Đây là một nhận xét hóm hỉnh của người Việt, theo tôi biết thì không có thành ngữ tương tự trong tiếng Anh, tiếng Pháp. Con người ai cũng thích văn của mình vì những nhận định chủ quan, không nhìn thấy những điểm yếu và những thiếu sót sai lầm, luôn luôn thấy văn của mình lôi cuốn hấp dẫn, thấy mình luôn luôn có lý hoặc cảm thấy mình đã giải thích đầy đủ tường tận. Các học giả Anh, Pháp, Mỹ thường nhận biết điều này, cho nên sau khi viết và sửa lại nhiều lần họ vẫn phải đưa bản thảo của họ cho một số người khác xem và xin ý kiến. Những người khác này có thể là bạn đồng nghiệp, người cộng tác, nhân viên của họ, hoặc một số độc giả bình thường. Những người có trình độ cao sẽ góp ý về chuyên môn, còn ý kiến và những thắc mắc của độc giả bình thường cũng rất quan trọng vì nhờ đó mà người viết có thể nhận ra chỗ nào mình đã giải thích thiếu sót làm cho người đọc không hiểu rõ hoặc hiểu lầm.

Tất cả những người viết chuyên nghiệp đều cần đưa bài cho người khác edit vì khi mình đọc sẽ không nhìn thấy hết những lỗi typing và một số lỗi khác. Khi đọc nhanh, óc người có khuynh hướng tự điều chỉnh một số sai sót về chính tả và văn phạm, cho nên khi đọc văn mình thấy quen thuộc sẽ có khuynh hướng lướt nhanh và bỏ sót nhiều lỗi. Khi đọc văn mình, con người còn có khuynh hướng bỏ qua nhiều lỗi nhận định và những lập luận sai lầm, cho nên có học giả Mỹ đã khuyên nếu muốn đánh giá văn của mình thì phải để ít nhất vài tháng sau đọc lại mới có thể đánh giá tương đối khách quan.

Có người nào có thể ghét văn của mình hay không? Thường là không, chỉ có một trường hợp đặc biệt tôi đã đọc trong một tờ báo Canada (xin lỗi vì đã lâu ngày nên không nhớ là báo gì). Trong một lần xuất bản ấn phẩm mới, Ban Biên Tập Từ Điển Bách Khoa Anh (Encyclopedia Britannica) đã mời một giáo sư đại học viết về một đề tài, và như thường lệ họ gởi bài viết trong ấn phẩm cũ cho vị giáo sư tham khảo. Vị giáo sư này chê bai thậm tệ bài viết cũ làm Ban Biên Tập cảm thấy bối rối vị họ luôn luôn mời những trí thức nổi tiếng chứ không bao giờ mời những kẻ không chuyên môn. Ban Biên Tập tìm lại xem tác giả bài viết đó là ai mà vị giáo sư này chê bai quá nặng lời, và chưng hửng khi thấy đó chính là bài viết của ông hồi trước. Thì ra sau một thời gian dài (khoảng 15 năm bộ Từ Điển Bách Khoa Anh mới in lại một lần) vị giáo sư đã quên rằng đó là chính tay ông viết, ông tưởng là của người khác nên mới chỉ trích thậm tệ như vậy.

Thời xưa người viết văn không có máy đánh chữ, tất cả đều phải viết tay và điều này làm tăng khuynh hướng thích “văn mình” vì bài viết vừa có lập luận quen thuộc vừa có nét chữ thân quen. Văn hào Tolstoy có một cách giải quyết: Sau khi sửa bản thảo xong ông đưa cho vợ chép lại, ông đọc lại lần thứ hai và sau khi sửa chữa lại đưa cho vợ chép lại lần nữa. Có khi vợ ông phải chép đi chép lại cho ông sửa hàng chục lần ông mới vừa ý. Vì không phải là nét chữ của ông, ông có thể dánh giá văn mình khách quan hơn, nhờ đó ông đã viết được kiệt tác Chiến Tranh Và Hòa Bình, cho tới nay vẫn là một trong những tác phẩm văn học có giá trị nhất thế giới.

