Chuyện khó tin nhưng có thật!

Cái “job” đầu tiên của tôi khi định cư ở Darwin, Bắc Úc là... bắt ruồi và đếm ruồi!

Lần đầu khi viết thơ về cho gia đình thì ai ai cũng cười và không tin đó là tôi nói thiệt, tưởng nói giỡn chơi cho vui, qua bên Úc mà “làm chuyện ruồi bu”!

Định tới “năm Con Ruồi” mới viết bài về cái “job” bắt ruồi, mà đợi tới “năm Con Ruồi” thì đợi luôn tới ... “Tết Công-gô” viết luôn thể cho tiện!

Nhưng đợi tới lúc đó thì lâu lắm! Vả lại tôi đã hứa viết về cái “job” bắt ruồi và đếm ruồi này lâu lắm rồi, gần 10 năm, từ năm 2010 nhân dịp Hội Ngộ Khoa Học ở Sydney rồi đi Tour Gold Coast, Brisbane, ... rồi Hội Ngộ Paris năm 2012 kết hợp đi Tour Âu Châu gần cả một tháng. Trên chuyến xe bus vượt hàng ngàn cây số trên đường thiên lý dài đăng đẵng, Thầy Cô bạn hữu cùng ca hát lại những bài ca sinh hoạt tập thể thời niên thiếu trong sinh hoạt các đoàn thể Hướng Đạo, Gia Đình Phật Tử, v.v..., cùng chơi trò chơi, giúp vui văn nghệ, kể chuyện tiếu lâm, v.v... Trong những lần đó tôi đã kể chuyện bắt ruồi là công việc làm đầu tiên khi đặt chân đến Úc. Có lẽ câu chuyện cũng thú vị nên một số bạn đề nghị tôi viết lại đăng trên diễn đàn Khoa Học để mọi người coi chơi. Nhưng tôi đã hứa lèo...

Mãi đến cuối năm 2015, tham dự Hội Ngộ Khoa Học ở Sydney, rồi đi Tour Canberra, Tour 2 đảo của New Zealand, không ngờ trên xe bus, anh Bùi Quốc Cường ở tận bên xứ Huê Kỳ còn nhớ chuyện này từ hồi đi Tour Âu Châu năm 2012. Trên chuyến xe bus anh xung phong làm MC, hoạt náo viên, làm cho không khí vui nhộn, bà con không bị ngủ gục trên đường xa vạn dặm. Lúc đầu anh nói lòng vòng đủ thứ chuyện trên đời ... rồi mới nhắc tới những chuyện khó tin nhưng có thật. Lúc đầu tôi cũng không để ý mấy vì cũng đang ... ngủ gục. Bỗng giựt mình khi anh giới thiệu tôi lên kể chuyện bắt ruồi. Tôi thật không ngờ đã ba bốn năm rồi mà anh vẫn còn nhớ chuyện này. Tôi kể lại, ai nấy cười nghiêng ngả, rồi cũng có đề nghị tôi viết lại. Tôi lại cũng hứa lèo ...

Thôi lần này không hứa lèo nữa! Mặc dầu là năm Con Heo, không phải “năm Con Ruồi”, tôi viết lại để kỷ niệm 40 năm ngày Tốt Nghiệp Đại Học 1978 và 30 năm định cư ở Darwin, Bắc Úc với sự may mắn được công việc làm đầu tiên là bắt ruồi và đếm ruồi năm 1988, cùng kỷ niệm những chuyến đi vui với quý Thầy Cô và bạn hữu trong Nhóm Cựu Sinh Viên Đại Học Khoa Học Sài Gòn. Tôi viết bài này cũng là để nhớ lại những kỷ niệm về Khoa Sinh, về Trường Đại Học Khoa Học, nhớ lại những giờ thực tập, những lần đi du khảo, nhớ về bạn bè cũ và nhất là quý Thầy Cô đã có công truyền đạt những kiến thức khoa học là hành trang quý báu để vào đời.

Thành Phố Darwin và Trường Đại Học nơi tôi đang làm việc mang tên của Ông Tổ Sinh Học đã đưa ra Học Thuyết Tiến Hóa. Tôi đang làm Technician về Biology tại Trường Đại Học Charles Darwin University, một Trường Đại Học duy nhất ở Bắc Úc và là Trường Đại Học nhỏ nhất nước Úc! Công việc chính là sắp xếp các lớp thực tập về Sinh Học (Biology) và các chuyến du khảo (Field trip, đi thực địa) cho các lớp về Sinh Học Môi Trường (Environmental Biology), trong đó có việc đi thu thập những mẫu thực vật và động vật, côn trùng, v.v... cho các lớp thực tập, có thể gọi nôm na là công việc “hái hoa bắt bướm” vậy!

