XÚC XẮC
Phải nói luôn, tôi là nhà văn chứ không phải nhà thơ. Tôi viết văn là chính và thơ chỉ đến với tôi từ những cảm xúc cụ thể trong những hoàn cảnh, tình huống cụ thể. Và khi ấy tôi làm thơ, chủ yếu để ghi lại cảm xúc thật của mình.
Việc làm thơ bắt đầu từ khi tôi được đi dự trại sáng tác văn học do TW Hội Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam tổ chức tại Hà Nội khoảng tháng 8 năm 2001. Cùng dự trại với tôi hồi đó có nhiều anh em làm thơ đến từ khắp các vùng miền cả nước. Văn rất ít. Tôi được sống trong bầu không khí thơ của anh em. Các anh em làm thơ thường sôi nổi, làm được bài nào đều đem đọc cho nhau nghe luôn, cùng góp ý và cùng trao đổi.
Hồi đó tôi lên trại với rắp tâm sửa cho xong cuốn tiểu thuyết có dung lượng khá dày dặn, quãng hơn 600 trang viết tay. (Sau này cuốn tiểu thuyết được NXB Quân đội in với tựa đề DÒNG SÔNG THỜI CON GÁI, dung lượng gần 400 trang in). Và để đảm bảo hoàn thành tôi đề ra cho mình một kỷ luật sắt: mỗi ngày viết và sửa 30 trang. Tôi đóng cửa ở gần như suốt ngày đêm trong phòng riêng, cặm cụi gạch xóa rồi viết và chỉ ra ngoài để ăn cơm duy nhất có một lần vào lúc chập tối. Ăn cơm bụi, mỗi suất ba ngàn và lúc về tranh thủ mua luôn hai ổ bánh mỳ để dành cho bữa sáng và trưa hôm sau. Với cách làm việc và chế độ sinh hoạt kham khổ như vậy, sức tôi sút đi khá nhanh.
Đến ngày thứ 20 thì mấy anh em cùng đi trại với tôi phát hiện ra sự nguy hiểm ấy và họ quyết định phá. Nguyễn Danh Khôi (Nam Định), Lê Khánh Mai (Nha Trang), Tạ Văn Sỹ (Kon Tum), Nguyễn Thu Nguyệt (Thái Bình), Văn Quốc Thanh, Trần Thôi (Vĩnh Long)...liên tục thay nhau đập cửa kéo tôi ra ngoài không cho viết nữa. Lê Khánh Mai thấy tôi quá gầy và có vẻ như ốm đã ra Ngã Tư Sở mua về mấy vỉ thuốc bổ bắt tôi uống. Bọn họ mở rượu, đọc thơ bắt tôi ngồi nghe và...góp ý. Đến thế thì tôi đành chào thua. Qua vài bận rồi cũng quen.
Và quan trọng hơn cả là tôi cũng bắt đầu thấy yêu thơ. Tôi nghe và lấy tập thơ của Lê Khánh Mai về đọc. Nghe thơ của Tạ Văn Sỹ và cũng đánh bạo cóp mấy câu theo lối cảm của anh làm văn xuôi. Và rồi được sự động viên của anh em tôi cũng liều cầm bút làm...thơ. Lúc đầu tôi chỉ làm những đoạn thơ ngắn, hai câu:
ƯỚC
Uớc gì như thể thiêu thân
Được yêu NGỌN LỬA một lần...rồi thôi
Nguyễn Danh Khôi đọc câu thơ này, uốn cong lưỡi, nhấn thật mạnh vào hai tiếng rồi thôi nghe rất buồn cười. Có người góp ý câu này được nhưng nên thêm nữa vào cho nó thành bài. Tôi nghĩ mãi nhưng chả thêm được câu nào nên đành cứ để vậy.
Tôi nhớ khi đọc tập thơ “lá lá” gì đó của Lê Khánh Mai xong tôi có làm một bài, lấy tên là:
LÁ
Một mình làm cả cuộc tình
Lá xanh tự rút ruột mình mà xanh
Biết đời chẳng thể có anh
Em gom bóng lẻ đốt mình... tương tư
Thực ra cũng như lần trước, lúc đầu chỉ có hai câu, nhưng do tôi nghe các nhà thơ chuyên nghiệp góp ý nên tôi thêm vào hai câu cuối. Thêm vậy cho nó dài thôi chứ thực bụng tôi nghĩ chả cần. Một mình làm cả cuộc tình đó là cái cách yêu của người yêu đơn phương. Tự mình làm người được yêu, tự mình làm đối tác bị yêu. Nghĩa là chỉ một mình thôi, cứ rút ruột ra mà yêu. Thế là đủ. Nhưng thôi, đang tập mà...
Bài này tôi cũng đọc cho mọi người nghe. Nguyễn Đăng Doanh, một tay phê bình ở Thanh Hóa hạ một câu: “Lá xanh tự rút ruột mình mà xanh thế đếch nào được. Muốn xanh phải có phân bón chứ”. Tạ Văn Sỹ vỗ tay, Nguyễn Danh Khôi khoái chí phong ngay cho Nguyễn Đăng Doanh là nhà phê bình kinh dị và gọi tôi là nhà thơ kinh dị. May, Lê Khánh Mai khen bảo: Đúng, chả cần viết thêm hai câu cuối, cứ để bài thơ chỉ có hai câu như ban đầu. Tôi biết Lê Khánh Mai đang động viên, nhưng cũng vui . Được một người làm thơ chuyên nghiệp khen và đồng ý với quan điểm của mình cũng khoái chứ. Tôi cứ viết loăng quăng như vậy, viết chỉ để cho vui. Và rồi tôi được theo anh em đi thực tế ở Quảng Ninh vào lúc ba, bốn giờ chiều gì đó. Ngay tại thành phố Hạ Long có dựng một biểu trưng hình con cá heo khá to. Tôi nhìn và không hiểu sao cứ tự cảm thấy áy náy:
Liệu có hợp không nhỉ. Tôi băn khoăn thế là bởi nghĩ cá heo không phải là loài đặc trưng của vùng biển này, và nói chung là trong cả nước ta loài cá này vẫn còn khá xa lạ. Vậy thì phải thay bằng cái gì? Con gì là đặc trưng cho vùng biển Quảng Ninh và con vật đó thực sự có gần gũi trong tâm thức người Việt nói chung?
Hôm sau chúng tôi được Hội Văn nghệ Quảng Ninh và Tỉnh Ủy Quảng Ninh cho đi thăm một số địa danh khác trên vịnh Hạ Long. Và chính trong chuyến đi đó tôi phát hiện ra một điều quan trọng: Con ốc chứ không phải con cá heo là đại diện phổ biến cho vùng biển này. Nếu tôi là nhà điêu khắc tôi sẽ dựng tượng con ốc thay cho con cá heo. Hầu như đến chỗ nào, dừng chân ở đâu tôi cũng thấy ốc, những chiếc vỏ ốc, to có, nhỏ có, bày bán khắp nơi để làm tù và, làm đồ trang sức.
Có một chỗ trên đảo Tuần Châu tôi gặp một ông già bán vỏ ốc. Ông cầm lên và thổi cho chúng tôi nghe một hơi dài. Tiếng tù và có âm lượng chắc khỏe và sức ngân vang rất lạ. Như tiếng gió. Như tiếng sóng biển. Như một lời gọi thiết tha. Và như một nhắn gửi.
Con ốc dù chỉ còn vỏ vẫn đang tiếp tục sống cuộc đời của nó – ý nghĩ ấy đến với tôi. Ngay sau đó tôi ngồi nghỉ trong một lán cọ sát bờ biển và viết bài thơ về con ốc:
ỐC BIỂN
Một đời gắn với biển khơi
Một đời im lặng, một đời nổi nênh
Buồn vui mình chỉ với mình
Bao nhiêu bão gió giấu trong vỏ ngà
Một ngày tự bến bờ xa
Nằm nghe sóng đổ
Vỡ òa...
Rồi im.
Thân về trong cát nhẹ tênh
Hồn còn theo gió hát trên môi người.
Bài thơ có sự liên tưởng giữa con ốc và người nghệ sĩ. Và tôi đề bên dưới bài thơ đó: Tặng bạn thơ. Trong đêm giao lưu giữa đoàn văn nghệ sĩ dự trại với Hội VHNT Quảng Ninh tôi có đem bài thơ này đọc cho anh Trần Nhuận Minh nghe. Anh khen và bảo tôi chép ra cho anh. Không có giấy, tôi xé vỏ bao thuốc lá, thứ mà tôi luôn sẵn trong người, viết và trao cho anh. Nửa tháng sau bài thơ được đăng trên Báo Văn nghệ Quảng Ninh.
Về trại không khí và ấn tượng trong chuyến đi Quảng Ninh vẫn khá đậm trong tâm trí tôi. Nhớ lại một đêm ngồi ngoài hiên khách sạn, nhìn ra biển đen mờ, thấy những chiếc đèn thuyền câu cứ lấp lóa, lúc ẩn lúc hiện như con đom đóm, tôi viết tiếp được bài nữa:
ĐOM ĐÓM
Đom đóm à, đom đóm ơi
Lập lòe chi để cho tôi mắc lừa
Bùa yêu người thả vu vơ
Vương trên cành khế trái chua... lỡ thì
Một hôm Nguyễn Danh Khôi và Tạ Văn Sỹ bỗng khoe cả hai đang được phải lòng mỗi anh một... ai đó. Nhìn mắt các anh tôi ngờ có lẽ họ nói thật. - Phải lòng gì, năm mươi, sắp lên lão cả rồi mà... Tôi bảo hai anh vậy. Liền đó tôi nảy ra ý định viết một bài thơ để trêu họ.
