THƠ VÀ BÓNG ĐÁ
Thơ và bóng đá
- Chào anh
- ừ, chào.
- Anh vào đây uống bia chắc là để chờ xem bóng đá?
- Thì chứ lại còn sao. Chỉ khi nào xem bóng đá tôi mới dám uống bia chứ bình thường thì dân ba bánh chúng tôi tiền đâu mà hoang thế.
- Hôm nay đội mình đá với Thái đấy
- ừ, tay này ... nói thật, mình thấy hơi lo. Lần trước nó thắng cả Nhật đấy.
- Nhà không có tivi hay sao mà ...
- Ô, cái ông này hỏi lạ. Bây giờ chứ có phải những năm sáu mươi đâu mà... Này, nói cho mà kinh, nhà tớ có hẳn hai cái Tây vi cơ đấy, Nhưng tớ vẫn ra đây ngồi. Xem bóng đá mà xem một mình, chẳng có ai hò hét bàn luận cùng thì làm sao cho máu bốc lên đầu được, một cái tây vi chứ mười cái cũng vứt.
- Ti vi chứ
- ừ thì ti vi. Nhưng nước mình đã sản xuất được đâu, vẫn phải nhập từ bên tây sang nên cánh xế lô chúng tớ gọi thế. Không phạm luật chứ hả.
- Không phạm luật. Nhưng... việt vị. Từ ngữ như vậy người ta gọi là đi trước thời đại. Cũng giống như chạy xuống dưới hàng hậu vệ của đối phưng để nhận bóng vậy.
- A, thì ra ông cũng là dân nghiền bóng đá. Hỏi khí không phải, ông làm nghề gì?
- Tôi... làm thơ.
- Êu, kinh nhỉ. Ra là nhà thơ kia đấy.
- Không, chưa phải là nhà, mới chỉ là lều thôi.
- Chắc ông khiêm tốn. Trông cái dáng lẻo khẻo của ông thế này thì đích thị ông là nhà thơ chính cống rồi. Mà vậy thì chắc biết cái ông gì viết Truyện Kiều với Lỡ bước sang ngang nhỉ.
- Kiều là của cụ Nguyễn Du , còn Lỡ bước sang ngang là của nhà thơ Nguyễn Bính
- ừ. Nói thật tớ thì không mê thơ nhưng bà cụ tớ thì thuộc làu hai cái bài thơ ấy. Mà nghĩ cũng lạ, một chữ cắn đôi cụ không biết mà Kiều thì có thể đọc từ dưới lên chả sai câu nào. Rồi lại cứ hay vận mọi thứ vào mà đọc. Nhưng lâu nay cũng không thấy các vị ấy ra quyển nào mới. Hay là có mà tớ không biết. Hôm nào gặp nhờ ông hỏi các vị ấy xem, nếu có ra quyển nào mới nữa thì mua cho bà cụ tớ một quyển.
- ...Vâng...
- Này, tớ hỏi thật nhá, làm bên cái ngành ấy thu nhập thế nào?
- Cũng tùng tiệm vậy thôi. Không có dự án. Sống bằng nhuận bút là chính.
- à, nhuận bút, nhưng nó là cái tiền gì?
- Là tiền của bên in trả công sáng tác thơ cho mình
- Hiểu rồi. Thế mỗi bài được bao nhiêu?
- Cũng tuỳ từng báo. Có báo hai chục. Có báo trả măm chục, bảy chục một bài.
- Thế là khá quá chứ. Quy ra thóc là hơn chục cân đấy. Thảo nào dám vào quán bia. Thế tò mò một chút, mỗi ngày ông làm được mấy bài thơ?
- Cũng tuỳ, hôm nào hứng thì được một, có khi hai. Nhưng có phải hôm nào cũng nghĩ được ra thơ đâu. Nhiều khi hàng tháng cắm bút ấy chứ.
