MÔN ĐĂNG HỘ ĐỐI

Ngay từ khi giấy mời chưa được phát đi, cả thành phố đã xôn xao về đám cưới sẽ diễn ra nay mai giữa con trai ông trưởng cục thuế và con gái bà phó chủ tịch tỉnh. Người ta bàn tán đủ điều, nhất là đám cán bộ viên chức trong khối cơ quan hành chính của cả T.p lẫn Tỉnh. Có người xúyt xoa khen hai bên khéo chọn mặt gửi vàng. Có kẻ lại cười khẩy cho rằng đây chả phải là hôn nhân chi ráo mà đơn giản chỉ là một cuộc mua bán theo lối thị trường thời hiện đại mà thôi. Nhưng dù là thiên về ý nào thì có một điểm mà ai nấy đều phải thống nhất, đó là cái sự kết hợp này thật “Môn đăng hộ đối”. Phải, không môn đăng họ đối sao được khi mà tất cả các yếu tố cần thiết để đảm bảo cho một cuộc hôn nhân thành công mỹ mãn ( Trên cả hai phương diện hiện đại và truyền thống ) đều đã được cả hai bên chà xát, tính toán đến tận những sợi tơ hồng nhỏ nhất.

Còn vài tuần nữa mới đến ngày đám cưới diễn ra. Máy điện thoại ở hầu khắp các công sở, ban ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố và Tỉnh, nghĩa là tuốt tuột, cả những cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị tập thể thường ngày có mối quan hệ làm việc hay giao lưu với Ủy ban tỉnh cũng như Chi cục thuế, đều thi nhau réo. Các tay Chánh văn phòng, trợ lý, thư kí… cầm trong tay từng tệp danh sách ghi tên khách mời và ngồi lì bên máy điện thoại, kiên nhẫn ra các thông báo. Sự chuẩn bị được thực hiện ở mức hoàn hảo nhất, chu đáo nhất, tận tụy nhất. Giống như tổ chức một trận đánh, nó không được phép xảy ra bất cứ một sai sót nào. Giống như khi quăng một mẻ lưới, nó không muốn có một con cá nào dù nhỏ nhất được lọt qua.

Tại đại bản doanh của họ nhà trai và họ nhà gái, sự chuẩn bị ( Tất nhiên theo nội dung riêng ) cũng đến hồi ráo riết nhất.

Bên nhà gái, bà Phó chủ tịch kéo con gái vào phòng riêng hỏi thẳng thừng:

- Mày có còn là con gái nữa không đấy?

- Mẹ vớ vẩn, hỏi câu ấy để làm gì ? Cô con gái dấm dẳn.

- Vớ vẩn à? Bà mẹ vẻ mặt quan trọng: Tôi nói cho chị biết, trinh tiết là cái giá cao nhất của người con gái khi đi lấy chồng. Hàng ngày chị muốn tí tởn thế nào kệ chị, nhưng “ Cái ấy ” là phải giữ. Đừng để đến đêm tân hôn chồng nó phát hiện ra mày không còn trinh nữa thì là rồi đời con ạ. Cái thằng tử tế thì nó chỉ hậm hực, nhưng sau thì cũng chả coi vợ ra gì. Còn nếu là đứa phũ phu, nó nện cho thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, có khi còn đem gọt đầu bôi vôi rồi mới dẫn về trả cho bố mẹ thì có mà mặt mo…

- Mẹ yên trí nhớn đi – Cô con gái câng câng: Đây chả còn là con gái nhưng đố mười mặt đứa nào bỏ được!

- Đấy, tao biết ngay mà - Bà mẹ thở dài ngán ngẩm, nhìn cô con một hồi rồi dịu giọng: Đừng có chủ quan. Thôi, sự đã thế thì phải tính cách con ạ..

- Cách gì cơ ?

- Rồi tao bày cho. Hồi lấy bố mày tao cũng phải làm... Đơn giản thôi mà hiệu nghiệm ra phết…

- Con biết thừa rồi. Máu cá chứ gì? Đứa con gái láu lỉnh: Nhưng đó là thời của mẹ. Bây giờ thời hiện đại rồi, ai đi thủ thứ ấy lên giường bao giờ, tanh ngeo ngéo. Chúng con dùng thứ khác. Con có con bạn ranh lắm. Nó là chuyên gia. Dù là với người thứ bốn mốt đi nữa thì bao giờ nó cũng vẫn được coi là lần đầu tiên…