TÌNH KHÚC TUỔI NĂM MƯƠI
Vướng tình ở tuổi năm mươi
Làm sao lại thế, hả tôi, hả giời
Trái tim ngỡ hóa đá rồi
Bỗng dưng loạn nhịp bởi người đâu đâu
Tình cờ một thoáng gặp nhau
Người ta cũng chỉ hỏi chào bâng quơ
Thế mà như bị ma đưa
Ngóng trông ra ngẩn vào ngơ cả ngày
Thế mà như bị giời đày
Chợt vui, chợt giận, chợt ngây, chợt khùng
Tuổi năm mươi cũng lạ lùng
Tự dưng chập mạch phải lòng... người dưng
Tôi viết xong bài thơ này cũng lại đưa cho mấy anh chị em làm thơ đọc. Lê Khánh Mai trêu tôi: Không khéo ông có người dưng thật. Tạ Văn Sỹ thì khen: Đó là thơ thật. Tôi khoái chí và ngay hôm về đến nhà tôi đã đưa bài thơ này cho vợ tôi, nhà văn Hoàng Phương Nhâm đọc, với hy vọng được nghe khen làm thơ lục bát hay. Không ngờ khi xem xong Nhâm xị mặt bỏ xuống nhà dưới và chừng mười lăm phút sau đưa lên cho tôi một bài thơ khác với câu nói cụt ngủn: Tặng anh. Tôi ngạc nhiên cầm xem thì ra đó cũng là một bài thơ lục bát với cái tựa đề rất...đáng ngờ:
CHO NGƯỜI DƯNG ẤY
Người dưng ấy, người dưng ơi
Dịu dàng chi để chồng tôi phải lòng
Để rồi bỗng hóa hư không
Bao nhiêu ấm lạnh, mặn nồng từ xưa
Để rồi bỗng thấy như thừa
Tôi như áo rách te tua góc giường
Thôi thì... người hãy cứ thương
Cho chồng tôi gửi tơ vương cuối trời
Hãy làm chút nắng người ơi
Chồng tôi đang lạnh lẽo nơi nhà mình
Ví dầu duyên kiếp ba sinh
Người dưng ơi, hãy đáp tình chồng tôi
Người dưng ấy, người dưng ơi...
HOÀNG PHƯƠNG NHÂM
Phải nói rằng tôi hoàn toàn bất ngờ và...cảm thấy bị oan. Tôi nói với Nhâm rằng đây là thơ tôi làm tặng.... Tặng người dưng chứ gì – Nhâm vặn lại tôi: Anh không cần phải thanh minh em cũng biết, chả ai không có cảm xúc thật, đi làm thơ cho người khác mà lại...thật đến như vậy. Trái tim ngỡ hóa đá... ừ thì cho hóa đá luôn. Tôi đau hết cả các cơ quan đoàn thể mà không biết cách nào để giải nỗi oan Thị Màu này được. Tôi làm bài thơ “Luân hồi” với ngầm ý nịnh vợ và...cũng là để khẳng định rằng:
Cả đời mình chỉ có mình đằng ấy mà thôi:
LUÂN HỒI
Một đời người đã cùng tôi
đốt nhau thành lửa, và rồi thành than
Và rồi như chuyện dân gian
Tro tan vào nắng, nắng tan vào trời
Mai sau trọn kiếp luân hồi
Tro than hóa lửa cho người... yêu nhau
Nhâm đọc bài thơ trên cười và nói: Em không cấm, chỉ có điều là đã phải lòng thì cố mà phải lòng lấy một người... dịu dàng, chứ đừng phải lòng loại vớ vẩn.
Có phải lòng sẽ cố tìm một người dịu dàng!?
Chợt nhớ đến câu thơ của Onga Becgon: Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi. Vâng, với một người đàn bà dịu dàng quá thì chắc chả cứ tôi mà bất cứ một anh đàn ông nào cũng sẽ không chịu nổi, lập tức bó giáo quy hàng là cái chắc.
Sau này khi bài thơ CHO NGƯỜI DƯNG ẤY của Nhâm đăng trên báo Văn Nghệ Trẻ thì có rất nhiều người thuộc và thích bài thơ này.
Nhà thơ Đỗ Bạch Mai cũng khen: Bài thơ hay và đầy nữ tính
Khoảng giữa năm 2001, Báo Văn nghệ Hội nhà văn có tổ chức cuộc thi thơ Lục bát. Cuộc thi kéo dài đến tháng 9 năm 2002. Anh em làm thơ ở Ninh Bình tham gia gửi bài khá đông, hơn chục người ,được in nhiều, cỡ gần trăm bài gì đó. Nhiều người động viên tôi, nhưng tôi lắc đầu. Quả thật với Thơ tôi đã có gì đâu, vẻn vẹn chỉ có bài Ốc Biển đăng ở Văn nghệ Quảng Ninh như đã nói ở trên, còn lại là vẫn tay trắng.
Nhưng rồi lại có một ý nghĩ khác xuất hiện, hơi tiêu cực. Nó nảy ra bất ngờ nhưng không phải là không có lý. Ấy là thời gian này, tôi đang công tác bên Tỉnh ủy NB, nhưng Hội VNNB lại có ý định rủ tôi về Hội để nhậm chức Tổng biên Tập Tạp chí Văn nghệ NB. Một mặt làm ở Tỉnh ủy NB một thời gian tôi tự thấy gò bó, không hợp với phong cách và tính mình. Mặt khác, Tôi cũng thích công việc làm văn nghệ nhưng trong thâm tâm lại hơi lo bởi biết đó là một nhiệm vụ khá nặng nề. Làm cái anh Tổng của một tờ văn nghệ phải tiếp xúc, phải đọc tất cả các sáng tác của anh em Hội viên gửi đến, rồi cuối cùng lại phải ra được một quyết định rất khó khăn: dùng bài nào, bỏ bài nào. Muốn làm tốt được việc đó, cách duy nhất có hiệu quả là anh cũng phải có cái gì đó, tạm gọi là cùng hội cùng thuyền với họ thì mới dễ được thông cảm và ủng hộ. Nếu anh là dân ngoại đạo, không hiểu gì về sáng tác của họ thì có khi loại nhầm bài của anh em cũng nên.
Tạp chí có hai mảng chính là văn và Thơ. Văn thì tôi còn gọ gẫm được, hay chí ít thì cũng đã có một vài cái giải để có cái gọi là “ Làm mẽ” với anh em. Nhưng thơ thì… Thế là liều!...
Nhân đang có cuộc thi thơ Lục bát, tôi quyết định .. thử. Cùng công tác với tôi ở Tỉnh ủy NB hồi đó có anh Bình Nguyên làm thơ. Anh hay đem thơ đọc cho tôi nghe. Trong cuộc thi thơ LB, Bình Nguyên cũng đã gửi và được đăng 6 bài. Bình Nguyên động viên tôi cứ làm và gửi thơ dự thi. Tôi nghe anh về làm thử mấy bài. Tự mình đọc lên cũng thấy xuôi xuôi. Và rồi tôi bắt đầu để nhiều thời gian cho Thơ hơn. Tôi làm thơ LB nhưng theo kiểu viết truyện ngắn, nghĩa là có ý, có tứ, có thân bài, mở bài và kết thúc, thậm chí có cả nhân vật chính phụ nữa.
Về sau này, nghĩa là sau khi gửi bài đi và đã có một số bài được in, đọc những bài thơ ấy, nhà thơ Đỗ Bạch Mai có nhận xét: Kao Sơn là nhà văn và chính vì thế khi làm thơ anh có thế mạnh riêng. Thơ Kao Sơn thường có bố cục chặt, giống như một truyện ngắn, có nhân vật, có chi tiết và thường không bị sa vào cái miên man dàn trải của một số cây bút thơ khác.
Còn nhà Thơ Vũ Quần Phương thì bảo: Kao Sơn có ý định mang vào thơ LB xưa nhiều chất hôm nay hơn. Hôm nay trong đề tài, trong hình tượng thơ… Thơ Kao Sơn nhiều ẩn dụ. Anh biết cách diễn đạt gọn những vấn đề thế sự phức tạp nhờ cách lập tứ khả năng sáng tạo cho từng ý thơ… Bút pháp ấy cũng là bước tiến của thơ LB vốn thích sa vào diễn ca…
Những lời nhận xét ấy đã động viên tôi rất nhiều.
Tôi tiếp tục làm thơ. Đó hầu hết là những bài tôi viết từ cảm xúc, những kỷ niệm, những suy nghĩ rất thật của mình trước cuộc đời, trước những số phận và cả những chiêm nghiệm riêng. Theo nhận định của tôi thì bình thường, những bài thơ kiểu này rất khó được in vì nó buồn nhiều. Nó hơi bị … riêng quá. Và có bài… có thể bị xem là” có vấn đề” hay chí ít thì cũng u ám, không trong sáng. Nhưng viết khác thì mình lại không viết được. Đành cứ liều xem…
Trong cuộc thi thơ LB của Báo Văn nghệ , khoảng gần giữa cuộc thì tôi gửi đi một lúc 6 bài thơ. Đó là các bài:
CẦU GIỜI MƯA ĐỔ
Giá Người đừng đẹp, đừng xinh
Giá Người… cái tỉnh tình tinh … đừng giòn
Giá Người đừng mới một con
Thì sân chùa ấy … rêu trơn… mặc Người
Đàng này … khổ quá đi thôi
Tư rằm mùng một kéo tôi lên chùa
Khói hương như thể ngải bùa
Lúng la lúng liếng… như đùa, như trêu
Táo chua Người phủ vải điều
Người vào lễ Phật…
Để chiều….
