Con heo và con lợn - Tiền Lạc Quan

Tản mản ngày xuân biết viết gì?

Viết về heo lợn hỏi làm chi!

Mừng xuân Kỷ Hợi xin đề nghị

Đề tài heo lợn viết mau đi!

Phàm mỗi lần Xuân về Tết đến, hễ Tết con gì thì viết về con thú biểu trưng cho Tết năm đó. Tết năm nay là năm Kỷ Hợi, năm con heo thì phải viết vài dòng tản mạn về con heo.

Ai cũng biết con heo. Người miền Nam kêu con heo, người miền Bắc gọi là con lợn. Còn có nhiều nơi kêu là con ỷ (ỉ).

Trong Lục Súc Tranh Công, con heo hay con lợn còn được gọi là con “thỉ”. “Thỉ”豕 hay 狶tiếng Hán Việt nghĩa là con heo, nên chi chữ “gia” 家 là nhà có chữ “thỉ” 豕ở dưới bộ “miên” 宀, nghĩa là nóc nhà, con heo ở dưới nóc nhà tức là “cái nhà là nhà của ta” (our home), có lẽ hồi xưa ở bên Tàu nhà nào cũng nuôi heo!

Lâu lâu “xổ Nho chùm” chút đỉnh: tiếng Hán Việt “trư” (猪hay豬) cũng cũng có nghĩa là con heo, như nhân vật Trư Bát Giới trong truyện Tây Du Ký có hình tượng con heo. Bát giới là 8 giới trong nhà Phật. Khi xưa, vào Thập Niên 40-50 chữ “giới” đọc là “giái”, nên có nhiều sách viết là “Trư Bát Giái”. Có lẽ ai cũng biết truyện này. Đầu truyện, Trư Bát Giới là một yêu quái có “máu dê” đã bị Tôn Ngộ Không hàng phục và gia nhập đoàn đi thỉnh kinh cùng Đường Tam Tạng. Những tính cách của nhân vật này đều là những tính cách mà mỗi con người, ít nhiều ai ai cũng đều có: lòng tham, tham ăn, ham ngủ, mê sắc đẹp, biếng nhác, v.v...

Nói lòng vòng nãy giờ, thôi trở lại con heo và con lợn.

Heo thì có heo bắt nọc, heo bông, heo con, heo cúi, heo choai, heo dầu, heo đất, heo đèo, heo gạo, heo gió, heo hạch, heo hơi, heo ỷ, heo lang, heo lăn chai, heo lưa, heo mọi, heo nái, heo nọc, heo nước, heo quay, heo rừng, heo sữa, heo ú, heo voi, v. v… Lợn thì có lợn béo, lợn bột, lợn cấn, lợn đất, lợn ỷ (ỉ), lợn lòi, lợn sề, lợn tháu, v.v…

Viết hết về mấy con heo, con lợn thì viết tới Tết cũng chưa hết! Có đâu lại than chả biết viết gì!

Thôi thì cứ viết đại. Đã nói là “tản mạn” cho nên nhớ tới cái gì về con heo, con lợn thì viết cái đó, lộn xộn không đầu đuôi thứ tự gì. Viết để đọc chơi cho vui ba ngày Tết vậy!

Nhưng tại sao người miền Nam kêu là con heo, người miền Bắc gọi là con lợn?

Nhớ đọc được một bài viết ở đâu trên Internet, có giả thuyết cho rằng vào thời Chúa Nguyễn, khi dân ta Nam tiến thì những người di dân lập nghiệp xuống những vùng đất phía Nam hầu như đều là những người gốc Quy Nhơn, Bình Định, cùng các địa phương miền Trung. Người miền Trung thường hay phát âm những tiếng có dấu sắc thành dấu nặng, thí dụ “Huế” phát âm “Huệ”, “không có biết” thì phát âm “không cọ biệt”, ... Do vậy, chữ “lớn” thì phát âm “lợn”. Những khi gặp quan lớn thì thưa “quan lợn” bị hiểu lầm là ám chỉ quan là con lợn nên bị phạt, bị đánh bằng cây hèo. Riết sợ quá không dám gọi là “quan lợn” mà gọi là “quan hèo”, để nhớ là bị đánh bằng hèo! Tiếng “hèo” phát âm nhanh giọng miền Trung riết rồi thành ra “heo”. Do đó lợn biến thành heo! Giả thuyết này không biết có đúng không, nhưng nghe cũng hợp lý và ngộ ngộ, hay hay!

Tựu trung heo và lợn cũng vậy, cũng là một con thú nuôi chủ yếu để làm thịt mà ăn! Thịt heo và thịt lợn cũng như nhau thôi!

