1974 – 2019, đến nay đã gần 45 năm rồi còn gì nữa.

Hôm mới đậu Tú Tài IBM, khóa 1, ngày 26 tháng 6 năm 1974, tôi còn hăng lắm, cái hung hăng háo thắng của một chú bé mới lớn, chưa biết trường đời. Cứ ngỡ rằng đường tương lai đã rộng mở, vì mình đã vượt được qua khỏi ngưỡng cửa Trung Học với cái đe dọa bị ám ảnh thường xuyên là bị bắt đi lính, nếu thi rớt. Có lẽ, đó là nỗi lo sợ hàng đầu của phần đông bọn con trai chúng tôi, vào thời ấy.

Hồi còn bé, từ những năm lớp Tư, lớp Năm tôi hay xin Bố tôi ống chích, kim và những ve chai thuốc kháng sinh Penicillin, Streptomycin, bằng thủy tinh với nút đậy cao su, được gắn chặt bằng viền nhôm mỏng có thể gỡ nút ra sau khi đã chích hết thuốc, rồi pha vào đó nước đủ màu xanh, hồng, đỏ, tím, vàng, … Tụ tập những đứa trẻ cùng xóm bắt chước Bố tôi để nghe, khám bệnh, và chích thuốc cho bọn chúng nó. Có cả bọn con gái cùng chơi chung. Thuốc phát của tôi là những viên kẹo m&m đủ màu, hoặc những viên đường Fructose với Vitamin C hương thơm chua ngọt, do người Mỹ viện trợ cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Ôi sao cái tuổi thơ nó dễ thương quá và đong đầy mộng ước, đẹp như mơ.

Với ước mơ được làm bác sĩ từ bé, tôi và Trần Công Thiện, thằng bạn chơi với nhau từ những năm lớp Tư thời tiểu học, đến Trung Học Bình Long, Võ Trường Toản Sài Gòn rồi vào Đại Học Khoa Học, đã vội vã chạy xe thẳng đến trường Đại Học Y Khoa Sài Gòn. Dù biết rằng, mình chưa đủ điều kiện để thi thẳng vào đấy, hai đứa vẫn cứ đi.

Vào trường, gặp một anh sinh viên Y Khoa hỏi qua về kết quả Tú Tài của hai đứa tôi, rồi khuyên nhỏ nhẹ: “Hai cậu còn hăng quá, về đợi đi. Các cậu còn phải vào trường Khoa Học Sài Gòn ghi danh học một trong những chứng chỉ dự bị dành cho kỳ thi Y Khoa, rồi mình mới nói chuyện tiếp nhé.” Tôi không biết việc học của anh ta ra sao, mà khi nói chuyện với chúng tôi, anh có vẻ mỏi mệt lắm. Với vẻ mặt tiu nghỉu, chúng tôi buồn bã đi về…

Khóa thi năm ấy, năm 1974, thật là một định mệnh. Năm đầu tiên và cũng là năm thi Tú Tài Trắc Nghiệm cuối cùng của chính thể Việt Nam Cộng Hòa. Bọn học sinh trung học chúng tôi phải tham dự kỳ thi Tú Tài mà không phải viết bài, tính toán, biện giải dài dòng trên giấy, mà chỉ cần dùng cây bút chì đen với ký hiệu mềm cứng HB, 2M, tô kín vào một trong 4 khung nằm ngang định sẵn dưới một trong các mẫu tự A, B, C, D mà mình chọn làm lời giải trúng. Cứ nói nôm na, không cần học ai cũng tô lời giải được, chỉ cần khéo tay. Và nếu hên, như đánh số đề vậy đó, cũng có thể đậu được, mà có khi còn đậu cao nữa… Đó là những cách tự trấn an của những người thuộc lớp biếng học ham vui như tôi.

Sau khi cũng đi đó đi đây, hết qua Trung Tâm Quốc Gia Nông Lâm Nghiệp ở Đại Lộ Cường Để, rồi lại vào Dược Khoa theo lời khuyên của anh Khoa, một sinh viên Dược cũng là cựu học sinh Trung Học Bình Long, để nghe buổi nói chuyện “Đường vào Dược Khoa” dành cho học sinh mới đậu Tú Tài như bọn chúng tôi. Đây là những trường cho phép học sinh có Tú Tài được thi tuyển vào thẳng, không qua năm học Dự Bị như bên Y, Nha Khoa.

