Hầu như những thú hữu nhũ có tự nhiên trên lục địa Úc Châu (native fauna) thuộc Phân thứ lớp Thú có túi (Marsupialia), như kangaroo, wallaby, planingale, v.v... cùng nhiều loài chuột túi khác. Còn những thú hữu nhũ thuộc Phân thứ lớp Thú có nhau thai (Plancentalia) hầu hết đã được du nhập vào lục địa này từ nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt từ Âu Châu và Á Châu, đó là chó, mèo, chuột, thỏ, lừa ngựa, dê, trâu bò, nai, dê, cừu và heo.

Heo rừng có mặt khắp nơi trên thế giới. Heo rừng là hậu sinh của những giống heo xuất phát từ heo nhà, vì một lý do nào đó, đã thoát ra rừng hoặc đã được thả ra thiên nhiên.

Về từ ngữ, vì nước Úc là nước nói tiếng Anh nên người viết xin ghi lại một ít từ ngữ về heo rừng để tham khảo sau này. Tiếng Anh, heo rừng được gọi là “wild boar”, “hog” hay “wild hog”, gọi chung heo rừng giống đực lẫn giống cái ở bất kỳ độ tuổi nào ; nếu gọi riêng, con đực là “boar”, con nái là “sow” (đã giao phối), heo nái chưa từng giao phối lần nào gọi là “gilt”, heo con đã thôi bú gọi là “shoat”, gọi là “pig” khi chưa thôi bú, còn “piglet” là heo con mới sinh. Heo rừng đực đã bị thiến gọi là “barrow”, có khi gọi tắt là “bar”. Nhiều từ ngữ chỉ heo rừng, tiếng bình dân (colloquial) là “razorback”, từ tiếng bình dân ở Mỹ. Heo nhà còn được gọi là “swine”.

Loài heo được du nhập sang lục địa Úc Châu theo những chuyến tàu di dân từ Âu Châu vào Thế Kỷ thứ 19 để làm nguồn thực phẩm. Những đàn heo đầu tiên được thả ra rừng được ghi nhận là vào khoảng năm 1777, tại vùng Adventure Bay trên đảo Bruny Island, phía đông-nam Đảo Tasmania, trong vùng biển Tasman thuộc Tiểu Bang Tasmania, do chính sách của Thuyền Trưởng Cook hầu mang thú và cây trồng đến những vùng đất mới.

Ngay cả những đảo xa xôi như Flinders Island, phía đông-bắc Đảo Tasmania, cũng có những đàn heo rừng với số lượng đáng kể. Tương truyền do những con heo đã đổ bộ lên đảo từ chuyến tàu City of Foo Chow vào tháng Ba năm 1877.

Có nhiều tài liệu khác cho rằng heo được du nhập vào lục địa Úc Châu khi những chuyến tàu đầu tiên đến từ Âu Châu cặp bến Sydney vào tháng 5 năm 1788. Khi ấy có 49 con heo được mang theo để nuôi làm nguồn thực phẩm. Về sau, trong khoảng Thập Niên 1880s thì heo được thả rong và trở thành heo rừng sống hoang dã ở Tiểu Bang New South Wales.

Từ đó những đàn heo rừng sống hoang dã đã dần dần lan tỏa khắp nơi và sinh sôi nẩy nở một cách nhanh chóng, dân số tăng vọt đến mức trở thành một loài dịch hại. Chưa có tài liệu chính xác, nhưng heo rừng đã bị coi là loài dịch hại tại Tiểu Bang New South Wales từ những năm 1880s cuối Thế Kỷ thứ 19. Đến năm 1987 thì heo rừng bị tuyên bố là một loài thú có hại nhất cho nông nghiệp trên toàn nước Úc.

Heo rừng được phân bố rộng khắp trên toàn lục địa Úc Châu, hầu như có mặt trên khắp các Tiểu Bang và Lãnh Thổ.