Nên chi hồi đi Tour New Zealand, viếng cảnh nhiều nơi, mọi người ngắm cảnh và chụp hình trên trời, còn tôi vì “méo mó nghề nghiệp” nên ngắm và chụp hình cây cỏ, rong rêu, dương xỉ, nấm, địa tiền, địa y, ... dưới đất! Phải nói là khí hậu New Zealand mát mẻ và thích hợp cho sự phát triển sinh dục của các loài thực vật. Hầu hết đều ra hoa kết trái, ngay cả những loài rong rêu đều có đầy những nang (capsule) chứa bào tử, nhìn gần sát đất rất đẹp, mà ở Darwin ít khi nào thấy được. Thế giới sinh vật nhỏ bé cũng đẹp và thơ mộng lắm! Cũng may mà Thầy Chu Ngọc Thủy đi cùng không hỏi về chuyên môn Thực Vật Học, chớ nếu tôi không thuộc bài, trả lời tầm bậy, trật lất chắc Thầy lấy bằng cấp lại! Hú hồn!

Tôi là một trong số các bạn thật may mắn khi định cư ở nước ngoài mà được tiếp tục làm công việc phù hợp với ngành mà mình đã học ở đại học.

Nhưng cũng phải nói là tôi có được công ăn việc làm ổn định cho tới nay, một phần cũng là nhờ … mấy con ruồi!

Thật vậy! Cái “job” đầu tiên khi tôi đến Úc là bắt ruồi và đếm ruồi! Việc làm “full time” (toàn thời) trong một cơ quan nhà nước, có lãnh lương và đóng thuế lợi tức đàng hoàng!

Cái “job” đầu tiên “job” bắt ruồi

Bắt ruồi để đếm chớ không nuôi

Phân ra đực cái riêng hai giống

“Làm chuyện ruồi bu” cũng khá vui!

Cho đến bây giờ, mỗi khi kể chuyện này, hầu như mọi người đều tưởng là tôi nói chơi cho vui! Không thể tin được là tôi đến Úc chỉ để “làm chuyện ruồi bu”!

Công việc mỗi tuần là đi vô những cánh rừng quanh Darwin thăm các bẫy bắt ruồi, thay các hũ hóa chất có mùi khá hôi thúi cho “ruồi bu”, lấy ruồi về phòng thí nghiệm, lựa ruồi, rửa sạch, sấy khô, ... Mỗi ngày coi từng con ruồi dưới kính hiển vi để phân ra từng loài ruồi (species), để riêng ruồi đực và ruồi cái, sau đó đếm ruồi, làm báo cáo mỗi bẫy có những loài ruồi nào, mỗi loài có bao nhiêu con đực, bao nhiêu con cái, … (mỗi bẫy bắt ruồi đều có đánh số để biết bẫy được đặt ở địa điểm nào trong rừng).

Có ngày phân loại và đếm được hơn 10 ngàn con ruồi! Điều này có đăng trong mục “News” của Tạp Chí Entomology của Bộ Nông Nghiệp Bắc Úc, số báo khoảng tháng 10 hay tháng 11 năm 1988 - Lâu quá không nhớ rõ đúng tên Tạp Chí và số phát hành tháng nào. Tôi còn giữ số tạp chí này, để hôm nào rảnh tìm lại, bây giờ không nhớ để ở đâu! Tôi còn nhớ là khi viết ít dòng tin này, nhà báo “phán” cho tôi là “one poor soul” – “một linh hồn khốn khổ”!

Coi ruồi dưới kính hiển vi mỗi ngày hoa mắt luôn, đến nỗi mấy tuần đầu khi làm việc này, đêm nào mỗi khi chợp mắt cũng đều thấy cái đầu ruồi bự tổ, râu ria lỏm chỏm, có hai con mắt lồi đen thui bự tổ nhìn trừng trừng!

Có người hỏi làm sao biết ruồi nào đực, ruồi nào cái?

- Trả lời vui: “Ruồi đực có râu, ruồi cái hổng có râu!” Thật ra ruồi đực hay ruồi cái cũng đều có râu hết!

Lại nói tới cái “duyên” được “job” bắt ruồi.