Thời nay, người viết dùng computer vừa dễ dàng vừa tiết kiệm rất nhiều thời gian. Có thể sửa chữa, cắt bỏ những câu và những đoạn thừa, thêm vào những chỗ còn thiếu, chuyển một đoạn từ chỗ này sang chỗ khác, ... tất cả đều có thể thực hiện gọn gàng nhanh chóng. Bài đánh máy bằng computer lại không có nét chữ của mình, nên người viết có thể tự đánh giá khá khách quan. Nếu viết bằng tiếng Anh thì computer giúp mình check spelling and grammar rất tiện lợi. Tuy nhiên, khi viết tiếng Việt thì người viết vẫn dễ mắc những lỗi typing mà không tự biết. Những bài viết của tôi cho báo Xuân Khoa Học Sài Gòn thường có một số lỗi mà tôi không để ý, may có anh Tiền Lạc Quan giúp tôi edit bài viết và tôi rất cám ơn anh chuyện này.

Tóm lại, nhờ có computer mà người viết hiện nay có rất nhiều tiện nghi và có thể tự sửa chữa văn mình khá dễ dàng. Tuy nhiên, muốn tự đánh giá khách quan thì vẫn nên để bài viết trong computer vài tháng sau mới đọc lại và sửa chữa, đồng thời vẫn cần đưa cho những người khác xem để có những ý kiến phản hồi (feedback). Đối với các học giả và những nhà nghiên cứu, chuyện thích “văn mình” và “ý mình” và không quan tâm đến những feedbacks có thể khiến họ phạm phải những sai lầm rất lớn - họ tạo ra những lý thuyết hoặc học thuyết sai lạc và vô giá trị nhưng lại rất tin tưởng vào những suy nghĩ của họ. Tiếng Anh có từ “pet theory” đễ gọi những lý thuyết chưa chắc đúng nhưng được tác giả rất yêu thích. Và khi “pet theories” đứng trước nguy cơ sụp đổ, các tác giả thường sẵn sàng gian dối để bảo vệ lý thuyết của mình hoặc tìm cách triệt hạ những kẻ công kích, bởi vì họ đã đi quá sâu vào những sai lầm và thú nhận điều này có thể dẫn đến tiêu tan sự nghiệp. Sự phát triển của Chủ Nghĩa Cộng Sản trong thế kỷ 20 cho những thí dụ cụ thể về khuynh hướng thích “văn mình” và “ý mình” đã tạo nên nhiều hậu quả nghiêm trọng về chính trị và xã hội. Đây là những vấn đề rất phức tạp, trong phạm vi bài này tôi chỉ nói sơ qua vài ý chính mà thôi.

Khởi đầu là Karl Marx, một học giả khá uyên bác nhưng thiếu thực tế, không hiểu biết về chính trị, quyền lực và không có kiến thức căn bản về kinh tế và xã hội. Chủ Nghĩa Cộng Sản do ông khởi xướng chỉ là một “pet theory” đầy những sai lầm và không thể áp dụng thành công trong bất cứ xã hội nào, nhưng lại có sức lôi cuốn rất mạnh đối với các giai cấp công nhân và nông dân nghèo khổ trên thế giới (vì chưa áp dụng trên thực tế, đa số đại chúng chưa có ý thức về những lạm dụng của chế độ cộng sản). Tình trạng lạc hậu và hỗn loạn ở nước Nga đầu Thế Kỷ thứ 20 là môi trường lý tưởng cho những ai biết lợi dụng Chủ Nghĩa Cộng Sản để nắm quyền lực, và nhà hùng biện Vladimir Lenin đã trở thành lãnh tụ tối cao. Là người thực dụng khôn ngoan, Lenin thử áp dụng các biện pháp tập thể hóa công nghiệp và nông nghiệp – sau khi thấy tình hình càng ngày càng tồi tệ, Lenin đã hủy bỏ các biện pháp này và cho áp dụng New Economic Policy (NEP) theo nguyên tắc căn bản của kinh tế thị trường. Nhờ vậy nước Nga nhanh chóng phục hồi - nếu NEP dược áp dụng lâu dài thì Liên Xô có thể trở nên giống Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình, Đảng Cộng Sản là đảng nắm quyền nhưng Chủ Nghĩa Cộng Sản không được áp dụng trên thực tế cho nên kinh tế dễ phát triển.

