của Trịnh Công Sơn mà ông cảm tác từ các nhạc công cùng các bạn hữu mà ông có dịp gặp gỡ.

Trong Tập Thơ này có những bài mà hai tác giả đã cùng nhau họa chung một đề thơ như: “L’Oubli”, “Un coin de Bonheur”, “Promesse”, “Dany”, “Fatale”, “Beauté”, ...

Cách đây vài ngày, khi nhận được điện thư của Ban Biên Tập Báo Xuân của Nhóm Cựu Sinh Viên Đại Học Khoa Học Sài Gòn, tôi đột nhiên nghĩ đến Tập Thơ này và tôi đã liên lạc với anh Tiền Lạc Quan với nhã ý đóng góp bài vở cho Báo.

Tôi xin được phép mạo muội, truớc là xin lỗi, sau là đuợc xin phép nhà thơ Ngô Văn Tao, người đã bỏ công sức tổng hợp và sao chép Tập Thơ Journal des beaux jeudis, cùng hồn thiêng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và gia đình cho phép “FAN” của ông được trích đăng một số bài thơ cùng vài bức ký họa mà tôi thích, trong đó cũng có một số bài của nhà thơ Ngô Văn Tao và Trịnh Công Sơn ... “Song kiếm hợp bích”.

Thơ và Nhạc cũng như nhiều bức ký họa, biếm họa của Trịnh Công Sơn là những di sản văn hóa quý báu của dân tộc Việt Nam nói riêng và của thế giới nói chung (thế giới của những người đam mê thi ca và âm nhạc). Mong sao các tác phẩm của ông luôn được chắp cánh vươn xa để mọi người yêu lời thơ và dòng nhạc Trịnh được sống mãi cùng ông.

Trịnh Công Sơn được mệnh danh là một “phù thủy” âm nhạc, ca từ của ông đã lưu lại trong lòng mọi người những triết lý sống và thân phận con người. Trưởng thành trong chiến tranh, sống giữa hai lằn đạn, đến hòa bình lập lại cũng đã một thời lận đận, nhưng Trịnh Công Sơn vẫn ngước mắt nhìn đời với những tiếng hát lời ca đã, đang và sẽ mãi mãi vượt thời gian trong kho tàng âm nhạc Việt Nam mà ông là một trong những nhạc sĩ đại diện tiêu biểu.

Ngoài gần 700 tác phẩm để đời, Trịnh Công Sơn còn để lại dấu ấn sâu đậm trong lãnh vực hội họa và thi phú. Ngay cả những thành viên trong gia đình Trịnh Công Sơn hay ngay chính ca sĩ Khánh Ly cũng đều ao ước có đuợc một bức tranh hay một bức ký họa của ông cho riêng mình, nhưng ... “quân pháp bất vị thân”, ông chỉ vẽ khi ... có hứng thú hoặc khi gặp được bạn tâm giao dù rằng chỉ mới giao tiếp lần đầu!

“Nếu có một câu thơ, chỉ một câu thơ thôi để lại dư âm cho người đọc, người thi sĩ thế là đạt. Nếu có một câu thơ, chỉ một câu thơ thôi, người đọc rồi trầm ngâm suy nghĩ, người đọc vậy đã có một ít chân thành và đã mở rộng tâm hồn để thu nhận và tự hỏi ...” (Lời bạt của nhà thơ Ngô văn Tao)

Cũng xin chân thành cám ơn anh Tiền Lạc Quan đã bỏ rất nhiều công sức, trong đó hai anh em chúng tôi đã trao đổi ý kiến, đánh máy, sửa lỗi chính tả và nhất là những bài anh Quan phỏng dịch các bài thơ bằng tiếng Pháp và bài thơ “Dạ Khúc” bằng Hán tự, hầu phục vụ quý Thầy Cô và bạn hữu Khoa Học. Cũng mong sự đóng góp ý kiến của quý Thầy Cô và các bạn.

Trước thềm Xuân Kỷ Hợi 2019, xin được kính chúc quý Thầy Cô cùng các bạn học đồng môn một năm mới thật dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và vạn sự kiết tường.

