NGƯỜI "VỤC GIĂNG SAO ÂU YẾM ÁP LÊN MÔI"

tản văn

NHỚ PHẠM NHƯ HÀ

ẢNH CHỤP CÙNG PHẠM nHƯ HÀ ( GIỮA ) VÀ hOÀNG PHƯƠNG NHÂM

NĂM CẢ BA CÒN ĐẦY MƠ MỘNG

NGƯỜI “VỤC GIĂNG SAO ÂU YẾM ÁP LÊN MÔI”

Năm 1976, tôi chuyển công tác từ Ninh Bình ra Nam Định. Là cái anh nhà quê tỉnh lẻ, mọi thứ đang quen với nếp sống và kiểu cư sử của tỉnh lẻ, nay bỗng dưng bị ném vào nơi ồn ào phố xá như Nam Định, tôi như con cá bị sóng tung lên bờ cát, cố mãi, cứ phải gồng mình há miệng ra thở mà vẫn thấy không thể nào quen được, không thể “ hòa nhập” được. Ở cạnh Ban Thiết kế Công Nghiệp hồi đó là Hội văn nghệ. Ở đó cũng có vài ba người là dân “Ninh Buồn”. Lân la sang tìm đồng hương kiếm chỗ dựa thì may, gặp được Nguyễn Thế Kiểm ( Tôi đã có bài viết về anh trong VĂN CÒN ĐÓ, NGƯỜI ĐÂU ). Anh Kiểm viết văn, cũng ra Nam Định do sáp nhập 2 ty văn hóa, quê Gia Viễn thuộc vùng xả lũ của tỉnh Ninh Bình cũ, nhà rất nghèo, cứ 6 ngày “Cơm tu, ở tù” mới đc một ngày lóc cóc đạp xe vượt hơn 60 km về thăm nhà. Cùng ở tập thể với anh, chung cảnh “mặc áo chuyên da, đi xe cố vấn” như Kiểm còn có Phạm Như Hà. Anh Hà làm thơ, dân Nam Định nhưng là Nam Định quê, nhà cách thành phố những gần 40 cây số. Vậy là hoàn cảnh và sau này thì tôi tin là có cả duyên số nữa, đã đưa đẩy, vun gom chúng tôi lại với nhau để rồi nhanh chóng ghép chúng tôi lại thành một bộ ba chí thiết. Thực tình mà nói, tôi lúc đó mới chỉ là một anh kĩ sư non choẹt vừa mới ra trường. Kiểm và Hà, dẫu sao thì cũng đã có bài đăng báo này tạp chí nọ và nhất là lại được biên chế trong một cơ quan Văn nghệ hẳn hoi. Và tôi đều đã được đọc các anh. Vậy thì trong mắt tôi khi đó, các anh long lanh lắm. Tôi là kẻ cũng sớm mang mông văn chương nhưng mới chỉ là mộng thôi. Tôi chưa viết được gì ngoài vài bài thơ con cóc đăng trên báo Người công giáo viết từ lúc còn là Sinh viên trường Đại học Bách Khoa. Nhưng điều đó, cái sự khác nhau đó lại hầu như trở thành một chất xúc tác là lạ để cả ba chúng tôi thấy khoái nhau. Ba con người, ba số phận, ba tính cách khác hẳn. Anh Kiểm lớn tuổi hơn cả, người đen chắc, thô vụng, kềnh càng, hay mặc bộ đồ nâu giống như một lão nông nhưng ăn nói lại nhỏ nhẹ, nhỏ nhẹ như văn anh vậy. Hà thì nhỏ con, gầy và còng ròng. Có lẽ khi bà mụ nặn anh đã sơ suất để anh được quá ít kí lô? Vậy thì Hà gầy, cái gầy do trời định cộng với cái gầy do thời buổi khó khăn, chịu đói thường xuyên đem lại. Hồi đó chúng tôi đói lắm. Đói bỏ cha bỏ mẹ. Tôi ban ngày đi làm cho cơ quan Thiết kế Công nghiệp, tối đi đánh búa thuê cho một HTX cơ khí. Nhiều khi mệt qua lăn xuỗng rãnh nước cạnh đường mà ngủ. Nói vậy nhưng cũng còn qua đó kiếm được chút ăn. Hà và Kiểm thì không. Các anh chỉ nhai chữ. Mà chữ thì không lấp đấy dạ dày được. Quanh năm tứ thời tôi chỉ thấy Hà mặc màu áo lính. Thì ra trước đây Hà có đi bộ đội, sau hòa bình thì giải ngũ và do có năng khiếu văn nghệ nên anh được nhận vào cơ quan hội. Ra với đời thường, Hà mang từ lính về được 2 bội quần áo và do cả hai bộ đều giống nhau nên có cảm giác anh chỉ có một bộ duy nhất. Mà bộ quần áo thời lính của Hà lại rộng nên trông Hà lúc nào cũng như đang bơi trong nó. Bề ngoài so với Kiểm và Hà thì tôi được coi là con chích chòe khá bảnh, quần áo không có tiền để là nhưng được gấp gối đầu giường thành ra lúc nào cũng như gấp nếp. Và tôi lại là gã hay nói. Chích chòe, chích chòe choe. Có cái gì là tìm sang Hà và Kiểm để khoe luôn. Theo sự động viên của hai anh, tôi tập tọng viết văn, tập tọng làm thơ, tập tọng các kiểu ta đây nghệ sỹ. Có lúc hứng lên, tôi thôi bỏ áo trong quần, làm một bộ Pizama bằng vải thô màu nâu, lê đôi guốc mộc. Cũng vì bộ quần áo và đôi guốc mộc ấy mà tôi bị cơ quan phê là lập dị rồi vì bướng không sửa nên xếp hạng hàng tháng dù được coi là con dao pha trong công việc, tôi vẫn cứ bị đẩy xuống hàng cuối cùng. Chỉ có Hà và Kiểm là nhìn tôi gật gù cười. Có lẽ các anh thấy ở tôi cái ngông của tuổi trẻ?!