Bà chủ tịch nhìn con hoài nghi nhưng rồi cũng chịu thua:

- Thì tôi cứ dặn vậy…

Bên nhà trai, ông trưởng cục thuế vẫn có vẻ bình tĩnh. Trước ngày diễn ra đám cưới ông vẫn ung dung ngồi bày ra bữa rượu mừng sinh nhật cho chú chó yêu của mình. Vây quanh ông là đám đệ tử ruột, chủ yếu là cánh giám đốc các doanh nghiệp, bạn làm ăn, những người thường chịu ơn ông mưa móc. Mọi người dùng hết vốn từ ngữ của mình để ca ngợi con chó. Mà con chó cũng đáng được tán dương thật. Chủ của nó đã thắt cho nó một vòng nơ xanh trùm lên vành lông màu vàng sẵn có ở cổ. Chó có cà vạt quấn cổ là chó khôn. Không những thế, con chó của ông trưởng chi cục thuế còn có cả bốn chân “ đi tất” và trên mỗi cái tất ấy đều có điểm những nốt trắng đúng theo kiểu “ Tứ túc mai hoa”. Giá như nó được cái mũi đen thay cho cái mũi lúc nào cũng ướt mà lại đỏ ( dấu hiệu của loài hay ăn vụng ) thì tuyệt. Nhưng có vẻ như không ai phát hiện ra sự khiếm khuyết ấy. Mọi người vừa uống rượu vừa cố tìm ra những mỹ từ đẹp nhất, độc đáo nhất để rót vào tai ông chủ chó. Ông trưởng cục thuế tỏ ra rất phấn khích:

- Hôm lấy đực cho con mẹ nó, tớ cũng đã kì công lắm, chọn mãi mới được “chàng rể” ưng ý, to như hộ pháp. Tớ phải thêm cho đàng “nhà trai” một triệu để họ đồng ý cho đưa về nhà nuôi. Tớ “cấm chỉ” cu cậu hơn một tuần, tẩm bổ cho toàn cao lương mỹ vị, nhất là những thứ “cường dương ích khí”. Chỉ riêng khoản trứng gà tươi cu cậu cũng đã nốc như nốc nước lã rồi… Phải công nhận con đốm của nhà tớ cũng dai sức, chịu chơi. Bị cấm cung hơn tuần liền, lúc được thả ra, con Béc của lão Cường “trố” làm việc cứ như bổ củi, vậy mà nó vẫn chịu được, thậm chí còn làm cho anh Béc xong việc là ngã lăn quay ra ngay giữa nhà, sùi bọt mép.

Đám đệ tử vỗ tay rần rần:

- Rõ là chó thế nào, chủ thế ấy. Giỏi, giỏi thật.

- Cậu nào muốn học, đem sách đến đây tớ bày cho - Chủ nhà cười đắc ý, tay xoa liên hồi lên mảng thịt bụng nhãy mỡ phanh ra sau hai vạt áo. Lũ đệ tử lại đồng loạt ồ lên: Xong ngay, xong ngay…Bây giờ bọn em mới hiểu vì sao mà ngày nào sếp cũng có sức để đi xuống quán Mây Hồng

- Xuỵt !

Bà chủ ra.

- Thôi, các ông xếp chuyện chó má lại đi - Bà với chồng: Ông quyết việc chọn địa điểm cưới thế nào rồi

- Chị yên trí - Một tay trong đám đệ tử có cái đầu húi cua trông rất ngầu giơ tay: Việc ấy anh giao cho công ty của em rồi. Toàn bộ cung văn hóa đã bị phong tỏa. Em đã thuê cánh họa sỹ trang trí lại, đưa cả một chuyến xe cho chúng nó đi tham quan cách trang trí ở một số tụ điểm cưới lớn ở Hà nội. Đảm bảo không hoành tráng ấn tượng em cúi đầu cho chị chặt. hi hi

