- Hoạ phẩm

Đây là tranh khắc mộc bản (gravure) mô tả một đám tang của một vị vua TUNQUIN.

- Tranh có kích thước 39cm x 46cm trên giấy dầy, lấy ra từ một cuốn sách cổ Thế Kỷ thứ 18.

- Tranh được khắc mộc bản năm 1729, sau thời kỳ Trịnh Nguyễn Phân Tranh (1627 - 1672).

- Đây là bức họa mô tả cảnh một đám tang tiêu biểu của những vị vua ở Tunquin (Bắc Việt), không phải là một vị vua cụ thể nào. Không rõ vào triều đại nào, Chúa Trịnh hay Chúa Nguyễn?

- Trong hình thấy có lính tráng cao lớn và người đưa tang ăn mặc theo lối Âu phục thời bấy giờ (Bồ Đào Nha chăng?), nếu nhìn kỹ thì ... không thấy một người Annamite nào trong hình hết! Nhưng cờ xí thì rõ ràng có vẻ giống cờ dân tộc Việt xa xưa.

Điểm nổi bật sau cùng là đề tựa bức tranh “Pompe Funèbre des Rois de TUNQUIN” (Đám tang của những vì vua Tunquin). Chữ Tunquin là chữ xa xưa của chữ Tonkin bây giờ. Chính chữ TUNQUIN này đã gây cho tôi sự tò mò và chú ý dẫn đến quyết định sau cùng là ... tôi đã móc hầu bao, mua cho bằng được bức tranh này! (Dù rằng nhìn kỹ tranh đã thấy ... “vàng thau lẫn lộn” và muốn tham gia chương trình ... “Người dân muốn biết”!).

- Kính xin quý thầy cô và bạn hữu ... giải mã dùm!

Mô tả hình tranh:

Dẫn đầu đám tang là 2 công thần dẫn đường với 8 vệ quân kéo mộc xa giá có đề tên của vua băng hà, theo sau là đàn voi 12 con có tượng binh điều khiển, tiếp theo là 3 công thần trên ngựa cùng đàn ngựa có người dẫn theo cùng. Kế đến là Long xa hai tầng có linh cữu của nhà vua được kéo bởi 8 con hươu lớn, sau xe là vị vua nối ngôi cùng các bào đệ. Nối tiếp là các công chúa cùng vợ các hoàng tử bưng mâm hoa quả và thức ăn, theo sau các hoàng tử dòng vợ thứ của vua cùng các nhạc công. Tiếp đến là 4 Tổng Trấn cùng 3 cổ xe chứa đầy châu báu, gấm vóc, mỗi xe được kéo bởi 8 con tuấn mã. Sau cùng là các quần thần, giới quý tộc tùy theo chức tước mà cỡi ngựa hay đi bộ phía sau.

Phía trên của tranh ta thấy có 5 chiếc thuyền chèo lớn (từ trái qua phải):

- Hai chiếc đầu là chở vàng bạc, gấm vóc,

- Chiếc thứ ba chở các tỳ nữ, nô tỳ đã từng phục vụ vua lúc sinh thời được theo chân vua ... xuống chốn tuyền đài: chôn sống cùng với vua!*

- Chiếc áp chót chở các công bộc, thái giám, cũng có cùng số phận với chiếc thứ ba: theo hầu vua dưới âm phủ!*

- Sau cùng là Long thủy xa có Long cữu được hộ vệ chặt chẽ trên thuyền.

* Nếu biết trước như vậy, thà đi ... làm “Cái Bang” (ăn mày) còn hơn mang tiếng hầu vua mà … yểu mệnh! Vua gì mà ác quá, “hui nhị tỳ” rồi mà cũng đòi hầu hạ dưới âm ty?

Tờ Poster xưa này, tôi tậu được nhân một chuyến du lịch ở Luân Đôn (Anh) tại một chợ trời lớn nhất ở Thủ Đô Anh Quốc: Portobello, cũng đã mười mấy năm rồi ... Trả giá và bỏ đi nhiều lần, họ mới ... xiêu lòng! Qua “đàm đạo”, tôi biết tấm hình này chôn chân đã lâu và khó mà có người chịu mua trừ ... tôi!

Phụ chú nguyên bản ở phần dưới tấm hình – cảnh đám tang:

1. Deux Huissiers portant des masses.

2. Douze Officiers trainant le Mausolée où est écrit le nom du Roi défunt.

3. Douze Eléphants.

4. Le Grand Ecuier, et deux Pages à cheval, suivi de douze chevaux de nain,

lesquels précédent quelque fois les Eléphants.