Sau cùng, xin được phép “nhường lời” lại cho ... một số bài thơ của Trịnh Công Sơn và một vài bức ký họa mà ông đã lưu lại trong thời gian ông dừng buớc ở Montréal, Canada. Hãy cùng nhau đọc, cùng trầm tư và tự hỏi ...

Huy-kha-Ti

Như lời tựa

_____________

Có những bài thơ viết vì một nỗi mơ màng không uẩn khuất,

những bài thơ tuyệt vọng

những bài thơ sáng lạng

một tình cảm rộn ràng

trong phút chốc

Đừng nhớ niềm tuyệt vọng

Hãy nhớ trời cao

mây và mây

bay trên bầu trời lãng đãng

Tình yêu

và gió

thổi mênh mông

một cuộc đời

cuộc đời lận đận

Em ơi gió thổi

Có những con đường

xa xôi

em sẽ đi và đi mãi

Tôi, người thợ nặng nề

vác nặng những cuồng điên

Em ơi

ở lại

ưu phiền

Đầy tuyệt vọng

gió thổi

Trời cao

Áo dày

bận rộn

Có thể mai này ...

Có thể mai này không có gì nặng nợ

Với trầm luân cuộc đời gió hàm oan cứ thổi, mà tôi đi, đi mãi

Không cần ai giữ lại một tấc lòng, tấc lòng không đáng kể, vì có bao giờ ai hiểu rõ chút vô thường vô lượng của lòng tôi.

Montréal 1992

Trịnh Công Sơn

Lối xưa cỏ úa Tao ngồi

Lối này tiệc đãi Tao mời mọc Tao

Bạn bè nhạc rớt nghìn câu

Rượu ngon một chén hầu tao tao mời

hầu tao

Montréal 1992

Ghi chú:

Trịnh Công Sơn dùng chữ rất hay: “Tao” đại từ chủ ngữ (subject, sujet) và “Tao” đại từ bổ ngữ (object, complément d’objet)

nợ đời

“Nợ đời ân oán phân minh”

Vay xong lại trả chút tình ngẫu nhiên.

Trịnh Công Sơn 1992

B. G. Bistrot Crescent

Mùa Xuân bắt đầu với những cô gái ở phố Crescent

Beauté blonde

Crescent phố

Hard Rock ầm ầm

Café đỏ

Em Hồng Vàng Trắng

Tóc

Đêm Montréal

Ta sẽ đi

Và em ở lại

I say Hello

I say Goodbye

Đời sống hồn nhiên

mọc lên mãi mãi

Những khuôn mặt người tình

Những khuôn mặt tình ái

Ngàn năm

Triệu năm

Nhớ em

mãi mãi

Đời sống kỳ diệu

Thương nhớ một người

Làm sao ôm hết

Đời sống trong tay

Tham lam quá độ

muốn cưới cuộc đời

Em ơi giữ lại

Nụ cười cho tôi

......

......

Montréal avril

TrinhCongSon

Solitude

(Séparation de verre, de bois et de chair)

deux bières

deux tables

deux tabacs de même marque

jour ensoleillé

le monde bouge, corps séchés

Tables séparées

Le silence désarme

Un bout de printemps

sonne l’alarme

dans les parcs

innondés

de gens et de chaleur nouveau-née

une bière

une table

un tabac non partagé

TrinhCongSon

Café Chevrier Fin avril 1992

Đơn côi

(Ly bôi, đối ẩm và xác thịt phân ly)