- Thôi việc ấy cứ kệ chú - Bà chủ mặt vẫn khó, với chồng: Thế còn chỗ ăn? Ông trưởng cục thuế chỉ tay sang một người đàn ông híp mắt béo tròn ngồi bên: Việc ấy chú này lo! Gã đàn ông híp mắt xua tay: Đã bảo hai sếp cứ yên tâm nhớn cả đi mà. Chín nhà hàng của chín khách sạn lớn, được chưa ạ ? Hôm trước sếp bảo đặt cả ở nhà khách Giao tế của tỉnh, nhưng em tính lại rồi, quên chưa báo lại sếp. Theo em tỉnh đang có cuộc vận động nếp sống mới. Anh là sếp to, làm không khéo có khi mang tiếng. Vậy nên em đã chủ động đặt ăn ở chín nơi. Thì cứ coi như là sau tổ chức ở Cung văn hóa ta không làm gì nữa, coi như các đoàn khách tự về các nhà hàng trong thành phố tổ chức bỏ tiền ăn với nhau. Chả ai nói được... Anh chị thấy thế nào ạ ? Ông Trưởng cục thuế vỗ đét một cái thật mạnh vào vai tay đệ tử: Chú đúng là Khổng Minh tái thế. Tuyệt!!! Bà vợ có vẻ không hào hứng bằng. Kể nếu ăn ở Giao tế thì hoành tráng hơn... nhưng rồi bà cũng gật đầu: Thôi đành vậy. Nhưng thế thì lại phải báo cho cánh văn phòng để nó ghi cụ thể đoàn nào ăn đâu không là ... Bà đưa mắt nhìn mọi người rồi quay sang chồng: Thôi, việc tổ chức, ăn uống cứ tạm duyệt vậy đi. Bây giờ Ông vào trong nhà nói với thằng ôn con xem nào. Đến bây giờ mà nó còn đang định dở chứng kia kìa…

Đám đệ tử vội đứng dậy. Ông trưởng chi cục thuế có vẻ cụt hứng. Ông đứng dậy nặng nhọc lạch bạch bê bụng vào nhà trong:

- Sao, mày định sao ? – Ông cau mày nhìn thằng con bất trị, giọng tỏ vẻ oai.

- Con chẳng định sao cả, chỉ muốn tất cả phải rõ ràng - Thằng con nhìn thẳng vào mắt bố. Cái nhìn rõ ràng có tác dụng. Ông trưởng chi cục thuế quyền uy lập tức hạ giọng:

- Thì con cứ nói xem thử. Có gì mà bố mẹ chưa nói rõ với con nào?

- Con muốn sau khi cưới nó, bố phải cho con toàn bộ số tiền mừng!- Thằng con thẳng thừng. Ông bố ngạc nhiên:

- Toàn bộ? Mày có điên không đấy. Mày tưởng số tiền ấy ít à? Vụ này tao tính rồi, sơ sơ cũng phải thu được hơn tỷ. Tao đã bàn với bà mẹ vợ mày rồi. Nay mai bà ấy sẽ cấp cho chúng mày miếng đất. Còn tao sẽ bảo mấy thằng bên xây dựng chúng nó xây cho cái nhà. Còn lại thì… cũng là của chúng mày cả thôi, nhưng tính đi tính lại, tao cho là tốt nhất nên trước mắt để mẹ mày quản cho, cần gì cứ bảo với bà ấy. Mày còn trẻ con không nên…

- Không chơi cái kiểu ấy. Con lấy vợ là con được coi là người lớn rồi!

- Mày mà quản thì chả chắc có được ba bảy hai mốt ngày không hay là lại đem nướng hết vào chiếu bạc, đề đóm. Đỏ tình thì đen bạc con ạ. Ngủ với vợ xong vác tiền đi đánh bạc thì thà ngồi ở nhà đem tiền ra mà đốt còn vui hơn…

- Bố cứ nói vậy. Đánh bạc thì cũng có ván thua ván được chứ. Thế còn hơn là để bố đem đi “Múa Karaoke”, chỉ tổ mỏi tay, mệt sức mà chả thấy được bao giờ - Thằng con lém lỉnh, tinh quái, nhăn nhở nhìn bố.

- Xuỵt!

Bà mẹ vào:

- Sao bố con ông bàn xong chưa, có quyết được hay không để tôi quyết?

Ông chồng vội đỡ lời con:

- Xong, xong hết rồi. Có gì quan trọng lắm đâu mà bà cứ rối lên- Ông quay sang con, nháy mắt: Lấy vợ cơ mà. Cơm no bò cưỡi, có “ra rại” thì mới lắc đầu, phải không? Con cứ yên trí.

- Yên trí là thế nào? Thằng con vẫn cảnh giác.

- Thì là của mày tất, mày quản tất chứ sao. Nhưng nhớ là phải bí mật, sau nữa là có thế nào, sau đừng véo vào tao nữa...

- Bố chơi đẹp đấy,Ga lăng lắm. Được, bố yên trí nhớn đi, con sẽ rất bí mật !- Thằng con giơ hai ngón tay lên, nhấn mạnh hai tiếng “Bí mật” rồi nháy với bố lần nữa, hớn hở chạy ra ngoài lấy xe máy phóng đi.

