Tôi với tay lấy cây bút ký tên vào toa thuốc đưa cho Lan. Nét mệt mỏi còn hiện rõ trên gương mặt cô gái.

Lan chào:

- Em xin chào bác sĩ em về, chúc bác sĩ một năm mới an bình và hạnh phúc.

- Cám ơn em nhé, về thăm mẹ nhớ nấu cơm ngon cho mẹ ăn nhé.

Lan bước ra ngoài nhẹ đóng cửa.

Tôi bâng khuâng nhìn qua song cửa sổ, nắng chiều đang xuống dần, ngoài đường, chợ đã vắng. Tôi sửa soạn đóng cửa phòng mạch. Chiều nay tôi không về nhà mà sẽ đi ăn với cháu. Lòng dạt dào háo hức.

Thấm thoát mà tôi đã lên chức bà đến năm lần. Tôi tự tính nhẩm là mình đã có lời rồi!

Hơn 40 năm về trước, tôi chân ướt chân ráo đạp chân lên nước Úc thân yêu này sau một chuyến đi vượt biên thật gian nan hãi hùng, tưởng đã phải bỏ thây trên biển cả.

Khi đến Úc, dù đã học tiếng Anh thật nhiều ở Việt Nam, tôi cũng vất vả vật lộn với giọng nói anh văn trong cổ họng của dân Úc Đại Lợi. Tôi nhớ có một lần, một anh sửa ống nước đến nhà xem phần ống bị tắc, khi gần xong anh hỏi tôi bao giờ anh trở lại được mà tôi nghe mãi không hiểu, cuối cùng phải bắt anh ta viết xuống giấy rồi mới hiểu! Ấy vậy mà sau này sang Canada thăm gia đình, cậu em út tôi cứ nhái giọng Úc chọc tôi hoài.

Vì có ông anh đi du học ở Canada nên các anh chị em và bố mẹ tôi đi sang Canada hết, chỉ có tôi và cái gia đình nhỏ của mình lạc loài sang Úc. Tôi còn nhớ trong những ngày tháng đầu, ban ngày lo cho gia đình, chiều tôi hay ra khu rừng sau nhà mà khóc một mình. Tôi nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ anh chị em da diết. Ở Việt Nam, lúc nào cũng đông người, ở Úc sao mà vắng vẻ quá ...

Một thời gian sau, bố mẹ và các anh em tôi qua hết Canada, sự nhớ nhà của tôi cũng nguôi bớt vì tôi có thể gọi điên thoại thường xuyên để thăm hỏi. Bố tôi lần nào gọi cũng hỏi sao tôi chưa đi học lại. Dù là con gái trong nhà, bố tôi luôn nhắc nhở là tôi luôn luôn phải tự lập. Còn mẹ tôi khi đó đã gần 70 tuổi nhưng sẵn sàng qua Úc để trông con cho tôi đi học lại.

Nhờ sự nhắc nhở thường xuyên của bố mẹ mà tôi đã cố gắng trở lại đại học để học tiếp nghề bác sĩ của mình.

Thấm thoát tôi đã hành nghề được gần 30 năm. Tôi cũng đã quen thuộc với đời sống ở Úc.

Ba mươi năm gắn bó với những bệnh nhân người Việt chất phác hiền lành. Tôi vừa là bác sĩ kiêm bạn thân, kiêm cả nghề cố vấn.

Bao nhiêu chuyện xảy ra sau hai cánh cửa phòng mạch. Tôi buồn với cái buồn của bệnh nhân, tôi vui với những thành công thắng lợi của họ, rung động với cả những câu chuyện vượt biên ăn thịt người mà bệnh nhân đã thì thầm kể vào tai tôi.

Tôi yêu nghề, tôi không quản ngại, tôi hạnh phúc trong sự bận rộn và vui vẻ với những gì mình có.

Bố mẹ tôi đã bỏ tôi về thế giới của Tiên của Phật. Tôi biết ơn cha mẹ đã hết lòng dạy tôi thành một người tốt, sống một cuộc đời có lợi ích cho xã hội, lấy việc làm là niềm vui cho cuộc sống. Bỗng dưng mùa Xuân nở rực trong lòng, tôi bước ra khỏi phòng làm việc mà nghe như có tiếng nhạc trong lòng.

Trần Thị Xuyên