5. Le corps du Roi tiré par 8 Cerfs.

6. Le nouveau Roi, et ses frères.

7. Les Princesses, et Dames d'honneur portant à manger pour le défunt.

8. Les Princes du Sang environnez de joueurs d'instrumens.

9. Quatre Gouverneurs des 4 principales Provinces.

10. Deux chariots à huit chevaux remplis d'or, étofes de soye 8cc.

11. Une foule d'Officiers du Roi, et de la Noblesse, les uns à cheval, les autres à pied selon leur rangs et qualités.

Phụ chú nguyên bản ở phần trên tấm hình: đoàn thuyền 5 chiếc trên đường đi đến mộ phần của vua băng hà:

A. Galère où est le corps du Roi.

B. Galère où sont les Seigneur qui vont se faire enterrer vifs avec le Roi.

C. Galère avec les Dames qui vont se faire enterrer vives avec le Roi.

D. Deux Galères qui portent les trésors qu'on va enterrer avec le Roi.

Do đây là chữ Pháp cách đây gần 3 thế kỷ nên có những chữ và danh từ khó dịch sát nghĩa nên tôi xin tạm phỏng dịch trong phần mô tả hình tranh đám tang, nếu có sai sót xin quý thầy và các bằng hữu sửa và bổ túc thêm.

Có một điều mà tôi thắc mắc, đoàn thuyền di chuyển về hướng bên trái (nhìn chiều gió trên các lá cờ), “Thủy Long xa” của vua lại ở vị trí sau cùng? Vì vua lúc nào cũng ăn trên ngồi truớc, ân huệ chót cho các tỳ nữ, cận thần chăng?

Giải mã Họa Phẩm “FUNÈBRE des ROIS de TUNQUIN” (Đám tang của những vì vua Tunquin)

Kính thưa quý Thầy Cô và bạn hữu Khoa Học,

Trong thời gian bị “treo giò” để chờ lên khuôn báo Rằm tháng Giêng Âm lịch, xuân Kỷ Hợi 2019, mục “Sưu Tầm Lượm Lặt” Họa Phẩm “FUNÈBRE des ROIS de TUNQUIN” (Đám tang của những vì vua Tunquin), một bạn đọc ... “avant première” sau khi xem xong đã ... “hưng phấn” về đề mục này và đã lao vào mạng tìm tư liệu, hình ảnh minh hoạ để phản hồi, giải mã một phần về bức tranh khắc mộc bản này vì anh nhận thấy có nhiều điểm nghi vấn trong bức tranh.

Xin được chuyển mail của người bạn đọc “văn võ song toàn”, am tường nhiều lãnh vực, đã nhận xét và góp ý về Họa Phẩm “FUNÈBRE des ROIS de TUNQUIN”.

“Sau khi viết cho ‘toa’(*) hôm trước thì ‘moa’(*) đọc được vài tài liệu khá intéressants về chuyện “Tang lễ các vị vua Việt Nam:

1/ Tác giả bức tranh là họa sĩ Pháp Bernard Picart (1673 – 1733)

Không rõ bức tranh được vẽ năm nào. Chỉ biết là nó được in trong quyển Cérémonies et coutumes religieuses de tous les peuples du monde (Các nghi lễ và tập quán tôn giáo của các dân tộc trên thế giới) / Volume 2 / Partie 1 (1728 ed. J. F. Bernard) của chính tác giả bức tranh và J. F. Bernard / trang 112 và trong quyền Histoire générale des cérémonies (Lịch sử tổng quát về các nghi lễ), ed. Rollin fils / 1741 / Paris của Banier Antoine.

Như thế bức tranh phải được vẽ trước năm 1728.

Cũng ở trang 112, “Tang lễ vua Tunquin”, Picart viết là đã “copier” theo Tavernier.

------------

(*) ‘moa’, ‘toa’: lối xưng hô thân mật theo kiểu tiếng Tây (dùng tiếng Pháp) ở Việt Nam khi xưa ‘moa’ (moi): tôi, tui, tao, tớ, mình, ...

‘toa’ (toi): anh, chị, bạn, mầy, ...

