- Lời Giáo Đầu - Huỳnh Khánh Tiết

Hồi nhỏ tôi đã có sẵn cái máu sưu tập, từ hình kiểu (chơi vít hoặc tạt hình), bi (viên bi chơi bắn bi), nắp khoén (đập giẹp) cho đến các tờ chương trình ở các rạp chiếu bóng (xi-nê-ma) Saigon - Tân Định - Gia Định (tôi sinh ra và lớn lên gần chợ Bà Chiểu nên các tờ chương trình các rạp Đại Đồng, Cao Đồng Hưng và Huỳnh Long là gom được nhiều nhất, có phim không coi cũng xin để ... đó!). Nhưng đậm nhất vẫn là chơi tem thơ (do ba tôi làm đại diện cho hãng Siemens, liên lạc thư từ quốc tế thường xuyên, nên ông thường đem các bao thơ có tem về nhà cho các anh em tôi chơi). Đến giờ, sau hơn 36 năm tha hương trên đất khách quê người, cái máu sưu tập này đã theo tôi một cách bền bĩ, dai dẵng và ... không một chút mệt mỏi!

Nhớ từ ngày ra khỏi trại St. Martin de Crau (miền Nam nước Pháp) đầu năm 1983 và định cư ở Marseille (thành phố lớn thứ nhì và là thành phố cổ nhất nước Pháp), hầu như không một weekend nào mà không có dấu chân tôi ở các buổi chợ trời, chợ sách, chợ tem, chợ phiên, …

Thời chân ướt chân ráo ở Marseille, có lần đang đứng xem họ bán carte postale xưa Thế Giới (trong đó có một ít carte Indochine), một ông Tây già lân la lại và bất ngờ hỏi tôi có muốn chơi carte Indochine không, vì ông cần tiền nên muốn bán. Đó là bộ sưu tập khoảng ... 2.000 tấm cartes postales Indochine! (Có lẽ ông là cựu lính Lê Dương đã từng phục vụ ở Indochine trong thời kỳ Pháp thuộc nên mới chơi dữ dằn như vậy.) Giờ nhớ lại vẫn còn tiếc hùi hụi, chỉ vì thiếu “Đức” (Thánh Trần) và câu hỏi “đầu tiên” (tiền đâu?).

Một lần khác nữa, ở chợ trời lớn nhất Marseille (La Rose) nhóm họp thứ Bảy và Chủ Nhật hằng tuần, có một tay trung niên mang một valise, bày bán hơn một trăm tấm ảnh chụp ở Việt Nam của “Service Presse Information”, ảnh chụp trong khoảng thời gian 1945-1954. Lục hết túi và vay anh bạn đi cùng cũng chỉ mua được vài chục tấm mà ... không quơ hết được! Cũng may là họ chịu bán lẻ và cho tôi lựa, dĩ nhiên là giá cả mắc hơn là mua … trọn gói. Có một điều chắc chắn là cho đến thời khắc hiện tại, hầu hết các tấm ảnh mà tôi có chưa thấy xuất hiện trên mạng tấm nào!

Lưu vong được hơn mười hai năm ở Pháp thì đùng một cái, một dịp may tình cờ đã đưa đẩy tôi và nhà tôi sang biên giới kế cạnh, xứ “Đồng hồ – Phô-mát – Sô-cô-la”. Trải qua một thời gian dài thử thách (tối thiểu ít nhất là ... muời hai năm), cuối cùng gia đình tôi chính thức được tuyên thệ để trở thành công dân Thụy Sĩ, quê hương thứ ba.

Thụy Sĩ còn được mệnh danh là xứ sở của “núi và hồ”, tuy nhỏ bé (diện tích chỉ bằng một phần mười lăm nước Pháp) nhưng có nền kinh tế vững mạnh (ngân hàng, du lịch, đồng hồ, …) vẫn luôn cự tuyệt vào khối Liên Minh Châu Âu, đứng ... tòn ten một mình và sử dụng đồng tiền quan độc lập.