Với tôi
Ngẩn ngơ nhặt bóng nắng rơi….
Chẳng mơ oản, chẳng mơ xôi của Chùa
Đứng ngoài tôi niệm… Nam mô
Cầu giời mưa… để… sân chùa…. Lại trơn
TƯỞNG NIỆM CHIỀU
Đò ngang chuyến cuối mất rồi
Ráng chiều đã đỏ khoảng giời phía tây
Đường thôn gõ móng trâu gầy
Sáo diều ai thả… nối dây ngang trời
Gầu chùng chạm đáy giếng khơi
Thoảng hương bồ kết… ai người đợi ai
Rượu buồn… dốc ngược đáy chai
Mình ta ngồi tiễn.. bóng ngày… vào đêm
TIỄN MÌNH
Tôi về đứng dưới hiên mưa
Để tìm lại tuổi ngây thơ chính mình
Giọt mưa cũng thể vô tình
Bắn lên khóe mắt… lặng thinh.. nỗi buồn
Đâu ngày xối xả mưa tuôn
Tôi hái thuyền lá vượt nguồn đón em
Đâu rồi những tối trăng lên
Em theo đom đóm dõi tìm bóng tôi
Thời gian trôi. Tuổi thơ trôi
Lá sen để héo một thời… ngu ngơ
Biết ra thì đã.. ngày xưa
Tôi về đứng dưới hiên mưa… tiễn mình
XÚC XẮC
Gói thơ, gói cả phận nghèo
Làm thành xúc xắc, tôi gieo giữa giời
Nhân tình trắng bệch mặt người
Nợ nần khép kín vòng đời thi nhân
Câu thơ một thủa lạc vần
Càng niêm luật lắm. càng giần giã đau
Giữa đời… bước thấp bước cao
Một khi chợt tỉnh… trắng đầu sương rơi
Xúc xắc à, xúc xắc ơi
Đỏ đen chi lắm… cho tôi bẽ bàng
GỬI BẠN ĂN MÀY
Tôi, Người nào khác chi nhau
Khác chăng chỉ vẻ dãi dầu phong sương
Gậy tre Người vẹt dặm đường
Áo tơi, nón lá che xương ngực gầy
Tay xòe, đợi những bàn tay
Lá vàng bay… lá vàng bay… lá vàng!
Bên này cách một lòng đường
Ngẩn ngơ tôi cũng tha hương cùng Người
Làm thơ tặng cả đất giời
Những mong tìm gặp một lời tri âm
Giời lặng câm, đất lặng câm
Dửng dưng mắt… dửng dưng lòng… dửng dưng !
MỘT MÌNH
“Một người đi với một người”
Một tôi .. đứng với khoảng trời trống không
Một thời… yêu đến kiệt cùng
Đắm say đến cả …điều không đáng gì
Một ngày… chợt tỉnh cơn mê
Tung tăng chân sáo… ai về … với ai
Gió lùa bạc vạt bông may
Thơ tình… ai đốt…. tiễn ai…. Một mình
Trong 6 bài thơ trên, báo văn nghệ in cho tôi 4 bài. Khỏi phải nói khi đó tôi đã sướng đến như thế nào. Sướng vì lần đầu tiên mình có thơ in trên báo văn nghệ. Nhưng cái tôi mừng hơn cả là những mặc cảm về thơ mình không hợp thời, không chính trị..v.v… mà cũng vẫn được in?! Như vậy là mình không lạc hướng. Như vậy, quan điểm của mình vẫn đinh ninh rằng thơ phải số phận, cũng như truyện ngắn phải có vấn đề…. Đã đúng. Tôi đem những bài thơ đó ra khoe với mấy anh em làm thơ chuyên nghiệp ở Hội và nhận được mấy cái gật đầu khích lệ. Tôi bắt đầu… say thơ.
Đang nói về cuộc thi Thơ Lục Bát. Ở thời điểm chỉ còn khoảng hơn một tuần nữa là cuộc thi kết thúc mà tôi vẫn chưa nghĩ ra được thêm bài nào thật sự ưng ý. Đây có thể là lần đầu tiên tôi vi phạm nguyên tắc sáng tác của mình. Thường thì không bao giờ tôi làm cái việc là ngồi vào bàn để nghĩ Thơ hay nghĩ ra bất cứ một điều gì đó. Tất cả các sáng tác của tôi từ trước đến nay đều do sự hối thúc, đòi hỏi của cảm xúc. Nghĩa là kể cả khi viết văn xuôi, tiểu thuyết hay truyện ngắn bao giờ tôi cũng chỉ ngồi vào bàn viết khi trong đầu đang đầy ứ một cái gì đó đòi phải giải tỏa.. Lần này thì khác. Tôi ngồi lỳ liền mấy ngày để… nghĩ thơ. Nhưng tắc tị. Càng nghĩ càng tắc tị. Thành công của mấy bài thơ được in trước đó chả giúp được gì thêm cho việc tìm cảm hứng để làm những bài thơ tiếp theo. Tôi tìm đọc trên báo những bài thơ đã đăng của các anh chị em khác trong cả nước, tôi thấy nhiều bài họ viết hay và giỏi quá.
Nhìn lại mấy bài thơ đã được đăng của mình tôi thấy không yên tâm. Đăng thì đăng nhưng có giải thì chắc không . Linh tính mách bảo tôi điều đó. Đây cũng là lần đầu tiên tôi nghĩ đến một cái giải trong một cuộc thi. Tôi thấy tôi đang cần có một cái giải trong cuộc thi này, giải gì cũng được, nhưng phải có để tôi có thể hãnh diện với mấy anh rằng tôi cũng làm được thơ như họ, và hơn thế, lại đã từng được giải! Sau này khi nghĩ lại thấy thật trẻ con, thật xấu hổ. Nhưng đó là một thực tế khi ấy.
Và như người ta vẫn nói, cái gì cũng có số của nó. Đến cái giày đi vào chân còn có số, cái áo khoác lên mình còn có số, huống chi… THƠ? Cái số đỏ, cái vận may đến với tôi đúng vào thời điểm quan trọng nhất.
… Và nó đến như một tình cờ, như một run rủi, một ban phát của cuộc đời và ông giời.
Một buổi trưa ở cơ quan về tôi nằm chờ cơm, tiện tay vớ lấy tờ Lao Động. Tôi không nhớ là số mấy, đã khá cũ và tôi đọc được trong đó một bài ký về chị Đinh Thị Cật, cựu nữ Thanh niên xung phong đoàn 559, quê Sen Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình.
Bài Ký viết về cuộc đời chị Cật, về những ngày chị còn là TNXP, về những ngày chị giải ngũ về quê, lấy một anh thương binh. Hai anh chị có được với nhau Bốn mụn con rồi anh bị bão nhấn chìm, chết trong một lần đi biển. Mấy mẹ con chị Cật mất người lao động chính, không đi biển được, lâm cảnh nghèo đói, đến cái nhà cũng chỉ là mấy cành que gác lên bên bãi cát. Chiều chiều mấy mẹ con ra bãi chờ thuyền của dân làng đi biển về để xin những con cá, hoặc tôm tép nhỏ đem về vơ tạm mấy nắm lá dương làm củi nấu lên lẫn với cây xương rồng giã nát thành cháo để ăn. Hôm kỉ niệm (không biết bao nhiêu năm ) ngày thành lập binh đoàn 559, chị được mời ra Hà Nội dự lễ kỉ niệm, được phát huy chương, thế rồi khi về đến quê, dắt chiếc huy chương lên vách nhà xong, chị Cật lại dẫn con ra bãi biển … ăn mày. Bài ký còn viết rằng khi tác giả tìm đến tìm chị, chị đang ngoài bãi biển. Mấy người dân trong xóm chài chạy đi tìm chị về. Và trong câu chuyện, chị Cật luôn nói câu: Tui là người thiệt thà mà… Và tác giả bình: Người dân ở đây thật thà đến nỗi không biết che giấu xã giao, thản nhiên nhận mình là người thật thà!
Thú thật, bài ký đó ( Tôi không nhớ của tác giả nào ) đã gây cho tôi một cảm xúc mãnh liệt. Nước mắt tôi trào ra và không kịp lấy một tờ giấy trắng cho tử tế, tôi viết bài thơ Xương rồng trên cát, viết luôn một mạch và viết ngay vào lề tờ báo vừa đọc.
XƯƠNG RỒNG TRÊN CÁT*
Kính tặng chị Đinh Thị Cật, cựu nữ TNXP đoàn 559, quê Sen Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình
Khổ như chị, đến thế thôi
Lẽ đâu Giời cứ bắt người khổ thêm
Xương rồng đội cát mà lên
Đem gan con gái làm mềm đá xanh
Chân trần qua lửa chiến tranh
Tuổi xuân chị đã hóa thành núi sông
Ngày về biển vẫn mênh mông
Múc lên nước đục mà trong với đời
Cong vênh đành một kiếp người
Với ai cũng chỉ rằng: Tui thiệt thà…
Huy chương buộc dắt vách nhà
Thương bạn nằm chốn rừng xa không về
Biển thì xanh tít ngoài kia
Xóm chài cát trắng bốn bề bủa vây
Tay gầy che nắng xiên khoai
Lá dương khói đốt còn cay mắt người
Gồng vai gánh lấy cuộc đời
Cắn răng chẳng hé nửa lời kêu ca
Như xương rồng giữa phong ba
Chị bấu vào cát mà qua phận mình.