Tuy nhiên, sau khi áp dụng NEP không bao lâu thì Lenin bị bán thân bất toại, quyền hành lọt vào tay Stalin. Sau khi Lenin mất, Stalin lại cho tiến hành việc tập thể hóa nông nghiệp và hậu quả tất nhiên là nạn đói lại xảy ra khắp Liên Xô. Những trí thức có lương tâm không thể thuyết phục giới lãnh đạo thay đổi chính sách, bởi vì bọn trí thức thực dụng đã đi theo con đường trái ngược cho dễ thành công: hùa theo những sai lầm của giới lãnh đạo để được tin tưởng và giao quyền hành. Trong số này, điển hình là Trofim Lysenko, một Biologist không có tài về khoa học nhưng giỏi trình diễn và được Stalin tin dùng. Những lý thuyết và nghiên cứu về nông nghiệp của Lysenko hoàn toàn sai lầm và làm nạn đói ở Liên Xô trầm trọng hơn, nhưng vì có quyền hành trong tay, Lysenko đã bảo vệ các “pet theories” của mình bằng cách cho thầy mình vào tù, sa thải những chuyên gia không tuân phục, tống nhiều khoa học gia tài năng vào trại tập trung hoặc nhà thương điên, chụp mũ các khoa học gia nước ngoài là phản động và chỉ biết phục vụ giai cấp tư bản... Theo Wikipedia, Trung Quốc thời Mao Trạch Đông cũng tập thể hóa nông nghiệp và áp dụng những lý thuyết nông nghiệp của Lysenko, hậu quả là khoảng 30 triệu nông dân Trung Quốc bị chết đói. Sau khi Khruschev lên thay Stalin năm 1953 thì Lysenko bị thất sủng và chết ở Moscow năm 1976. Theo tường thuật của báo Sputnik, cho tới khi chết Lysenko không bao giờ hối hận, không bao giờ thừa nhận những sai lầm và những tội ác của ông khi làm Giám Đốc Di Truyền Học trong Viện Hàn Lâm Khoa Học Liên Xô.

Vấn đề thích “văn mình” và bảo vệ lý thuyết của mình có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng, thế còn chuyện thích “vợ người” thì sao? Đây cũng là một chuyện thường xảy ra. Bản năng đàn ông thích chinh phục, thích tranh giành với người khác, thích ái hoa, thích của lạ, thích hàng mới, ... Thời xưa, người có quyền lực và người chiến thắng có quyền cướp vợ người khác mà không ai dám phản đối. Dương Ngọc Hoàn nguyên là vợ của Thọ Vương Lý Mạo và là con dâu của Đường Minh Hoàng, nhưng nhà vua thấy nàng đẹp quá nên đã cướp vợ của con rồi pĥong nàng làm Quý Phi. Thành Cát Tư Hãn hồi còn trẻ cũng bị một bộ tộc khác tấn công, ông chạy thoát được nhưng vợ ông bị bắt và phải theo người khác. Sau khi tập hợp được một lực lượng khá mạnh, ông đã phản công đánh bại kẻ thù và đem vợ về. Ông không hề trách vợ đã “thất tiết” với mình và vẫn tôn trọng vợ, đối với ông thì chuyện kẻ mạnh chiếm vợ của kẻ yếu là chuyện bình thường, còn chuyện ông để vợ bị bắt thì dó là lỗi của ông.

Chuyện cướp vợ người đã gây nên một cuộc chiến tranh rất nổi tiếng trong lịch sử nhân loại, đó là cuộc chiến thành Troy được thuật lại trong một bản trường thi của Homer. Trong cuốn tiểu thuyết cổ điển Kim Bình Mai, Tây Môn Khánh là một cường hào đã thông dâm với vợ của Võ Đại Lang là Phan Kim Liên, vì muốn chiếm đoạt Kim Liên nên Tây Môn Khánh mưu hại chết Võ Đại Lang. Từ đó xảy ra vụ “Võ Tòng sát tẩu” – Võ Tòng là em Võ Đại Lang và là một anh hùng Lương Sơn Bạc đã giết chị dâu Phan Kim Liên để trả thù cho anh. Trên thực tế, những chuyện ngoại tình và cướp vợ giựt chồng luôn luôn tạo ra những vấn đề trong gia đình và ngoài xã hội.