Có lẽ Thụy Sĩ là nước trung lập và không bị ảnh hưởng của hai trận Đại Chiến Thế Giới nên các công trình kiến trúc cổ, sách vở xưa và cây xanh cổ thụ còn nguyên vẹn, riêng phần đồ xưa thì ... “chạy đầy đường”! (phỏng theo cách nói lối sau “Giải Phóng” 1975). Cũng vì lý do này mà tôi đã thay đổi quan điểm ... “máu sưu tầm” của tôi, được nâng cấp và tiến thẳng sang lãnh vực Châu Âu (trước tôi chỉ trung thành sưu tập tem thơ, sách báo, bưu thiếp, tài liệu, tranh ảnh ... về lịch sử Việt Nam). “Xếp lớn nhà tôi” cứ ... càm ràm hoài (dù là lấy lệ vì tôi ... “lì đòn” quá!), bả càm ràm mỗi khi ở nhà xuất hiện một món đồ mới (nhưng tuổi đời đến ... cả thế kỷ!). Nói thêm là nhạc phụ tôi cũng là một người đam mê đồ xưa … “thứ thiệt” và am hiểu sâu rộng nghệ thuật kim cổ, những khi bác Vương Hồng Sển được một món đồ không lai lịch rõ ràng, bác thường chạy qua nhà nhạc phụ tôi để trao đổi và xin ý kiến ông. Con rể mà hưởng cái gen của ba vợ thì cần được ... xí xóa và nâng đỡ (không phải nâng đập à nha!) phải không? Và cũng may là tôi mê đồ xưa chứ mà mê ... “người xưa” chắc không ... có cửa!

Bác thường chạy qua nhà nhạc phụ tôi để trao đổi và xin ý kiến ông. Có lần ông nói với tôi: "Chơi đi con, hay lắm! Tuy mình không có tài làm ra vật hay, của lạ nhưng ít ra mình có công tìm được nó, giữ và lưu truyền nó đến các thế hệ mai sau." . "Đời sống càng văn minh, tiến bộ thì những đồ xưa, vật chạm khắc, tranh Đông Hồ ... đi vào dỉ vãng nhưng nguợc lại giá trị của nó càng tăng.". Và trong một cơn bạo bệnh cuối đời, dù đang bị hành xác, ông cũng ráng lục lọi tìm cho thẳng con rễ các đồng tiền xu thời Nguyễn, bộ tiền xu này tôi đã mang về từ lâu, đến giờ tôi vẫn chưa có thời gian hệ thống hoá lại nó vì ... bận cày bừa đầu tắt, mặt tối và sự hạn chế của tôi về tài liệu cùng các chữ Hán tự trên các đồng tiền xu khó đọc. Ở ông, tôi học được đức tính khiêm nhường, lòng đam mê và giãn đơn trong cuộc sống.

Thực tình mà nói chắc không một ai trong đám cựu sinh viên Đại Học Khoa Học mà có cái máu ... “gàn” như tôi, thời giờ rảnh rỗi không đăn-xê (danser), nhậu nhẹt hay làm “jốp” hai (job) mà lại đâm đầu vào những việc ... không có hồi kết! Không biết ai sao chớ tôi mà cằm được, sờ vào được hay mân mê một quyển sách xưa (dĩ nhiên là có chọn lọc) thì cái niềm vui sướng khó mà diễn tả nổi, giống như mình đang ở sân vận động, sống trong không khí “live” của một trận chung kết bóng đá quốc tế vậy!

Để không làm mất thời giờ xuân của bạn đọc (tôi luôn trân trọng với thời gian), sau đây tôi xin được phép chia sẻ phần trích lượt một số đồ vật … “lạc-xon” mà tôi đã có duyên và may mắn ... “thỉnh” được.

Vì chỉ có máu mê (xin đừng lầm với máu ... dê), còn trình độ hiểu biết rất nông cạn, kính mong quý thầy cô và các bạn hữu nếu biết rành và thông hiểu về những món đồ xưa này, xin bổ túc hoặc xác minh dùm, xin được cảm tạ trước.

Sau cùng, xin được chân thành cám ơn anh Tiền Lạc Quan trong Ban Biên Tập là người theo sát tôi về bài này, đã dành nhiều thời gian quý báu (ngay cả cuối tuần) để liên lạc thường xuyên với tôi, hướng dẫn, giúp ý kiến, sửa lỗi chính tả, làm hình, ... để cuối cùng bài này kịp thời được trình làng, góp một phần trên trang báo “gà nhà” Xuân Kỷ Hợi năm nay.

Người “sưu tầm - lượm lặt”

Huy - kha - Ti

Đồng hồ quả lắc thời Indochine

Hình xưa 1952

Sưu tập Tiền xưa

Sách xưa

Vô đề

Họa Phẩm