Rồi qua đi những đợi chờ, tôi cũng ghi danh vào học Chứng Chỉ SPCN (Lý Hóa Vạn Vật).

Khi vào đây, chỉ nghĩ Khoa Học sẽ là nơi tạm dừng, để bước tiếp vào con đường y nghiệp.

Vậy mà cơ duyên hay là định mệnh đã giữ tôi ở đây cho đến hết 4 năm học dài. Năm 1979 cất bước ra đi mà nay vẫn hoài nhớ về chốn cũ.

Ngỡ ngàng với cách học đầy xa lạ, nhóm thực tập gặp nhau chỉ chào hỏi qua loa, khó mà thân thiện được.

Vậy mà Sài Gòn của tôi ngày đó còn có được những đêm dài dịu mát, với con đường Cộng Hòa ngập những hàng cây đổ dài lung linh trong ánh đèn đường và tràn những cánh “hoa vàng cườm thảo” như thần thoại của Nguyễn Đức Cường. Những đêm TP Thực Vật trong phòng thí nghiệm nồng mùi Acid acetic, thú vị với những mẫu vi thức thân, rễ, lá đã được nhuộm màu và định tính, tôi cũng dần quen và nguôi đi được những nỗi buồn đâu đâu… Có lẽ vì như thiếu “một ai gì đó”?

Học TP Thực Vật tôi ngưỡng mộ nét vẽ khoa học tài hoa của thầy Út Nhỏ. Sinh Môi với thầy Hưng thật hiền và cũng có khuôn mặt hiền hậu như anh bạn Đỗ Yên Sơn của tôi, lúc nào cũng hề hà vui với mọi người, và chắc anh chưa làm phật ý ai bao giờ cả.

Động Vật Học thì chúng tôi làm quen với “tôm cua ếch nhái”, nói chung là những món ăn nhậu mà ai cũng thích, bán đầy ngoài chợ cá. Cô Hiền là trưởng nhóm TP, cô biết những cái lỗi mà chúng tôi hay gặp phải khi mổ trong nước và tìm mọi cách để che giấu, dù khó mà qua được. Sợ nhất là phải mổ con cắc kè đầy giun sán.

Đất đá thì khô cằn với trầm tích, cách đọc bản đồ địa chất với cao độ… Ôi sao mà nó khô khan đến thế.

Năm 1975, cường độ cuộc chiến tăng dần từ miền Bắc đưa vô.

Trong lớp học, chúng tôi xôn xao bàn tán. Chẳng còn ai có tâm trí đâu mà học hành gì nữa. Tôi nhớ những ngày gần cuối tháng Tư của mùa Xuân năm 1975, khi còn đang thực tập nhận biết nham thạch, một thầy Nghiệm Chế Viên Khoa Địa Chất đã nói: “Quân ta đang chuyển từ thắng qua bại, rồi từ bại qua lụi luôn.” Mỉa mai và đau xót vô cùng, như một thực thể đã an bài cho dân tôi...

Vào những ngày sắp mất Miền Nam, Tổng Thống Trần Văn Hương đã ngậm ngùi than thở với dân trên TV: “... thật là nhục nhã vô cùng ...” khi ông mô tả chiến sự với sự bỏ chạy hoảng loạn ở Cao Nguyên, miền Trung, được ông Thiệu gọi là “di tản chiến thuật”. Câu nói thật thấm lòng, đầy chua xót của vị Tổng Thống Trần Văn Hương, một nhà Chí Sĩ miền Nam, tuổi cao đức trọng yêu nước này, ngàn sau dễ mấy người quên…

Có duyên nợ với Gia Ray, nơi quê hương thứ hai của dân chiến nạn Bình Long, cứ mỗi tháng tôi lại về đó dăm hôm. Ở đó tôi có L., có ngọn núi Chứa Chan với Ngã Ba Ông Đồn mà tôi chỉ biết qua những ngày cuối tuần thật ngắn ngủi, đi về vội vã.

Đêm đó, có lẽ là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau, vào cuối tháng Giêng năm 1975.

Đêm Gia Ray thật buồn. Trời càng về khuya, chốn phố rừng càng sâu thẳm. Xa xa vài ánh đèn dầu của những dãy nhà còn người muộn ngủ.