Từ 1976 đến 1986 có thể nói đó là mười năm khó khăn nhất của đất nước. Người đời đói, cánh nhà văn nhà thơ lại càng đói tợn. Ở văn phòng Hội Văn nghệ hồi đó có một cái bếp tập thể. Bà Suốt là người được cơ quan Hội nhận về làm cấp dưỡng. Bà già, không có chồng, khó tính, nóng và luôn quát nạt hết thảy cánh nhà văn nhà thơ. Bà không ác. Có lẽ bà chỉ muốn ỏm tỏi để giúp những người khác quên đi cái nghèo đang cứ bao lấy họ như màn khói bếp của bà, hay để mấy ông văn chương đứng dậy đi khỏi hội mà kiếm lấy cái thiết thực bỏ bụng chứ đừng túm năm tụm ba lại với nhau suốt ngày uống chè bã rồi thơ phú ngâm vịnh. Gian phòng Hà ở cách cái bếp suốt ngày um khói của bà Suốt chừng có vài ba mét và tôi ngờ rằng chính có lẽ hít phải khói từ căn bếp ấy nhiều nên thơ anh thường rất buồn. Hằng ngày Hà không ăn cơm tập thể mà tự nấu lấy. Không phải Hà sợ thiệt mà chính là nấu lấy thì có thể nấu ít hơn, ăn ít hơn. Hà có một cái xoong nhôm bé bằng hai bàn tay chụm và tất cả bữa ăn của Hà là từ đấy. Hôm nào có tiền Hà kho tép hoặc chưng nước xì dầu với mấy mẩu tóp mỡ trước, không có tiền thì dung xoong rang muối với ớt làm thức ăn mặn, đổ ra đĩa lấy cái luộc rau, xong lại đổ ra bát và nấu cơm. Đến bữa, Hà trệu trạo nhai, trệu trạo nuốt, trệu trạo nghĩ thơ. Trên chiếc túi áo ngực của Hà bao giờ cũng có sẵn một cây bút và mấy tờ lịch xé ở trên văn phòng. Nghĩ được câu thơ nào Hà lại dừng trệu trạo và ghi chúng vào tờ sau của mấy tờ lịch đó.

Vậy mà cả một tập thơ MÂY SÔNG NINH đã ra đời.

Sông Ninh dòng nước vẫn hiền

Như còn bà ngoại ở bên kia đò

Mái gianh gió cũ cào xơ

Tre gai mấy bụi gầy gò xóm đê

Đò Sòng bến ngấn cát se

Mía vương vương tím lối về thắp hương

Sông trôi cứ ngỡ vẫn thường

Bồi bên nhớ, lở bên thương lúc nào

Cháu tìm về giấc chiêm bao

Vườn xưa phơi vắng nắng đào, bà ơi

Cháu tìm ông cậu tám mươi

Củ hành búi tóc ngồi bồi sách nho

Sông không rộng, sóng không to

Mà quê ngoại mỗi chuyến đò.... mỗi xa.

Đây là bài Mây sông Ninh, bài đầu tiên và cũng là bài được lấy tên chung cho tập thơ.