- Ông lại nói đùa rồi. Hàng tháng không nghĩ được bài nào? Chắc đầu óc lại để ngoài nhà hàng, quán cà phê đèn mờ chứ gì? Các ông nhà thơ nghe nói là chúa lãng mạn. Nhưng tính kỹ lại thì không có dự án chắc làm cố cũng chỉ đủ ăn thôi nhỉ. Không giàu được. Thời buổi bây giờ, chưa nói đến cánh ba bánh chúng tôi hưởng lương bằng... chân là chính, mà ngay cả mấy anh ăn lương nhà nước, tính ra tiền thì to nhưng cái gì cũng đắt thành ra...Bên cạnh nhà tớ cũng có một ông nhà thơ, nghe đâu là hội viên của hội thơ tỉnh kia đấy. Cũng như ông, lẻo khẻo ... Năm ngoái ông ấy ra một tập thơ, có đem sang cho tớ một quyển. Nói thật, tớ không mê cái anh thơ lắm nhưng của người ta biếu, chả lẽ không cầm. Nhưng cầm rồi chưa kịp đọc, hôm sau thấy vợ chồng ông ấy cãi nhau ghê quá đành lại mang sang trả.
- Sao lại cãi nhau.
- Cũng không rõ lắm, nhưng nghe đâu là ông ấy lấy trộm tiền của vợ đi in thơ. Này, tớ tưởng các ông làm thơ thì người ta phải trả tiền cho các ông chứ nhỉ, cái mà ông gọi là nhuận bút ấy. Sao lại phải bỏ tiền nhà ra in à?
- Cũng tuỳ. Có người thì bỏ tiền nhà ra. Có người thì được tài trợ.
- Hiểu rồi. Cũng như bóng đá hả. Đội nào đá hay thì có nơi họ nhận đỡ đầu cho. Đội nào đá rổm thì coi như ... trều. Ông nói cũng mê bóng đá, vậy chắc ông nhớ cái anh Cúp con Hổ năm chín tám chứ. Trận mà có tay In- Đô đá với Thái chiều 31 tháng 8 ấy. Hai tay ấy thực ra đá không đến nỗi. Thực lực của họ cũng ngang ngửa ta. Anh Thái có khi còn khá hơn ta. Vậy mà chỉ vì tính toán hơn thiệt, cũng là muốn khỏi phải gặp ta sớm trong vòng chung kết nên bày trò đá cuội, cầu thủ In- Đô cố tình đá phản lưới nhà buộc Thái phải thắng để thay họ gặp ta. Nhưng giời có mắt nhá. Tránh giời không khỏi nắng mà. Với tâm lý đá cuội như vậy thì thua chắc. Thái bị ta giáng cho 3 - 0, còn In Đô thì cũng thua nốt Sing ga Po, cuối cùng hai anh In - Thái lại phải gặp nhau để tranh cái huy đồng an ủi. Nhưng đấy cũng chưa phi là điều tồi tệ nhất. Cái chính là khán gi từ chỗ mê đến tẩy chay, họ không thèm đến sân xem nữa. Nhục không. Nhưng đấy là chuyện xưa. Vừa rồi ở ta cũng có chuyện. Tớ nghe vừa rồi trên tây vi, ấy chết, lại quen mồm, ti vi chứ nhỉ. Ti vi bảo ở mình giải ngoại hạng mùa bóng vừa rồi có mấy đội đá kém nhưng lại muốn trụ hạng, đã bỏ tiền mấy trăm triệu để mua trọng tài, chuyện vỡ lở thế là có mấy nhà tài trợ trước họ rút sạch. Khán gi cũng la ó, tẩy chay không thèm đến sân xem nữa. Bên các ông làm thơ thì chắc không có chuyện đó.
- Cũng có chứ, chỉ khác về kiểu thôi. Tỷ dụ như có anh lấy thơ người khác làm thơ mình. Có anh làm thơ nhạt nhưng lại bỏ tiền ra mua giấy phép để được một nhà xuất bản lớn nào đó đứng tên xuất bản cho... đại loại thế. Nhưng mà người đọc thì tinh, họ chả bỏ tiền mua những tập thơ ấy. Thơ không có người đọc thì cũng như bóng đá không có người xem. Vậy là đói.
- ừ. Đói. Vậy thơ ông thế nào?
- Tôi không ăn cắp thơ người khác nhưng... chắc là thơ cũng ... nhạt.
- Sao biết nhạt?
- Thì đó, ... không có người mua.