Có tài liệu ước tính có khoảng từ 13 triệu đến 23 triệu con heo rừng được phân bố khắp các Tiểu Bang Victoria, New South Wales, Queensland và vùng phía Bắc của Lãnh Thổ Bắc Úc.

Phân loại

Lớp: Mammalia Thú Hữu nhũ

Phân Thứ lớp: Placentalia Thú có nhau thai

Bộ: Artiodactyla Bộ Thú có móng guốc chẵn (Even-toed ungulate)

Họ: Suidae

Giống: Sus

Loài: Sus scrofa

Loài heo rừng còn được phân chia thành nhiều loài phụ như Sus scrofa scrofa, S. s. algira, S. s. Attila, S. s. cristalus, S. s. davidi, S. s. majori, S. s. moupinensis, S. s. sibiricus, S. s. taivanus, S. s. vittatus, v.v… có hình dạng và màu sắc cũng như một số đặc tính sinh học khác nhau. Heo rừng thuộc những loài phụ này không có mặt trên lục địa Úc Châu.

Heo nhà thuộc loài phụ Sus scrofa domesticus.

Đặc điểm sinh học

Mô tả:

- Về hình dáng, heo rừng khác biệt với những giống heo nhà được nuôi.

- Về kích cỡ, heo rừng nhỏ con hơn heo nhà, không mập béo như heo nhà và có nhiều bắp thịt khỏe mạnh hơn.

- Ở heo rừng, phần vai và cổ khá phát triển, phần thân sau ngắn hơn so với heo nhà.

- Lông heo rừng dài hơn, thô cứng hơn và thưa thớt hơn.

- Mõm dài hơn, lưng thon hơn, vành tai nhỏ hơn.

- Đuôi heo rừng thẳng có lông rậm ở chót đuôi, còn heo nhà có đuôi quắn.

- Răng nanh cũng dài hơn và mọc chỉa ra hai bên. Hai nanh ở hàm dưới mọc cong lên trên và cong về phía sau tạo thành một vòng cung. Răng nanh ở hàm trên tương đối ngắn hơn, chỉ mọc dài đến 9 cm, mọc chỉa ra hai bên và cong về phía sau.

Ranh nanh của heo rừng ở vùng Carmor Plains có chiều dài từ 15 cm đến 25 cm (6"- 10")! Cho đến nay, người ta ghi nhận có một nanh heo rừng lớn nhất, cũng từ vùng Carmor Plain (năm 2005) đạt đến kích thước 30 cm!

Carmor Plains là khu bảo tồn thiên nhiên cách Thủ Phủ Darwin khoảng 130 Km về phía đông-nam, gần Lâm Viên Quốc Gia Kakadu National Park.

- Heo đực và heo nái có kích thước và trọng lượng khác nhau. Heo đực cao hơn heo nái và có thân mình dài hơn, đầu to lớn hơn, nặng hơn heo nái từ 10 Kg đến 20 Kg ở độ tuổi khoảng 12 tháng. Ở độ tuổi này, một lớp sụn dầy được phát triển bên dưới lớp da của heo đực có chức năng bảo vệ vai và khung xương sườn không bị tổn thương trong những trận húc nhau.

Trọng lượng trung bình của heo nái từ 50 Kg đến 60 Kg, trong khi heo đực thường có trọng lượng từ 80 Kg đến 100 Kg. Tuy nhiên trọng lượng heo rừng cũng thay đổi tùy theo điều kiện của môi trường sống. Có tài liệu ghi nhận được một con heo rừng cân nặng đến 260 Kg!

Hình dáng và màu lông của heo rừng cũng thay đổi tùy theo những đặc tính di truyền của giống heo từ nhiều thế hệ trước. Thông thường nhất heo rừng có màu lông đen, nhưng cũng có những màu lông khác như màu đỏ nâu (như màu sắt rỉ sét), và sự trộn lẫn của những màu trắng, nâu trắng, nâu với những đốm đen, v.v...

