Chỉ mới đọc hai chữ kỷ niệm, là biết bao ký ức rộn rã quay về.

- Bắt đầu từ chỗ nào đây?

- Giờ học

Trong giảng đường nghe thầy cô giảng bài, hay giờ thực tập, loay hoay làm hư lên hư xuống, cãi nhau chí chóe về biện luận kết quả. Tại vì hễ đúng thì cả nhóm cùng được, hễ sai thì cả 4 tên lãnh đủ (bởi vậy mới phải cãi nhau, chứ khi thi làm một mình thì rán chịu).

Ký ức như một cuốn phim quay chậm, ngược dòng thời gian. Hình ảnh thầy cô chập chờn, xen kẽ với hình ảnh bạn bè, thấp thoáng đâu đây cây phượng trước văn phòng, hàng điệp rợp bóng suốt con đường phía sau dẫn tới Giảng Đường II. Lớp đông Thầy giảng ở đây, lớp ít người vô Giảng Đường I phía cổng chính đi vào. Còn những chứng chỉ như Sinh Lý Thực Vật, cô Mai Trần Ngọc Tiếng luôn luôn chọn căn phòng nhỏ dọc theo đường đi ra phía sau trường. Các phòng này kê bàn ghế giống như trong các lớp thời trung học. Thầy Đinh Văn Hoàng giọng khàn khàn, chưa bao giờ chúng tôi thấy thầy nổi giận, lúc nào thầy cũng tươi cười và hay pha trò.

Hình ảnh “những người đi qua đời tôi” cứ chập chờn ẩn hiện. Những khuôn mặt bạn bè lo lắng đi tới đi lui bên ngoài nhìn qua cửa kính, chờ cho mình bốc thăm thi thực tập câu nào. Bởi vì học chung, tụi nó rành quá mà, câu nào con nhỏ này bí, câu nào là “tủ” của nhỏ kia. Chúng nó sốt ruột cho tới khi bên trong giơ ngón tay lên, tụi nó mới thở phào biến mất, yên tâm vì con nhỏ bên trong đang thi thực tập, đã bắt trúng câu “tủ” của nó. Trời ơi, chúng nó chỉ muốn cùng nhau học chung thời khóa biểu, các chứng chỉ chuyên khoa cùng giống nhau. Để còn có thời giờ dung dăng dung dẻ dạo phố, ăn chè, xem phim (cũ) ở “Nhà Văn Hóa Thanh Niên” (Làm như chỗ này là nơi lui tới của thanh niên có văn hóa, còn du côn đi chỗ khác chơi). Hồi xưa chẳng có bảng “Xóm Văn Hóa”, nhưng hàng xóm tối lửa tắt đèn không cần đóng cửa. Còn bây giờ trong “xóm văn hóa”, nhưng nhà có kẽm gai trên nóc rào, cửa sắt gắn 3 cái khóa. Thằng con ở Mỹ về, ngớ ngẩn hỏi: Tại sao phải cần tới 3 cái? Bà cô đã già, nhưng trả lời rất nghiêm trang, không hễ giỡn: Mở 3 cái thì lâu hơn mở 1 cái. Làm sao con tôi có thể hiểu được, ít ra người trong nhà còn có thời gian phát giác: Có kẻ trộm bên ngoài.