Có hai bà nội trợ, một bà người Nam, một bà người Bắc nói chuyện với nhau về những thức ăn ngày Tết. Bà người Nam nói Tết thì thường gói bánh tét, gồm những thành phần chính là nếp, đậu xanh và thịt heo có lớp mỡ. Bà người Bắc nói Tết thì gói bánh chưng, cũng lớp ngoài là nếp nhưng không dùng đậu xanh mà dùng đỗ xanh, không dùng thịt heo mà dùng thịt lợn. Tới khi cắt bánh tét và bánh chưng ra ăn thì thành phần hai loại bánh cũng như nhau!

Về việc dùng từ ngữ miền Nam và miền Bắc khác nhau có nhiều điều khá ngộ nghĩnh, thú vị như hai từ ngữ heo và lợn này.

Nói về đồ ăn:

- Ở miền Nam có bánh da lợn chớ không có bánh da heo

- Bánh lỗ tai heo chớ không có bánh lỗ tai lợn

- Huyết heo chớ không có huyết lợn

Nói về đồ đạc:

- Động cơ Diesel có con heo dầu, không gọi là “con lợn dầu”

- Mấy cái phim người lớn thuộc loại “tầm bậy tầm bạ” gọi là “phim con heo”, làm cái trò “tầm bậy tầm bạ”, gọi là “làm trò con heo”, không gọi là “phim con lợn”, “làm trò con lợn”.

Nói về từ ngữ, kêu là “phim con heo” thiệt tình dễ gây hiểu lầm lớn. Phim cho con nít coi nên bỏ chữ “con” đi, kêu “phim heo” là được rồi, nhưng vẫn còn có thể bị hiểu lầm! Sao không gọi là “phim con dê”, “làm trò con dê” để khỏi bị hiểu lầm?

Hồi còn nhỏ, tụi tôi cùng mấy đứa bạn và mấy đứa con nít trong xóm rủ nhau đi coi phim, xin phép người lớn: cho chúng con đi coi “phim con heo”! Phim cho con nít coi đàng hoàng. Đó là phim hoạt họa “Les trois petits cochons” dựa theo truyện cổ dân gian Anh vào Thế Kỷ thứ 18, nguyên bản tiếng Anh “The three little pigs” do hãng Walt Disney sản xuất (1933). Chuyện ngụ ngôn có 3 chú heo con cất nhà ở, chú heo thứ nhất cất nhà tranh đơn giản đủ ở được rồi, chú heo thứ hai cất nhà bằng gỗ chắc chắn hơn, còn chú heo thứ ba xây nhà gạch. Một hôm có con chó sói tìm ba chú heo để ăn thịt. Đến nhà chú heo thứ nhất là nhà tranh nên sói chỉ cần thổi một cái là cái nhà bay, chú heo sợ quá chạy trốn. Đến nhà chú heo thứ hai, nhà gỗ chắc chắn hơn, nhưng với sức mạnh của sói, chỉ cần thổi mạnh hơn một cái là nhà cũng sập, chú heo thứ hai cũng chạy. Cả hai chú heo cùng chạy trốn trong nhà của chú heo thứ ba. Khi chó sói đến thì dù cho có sức mạnh cũng không thể phá sập căn nhà gạch được. Chú sói thèm thịt heo quá nên chui vào nhà qua ống khói lò sưởi và lọt vô nồi súp của ba chú heo con. Ba chú heo con thoát nạn và ăn thịt lại chó sói.

Nói về phim heo hoạt hình cho trẻ em, có nhiều phim như:

- Peppa Pig Cartoon (2017)

- Funny Pink Pig (2015)

- Charlottes’s Web (2006)

- Ormie the pig (2010)

- The Practical Pig (1939)

- v.v…

Hình vẽ những chú heo rất dễ thương, nét vẽ rất sống động. Đã 60 rồi coi cũng còn mê!

Cách nay nhiều năm lại được coi “phim heo thiệt” có tài tử “heo thiệt” đóng phim.

Kêu “phim heo thiệt” là bắt chước như hồi nhỏ nói đi coi “phim người ta thiệt” đóng, khác với phim hoạt hình, còn nhớ hồi nhỏ kêu là phim hoạt họa.

Phim “heo thiệt” đóng này có tựa là “Babe” do Mỹ và Úc sản xuất năm 1995, dựa theo truyện dành cho trẻ em “The Sheep-Pig” của Dick King-Smith. Vai chính là một chú heo con mồ côi được đem về nuôi trong một trang trại. Chú heo con này làm nhiệm vụ “sheep-pig” rất tài giỏi, còn hơn mấy con sheep-dog, những con cừu đều râm rấp nghe theo lệnh Babe.

Sau này lại có nhiều bộ phim do tài tử heo này đóng, như “Babe in the City” (1998), “My Brother the Pig” (1999), …

Tài tử heo này đóng phim quá hay! Không biết làm sao mà đạo diễn có thể huấn luyện một con heo để đóng phim được!