Nói chung thì chuyện thích vợ người không phải hoàn toàn do lỗi đàn ông ham của lạ, mà đàn bà cũng góp một phần không nhỏ vào chuyện này. Theo nhận xét của nhân vật Giả Bảo Ngọc trong truyện Hồng Lâu Mộng, con gái lúc trẻ giống như viên ngọc quý, đến khi lấy chồng thì lộ ra bao nhiêu là tính xấu, và đến khi về già thì kinh khủng – không hiểu sao cũng là môt người mà lại có thể thay đổi nhiều như vậy. Einstein thì nhận xét rằng bi kịch của hôn nhân là đàn ông chỉ mong đàn bà đừng thay đổi, nhưng họ thay đổi rất nhiều sau khi cưới, còn đàn bà luôn luôn muốn đàn ông thay đổi theo ý mình nhưng đàn ông lại không thay đổi được. Do đó việc hai bên bất mãn nhau thường không thể tránh và hai bên thường tỏ ra lạnh nhạt với nhau. Và mặc dù lạnh nhạt với chồng, đàn bà thường niềm nở với đàn ông lạ – chồng làm cho mình bao nhiêu việc cũng coi như không có, còn đàn ông lạ chỉ cần ga-lăng vớ vẩn là tỏ ra cảm động, mắt chớp chớp, cười rất tươi, ... Như vậy, thử hỏi làm sao đàn ông không thích vợ người khác hơn là vợ mình?

Có một câu chuyện có thực xảy ra bên Pháp: Có hai anh bạn thân thường xuyên giao thiệp gần gũi nhau, anh này thích vợ của anh kia hơn vợ mình. Hai anh thú thực với nhau, rồi bàn nhau là thử hỏi hai người vợ xem có chịu đổi chỗ cho nhau không. Kết quả là cả hai anh cùng bị vợ chửi te tua – tôi không biết sau đó hôn nhân của hai anh có bị tan vỡ vì sự dại dột này hay không. Cả hai anh đều quá ngây thơ, không hiểu đàn bà thường niềm nở với đàn ông khác hơn là chồng mình cho nên mới có sự hiểu lầm tai hại như vậy.

Trong xã hội cổ truyền Do Thái hay Việt Nam, việc thông dâm với vợ người hoặc cướp vợ người khác bị xem là tội lỗi. Tuy nhiên, trong xã hội Âu Mỹ hiện nay việc quan hệ với vợ người khác đã trở thành khá bình thường. Vì tỉ lệ ly dị quá cao, cả đàn ông và đàn bà đều có quyền kiếm một người nào đó phòng xa, để khi hôn nhân tan vỡ sẽ có sẵn người để “move on”. Nhiều người thời nay có khuynh hướng sống buông thả theo bản năng, không quan tâm đến những quy tắc đạo đức hoặc luân lý. Nhìn họ tôi cảm thấy như mình… lạc hậu, nhưng tôi không thể theo họ được. Đối với tôi, việc ngưỡng mộ sắc đẹp của những đàn bà khác vợ mình và chuyện thích vợ người khác là bình thường, bản năng của đàn ông là như vậy. Đó không phải là tội lỗi và không gây hậu quả xấu nếu mình biết tự kiềm chế, không biến ý thích thành hành động. Nên giữ kín những cảm nghĩ này không thổ lộ với ai, vì có nhiều người không chấp nhận được một số thực tế. Trái tim con người vẫn còn nhiều thú tính, cần cố gắng kiềm chế để có thể phát triển những giá trị nhân bản. Sự kiềm chế khuynh hướng thích “văn mình, vợ người” có thể coi là sự kiềm chế kiêu ngạo và dục vọng – Pride and Lust, đó là hai trong bảy tội lỗi chính (The Seven Capital Sins, or Les Sept Péchés Capitaux) theo quan điểm đạo đức Tây Phương. Chuyện này không dễ làm, nhưng mình nên luôn luôn cố gắng nếu muốn tạo dựng một gia đình bình thường và tránh gây nghiệp xấu cho bản thân và con cái trong tương lai.