Bộ lông heo con cũng thường có những lằn màu sậm dọc theo thân mình, những lằn này biến mất dần khi heo lớn lên.

Một số heo đực còn có bờm lông chạy dài từ cổ đến giữa lưng. Lông bờm thô cứng và khi con thú giận dữ lông bờm vươn thẳng đứng lên.

Heo rừng có đôi mắt ti hí, thị giác rất kém, nhưng bù lại, khứu giác và thính giác rất phát triển.

Hoạt động của heo rừng:

Heo rừng là một loài thú ăn đêm, chỉ hoạt động từ lúc chạng vạng tối cho đến lúc bình minh, khi khí trời còn mát mẻ. Hoạt động của heo rừng chủ yếu tập trung ở những khu vực có nước. Trong điều kiện khí hậu nóng bức, vào ban ngày heo rừng có thể tập trung ở một khu vực và khi đêm về di chuyển đến một khu vực khác để tìm thức ăn.

Heo rừng là một loài thú khá nhút nhác, thường lẩn trốn khi có người xuất hiện, có khi có thể di chuyển đến hơn 5 Km xa khu vực bị quấy động, thí dụ bởi những người đi săn, do đó những số liệu khi tiến hành khảo sát và kiểm tra số lượng của những đàn heo trong một vùng có thể bị sai lệch.

Heo rừng thường hoạt động trong một khu vực cố định, di chuyển theo những lối đi nhất định từ chỗ trú ẩn đến những khu vực có thức ăn và nước uống.

Khu vực sinh sống của heo rừng tùy thuộc vào môi trường, điều kiện khí hậu, nguồn thực phẩm, nguồn nước và cũng tùy thuộc heo đực hay heo nái. Heo rừng có thể di chuyển khá xa để tìm một khu vực sinh sống thích hợp.

Trong nhưng điều kiện bình thường, diện tích khu vực sinh sống của heo đực trưởng thành từ 10 đến 50 cây số vuông, heo nái từ 10 đến 20 cây số vuông. Đối với heo nái đang trong thời kỳ cho con bú, diện tích khu vực sinh sống được giới hạn lại trong vòng 5 cây số vuông.

Trong những khu vực dồi dào thức ăn, những cá thể heo rừng có khuynh hướng không di chuyển ra ngoài khu vực quá 5 Km.

Heo rừng có tập quán dầm mình trong nước và quậy bùn nên tìm những khu vực sinh sống gần nguồn nước. Dầm mình trong nước giúp cho sự điều hòa thân nhiệt của heo rừng. Chúng có thể dùng chung những lối đi đến nguồn nước có sẵn của trâu bò và những đàn cừu, trong trường hợp này chúng có thể đánh dấu các lối đi bằng cách cọ sát răng nanh vào những gốc cây hay những khúc gỗ trên lối đi.

Heo rừng sinh sống theo chế độ mẫu hệ, nghĩa là heo nái là con heo đầu đàn. Thông thường những con heo nái có quan hệ huyết thống sống chung trong một đàn cùng với những heo con (đàn heo rừng này tiếng Anh gọi là “sounder”).

Đến tuổi trưởng thành sinh dục (khoảng 18 tháng) heo đực “độc thân” tách khỏi đàn để sống đơn độc và chỉ quay lại đàn để giao phối.

Số cá thể trong một đàn heo rừng thay đổi tùy theo mùa và tùy theo môi trường sinh sống. Trong rừng rậm, số heo trong một đàn ít khi quá 12 con. Ở những khu rừng thưa hoặc những khu vực ít cây cối, đàn heo rừng có thể lên đến từ 40 tới 50 con. Vào những mùa khô hạn, có thể có đến hơn 100 heo rừng tập trung tại một vũng nước còn đọng lại.