Có lẽ cũng nên nói thêm một chút về bài thơ này. Bài thơ được tôi làm rất nhanh, làm xong nước mắt vẫn còn nóng hổi và sau này khi bình tĩnh lại, ngồi đọc lại thì hầu như không phải sửa chữa gì. Tôi bảo đó là số phận. Số phận đã cho tôi được đọc bài ký đó, đã cho tôi cảm xúc để viết.
Cái tên Xương rồng trên cát là nó tự bật ra khi tôi nhớ đến những cồn cát ở ven biển Quảng Bình. Tôi đã một vài lần được đến đó và cũng đã được xem bộ phim Nữ dân quân Ngư Thủy chiếu trên truyền hình Việt Nam. Và hình ảnh những cây xương rồng cùng những đồi cát trắng của biển Quảng Bình đã ám ảnh tôi từ rất lâu. Tôi đặc biệt không thể quên cảnh những người dân ở đó leo đồi cát. Không thể leo lên đồi cát bằng cái cách bình thường là đi thẳng người như người miền khác mà hầu hết tôi thấy họ đều phải cúi người, hai tay vươn về phía trước, bấu xuống cát để đẩy thân lên. Chữ Bấu trong khổ thơ cuối là vậy.
Đứng về luật Bằng Trắc của thơ LB, tôi biết chữ thứ hai của câu Tám dùng thanh bằng thì dễ nghe hơn. Tôi đã thử thay bằng mấy chữ khác, ví như chữ Nương, chữ Vin… nhưng không ổn, nhẹ quá. Thôi, cứ để vậy. Phạm luật tý chút nhưng nói hết được cái điều cần nói. Bấu vào đâu? Bấu và Cát. Cát trơn truội và mỏng manh nhưng vẫn phải bấu vào nó mà tồn tại. Cũng như cây xương rồng kia, phải đội cát mà lên, phải thúc rễ ra để bấu vào cát mà đứng vững giữa cuộc đời nghiệt ngã đầy phong ba bão táp, trước những hơi thở nóng bỏng của gió lào.
Rồi nữa, Đem Gan con gái làm mềm đá xanh- Tôi nghĩ cha ông ta đã có câu: Chân cứng đá mềm. Nhưng với người con gái mười bảy, mười tám, bước vào cuộc chiến tranh khốc liệt thì dẫu đang sức bẻ gãy sừng trâu đi nữa thì nếu chỉ trông vào cái sức ấy cũng không thể trụ nổi. Phải lấy cái Gan, cái ý chí thì mới trụ được với Napan, pháo bầy, bom tấn…
Và chữ Cong vênh… Tôi liên tưởng đến những chiếc thuyền cong queo úp trên cát bị gió Lào nung. Biển thì xanh tít ngoài kia… xanh ở đâu ấy chứ ở xóm chài nghèo, nhỏ bé này thì vẫn là cát trắng. Cát trắng đang bủa vây, đang lấn át và nhăm nhe sẵn sàng nhấn chìm đi tất cả…
Lại nữa: Tay gầy che nắng xiên khoai… Thực ra câu này tôi viết từ cái đận đi cùng mấy anh em trong trại Liên hiệp 2001 ra Quảng Ninh. Hôm đó ngồi trên xe, đến Quảng Ninh lúc gần ba giờ chiều, nhìn xuống đường bỗng gặp hình ảnh một người phụ nữ miền biển, vai vác cuốc, tay kia chị giơ lên che nắng, cái nắng xiên khoai đang chiếu vào một bên mặt. Bàn tay người phụ nữ thì nhỏ và gầy. Vậy mà vẫn phải cố giơ lên để che, để chống chọi lại cái nắng dữ dội. Câu thơ bật ra và tôi kể cho anh em trên xe nghe, đố luôn ai làm được câu tám tiếp theo. Trần Thôi và Văn Quốc Thanh nhận lời nhưng sau đó tận đến hôm giải tán trại các anh vẫn chưa tìm ra được câu tám cho phù hợp.
Vậy mà lần này, khi làm bài thơ Xương rồng trên cát, hình ảnh người đàn bà xóm chài đi vơ lá dương về thay củi lại được ghép vào khá tự nhiên và… không phải là không có lý. Đại loại vậy.
Thì ra khi có cảm xúc thật, câu chữ chả cần làm mình làm mẩy, chả cần phải đào bới nọ kia, tất cả những gì cần thiết tự nó sẽ đến, tự nó hiển hiện và anh chỉ cần cứ thế ghi lại, đặt nó vào thơ. Thế thôi.
Bài thơ làm xong và thỉnh thoảng đem đọc lại và lần nào cũng vẫn tìm được sự xúc động như ban đầu. Linh cảm mách bảo rằng tôi vừa làm được một bài thơ thực sự!*
( * xin nói ngay cho rõ thêm, bài thơ xương rồng trên cát của Kao Sơn, sau này, nghĩa là sau khi bài thơ được nằm trong chùm ba bài của tác giả được giải A của cuộc thi Thơ Lục Bát, báo Điện tử Tổ Quốc có tổ chức cuộc bình chọn lớn trên mạng trong phạm vi cả nước, thời gian 2 năm với mức giải trao 15 triệu đồng cho người Bình chọn được 99 bài thơ Lục bát trùng với sự chọn lọc của nhiều người khác nhất. Kết quả, bài thơ Xương rồng trên cát của Nhà Văn Kao Sơn được bình chọn và nằm trong tập thơ tuyển chọn có tên: 6+8=99 BÀI THƠ LỤC BÁT THẾ KỶ XX do nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành năm 2008 – LKM ).
Sau đó mấy hôm, bài thơ Bà Tôi đến và trong một hoàn cảnh khác. Bữa ấy vào buổi chiều, nhà tôi đang ăn cơm thì bỗng có khách. Nhìn thoáng qua tôi biết đó là một cụ già ăn xin. Tôi đứng dậy xua chó còn mẹ tôi ( tôi thường gọi là Bà, cách gọi thay cho con ) thì lẳng lặng buông bát đi vào bếp. Một lúc sau mẹ tôi đem ra cho bà lão ăn xin ít gạo. Nhìn dáng mẹ tôi vịn cửa run run đỡ bà lão hành khất, bỏ dở bữa cơm ngồi cùng khách ngay bên thềm cửa, tôi thấy nao nao. Mẹ tôi lấy chiếc chổi đót kê cho bà hành khất ngồi ( ở phố không có chổi rơm- Chi tiết chiếc chổi rơm mà sau này tôi đưa vào bài thơ là do tôi tưởng tượng ra. Cả bụi tre trước nhà thong thả buông những chiếc lá khô vàng xuống cũng thế, Nó có trong kỉ niệm của căn nhà tôi ngày xưa ở quê, giờ đã bán cho chủ khác )
Chuyện chỉ có vậy nhưng đã làm tôi xúc động. Tôi nhớ mẹ tôi đã không hề hỏi bà lão kia đến để làm gì. Hình như điều đó thừa. Còn đến làm gì nữa?! Mẹ tôi hiểu điều người khách cần và hiểu việc mình cần làm. Và Khách - Cái từ Khách đến với tôi đúng với thái độ trân trọng mẹ tôi dành cho người hành khất ấy. Không hề có mặc cảm hay xem thường, cứ tự nhiên như người cùng cảnh ngộ. Ăn mày là ai- ăn mày là ta. Đói cơm rách áo thì ra ăn mày. Lại một lần nữa tôi làm được bài thơ Bà Tôi rất nhanh.
Trong bài thơ này, cụ già hành khất chỉ là nhân vật phụ, một cái cớ. Chủ yếu tôi viết về Bà tôi, một bà già vừa chung chung, vừa cụ thể, có tấm lòng đôn hậu, nhân ái, có tấm lòng thơm thảo rất đặc trưng của những người dân quê đất Việt. Bài thơ được viết khá thoải mái bởi vì gần như chỉ là ghi lại một người thực, việc thực, giống một ghi chép, một truyện ngắn.
BÀ TÔI
Bà hành khất đến ngõ tôi
Bà tôi cung cúc ra mời vào trong
Lưng còng đỡ lấy lưng còng
Thầm hai tiếng gậy tụng trong nắng chiều
Nhà nghèo chẳng có bao nhiêu
Gạo còn hai ống chia đều thảo thơm
Nhường khách ngồi chiếc chổi rơm
Bà ngồi dưới đất, mắt buồn… ngó xa
Lá tre rụng xuống sân nhà
Thoảng hương nụ vối… chiều qua… cùng chiều.
Thực ra đây là trọn vẹn của bài thơ sau đó đã được đăng trên báo văn nghệ. Lúc đầu, đoạn cuối tôi viết khác, dài hơn chút ít. Nguyên văn đoạn cuối của bài thơ ban đầu là:
…
Bà ngồi dưới đất, mắt buồn ngó xa
Bà khách thì cứ ề à
Hết chuyện mình lại kể ra chuyện đời
Bà tôi tai yếu lâu rồi
Nhưng tôi vẫn thấy bà tôi gật đầu
Hình như tận cõi thẳm sâu
Bà tôi nghe được nỗi đau kiếp người
Tiễn chân bà khách đi rồi
Giữa chiều lá đổ, bà ngồi tụng kinh
Nó thế. Thì đã bảo tôi là nhà văn làm thơ mà. Tôi đọc lại và tự thấy viết thêm đoạn cuối như vậy là thừa. Tôi cắt cho bài thơ, đúng hơn là cái truyện ngắn kiểu thơ này cho chặt chẽ hơn. Vả lại khi sửa đi, viết cái câu Chiều qua cùng chiều… nó có gì đằm hơn, hợp với hai bà già và tạo được sự đa nghĩa, đa tầng hơn ở cái chữ Chiều ấy. Cái chiều của buổi chiều thực và cái Chiều của đời người quyện vào nhau tạo nên một ẩn dụ hợp lý.