- Cái đơn xin miễn thuế của nhà Thúy Liễu ông duyệt cho nó chưa? – Khi đứa con đã ra khỏi nhà, bà vợ hỏi. Ông trưởng chi cục thuế nhăn mặt:

- Chưa. Tôi còn đang tính. Mà tôi đã bảo với bà bao lần rồi, rằng đừng có tự tiện nhận lời với người ta như vậy. Kí duyệt thì dễ, nhưng cái khó là phải tìm ra được cái cớ để khả dĩ khi mình tung ra nó lọt lỗ tai người khác. Làm việc bây giờ không như ngày xưa. Bây giờ mật ít ruồi nhiều. Cái ghế của mình có bao đứa nó nhòm ngó. Thường ngày lúc chén chú chén anh, chúng nó ngọt nhạt vậy, thưa gửi vậy nhưng cứ thử sơ hở, lộ ra một tý xem, chúng nó chọc vào ngay. Lúc ấy thì có quay lại cắn cứt chúng nó cũng không tha cho đâu. Phải hất được mình thì chúng nó mới có chỗ ngồi. Cả cái đám cưới sắp tới cũng thế. Bà tưởng tôi dại, tôi không biết cái đứa con gái đàng ấy là đứa thế nào hay sao mà đâm đầu đi rước về cho con nhà mình chắc? Nhưng mẹ nó là phó chủ tịch, về chức là lãnh đạo của mình, mình thông gia chẳng qua cũng là tạo thêm vây cánh. Sấm nhờ sứa, sứa nhờ sấm, đời nó vậy. Thiên hạ người ta tính thì mình cũng tính, thế thôi.

- Thôi, tôi biết rồi. Nhưng cái đơn của nhà Thúy Liễu là ông cứ phải duyệt nhanh đi đấy. Tôi đã hứa với người ta và người ta cũng đã mang quà đến rồi, quà mừng đám cưới ấy. Nói ông biết, ra tấm ra miếng lắm nhé, đúng theo luật của đồng chia ba, của nhà chia đôi. Vậy là nhà nó biết điều. Ông không được để tôi mang tiếng hẹp hòi với người ta đâu đấy. Họ chơi đẹp, mình cũng phải chơi đẹp. Mà mất gì…

- Được, còn cái khoản ăn uống? Ban nãy thằng Hoàng nó nói thế, nhưng sau đây bà phải cụ thể với nó, đừng làm quá. Bảo nó cứ mỗi mâm, chục người chục triệu là được rồi. Tỉnh vừa có nghị quyết, chỉ thị cho tất cả phải thực hành tiết kiệm nhất là trong việc cưới, việc tang, nói rõ không được tổ chức ăn uống linh đình ...

- Gớm ông ơi, xin ông quên ngay cái nghị quyết đó đi cho tôi nhờ. Cả tỉnh này dễ chỉ có mình nhà ông làm quan, còn nhà mấy ông Chủ tịch mặt trận, giám đốc sở Giao thông, nhà Phó bí thư …. họ là dân đen cả? Đám cưới mà không cho ầm ĩ thì hóa đám giỗ? Thôi, việc ấy ông để tôi lo. Nếu trên ai có ý kiến gì thì ông cứ đổ hết cho gái già này là được.

Và đám cưới quả nhiên vẫn được diễn ra rất rầm rĩ. Nhà trai huy động cả chín chiếc xe con cùng chín chiếc xe ca đón dâu. Nhà gái cũng không chịu kém, thậm chí xe con còn có phần hơn. Xe cô dâu trang hoàng toàn hoa trắng.. Cô dâu mặc váy trắng, môi sơn đỏ, má sơn đỏ, điệu bộ thật e lệ. Chú rể diện bộ comple đen, cavat màu huyết dụ, mặt cũng phết kem bóng nhẫy. Khách đến ăn cưới được mời ra cung văn hóa của thành phố dự lễ tuyên bố thành hôn cho đôi trẻ, rồi sau chia nhau tỏa về chín khách sạn lớn xài tiệc mặn.

Dọc đường có đám cưới diễu qua, tụ tập khá đông những người hiếu kỳ đứng theo dõi và bàn tán. Vẫn có người khen. Vẫn có người chê. Nhưng vẫn như đám cán bộ trong các sở ban ngành của tỉnh và thành phố, mọi người đều gật gù: Đúng là môn đăng hộ đối.