2/ Tavernier (1605 – 1689) là “vua du lịch” Pháp Thế Kỷ thứ 17 (với 240 ngàn cây số du lịch!). Từ một thương nhân ông trở thành … Nam Tước (1669) nhờ vào những chuyến “business trip” (phi thương bất phú). Ông qua nhiều nước Châu Âu và Châu Á, chuyến đi xa nhất có lẽ là ở Nam Dương. ‘Moa’ không tìm được tài liệu nào cho thấy là ông ghé Việt Nam (quốc gia Châu Á mà ông biết nhiều là Ấn Độ).

Bài viết về “Tang lễ các vua Tunquin” do ông nghe người anh hay em trai kể lại. Cũng như bài viết về Nhật Bổn là quốc gia ông chưa bao giờ đặt chân đến, chỉ nghe kể lại.

“... Ainsi en 1676 parut la première édition des Six voyages en Turquie, en Perse, et aux Indes. Dans l’édition posthume présentée ici, aux Six voyages (tomes 1 à 4) s’ajoutent le Recueil de plusieurs relations et traitez singuliers et curieux / Tome 5 et la Nouvelle relation de l’interieur du serrail du grand seigneur / Tome 6.

Ces récits ne reposent pas tous sur ses propres observations ; Tavernier a également puisé dans les témoignages d’autres voyageurs, notamment pour sa «Relation du Japon», pays où il ne se rendit lui-même jamais, ou pour la relation sur le Tonkin qu’il devait à son frère Daniel …”

(https://blogs.univ-poitiers.fr/budl/2016/12/01/une-vie-de-voyages-en-orient-jean-baptiste-tavernier-voyageur-et-negociant-du-xvii%E1%B5%89-siecle/)

“... Vì thế năm 1676, ông ra mắt lần đầu tiên ấn bản Sáu cuộc hành trình ở Thổ-nhĩ-kỳ, Ba Tư và Ấn Độ. Trong di cảo xuất bản được trình bày tại đây, Six voyages - Sáu cuộc hành trình (quyển số 1 tới số 4) đã thêm phần Recueil de plusieurs relations et traitez singuliers et curieux (Sách ghi nhận các sự quan hệ về chuyên luận đặc biệt và những điều lý thú) / quyển 5 và phần La nouvelle relation de l’intérieur du serrail du grand seigneur (Mối quan hệ gần đây của nhà vua trong Tam cung lục viện) / quyển 6.

Những câu chuyện này đã không dựa trên tất cả những quan sát riêng của tác giả; Tavernier cũng đã đưa ra những chứng nhân trong các cuộc hành trình khác, nhất là “Mối quan hệ với Nhật Bản”, quốc gia mà ông chưa từng đặt chân tới bao giờ, hay Mối quan hệ trên đất Tonkin mà ông đã dựa ý vào Daniel, anh hay em trai của ông ...”.

Trong quyển Recueil de plusieurs relations et traitez singuliers et curieux (Sách ghi nhận các sự quan hệ về chuyên luận đặc biệt và những điều lý thú) / Tome 5 về “Tang lễ các vua Tunquin”, sau phần viết là các tranh ảnh ghi lại những điều ông nói. Những bức tranh này không ghi xuất xứ nên ‘moa’ nghĩ:

+ hoặc Tavernier ghi lại “Tang lễ”, từ các bức tranh,

+ hoặc là ông nhờ người vẽ lại theo lời tường thuật của ông.

‘Moa’ không tìm được tài liệu nói về Daniel Tavernier, anh hay em của J. B. Tavernier nên không biết ông này có ở Việt Nam ngày nào không, hay lại chỉ là nghe kể về “Tang lễ” qua những người đã qua Việt Nam ... (?)

Tóm lại, ông Picart vẽ “Tang lễ” theo lời thuật của J. B. Tavernier (1679), ông này ghi lại theo lời thuật của Daniel, ông anh hay em của ông (không biết Daniel có ở Việt Nam không).

Vì vẽ theo tường thuật nên ông Picart đã dựa vào bức tranh đăng trong sách của ông J. B. Tavernier (ci-dessus / như trên) nên mới thấy nhiều hình ảnh giống nhau giữa hai bức tranh. Đã thế, ông Picart lại cho thành quách Việt Nam mình xây giống như thành quách ở Pháp ...

Cũng như trong bài viết về “Tang lễ ở Nhật Bản”, ông Picart vẽ một nước Nhật giống ... Ấn Độ (2 tượng lớn) và Tàu (trẻ em cạo đầu để bím!).