Khi cô Tuệ Quang từ Pháp trở về, Ban Sinh Lý Sinh Hóa có thêm Chứng Chỉ Vi Sinh Sinh Môi. Tôi vẫn nhớ hoài thầy Phùng Trung Ngân đã nói khi vào vấn đáp: Tôi không ngờ chị hiểu về môn học còn hơn điều tôi mong đợi. Vâng, thưa thầy em đã say sưa viết để trả lời câu hỏi: Đứng trên lập trường các nhà Sinh Môi Học, chị nghĩ gì khi người đời bảo họ là những người lo chuyện viển vông. Thưa thầy, chẳng những em được thầy khen, mà khi nghe biển miền Trung cá chết hàng loạt, trôi giạt vào bờ trải dài cả cây số, bao nhiêu tấn cá nằm trắng bờ. Em đã viết bài “Lo bò trắng răng”, “Khuất mắt trông coi” gởi đăng trên báo. Em muốn gởi cho mọi người xem, những khuôn mặt thẫn thờ của người dân nghèo vùng biển, nay không còn kế sinh nhai. Còn đâu Rừng vàng biển bạc, những tài nguyên thiên nhiên đã bị khai thác đến cạn kiệt. Lời thầy dạy: Chúng ta phải bảo vệ môi trường, không phải chỉ cho chúng ta, mà còn cho đời con cháu mãi mãi xinh tươi. Rừng “nguyên sinh”, rừng “thứ cấp”, … tất cả đều hoang tàn xơ xác. Các cây gỗ quí những lần đi du khảo, thầy ân cần dặn dò phải duy trì bảo tồn cho các thế hệ sau này. Thưa thầy, các cây gỗ quí vẫn được bảo tồn bằng cách biến chúng thành những kèo, những cột, những giường, những tủ, những bộ bàn ghế chỉ để trưng bày trong những ngôi biệt thự lộng lẫy tráng lệ mà chủ nhân của nó ít khi ghé tới, bởi vì họ có quá nhiều nhà. Thầy còn bảo cây trong rừng để ngăn chận lũ lụt, cây trong thành phố để cung cấp oxy, làm sạch không khí đang bị ô nhiễm vì khí thải. Những lời thầy giảng năm xưa, tất cả đều không có ai nghe. Họ, tất cả cùng một giuộc “Mũ ni che tai, sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi” chẳng có ai có rảnh lo chuyện bao đồng. Họ gọi các nhà lo cho môi sinh, là những kẻ dở hơi, lo bò trắng răng, đã chết đâu mà sợ. Biết bao nhà tranh đấu bảo vệ môi trường gióng lên tiếng chuông báo động cho “TIỀN ĐỒ” của con cháu Lạc Hồng:

“Toàn dân nghe chăng sơn hà nguy biến”.

Ai cũng lo lắng ưu tư cho “Tiền đồ của dân tộc”. Hai chữ “Tiền đồ” bây giờ sao nghe xa lạ, hàng ngày người ta chỉ biết tiền tươi, tiền ảo, tiền bôi trơn, tiền mãi lộ, tiền bảo kê, tiền lót tay. Hay câu: “Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”. “Tiền mất tật mang” nghe còn dễ hiểu hơn “tiền đồ”.

Rừng vẫn tiếp tục bị khai thác vô tội vạ, biển ô nhiễm đâu có ai thấy, vì mọi thứ đều “lấy nước làm sạch”, cứ tuôn rác xuống ao hồ sông suối, nước sẽ xóa tan mọi chứng tích. Người ta cho người lạ thuê đất, để họ lập nhà máy chế tạo gang thép. Đây đúng là “sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi”. Ngư dân bỗng dưng thất nghiệp hàng loạt, từ đời ông đến đời cha, đời con tới đời cháu, họ chỉ biết hằng ngày ra khơi, “cha truyền con nối”, kiếm ăn nhờ biển. Giờ thuyền ghe nằm ụ, họ không biết xoay sở làm sao. Các ông to bà lớn thì hỏi: muốn cá hay muốn thép. Có cá thì dân no, còn thép thì quan no. Vậy mà cũng hỏi.

Chất thải tuôn vào biển giết chết tôm cá, chắc chừa mấy ông quan to? Khí thải thả ra trên không trung, chắc chỉ chui vào phổi dân nghèo?

Chưa bao giờ lời thầy giảng năm xưa về môi sinh trở nên nóng bỏng như ngày hôm nay. Tất cả mọi nơi trên toàn thế giới người ta nhao nhao kêu gọi “Bảo vệ môi trường”. Nước, không khí, đất đai không còn nằm trong phạm vi biên giới. Đó là trách nhiệm của bất cứ con người nào ở đâu, bao giờ. Ở quê tôi người ta toàn “Tát bùn sang ao, Đánh trống bỏ dùi”, rồi “đâu lại vào đấy” mà thôi, tại vì “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Họ đang “tội nghiệp” cho dân không có “Nhà hát giao hưởng” tầm cỡ quốc tế. Thấy người ta ăn măng, mình cũng bẻ lạch giường!