Thành ngữ, tục ngữ về heo và lợn

Lại nói về thành ngữ, tục ngữ về heo và lợn thì trong tiếng Việt nhiều lắm! Không chép hết ra nổi!

Những ngôn ngữ khác chắc cũng có, nhất là tiếng Hoa, vì người Tàu nuôi heo và ăn thịt heo như người Việt. Riêng tiếng Anh và tiếng Pháp cũng có một vài thành ngữ, tục ngữ có liên quan đến con heo. Xin chép hai câu coi chơi:

Tiếng Anh có thành ngữ “Pig may fly” hay “When pig fly”, ý nói những sự việc không thể nào xảy ra được. Heo làm sao mà bay được! Có lẽ cũng tương đương với thành ngữ tiếng Việt “Chờ tới Tết Công-Gô”!

Tiếng Pháp có “Donner de la confiture aux cochons” – Cho heo ăn mứt hay “Jeter les perles devant les pourceaux” – Đem thảy những hạt ngọc trai trước mũi mấy con lợn. Có nghĩa “Thật lãng phí khi đem những gì quý báu cho những kẻ không hiểu biết về giá trị của những gì mình nhận được.

Chuyện ma heo

Hình như xứ nào, dân tộc nào cũng có chuyện ma. Có nghe một chuyện ma heo, có lẽ là một câu chuyện ngụ ngôn để kêu ngạo về lòng tham.

Có mấy người đi về khuya, qua một cánh đồng vắng thấy một đàn heo con béo tốt. Mỗi người ẵm một con về. Càng đi sao thấy con heo càng nặng. Về tới nhà trời đã gần sáng. Giựt mình coi lại thì thấy mấy con heo, con nào con nấy đã biến thành một tảng đá bự chần vần từ lúc nào không biết!

Truyện cười dân gian

Trong kho tàng truyện cười dân gian Việt Nam còn có Truyện Trạng Lợn. Có những truyện như “Trạng Lợn may mắn”, “Trạng Lợn xem bói”, “Trạng Lợn cầu mưa”, v.v...

Trạng Lợn là người họ Dương, gốc gác ở làng Dừa thuộc tỉnh Hà Nam. Tổ Tiên Ông Bà cũng có nhiều người làm quan trong triều, đến đời sau sa sút, cha mẹ làm nghề mổ heo bò bán thịt, một nghề mà ngày xưa bị coi là thấp kém, nên được gọi là Trạng Lợn. Tuy xuất thân từ nghề bán thịt, nhưng Trạng Lợn có tài trí thông minh.

Lại có thuyết cho rằng ông sinh ở làng Mạnh Chư, chữ “Chư” đồng âm với chữ “trư” là con heo nên được gọi là “Trạng Lợn”.

Những truyện cười dân gian về Trạng Lợn có mục đích châm biếm những thói hư tật xấu của người đời, của quan lại, cường hào ác bá, những kẻ có quyền cao chức trọng lại hà hiếp, sách nhiễu dân lành. v.v..., tương tự như Truyện Trạng Quỳnh, Xiển Bột, Truyện Ông Ó, Ba Giai Tú Xuất, v.v...

Nói lái heo

Khi xưa có nhiều nghề, trong nghề người ta hay nói lái với nhau, cùng ngành nghề mới hiểu, người ngoài không nghe quen sẽ không thể nào hiểu nổi.

Cứ mỗi một tiếng thì thêm một tiếng đệm không thay đổi, rồi nói lái lại. Người nghe phải “nghe lái” lại để “dịch” ngược lại hầu có thể hiểu được ý câu nói: cứ mỗi hai tiếng phải “nghe lái” lại, bỏ tiếng sau là tiếng không đổi, giữ tiếng thứ nhất.

Thí dụ: Lái heo

- Tiếng đệm không thay đổi là “heo”

- Muốn nói “Tôi đi mua lợn” thì nói: “Teo hôi đeo hi meo hua lẹo hơn”

(Tôi heo - Teo hôi, đi heo - đeo hi, mua heo - meo hua, lợn heo - lẹo hơn)

Quý bạn đọc thử đoán xem hai anh lái heo này nói với nhau cái gì:

- Keo hon heo heo nèo hay bẹo hinh, neo hăm nghèo han meo hắc léo hăm, trẻo ha beo ha nghèo han theo hôi!

Heo hay lợn từ xưa đã được dùng trong những dịp quan hôn tang tế, cúng kiếng, lễ lạc, trong việc giao tiếp, xã giao, trong phong tục cưới xin, dựng vợ gả chồng, v.v... Trong những dịp đó, không thể không có một mâm heo quay bóng lưỡng đỏ au, da phồng giòn rụm, ...