Số là khi mới đến Darwin, sau việc kiểm tra sức khỏe, chích ngừa, v.v..., người ta cho thi trắc nghiệm trình độ Anh ngữ để trước tiên phải học Anh văn tại Trung Tâm AMEC (Adult Migrant Education Centre), sau này là AMEP (Adult Migrant Education Program). Tùy theo trình độ mà học viên được xếp vào các lớp từ vỡ lòng tới các lớp 1, 2, 3, 4, v.v..., cho tới lớp chót. Tôi được xếp vào lớp chót là lớp chủ yếu hướng dẫn người mới định cư về văn hóa và đời sống của nước Úc, để mau chóng hội nhập vào xã hội đa văn hóa của Úc. Lớp này dạy cách làm đơn xin việc làm, cách thức tiếp xúc và trả lời, v.v... khi đi phỏng vấn tìm việc, v.v... Có chương trình đi thực tế như thăm viếng các nông trại, nhà máy, các cơ quan chính phủ, v.v... Sau khi học chừng hơn một tháng thì được đi làm thử việc một tháng, sau đó trở về tổng kết, báo cáo, v.v… khoảng một tháng nữa là hết khóa học.

Tùy theo bằng cấp chuyên môn và kinh nghiệm làm việc từ trước như mình đã khai và nộp giấy tờ mà người ta giới thiệu vào làm thử việc, gọi là “work experience”, tại một nơi làm việc thích hợp.

Chương trình này rất hay, có thể giúp cho người mới định cư nhanh chóng tìm được việc làm thích hợp. Lúc đó, cũng như tôi, hầu hết những học viên trong lớp tôi đều đã nhận việc tại chỗ làm mà họ đã đến làm work experience. Rất tiếc, hình như sau này chính phủ không còn chương trình này nữa, tôi không rõ lắm.

Tôi có Bằng Tốt Nghiệp Đại Học Khoa Học, ngành Sinh Vật Học và đã làm việc gần 3 năm tại Xí Nghiệp Meo Nấm Giống Long An chỗ Thầy Út Nhỏ (Xí Nghiệp này có một lần nhận được thơ đề “Xí Nghiệp Heo Năm Giống” mà thơ cũng tới, không bị lạc!), nên được giới thiệu làm work experience tại BARC (Berrimah Agricultural Research Centre) thuộc Department of Primary Industry and Fisheries (tạm dịch Bộ Nông Nghiệp và Thủy Sản) của Chính Phủ Bắc Úc.

Ngày đầu làm ở Bộ Môn Vi Sinh. Phòng này hình như chỉ có năm bảy nhân viên, mỗi người làm một việc riêng. Hôm đó sau khi giới thiệu tôi với mọi người xong thì người phụ trách giao việc, bảo là mọi người hôm nay “đi công tác” hết, giao cả cái phòng thí nghiệm Vi Trùng Học cho tôi “giữ chùa”. Phải nói là ở Úc người ta làm việc có trách nhiệm và nhất là tuyệt đối tin tưởng lẫn nhau.

Người phụ trách lại hỏi tôi có biết nhuộm Gram không, tôi nói là biết chớ! Tuy đã lâu ngày không làm việc này, nhưng tôi vẫn còn nhớ như in các buổi thực tập Vi Trùng Học từ hồi năm 1973 ở Chi Khoa Thủ Đức, vả lại ở phòng thí nghiệm, những “Procedures” các giai đoạn của việc nhuộm vi sinh vật cùng nhiều công việc khác đều được in sẵn, cứ theo đó mà làm thôi. Lại nói hôm nay cần nhuộm Gram các mẫu vi trùng E. coli, mỗi mẫu khoảng mười mấy slides (microscope slide, miếng kính mỏng để mẫu vật quan sát dưới kính hiển vi, hồi xưa ở đại học thường hay dùng nguyên chữ tiếng Pháp: “lame”, còn miếng kính rất mỏng đậy lên mẫu vật “cover slip” thì gọi là “lamelle”, tôi cũng không biết tiếng Việt gọi mấy miếng kính mỏng này là gì nữa …), ông ấy phát âm giọng Anh chữ “E. coli” là “i-cô-lai”. Tôi hỏi “i-cô-lai” là gì? Ông ấy ngạc nhiên hỏi lại tôi biết nhuộm Gram mà không biết “E. coli” sao? Tôi cũng hơi ngạc nhiên, nói ông viết ra giấy coi, ông viết thì tôi “À!” một tiếng lớn “ơ-cô-li”, rồi cắt nghĩa giọng Pháp và giọng Việt “e” thì đọc là “ơ”, và “i” thì đọc là “i”, còn đọc theo tiếng Anh thì ngược lại “e” thì đọc là “i” và “i” thì đọc là “ai”. Một kinh nghiệm thực tế đầu tiên về bất đồng ngôn ngữ! Tuy nhiên, ông này cảm thấy rất thú vị khi làm việc với một người gốc Á Châu, biết thêm nhiều điều mà hồi nào tới giờ chưa biết.