Ngồi bên nhau, tóc L. rối nhòa trong gió. Những sợi tóc dài sầu muộn. Giờ nghĩ lại, dù đã quá muộn màng, tôi mới nhận ra là... tóc nàng đẹp quá, ở vào lứa tuổi đôi mươi ngày ấy.

Tôi khẽ nói với L.:

- Ước gì, như còn thời trung học, Thanh mơ có được những sợi tóc này để treo vào càng những con dế lửa, quay cho chúng nó say để đá nhau, chắc là hăng lắm và luôn luôn thắng trận.

- Người như vậy hèn gì chưa gặp mặt đã thấy ghét. L. trách tôi.

Người con gái Bắc ngoan Đạo, đã an phận về đây làm cô giáo làng, dạy mẫu giáo trong một giáo xứ tân lập tận chốn rừng sâu, đìu hiu và cô quạnh, thuộc tỉnh Long Khánh, nơi định cư dành cho đồng bào chiến nạn Bình Long.

Phần tôi, về nơi phố thị, an phận sách đèn…

Dù thế nào đi nữa, Sài Gòn nơi này, tôi thấy ở đây mình vẫn chưa tìm được niềm vui trọn vẹn. An Lộc đã và vẫn là một phần đời của tôi, với tháng ngày niên thiếu, hoang dại, dễ mấy khi mà quên được.

Từ ngày dân chiến nạn được đưa đi định cư, cứ hơn một tháng, tôi hay giành thay Mẹ, đi theo xe đò Sài Gòn Phan Thiết đến Ngã Ba Ông Đồn, Long Khánh, rồi theo những chuyến xe lam đi Gia Ray, về đây lãnh phần gạo trợ cấp mà chính phủ dành cho nạn nhân chiến cuộc. Đó là cái hạnh phúc nhỏ nhoi mà chúng tôi may mắn có được, để còn dịp thấy nhau, dù chỉ dăm tháng một lần, “trên quê hương An Lộc, ở ngoài An Lộc”.

Dù chung trường, nhưng đến năm lớp 10 A, Trung Học Bình Long, chúng tôi mới học chung với nhau. Trên con phố dốc Hùng Vương, An Lộc, là nhà tôi. Ngôi nhà ở mặt tiền đường mang số 27/50 ấp Phú Thịnh, xã Tân Lập Phú. Phía sau nhà tôi là nhà L., chỉ cách nhau một con hẻm nhỏ. Cái bờ giậu mồng tơi xanh rờn đầy thi vị, như của nhà thơ Nguyễn Bính, chính là con hẻm nhỏ ngăn cách hai chúng tôi. Nơi đong đầy những kỷ niệm của thời mới lớn. Từ sau nhà tôi, ở tầng cao, có thể nhìn thấy cái sân lộ thiên giữa nhà L., cạnh đó có cây điều sai trái, mà tôi thường hay hái trộm, …và…, và còn nhiều thứ hơn nữa, những vụng trộm… mà sau này, với lời thú tội, chỉ có tôi và L. mới biết.

Bên cây xăng mới Esso của Cô Bảy Hiệp Thành, cứ về đêm, con đường Hùng Vương nối với Đại Lộ Trần Hưng Đạo là nơi còn những quán hàng ăn khuya như cố kéo dài cái sinh hoạt đơn điệu và cũng là nơi hội tụ của tỉnh lỵ, để quên đi những tẻ nhạt của chốn đất đỏ đìu hiu. Quán báo nhỏ của gia đình L. cũng là nơi các anh lính si tình, xa nhà, có dịp say mê các chị của L., hầu như đêm nào cũng đến nửa khuya. Nơi mà L. và cô bạn Huỳnh Anh cùng lớp hay ngồi ở đó vào mỗi tối.

Rồi chiến cuộc An Lộc và Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, nghiệt ngã, oan khiên và tàn khốc đã lấy đi những ước mơ đong đầy kỷ niệm của chúng tôi.

L. dành cho tôi những ngày thật đẹp, kể thật nhiều về quê hương mới này. Đêm Gia Ray thật dài và hoang vắng, nhìn quanh chỉ thấy núi rừng, xa xa mờ bóng núi Chứa Chan, L. hỏi đùa nhỏ:

- Giờ thì Thanh đã thấy “Chán Chưa”?