Nhiều đàn heo rừng có thể sinh sống và kiếm ăn trong cùng một khu vực. Ở heo rừng không có tập quán chiếm hữu riêng một lãnh địa như ở nhiều loài động vật khác, thí dụ như loài cọp.

Môi trường sinh sống

Heo rừng có thể sinh sống trong nhiều môi trường khác nhau: rừng thưa, rừng rậm, rừng mưa nhiệt đới, những vùng đầm lầy, v.v... chủ yếu tập trung ở những khu vực có nguồn nước như dọc theo bờ sông, dòng suối, cạnh các ao hồ, ... do đó những vùng sa mạc khô hạn giữa lục địa Úc Châu không có heo rừng.

Heo rừng cũng cần nơi có bóng râm và chỗ ẩn nấp để tránh bị những thiên địch như chó dingo và các loài chim săn mồi tấn công.

Chế độ dinh dưỡng

Heo rừng cần phải uống thật nhiều nước, đòi hỏi thức ăn phải có đầy đủ các thành phần dinh dưỡng, chủ yếu là hàm lượng chất đạm (protein) cao. Cũng như heo nhà, heo rừng đòi hỏi thức ăn có thành phần chất đạm cao và có nhiều năng lượng để có thể sinh sản. Đặc biệt đối với heo nái đang trong thời kỳ mang thai và cho con bú, thức ăn không đủ các thành phần dinh dưỡng có ảnh hưởng rất lớn đến heo mẹ và do đó ảnh hưởng đến sự nuôi dưỡng bầy heo con.

Heo rừng là một loài thú ăn tạp (omnivore), chúng ăn bất cứ thứ gì, từ những côn trùng nhỏ bé, các loài bò sát, cóc nhái, cá, tôm cua, rùa, trùn đất, chim chóc, chuột bọ, trứng (rùa và những loài chim làm tổ dưới đất), v.v... đến xác chết của những động vật to lớn hơn. Chúng có thể ăn được các loại nấm dại và cây lá xanh tươi mọng nước là những thức ăn được ưa chuộng nhất, chúng “dứt” sạch tất cả hoa, lá, cành, thân, rể, củ, hột, trái, ... của nhiều loại cây cỏ, không chừa một thứ gì!

Sinh sản

Trong những điều kiện thuận lợi, heo rừng có thể sinh sản quanh năm, mặc dù sự sinh sản của chúng tùy thuộc rất lớn vào nguồn thực phẩm thích hợp.

Sự trưởng thành sinh dục của heo nái không tùy thuộc vào độ tuổi mà tùy thuộc vào sức nặng của từng cá thể, tương tự như heo nhà, và cũng tùy thuộc những điều kiện môi trường sống thuận lợi. Heo nái có thể sinh đẻ khi ở độ tuổi từ 6 tháng, 8 tháng đến 1 năm, khi đạt đến sức nặng từ 25 kg đến 30 Kg.

“Chu kỳ kinh nguyệt” của heo nái là 21 ngày (tạm dịch từ ngữ “oestrus cycle” vì khác với chu kỳ kinh nguyệt của người gọi là “menstrual cycle”). Thời gian mang thai từ 112 đến 114 ngày.

Thông thường heo nái mỗi năm sinh một lứa, nhưng trong những điều kiện thuận lợi, mỗi năm có thể sinh được 2 lứa, mỗi lứa từ 5 đến 6 heo con, nhưng trong những điều kiện thuận lợi mỗi lứa có thể có đến 10 con.

Trước khi sinh, heo nái dùng cành lá để làm tổ. Tổ phải gần nguồn nước trong vòng 2 km. Heo con ở trong tổ từ 1 đến 5 ngày cùng với heo mẹ, hoặc heo mẹ ở quanh quẩn gần đó.