Được một tuần làm tại phòng thí nghiệm Vi Trùng Học thì qua tuần sau chuyển qua Bộ Môn Côn Trùng Học (Entomology). Cơ quan BARC có ý định muốn tôi lần lượt làm work experience tại nhiều Bộ Môn cho biết kinh nghiệm tổng quát. Qua Bộ Môn Côn Trùng Học, sắp xếp các mẫu côn trùng mới sưu tầm mà các nhân viên ở đây chưa ai có thời gian làm việc này.

Khoảng hơn một tuần thì ông Boss, Trưởng Bộ Môn Côn Trùng Học gọi tôi hỏi có biết sử dụng kính hiển vi không và có muốn nhận việc tại Bộ Môn Côn Trùng Học này không? Ông còn giao hẹn trước là công việc có hơi cực nhọc, đi làm ngoài trời, vô rừng nóng nực, v.v... và nhất là chỉ làm nhân viên phụ tá (Technical Assistant), mức lương thấp hơn nhiều so với mức lương của người có Bằng Cử Nhân Đại Học, sau này không có được kiện cáo gì nha. Nếu tôi nhận việc thì cơ quan BARC không cần đăng báo tìm người cho mắc công, vì Bộ Môn chỉ cần thêm một nhân viên nữa thôi.

Được quá đi chớ! Kính hiển vi thì tôi biết khá rành rồi, tuy có nhiều Model khác nhau nhưng chỉ cần sử dụng vài lần là quen thôi, làm việc ngoài trời nóng nực thì đâu có vấn đề gì, tôi đến từ xứ nhiệt đới, khí hậu Darwin cũng tương tự như khí hậu ở Sài Gòn, Long An, v.v... Còn mức lương thì đối với người mới định cư có việc làm ngay thì quá tốt rồi còn gì! Tôi nhận lời và trở về lớp Anh văn ở Trung Tâm AMEC làm báo cáo, giấy tờ, v.v... Quý thầy cô, các học viên, ... mọi người cùng chúc mừng vì không ngờ tôi quá hên, được việc làm nhanh chóng như vậy.

Qua tuần sau thì bắt đầu công việc. “Tổ bắt ruồi” chỉ có hai người, tôi và cô đầm người Úc khoảng hai mươi mấy tuổi làm “Boss”.

Cũng xin nói thêm về sự may mắn của tôi khi được nhận vào làm công việc này. Hầu hết các “job”, nhất là ở Bắc Úc, một trong những điều kiện để xin được việc làm là phải có bằng lái xe (xe hơi 4 bánh, thi bằng lái xe hơi dễ hơn thi bằng lái xe gắn máy hai bánh với động cơ có phân khối lớn trên 50cc). Hơn nữa, công việc đi rừng ở vùng Bắc Úc đòi hỏi người lái xe không những phải có bằng lái xe thuờng (xe nhà, bên Việt Nam sau này gọi là “ô-tô con”), mà còn phải có bằng lái xe 4WD nữa!

Có lẽ cũng nên nói sơ qua về loại xe 4WD (theo sự hiểu biết chút ít của tôi) để bạn đọc có thể hình dung được vì sao có thể nói là “quá hên” khi tôi được nhận làm một công việc cần phải có những ngày đi rừng. Loại xe 4WD (4-wheel Drive) là loại xe để đi rừng, sàn xe cao hơn và bánh xe lớn hơn xe thường, động cơ mạnh hơn động cơ xe thường. Tùy theo điều kiện đường rừng mà có thể chuyển qua chế độ 4WD, chạy trong thành phố thì chỉ cần chạy chế độ 2WD thôi, xe hơi thường 2WD mà chúng ta thuờng dùng không có chế độ 4WD này. Khi chạy chế độ 2WD thì động cơ chỉ đẩy 2 bánh sau, hai bánh trước bị đẩy lăn theo, còn khi chuyển qua chế độ 4WD thì cả 4 bánh xe đều được động cơ đẩy, do đó 4 bánh xe đều có thể bám chặt xuống mặt đường, bánh xe không bị trợt, hoặc khi 1 hay 2 bánh sau bị hỏng khỏi mặt đường, xe vẫn có thể chạy được và xe không bị lật. Xe 4WD có thể vượt qua được những đoạn đường bùn lầy trơn trợt hay bị ngập nước, băng qua những đoạn đường dốc quanh co khúc khuỷu, ngoằn ngoèo, leo dốc hoặc xuống dốc những đoạn đường có độ dốc đến 45 độ, và có thể tự cứu được để chạy ra khỏi một vũng bùn lầy khi xe bị lún sình, mắc kẹt trong đó (Tiếng Anh gọi là xe bị “bogged”). Chạy xe trên những đoạn đường dốc gập ghềnh, sỏi đá lỏm chỏm, xe lắc lư, bị giằn mạnh hoặc xe bị chao đi khi cán nhằm một cục đá lớn, nếu không vững tay lái, hay không biết cằm bánh lái đúng cách thì có thể bị gãy ngón tay cái chớ chẳng phải chơi!