Bài thứ ba tôi làm cùng thời gian ấy là bài Trái tim Chí phèo. Nếu có bài thơ nào tôi làm mà thành công nhờ sự quyết tâm ngồi vào bàn viết thì đó chính là bài này. Nhưng cũng có một yếu tố tác động của ngoại cảnh. Đêm trước tôi nằm nghĩ vu vơ rồi không hiểu sao tôi nhớ đến Con đường đau khổ của nhà văn Nga Alechxay Tonxtoi, nhớ rằng trong tiểu thuyết có nói đến cái chết của một nhân vật là lính pháo thủ. Và nhà văn Nga có ví rằng: Anh ( Nhân vật ) đã uống phải một thứ rượu cực mạnh ( Viên đạn ) để rồi say túy lúy và không bao giờ tỉnh dậy được nữa ( cái chết )!
Thế rồi không hiểu sao bỗng dưng tôi lại có liên tưởng đến cái chết của Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao. Một tia sáng lóe lên. A, thì ra cái chết của Chí cũng thế. Chí đã lần đầu tiên uống cốc rượu ấy, cái lưỡi dao oan nghiệt ấy trong lần cuối cuộc đời mình, trong lần đầu đi đòi quyền được làm người lương thiện. Và Chí cũng đã say, say khướt cò bợ, không bao giờ tỉnh lại nữa.
Ý tưởng ấy lập tức bám riết lấy tôi. Tôi cũng chợt nhận ra rằng từ bấy lâu nay cũng đã có nhiều người viết về Chí Phèo nhưng mới chỉ đả động đến hành vi, thể xác chứ hình như chưa mấy ai nhìn sâu vào trái tim Chí. Và hình dung toàn bộ truyện ngắn Chí Phèo, tôi quyết tâm sẽ viết lại truyện này bằng… thơ. Để làm được chuyện đó, tôi đã dùng lại bút pháp của Nam Cao: Đưa hình ảnh Chí say rượu lên đầu và rồi diễn giải dần cùng với một cái nhìn mới nhân hậu hơn về nhân vật này.
TRÁI TIM CHÍ PHÈO
Thoảng như Người mới đâu đây
Vừa đi, vừa chửi, vừa say… giữa đời
Trần mình với bóng mình thôi
Mảnh chai Người rạch mặt Người… buồn tênh
Đau đời… mượn rượu tìm quên
Vết thương sẹo vẫn chẳng liền Người ơi
Với đời, Người vẫn mồ côi
Trái tim vẫn trái tim thời hồng hoang
Vẫn run rẩy trước trăng vàng
Cháo hành một bát, nợ mang một đời!
Cả tin nên mắc bẫy người
Bước chân lạc lối dưới trời nắng thiêu
Đạp lên cát bụi kiếp nghèo
Trái tim rớm máu đem treo giữa đời
Vung dao đòi được làm NGƯỜI
Bát rượu cuối, cả đất giời … cùng say!
Hình như… Người vẫn đâu đây?!!!
Chợt nhớ một lần ra Hà Nội, tôi được nhà thơ Đỗ Bạch Mai cho biết chị vừa đi cùng hai nhà thơ nữ N.T.Ng Hà và Nguyễn Thị Mai lên chùa Thầy ( Hà Tây ) vừa du xuân, vừa lễ Phật. Chuyến đi nghe nói rất thú và hình như họ còn bắt được cả một ý thơ nào đó hay lắm trên đó nữa. Để tranh thủ cảm tình của biên tập ( Đỗ Bạch Mai là thành viên ban Sơ khảo cuộc thi ) tôi làm 2 bài thơ vui nho nhỏ tặng chị. Một chút láu cá của gã đàn ông tỉnh lẻ:
CHÀY KÌNH
I
Ba cô đi lễ chùa Thầy
Gặp … anh sư cụ… vội ngây mắt nhìn
Đêm về thảng thốt giật mình
Tưởng nghe vọng tiếng Chày kình… gọi Trăng
II
Đêm rằm động tiếng chày kình
Ai rơi dải yếm trên cành táo chua
Trăng đem vàng rắc sân chùa
Tiểu non nhặt lấy… làm bùa… Trêu sư!
Hôm ra bưu điện gửi bài đi, thời gian chỉ còn vừa đủ để bài của tôi bay đến bàn biên tập trước khi thời hạn gửi bài đã hết. Ơn Giời, chả biết nhà thơ Đỗ Bạch Mai có vì cảm cái tình tặng thơ của tôi không mà được một tuần thì thấy ba bài thơ của mình xuất hiện trong mục Thơ Dự Thi. Đem khoe luôn với bạn bè. Cũng được mấy người gật gù. Ngô Xuân Hành, một giáo viên dạy văn ở Tam Điệp và là Hội viên Hội VNNB hạ một câu: Hay! Lần đầu tiên trong văn học Việt Nam có thằng Kao Sơn dám gọi Chí Phèo là Người viết hoa. Tôi rất cảm động khi được bạn bè hiểu.
Có điều rất lạ sau đó, nghĩa là sau khi báo Văn nghệ đăng thông tin cuộc thi thơ Lục bát đã chấm dứt việc nhận bài để chuyển sang chấm giải thì tôi lại hoàn toàn không để ý gì đến nó nữa. Đầu óc tôi rỗng không. Tình trạng này giống như khi tôi viết xong một cuốn tiểu thuyết hay vừa tiễn một người thân đi xa. Tôi vừa có cảm giác kiệt sức của người đàn bà vừa qua cơn vượt cạn lại vừa thấy mình cứ nhẹ bẫng đi thế nào ấy. Tâm trí cứ bâng lâng rất lạ, như người vừa đánh mất một cái gì!
Và nữa. nếu như trước đây tôi luôn nghĩ đến giải thưởng, một cái giải để làm mẽ với mọi người, để nói với mọi người rằng tôi có thể biên tập được thơ, để… có bao thứ ngu ngốc tôi nghĩ ra lúc đó, thì sau khi những bài thơ cuối tôi gửi đi, tất cả bỗng trở nên vô nghĩa!
Tôi lờ mờ hiểu được sự vất vả cũng như giá trị thật của những bài thơ được viết ra từ cảm xúc thật. Tôi nhớ lại từng bài, từng con người cụ thể đã bước vào thơ tôi: Bà tôi, Chị Cật, anh Chí… Những nhân vật văn học, những cuộc đời thật, những ông lão ăn mày, những chàng trai, những người dân trong chợ lao động, trong quán trọ, nơi góc phố và cả những khen chê chân thật của bạn bè. Tất cả trở về ám ảnh tôi, nói với tôi rằng: Thơ không phải để làm duyên, không phải để làm mẽ, làm thơ không phải để lĩnh giải…
Thi nhân nói riêng và bạn văn chương tôi biết nói chung thường ai cũng có một chút hoang tưởng, ai cũng có một chút kì vọng cho những việc mình làm, mong những bài thơ sẽ là để đời, là một tiếp tục của mình trên thế gian này… Điều đó thật cao đẹp, thật đáng trân trọng biết bao những kẻ hoang tưởng đáng yêu, đáng kính và Vĩ đại! Nhưng đó là nói những bài thơ thật được viết bằng những cảm xúc thật, yêu ghét thật. Chỉ thế thôi, chưa nói đến hay hay không hay cũng đã rất đáng để được trân trọng.
Nhưng nếu lại viết giả, viết từ cảm xúc giả, nghĩa là yêu thương giả, cố ghép lại câu chữ, núp dưới mỹ từ sáng tạo để cho thành một cái gì đó giống như thơ, để huyễn hoặc mình, lừa dối mình và mọi người thì in ra bao câu thơ, đóng lại thành mấy tập thơ, liệu có ích gì ? Anh định lấy cái Giả để làm một tiếp tục của cuộc đời anh ư ? Anh muốn đời sẽ tôn trọng anh, lưu giữ cho anh bằng những cái giả ấy ư ?
Nhưng để có được cái thật, sao chật vật, vất vả đến thế?
Phải thắng cái viển vông, cái huếnh hoáng trong mình. Phải thắng cả nỗi sợ trong mình. Điều này quan trọng lắm. Cuộc đời đã dạy tôi rằng trong cuộc sống có bao cái để sợ: Sợ sự đểu cáng, quay quắt; Sợ bị phản bội, lừa lọc; sợ cơ bắp của kẻ phũ phu; sợ đói rét, sợ bị mất việc làm… Và trong sự viết của kẻ văn nhân, bên cạnh nỗi sợ tẻ nhạt trong mỗi trang viết của mình còn có nỗi sợ bị trù đập, bị quy chụp… Mà cái sợ hơn cả là sợ vì mình mà gia đình, vợ con, người thân bị liên lụy.
Vậy thì phải dám đánh đổi!
Ý nghĩ của tôi trong những ngày sau đó là như vậy. Nó đeo ám tôi đến nỗi sau khi nghe tin ( chùm thơ ba bài: Xương rồng trên cát; Bà tôi; Trái tim Chí Phèo ) được giải A trong cuộc thi thơ LB đó, tôi cũng không đủ sức để vui mừng như đã tưởng. Làm thơ vất vả quá,… và tôi xin hứa từ nay không làm thơ nữa, tôi sẽ trở lại viết văn thôi! Trong lễ trao giải được tổ chức tại 17 Trần Quốc Toản HN, hôm mùng 10 tháng 6 năm 2003, khi được mời lên phát biểu, trước mặt đầy đủ bao quan khách, lúc đó tôi đã nói như vậy. Hoàn toàn không phải tôi làm mình làm mẩy mà là thật. Tôi nói thật ý nghĩ của mình.