Sau 2 hoặc 3 tháng thì heo con có thể ngưng bú và đã có thể có khả năng giao phối. Trong những điều kiện thuận lợi, trong vòng từ 12 đến 14 tháng có thể có 2 lứa heo con ngưng bú và bắt đầu giao phối (thông thường heo rừng trưởng thành sinh dục ở độ tuổi từ 7 đến 12 tháng), do đó sự sinh sôi nẩy nở của heo rừng rất nhanh chóng và số dân số tăng lên rất nhanh.

Bù lại tử suất của heo con cũng khá cao, nhất là đối với heo con ở độ tuổi từ 2 đến 3 tháng. Tùy theo mùa, tỷ lệ tử suất trong đàn heo thay đổi từ 10% đến 100%! Heo con chết vì nhiều nguyên nhân như chết yểu khi còn trong bụng mẹ, khí hậu khắc nghiệt, bị bệnh, bị lạc đàn, bị săn bắt bởi những thiên địch như chó dingo và các loài chim săn mồi, bị nạn đói vì thiếu thức ăn, v.v...

Thiên địch và dịch bệnh

Những chú heo rừng con là những con mồi được chó Dingo, cá sấu và các loài chim ăn thịt như chim ó, cú, diều hâu, ... ưa chuộng.

Heo rừng, nhất là heo con rất dễ bị nhiễm nhiều chứng bệnh như giun sán, bệnh lao (porcine tuberculosis), bệnh than (anthrax), bệnh lở mồm long móng (foot and mouth disease), bệnh cúm heo (swine flu), cùng nhiều chứng bệnh khác như leptospirosis, melloidosis, Japanese encephalitis, sparganosis, v.v…

Ảnh hưởng đến nông nghiệp, kinh tế, sức khỏe công chúng

Không riêng gì trên lục địa Úc Châu, heo rừng bị coi là một loài thú hoang dã có hại cho môi trường thiên nhiên và cho các ngành nông lâm nghiệp, chăn nuôi trên toàn thế giới.

Heo rừng gây thiệt hại cho những cánh đồng cỏ ở Canada và Mỹ. Năm 2013, người ta ước tính dân số heo rừng ở Mỹ khoảng 6 triệu con, gây thiệt hại tài sản cho những nông trại hằng năm lên đến hàng tỷ đô-la.

Trên lục địa Úc Châu, heo rừng tấn công những đàn cừu để săn bắt cừu non, nhất là những con cừu sơ sinh.

Chúng còn cạnh tranh với thú được chăn nuôi như trâu bò, cừu, ... khi kiếm ăn trên những đồng cỏ và còn phá hoại những hàng rào, hệ thống tưới cùng nhiều thiết bị của những nông trại.

Heo rừng còn phá hoại mùa màng, gây thiệt hại đáng kể cho hoa màu, ngũ cốc và cây trồng khi giẫm đạp và đào xới những khu vực canh tác. Người ta ghi nhận một đàn heo rừng vài chục con trong vòng vài đêm có thể xới nát vài mẫu đất canh tác.

Hơn nữa do tập quán dầm mình và quậy bùn, heo rừng còn phá hoại những đầm lầy và nguồn nước dùng cho nông nghiệp và còn làm dơ bẩn, ô nhiễm những nguồn nước này do sự phóng uế của chúng.

Heo rừng còn là tác nhân làm phát tán các loài cỏ dại, ảnh hưởng đến những vùng canh tác. Đặc biệt một loài cỏ dại có tên khoa học là Xanthium strumarium (tiếng Anh “noogoora burr”), thuộc Họ Cúc (Asteraceae) là một loài cỏ dại thường niên có thân cứng, mọc cao đến 3 m, lá và trái có những gai cứng có móc cong ở đầu. Loài cỏ dại này rất có hại cho ngành chăn nuôi cừu và ngành sản xuất len và vật dụng làm từ lông cừu.

Vì heo rừng mang nhiều mầm bệnh trong bùn đất dính ở chân và bộ lông, chúng là tác nhân lan truyền nhiều chứng bệnh truyền nhiễm như đã kể trên cho các loài động vật có trong tự nhiên (native fauna) và cho gia súc, gia cầm và cả cho người.