Lúc đó tôi chỉ mới đến Darwin được vài ba tháng, chưa có bằng lái xe và cũng chẳng có biết đường sá gì ráo! Vậy mà tôi được nhận vào làm công việc cần phải đi rừng, cần phải biết lái xe 4WD, như vậy có phải là quá hên lắm không!

Những ngày đi rừng thì cô đầm “Boss” lái xe, tôi ngồi kế bên. Cô ta chở đi đâu thì đi đó chớ tôi đâu có biết đường sá gì đâu, nhất là đường rừng, những cánh rừng thưa hay rậm rạp cách thành thị đến hơn 50 Km!

Kể đến đoạn này thì một số bạn hỏi vậy chớ tôi không sợ bị cô đầm bắt cóc hay sao? Ờ há! Nếu lúc đó mà bị bắt cóc vô luôn trong rừng thì chắc... “tiêu đời trai” luôn rồi!

Lại nữa, lúc mới qua tôi ốm nhom ốm nhách, theo thói quen và cũng vẫn còn mặc quần áo đem theo từ Việt Nam, nên đi rừng mà tôi vẫn mặc quần tây dài, áo sơ-mi tay dài “bỏ áo vô thùng” đàng hoàng. Còn cô đầm thì mặc quần short, áo T-shirt (vì chỉ đi bắt ruồi nên không cần phải mặc over-all). Ở Việt Nam hiếm khi thấy phụ nữ mặc quần short, lần đầu tiên nhìn cô này mặc quần short, thú thiệt tôi thấy ... nó sao sao ấy!

Khí hậu nóng nực nên cô ấy hỏi “Are you hot?”, ý nói tôi mặc đồ như vậy có nóng không? Tôi nói là đã quen mặc như vậy nên cũng bình thường, ở Sài Gòn khí hậu cũng tương tự, và hỏi lại cô ta có nóng nực không? Cô ta trả lời là vì trời nóng nên mới mặc quần short và T-shirt và đề nghị sau này tôi nên mặc như vậy cho mát. Cô ta còn nói “I am hot, I am a hot girl!”, rồi cười ha hả một tràng ... Lúc đó tôi không biết tại sao cô ta lại cười thoải mái và có vẻ khoái chí như vậy! Sau này mới biết người Úc cũng có tinh thần tiếu lâm, pha trò, nói chơi cho vui, cũng nói nhiều chuyện “tiếu lâm mặn”, ... và đờn bà con gái mà cũng bạo mồm bạo miệng lắm! Có khi còn … bạo miệng hơn cả cánh đờn ông “lủ khủ lù khù”, “ngây thơ cụ” của chúng ta nữa! Lại nữa, ở Việt Nam ít thấy phụ nữ nhậu rượu bia và hút thuốc, phụ nữ mà hút thuốc thường là thuộc một thành phần xã hội khác, bên này nhiều phụ nữ hút thuốc là chuyện bình thường, các bà các cô còn mạnh rượu hơn cả đờn ông con trai chúng ta nữa ... Lúc đó tôi chả có biết “hot girl hot ghiếc” là gì cả!

Lại hỏi, tôi và cô đầm vô rừng một mình (hai mình chớ!) làm cái gì? - Đoạn này hấp dẫn đây!

- Thì bắt ruồi chớ làm cái gì!

Nói bắt ruồi mà không phải bắt theo kiểu mấy đứa con nít ở Sài Gòn, bắt ruồi để ... chơi ở mấy cái đống rác: cầm cái bao ny-lông, mở miệng bao rồi rình chụp con ruồi từ sau lưng, túm miệng bao lại, con ruồi không bay ra được.

Phần chính của bẫy bắt ruồi là một tấm vỉ nhựa hình chữ nhật khoảng 60 cm x 40 cm, ở giữa có khoét một lỗ tròn để đặt hũ hóa chất có mùi hôi thúi cho ruồi bu lại, tấm vỉ được trét một lớp keo, bẫy có mái che được treo tòn ten trên một nhánh cây vừa tầm tay. Do mùi hôi từ hũ hóa chất, ruồi bu lại và bị dính trên tấm vỉ. Mỗi tuần thay tấm vỉ keo mới và lấy tấm vỉ có ruồi bị dính đầy trên đó về phòng thí nghiệm, lựa ruồi ra, rửa ruồi rồi sấy ruồi cho khô.