Chỉ có điều là sau này, lời hứa đó, tôi không thực hiện được !
Thơ không buông tha cho tôi. Tôi đã cố dành nhiều thời gian cho viết văn nhưng thỉnh thoảng vẫn lơ mơ nghĩ đến chuyện làm thơ. Chỉ có điều là từ đấy làm thơ rất ít và điều mà tôi thấy tự có thể tha thứ cho mình việc đã không giữ được lời hứa chính là, mỗi khi làm một bài thơ nào, tôi vẫn cố gắng chiến thắng hoặc gạt bỏ đi nỗi sợ để viết thật, viết từ những yêu ghét thật, đòi hỏi giải tỏa thật trong mình. Cố quên nhanh cái giải, không để nó chi phối tạo thành áp lực cho những bài thơ sau. Chuyện này thường xảy ra với một số người. Khi được một cái giải nào đó thì mừng, nhưng sau đó thì lại sợ. Sợ những bài tiếp theo không được như trước và mọi người sẽ nghĩ rằng mình đang bắt đầu xuống dốc. Về cơ bản, nỗi sợ ấy là có thể thông cảm và hiểu được, chấp nhận được. Nó nói lên ý thức và trở hành động lực buộc anh phải không ngừng vươn lên. Nhưng nếu sợ quá thì lại hỏng. Nó sẽ bó anh đến không dám viết nữa. Tôi cố để không bị như vậy. Tôi cứ viết nếu thấy cần phải viết. Tôi tự ý thức giải phóng cho mình khỏi những chủ đề này nọ.
Có người hỏi tôi: Sao không thấy ông làm thơ Tình ?
Tôi cũng ngạc nhiên rồi hỏi lại: Thế nếu ông là phụ nữ thì… Ông thấy có thể yêu nổi tôi không? Anh bạn ngớ ra, nghĩ rồi cuối cùng thì cười, thật thà: Ừ, cũng khó… Cái mặt ông…
Tôi hiểu. Thú thật, cũng đã có khi tôi muốn làm thơ tình, thứ thơ mà rất nhiều nhà thơ đã dành bút mực cho nó, nhưng tôi hầu như không làm được. Lý do nằm ở cái mặt của tôi. Một cái mặt: Không chơi được, Không gần được cứ khó đăm đăm nên hầu như không mấy ai trong phần còn lại của nửa thế giới cho tiếp cận mà tìm cảm hứng.
Mà thôi, chuyện là nhà thơ có viết thơ tình không là chuyện của mỗi người, cách của mỗi người.
Tôi để tâm tìm hiểu ý nghĩa thật của Thơ. Có người nói Thơ là là sự thăng hoa của câu chữ, của cảm xúc. Có người bảo Thơ là tâm trạng, là tiếng nói riêng của tâm hồn mỗi người. Họ phủ định kĩ thuật và đơn thuần chỉ coi đó là tiếng lòng. Tôi cũng tìm đọc và đọc một cách nghiêm túc thơ của nhiều nhà thơ trẻ. Và tôi thích thú nhận ra là đọc họ tôi gần như chả hiểu gì.!
Tôi không biết thơ mình thuộc dạng nào. Có lẽ tôi không có hồn thơ mà chỉ đơn giản là anh viết văn, quen lấy cái thực, cái trông thấy, nghe thấy thậm chí sờ thấy thật rồi viết chứ hoàn toàn không có sức liên tưởng, không có những triết lý thâm trầm hay sự bay bổng thăng hoa. Câu chữ tôi dân dã, đơn giản. Tôi chỉ muốn được sẻ chia, được cảm thông, thế thôi. Và tôi vẫn đi theo cách của mình. Tôi loay hoay lần tìm trong cuộc sống những điều làm mình xúc động.
Đầu năm 2003, tôi được Tỉnh ủy NB cho chuyển công tác về hẳn Hội VNNB. Hội VNNB hồi đó chưa có nơi làm việc ổn định, hơn chục năm Văn phòng Hội cứ phải lang thang hết nơi này đến nơi khác. Lần thứ 5, chúng tôi chuyển đến làm việc ở mấy căn nhà cấp bốn, lợp ngói, thuê của Khách sạn Hoa Đô, tường gạch và nền xi măng luôn ẩm ướt, mối rất nhiều và luôn tấn công chúng tôi. Bàn ghế, sách vở trở thành món ăn khoái khẩu của chúng.
Trong một khung cảnh như vậy, vào một buổi trưa, tôi bỗng thấy một cụ già ăn mày tay bị tay gậy tìm vào chỗ chúng tôi làm. Lúc đó tôi có buột miệng nói với cụ: Khổ quá, cụ vào nơi này làm gì. Chúng con ở đây toàn là nhà văn, nhà thơ, chỉ có văn thơ, ít tiền lắm. Thôi, mời cụ vào đây uống với chúng con một ly rượu nhạt vậy. Không ngờ cụ già không hề trách. Cụ vào và uống với tôi một ly rượu nhỏ, cám ơn rồi lại cung cúc đi. Tôi biếu cụ 5 ngàn và theo gợi ý của tôi, cụ tìm lên phòng lễ tân của khách sạn, chả biết có xin được gì ở đó không. Tiễn khách đi rồi, lòng tôi buồn hẳn. Bài thơ Vọng tiếng từ quy ra đời trong hoàn cảnh đó.
VỌNG TIẾNG TỪ QUY
Thơ vui tặng cụ ăn mày khi cụ đến thăm hội Văn nghệ
Cụ đến nơi này làm chi
Chúng con nào có còn gì nữa đâu
Nghiệp văn kiết xác ve sầu
Dư dôi chăng, chỉ vài câu thơ tình
Cụ tìm trong cõi phù sinh
Miếng cơm , manh áo, chút tình thế gian
Con dù thừa nỗi đa mang
Làm sao con sẻ được sang cho Người?!
Thôi thôi, thôi thế thì thôi
Với cụ, con chính hạng người.. bỏ đi
Rượu suông tiễn khách một ly
Bỗng nghe vọng tiếng từ quy gọi bầy
Bài thơ gọi là vui, nhưng thực ra rất buồn. Nó phản ánh đúng tâm trạng của tôi lúc đó: Bi quan về nhân tình thế thái; Bi quan về tình trạng của Hội và tương lai của những người làm văn nghệ. Trong bản viết đầu, câu cuối cùng của bài thơ, tôi viết là: Hẹn ngày mai đến cùng đi ăn mày! Tuyệt vọng đến thế. Khi đọc cho anh em nghe thì nhiều người thích, nhưng cũng có người cho rằng viết vậy thì quá bi quan. Tôi cũng thấy vậy và sửa lại như trên. Có lẽ như thế hơn. Từ quy gọi bầy… nó vẫn chứa đựng được cái ý Cùng đi ăn mày, mà nghe thì đỡ lộ và thuận tai hơn.
Cũng trong thời gian này, gia đình tôi gặp một chuyện lo nghĩ. Mẹ tôi bị bệnh ác hiểm và tôi phải đưa mẹ lên tận bệnh viện 103 của Quân đội trên Hà Đông để chữa trị. Nhà neo người nên tôi phải trực tiếp đi theo phục vụ mẹ. Mẹ tôi nằm viện mất 3 tháng và trong thời gian này tôi lâm vào tình trạng túng quẫn về kinh tế và bức bối về tinh thần. Ban ngày tôi ở viện để chầu chực phục vụ mẹ già, tối đến về bên nhà trọ bình dân để nghỉ. Mỗi suất nghỉ qua đêm 6 ngàn đồng, không dám và cũng không có tiền để ngủ chỗ sang hơn.
Nhưng như người ta thường nói, trong cái rủi có cái may. Trong khi nằm với những người dân lao động, những người như tôi ở quê lên chăm sóc người nhà là bệnh nhân còn có nhiều người là dân làm thuê, làm mướn ở nhiều nơi về cùng trọ. Trong đêm dài dặc ở nơi nghèo hèn đất khách quê người, tôi đã làm quen được với một số nhân vật. Vâng, đó là những nhân vật tiềm ẩn trong đời thường của nhà văn. Họ mang theo nhiều hoàn cảnh, nhiều số phận khác nhau, phong phú, đa dạng mà thực nếu ta không cùng ăn, cùng ở với họ thì ta sẽ có nhiều cái không thể nào tưởng tượng ra được.
Tôi quen một thanh niên trẻ tên Hùng, quê ở Thiệu Xuân, Thanh Hóa. Cậu đi cùng cô người yêu cùng làng ra Hà Nội để tìm việc làm. Họ gặp một cô bạn cùng quê đã ra Hà Nội từ trước và được cô ta nhận lời giúp. Người yêu Hùng đi theo cô bạn kia và rồi không thấy quay lại nữa. Hùng bơ vơ. Cậu chờ cả tuần rồi đi khắp các hang cùng ngõ hẻm ở Hà Nội để tìm người yêu mà vẫn bặt tăm. Nói chuyện với tôi, Hùng lo lắng: Em chỉ sợ cô ấy nhẹ dạ nghe người ta xui rồi đi làm ở những nơi quán xá… tôi hiểu từ quán xá mà Hùng dùng ở đây là nơi nào. Tôi cố an ủi Hùng nhưng mắt cậu ta vẫn buồn rười rượi. Và nỗi buồn ấy cũng lan sang tôi. Tôi làm một bài thơ tặng Hùng, nhưng cậu chỉ cầm mà không đọc. Thơ là một sẻ chia ư ? Nhưng có những nỗi đau mà không có thơ nào sẻ chia nổi…
LẠC ĐƯỜNG
Hôm nào xin mẹ đi chơi
Vui chân theo bạn ra nơi thị thành
Lập lòe xanh đỏ ánh đèn
Em ngơ ngẩn ngắm… rồi quên lối về
Đêm thành thị, đêm bùa mê
Gió xơ xác gió, sương đầm đìa sương
Tây Hồ rối lá cành dương
Sâm cầm một tiếng, bi thương giữa giời
Hồn một nơi, vía một nơi
Một em đất khách quê người…. một anh
Chắp tay tôi lạy thị thành
Trả cho tôi, nụ hoa chanh vườn nhà.