- Vậy à. Cũng tội nhỉ. Nhưng thế thì cũng còn khá đấy. Tự mình biết thơ mình nhạt là cũng đã là kẻ có bản lĩnh... ở phố tôi cũng có mấy ông về hưu. Trước kia không thấy thuộc câu thơ nào, về bây giờ rỗi chuyện đâm ra hay làm thơ. Làm thơ rồi cứ gặp ai là nèo vào bắt ngồi, đọc cho nghe, cũng rách việc. Nói thật thơ các ông ấy, kể cả thơ của cái bác hàng xóm của tớ, tức là nhà thơ thứ hạng đấy, chính tông đấy, nhưng nghe cũng cứ thế nào. Có ông thì làm thơ kiểu làm vè, châm chích lung tung. Ngày xưa khi ông ấy còn làm cán bộ, còn đương chức đương quyền chả thấy nói chống tham nhũng. Đến giờ về hưu lại ra cái điều. Dân chúng tôi họ bảo cũng là cái kiểu ghen ăn tức ở thôi. Ông ấy về hưu rồi, không ăn được nữa, giờ thấy người khác ăn thì tức. Lại có ông thì bạc đầu rồi mà trong thơ cứ em em anh anh, sốt ruột. Nói thật với ông, dân lao động chúng tôi, tối mắt tối mũi suốt ngày lo kiếm miếng ăn. Cuộc sống chật vật nhưng giá có được từ các bác sự sẻ chia, động viên gì thì cũng tốt. Còn cái chuyện em anh, mây gió thì... xin đủ. Mà thôi, đấy là chuyện của người ta. Còn ông, biết nhạt sao không chuyển nghề, đừng làm thơ nữa?
- Làm gì?
- Đá bóng. Tớ nghe lương cầu thủ xịn bây giờ các câu lạc bộ người trả cho cao lắm, những chục triệu, hơn chục triệu, có tay được trả đến hàng trăm triệu mỗi tháng cơ đấy.
- Chân tay tôi thế này mà bác bảo đá bóng? Có mà đá bóng bì với bia!
- ừ nhỉ. Nhưng tay Sỹ Hùng của đội tuyển mình xưa cũng gầy đấy thôi. Mà nói thế chứ, mỗi người có một phận... Với lại...nói như ông ấy, nghĩ kỹ ra thì cuối cùng làm gì thì lại cũng cứ phải giỏi, chứ thấy người ta ăn khoai là mình cũng vác mai đi đào là không ổn.
- ... Cũng có người không giỏi nhưng vẫn giàu...
- Tôi hiểu, nhưng đó là những kẻ tham nhũng, tiêu cực. Mà tham nhũng thì chắc chả đến lượt mấy anh em mình. Muốn tham nhũng được phải có chức có quyền. Nhà thơ các anh nghe vậy thì chỉ có cái danh, đúng không. Mà danh không thì không mài ra mà ăn được. Còn muốn vừa có danh lại vừa có tiền thì phải giỏi thật. Ông thấy cái trận hôm rồi chứ. Cái pha đánh đầu của Thạch Bảo Khanh ấy, chả biết con mắt nhà thơ của ông thấy thế nào chứ như tôi thì tôi thấy đấy là giỏi, là trên cả tuyệt vời. Đúng không?
- Vâng, đấy là thơ đích thực trong bóng đá. Cầu thủ ấy đã dùng trái bóng để viết một câu thơ đẹp lên sân cỏ.