Công việc phải cần hai người làm. Lấy cái hũ hóa chất có mùi hôi thúi, đậy nắp lại cho kín. Rút tấm vỉ có dính ruồi ra để vô thùng, thay tấm vỉ mới cho cái bẫy, mở nắp cái hũ hóa chất mới pha rồi đặt vào bẫy, chỗ cái lỗ ở giữa tấm vỉ có trét keo. Xong lên xe, đóng cửa, chạy tới địa điểm đặt bẫy khác, cũng làm những việc như vậy, ...

- Hổng phải! Làm cái chuyện gì khác cơ!

- Làm cái chuyện gì khác là cái chuyện gì? (Hỏi sao mà “idée noire” quá!)

Vừa được việc làm, vừa được hằng tuần đi cùng với người đẹp “hot girl” trẻ măng vô rừng cả ngày, có phải là được diễm phúc lắm hay sao! Lúc đó tôi hãy còn “xinh-gù” (single, gù mà xinh làm sao được!), “young, handsome and available”, cô ấy cũng single, sao không “bắt bồ” luôn đi cho rồi!

- Ờ há! Sao lúc đó “ngây thơ vô số tội” thế nhỉ?

- “Diễm phúc” khỉ khô gì! Nhiệm vụ bắt ruồi thì lo bắt ruồi chớ “bắt bồ bắt bịch” làm chi!

Sau khi bắt hết ruồi rồi (!), cũng nhờ may mắn có một nhân viên bên Bộ Môn Plant Pathology (Bệnh Lý Thực Vật) nghỉ Long Sevice Leave nên tôi được hợp đồng tiếp tục làm việc tại Bộ Môn này, coi sóc các nhà kiếng (glass house) và nhà mát (shade house) trồng cây để thử nghiệm những bệnh của nhiều loại hoa quả, cây trồng, ...

Vì là công việc hợp đồng nên trong thời gian làm việc vẫn phải theo dõi tìm việc làm ổn định (permanent job). Tìm permanent job cũng khó khăn, trần ai khoai củ lắm chớ chẳng có phải dễ dàng gì. Việc tìm được permanent job, đúng ngành nghề về Sinh Học tại Trường Đại Học mà hiện nay tôi vẫn còn làm, đã được 28 năm rồi, cũng là do có một cái “duyên” may mắn nữa ... Khi nào có dịp tôi sẽ viết về việc tìm việc làm trong những ngày đầu ở xứ lạ quê người ...

Ở Trường Đại Học có nhiều Bộ Môn, riêng về Sinh Vật Học thì có nhiều nghiên cứu về nhiều loài sinh vật, mỗi đề tài nghiên cứu có Giáo Sư Chủ Nhiệm, có chuyên gia, ... gọi nôm na là “Thầy”. Nếu gọi bằng tiếng Anh thì không có vấn đề gì. Nhưng nếu gọi nôm na bằng tiếng Việt thì ... hơi vui vui ngộ ngộ: có nhiều Thầy như “Thầy rùa”, “Thầy rắn”, “Thầy cá”, “Thầy cua”, “Thầy kiến”, “Thầy cóc”, “Thầy chuột”, “Thầy rong rêu”, “Thầy cỏ”, “Thầy mốc meo”, v.v... Nếu đã từng là “chuyên gia bắt ruồi và đếm ruồi” và có sưu tầm, tìm hiểu chút ít về nấm, thì tôi cũng có thể được gọi là “Thầy ruồi”, “Thầy nấm”! (Vì là “chuyên gia” nên ở tựa bài viết này tôi mới dám tự xưng là “Thầy”!)

Bây giờ nói về mặt chuyên môn, tại sao cần phải đi bắt ruồi.

Khi kể chuyện cái “job” đầu tiên của tôi khi đến Úc là “job” bắt ruồi và đếm ruồi, hầu như ai cũng nghĩ là tôi nói chơi cho vui. Ngay cả một vài bạn đã học Khoa Sinh cũng tưởng vậy. Có bạn thắc mắc hỏi mới hiểu ra tầm quan trọng rất lớn của công việc bắt ruồi và đếm ruồi!

Vùng Darwin, Bắc Úc có nhiều loài ruồi, trong số đó có những loài nhặng xanh (Blow fly) thuộc giống Chrysomya, như Chrysomya megacephala, C. pinguis, v.v… Những loài nhặng xanh này chỉ bu và đẻ trứng trong rác rưởi hoặc xác thú vật đã chết.