Tôi cũng làm được một bài thơ khác khi nghe chuyện của một người đàn ông cùng mấy người khác nữa ra Hà Nội để làm thuê. Anh nói chuyện với tôi người Vĩnh Phú, trước đi bộ đội, sau giải ngũ về quê, lang thang ra đây cùng với một đôi quang, chiếc đòn gánh: Người ta thuê em làm gì em cũng làm. Khổ mấy cũng làm. Cũng nhục anh ạ. Kiếm được tí việc bị chặn đầu chặn đuôi: Nộp cho công an; nộp cho bảo kê… Người thuê mình, nhiều người họ cũng tinh tướng lắm, họ coi bọn em không bằng đứa con ở nhà họ. Làm thì toàn việc nặng nhọc, những việc mà đến đứa ở nhà họ cũng không muốn làm, nhưng kì kèo từng xu, hơi sơ suất tí là bị đuổi việc, bị dọa cắt bớt tiền… Tôi hỏi anh làm thế này bình quân ngày được bao nhiêu. Anh bảo: Cũng tùy. Hôm nào có việc cả ngày thì được hai, ba chục. Hôm nào không có người gọi thì… Anh cười héo hắt rồi tiếp: Mấy bữa nay mưa liên miên nên em không dám nằm vỉa hè nữa, sợ trúng gió thì khổ vợ, khổ con, đánh liều bóp bụng vào đây ngủ chứ bình thường trời khô ráo, bọn em toàn ngủ vỉa hè. Anh tâm sự thêm: Mình ở đây vậy, nhưng là đàn ông nên khổ mấy cũng phải cố. Anh biết không, em phải giấu biệt vợ con chuyện em ở đây đấy chứ. Nói ra chả ích gì, vợ con thêm lo. Nhiều lúc nhớ và thương vợ con quá. Hôm em quyết định ra đây làm thuê, vợ em khóc suốt cả đêm. Em đang tính gắng thêm tý nữa, may kiếm được đồng vốn thì về. Nhớ nhà lắm. Nhất là đứa nhóc. Bọn em xây dựng gia đình muộn, con em còn bé, mới một đứa thôi, nhưng là con trai. Nó nghịch, nhưng rất hám em. Anh biết không, tháng trước em về … thì khi đi có hứa với con là sẽ mua cho nó một khẩu súng. Súng nhựa ấy mà. Nó thích súng. Có lẽ lớn lên muốn đi bộ đội như bố… Vậy mà hôm về không còn tiền, đành lang thang mãi ở bến đò, may tìm được con dế đem về đền cho nó. Nó cứ quấn lấy em bảo bố đừng đi nữa… Anh nói rồi im.
Ngoài trời vẫn mưa rả rích. Tôi biết trời mưa thế này thì công việc dành cho anh thanh niên kia sẽ còn khó khăn nhiều. Tôi nhìn ra xung quanh. Nhiều người vẫn thức. Có lẽ họ cũng đang lắng nghe câu chuyện giữa chúng tôi nhưng không ai góp thêm lời. Mà góp làm gì, giải quyết được gì đâu. Có khi nói ra thêm buồn hơn…
Đến bây giờ tôi vẫn không quên được cái nhà trọ ấy, những con người ấy. Tôi dự tính có thời gian sẽ viết thành truyện về họ. Còn bây giờ thì hẵng tạm vậy đã. Tôi làm thơ, coi như một ghi chép ngắn để lưu lại làm tư liệu mặc dù mấy bài thơ tôi làm trong quán trọ đêm ấy cũng buồn, bởi dù đã cố nhưng vẫn không tài nào vui lên được.
HỒN QUÊ
Một đòn gánh, một đôi quang
Người đàn ông ấy rời làng ra đi
Vợ con đứng nép cuối hè
Gạt thầm lệ, sợ người đi mủi lòng
Thế rồi gió thổi vào không
Người đi vào chốn phố đông thị thành
Liều mình cho cuộc đua ganh
Cắn răng chịu những đành hanh thói đời
Ngày cơm chan lẫn mồ hôi
Tối về gửi tạm thân nơi vỉa hè
Nát nhầu dần mảnh hồn quê
Sượng sần nào dám tin về cố hương…
Một năm tóc ngả màu sương
Tuổi tên lạc giữa nẻo đường bon chen
Rượu đời ủ chẳng thành men
Thì đành quang gánh lối quen… lại về
Dừng chân bên bến sông quê
Tìm con Dế, bắt đem về cho con.
GHI Ở CHỢ LAO ĐỘNG
Mấy gã trai làng ra thành phố
Mắt buồn như đất ải đồng xa
Quán trọ chiều khàn nghe tiếng muỗi
Rưng rưng… lòng chảy hướng quê nhà.
Cho đến đầu năm 2005 tôi vẫn âm thầm đi theo mạch thơ riêng, thiên nhiều về nhân tình thế thái, về những số kiếp lận đận. Không cứ gì Thơ. Ngay trong văn xuôi cũng thế. Trong truyện của tôi có rất ít những nhân vật cỡ cán bộ, giám đốc. Đại loại là không có comple, không có cổ cồn cứng, không có giày đánh xi… mà toàn là những nhân vật bé mọn: Ông già bà cả cô đơn; Gái lỡ thì; Trai thất nghệp; Những bé con mồ côi không nhà cửa…. bạn bè gọi tôi là nhà văn của những con người bất hạnh. Tôi chả lấy thế làm buồn. Tôi tự nhủ, mỗi người, mỗi nhà văn có một vùng đất để sáng tác. Có lẽ vùng đất của tôi là vỉa hè. Tôi hay lang thang vỉa hè, vẩn vơ ở đó mà lĩnh cái buồn không đâu…
Bắt đầu từ tết Ất Dậu năm 2005, tôi có ý định mở rộng thêm về kiểu viết, nghĩa là thay đổi về cách chọn thể loại Thơ. Từ lâu nay tôi chỉ viết thơ Lục Bát, bây giờ thử làm một số bài thể loại khác xem sao.
VU VƠ CHIỀU CUỐI NĂM
Sao bỗng chiều nay phố lắm người
Sao về nhiều vậy sắc hoa tươi
Sao khoe lắm thế màu áo mới
Sao chẳng ai vào trong ngõ tôi
Chiều xuống, nhưng mà đêm chưa lên
Nắng còn thoi thóp, phố chưa đèn
Ngần ngơ ta ngắm người qua lại
Chẳng biết buồn chi, mắt bỗng hoen.
Khoảng giữa năm 2005, tôi được đi một chuyến xuyên việt. Tới Jarai tôi làm một bài thơ khác và tự cho đó là đỉnh cao của sự cách tân mình:
GIẤC MƠ CAO NGUYÊN
Anh lên thăm Jarai
Vào làng Axar
Thấy mắt em buồn như gió núi
Thấy má em xám như đá núi
Chân tay em như cành cây mùa đông
Em hát:
Anh có thương em không
Thương em thì theo em vào rừng đốn củi
Nếu mình đốn được nhiều
Em sẽ bó lại để anh đưa đến cho cha mẹ em
Mình sẽ đem củi đến biếu già làng
Đem củi thổi xôi trong ngày lễ hỏi…
Anh theo em lội suối
Vào rừng
Lên núi
Chưa được gùi củi nào đã thấy
Lửa trong mắt em
Lửa trên má em
Ngực em vồng căng như núi
Anh như người vừa uống hết một ghè rượu
Nghe quanh mình rộn tiếng đàn Goong
Nào em
Mình hái củi mau đi
Nhanh đi
Để anh thành người Tây Nguyên
Không chỉ dừng lại ở đó, khi vào đến Cà Mau, lúc đi uống cà phê với nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tư và nhà nhiếp ảnh Nguyên, tôi được nghe các bạn kể nhiều chuyện rất buồn về những người con gái ở đây khi có phong trào đi lấy chồng ngoại quốc. Phần lớn họ đi lấy chồng Ngoại không có tình yêu mà đơn giản đó chỉ là giải pháp… kinh tế: Có người đi lấy chồng chỉ để kiếm một ít tiền gửi về giúp cha mẹ trả nợ, sửa lại nhà; Có người hy sinh mình để lấy tiền nuôi mấy em ăn học…
Và nhiều bi kịch đã xảy ra. Nguyễn thị Ngọc Tư bảo tôi Ở đây có người con trai nghèo không lấy nổi vợ. Chuyện đời buồn đến vậy.
ĐỒNG DAO BUỒN CHO NGƯỜI LỚN
Thả đỉa ba ba
Chớ bắt đàn bà
Phải tội đàn ông….
Bên bờ kinh
Những người con trai nghèo đêm đêm ngồi hát.
Câu hát bay lên khoảng không
Câu hát rơi chìm trong nước.