Chuyện trăn trở còn nhiều, khi quê nhà bất công vẫn còn đầy rẫy, đó là bộ phim dài nhiều tập, chả biết bao giờ “trời lại sáng”.

Bây giờ mình phải kể chuyện vui chứ. Suốt từ năm tiểu học, trung học, cho tới khi lên đại học, lúc nào tôi cũng “cặp kè” với một cô bạn thân duy nhất, người đẹp nhất trường. Nhờ vậy tôi được uống nước chanh chùa, xem phim miễn phí. Đơn giản là cặp kè với người đẹp, mà tôi lại lém lỉnh láu cá, nên nhiều chàng “sập bẫy”. Quí vị có nhớ câu lạc bộ trong trường, về sau gọi là cafeteria hay căn-tin. Giờ nghỉ tôi thấy đàng xa có anh chàng cứ đăm đăm nhìn về phía hai đứa tôi, trong túi không có tiền, nhưng tôi ghé tai con nhỏ bạn: Mầy có muốn uống nước chanh chùa không? Con nhỏ trợn mắt, tôi nói: Theo tao! Hai đứa ung dung đi vào câu lạc bộ, tôi chọn bàn trống. Dĩ nhiên con mồi mắc bẫy, anh chàng kia tò tò đi theo (cơ hội bằng vàng). Tới bàn hai đứa, con mồi lịch sự: Hai cô có thể cho tôi ngồi chung bàn không ạ? (được quá đi chứ). Thế là tôi giả bộ “thục nữ”, còn con bạn tôi thì mắc cỡ (cho cái mánh của tôi) cứ cúi gằm cười, lắc đầu nhè nhẹ (ý chịu thua con bạn láu cá). Tui thừa biết mình chả ai thèm, nên cứ ung dung tận hưởng ly nước chanh ngọt lịm. Còn phải nói, muốn làm quen người đẹp uống 1 phải trả 3. Mấy hôm sau gặp lại cứ tỉnh bơ như người xa lạ chưa biết bao giờ.

Hết chàng này bao uống nước, tới chàng kia mời xem phim ở Nhà Văn Hóa Thanh Niên: “Chủ nhật này có Phim Alain Delon đóng, Mi và Vân đi xem nhé!” Giả bộ cho năn nỉ một hồi mới ừ, Chủ nhật giao hẹn gặp nhau ở đằng nớ, chứ sợ mẹ lắm, hổng cho đón ở nhà đâu. Cỡ nào mà chả chịu (“Sợ truông nhà Hồ, ngại phá Tam Giang”).

Ngoại trừ chuyện mua thêm 2 vé, còn có 2 bịch kẹo và ô mai. Hết phim, đèn vừa bật sáng, đã sốt ruột hỏi (ra điều kể công chọn được phim hay): “Sao Mi thấy phim có hay không?” (Tại người đẹp mắc cỡ im thin thít). Ngập ngừng (e lệ) M. thấy: hình như chỉ có kẹo và ô mai là ngon thôi. Mấy chàng này có chung một tên: Dã Tràng. Tại tui biết rành, bồ (ruột) của con bạn tui đi lính, đang đóng ở Long An. Quí vị ơi, có bạn là người đẹp, được ăn ké nhiều lắm. Người ta rán trổ tài đàn hát, lại tấm tắc khen: sắp bằng Tuấn Vũ. Người được khen (giận lắm) lắp bắp: Tuấn gì? Ý lộn: Tuấn Ngọc. Tui quên, ông đời nào ca nhạc “sến”.

Biết bao anh chàng làm nghề “xe cát”: “Dã Tràng xe cát biển Đông, Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì”.

Đã 40 năm rời xa trường cũ, nhưng ký ức không hề phai nhạt.

Bài hát “Làng tôi” của Chung Quân, là nỗi nhớ da diết cho người con xa xứ. Trong tâm tưởng quê cũng là nhà, xóm cũ, trường xưa.

“Trường (quê) tôi chìm chân trời mờ sương,

Trường (quê) tôi là bao nguồn yêu thương.

Trường (quê) tôi là bao nhớ nhung se buồn,

Là bao vấn vương tâm hồn người bốn phương.”

Lại thị Mơ