Khoảng tháng 8 năm 1988, lúc tôi mới sang Darwin, nhân viên Quarantine phát hiện trên một chiếc tàu hàng đến từ Papua New Guinea có một vài xác ruồi xanh và xác định đó là xác của một loài nhặng xanh rất nguy hiểm, tên khoa học là Chrysomya bezziana (Screw-worm fly). Loài nhặng xanh này nhìn qua bề ngoài không khác gì các loài nhặng xanh ở vùng Darwin, Bắc Úc. Nhưng loài nhặng này đẻ trứng thẳng vào thịt của trâu bò và gia súc còn sống, giòi nở ra và sinh sống trong mô thịt của con thú, làm lở loét, thúi rữa thịt, gây chứng bệnh gọi là bệnh “Myiasis” và làm cho con thú dần dần bị chết.

Một con nhặng cái mỗi lần có thể đẻ được từ 150 đến 200 trứng, chỉ trong vòng 24 giờ thì trứng nở, giòi sinh sống trong mô thịt của con thú trong vòng từ 5 đến 7 ngày thì rơi xuống đất để thành kén. Tùy theo nhiệt độ của môi trường đất mà giai đoạn phát triển của kén kéo dài từ 1 tuần cho đến 2 tháng. Sau khi ra khỏi kén, chỉ trong vòng 24 giờ thì nhặng đực đã trưởng thành sinh dục, còn nhặng cái thì trưởng thành sinh dục trong vòng từ 6 đến 7 ngày. Trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, nhiệt độ từ 29oC trở lên, chu trình phát triển (vòng đời) của loài nhặng xanh Chrysomya bezziana này được kết thúc chỉ trong vòng 24 ngày.

Do tốc độ sinh sản, phát triển và lây lan của loài nhặng xanh này nhanh chóng như vậy, cho nên nếu không có những biện pháp kiểm soát kịp thời và hữu hiệu thì chỉ trong vòng vài tháng, cả nền công nghiệp chăn nuôi trâu bò của Bắc Úc sẽ bị phá sản!

Như vậy có thể nói chính là nhờ xác mấy con nhặng xanh mà cơ quan Quarantine đã tìm thấy, đã đưa đẩy tôi đến với công việc làm đầu tiên ở Úc là bắt ruồi và đếm ruồi trong chương trình “Screw-worm Fly Monitoring Program” của Chính Phủ! Nhờ đó mà sau này được những “References” tốt để xin được việc làm ổn định, đúng chuyên môn và đúng ngành Sinh Học tại Trường Đại Học Charles Darwin University, Bắc Úc.

Trở lại lúc tôi nhận được việc làm bắt ruồi, tôi về Trung Tâm AMEC để làm giấy tờ, từ giã thầy cô và các bạn cùng học lớp Anh văn, và cần báo cáo lại cho mọi người về công việc khi đi làm work experience theo như chương trình của khóa học. Sau khi báo cáo về những việc đã làm và tầm quan trọng của công việc bắt ruồi, có một câu hỏi khá thực tế: khi đã xác định được là loài nhặng xanh đang hoành hành thì làm cách nào để tiêu diệt chúng, những biện pháp kiểm soát kịp thời và hữu hiệu là những biện pháp gì?

Có một người trả lời là xịt thuốc diệt ruồi!

- Không đúng! Ruồi thì vô số, thuốc xịt ruồi ở đâu mà cho đủ!

Thuốc diệt côn trùng chỉ để dùng trong một phạm vi nhỏ của một khu vườn nhà hay cùng lắm là một nông trại, bị côn trùng phá hại chỗ nào thì xịt chỗ đó. Hơn nữa khi dùng hóa chất để diệt côn trùng có hại, lại vô tình diệt luôn cả những côn trùng có lợi ích cho nông nghiệp như loài ong giúp cho sự thụ phấn của hoa quả, ... Dùng hóa chất lại gây ô nhiễm cho môi trường và có hại cho sức khỏe người dùng.

Hơn nữa rừng mênh mông, biết ruồi ở đâu mà xịt?

Biện pháp hữu hiệu là kiểm soát sinh học (Biological control), trong đó kỹ thuật Sterile Insect Technique (SIT) được áp dụng. Khi phát hiện có loài ruồi gây bệnh thì người ta tức tốc tung ra hàng loạt ruồi đực vô sinh. Ruồi đực vô sinh sẽ đi tìm những con ruồi cái để giao phối. Kết quả là ruồi cái không thể đẻ trứng được, chu trình phát triển của loài ruồi gây bệnh sẽ bị gián đoạn, và loài ruồi gây bệnh dần dần sẽ bị tiêu diệt. Để kỹ thuật SIT đạt hiệu quả, tỷ lệ ruồi đực vô sinh và ruồi đực có khả năng sinh sản có sẵn trong thiên nhiên tối thiểu phải từ 5:1 đến 10:1. Do vậy cần phải có một số lượng ruồi đực vô sinh rất lớn. Kỹ thuật SIT không những được áp dụng để kiểm soát sự sinh sản của loài nhặng xanh này mà còn được áp dụng trên khắp thế giới để phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, mùa màng, gia súc, v.v..., và cả cho người nữa, do nhiều loài ruồi và côn trùng có hại gây ra.

