CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ "TÌNH KHÚC TUỔI 50" CỦA KAO SƠN

TÌNH KHÚC TUỔI NĂM MƯƠI

Rút trong tập thơ Xúc Xắc- NXB HNV 2006

Vướng tình ở tuổi năm mươi

Làm sao lại thế, hả tôi, hả giời?

Trái tim ngỡ hoá đá rồi

Bỗng dưng loạn nhịp bởi người đâu đâu

Tình cờ một thoáng gặp nhau

Người ta cũng chỉ hỏi chào bâng quơ

Thế mà...như bị ma đưa

Ngóng trông ra ngẩn vào ngơ cả ngày

Thế mà... như bị giời đày

Chợt vui, chợt giận, chợt ngây, chợt khùng

Tuổi năm mươi - cũng lạ lùng

Tự dưng chập mạch phải lòng... người dưng

Đọc Tình khúc tuổi năm mươi của Kao Sơn, tôi bất giác mỉm cười. Thật lạ! Tuổi năm mươi vẫn còn tình khúc ư? Tôi bỗng nhớ khổ thơ của Chế Lan Viên viết về tình yêu của tuổi năm mươi:

Anh tặng em yêu chùm hoa sắc trắng

Nhưng khi yêu, anh yêu đỏ hoa hồng

Tuổi năm mươi lòng yêu như lửa đỏ

Mà bên ngoài vẫn cứ trắng như không.

Với nhà thơ Chế Lan Viên, tình yêu của tuổi năm mươi là thế, vẫn nồng nàn, rạo rực; rất đằm thắm, sâu xa pha chút thâm trầm, lắng đọng. Tất cả được giấu trong cái vẻ bên ngoài cứ như không vậy. Còn ở đây, tình yêu trong Tình khúc tuổi năm mươi của Kao Sơn có cái gì khác lạ. Lạ đến nỗi, chính người trong cuộc cũng ngạc nhiên, tự hỏi tôi, hỏi giời:

Làm sao lại thế, hả tôi, hả giời?

Theo lô gíc thông thường, tuổi năm mươi chưa lên lão nhưng cũng sắp lên ông, lên bà. Nếu có chập mạchphải lòng người dưng chắc chắn sẽ phải giấu kín, phải làm như không có chuyện gì. Đằng này, tác giả lại cứ xưng xưng nói cái điều lẽ ra phải giấu kín ấy bằng giọng thơ hóm hỉnh: nửa như thật, nửa như đùa; Vừa như để tự thú, vừa như để tự giễu mình. Vì sao ư? Điều này cũng thật dễ hiểu, bởi tình yêu vẫn có lí lẽ riêng của nó. Nếu ở độ tuổi đang yêu, thì chuyện phải lòng một ai đó chả có gì đáng nói. Đằng này, ở tuổi ngũ tuần Trái tim ngỡ hoá đá rồi Bỗng dưng loạn nhịp bởi người đâu đâu, thì đó quả là vấn đề "không bình thường". Nhưng, tình yêu chính là một đặc ân của Thượng đế ban cho loài người. Bởi thế, nó cũng không phải là độc quyền của bất cứ lứa tuổi nào. Tình yêu có tín hiệu riêng, ngôn ngữ riêng và cũng có quy luật riêng. Vậy nên, ta cũng không lạ, khi ai đó, ở tuổi năm mươi, mà vẫn vướng tình, vẫn bị sét đánh bởi người đâu đâu.

Vậy cái người đâu đâu - "đối tác" mà tôi phải lòng ấy là ai? Hình dáng thế nào? Dịu dàng, đằm thắm ra sao? Nhà thơ không hề "tiết lộ". Tôi ngờ rằng, chính tác giả - người trong cuộc, cũng không thể có câu trả lời, bởi vì:

Tình cờ một thoáng gặp nhau

Người ta cũng chỉ hỏi chào bâng quơ.

Tình yêu đâu cần rõ ràng đến thế? Chỉ có một thoáng gặp nhau, chỉ qua một tiếng hỏi chào bâng quơ, vậy mà người ta đã gieo sấm, gieo sét trong lòng nhà thơ tự lúc nào. Và như vậy, cái điều tưởng như vô lí, đã hoàn toàn có lí.

Theo tác giả, chuyện vướng tình đến thật ngẫu nhiên, tình cờ. Nhưng có lẽ tất cả lại bắt đầu từ sự ngẫu nhiên, tình cờ ấy. Vâng! Điều gì phải đến thì tất nhiên sẽ đến. Người ta chứ có phải gỗ đá đâu? Đến cỏ cây cũng có tình, huống hồ con người? Vậy thì, việc tôi phải lòng một bóng hồng nào đó cũng là Hạnh phúc- Hạnh phúc được sống lại cảm giác yêu thực sự. Mặc dù có vẻ như tác giả không muốn thừa nhận cái cảm giác hạnh phúc ấy nên nói đổ rằng: mình như bị... ma đưa, bị... giời đày. Không, tôi lại nghĩ đó mới là cảm giác thực sự của hạnh phúc, của tình yêu. Chả thế mà mọi cung bậc tình cảm, mọi giác quan của một người đang yêu đều được tôi bộc lộ ra hết đó sao?

Thế mà...như bị ma đưa

Ngóng trông ra ngẩn vào ngơ cả ngày

Thế mà... như bị giời đày

Chợt vui, chợt giận, chợt ngây, chợt khùng

Ai đã từng yêu sẽ không lạ gì tâm trạng bồn chồn ra ngẩn vào ngơ, không lạ gì tính khí thất thường đến ngây ngô như con trẻ của người đã vướng vào vòng yêu. Người đọc dễ tin, dễ đồng cảm cùng tác giả, bởi ít ra, anh đã nói thật được lòng mình và... nói hộ lòng người.

Đúng ra, theo lời giải thích của tác giả, thì đây là bài thơ anh làm để trêu trọc bạn khi phát hiện ra bạn mình hình như đang phải lòng... một ai đó. Có thể điều đó là thật. Có thể anh là người vô can. Nhưng khẩu khí, giọng điệu và nhất là cái tình của bài thơ dường như "chống lại" anh. Vì cái điều anh nói ra quá đúng, quá thật - thật như đang xưng tội trước Chúa vậy. Vì thế cho nên, anh vẫn phải chịu nỗi oan Thị Mầu.

Tình yêu là đề tài muôn thuở, là chuyện của muôn đời, muôn người. Vậy nên, tuổi nào mà chả cần tình yêu và muốn có tình yêu? Trong cuộc sống bộn bề, đầy ắp lo toan, nếu ai đó có một lần trái tim loạn nhịp; có một lần bị... giời đày; có một lần chập mạch vì một người dưng nào đó để rồi nhớ, rồi yêu (có thể chỉ là tình yêu đơn phương), thì hẳn cuộc sống sẽ thi vị hơn nhiều. Phải chăng, đó là chút dư vị ngọt ngào mà tác giả muốn đem đến cho người đọc qua Tình khúc tuổi năm mươi?

Nguyễn Thị Bình - Trưởng khoa Ngữ Văn Trường ĐH Hoa Lư NB