Tác hại đối với môi trường thiên nhiên

Do thân hình to lớn và khỏe mạnh cùng với mõm và bộ răng nanh rất phát triển, heo rừng gây nhiều thiệt hại đáng kể cho môi trường thiên nhiên.

Heo rừng giẫm đạp lên nhiều loại cây cỏ, dùng mõm và răng nanh để đào xới đất, bứng gốc, ... để tìm thức ăn, ... làm hủy hoại những loài cây cỏ ven bờ sông, bờ suối và những ao hồ, đầm lầy, làm hư hại đất đai tại những khu vực đó.

Heo rừng còn cạnh tranh với các loài động vật có tự nhiên trên lục địa (native fauna) về nơi sinh sống và thực phẩm, do đó gây xáo trộn đến sự phân bố tự nhiên của những loài động vật này.

Về bệnh thực vật, đáng kể nhất là heo rừng lan truyền mầm bệnh Phytophtora cinnamomi, một loài vi sinh vật dạng nấm mốc từ nguồn nước gây bệnh cho rễ cây. Khi bị nhiễm, cây dần dần bị khô và chết. Phytophtora cinnamomi có thể nhiễm và gây bệnh cho khá nhiều loài thực vật, do vậy khi bệnh này lan truyền, nhiều khu rừng có thể bị tiêu hủy hoàn toàn.

Heo rừng còn là một tác nhân phát tán cỏ dại, mang hột các loài cỏ dại dính trên lông đi xa khắp nơi.

Tóm lại, heo rừng có những tác hại đối với môi trường thiên nhiên như sau:

- Làm xáo trộn lớp dự trữ hạt của thảm thực vật (seed bank).

(Hạt từ cây rừng có tự nhiên rơi xuống đất không nẩy mầm ngay, mà phải qua một thời kỳ miên trạng. Khi có điều kiện thuận lợi, như đến mùa mưa, mới nẩy mầm trong chu trình tái sinh rừng. Heo rừng giẫm đạp và đào xới đất làm xáo trộn những hạt giống này nên rừng không được tái sinh một cách tự nhiên nữa.)

- Làm xáo trộn thảm thực vật tự nhiên của lục địa

- Biến đổi thành phần của đất đai

- Phát tán cỏ dại

- Phát tán hạt giống của những loài thực vật không có tự nhiên trên lục địa

- Làm tăng tốc độ xói mòn đất

- Hủy hoại môi trường sống tự nhiên của thảm thực vật có tự nhiên trên lục địa.

Biện pháp kiểm soát heo rừng - Săn bắn

Có một số biện pháp được dùng để kiểm soát sự sinh sản và lan truyền của heo rừng một cách có hiệu quả như sau:

- Đặt bẫy mồi có thuốc độc. Có hiệu quả đối với những đàn heo rừng có số lượng nhỏ. Bẫy dược đặt quanh những khu vực có nguồn nước.

- Tập trung những đàn heo lại một khu vực

- Dựng hàng rào ngăn cản

- Săn bắn

Săn bắn

Có thể nói săn bắn là một thú tiêu khiển của người Tây phương. Ngay từ những chuyến tàu đầu tiên đến lục địa Úc Châu, người Anh đã du nhập các giống thỏ nhằm mục đích duy nhất là săn bắn vì lục địa Úc Châu không có thỏ. Đến nỗi về sau, giống thỏ sinh sôi nẩy nở nhanh chóng và đã trở thành một trong những loài thú dịch hại cho nông nghiệp.

Vì heo rừng cũng được coi là một loài thú dịch hại nên việc săn bắn heo rừng được khuyến khích, tuy nhiên cũng cần phải xin giấy phép để được săn bắn tại những khu rừng đặc biệt.