Trong khi các “tổ bắt ruồi” đi … bắt ruồi và đếm ruồi thì cơ quan Quarantine có một bộ phận chuyên cung cấp ruồi đực vô sinh, luôn luôn sẵn sàng để kịp thời tung ra ngoài thiên nhiên khi cần.

Những con ruồi đực bị chiếu tia X-quang để trở thành ruồi đực vô sinh.

Hình như vẫn còn có khá nhiều thuật ngữ khoa học chưa có thuật ngữ tiếng Việt tương đương (hay có lẽ tôi chưa được biết?). Thí dụ như việc tạo ra ruồi đực vô sinh không rõ tiếng Việt gọi làm sao? Cho dễ hiểu, có lẽ nói nôm na là “thiến ruồi” hay “hoạn ruồi” cho xong, như ở những vùng quê Việt Nam có nghề thiến heo (ở miền Bắc gọi là hoạn lợn) vậy!

Như vậy ở trên đời còn có công việc nuôi ruồi để ... “thiến”! Tội nghiệp thay cho mấy anh chàng ruồi đực, được nuôi để rồi bị ... “thiến”!

Nói tới nuôi ruồi, lại nhớ những lớp thực tập Di Truyền Học khi xưa có những kỷ niệm khá vui, học “coi mắt ruồi”, mắt đỏ, mắt trắng, mắt con lai, ..., phân biệt ruồi đực, ruồi cái, ... rồi cũng ... đếm ruồi, đếm mấy con ruồi giấm Drosophila melanogaster để minh chứng Quy Tắc Mendel ... tỷ số “9:3:3:1”.

Phải đánh mê mấy con ruồi bằng Chloroform, đánh mê chưa đủ liều lượng hay đếm không kịp, chúng nó tỉnh dậy bay đi mất thì làm sao bắt lại được!

Còn nhớ khi xưa quý vị nghiệm chế viên Bộ Môn Sinh Vật Học nuôi ruồi giấm bằng chuối sứ chín để đủ cung cấp cho các lớp thực tập Di Truyền Học này.

Ở những viện nghiên cứu, những phòng thí nghiệm, v.v... việc nuôi ruồi giấm Drosophila melanogaster để nghiên cứu về Di Truyền Học cũng không đơn giản, cần phải rất kỹ lưỡng khi nuôi những con ruồi thuần chủng “virgin”.

Thuật ngữ tiếng Anh gọi “virgin male flies” và “virgin females” ... nghe bình thường, không có vấn đề gì. Nhưng bảo dịch sang tiếng Việt thì chẳng rõ phải dịch chữ “virgin” như thế nào để nghe cho lọt lỗ tai! Gọi là những con ruồi “còn trinh”, nghe nó làm sao ấy! Thí dụ hỏi “Làm sao nhận biết được một con ruồi còn trinh hay không”, nghe không được ổn cho lắm!

Giữ mấy con ruồi “còn trinh” này phải giữ thật kỹ, khó khăn lắm chớ chẳng phải đơn giản, như là không cho chúng nó “lạng quạng” với nhau, bị … “mất trinh” hết! Không để những “anh chàng” hay “cô nàng” ruồi bên ngoài lén bay vô “quan hệ bất chính”, đẻ ra những thế hệ con lai “tầm bậy tầm bạ” làm các kết quả thí nghiệm về Di Truyền Học sai lệch hết!

Ngành nghề nào cũng có cái hay và những điều thú vị. Ở trên đời này có những công việc kỳ lạ, nghe qua khó có thể hình dung được những việc làm này như thế nào, nhưng những công việc “âm thầm” này lại rất quan trọng và có tầm ảnh hưởng rất lớn đến nhiều lãnh vực trong đời sống như kinh tế, thương mãi, nông nghiệp, v.v..., và cả trong lãnh vực y tế và sức khỏe công chúng nữa, như những công việc bắt ruồi, đếm ruồi, “thiến ruồi” và nuôi ruồi đã kể ở trên.

Tóm lại ai có trong nghề mới biết!

TLQ