Thơ Hà vậy đó. Phần lớn buồn và hơi cổ điển. Hồi đó chúng tôi không mấy người có thói bẻ đôi câu thơ, bẻ ba, bẻ bốn, thậm chí bẻ vụn câu thơ ra như nhiều người bây giờ thường làm để tỏ mình cách tân, đổi mới. Làm vậy, có thể tạo được dăm ba sự tò mò nào đó nhưng về thực chất, chúng chỉ như lóng lánh từ những mảnh vụn của thủy tinh vỡ chứ không thể là một đẹp hoàn chỉnh của chiếc bình pha lê do một nghệ nhân đích thực sáng tạo nên được. Hà làm thơ theo lối cũ, rủ rỉ, rủ rỉ:

... Xuân về Nam Định êm đềm lắm

Nửa tỉnh, nửa quê ai nhớ không

Chợ hoa, quầy báo người mua sắm

Tiếng hỏi như mơ, tiếng đáp mòng

Phố xá đủ vui mà đủ thoáng

Dáng người nửa vội, nửa khoan thai

Mùa xuân Nam Định duyên thầm thoảng

Như cánh đào phai, như má ai...

( xuân Nam Định )

Tôi không phải là nhà phê bình thơ. Tôi chỉ cảm thơ, thấy thích thì nói thích, không biết phân tích tại sao. Và tôi đã từ lâu phải lòng những bài thơ của Hà:

MẸ TÔI

Nhớ về tóc mẹ bạc phơ

Ngậm ngùi tôi nghĩ vẩn vơ với trời

Ai người thương xót mẹ tôi

Nửa đời chạy giặc, nửa đời mong con

Tôi đi mê mải nước non

Chiều nay đứng giữa chon von kiếp người

Tim như chiếc lá nhỏ nhoi

Thấm lên hết nỗi cây đời trần ai

Mẹ cho con những ban mai

Mây chiều xin tựa bóng dài sang con...

TÌNH LỠ

Nước trôi từ bấy đến giờ

Bao nhiêu còn lại một bờ nắng chênh

Tuổi hoa lỡ một mối tình

Tiếc như chiếc kẹo để dành lại quên

Đánh xe mười ngựa tôi tìm

Ngẩn ngơ chốn cũ cầm lên giấy hồng

Người ơi dầu thế là không

Còn phong má đỏ, yếm hồng trong mơ

Nước trôi từ bấy đến giờ...

XỨ TRĂNG

Đường mông du vằng vặc uốn lên trăng

Hương run rẩy một luồng đây với đó

Trời xanh mướt thả dài cong ngọn gió

Treo long lanh chùm sao Thủy, sao Kim

Vầng trăng như vị đạo sỹ im lìm

Lướt vùn vụt dặm mây sương trải vóc

Mường tượng rõ cả cỗ xe nạm ngọc

Ánh biếc trong lộn với sắc da trời

Trăng nõn nà, trăng nuồn nuột, trăng tươi

Trăng cù kí muôn cười, muôn ý lạ

Xanh cả chiếc bóng ai vừa trổ lá

Hoa xứ trăng không rụng, mộng không tàn

Người xứ trăng, vai gió núi, mây ngàn...

Văn là người. Tôi tin rằng những người đã viết được những câu thơ, những bài thơ đẹp và mê đắm đến vậy mặc dù thường là khổ, nhưng chắc chắn không thể và không bao giờ là một kẻ đểu cáng, xấu xa. Gặp họ trong cuộc đời ta có thể yên tâm mà chìa bàn tay ra với họ cùng một niềm mến thương, tin cẩn.

Còn nữa, còn rất nhiều bài thơ của Hà mà tôi thích. Thơ anh không cao giọng, không cố tình bày đặt câu chữ. Anh nhặt từ cuộc đời những từ ngữ của đời mà ghép thành thơ. Anh cứa vào những mạch máu li ti trong trái tim đập thất thường của mình để chúng bật thành những âm thanh vi diệu có sức len và đụng chạm tới mọi cõi lòng người và làm run rẩy cả trăng sao. Thơ Hà đã đạt tới vẻ giản dị thuàn khiết nhất. Đọc thơ Phạm Như Hà, có cảm giác phảng phất đâu đó có cuồng say của Hàn Mặc Tử, có chân quê của Nguyễn Bính, có mê đắm của Xuân Diệu và có cả sự mộc mạc mà đằm thắm của Đoàn Văn Cừ. Nhưng Phạm Như Hà vẫn giữ được nét riêng, đủ để tạo nên từ anh một phong cách thơ, một vẻ dáng riêng không trộn lẫn.