Để hướng dẫn và trao đổi những kinh nghiệm về săn bắn heo rừng, ở Úc có Tạp chí chuyên đề Bacon Busters – The Original & The Best Pig hunting guide, hằng năm ra 4 số. Trong tạp chí có đăng nhiều bài viết về săn bắn heo rừng và nhiều hình người đi săn cùng với con chó săn (nhiều hình cùng cả gia đình kể cả trẻ em) chụp chung với xác con heo rừng vừa bị hạ sát như là một thành tích nổi bật. “Chiến lợi phẩm” heo rừng càng to, càng nặng thì càng được khen ngợi, khuyến khích.

Tạp chí này còn là nơi quảng cáo nhiều kiểu súng săn cùng nhiều thiết bị và quần áo đi rừng, cũng như những giống chó săn tốt nhất.

Riêng ở Lãnh Thổ Bắc Úc, có nhiều công ty tổ chức những cuộc đi săn bắn heo rừng tại những khu vực quy định.

Khai thác thịt heo rừng

Khoảng 10 năm nay, những công ty xuất cảng gia súc như trâu, bò, ... đã đầu tư vào việc khai thác thịt heo rừng tại Lãnh Thổ Bắc Úc, nhất là tại vùng Arnhem Land, phía đông của Thủ Phủ Darwin. Việc này giúp ích rất nhiều cho việc tạo công ăn việc làm cho các cộng đồng người thổ dân sinh sống trên Lãnh Thổ Bắc Úc. Heo rừng đã trở thành một nguồn thu nhập đáng kể cho các cộng đồng thổ dân này.

- Trong Thập Niên 1990s, Bắc Úc đã xuất cảng thịt heo rừng sang các nước Âu Châu như Pháp, Đức, ...

Mỗi tuần có khoảng 800 con heo rừng đã được chở đến các nhà máy chế biến thịt ở Queensland, và những người săn heo rừng được chi trả khoảng 1,60 đô-la Úc cho mỗi ký thịt.

- Năm 2002, đã có khoảng 700 con heo rừng được xuất cảng từ Darwin sang Philippines.

- Theo nguồn tin của ABC Rural Radio, ngày 05 tháng 03 năm 2014, ông Adam Giles, Thủ Hiến Lãnh Thổ Bắc Úc (nhiệm kỳ 2013-2016), đã tuyên bố xác nhận tiềm năng xuất cảng heo rừng Bắc Úc sang Việt Nam. Việt Nam đã từng là khách hàng lớn thứ nhì của Bắc Úc về trâu bò và gia súc.

(Tại sao Chính Quyền CSVN không đầu tư vào việc chăn nuôi gia súc để xuất cảng mà lại nhập cảng trâu bò và gia súc từ Bắc Úc?)

TLQ

Tài liệu tham khảo chính

Strahan, Ronald. Ed. (1983). The Australian Museum Complete Book of Australian Mammals – The National Photographic Index of Australian Wildlife. Angus & Robertson Publishers

Department of Sustainability, Environment, Water, Population and Communities, 2011. The Feral Pig (Sus scrofa) – environment.gov.au

Websites

https://en.wikipedia.org/wiki/Feral_pig

http://www.environment.gov.au/biodiversity/invasive-species/feral-animals-australia/feral-pigs

http://agriculture.vic.gov.au/agriculture/pests-diseases-and-weeds/pest-animals/a-z-of-pest-animals/pig-feral-or-wild

https://nt.gov.au/environment/animals/feral-animals/feral-pig

https://www.agric.wa.gov.au/pest-mammals/feral-pigs

http://www.australiawidesafaris.com.au/hunting-safaris/wild-boar-hunting-safaris/

http://huntaust.com.au/game/wildboar.htmlhttp://www.abc.net.au/news/2018-01-02/nt-female-pig-hunters-on-the-rise/9276920

http://www.abc.net.au/news/rural/2014-03-05/nt-looking-to-export-feral-pigs-to-vietnam/5300372