hai ly bia

hai chiếc bàn

hai điếu thuốc mang cùng nhãn hiệu

ngày rực nắng

thế giới chuyển dịch, những thân xác bị phơi khô

Phân ly là những chiếc bàn

Bớt đi im vắng

Một mẩu xuân thì

báo động reo vang

trong những công viên

ngập tràn người là người và hơi nóng mới tỏa

một ly bia

một chiếc bàn

một điếu thuốc không được sẻ chia

Trịnh Công Sơn

Quán cà-phê Chevrier cuối tháng Tư 1992

Tiền Lạc Quan tạm dịch

Darwin, Bắc Úc, tháng 01 năm 2019

À Hunter

Tu te regardes dans la glace

Quand je me regarde dans la glace

La glace me donne un regard

Quand un regard relie un regard

Le regard s’adoucit

Regard glacé

Regard tue

Regard abandonné

Regard pue

La vie et la mort se regardent

Je me fais la glace bâtarde

Errant entre les deux mensonges

Errant entre les deux songes

Trinhcongson

Bar de l’Épingle

Montréal 8 juin 1992

Gửi Hunter

Em nhìn em trong gương

Khi anh nhìn anh trong gương

Tấm gương nhìn anh lại

Khi một ánh mắt nhìn lại một ánh mắt

Ánh mắt dịu dàng đi

Ánh mắt giá băng

Ánh mắt chết chóc

Ánh mắt bị bỏ rơi

Ánh mắt thối tha

Sự sống và cái chết đối mặt nhau

Ta biến tấm gương thành hoang dại

Lang thang giữa hai điều dối trá

Và giữa hai cơn mộng hão huyền lang thang…

Tiền Lạc Quan tạm dịch

Darwin, Bắc Úc, tháng 01 năm 2019

Nhạc Khúc đêm thâu

Đêm về mang mác mênh mông

Tâm tư chán nản cõi lòng buồn tênh

Hận sầu dai dẵng riêng mình

Vì không nhạc khúc, chẳng tình yêu thương

Trầm ngâm trong cõi mộng thường

Biết ai mời rượu, mơ cùng ai say?

Tha hương ngày ấy buồn thay

Mình ta lạnh giá chuỗi ngày đơn côi...

Vì cảm nhận được phần nào ý tưởng một bài thơ hay và sẵn có một ít cảm hứng, Tiền Lạc Quan xin mạo muội phỏng dịch, không rõ có đúng ý tưởng của tác giả không, kính xin tác giả vui lòng lượng thứ và chỉ giáo thêm.

Ba bức ký họa của Trịnh Công Sơn

Như nhà thơ Ngô Văn Tao đã nhận định về Trịnh Công Sơn trong một bài thơ bằng tiếng Pháp, Trịnh Công Sơn vẽ hay viết cũng như nhau thôi: “Tôi không vẽ mà là tôi viết chữ ... Và từ những chữ tôi viết trên đường biên quanh bức vẽ, nẩy sinh thêm nữa một đường biên, đường biên quanh bức vẽ một tấm hình, là tấm hình nét chữ của riêng tôi” (“Je ne dessine pas mais j’écris … Et du contour que j’écris naît un Autre contour, le contour d’une Image, l’image de mon Écriture”).

Thật vậy, nét chữ của Trịnh Công Sơn như là những nét vẽ tài hoa, thật sống động, thật tuyệt vời đầy tính nghệ thuật, và những nét vẽ của ông cũng thật sống động, qua chân dung của nhận vật trong những bức ký họa, ta có thể cảm nhận được phần nào cá tính cũng như tâm trạng của nhân vật lúc ấy.

Xin giới thiệu vài bức ký họa của Trịnh Công Sơn mà riêng tôi thích nhất:

1. Katia

Bistrol Duluth mai 1992

Đây có thể là một nhân vật rất đặc biệt tại Bistrol Duluth, có thể hoàn cảnh éo le của Katia đã làm cho Trịnh Công Sơn và nhà thơ Ngô Văn Tao cảm hứng lưu lại mỗi người một bài thơ trong tháng Tư và viếng lại Bistrol Duluth trong tháng 5 năm 1992 (Trịnh Công Sơn 2 bài thơ và một bức ký hoạ, nhà thơ Ngô Văn Tao 2 bài thơ).

2. Anne

1992

Một bức ký hoạ để lại nhiều dấu hỏi:

- “Il était une fois”: Đã có một lần... ; Đã có một thời... ; Ngày xửa ngày xưa...

- 15 ans (pas de rides): 15 năm (không một nếp nhăn)

Có thể Anne đã có lần gặp Trịnh Công Sơn 15 năm về trước và cuộc tao ngộ này dưới mắt Trịnh Công Sơn, Anne vẫn như ngày nào? Chứ Anne 15 tuổi thì làm gì vào được các quán bar và tại sao có câu “Il était une fois”.

3. Anne . Avril . et le guitariste Khalid

1992 Trinhcongson

Đây là bức ký hoạ trong tập thơ này mà tôi thích nhất, Anne cũng có mặt trong Bar Resto này và Trịnh Công Sơn đã lưu lại những nét vẽ rất tài hoa đầy tính nghệ thuật.