Năm 1992 tôi chuyển về Ninh Bình. Thỉnh thoảng lắm mới có dịp ra Nam Định và có dịp gặp được Hà. Hà vẫn vậy nhưng gầy hơn và khắc khổ hơn. Điều làm tôi quý Hà một phần về thơ anh, nhưng một phần chính nữa là con người anh. Với tôi, Hà coi tôi như em, như một người bạn chí cốt. Có chuyện gì lớn nhỏ trong đời anh em tôi thường đem bàn với nhau. Nhớ cái lần tôi sắm được chiếc xe Mokik, Hà cười bảo: Hôm nào rảnh, ông cho tôi lên ngồi thử, đưa tôi đi mấy vòng quanh phố xem cảm giác ngồi trên cái “bình bịch” nó thế nào? Bảo vậy nhưng mấy lần sau đó thì khi tôi mời Hà cứ tìm cách lảng. Anh sợ tôi tốn xăng. Lại nhớ nữa, cái lần năm 2001 tôi được giải Nhất cuốn “Khúc đồng dao lấm láp”, giải thưởng hồi đó 25 triệu là to lắm, to nhất cả nước, to đến mức nó giúp tôi trả hết được món nợ làm nhà mà suốt gần 10 năm đeo nặng. Liền năm sau đó, tôi được giải Nhất “cuộc thi thơ Lục Bát báo Văn nghệ tổ chức trong hai năm 2001-2002”. Tôi ra Nam Định tìm Hà với mục đích kéo anh đi chiêu đãi nhưng Hà cứ nhất quyết đòi được chiêu đãi tôi. Anh bảo tôi ngồi uống nước, xỏ vội chiếc áo lính đã bạc màu lên người rồi chạy bộ ra chợ Rồng mua về một đĩa lòng và một cút rượu trắng. Hà chạy sang bà Suốt mượn chiếc xoong khác to hơn và vừa nấu cơm vừa thỉnh thoảng lại kéo ghế sát bên tôi: Ông giỏi lắm. Cái Khúc đồng dao lấm láp ấy, tôi đánh giá ông hơn cả... tôi không nhớ Hà so tôi với ai, hình như là với một nhà văn phương tây nào đó khá nổi tiếng. Anh vỗ vai tôi hỉ hả cười. Và rồi cũng lại chợt buồn: Kao Sơn thông cảm cho mình. Ba bài thơ được giải của ông vừa rồi ấy mà, mình nhớ là trước đó Kao Sơn có gửi cho mình. Mình đọc thích lắm định đưa in trên tạp chí ngay nhưng... Tôi vội xí xóa cười lắc đầu để anh yên tâm. Làm tổng biên tập của một tạp chí, tôi hiểu khó khăn của một tờ báo cấp tỉnh với bao mối ràng buộc cùng bao quan điểm này nọ. Nhưng Hà thì cứ tỏ rõ vẻ băn khoăn.

Có lẽ thời gian đó Hà đã bắt đầu nung bệnh nhưng giấu không cho tôi biết. Tận cho đến khi bệnh tật đã đánh ngã hẳn và Hà đã buộc phải về quê thì tôi mới hay. Tôi về quê Hà thăm anh. Gặp nhau, nằm trên giường bệnh, Hà vẫn nói chuyện Thơ. Anh lôi từ dưới gối ra mấy bài đưa tôi đọc. Tôi mang về in cả cho Hà, dặn văn phòng làm tăng nhuận bút để gửi cho anh và không nói cho ai biết. Lần thứ hai, vào đầu năm 2004, tôi lại về thăm Hà thì sức anh đã yếu lắm. Khi biết tôi đã được kết nạp Hội nhà văn VN từ trước đó một năm, Hà cứ nắm lấy tay tôi mà lắc, không nói được nhưng nước mắt thì ứa ra. Cả hai chúng tôi cứ cầm lấy tay nhau mà khóc.

Tháng 6 năm 2004 thì Hà mất. Tôi được tin anh ra đi đúng dịp Hội VNNB tổ chức đại hội. Tôi bỏ dở cuộc hội nghị phóng về quê Hà vừa lúc linh cữu anh bắt đầu rời nhà. Đường quê khúc khuỷu gồ ghề. Những bụi tre gai buông vội lá để tiễn người thi sỹ đã có công đưa chúng vào những trang thơ đẹp. Đường từ nhà anh tới nghĩa địa xa nên người ta đưa Hà đi khá nhanh. Hay chính Hà làm nên vậy, anh muốn đi nhanh, thoát nhanh khỏi cõi trần ai buồn trẻ và cơ cực này để về với nơi mà ở đó chắc Nam Cao, Nguyến Bính, Đoàn văn Cừ và người bạn chí thiết của anh: Nguyễn Thế Kiểm đang giang rộng vòng tay đón anh.

Bây giờ, tháng sáu này đã là cái giỗ thứ bảy của Hà. Hà xa chúng tôi đã 7 năm vậy mà mỗi lần nhớ đến Hà tôi vẫn như thấy anh đang ngồi đó, trệu trạo nhai, trệu trạo nuốt, trệu trạo nghĩ và ghi thơ còn hồn anh thì đã thoát ra khỏi cái tấm thân gầy còm kia mà bay lên. Và trên cao ấy, trên dải thiên hà mênh mông tinh tú, Hà của tôi đang thỏa sức giang tay mà “ vục giăng sao âu yếm áp lên môi”.

Sài Gòn, một ngày cuối tháng 5/ 2011