- Ông nói hay thật. Nhà thơ có khác. Tôi thì chả đào đâu ra cái liên tưởng hay ho ấy. Nhưng tôi cứ nghĩ, mạn phép ông nhá, giá như thơ các ông cũng viết kiểu như vậy, mỗi dòng, mỗi bài đều có thể làm bật dậy tiếng hò reo tán thưởng ở hàng chục ngàn con người thì... lúc ấy th mới có thể kể đến được. Tôi lại vẫn nhớ về cái Cúp con Hổ năm 98 ấy. Cả nước ăn bóng đá, ngủ bóng đá. Bà xã tôi vốn coi bóng đá chỉ là cái trò vô bổ, mất sức, tốn chè, tốn vân vân các loại mà hồi đó khi đội mình để tuột cái cúp vàng về tay Sing- ga - po cũng mặt như tàu khoai gặp lửa. Mấy đứa con tôi thì có đứa khóc. Thế đấy. Bóng đá nó cuốn hút, nó kích động người ta ghê lắm. Họ đá trên sân mà mình ngồi ở nhà thì nín thở. Lan man sang cái anh Ma Ra Đô Na một tý. ở cái Cúp thế giới năm chín tư ấy nhẩy. Gớm hắn đi một pha bóng từ tận giữa sân, lừa qua hàng chục hậu vệ của đối phương, dẫn bóng tới sát khung thành rồi sút vào. Cú sút làm vỡ tung cả cầu trường, làm khản cổ của hàng triệu người. Rồi lại như cái anh chàng Che- ry- hăng- ry người Pháp tiền đạo đang đá cho giải ngoại hạng Anh đấy cũng vậy. Chả biết ông thế nào chứ tôi là mê cái tay ấy lắm. Cứ nhìn cách đi bóng và sút bóng của hắn mà mê mẩn...
- Phải là người lãng mạn lắm mới có được những kiểu đá bóng như vậy.
- Ông giỏi thật, lại nói hay và đúng nữa rồi. Lãng mạn... Chà. Tôi phải nhớ cách khen này của ông rồi hôm nào đem bình lại với mấy tay cánh xế bạn tôi mới được. Đá giỏi đã đành mà tư cách cũng hay chứ hả. Làm bàn liên tục nhưng ít thấy bao giờ hắn cởi áo, nhảy nhót hay gào thét gì để tỏ vẻ ta đây như cách ăn mừng của những anh khác. Tôi nghiệm ra rằng phàm đã là những tay giỏi thì thường là lại khiêm tốn, còn mấy anh làng nhàng thì... cũng giống như cái thùng rỗng ấy, càng rỗng càng kêu to. Đấy, giỏi là nó thế đấy. Nhưng ông biết không, đã có lần tôi ra Hà Nội, được xem cánh cầu thủ họ luyện tập. Hoá ra cũng không ngon ăn đâu, cái sự anh em mình nói là giỏi ấy mà. Để đạt được cái sự giỏi hoặc như ông nói, để viết được những câu thơ đẹp lên sân cỏ, họ cũng đổ công sức ghê lắm. Tay Nguyễn Hồng Sơn của Thể Công ngày xưa ấy, hắn nói đâu sau mỗi trận hắn sút mất bốn năm cân. Như vậy thì ghê thật. Như tôi đánh một cuốc xe kiếm vài chục ngàn, vã mồ hôi, mất sức đến mấy thì cùng lắm là đêm ấy làm bà xã thất vọng một tý thôi, nghĩa là chỉ cần về nhà, chén xong lăn ra làm một giấc đến sáng, không tý táu tý mẻ gì là mai lại khoẻ re. Như ông, đã bao giờ ông làm bài thơ mà sút mấy cân thịt chưa ?
- ... Vâng, chưa.
- Vậy thì đành vậy thôi ông ạ. Tôi nghiệm ra cái gì nó cũng có cái giá của nó. Mình không dám đổ nhiều mồ hôi, không dám để sút đi kí lô thịt nào thì mình ăn ít, giàu ít là phaỉ. Mấy lỵ, nói ông tha lỗi chứ, có lẽ hạng người như ông với tôi là khi sinh ra ông giời ông ấy cũng đã tính kỹ chán rồi. Cứ lẻo khẻo thế này thôi. Tôi với ông bây giờ mà tự dưng lại béo, lại không đạp xích lô với làm thơ nữa mà mặc Com lê, buộc dây thắt cổ, rồi đi đâu cũng giầy đen mấy lỵ ô tô thì trông... thế nào nhỉ. Có lẽ là xấu, không chừng về nhà chó không nhận được ra chủ nữa ấy chứ lị... Mà kìa, sắp đá rồi, ông ở đây xem cùng chúng tôi chứ hay là về làm thơ? Thôi ở đây xem đi. Tôi khoái nghe cái cách bình luận bóng đá theo kiểu nhà thơ của ông. Tôi sẽ đãi bia được không?
- Vâng, tôi ở đây xem với các ông. Mà không chừng khi ngồi xem bóng đá với các ông tôi lại học được cách làm thơ để thơ hay hơn chăng ?!