Tuy không có điều kiện để tìm hiểu sâu xa hơn nhưng qua những dữ liệu trên đây, ‘moa’ nghĩ bức tranh của Picart (mà ‘toa’ có) về “Tang lễ vua Việt Nam” (thời ấy) có nhiều chi tiết cần phải kiểm chứng lại: kiệu xe, chôn sống, hưu kéo xe, đầu ngựa gắn lông chim, thổi kèn, v.v...

Tác phẩm của J. B. Tavernier được xuất bản năm 1679, có nghĩa là ông Tavernier đã viết trước đó, và không biết ông nghe tường thuật của “frère” (anh hoặc em trai) của ông năm nào, nên có thể bài viết của J. B. Tavernier là nói về Tang lễ của một trong các vị vua sau đây:

Lê Thần Tông (1619 – 1662)

Lê Chân Tông (1630 – 1649), con vua Thần Tông, lên ngôi xong lại mất sớm, Thần Tông trở lại ngôi vua.

Lê Huyền Tông (1654 – 1671)

Lê Gia Tông (1661 – 1675)

Sau Lê Gia Tông là Lê Hy Tông (1663 – 1716) nên Tang lễ chỉ có thể là một trong 4 cha con Thần Tông. Gia Tông mất sớm ở tuổi 14, không biết có vợ không. Nếu không vợ thì không có màn chôn sống thái giám. Nên ‘moa’ nghĩ “Tang lễ các vì vua” là của ba vua Thần Tông, Chân Tông, Huyền Tông hoặc một ông vua (‘moa’ nghĩ rất có thể là Thần Tông, ông vua có một bà thứ phi là người Hòa Lan).

Voilà (đấy, đó là, …), vài hàng chia sẻ với bạn ta.

Cám ơn ‘toa’ đã cho ‘moa’ có cơ hội … lục lọi, tìm tòi rất thích thú này.

Mai mốt về hưu là ‘moa’ có thêm tiết mục tiêu khiển mới nữa,

Ciao.”

Nhận xét:

Sau phần đóng góp ý kiến riêng của anh bạn (dựa vào các sách và tư liệu trên mạng), chúng ta có thể hiểu được phần nào về bức tranh trên của họa sĩ Picart:

- Tại sao đám tang của các vì vua Tunquin mà không thấy ... một thần dân Annamite nào hết?

- Tại sao thành quách Tunquin khi xưa lại … “râu ông nọ cắm cằm bà kia” ... Âu-Á hòa hợp?

- Tại sao trong đám tang đoàn voi châu Á đủng đỉnh đi trước, đoàn hưu châu Âu kéo xe tang theo sau, chưa kể tới đoàn tuấn mã có gắn lông chim (chưa hề biết và thấy trong lịch sử nước mình)?

- Tại sao Long xa có quàn linh cữu của vua Tunquin mà chạm trổ ... không có chút gì Á Đông?

-Tại sao từ các vua nối ngôi, công chúa, hoàng tử, ngự lâm quân, lính tráng, thần dân, giới quý tộc, v. v... tất cả đều mặc theo lối Âu phục, không có chút đặc điểm nào của Tunquin!

Tất cả chỉ là một sản phẩm tưởng tượng của họa sĩ Picart mà ông dã phỏng theo trong sách của Tavernier, mà ngay chính bản thân Tavernier cũng ghi lại theo lời tường thuật của Daniel (anh hay em trai của ông).

Dù gì đi nữa, nó đã được in trên giấy ... quý, mực ... màu cách đây gần 3 thế kỷ, “Đám tang của các vì vua Tunquin” đã lưu lại cho hậu thế là vua chúa Việt Nam xa xưa khi băng hà, lễ quốc táng cũng không kém phần đình đám như các vua chúa trời Âu thời bấy giờ!

Xin cám ơn người bạn của tôi, nhờ vậy mà tôi biết đuợc rằng bức tranh này quý hiếm không thua gì … các con tem ... variété (tem in lỗi)!

Hy vọng sẽ ghi nhận được các ý kiến đóng góp của quý Thầy Cô và các bạn sau khi xem xong bài “Sưu tầm - Lượm lặt” và xin tha lỗi cho những sai sót nếu có trong bài viết này.

Người “sưu tầm - lượm lặt”

Huy - kha - Ti

Lời Giáo Đầu

Đồng hồ quả lắc thời Indochine

Hình xưa 1952

Sưu Tập Tiền xưa

Sách xưa

Vô đề

Họa Phẩm