Những người con gái nghèo
Vết nứt gót chân còn nguyên bùn đất
Mắt trào nước mắt
Dập dụi chạy đến nơi tuyển lấy chồng ngoại quốc
Câu hát đuổi theo:
Thả đỉa ba ba…
Nói thật, quậy thử vậy thôi chứ thật lòng tôi không thấy thể loại là quan trọng. Có thể suốt đời anh chỉ làm một thể thơ Lục Bát. Có thể chỉ làm thơ Đường;Và nếu không thích, cảm thấy gò bó thì làm thơ tự do. Cái chính vẫn là Thơ viết cho ai, viết về cái gì? Tôi nghĩ vậy. Nhưng dẫu sao thì nếu có thể chuyển giọng được đôi chút cho đỡ tẻ thì cũng nên chứ?
Một lần tôi đi dự trại sáng tác ở Đại Lải Vĩnh Phú. Lên đến trại chừng bốn giờ chiều. Nóng. Nhận phòng nghỉ xong, cởi quần áo dài rồi cùng Vũ Thành, một hội viên Thơ của hội VNNB tìm xuống hồ để tắm. Khi đi ngang qua một quán nước nhỏ, bỗng nghe tiếng gọi: Tắm bây giờ chưa được đâu, nước hồ còn nóng lắm. Mời các chú vào quán uống nước đã. Nghe có lý. Chủ quán là một cô bé nhỏ, gầy. Chúng tôi gọi hai ly cà phê và ngồi nhìn hồ. Nắng nhiều và gió cũng nhiều. Hàng dương cạnh hồ thong thả buông lá vàng. Bỗng nhớ đến Kontum và những câu thơ của Vũ. Vũ là tên gọi thân mật bạn bè dành cho một chàng trai Hà Nội, nghe Nguyên Hương, cô bé làm thợ may, viết văn của kontum kể, anh bị phụ tình, chán rồi bỏ Hà Nội lên Kontum làm nghề chữa xe đạp, mê bóng đá và làm thơ rất hay, Hội văn nghệ Kontum mời vào hội mấy lần không vào. Anh mất đột ngột ngay trên sân bóng của Kontum. Những câu thơ của Vũ mà tôi nghe được từ Nguyên Hương đã nhiều lần ám ảnh tôi:
Thôi tất cả chỉ còn là kỉ niệm
Đưa ta vào quán cóc rượu đong đầy
Một mình uống, một mình say, lạ nhỉ
Kontum chiều váng vất lá me bay
Em rất trẻ bồng con ngồi bán quán
Ta bâng khuâng trong mỗi điệu ru hời
Thôi em ạ, đời nhiều ly biệt quá
Sông Dakla chiều nay mây trôi…
Bảng lảng mà da diết. Tôi đọc những câu thơ trên của Vũ cho Vũ Thành nghe rồi ngồi lặng. Bỗng có tiếng cô bé bán quán: Hay quá. Bài Thơ hay quá… Tôi ngạc nhiên nhìn cô. Cô cũng nhìn tôi một giây rồi nhẹ nhàng: Chú đọc lại bài thơ ấy cho cháu nghe đi… Tôi thấy lạ. Một cô bé bán quán mà thích Thơ? Nhưng rồi tôi cũng đọc lại một lần nữa. Sau đó rồi im. Cả tôi, Vũ Thành và cô bé bán quán đều ngồi im nhìn ra khoảng mặt hồ mênh mang gió trước mặt. Chừng nửa tiếng sau, chúng tôi quyết định xuống tắm. Lúc đứng dậy trả tiền, cô bé bán quán nhất định không chịu nhận: Cháu đã nhận tiền rồi. Công chú đọc cho cháu nghe bài thơ ban nãy đó… Nói thật, tôi rất cảm động. Tối hôm đó về trại tôi viết được một bài thơ:
BÀI THƠ KHÔNG ĐẦU KHÔNG CUỐI
( tặng một người không quen )
Rất có thể mai ngày ta trở lại
Cát sỏi kia đã phơi trắng lòng hồ
Và em nữa, em đã thành thiếu phụ
Mắt buồn nhìn ta như chưa gặp bao giờ…
Thì có sao đâu, ta vẫn vào trong quán
Gọi cốc Cà Phê, chọn đúng chỗ xưa ngồi
Nghe trong gió lời thì thào kỉ niệm
Một chút xưa về trong nắng… chơi vơi…
( Đại Lải, một buổi chiều buồn ngồi đọc thơ Vũ )
Nói là Tặng một người không quen đó chính là tặng cô bé bán quán hôm trước. Nhưng sáng hôm sau, khi tôi mang bài thơ ra thì cô bé đã không còn ở đó nữa. Hỏi xung quanh thì biết thêm cô học trung cấp kế toán, vừa rồi ra đây làm tạm trong thời gian chờ việc, bây giờ có lẽ đã xin vào làm được ở đâu đó. Đành mang bài thơ về. Gần đây nhất tôi lại có dịp lên Đại Lải và hỏi thêm về cô bé bán quán yêu thơ ngày trước thì nhận được một thông tin rất bất ngờ: Cô bé ấy chính là cháu gọi nhà thơ Ngô Văn Phú là bác. Cô đã kịp lấy chồng và mới có một đứa con. Nhớ lại bài thơ xưa, có gì trong đó như ẩn giấu một linh cảm !
Ở Ninh Bình cũng có một quán cà phê nằm sâu trong một ngõ nhỏ của rẻo đất cạnh con ngòi bé, bên một ngôi miếu cổ. Mấy người trong nhóm bạn chúng tôi thường hay rủ nhau ra nhấm thời gian ở đây. Cà phê khá ngon và giá cũng vừa phải. Quán tuềnh toàng và chưa bao giờ thấy đông khách.
QUÁN NHỎ
Quán cà phê nép mình trong ngõ nhỏ
Một đôi người thầm lặng ghé chân qua
Khói thuốc mỏng như tình du khách
Mắt ai chìm…
đáy cốc…
bóng chiều sa.
Và có lẽ đấy là nơi lý tưởng cho việc tụ nhau đọc một cái gì đó hoặc phức tạp hơn, nghĩ về một cái gì đó! Nghĩ gì? Hóa ra chả có gì to tát. Ở cái quán nhỏ ấy, tôi có dịp ngồi hàng giờ để, như người ta nói: nghĩ vẩn vơ. Vẩn vơ về sự đời, sự người và cả những trớ trêu:
VÔ DUYÊN
Tựa lưng vào hũ rượu sành
Lim dim con mắt mà xanh với đời
Buồn tình đổ bóng ra phơi
Vô duyên lại gặp lúc giời nắng râm
ĐÁNH CỜ
Đời buồn đến thế thì thôi
Một mình tôi… với mình tôi… đánh cờ!
Thắng thua toàn chuyện giả vờ
Áo bào khoác bậy che lừa áo manh
Lúc nghiêng đỏ, lúc ngả xanh
Một mình bày cuộc gian manh cho mình
Ngửng lên, lá rụng mái đình
Nghê cười mách nước: Mã bình ăn Xe!
Có nhiều lúc chua chát đến vậy. Đời buồn đến cảm thấy sự tồn tại của mình là vô duyên, đến phải tự mình lừa mình, tự mình tạo ta cạnh tranh giả, chiến thắng giả. Lúc bí vận phải trông vào sự mách nước nơi cửa Thiền thì cũng lại chỉ nhận được một lời… mách qué: Mã bình ăn Xe!? Giời đất, trong cờ tướng, Mã chỉ có nước Tiến hoặc Thoái chứ làm gì có nước Bình mà mong? Cảm thấy bí bách, tù túng như ngựa bị xích chân.
Cũng may, cảm giác buồn nản ấy không đến với tôi thường xuyên. Một phần do công việc chất ngất không còn chỗ cho những vơ vẩn, vẩn vơ. Mặt khác, cho dù có ai đó nói rằng: Buồn là máu của Thơ, và chính bản thân tôi, dù không chủ định đâu, không cố đâu, nhưng rõ ràng là phần đa những bài thơ của tôi đều buồn, cái buồn thật do những hoàn cảnh thật mang lại.
Mặc dù thế, tôi bao giờ cũng gắng để không cho cái buồn đè bẹp. Có một lúc nào đó, quả tôi đã chìm vào nó nhưng rồi lại phải cố ngoi ngóp lần lên. Tôi nhìn vào cuộc đời của những người nghèo khổ, nhìn ra xung quanh và… nhìn vào cỏ: Cỏ dẫu có bao lần bị dày xéo dưới những gót giày thì chỉ cần một cơn mưa nhỏ cũng đã đủ để xanh trở lại.
ĐÃ TỪNG
Đã từng rong chơi với gió
Đã từng vấp ngã bươu đầu
Đã từng bị người bắt nạt
Đã từng…. thì có sao đâu?!
Càng đau nỗi đời quay quắt
Càng dày hai chữ Nghĩa- Nhân
Ta lại về chơi với cỏ
Rập đầu tạ Đức Cao Xanh.
Thì ra cuộc sống đơn giản và bình tĩnh hơn tôi tưởng rất nhiều. Cuộc đời dẫu sao thì vẫn đáng sống, đáng để ta yêu, đáng để ta nâng niu trân trọng. Bởi CUỘC SỐNG chính là một đặc ân của Thượng đế ban cho ta và đồng loại. Vậy thì hãy cố để có thể góp cho nó MỘT CHÚT GÌ.
Tình như là cỏ đêm trăng ấy
Cứ nháy lên hoài nỗi thiết tha
Đời như là nước trên sông ấy
Chở mãi phù sa đến xứ xa…
Năm 2006
KAO SƠN