Đêm đó chúng tôi ngủ thật muộn, sáng hôm sau theo L. vào ngồi ở một chiếc ghế khuất trong góc của một lớp học, làm thật sơ sài, mái tole, có vách bốn bề bỏ ngỏ. Liên thì bận rộn với đám trẻ. Tôi cố đợi, mong đến hết trưa L. sẽ dẫn tôi vào rừng tìm hái những nhánh lan rừng hoang dại, hương thơm đến mê hoặc, như Bố tôi, lúc còn ở Bình Long, vẫn thường hay thuê những người Thượng leo lên lấy từ những nhánh cây rừng cao vút, mang về nhà, vào những dịp chớm xuân.

Đang ngồi suy nghĩ mông lung, chợt thấy một chiếc áo đen xuất hiện. Vị Cha Xứ ngoắc tôi ra hỏi:

- Anh làm gì ở đây?

Tôi đáp nhỏ:

- Dạ, con ngồi đợi cô bạn, đang phải dạy học

- Anh không được phép vào ngồi ở trong lớp, ở đây.

Vừa ngạc nhiên, cũng chẳng hiểu chuyện gì, tôi luống cuống nói lời xin lỗi rồi đi nhanh đến L.

- Thôi Thanh đi ra đón xe về lại Sài Gòn nhé.

Ánh mắt L. hoe đỏ, chưa kịp nói một lời. Tôi đã lẩn thật nhanh ra ngoài, vừa bị quê, phần vừa bị va chạm tự ái.

Mong cho chiếc xe lam buồn đưa tôi thật nhanh và thật xa chốn này.

Rồi những tháng ngày cuối cùng của cuộc chiến năm 1975 đã làm chúng tôi mất nhau. Tôi cũng chưa có một lần quay về. Hơn 43 năm rồi còn gì nữa, dù lúc nào cũng tự hứa lòng, mình sẽ tìm về chốn cũ, Gia Ray.

Vận nước và những chia lìa, mất mát đã lấy đi những ước mơ một thời mới lớn của chúng tôi.

Ngẫm lại, cuộc chiến ác liệt An Lộc mùa Hè năm 1972, rồi những ngày đau thương ngút ngàn của Miền Nam vào tháng Tư năm 1975, đến những chia lìa, lạc lối… đã lấy đi của chúng tôi những ngày thanh xuân, mơ mộng của thời mới lớn. Mất quê lìa xứ. Hồ dễ mấy ai chống chọi được với những nghiệt ngã này, mà không bị gục ngã và đứng lên được từ những buồn đau khôn nguôi đó…

Sau những chuyến hải hành vô định đầy gian nguy, có đến 5 lần, tìm cách để ra đi, trên những chiếc ghe mong manh như những chiếc lá giữa đại dương mênh mông luôn cuồng nộ, ngày ấy. Ai có lần đặt chân lên những chiếc ghe này mới thấy biển nước là mênh mông và số phận con người như những sợi chỉ treo cân, phó thác tất cả cho ông trời. May mà còn sống sót được như những phép mầu.

Tương lai thì vô định, quê hương thì ngút ngàn xa cách, không lối về. Những tưởng sẽ không còn có ngày thấy mẹ gặp cha, được nghe lại tiếng cười đùa của đàn em thơ dại…

Lúc này tinh thần tôi suy sụp lắm, dù lúc đó may mà tôi còn có được Huyền Linh, cô bạn học sau nhiều tháng ngày theo đuổi ở Đại Học Khoa Học Sài Gòn và sau này cũng là người bạn đời của tôi. Bên nhau, những tháng ngày đầu, nơi trời Tây bên này, đêm nào tôi cũng nhạt nhòa nước mắt, nhớ nhà, nhớ quê kia xa ngút ngàn vời vợi, chỉ còn tìm thấy mình trong những khúc hát nghe đến não lòng của Phạm Duy, Lam Phương, Nam Lộc với Elvis Phương, với Thanh Tuyền, Khánh Ly, Phượng Mai, … như cõi lòng của chúng tôi, những người mất nước, xa quê… chuyền nhau nghe từ những Cassette do những người thân bên Mỹ gửi qua, làm quà an ủi lẫn nhau. Thương cho những năm tháng mùa Xuân đầy nước mắt trong vận nước buồn đau.

Minden, 13.Jan.2019

*

* *