Những ngày đầu xuân,trong tháng Giêng Âm lịch, ở nhiều địa phương như ở nhiều làng thuộc tỉnh Bắc Ninh, hiện nay cũng còn Lễ Hội Chém Lợn. Nhiều người vẫn còn muốn duy trì những nghi thức truyền thống của Lễ hiến tế này, trong đó con lợn bị chém đứt làm hai đang khi còn sống. Sau đó người ta quét giấy bạc vào máu con lợn với niềm tin điều đó sẽ mang lại những may mắn trong năm mới.

Giữ gìn và truyền lưu văn hóa cổ truyền của dân tộc là điều đáng quý và cần phải duy trì. Tuy nhiên có những hủ tục mà chúng ta cần phải loại bỏ như tục chọi trâu, những Lễ Hội chém lợn, v.v... rất dã man, không có nhân tính, đầy bạo lực, không thể coi là những nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc được. Ở hải ngoại, nhất là ở những nước tân tiến, Âu Mỹ, Úc, ... người ta đặc biệt quan tâm và chú trọng đến Animal welfare, có những Hội như Hội Bảo Vệ Súc Vật, có thể kiện những hành động hành hạ súc vật như vậy.

Nói về những kỷ niệm thì nhiều lắm! Kỷ niệm về con heo thời thơ ấu thì có hai hình ảnh không thể quên là những cái bánh Trung Thu hình con heo và con heo đất, “ống heo” để mỗi khi có tiền thì bỏ ống để dành.

Nhân dịp Tết Trung Thu, ngoài những loại bánh dẻo, bánh nướng với hàng chục thứ nhưn, nhưn đậu xanh, nhưn hột sen, nhưn có tròng đỏ hột vịt muối, v.v..., người ta còn làm những cái bánh nướng hình con heo nhiều cỡ. Cỡ lớn thì có nhưn đậu xanh, cỡ nhỏ thì chỉ có cục bột nướng hình con heo. Những cái bánh hình con heo này có hai con mắt là hai hột đậu đen.

Sau này, để tìm lại những hình ảnh của những ngày xưa, tìm trong Internet, những trang dạy nấu ăn, làm bánh,... cũng thấy những cái bánh nướng hình con heo, nhưng hoi khác những cái bánh hồi xưa.

Hồi nhỏ con nít hay bỏ ống, hễ có bạc cắc tiền lẻ (bên này tiếng Anh gọi là coin) hay đến Tết có tiền lì xì thường thích bỏ ống để dành. Những cái ống để tiền này có hình con heo nên được gọi là ống heo, hoặc goi, là heo đất. Có lẽ con heo tương trưng cho sự no đủ, sung túc nên những ống heo có hình dạng con heo.

Hầu như trẻ em, đứa nào cũng nuôi heo đất. Những con heo đất hình như chủ yếu được sản xuất tại các lò gốm ở Lái Thiêu và có bán ở hầu hết các tiệm chạp phô.

Tôi còn nhớ dáng con heo đất thân dài, mập mạp, nằm bẹp chớ không đứng, 4 cái chân, cái mũi và cái đuôi ngắn hơi quắn lại, được nặn nổi trên cục đất hình con heo. Da heo nhám, sần sùi, sơn màu đỏ ngả sang một ít màu vàng chớ không phải đỏ lòm đỏ lét hay đỏ tươi. Phần bụng màu vàng kem như màu đất sét. Trên lưng có vẽ hoa văn màu vàng nhưng tôi không nhớ hình hoa văn như thế nào. Trên lưng còn có một cái khe nhỏ để bỏ tiền vô. Khi có việc cần tiền đã để dành được phải đập ống heo bể ra, chớ không có cái nắp ở dưới bụng như những ống heo hay những ống có nhiều hình dáng khác sau này. Muốn tiếp tục nuôi heo đất phải mua con khác.

Bây giờ có Internet, có thể truy cập nhiều tài liệu, ca nhạc, hình ảnh, v.v... hồi xưa, hầu như cái gì cũng tìm thấy, nhưng tôi vẫn không sao tìm được hình của con heo đất thời thơ ấu nữa!

Bây giờ, người ta làm những ống heo bằng sành bóng nhoáng, rất đa dạng, rất nhiều kiểu với nhiều màu sắc sặc sỡ, trông rất đẹp và rất dễ thương. Tuy nhiên, những con heo này không thể gợi nhớ cho tôi những kỷ niệm xa xưa.

Tôi không tìm lại được hình ảnh con heo đất của ngày xưa, như đã không bao giờ có thể trở về quá khứ để sống lại thời thơ ấu hồn nhiên. Hình ảnh con heo đất và những ảnh của thời thơ ấu ngày xưa bây giờ chỉ còn trong ký ức...

TLQuan